Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 53: Giả mộng gặp Chu Công, Vương Thế Sung diệt Ngụy, Cơn nguy bỏ Từ Tích, Lý Huyền Thúy theo Đường





Thơ rằng:
Thành bại rằng tại trời
Lại cũng là việc người
Hễ kiêu thì bại thôi
Kém dũng cùng thua trí
Gặp may vội khoe tài
Hoạn nạn rồi ụp đến
Khi dân chán bạn rời
Rồng mà không mây nước
Thì kiến tha làm mồi
Hối hận không kịp nữa
Sử xanh mãi chê cười.
Sự đời đã đến thế cưỡi hổ, có quan hệ đến nước nhà, mà lại không có thực tài trị loạn an dân, thì khó mà đứng vững, huống chi lại vốn phường tục tử tầm thường với những mẹo vặt, đã vội ước đến những thứ không phải phận mình, mãi lúc công việc nát tan, mới sực nghĩ ra thì đã muộn rồi.
° ° °
Nay hãy khoan nói chuyện Tần Mẫu về với nhà Đường, mà nói chuyện Giả Nhuận Phủ, từ biệt Lý Tĩnh đến Lạc Dương, nghe ngóng Vương Thế Sung đang thao diễn binh mã, xin gặp. Thế Sung đã biết ngay, không chịu tiếp, cũng không viết thư phúc đáp, chỉ cho người trả lời miệng:
- Lúc này Lạc Dương cũng đang thiếu ăn, làm gì có thừa mà trả cho Ngụy Công. Hãy chờ mai kia đến Hoài Thượng thu thóc xong, sẽ đem đến tận nơi giao trả cho Ngụy Công.
Nhuận Phủ thấy thế biết ngay Thế Sung trở mặt, không chịu trả, nên chẳng chờ thư phúc đáp, trở về tâu với Ngụy Công:
- Xem cung cách của Thế Sung, không những chỉ quỵt nợ, mà còn có ý đánh chiếm, chúa công phải cẩn thận đề phòng.
Lý Mật giận dữ:
- Lũ giặc này không thể ngồi chờ chúng tới được, mà phải đem binh tận nơi hỏi tội mới xong.
Rồi chọn ngày xuất binh, lấy Trình Giảo Kim, Phàn Văn Siêu làm tiền đội, Đơn Hùng Tín, Vương Đương Nhân làm đội thứ hai, còn mình cùng với Vương Bá Đương, Bùi Nhân Cơ làm hậu đội, nhằm Đông Đô mà tiến. Vương Thế Sung đã được mật thám mã báo tin từ trước, cũng muốn cùng Lý Mật quyết chiến một phen, nhưng ngại Lý Mật người ngựa đông, đánh gấp khó mà thắng, nên ngồi tính toán trong trướng. Bỗng thấy tả hữu vào báo:
- Lương thực trong kho của Ngụy Công bị chuột bọ làm hao tổn rất nhiều, phải sai Giả Nhuận Phủ làm Huy miếu đồ úy 1 trong cung lại sinh nhiều điềm lạ. Trăm họ trong thành đồn rằng vì chiếm phần mộ của Chu Công 2 mất cả phần hương hỏa, nên Chu Công giáng họa như thế.
Thế Sung nghĩ ngợi:
- Chỉ sợ chuyện này không đúng!
Tả Hữu thưa:
- Tất cả đều nói như thế, sao lại sai được!
Thế Sung cười:
- Nếu đúng như vậy thì kế của cô xong rồi đây. Nhưng cần phải có một người lanh lợi, hiểu được ý cô, thì mới chắc thắng.
Rồi đưa mắt nhìn xung quanh, trông thấy một tay chân, người này mỉm cười không nói. Sáng hôm sau, một hồi trống tụ họp các tướng, bàn kế chống giặc. Thế Sung hỏi:
- Thành Kim Dung của Lý Mật, là thành cũ của nhà Tùy, hay là thành do Lý Mật mới xây?

