Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 56: Quá ác thú, Chu Xán mổ người ăn thịt, Hiếu như trai, Mộc Lan đi lính thay cha.





Từ rằng:
Hơi đâu mà hỏi đất trời
Bến mê lối ấy, phải nơi sa trường
Cù lao đức cả đạo thường
Dù thân gái dám ngại đường lênh đênh
Cờ bay, trống giục thình thình
Đôi bên cân nhắc tử sinh nhẹ nhàng
Lập công quyết chí viễn phương
Chớ cười ai đó anh hùng lệ sa
Can qua vững bước xông pha.
Theo điệu "Lăng đào sa"
Binh pháp nói rằng: Việc binh mà kiêu ngạo, thì tất bại vong. Kiêu bao giờ cũng là cậy mình coi thường người, ngạo chỉ còn mỗi mình mà mất hết mọi người, không còn xung quanh lấy ai ra mà chống kẻ địch, làm sao mà không thua. Khi nhà Tùy mất, cát cứ xưng hùng kể có hai ba chục nơi, nhưng cũng đều là phường gian hùng lục lâm. Đến tài cán như Lý Mật lôi kéo được vài chục hào kiệt cũng vì kiêu ngạo mà bại vong, đến lúc chết may còn có người chôn cất.
° ° °
Nay hãy nói Từ Mậu Công cùng Tần Vương thống lĩnh binh sĩ, rời khỏi Trường An, đi được mấy ngày, đã tới Tinh Châu. Mậu Công thưa với Tần Vương:
- Chúng thần lục đục kéo đi trừ Lưu Vũ Chu, chỉ sợ Vương Thế Sung ở phía sau, lỡ có cử động gì, trong lúc cấp thiết khó mà ứng cứu. Thần nhớ Chu Xán gần đây do bị Dương Sĩ Lâm ở Hoài Nam chèn ép, nên cùng khốn về với nhà Đường, thánh thượng phong cho làm Sở Vương, đóng ở Cúc Trạch, điện hạ nên sai người mang thư úy lạo, rồi nói rõ rằng Vương Thế Sung giết vua Tùy, đoạt ngôi vua, xin túc hạ hãy dẫn một đạo quân, vì nhà Đường mà trừ thằng giặc này, rửa mối hận cho thiên hạ, bao nhiêu đất đai của nhà Trịnh, Đường, Sở sẽ cùng hưởng. Chu Xán vốn tham bẩn, sẵn sàng nghe theo.
Tần Vương đáp:
- Thằng giặc này thích ăn thịt người, trước thường làm đầy tớ cho Trước tác tả lang Lục Tùng Điển, cùng Thông sự xá nhân Nhan Dân Sở, việc gì cũng làm, hung ác khác thường. Ta từ lâu đã muốn diệt, dẫu có quy phục, nhưng làm sao mà chung sống với chúng được.
Mậu Công thưa:
- Thần không nói tới việc đó. Nếu Chu Xán bằng lòng đi, điện hạ sai ba bốn nghìn người ngựa, rao lên rằng giúp Chu Xán đánh Trịnh, đợi Sở - Trịnh dày xéo nhau, ta làm ngư ông ngồi thu lợi. Nếu như không bằng lòng, ta kéo binh đi đánh Chu Xán; xem Thế Sung động tĩnh ra sao, khi thấy có họa ở phía Nam, lại cả phía Bắc nữa, thì sẽ không dám động binh phía Tây. Đó chính là mượn tiếng diệt Ngu để đánh Quắc vậy. Điện hạ thấy thế nào.
Học sĩ Đoàn Ý thưa:
- Thần cùng Xán có quen biết, xin để thần cầm thư, nói rõ lợi hại, khích Xán khởi binh, mọi chuyện sẽ xong xuôi.
Tần Vương băn khoăn:
- Nghe nói khanh nghiện rượu nặng, chỉ sợ làm lỡ mất việc quân thôi!
Đoàn Ý thưa:
- Việc quân trọng đại đâu phải chuyện đùa của trẻ con, thần mà đi thì xin chừa rượu.
Tần Vương đáp:
- Có như thế thì ta mới yên lòng.
Đoàn Ý liền mang thư và lễ vật của Tần Vương lên đường đi Cúc Trạch.
Thời nhà Tùy, Chu Xán từng làm huyện lại Bạc Châu, vốn là bạn rượu thân thiết của Đoàn Ý, nên nghe tin Đoàn Ý đến, vội chạy như bay ra đón, chia ghế chủ khách mời ngồi. Chu Xán hỏi:
- Xa nhau đến mấy năm rồi, không biết huynh ông hiện nay ở đâu?
Đoàn Ý đáp:
- Đệ làm quan nhà Đường, trộm giữ chức học sĩ.
