Ung Châu Tàng Cốc

Chương 14: Vượt dòng sông ngầm




Tôi và A Lủ dùng xẻng, đao cố gắng cạy tấm kim loại ra khỏi vách hang, giáo sư cùng An chiếu đèn và luôn miệng nhắc chúng tôi phải cảnh giác cao độ. Thực sự không thể hiểu nổi tại sao tấm kim loại được lắp vào một cách vô cùng kín, cũng có thể do ngàn năm trôi qua, đất đá xâm lấn hòa quyện vào nhau như một thực thể trời sinh đã vậy, rất khó khăn để thực hiện công việc này dưới hoàn cảnh thiếu thốn ánh sáng, một thứ xa xỉ trong động ngầm tối như đêm đen. Cuối cùng khi mồ hôi hai đứa tôi nhỏ từng giọt, tấm kim loại cũng được tách ta, nhẹ nhàng chúng tôi đặt nó xuống nền hang, trước mặt bây giờ là một cầu thang nhỏ không nhìn thấy điểm cuối với độ dốc gần như thẳng đứng xuống dưới. Trong tích tắc nhìn nhau như hội ý, tôi dẫn đầu bước xuống những bậc thang hẹp chỉ vừa một người đi, bốn người nối đuôi nhau chầm chậm cẩn thận đi xuống. Vừa đi tôi vừa hình dung, nếu như những hang động trước là đường cụt tiếp giáp với vực sâu thăm thẳm, thì đoạn bậc thang đá này là con đường duy nhất để có thể tiến sâu xuống dưới, cầu thang không có lan can nên phải hết sức tập trung trong từng bước đi. Chúng tôi cứ đi mãi xuống mới biết được khi trước chẳng may sẩy chân rớt xuống vực thì chỉ có một khả năng duy nhất là tan xác mà thôi. Độ sâu được áng chừng hơn một trăm mét thì chạm đáy vực, quét đèn pin chung quanh thềm bậc thang thì chỉ thấy một vùng không gian rộng lớn, không khó để nghe được những tiếng nước chảy cuồn cuộn phía xa, giáo sư Minh nói khả năng phía trước sẽ có sông ngầm. A Lủ mệt mỏi đi cuối đoàn, nó không cẩn thận nên vấp chân, ngã dúi người về phía trước, An liền quay lại đỡ dậy, nhưng nó lười biếng uể oải, cứ nằm lì ra đó. Tôi định bụng quay ra đá vào mông nó, bây giờ là lúc nào rồi còn giở trò, chợt cảm giác phía dưới chân cũng bấp bênh, mặt đất lồi lõm chứ không hoàn toàn bằng phẳng. Quan sát kĩ hơn tôi nhận thấy bên dưới chân mình đầy những ụ đất như ụ mối lớn, tất cả mọi nơi đều như thế cả. Không biết lúc đó nghĩ gì, tôi có cảm giác không ổn liền bảo mọi người nhanh chân chạy về phía trước thật nhanh. A Lủ cũng phải bò dậy mà chạy cắm đầu chạy một lúc lâu, chúng tôi đã đến sát mép nước cuồn cuộn, đúng là có sông ngầm như giáo sư Minh dự đoán. Tuy nhiên bây giờ đã là đường cùng, tôi không kịp giải thích, bảo mọi người tìm khắp bờ sông xem có gì có thể dùng để vượt sông hay không, An quét đèn một lúc nhìn thấy dấu hiệu công trình nhân tạo, tôi vội chạy đến hướng đó xem xét. Đây là một khu vực được xây dựng giống như một bến đò trên sông ngầm, tương đối giống các bên đò ven sông Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ, chỉ khác nhau diện tích nơi đây lớn hơn nhiều. Khu bến được làm bằng gỗ, nhô ra mặt sông một khoảng nhỏ, khi cả đoàn đã đứng trên bến, tôi mới lần nữa chiếu đèn quét qua bãi đất vừa đi qua, đây đó nhấp nhô các gò đất lồi lõm khiến tôi càng khẳng định chắc chắn:

- Đây là một nghĩa địa lớn, nhìn xem.

Lúc này mọi người mới biết lý do vì sao tôi lại dẫn đoàn chạy nhanh qua bãi sông. A Lủ vẫn chưa hiểu được vấn đề, nó hỏi:

- Mày chắc không? Mà bãi tha ma thì có sao đâu? Tao đâu phải chưa từng đi qua.

Tôi chán nản không muốn giải thích với nó, những lúc như thế này tôi hay tự nhủ thà nói chuyện với đầu gối còn hơn. An kiên nhẫn hơn, phần cũng để xác định lại nghi ngờ của tôi, cô nói:

- Có thể đây là nơi chôn cất tử sĩ, những người chết trong công cuộc vận chuyển và chôn cất kho tàng.

Mặt A Lủ vẫn ngơ ngơ ngác ngác, như chưa hiểu ra vấn đề nó hỏi lại:

- Thì sao? Ai chết chả giống nhau.