Trương Vĩnh Thông thưa:
- Cung thất nhà Ngụy hiện nay, vốn là miếu thờ Chu Công. Lý Mật lấy cớ miếu thờ Chu Công thì phải xây ở đất phong của con cháu ở nước Lỗ, nơi này không phải chỗ, nên phá miếu thờ, mà xây cung thất, Chu Công nhiều lần đã thác mộng vào quần thần, nhưng quần thần không dám tâu. Thế Sung phán:
- Hèn gì cô hôm qua, vào khoảng canh ba, mộng thấy một vị thần áo mũ chỉnh tề, nói: "Ta là con của Chu Văn Vương là Cơ Đán, may được thượng giới phong thần, miếu đền ở trong thành Kim Dung, nay bị Lý Mật phá tan, lấy nền làm cung thất, gỗ ngói làm kho lẫm, khiến cho thầy trò ta lang thang không nơi yên ổn. Nay Lý Mật khí số sắp hết, vận bại thời suy. Trịnh Vương hãy vì ta mà báo thù này!".
Trăm quan liền thưa:
- Đã có thần giúp sức, đủ rõ uy thế của chúa công thế nào. Phen này đất đai của Ngụy Công, tất sẽ về tay chúa công cả!
Thế Sung phán:
- Nếu được thế thì phú quý các khanh cùng cô hưởng, một mình cô đâu dám giành cả!
Lại thấy ba bốn tên lính vào quỳ thưa:
- Trung quân tả tiêu kỳ Đinh Trần Long, bỗng xõa tóc, đi chân không, như điên như dại, miệng hét lớn: "Ta muốn gặp Trịnh Vương!"
Thế Sung nghe nói, cả cười nói với các quan:
- Viên tướng này vốn thật thà, tại sao lại sinh chuyện thế này, cô cùng các khanh hãy đến xem sao!
Tất cả lên ngựa, cùng ra giáo trường. Quân sư Hoàn Pháp Tự đến giáo trường trước, thì thấy Trần Long đang nhắm mắt nằm quay ở trên bàn, lớn tiếng đọc những câu thơ Đại Nhã trong "Kinh Thi".
Văn Vương tại thượng
Sư chiêu vu thiên
Chu tuy cựu bang
Kỳ mệnh duy tân. 3
Trông thấy Thế Sung tới, liền đứng ngay trên bàn, hướng về phía Thế Sung mà thét:
- Kính mời Trịnh Vương lại đây! Ta là Chu Công Đán thác vào người này đây. Những lời ta đã nói hôm qua, sao không làm ngay, đừng cho là chuyện mộng mị, mà coi thường. Nếu quân thần các ngươi đồng tâm hiệp lực, ta còn giúp cho ba ngàn âm binh, đánh bại quân Ngụy, thấy ngay nhỡn tiền. Hãy mau xuất binh. Ta đi đây!
Nói xong nhảy xuống bàn, rồi lăn lộn, múa may khắp sảnh đường. Lúc này Thế Sung cùng trăm quan đều đã khúm núm bái lạy:
- May được đại vương ra lệnh, chúng tôi nào dám không gắng diệt lũ nghịch tặc, xây lại điện miếu cao lớn hơn xưa!
Vua quan cùng đứng dậy, xem mặt Trần Long thì xám như tro, tay chân lạnh như băng, người cứng như gỗ, nằm vật ra trên cỏ. Thế Sung sai người khiêng về nhà.
Từ đó tướng sĩ nhà Trịnh, ai ai cũng như có một Chu Công ở trong người. Lâu nay trong việc quân binh, Thế Sung vốn là kẻ xảo trá, lắm mưu mẹo, lại được quân sư Hoàn Pháp Tự, vốn là đồ đệ của bàng môn tà đạo, gặp lúc loạn lạc, đua chen kiếm danh kiếm lợi, nên vạch đủ mưu chước dối lừa, núp danh thần thánh cho Thế Sung. Thế Sung về triều, lệnh cho quân sư Pháp Tự, ngày mai ra giáo trường, tuyển thêm ba nghìn lính, chọn những tên dữ tướng, cao từ tám thước trở lên, cho đi giày rơm, dùng khêu ột trượng hai thước, đeo mặt nạ quỷ sứ, suốt mấy ngày tập luyện ở giáo trường. Pháp Tự khuyên Thế Sung:
- Cách này phải làm ngay, để lũ Lý Mật không kịp phòng bị.