Chu Xán hỏi tiếp:
- Nghe nói Lý Mật bị Vương Thế Sung đánh bại, đem nhiều binh tướng về hàng nhà Đường, chuyện có đúng hay không?
Đoàn Ý lại đáp:
- Sao lại không thật, nay binh mã nhà Đường lại có thêm mấy chục vạn, đúng là lúc quốc phú binh cường. Tần Vương thấy Thế Sung giết vua Tùy, tự chiếm ngôi cao, rất bất bình, muốn cùng đại vương thực lòng liên minh, phát binh tiễu trừ lũ nghịch này. Nếu được vàng ngọc vật quý của Thế Sung, xin nhường cả cho đại vương. Còn đất đai dân chúng, thì cả hai cùng hưởng.
Chu Xán nói:
- Tần Vương đã có ý tốt như vậy, lại được người quen biết cũ đến bàn, đệ nào dám không vâng mệnh. Ngày mai xin lập tức phát binh diệt Trịnh. Các ngài chỉ cần giúp thêm vài ngàn người ngựa là đủ.
Sai bày tiệc rượu, rồi hỏi Đoàn Ý:

- Huynh ông gần đây tửu lượng có lẽ tăng tiến hơn xưa nhiều lắm?
Đoàn Ý đáp:
- Đệ đã chừa rượu, không thấy hứng thú như xưa nữa!
Chu Xán nói:
- Thuở xưa cùng huynh ông vui chén tràn đêm, nay tri kỷ gặp nhau, lý nào lại không uống. Nếu nói việc công, thì đệ đã vâng lời, nếu nói bạn bè, thì lại càng nên say sưa để còn trò chuyện tâm tình.
Chu Xán ngồi vào nâng chén, mùi thơm ngây ngất, rượu đầy trước mặt. Đại phàm những người nghiện rượu, cũng như kẻ hiếu sắc, dẫu rằng có xấu như Chung Vô Diệm chăng nữa, nhưng đã thấy trước mặt thì thế nào lửa dục cũng bừng. Nay Đoàn Ý thấy rượu trong chén kia, nước rãi đã chảy chứa chan, liền nâng cốc một hơi cạn, lại cùng trò chuyện rôm rả, chén chú chén anh tiếp mãi. Đoàn Ý quên tịt việc chừa rượu, uống đến mức không nâng nổi chén nữa. Vốn biết Chu Xán thời làm quan với nhà Tùy, nhân Dượng Đế đào hàng nghìn dặm sông, gặp mất mùa liên tiếp mấy năm, cũng đã từng ăn thịt người, nên đến lúc này, mặt mũi đỏ bừng, mắt hằn những tia máu, mọi chuyện đều chẳng coi ra gì. Đoàn Ý cười hỏi Chu Xán:
- Đại vương dạo trước rất thích ăn thịt người, nay quyền cao chức trọng, có còn ăn nữa không?
Chu Xán thấy hỏi thế, bừng bừng sát khí, trong lòng thầm chửi: "Đồ chó già, ta dẫu chưa đổi tính xưa đi nữa, trước mặt mọi người, đâu phải chỗ để nói cái xấu của người khác". Bèn đáp:
- Ta nay chỉ thích ăn thịt kẻ đọc sách thôi, bọn này thịt da đều nhỏ nhắn, mịn màng, so với thịt kẻ khác ngon hơn nhiều. Huống chi thịt kẻ đọc sách mà lại đang say rượu, thì ngon chẳng khác gì nem thịt lợn vậy.
Đoàn Ý nổi cơn điên khùng:
- Cái đồ thối tha này, mày chỉ ăn thịt được mấy thằng lính quèn, kẻ đọc sách làm gì đến phần mày?
Chu Xán quát:
- Mày bảo tao là đồ thối tha, tao ăn thịt mày thì mày làm gì nổi tao.
Đoàn Ý thách:
- Mày dám ăn thịt tao kia à? Cái đầu lừa của mày, không muốn nằm trên cổ nữa sao?
Chu Xán gọi ngay đao phủ lôi Đoàn Học sĩ ra giết, rồi nấu lên cho y nhắm rượu.
Đáng thương một vị hàn lâm
Làm thức nhắm như gà hầm, lợn quay.
Bọn lính đi theo Đoàn Ý, ngày đêm trốn về thưa với Tần Vương, Tần Vương giận dữ, định đem binh đi Cúc Trạch diệt Chu Xán, báo thù cho Đoàn Ý. Vừa may Lý Tĩnh chinh phạt Lâm Sĩ Hoằng về đi qua Doãn Châu, vừa đem ba nghìn người ngựa quy Đường, biết Tần Vương đóng quân ở đây, liền đem Trương Thiên Tương vào ra mắt Tần Vương.