Tôi bực mình gắt lên ngắn gọn:

- Khả năng có rắn giữ mả!

Lúc này nó mới à ừ ra vẻ đã thông suốt, nhưng không như những gì tôi lo ngại, chờ mãi mà không thấy bọn rắn xuất hiện, chắc là tôi lo xa quá mà thôi. Bọn rắn muốn tồn tại cũng phải có thức ăn, nếu như ở ngoài động nơi đồi trống giữa rừng, chúng có thể sai khiến con hổ xám như nô lệ thì ở trong này không có loài nào khác tồn tại để kiếm ăn thay chúng, hơn nữa trong hang động kín, nguồn thức ăn cũng rất hạn chế cho nên có lẽ bọn chúng đã sớm tuyệt diệt rồi. Khi vậy nên tôi cũng vững tin hơn, đưa ra ý kiến dò xét bãi sông ngầm tìm đường đi tiếp. Sau khi dò xét khắp nơi, ngoài bãi tha ma rộng lớn lồi lõm những ụ đất, không có con đường nào cả. Trên bến sông có xếp những cây gỗ tròn lớn, tôi mới nảy ra ý tương làm đò vượt sông, nghĩ là làm liền, mọi người cùng nhau xếp hơn chục cây gỗ, dùng dây thừng cố định để tạo bè thô sơ. A Lủ bảo tôi:

- Hay là đừng đi nữa, cái gì cũng được như thuyền bè tao sợ lắm.

- Vậy mày cứ bơi theo sau đi, hết cách rồi. 

Tôi trả lời ngắn gọn, A Lủ từ bé sợ thuyền bè, vì nó bị say sóng bẩm sinh, giống như say xe vậy nhưng tệ hại hơn nhiều lần. Thầy cũng từng nói mẹ nó cũng giống y thế, không thể chịu nổi việc ngồi tàu thuyền vượt biển, đó là lý do vì sao thầy phải chọn đường bộ chứ không đi đường thủy sang Việt Nam định cư như bao người Hoa khác. Nếu gọi họ là Ba Tàu, tôi nên gọi thằng Lủ là Ba Bộ thì đúng hơn. Cũng bởi vậy nên mẹ nó mới táng mạng nơi rừng hoang biên giới, và cũng vì cơ duyên đó chúng tôi là thế hệ sau mới tiếp tục quay về đây để tìm về một phần khuất tất của ngàn năm lịch sử. Mặc kệ nó có thích hay không, nếu không kết bè thì không thể đi tiếp, nương theo dòng chảy sông ngầm là cách duy nhất để tiến lên trong bối cảnh hiện tại. Dùng hết một mớ dây thừng, khi cảm thấy bè gỗ đã khá chắc chắn, chúng tôi thả bè xuống nước rồi từng người một bước lên, bè nổi rất tốt, thả tay ra khỏi bến, chúng tôi trôi theo dòng nước trong đêm đen vô định. Bè gỗ lướt qua dòng sông ngầm chảy xiết, bề rộng lòng sông cũng có giới hạn, nên chúng tôi vẫn chiếu đèn nhìn thấy hai bên bờ khá rõ ràng. Vẫn là cảnh mô đất nhấp nhô, không cần ai phải nói tôi cũng biết chắc chắn rằng dưới mỗi mô đất là một thây người, một binh sĩ hi sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ mang tính tuyệt mật và lịch sử này. Bè gỗ dập dềnh trôi, chúng tôi không thể thoải mái đứng trên bè, chỉ có thể ngồi bám chặt các sợ dây thừng để giảm bớt sự chênh vênh trên đó. A Lủ nằm dài dưới mặt bè, nó bắt đầu cảm thấy say sóng nặng nề, mà cảm giác này tôi củng hiểu được, nó khó chịu hơn say rượu nhiều lần, thậm chí là muốn chết đi sống lại mà thôi.

Bè đang trôi khá nhanh chóng, tay tôi cầm xẻng để mỗi khi bè gỗ dạt sát vào bờ thì dùng sức đẩy nó ra lại giữa lòng sông. A Lủ chịu không nổi cơn say, nó bò ra mép bè, nôn mửa xuống dòng nước rất khổ sở. An cũng vỗ vỗ lưng nó, ra vẻ động viên phải cố lên làm tôi cũng thấy tôi nghiệp, giáo sư cũng chỉ biết lắc đầu, chẳng ai ngờ một thanh niên sức dài vai rộng thế lại say sóng tới nhường này. Đang cúi người xuống lòng sông nôn ra mật xanh mật vàng, bất chợt tôi thấy nó giật nảy mình, bật người về phía sau mặc kệ nước dãi đang chảy đầy trên mép. Nó lắp bắp không ra tiếng:

- Rắn...có rắn dưới nước.