Thế Sung nghe theo, vốn cũng muốn đánh thắng Lý Mật, trở thành chúa một nước lớn, nhưng nếu Lý Mật là kẻ hiểu biết, thấy trong nước bao lần thiên tai, dị họa, hãy ngồi yên mà giữ Kim Dung thành, sửa những lỗi lầm xưa, thương yêu quân sĩ, thì cũng có thể trở nên một nước mạnh. Khốn thay, Lý Mật chỉ ỷ mình tài cao lực mạnh, vội quên ngay những ngày suýt chết, lẩn trốn gian nan. Lúc nào cũng tưởng như mình là Hán Cao Tổ, giơ gươm ba thước rõ cao, thiên hạ không ai địch nổi. Trước tiên điều ngay quân sư túc trí, đa mưu là Mậu Công đi Lê Dương. Tiêu Tiên chẳng qua chỉ là bệnh ghẻ lở ngoài da, thì vội điều ngay Thúc Bảo, trung dũng song toàn cùng La Sĩ Tín đi trấn áp. Nhuận Phủ bao lần bày mưu tính kế xác đáng, chẳng được nghe theo, lại bị đày đi Lạc Khẩu, phường vong nghĩa tham lợi như Bính Nguyên Chân thì lại được tin dùng, luôn được kề bên tính kế trù mưu. Chỉ còn lại Đơn Hùng Tín, Trình Giảo Kim, cũng chỉ biết riêng chuyện lên ngựa cầm thương.
Đại quân Lý Mật đi chưa được hai ngày, thì Thế Sung cũng đã kéo người ngựa ra, gặp thám mã quay về báo, tin Thế Sung cho hạ trại cách thành khoảng ba bốn mươi dặm. Lý Mật đóng ở phía đông Thúy Bình Xuyên, Thế Sung đóng ở phía tây Thúy Bình Xuyên. Quân sư Pháp Tự, đem theo khoảng hai ba trăm người ngựa, lặng lẽ trèo lên đỉnh núi theo dõi quân Lý Mật, thấy cơ ngũ chỉnh tề, cờ hiệu nghiêm trang, khí thế xung thiên, thật đúng là "vô địch chi sư" .
Pháp Tự trong lòng thầm nghĩ: "Ta dẫu có huấn luyện thần binh, nhưng làm sao mà thắng được lũ giặc thanh thế như vậy!". Cau mày nghĩ ngợi, nhìn bốn chung quanh, bỗng thấy phía dưới góc đông bắc, có bảy tám người đang đốn củi, Pháp Tự bỗng mừng rỡ mà rằng:
- Ta nghĩ ra rồi!
Khẽ gọi một viên gia tướng lại gần, ghé tai nói thầm mấy câu, còn mình thì lập tức lên ngựa về trại. Sáng ngày hôm sau, vào trướng thưa với Thế Sung:
- Thần đêm qua mơ gặp Chu Công nói rằng: "Pháp Tự hãy nghe ta phán: ngày mai ta sẽ ngầm dẫn một người để giúp ngươi phá giặc.
Ngươi hãy tâu với Trịnh Vương, tức tốc giao chiến".

Rồi lại ghé tai Thế Sung, nói nhỏ mấy câu. Thế Sung cả mừng, Pháp Tự lại lấy ván gỗ, dùng màu xanh đỏ, vẽ hình thú dữ, đóng lại thành những thùng vuông lớn đem người ngựa giấu ở bên trong. Thế Sung ngồi giữa đại trại, xem xét việc điều khiển của quân sư, thì thấy quân lính vào thưa:
- Đã bắt được Lý Mật!
Đến lúc giải vào chính là bọn người đốn củi hôm qua, tất cả đều bị trói chặt, Thế Sung bên hỏi:
- Bắt được bọn này ở đâu?
Bọn lính thưa:
- Tiểu nhân vâng lệnh tuần tra, đến đoạn đường mòn khe núi phía đông, gặp bọn này, trong số đó có Lý Mật, chúng tiểu nhân liền vào bắt lại giải về đây trình chúa thượng.
Kẻ bị đổ oan là Lý Mật vội thưa:
- Tiểu nhân vốn là người nhà quan trợ giáo Quốc tử giám mục Lục Đức Minh, trong thành hiếm củi, nên ra đây đốn, nào phải Lý Mật, hiện có các bạn đây làm chứng.
Bọn lính cãi:
- Rõ ràng là Lý Mật, giả dạng kiếm củi để do thám quân tình.
Thế Sung hỏi kỹ bọn kiếm củi đúng là người trong thành, liền sai tả hữu cởi trói cho họ, rồi khuyên:
- Cô biết rõ các ngươi đều là dân thường rồi, nay cô có việc cần đến các người. Trong số các người, có ai biết đường tắt kín đáo lên Bắc Mang Sơn không?
Một người giơ tay chỉ vừa thưa:
- Thưa đại vương, người này là Mãn Sơn Phi Kim Dũng, người kia là Xuyên Sơn Giáp Bàng Nguyên, hai người rất quen các dường mòn trong núi, chỗ nào quanh vùng núi này cũng thạo.
Thế Sung khen:
- Hay lắm!
Trước tiên gọi người giống Lý Mật tới, thưởng cho làm chức bá tổng trong quân, còn Kim Dũng với Bàng Nguyên thì cho làm tả hữu đội trưởng, cấp cho đầy đủ quần áo, chiến bào, rồi gọi vào trong trướng, ghé tai dặn dò một hồi, bọn này lĩnh mệnh ra đi.
Chính là :
Can quan máu đổ nơi nơi
Mất còn thua được có trời mới lay.
° ° °
Lại nói tiền quân của Lý Mật là Trình Giảo Kim, chỉ mong gặp giặc để đánh nhau, giết chóc một hồi, không ngờ binh lính Thế Sung lại lấy ván làm thành, lặng lẽ không chịu nghênh chiến, liền dốc binh lính tiến sát vào tường thành, nhưng thấy bên thành toàn những hình thù dị xanh đỏ, quay ngựa lại bỏ chạy. Đơn Hùng Tín dẫn cánh quân thứ hai vừa tới kịp, sai lấy thang mây, pháo bắn đá, cứ thế lại xông vào, nhưng cũng không phá nổi. Lý Mật dẫn hậu quân ở phía sau đóng trại, nổi lửa nấu ăn, ra lệnh tối nay chú ý phòng giặc tới cướp trại, cho nên đêm ấy trong các trại đều canh gác nghiêm cẩn, trống canh điểm đều. Khoảng canh ba, bên ngoài trại quân, bốn phía nghe tiếng pháo nổ liên tiếp, ai nấy nhớn nhác, bỗng thấy đội trần thám vào thưa:
- Các thành gỗ của Thế Sung đã thấy mở, nhưng bên trong chẳng có đèn lửa gì cả, không một bóng người, xin báo để chúa công rõ.
Giảo Kim nhân suốt mấy ngày xông vào thành trong lòng đang bực bội vì không nên chuyện, nghe lính báo thế, không nhẫn nại được nữa, tự mình dẫn đầu, kéo quân sang trại Thế Sung. Từ xa đã thấy cửa thành gỗ mở rộng, đèn đuốc sáng trưng, chẳng khác gì ban ngày, nhưng không hề thấy người ngựa nào ở bên ngoài. Giảo Kim chẳng cần nghĩ ngợi, cứ giơ cao búa, gào thét xông vào:
- Kẻ nào có gan thì theo ta!
Trong trại quân Thế Sung nghe một tiếng pháo lớn, một tướng tiến ra, đánh với Giao Kim khoảng hơn chục hiệp, thua chạy. Giảo Kim cứ thế xông bừa, được khoảng mươi dặm, lại thấy một tiếng pháo long trời, rồi liên tiếp những tiếng pháo khác, một trận cuồng phong nổi lên, quét bụi đất mù mịt, không còn thấy gì nữa. Lúc này khoảng gà gáy, trời đã gần sáng, Giảo Kim đang đốc thúc quân mã đánh chém, thì thấy bên nách xông ra bảy tám đội, toàn những kẻ mặt xanh tóc đỏ, miệng rộng hoặc, răng chìa như ngà voi áo ngũ sắc dài, giày rơm, đi khêu trong khói lửa hoàng, thuốc pháo mù mịt, cầm trường thương mà chém, đội lính phía sau ùa theo chém giết, la hét vang trời:
- Thiên binh đến rồi! Các ngươi muốn sống thì hãy đầu hàng cho sớm.
Binh lính của Hùng Tín kinh hoàng, quay ngựa xéo lên nhau mà chạy. Lại thêm lũ ngựa chiến, thấy những mặt quỷ xanh đỏ cao lênh khênh đều hý vang sợ hãi nhảy loạn xạ, hoặc cứ thế đâm đầu chạy thục mạng. Hùng Tín dẫn một số ít người ngựa can đảm, xông lên phía trước, gặp cánh quân Giảo Kim, cả hai cùng đánh giết một hồi, thì nghe quân Thế Sung hét vang:
- Lũ giặc ngu dốt kia! Chúng tao đã bắt được Lý Mật rồi đấy!

Một toán người ngựa, kéo theo Lý Mật, áo giáp vàng, khoác ngoài hoàng bào, bị trói trên lưng ngựa gào không thành lời:
- Mau lại cứu ta! Mau lại cứu ta!
Thì đã bị bọn lính kéo đi mất, Giảo Kim thấy thế kinh hoàng, liền nói với phó tướng Phàn Văn Siêu:
- Chủ tướng đã mất rồi, đánh cũng chẳng ích gì. Chạy đi thôi?
Văn Siêu đáp:
- Phương Đông cũng có Phật, phương Tây cũng có Phật, chạy đi đâu bây giờ, hàng quách cho xong.
Liền lên tiếng chủ tướng đã bị bắt, tình nguyện đầu hàng. Lính tráng nghe thấy thế, nhất tề vứt khí giới, cởi giáp trụ, quỳ xuống xin hàng. Giảo Kim nhớ còn mẫu thân, trong đám loạn quân, vứt bỏ mũ áo, lặng lẽ bỏ trốn mất.
Đơn Hùng Tín cùng Vương Đương Nhân dẫn cánh quân thứ hai, thấy phía trước đã tan vỡ, cũng chẳng rõ tại sao, lính la hét:
- Ngụy Công đã bị bắt rồi, cánh tiền quân đã hàng cả rồi!
Hùng Tín vốn chỉ là người dũng mãnh, chẳng kịp nghĩ tại sao Lý Mật lại có thể bị bắt được, trong lòng cũng hoảng hốt, nói với Đương Nhân:
- Ngụy Công bị chúng bắt đi rồi! Chúng ta ở đây, chém giết cũng vô ích, chi bằng cùng tìm đường thoát chạy.
Đương Nhân đáp:
- Thế là hơn cả !
Rồi hét lớn một tiếng, giơ đao chém mạnh mở một đường máu, nhưng bốn phía đều là lính Thế Sung, càng giết càng nhiều. Hùng Tín quay đầu nhìn lại, Đương Nhân đã không thấy đâu nữa, đang định quay ngựa tìm, thì tướng Trịnh là Trương Vĩnh Thông cưỡi ngựa sấn tới, Hùng Tín vội giơ thương đón đánh, không ngờ đến hàng chục câu liêm chĩa ra, kéo ngã ngựa, Hùng Tín đành phải đầu hàng. Chỉ còn mỗi Lý Mật dẫn đội quân tâm phúc xông vào đốc chiến, thấy tiền đội đều dã thua to, vội sai Bùi Nhân Cơ lên trước cứu viện, cũng bị lính Trịnh dùng câu liêm bắt sống. Lý Mật đang dao động thì thấy ở sườn núi phía sau, tiếng hò hét rầm trời, hai đội bộ binh, tay cầm đoản đao, lao nhanh xuống xông bừa vào hậu đội quân Ngụy mà đâm chém. Nhìn về phía trại lớn, lửa bốc ngút trời, lính giữ trại lẩn trốn bốn phía vào hang vào suối hết cả.
Thì ra lính Thế Sung có tiều phu dẫn đường, đang đêm một đội quân kéo đi, rắc đầy khắp nơi vật dễ cháy lưu hoàng, thuốc pháo, thừa lúc đại binh kéo đến, lẻn vào đốt trại lớn của quân Ngụy. Lý Mật ngày thường vẫn tự cho là mình mạnh thế, chẳng thể bị ai coi thường, hoặc lừa dối nổi, đến lúc này cũng lo sợ cuống cuồng. Đại trại thì lại làm sơ sài bằng cỏ tranh, không một chút gỗ ván, chỉ cần mấy trăm quân Trịnh xông vào, là đã thiêu xong, lại xông ra tiếp ứng cho hai cánh bộ binh. Thế là Lý Mật phía sau đã bị chẹn đánh, phía trước thì người ngựa Thế Sung cũng đã kéo đến, đón đường đâm chém. Đúng là tiền hậu giáp công, trước sau gặp địch, chẳng biết làm thế nào, chỉ còn cách đổi áo mũ, cùng toán lính hộ vệ chạy trốn về Lạc Khẩu. Nhuận Phủ nghe tin, vội đem quân tiếp ứng, lựa lời an ủi:
- Hán Cao Tổ đánh trận thua luôn, nhưng cuối cùng vẫn được thiên hạ, Hạng Vũ tuy thắng nhiều lần, nhưng rồi vẫn bị diệt. Chúa công cứ yên tâm rồi ta sẽ làm lại mọi sự.
Đêm ấy nghỉ ngơi ở Lạc Khẩu, ngày hôm sau đang định cùng mọi người bàn luận tính kế, thì thấy Giảo Kim cùng khoảng mười lính kỵ lần tới. Lý Mật giận dữ:
- Ta đang muốn hỏi ngươi, cớ làm sao tiền quân lại đến nỗi thế?
Giảo Kim thưa:
- Phía trước chúng thần bị quân Trịnh dồn đánh, chạy được khoảng năm sáu dặm, bỗng thấy một trận cuồng phong, vô số âm binh ở đâu hiện ra, thế là cả bọn chúng xông vào, không ngờ trong quân Trịnh kéo ra một người áo hoàng bào, bên ngoài là giáp vàng, bị trói trên mình ngựa, trông chẳng khác gì chúa công. Tướng sĩ chúng thần đều nhận rõ là chúa công đã bị bắt, chẳng còn lòng nào mà đánh nhau nữa, quân Trịnh như núi lở, biển trào, bốn phía kéo tới, phó tướng Phàn Văn Siêu kéo quân đầu hàng. Thần bất đắc dĩ cũng phải bỏ chạy về Thương Thành, không ngờ Bính Nguyên Chân đã đem toàn thành hàng Vương Thế Sung rồi, thần bèn cố chạy tới đây, may vẫn gặp chúa công. Thật đều do quỷ kế của lũ giặc mà ra cả!
Kể chưa xong, thì lại thấy Ngụy Trưng một người một ngựa tới, Lý Mật sợ hãi vội hỏi:
- Vì sao khanh cũng rời Kim Dung thành đến đây một mình, không phải đã xảy ra chuyện gì rồi chứ!
Ngụy Trưng thưa:
- Canh năm đêm hôm qua, có một người cưỡi ngựa, gọi mở cửa thành. Trịnh Tư mã trèo lên thành xem xét, soi đèn nhìn ra, thì rõ là chúa công ngồi trên mình ngựa. Trịnh Tư mã vội vàng mở cửa thành ra đón, thì nghe tiếng quát: "Chư tướng đâu, không ra cứu ứng?" Rồi thủ hạ tới trói lại, Bùi Nhân Nghiêm cũng bị trói nốt. Thần biết trúng kế, vội chạy ngay vào báo Vương nương nương, thế tử, chạy ra cửa Nam, may thay trên đường gặp Vương Đương Nhân, giao cho hộ tống về Ngõa Cương. Còn thần tới đây xem xét mọi chuyện ra sao, may gặp đông đủ ở đây. Vừa rồi ở trên đường, thấy binh lính trốn chạy nói: "Đại quân của Thế Sung đang kéo đến phía sau rồi!"
Thủ hạ của Nhuận Phủ đi tuần thám về thưa:
- Hổ Lao quan đã mất rồi, người ngựa Thế Sung chỉ còn cách Lạc Khẩu khoảng ba mươi dặm, ta phải mau trốn chạy mới yên!
Lúc này Ngụy Trưng cũng chẳng nghĩ được kế sách gì nữa. Lý Mật thấy Thế Sung thế như chẻ tre, liệu một góc Lạc Khẩu này, làm sao chống nổi, bèn cùng mọi người kéo về Hà Dương, là nơi Tổ Quân Ngạn đóng giữ, nhưng chưa được hai ngày, tuần thám về báo, Yển Sư, Lạc Khẩu đều đã mất. Lý Mật than:
- Ai ngờ bọn nghịch tặc này với vài quỷ kế mà ta đã mất ngay các nơi, cùng bao nhiêu tướng sĩ, đổ cũng bởi ta chỉ làm theo ý mình, nên mới đến thế này. Giờ thì lòng dạ rối bời, bảo ta phải làm gì đây?
Bá Đương thưa:
- Mưu sách bây giờ, chỉ còn lại Thư Hà, bắc thì dựa vào Thái Hằng, đông thì liên kết với Lê Dương. Từ Thế Tích vốn một lòng trung nghĩa, chẳng vì thành bại mà thay lòng, lại giỏi bày mưu tính kế, có thể chống đỡ ặt ấy, sai Từ giữ lấy Lê Dương, rồi chuyển quân ra Hà Bắc, cố gần với Thế Sung, thần dẫu bất tài, cũng xin nguyện tử thủ. Chúa công thì ở Thái Hằng, trông coi cả hai nơi, hãy tạm như thế, rồi bộ hạ sẽ tìm đến, lực mỏng thì dựa vào thế hiểm mà chống đỡ, mới là diệu kế.
Lý Mật bằng lòng:
- Kế ấy hay lắm!
Hỏi các tướng đều yên lặng không nói. Lý Mật cố căn dặn, thì các tướng đáp:
- Hôm trước đánh một trận ở Bắc Mang sơn, quân lính đều kinh hoàng. Hùng Tín thì đầu hàng, Nhân Cơ tài trí thì bị trói, rồi lại đến Hà Dương cũng bị mất ngay, Thương Thành đầu hàng, Yển Sư Lạc Khẩu, Lao Hổ quan cũng theo gót mà đi. Tướng thì chẳng còn lòng nào mà cố giữ, lính thì chẳng còn sức nào mà liều chết, tình người lợi theo thế, ai ai cũng thế. Nay dưới trướng chúa công còn được khoảng hai vạn, liệu kéo dài được bao lâu, sợ rồi cùng theo nhau mà trốn hết. Chúa công bảo cố giữ, thì lấy ai mà giữ cho?
Lý Mật nghe thế, bất giác sa hai hàng nước mắt, than rằng:

- Ta nhờ vào sức các tướng, giữ Lạc Khẩu, chiếm Lê Dương, bắc chống Thế Sung, nam phá Hóa Cập, không ngờ nay đánh một trận, đến nỗi thần phản, thân tín xa lìa, muốn giữ thì không có người, muốn về không có đất. Tấm thân bảy thước nay còn giữ làm gì nữa?
Nói xong rút kiếm đâm cổ, Bá Đương vội ôm lấy, rơi lệ chứa chan mà rằng:
- Chúa công, dẫu có bị khốn khổ mới nên nghiệp lớn, nay tuy thất lợi biết đâu có thể hưng thịnh, sao lại đến nỗi cạn nghĩ như vậy.
Hai người đều khóc, các tướng nhất tề sùi sụt, Lý Mật than khóc một hồi mới lên tiếng:
- Thôi ta hãy dẹp tất cả lại! Chí lớn không chịu khuất kẻ khác, nay trời hại ta, vô kế khả thi, ta cũng chