Vai Phản Diện Cùng Ta Xây Dựng Sự Nghiệp

Chương 24: Thay đổi (2)




Editor: Morii

Beta: Lục

Sau khi Tô Thu Diên thoát được công việc bận rộn là dẫn trẻ nhỏ đi chơi tiết thanh minh, à nhầm, dẫn tu sĩ đi săn thú thì cuối cùng, y đã có thể rảnh tay để làm ít chuyện khác.

Tạ Ngang đang báo cáo cho y về những khó khăn trong đời sống của người dân mà tổ trưởng của từng khu phố đã thu thập được dạo gần đây.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà ngay từ đầu Tô Thu Diên đã giao cho tổ trưởng của từng khu phố—— lo nỗi lo của dân, sợ nỗi sợ của dân, vì nhân dân giải trừ khó khăn vướng mắc.

Sau khi Tạ Ngang xem qua tư liệu do các tổ trưởng nộp lên, ông loại ra một số vấn đề không thể xử lý, chỉ lọc lấy hai chuyện quan trọng nhất để nói.

"Đầu tiên là chuyện của trẻ nhỏ. Hiện nay cộng ba khu phố lại tổng có mười tám đứa, tất cả đều dưới năm tuổi. Mỗi ngày bọn nhỏ đều phải ở nhà không được ra ngoài, nên bây giờ ngay cả nói còn chưa nói rõ được ."

"Chuyện thứ hai là về người già. Bên ngoài thành vốn có năm ông cụ, chiếu theo thông lệ của Thiên Nguyên Tông thì những người này phải bị đuổi đi. Nhưng từ khi thành chủ đến, ngài không đề cập đến chuyện này nên họ vẫn nhận đồ ăn thức uống như cũ, có điều không nhiều bằng người khác, một ngày chỉ được ăn một bữa."

Nói tới đây, Tạ Ngang lại bổ sung: "Trừ năm cụ đó, thật ra còn có mười ba người mất khả năng lao động, người thì gãy tay, người thì què chân. Mặc dù họ vẫn có thể tự lo liệu các sinh hoạt cá nhân nhưng lại không thể làm việc được. Bây giờ khu vực khai thác mỏ đang rất bận bịu, chỉ khi xong việc của ngày hôm đó rồi mới có người quay về đưa cho họ một bữa cơm tối. Thành chủ, theo ngài thì chúng ta phải làm gì với những người này?"

Tạ Ngang biết, Tô Thu Diên nhất định sẽ không bỏ mặc họ, cho nên sẽ không có chuyện ngài ra lệnh đuổi họ đi. Nhưng cứ tiếp tục như vậy thì chắc chắn không thể được.

Mười tám người đó vừa không thể săn thú vừa không thể khai thác mỏ, nếu cứ ngồi không hưởng thụ như thế, một thời gian sau, những người khác chắc chắn sẽ có ý kiến.

Ngay cả chuyện của mấy đứa trẻ, dù chưa phải quá cấp bách nhưng nếu không xử lý kịp thời thì sẽ ảnh hưởng tới thế hệ tiếp theo của thành Thanh Châu.

Tô Thu Diên nghe vậy, hơi nghĩ ngợi rồi nói: "Hiện tại, trong nội thành có bao nhiêu con của các tu sĩ?"

Tạ Ngang nói: "Trong nội thành, trẻ con dưới năm tuổi có mười bảy đứa, năm tuổi đến mười tuổi có tám đứa, tổng cộng là hai mươi hai."

Còn như những đứa mười tuổi trở lên thì đã không thể xem là con nít nữa.

Tô Thu Diên nói: "Thực ra chuyện này rất dễ giải quyết. Hãy xây một khu nhà trẻ, mỗi ngày đưa chúng đến học vào một giờ cố định, rồi cho học chữ, học toán."

Những lời đó vừa nói ra, Tạ Ngang đã ngơ ngẩn. Song, là một lão già đã lăn lộn nhiều ở nơi đầu sóng ngọn gió, ông lập tức hỏi lại: "Nhà trẻ? Ý là nơi để trông nom con trẻ ư? Vậy chắc hẳn là phải tìm người tới trông?"

Tô Thu Diên không trả lời vấn đề này, chỉ nói: "Ta nhớ hình như có một vài tu sĩ trong nội thành vừa không ra ngoài thành đi săn lại không đảm nhiệm chức vụ gì ở khu khai thác mỏ đúng chứ?"

Đúng là có việc này. Dẫu sao xét về tuổi tác thì tu sĩ sẽ sống được rất lâu, dù không muốn làm việc cũng có con cháu trong nhà cung phụng. Khác với mấy cụ già ở ngoại thành, phần lớn đều neo đơn góa bụa, không có lấy một người chăm sóc cho bọn họ.

Tạ Ngang tính toán rồi nói: "Khoảng chừng có hơn mười người, con số cụ thể còn cần thần phải đi tra xét."

Tô Thu Diên nói: "Vậy thì dễ xử lý rồi, cứ cho họ làm giáo viên của nhà trẻ. Nếu không biết chữ thì thông hiểu thuật toán cũng được, còn không biết cả hai thì dạy được cái gì cứ dạy cái nấy."

Tu sĩ khác với phàm nhân. Phàm nhân một chữ bẻ đôi cũng không biết, còn tu sĩ thì dù ít đọc sách cỡ nào vẫn nhận biết được mặt chữ, các phép toán đơn giản vẫn biết làm.

Thế nên để bọn họ làm thầy của mấy đứa trẻ thì không thành vấn đề, nhưng Tạ Ngang lại suy xét đến một chuyện khác.

Ông ngập ngừng nói: "Nếu họ không muốn thì..."

Kiến thức là thứ sản phẩm độc quyền. Phần lớn các tu sĩ lớn tuổi đều cổ hủ, bảo họ dạy trẻ con ở nội thành thì không sao, nhưng nếu thêm cả trẻ con ngoại thành thì chưa chắc bọn họ đã đồng ý.

Tô Thu Diên nói: "Ông cứ đến gặp rồi nói chuyện với họ, họ sẽ đồng ý."

"Ngoại trừ họ thì mười tám người lớn tuổi ở ngoại thành kia, kể cả là người mất khả năng lao động cũng có thể làm thầy. Tuy bọn họ không biết chữ nhưng họ đã từng khai thác mỏ, có vốn kinh nghiệm sống, cho dù bọn họ chỉ kể chuyện thôi cũng được. Có người trông trẻ con, nói chuyện với chúng nó vẫn sẽ tốt hơn là ở trong nhà bí bách không có việc gì làm. Vậy là gom đủ nhân viên rồi."

"Nếu thật sự không làm thầy được, vậy thì làm hậu cần. Nấu cơm nấu nước, quét dọn vườn, chăm sóc trẻ con, thế nào cũng có việc để làm, cứ quyết định là vậy đi."

Nói tới đây, cảm hứng của Tô Thu Diên đã bị khơi lên, dứt khoát bắt đầu thiết kế chương trình học.

"Tiết học chữ và học toán chắc chắn phải có, đây là thứ quan trọng nhất. Sau đó là giờ thể dục, mỗi ngày ít nhất phải có nửa canh giờ ra ngoài vận động, rèn luyện thân thể. Tiếp nữa là giờ học lịch sử, bảo người đến dạy cho bọn họ các mốc lịch sử cơ bản của Thanh Châu. Đúng rồi, còn phải có tiết học về kỹ năng sống, ta không muốn bọn trẻ ngay cả nấu cơm đun nước cũng không biết làm."

Y nói liên tục, hệt như một vị hiệu trưởng nhà trẻ đang vui vẻ thiết kế chương trình học của nhà trẻ với một niềm vui thích không hiểu bắt nguồn từ đầu.

Nhưng sau khi thiết kế xong, y lại ngẫm thấy mình nghiêm khắc quá bèn dứt khoát đổi hơn phân nửa thời gian thành tiết vừa chơi vừa học. Các thầy giáo không cần chuyên môn dạy điều gì mà chỉ cần nói chuyện với tụi nhỏ, dẫn chúng đi chơi là được.

Truyện chỉ được đăng tại Diễm Sắc Cung

Tạ Ngang nghe Tô Thu Diên nói về những kế hoạch liên quan tới vườn trẻ xong, tâm trí đã trôi giạt đến nơi khác mất rồi.

Chuyện của nhà trẻ nghe thì có vẻ như chỉ vì chăm sóc trẻ con trong thành, nhưng thực tế cũng giải quyết vấn đề việc làm cho các cụ già và những người mất khả năng lao động trong thành.