Khi này chúng tôi mới thật sự để ý, đàn đàn lớp lớp những con rắn đen đang bơi ngược dòng nước về phía chúng tôi, tưởng rằng bọn chúng đã tuyệt chủng vì đói ăn, ai dè đâu lũ quỷ quái này vẫn còn tồn tại. Khả năng đám rắn vừa đi kiếm mồi, đang bơi về để tiếp tục thiên chức giữ mả, chúng bơi hơi sâu dưới mặt nước nên không ai để ý thấy cho tới khi A Lủ phát hiện được. Tôi vứt xẻng xuống bè, bắt đầu cầm đao cố gắng chém loạn xạ vào làn nước và không khí trước mũi bè, nơi đàn rắn đen mắt đỏ đã đánh hơi được mùi đang cố gắng vượt ra khỏi mặt nước phi lên bè gỗ. Nếu có A Lủ giúp sức cũng không đến nỗi nào, đằng này nó đang quay cuồng bẹp dí, một mình tôi vô cùng chật vậy xoay sở với đàn rắn. Dòng sông lúc này lấp lánh những ánh sáng đỏ quạch phát ra từ mắt đàn rắn đang trồi dần lên mặt nước đầy ma mị. Trong lúc tôi một mình đương đầu với đám rắn vô cùng khốn đốn, An và giáo sư ở phía sau dùng xẻng làm máy chèo đẩy nước mà đi, cộng thêm dòng chảy của sông ngầm, bè gỗ trôi nhanh vun vút về phía trước. Bất chợt tôi cảm thấy đám rắn không có ý định tấn công nữa, chúng dần dần chìm lại xuống đáy nước. Chưa kịp mừng thầm thì trên đầu đã phát ra những tiếng kêu rít rít xào xạc, tôi ngước mặt nhìn lên thì thấy trần hang động lúc này đã thấp xuống có thể nhìn thấy trong tầm mắt. Ánh đèn chiếu lên bắt gặp những cặp mắt đỏ khát máu quen thuộc của loài dơi, chúng đang tỉnh giấc ngủ say, nhe nanh dữ tợn bay nháo nhác sà xuống mặt nước. Những con dơi lớn sải cánh lên tới gần một mét đang giương vuốt bay loạn xạ, một số con rắn chưa kịp lặn xuống lòng sông bị cắn nhấc lên không trung, hóa ra loài dơi lớn chính là thiên địch của đám rắn giữ mả cho nên chúng mới lặn sâu trong lòng sông mỗi khi đi kiếm ăn để tránh đụng mặt. Trước tình hình phát sinh đột ngột, chúng tôi kéo áo trùm kín đầu, nằm úp xuống sát mặt bè phó mặc cho dòng nước trôi đi theo quán tính, trên đầu vẫn là những tiếng đập cánh và âm thanh tần số cao chói tai phát ra từ đàn dơi khổng lồ. Thời gian cứ thế trôi đi, đến lúc cảm thấy trên đầu không còn tiếng đàn dơi, tôi mới từ từ kéo áo trùm đầu đưa mắt nhìn, trước mặt tôi lúc này đã có ánh sáng mờ nhạt, trong động tối chưa quen mắt nên vẫn cảm thấy rất chói lòa, đúng là ánh sáng hắt vào từ cửa động làm bừng lên hi vọng trong lòng tôi, mừng rỡ tôi hét lớn:

- Có cửa động, đã ra khỏi sông ngầm rồi.

Nghe tiếng tôi, lúc này ngoài A Lủ đang nằm mê mệt còn lại đều ngóc đầu dậy xem và mừng rỡ. Thoát khỏi đám rắn và đàn dơi trong sông ngầm là một chuyện, tìm được đường ra khỏi sông ngầm đen tối mới là điều đáng mừng. Suốt thời gian lang thang trong màn đêm đen đặc, thấy lại được ánh sáng mặt trời làm tinh thần cả đoàn phấn chấn hẳn lên, mỗi người một tay chèo bè gỗ ra cửa động. Dòng chảy ra khỏi cửa động trở thành một dòng sông tĩnh lặng hiền hòa. Không đợi thêm phút giây nào nữa, tôi hướng bè tấp vào bờ sông. Cảnh vật lúc này hiện ra rõ rệt, trước mắt là những tàn cây lớn rậm rạp tươi tốt. Phóng tầm mắt nhìn ra xa chỉ thấy bốn chung quanh là vách núi đá dựng đứng thẳng tắp cao lớn vô cùng, chứng tỏ đây là một hệ sinh thái biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài. Nếu như không tính đến chuyện đi máy bay để nhảy dù vào thì cũng chỉ có một con đường duy nhất để vào đây, đó chính là con đường gian khổ và nguy hiểm mà chúng tôi đã vừa trải qua. Lôi A Lủ lên khỏi bè, giáo sư khẳng định đoàn đã thành công đặt chân đến được “Ung Châu Tàng Cốc”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.