Tần Vương vui mừng đem chuyện Chu Xán ăn thịt Đoàn Học sĩ kể tỉ mỉ. Lý Tĩnh hỏi:
- Bây giờ điện hạ định ra sao?
Tần Vương đáp:
- Đối với thằng giặc ác độc như thú dữ vậy, ta thân chinh trừ một phen, để rửa nỗi oan ức cho Đoàn Học sĩ ở tuyền đài.
Lý Tĩnh thưa:
- Đồ cầm thú này, không đáng để điện hạ ngự giá thân chinh. Thần nghe nói Tinh Châu đã mất một số huyện. Hội Châu nguy cấp từng ngày từng giờ, xin điện hạ hãy cứ mau tới cứu viện, còn Chu Xán, thần xin cùng Thiên Tương đi một lần, tất là bắt được, rồi sẽ quay về yết kiến điện hạ.
Tần Vương đáp:
- Được túc hạ đi cho, ta còn gì lo nữa!
Liền sai năm sáu viên tướng, lãnh một vạn quân phong Lý Tĩnh làm Chinh Sở đại tướng quân, Thiên Tương làm mã bộ tổng quản, Bạch Hiển Đạo làm tiên phong. Tần Vương phán:
- Khanh đi lần này nhất định thắng trận, cứ đóng binh ở cửa Hồng Cầu, Hà Nam. Đợi ta chinh phạt Vũ Chu xong, sẽ cùng kéo đến đó cùng đi đánh Thế Sung.
Lý Tĩnh nhận lệnh, dẫn Thiên Tương từ biệt Tần Vương, lên đường.
° ° °
Lại nói Lưu Vũ Chu, liên kết với Khả hãn Đột Quyết là Yết Bà Na, vốn là em của Khả hãn Thủy Tất, chiếm ngôi của anh tự lập làm Tây Đột Quyết, ở đất phía cực Bắc. Thấy Vũ Chu có lẽ đến cầu thân, hẹn cùng xâm phạm Trung Nguyên, liền chiêu binh mã thêm nữa. Vậy nên mới xảy ra một chuyện khác, về một người con gái kỳ tài. Câu chuyện như sau:
Người con gái đó họ Hoa, phụ thân tên là Cô, tự Thừa Chi, vốn là người phía Bắc Hà, làm thiên phu trưởng, vợ kế là Vương Thị, người Trung Nguyên, nhân ngoài cổng có trồng một cây mộc lan, chăm bón mấy năm, chẳng chịu ra hoa, đến năm có mang cây bỗng ra rất nhiều hoa, cho nên cha mẹ đặt tên cho con gái là Mộc Lan, sau đó sinh thêm được một con gái nữa, đặt tên là Hựu Lan. Một người con trai là Thiên Lang, hãy còn ẵm ngửa. Hựu Lan kém Mộc Lan bốn tuổi, mặt mày chẳng khác gì chị.
Mộc Lan sinh ra mày thanh mắt sáng, giọng nói trong trẻo, lúc Thừa Chi chưa có con trai thường cho Mộc Lan ăn mặc như con trai, dạy cho giương cung, tập tên đến năm mười tuổi, cũng không chịu xâu tai, kết tóc, chỉ thích giả làm con trai, học cả binh pháp. Gặp lúc vua Khả hãn Đột Quyết lấy quân, Mộc Lan đã mười bảy tuổi, cao lớn chẳng khác gì một chàng trai. Các nhà ở phương Bắc này, con gái về nữ công cũng không có gì lắm, cung ngựa thì nhà nào cũng có, Mộc Lan thường cưỡi ngựa, ra thảo nguyên rong chơi. Cha mẹ thấy Mộc Lan đã lớn, định gả chồng, nhưng Mộc Lan vẫn chưa chịu nghe.
Một hôm thấy cha đi đâu về, nói chuyện với mẹ:
- Đầu mục của Khả hãn Yết Bà Na về gọi lấy lính, tên ta cũng có làm thiên phu trưởng, sợ rằng khó tránh khỏi phải ra đi lần này.
Viên Thị đáp:
- Phu quân năm nay đã nhiều tuổi, ra đi thì lấy ai mà coi sóc cửa nhà?
Thừa Chi tiếp:

- Ta lại chẳng có đứa con trai nào lớn, để có thể thay tên cho, thì làm sao cho thoát?
Viên thị hỏi:
- Liệu có thể kiếm mấy lạng bạc để xin chăng?
Thừa Chi đáp:
- Ai cũng dùng tiền bạc để xin, thì lấy đâu ra quân lính. Hơn nữa, nhà mình lấy bạc tiền đâu ra?
Viên Thị lo lắng:
- Chẳng nói tới chuyện phu quân tuổi cao sức yếu, làm sao mà phá thành hãm trận, mà ở nhà vợ già con dại, làm thế nào mà sống cho qua ngày?
Thừa Chi đáp liều:
- Thôi thì đến lúc nào, hay lúc ấy vậy!
Mấy ngày sau, quân tư đưa giấy về, gọi Thừa Chi tới điểm danh, Thừa Chi chẳng còn cách nào khác, đành phải vâng theo. Nào ngờ việc quân cần kíp, phát cho đầy đủ lương thảo, hạn trong ba ngày phải lên đường, cả nhà đều mặt ủ mày chau. Mộc Lan trong lòng thầm nghĩ:
"Thời Chiến Quốc, có chuyện Tôn Vũ thao luyện nữ binh, thế thì rõ là con gái cũng có thể đi lính được. Ta xem trong sử sách, thuở trước có Tiêu Kỳ nữ tướng, thời đầu nhà Tùy có Cẩm Triệt phu nhân, đều được coi là những người tận trung giết giặc đền nợ nước, lập nhiều chiến công lớn. Những người phụ nữ đó, khó mà nói vì không có cha mẹ, gặp phải thời thế như vậy, cũng phải đem thân ra lo việc nhà vua mà bắt buộc phải ra lính, ngược lại được sử sách lưu thơm. Ta nay, cha đã cao tuổi như thế, trên thì chẳng có con trai, dưới cũng chỉ có em nhỏ, nay nếu cha ra đi, lấy ai mà làm chỗ dựa cho gia đình. Chẳng may chết ở sa trường, làm sao mà gửi được nắm xương tàn về quê hương. Chi bằng ta giả dạng nam nhi, thay cha đi lính. Chỉ cần Mộc Lan này cẩn thận ít nhiều, chuyện làm sao mà lộ ra được, rồi khoảng một hai năm sau, còn có ngày trở về quê nhà, báo được ít nhiều công ơn cha mẹ, có phải tốt không. Nhưng chỉ sợ mình cải dạng đàn ông liệu có giống không thôi?".
Vội vào trong buồng, lấy mũ áo, trang phục của phụ thân, mặc vào cũng may đôi gót sen đỏ thì đã có đôi giày che kín, tập đi cho hùng dũng, tới bên vại nước, soi thử xem sao, rồi cất tiếng than thở:
- Thật đáng xấu hổ, trông ra như thế, chẳng phải chỉ thiên phu trưởng, mà dẫu có đóng đến tướng quân cũng được.
Chính giữa lúc đang soi ngắm bắt chước đàn ông như thế, thì Viên Thị đột nhiên vào thấy, kêu lên ngạc nhiên:
- Cái con bé này, sao lại ăn mặc như thế?
Thừa Chi nghe tiếng, vào thấy thế cười:
- Thế là tại sao?
Mộc Lan hỏi:
- Thưa cha, Mộc Lan nay ăn mặc thế này, liệu có thể thay cha đi lính được không?
Thừa Chi đáp:
- Hình dáng thế này, sao lại không được. Hôm trước điểm danh, cả hơn ba nghìn người, mấy ai có được hình dáng thế này. Nhưng chỉ tiếc cho con một điều!
Mới nói đến đây, mắt đã nhỏ lệ. Mộc Lan thấy thế, cũng khóc mà hỏi:
- Cha tiếc gì cơ?
Thừa Chi đáp:
- Chỉ tiếc là con gái, nếu là con trai, thì cha mẹ chẳng có điều gì phải lo, mà may ra còn kiến công lập nghiệp, rạng rỡ ông cha.
Mộc Lan thưa:
- Cha mẹ chẳng phải lo lắng, con đã quyết chí, ngày mai con sẽ lên đường đi lính thay cha.
Thừa Chi cùng Viên Thị đều nói:
- Con là con gái, nói chi những điều kỳ lạ đó!
Mộc Lan đáp:
- Con nghe nhiều người nói, thời buổi loạn ly, rất nhiều phu nhân, công chúa, cải trang tị nạn, mấy ai nhận ra. Con chỉ cẩn thận giữ gìn, thì chẳng ai biết được đâu.
Viên Thị ôm Mộc Lan mà rằng:
- Không được đâu con ơi, làm sao lại có chuyện con gái chưa chồng sống giữa chốn thiên quân vạn mã cho được!
Mộc Lan đáp:
- Cha mẹ không nên cố chấp, con thì một thân, lại có thể che chở cho các em, lại có thể giữ gìn được cha mẹ, kẻ trung thần hiếu tử đều làm thế cả, có chí thì mọi việc đều nên. Con đi mà chịu khó học hỏi, thì còn hơn bao đàn ông khác nữa kia. Chỉ cần cha mẹ có gan, không nên khóc lóc, xung quanh nghi ngờ con là con gái, không những không nên việc, mà còn xấu hổ nữa.
Thừa Chi cùng Viên Thị thấy con quyết chí, cả nhà đều sụt sịt, nức nở, cũng không biết quyết đoán ra sao.
Sáng hôm sau, mặt trời đỏ ối đường đông, thấy ngoài cửa gõ rất gấp rồi có tiếng người gọi:

- Hoa Thừa Chi, chúng ta đi thôi!
Thừa Chi mở cửa, ba bốn người cùng đội ngũ đang định nói gì, Mộc Lan đóng giả rất là gọn ghẽ, vội vã đỡ lời Thừa Chi:
- Cha cháu đã nhiều tuổi, cháu nguyện đi thay.
Bọn này thấy thế cười:
- Thừa Chi huynh ông, chúng tôi không ngờ ông có con trai lớn thế này, thật ra dáng trượng phu.
Thừa Chi thấy vậy, chỉ đành yên lặng, rồi nghẹn ngào đáp:
- Đúng thế!
Bọn này nói tiếp:
- Có được con trai như thế này, đúng là nên thay cho cha già, với một đao thương trong tay, sẽ trở thành quan tướng trở về, nhà huynh ông tha hồ vẻ vang.
Mộc Lan ngăn không cho cha đi tiễn, từ biệt cha mẹ, chỉ dặn:
- Xin cha mẹ giữ gìn, chăm sóc các em, con đi đây!
Lưng đeo tay nải, tay cầm giáo dài, quất roi một cái, đã ra khỏi cửa. Thừa Chi chỉ đành nhịn lời gạt nước mắt, dù muốn tiễn Mộc Lan đến quân doanh, nhưng thấy con nhất định không cho, nên đành phải quay về. Hàng xóm nhiều người biết chuyện, phần lớn đều trách vợ chồng Thừa Chi:
- Cả hai vợ chồng, chẳng hiểu tại sao để cho con gái đi vào con đường ấy rồi còn núi cao vực thẳm, làm thế nào cho yên?
Cũng có một ít người, phần đông là phụ nữ, thì lại bàn tán:
- Thật là một cô gái có chí, nghĩ không thể ai thay mình tìm người chồng vừa ý, nên tự đi vào chỗ hàng nghìn hàng vạn người, tìm lấy một kẻ xứng đáng, chẳng dại dột gì đâu!
Thừa Chi chẳng biết nói ra sao, chỉ đành coi như không nghe, trong lòng ngày đêm như dao cắt. Mộc Lan ra đi được khoảng một năm, Thừa Chi đã ốm đau rồi qua đời. Thương thay! Vợ Viên Thị, con gái con trai đều còn nhỏ, chẳng có cách gì sinh sống, đành phải cải giá, lấy một người họ Ngụy, cùng làng, nhưng đó là chuyện sau này.
° ° °
Nay hãy nói Tần Vương cùng Mậu Công, dẫn binh cùng Lưu Vũ Chu giao chiến, đã lấy lại được năm sáu quận huyện, hiện đã đến mãi Bách Bích quan. Thúc Bảo cùng Uất Trì Cung quyết đấu bốn năm trận, bất phân thắng bại. Tống Kim Cương thấy Uất Trì Cung không thắng nổi Thúc Bảo, trong lòng nghi hoặc, sai người đốc chiến. Uất Trì Cung tức giận liền thách Thúc Bảo ra ngoài cửa quan, đánh nhau mấy trăm hiệp, nhưng cũng không làm gì được. Tần Vương trước trận thấy thế, rất phục tài Thúc Bảo, nhưng cũng thấy hâm mộ tài năng của Uất Trì Cung.
Trời đã chiều, sợ có gì sơ xuất, Tần Vương ra lệnh đánh chiêng thu quân, hai tướng cùng về bản trận. Thúc Bảo nóng lòng không thể chịu nổi, nào đã chịu nghỉ, gọi quân lính, đốt đuốc thật nhiều, đánh nhau ban đêm. Tần Vương không cho, Thúc Bảo cũng không chịu. Chỉ thấy trong trận họ Lưu, một tiếng pháo lớn nổi đèn đuốc sáng như ban ngày, Uất Trì Cung đứng trước trận lớn tiếng:
- Mau ra đây quyết chiến!
Thúc Bảo nghe ra, cười:
- Thằng giặc Hung nô này cũng nghĩ như ta!
Lập tức thay ngựa khác, ra trước trận nói với Uất Trì Cung:
- Ta đêm nay không giết được ngươi, thề không về trại.
Uất Trì Cung đáp:
- Ta đêm nay không bửa được đầu ngươi, cũng không về trại.
Cả hai phấn chấn tinh thần, đem hết tài năng, chẳng ai chịu thua ai, Uất Trì Cung cười nói:
- Đồ chết toi! Ta với ngươi võ nghệ đều đã biết nhau rồi, ngươi giờ có dám cùng ta đấu riêng lực thôi không?
Thúc Bảo hỏi:
- Thế nào là đấu lực?
Uất Trì Cung đáp:
- Ngày xưa Mạnh Bôn Hạ Dục, có sức bẻ gãy sừng trâu, Ngũ Tư nâng được đỉnh lớn, Hạng Vũ có thể bạt núi. Ta cùng ngươi, đều là những kẻ đàng hoàng, không thèm làm chuyện mờ ám, nhưng nếu bắt chước người xưa thì không đủ lạ. Nay ngươi hãy thử để ta quất mấy roi, ta cũng để ngươi đánh mấy giản, xem ai yếu ai khỏe, như thế gọi là đấu sức đấy!
Thúc Bảo nói:
- Ngươi là người lớn hẳn hoi, sao lại đi nói những chuyện con nít thế. Trâu là đồ súc vật, đỉnh là loại kim khí, núi là loại khoáng chất, đều là những vật vô tri cả. Con người ta da thịt là của cha mẹ để lại cho, không nói chuyện sống chết, thì sao lại có thể tự hủy hoại, cam chịu đao thương. Nếu chẳng có điều gì khác thường, thì phải tìm cách dương danh hậu thế, sao lại đi làm cái việc này. Ta không nghe đâu!
Uất Trì Cung thầm nghĩ: "Thằng giặc già này nói đúng, chỉ một roi thôi đủ chết, mà dẫu không chết nữa, cũng thành người tàn tật suốt đời. Liếc mắt nhìn phía bên có hai khối đá xám lớn, nặng khoảng hai nghìn cân, bèn nói với Thúc Bảo:
- Khối đá thế này đây. Ta với ngươi thi, cả hai dùng khí giới mà chém, ai chém vỡ nhỏ hơn thì thắng!
Thúc Bảo hỏi:
- Khí giới của ngươi nặng bao nhiêu?
Uất Trì Cung đáp:
- Cái roi này của ta nặng một trăm hai mươi cân!
Thúc Bảo nói:
- Giản của ta mỗi cây chỉ nặng có sáu mươi cân, cả hai cây cộng lại vẫn còn thua roi của ngươi mấy cân.
Uất Trì Cung nói:
- Ta chém bằng giản của ngươi, ngươi chém bằng roi của ta, cả hai đổi cho nhau. Nếu như ngươi thua, ngươi theo hàng về Định Dương. Ta mà thua, ta sẽ hàng nhà Đường. Chỉ chém ba lần, xem ai yếu ai mạnh!
Thúc Bảo đáp:
- Thế cũng được!

Cả hai xuống ngựa, Uất Trì Cung cởi chiến bào ra, đưa roi cho Thúc Bảo, Thúc Bảo cũng đưa đôi giản cho Uất Trì Cung. Uất Trì Cung nghiến răng trợn mắt, dùng toàn lực mà chém, mặt đá vẫn không một vết rạn, chém một lần nữa, chỉ thấy những rãnh sâu khoảng hai ba thốn. Uất Trì Cung trong lòng hoảng sợ, lần thứ ba lấy hết sức bình sinh, chém xuống, nghe choang một tiếng, viên đá đã vỡ, hóa làm hai mảnh. Uất Trì Cung cười nói:
- Thấy chưa? Nay đến lượt ngươi!
Thúc Bảo cũng cởi chiến bào ra, nhìn hòn đá xám, rồi ngửa mặt nhìn trời, thầm khấn:
- Trời xanh trên đầu! Ta là Tần Quỳnh, nay cùng gã giặc Hung nô này cùng thi. Nhờ hồng phúc của thiên tử nhà Đường, Tần Vương có thể nhất thống được thiên hạ, Tần Quỳnh nay có thể kiến công lập nghiệp, thì chẳng cần đến ba lần, viên đá này phải vỡ.
Rồi giơ hai tay cao, tận lực giáng xuống, hòn đá đã có vết, chém một lần nữa, hòn đá đã chia hai. Thúc Bảo cười:
- Thấy chưa? Đá còn như thế, nếu là người thì thịt bỗng một khắc hóa bùn. Ngươi ba lần, ta chỉ có hai. Thế là ngươi thua rồi!
Uất Trì Cung đáp:
- Khí giới của ta nặng, của ngươi nhẹ hơn!
Cả hai đương còn tranh luận, thấy năm sáu tên lính, khiêng một hũ rượu, một mâm thịt bò, quỳ trước mặt mà thưa:
- Điện hạ sợ hai vị tướng quân dùng sức thái quá, sai chúng tôi mang những thứ này tiếp thêm sức thần.
Uất Trì Cung thấy thế, bèn nói:
- Ai thèm ăn của chúng bay, hãy đánh nhau tiếp cho xong đã.
Hai người lại đổi trả binh khí cho nhau, lên ngựa, thì nghe ở phía quân nhà Đường, nổi chiêng thu quân, Thúc Bảo đành quay ngựa về trại. Uất Trì Cung cũng quay về. Đó chính là chuyện Tần Thúc Bảo cùng Uất Trì Kính Đức ba giản đổi lấy hai roi vẫn được, truyền tụng lâu nay, đúng như chuyện thời Tam Quốc, Lưu Tiên chủ với Ngô Tôn Quyền thử kiếm chém đá vậy. Sau này, có người để cho tai mắt người khác thêm sợ hãi, nên nói ra, chuyện Thúc Bảo chịu đánh ba giản, Uất Trì Cung giơ đầu chịu hai roi, đều là chuyện sai ngoa vậy.
Nay không nói chuyện Thúc Bảo về trại, hãy nói chuyện Uất Trì Cung, vì có đứa tiểu hiệu cao hứng, đem việc thi trước trận, nói cho Tống Kim Cương nghe. Kim Cương nổi giận nói:
- Đánh nhau sống chết, sao lại có chuyện uống rượu như là chuyện đùa vậy, rồi lời ra tiếng vào để tiết lộ cả việc quân.
Liền thưa với Lưu Vũ Chu, Vũ Chu nổi giận, vội gọi ngay tả hữu:
- Hãy chém ngay đầu Uất Trì Cung rồi báo ta biết!
Các tướng khổ công khuyên giải, Vũ Chu sai tìm ngay tướng khác giữ cửa quan, còn điều Uất Trì Cung đi Giới Hưu coi lương thảo. Mậu Công biết tin trong lòng mừng rỡ. Lại nghe tiêu mã về báo rằng: Khả hãn Yết Bà Na khởi binh giúp Vũ Chu. Mậu Công liền ghé tai nói nhỏ với Tần Vương mấy câu. Tần Vương liền sai tổng quản Lưu Vũ Nhượng, đem theo vàng ngọc đến quân doanh của Khả hãn Yết Bà Na, dùng kế giữ cánh quân này lại. Mậu Công lại điểm quân tướng đánh Bách Bích quan.
Tướng giữ cửa quan nay là Tầm Tương, từ lâu đã có lòng về nhà Đường, nay thấy quân Đường nhiều, tướng Đường giỏi, liệu cửa quan chẳng thể nào giữ nổi, nên mở cửa ra hàng. Bọn quân sĩ thuộc Lý Mật ngày trước nay cũng muốn lập ít nhiều công trạng, nên ai nấy đều gắng sức, định kéo thẳng tới trại quân của Tống Kim Cương, mười trại thì cướp được tám, chỉ còn lại khoảng hai ba nghìn người ngựa, Vũ Chu kinh sợ, đành phải chuyển quân về phía Bắc. Mậu Công biết rõ Kính Đức phải sai đi coi giữ lương thảo ở Giới Hưu, liền sai Sĩ Tín cùng Vương Bộ, nhận kế đến Giới Hưu trước, còn Mậu Công cùng Tần Vương với đại quân từ từ theo sau.
° ° °
Lại nói Uất Trì Cung, được tha không giết, lòng hổ thẹn, tức tối, dẫn một đội người ngựa, rời khỏi Bách Bích quan, đi về Giới Hưu. Đến An Phong, thấy có một toán phu dịch tải lương thực tới, Kính Đức đứng ra xem xét, thấy có ba nghìn thạch, cỏ có hơn một vạn bó, trên xe đều cắm cờ hiệu nhỏ màu vàng. Trời đã gần tối, liền lệnh cho quân sĩ áp tái lương thảo lại một nơi, kết thành trại tạm qua đêm. Uất Trì Cung không dám cởi áo giáp, ngồi ở giữa trại, bỗng nghe bên ngoài huyên náo, quân lính thưa:
- Có giặc tới cướp trại!
Uất Trì Cung vội cầm roi lên ngựa, được khoảng hai ba dặm, một tiếng pháo nổ, tiếng la hét rầm trời. Uất Trì Cung trông ra, trời sáng trăng mờ mờ, đi đầu là một viên tướng. Uất Trì Cung quát hỏi:
- Ngươi từ đâu đến?
Viên tướng đáp:
- Ta là đại tướng Vương Bộ, dưới trướng Từ Nguyên soái nhà Đường! Vâng lệnh nguyên soái, tới đây mượn nhà ngươi ít lương thảo.
Uất Trì Cung lại quát:
- Thằng giặc già! Mày không nhận ra ta sao?
Vương Bộ cười đáp:
- Già này làm sao mà nhận ra thằng giặc đánh không chết kia!
Uất Trì Cung nổi giận, giơ roi xông vào, cứ mặt mà chém xuống. Vương Bộ giơ thương lên đỡ, hai người một qua một lại, đến năm sáu chục hiệp Vương Bộ không đánh nổi, bỏ chạy. Uất Trì Cung đuổi sát, bên tai nghe tiếng hò hét rầm trời, quay đầu nhìn lại, thì thấy lửa cháy rực trời. Uất Trì Cung bỏ Vương Bộ, quay ngựa lại, vẫn nghe tiếng nổ liên tiếp, chẳng mấy chốc, xe lớn xe nhỏ, cỏ to, cỏ bé cùng với ba nghìn thạch lương, bị quân nhà Đường đốt trụi. Thì ra bọn đốt lương thảo chính là cánh quân Sĩ Tín. Vương Bộ thì lừa cho Uất Trì Cung đi xa, Sĩ Tín tiến lại đốt sạch, Kính Đức thấy thế, lòng càng phiền muộn, lại sợ Vương Bộ chiếm mất thành Giới Hưu, liền phi như bay về, gặp phải quân Vương Bộ cùng Sĩ Tín, đánh nhau lần nữa, nhưng cả hai không đương nổi, đành để Uất Trì Cung về Giới Hưu, chờ đại binh của Tần Vương đến, vây kín thành Giới Hưu.
Tần Vương sai Tầm Tương vào thành dụ hàng. Uất Trì Cung nói:
- Muốn ta hàng Đường, phải chờ xem Lưu Vũ Chu thế nào đã, nếu chết, ta mới đi thờ người khác. Còn bức bách quá, thì chỉ đánh nhau đến chết mà thôi!
Tầm Tương không cách nào khác, ra khỏi thành đem chuyện thưa lại Tần Vương. Tần Vương trong lòng phiền muộn, bỗng nghe tin báo tổng quản Lưu Thế Nhượng đã trở về. Tần Vương cả mừng, gọi vào.
Thế Nhượng đưa trình thủ cấp Vũ Chu cùng Kim Cương. Tần Vương vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng:
- Hai cái này ở đâu ra?
Thế Nhượng thưa:
- Thần vâng mệnh ra đi, qua Tinh Châu, giữa đường gặp Khả hãn Yết Bà Na, đang đóng quân dưới chân núi Vạn Phong. Thần dò được hư thực, liền vào trong doanh gặp, đưa thư cùng lễ vật trình, nói: "Vua Đường cần phải đi đánh nhà Trịnh, để hỏi tội giết vua Tùy ngày trước nên đến đây nói với đại quốc, phát binh cùng đánh". Yết Bà Na rất mừng mà rằng: "Ta đang giận Lưu Vũ Chu, nhờ ta phát binh cùng đánh nhà Đường, không ngờ Vũ Chu đi trước, bao nhiêu quận huyện chiếm được, biết mấy là ngọc ngà cùng gái đẹp đều bị Vũ Chu lấy hết, nay lại khẩn khoản nhờ ta cứu viện. Nay vua Đường nhà ngươi đem lễ vật đến để kết giao, ta sẽ phát binh cùng hội họp, trước tiên là hỏi tội Vũ Chu, sau là cùng các ngươi đánh Thế Sung cũng tiện". Việc thật là vừa vặn, thần ở trong trại của Yết Bà Na, chưa được hai ngày, thì nghe tin Vũ Chu cùng Kim Cương bị quân ta đánh bại, thế cùng lực tận, về theo Yết Bà Na. Yết Bà Na nổi giận, dùng kế giết cả hai, gọi thần đem thủ cấp về biếu triều đình.
Tần Vương nghe thế, vỗ tay:
- Rõ là trời giúp ta thành công vậy?
Lập tức thưởng cho Thế Nhượng rất hậu. Lại sai Tầm Tương đem hai thủ cấp Vũ Chu, Kim Cương vào thành Giới Hưu cho Uất Trì Cung xem, để khuyên Uất Trì Cung hàng nhà Đường. Tầm Tương vâng mệnh. Uất Trì Cung thấy hai thủ cấp, nhận ra là đúng rồi, bèn khóc rống, rồi làm lễ tế cẩn thận, lấy quan tài khâm liệm, chôn cất tử tế, rồi mở thành hàng nhà Đường. Tần Vương thấy thế, kính yêu Uất Trì Cung như khách, lập tức viết tấu chương báo tin thắng trận về triều.
Vua Đường cả mừng, liền ban cho Uất Trì Cung làm Tả phủ thống tướng quân, thăng Lưu Thế Nhượng làm thái thú Tinh Châu, tả hữu còn lại, đều được thăng thường.
Chính là :
Nước cạn mà núi chưa cùng
Đá vỡ mới thấy ngọc trong sáng ngời!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.