Đương nhiên, hai điều trên không phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là, có nhà trẻ thì con nít sẽ có người chăm, có người dạy dỗ. Như vậy phàm nhân và các tu sĩ sẽ lấy đó mà yên tâm, có khi mùa đông này sẽ "tạo" ra được kha khá người. Với số người ngày càng tăng thì thành Thanh Châu lo gì không có sức phát triển?

Ngoài ra, người già sẽ có việc làm, có cơm ăn, không cần dựa vào sự bố thí của người khác; những người khác sau khi thấy thế thì chắc chắn lòng trung thành và ý nghĩ xem thành Thanh Châu là ngôi nhà đến cuối đời sẽ càng sâu sắc hơn. Dẫu sao có ví dụ ngay trước mắt, bọn họ có thể tin tưởng rằng khi mình già rồi chắc chắn cũng sẽ không bị bỏ rơi.

Quả nhiên, cách nghĩ của thành chủ luôn sâu sắc hơn của ông nhiều.

Chẳng hạn như việc cho phàm nhân đến nhà trẻ làm việc mà trước đó thành chủ đã đề cập tới, e là cũng có cân nhắc sâu xa hơn——Những đứa trẻ đó từ nhỏ đã tiếp xúc nhiều với phàm nhân, sau này có lẽ sẽ không còn mang thành kiến tiên phàm khác biệt nữa. Đây không phải là đặt nền móng vững chắc cho sự hòa hợp của tòa thành sau này sao?

Một hòn đá ném chết nhiều con chim, không hổ là thành chủ!

Tạ Ngang càng nghĩ càng thấy mừng trong lòng. Dường như ông đã mường tượng ra viễn cảnh tươi đẹp của thành Thanh Châu trong tương lai, già có nơi nương tựa, trẻ có biệt tài, người góa bụa neo đơn có chốn để sinh dưỡng.

Nghĩ tới đây, ông vừa hiền từ vừa cung kính nhìn thành chủ vẫn đang viết viết vẽ vẽ, trong lòng đã phục sát đất.

Mà vị thành chủ được người khác bội phục vẫn còn đang suy xét xem thời gian vui chơi có nhiều quá không? Hay là tăng thời gian học tập thêm nửa canh giờ?

Ngày hôm sau, Tạ Ngang tìm được một khu nhà không có người ở ngay nội thành.

Thật ra là có khá nhiều nơi giống như vậy, bởi vì thành Thanh Châu năm xưa có rất nhiều tu sĩ. Nhưng sau khi thành Thanh Châu bị Thiên Nguyên Tông thống trị đã có nhiều người bỏ mạng, dần dần chỉ còn lại hơn một trăm người.

Động thái của ông không giấu được ai, huống chi ông cũng không định ém chuyện. Sau khi tìm được một đình viện lớn nhất, ông đã gọi ngay người đến dọn dẹp quét tước.

Nơi này đã nhiều năm không có ai ở, bụi bặm đến mức có thể đắp lên mặt được.

Hơn nữa, mùa đông sắp đến nên còn phải xây thêm lò sưởi, như thế thì tiết học trong mùa đông sẽ không quá lạnh.

Đình viện này vừa vặn nằm kế bên nhà Trịnh Minh, hắn vừa đi săn về đã bắt gặp Tạ Ngang đang định rời đi.

Hắn ta vội vàng đi sang hỏi chuyện, tò mò hỏi dò xem có phải có ai đó sắp chuyển đến đây.

Tạ Ngang gật đầu đáp: "Đúng là sắp chuyển, nhưng phải chờ đến khi đình viện sửa sang xong xuôi đã."

"Chẳng lẽ là thành chủ định đến đây ở? !" Trịnh Minh lập tức động não.

Nếu không thì tại sao chuyện cỏn con như dọn dẹp đình viện lại phải cần đến tôn đại phật như quản gia Tạ?

Tạ Ngang nghe thế hơi sững sờ, sau đó nở nụ cười thật hiền hậu, vỗ vai Trịnh Minh một cái rồi rời đi.

Trịnh Minh thấy ông không bác bỏ, trong lòng bắt đầu ảo tưởng, dẫn đến mấy ngày sau trên mặt hắn luôn treo vẻ mơ mơ màng màng.

Cho đến một hôm, hắn ta về nhà và được nghe nói căn viện kế bên đang làm gì thì mới hiểu được lý do quản gia Tạ lại cười hiền với hắn ta đến vậy—— bởi vì người thiểu năng cần phải đặc biệt quan tâm yêu thương.

Không nói tới phản ứng của Trịnh Minh, hơn phân nửa những người biết chuyện này đều vừa mừng vừa sợ. Đến khi bọn họ cẩn thận ngẫm lại mới bắt đầu cực lực tán thành quyết định này của thành chủ.

Ngay cả các tu sĩ cũng không ngoại lệ. Vì hiện tại bọn họ đang bận tối mắt tối mũi, ngày nào cũng đi sớm về muộn. Đó là chưa nói đến chuyện con trẻ chờ ở nhà không có ai chăm sóc sẽ rất dễ tạo nên tâm lý tự kỷ. Nếu như có một nơi chuyên để chăm sóc và giáo dục trẻ, đương nhiên là bọn họ cầu còn không được.

Chỉ là việc tuyển giáo viên gặp phải một vài trở ngại.

Giống như điều mà trước đây Tạ Ngang lo lắng, tu sĩ thế hệ trước vừa nghe rằng phải dạy cả bọn trẻ phàm nhân thì đều không đồng ý. Họ dạy con của tu sĩ còn được, dù sao cũng là người nội thành, chứ nếu là ngoại thành thì họ lại sinh ra cảm giác bản thân bị thua thiệt.

Đương nhiên, họ vẫn không dám phản đối, bởi từ nhỏ đến lớn, họ chưa từng có can đảm để phản lại mệnh lệnh của thành chủ. Dù là những thành chủ ngang ngược mà họ hận đến ngứa răng ngày trước còn chẳng dám, thế thì nói gì đến người đáng kính đáng quý như hiện giờ.

Tuy thế, tư cách để than phiền thì họ vẫn phải có.

Nếu là những chuyện khác, họ có phàn nàn thì cứ để cho phàn nàn thôi. Nhưng lần này liên quan đến vấn đề giáo dục con trẻ nên Tô Thu Diên rất chú trọng, bởi vậy y đã dặn dò Tạ Ngang phải làm công tác giáo dục tư tưởng thật tốt.

Tư tưởng không thể thống nhất thì không được làm thầy.

Vì thế mà thời gian gần đây, Tạ Ngang luôn dẫn theo Tần Việt chạy ngược chạy xuôi, nói đến mức khô hết cả miệng lưỡi, cuối cùng cũng khai thông tư tưởng cho các tu sĩ.

Truyện chỉ được đăng tại Diễm Sắc Cung

Bên tu sĩ đã giải quyết xong, bên phàm nhân càng dễ bàn hơn.

Bọn họ không có ý kiến với việc dạy ai nhưng lại lo lắng không biết bản thân có đủ tư cách để được dạy hay không.

"Thành chủ nói, kinh nghiệm của các người rất hữu ích, đặc biệt là đối với một vài đứa nhỏ mẫn cảm, biết thêm những kiến thức đời sống này chỉ có lợi không có hại."

"Hơn nữa, không phải chỉ có mỗi cương vị thầy dạy học, nếu các ngươi cảm thấy mình không đủ khả năng thì làm hậu cần. Trong nhà trẻ có khá nhiều trẻ con ba bốn tuổi, rất khó để trông nom tụi nhỏ, công việc này không hề nhàn hơn làm thầy đâu."

"Huống chi có công việc này, về sau các ngươi sẽ được ăn một ngày ba bữa, dù là ai cũng không dám kiếm chuyện lý sự, trừ khi sau này bọn họ không định cho con mình đến nhà trẻ."

Được lời của quản gia Ta, phàm nhân yên tâm hẳn.

Vấn đề tuyển thầy dạy đã được giải quyết, chỉ còn công tác đào tạo trước khi làm việc.

Tạ Ngang bận đào tạo, vì thế dứt khoát giao việc tuyển học sinh cho Tần Việt.

Thế là dạo gần đây, Tần Việt đành trơ mắt lên nhìn một đống tu sĩ trẻ tuổi dùng trăm mưu ngàn kế mua vui lấy lòng thành chủ, còn mình lại phải đi ghi chép hoàn cảnh của mỗi đứa bé, đi trao đổi với từng vị gia trưởng.

Chờ đến khi xong việc, hắn chợt nhận ra đã đến cuối tháng mười một.  Lúc này, trận mưa đầu tiên của mùa đông cũng lộp độp rơi xuống.

-----------

Truyện được cập nhật nhanh trên https://diemsaccung09092002.wordpress.com


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.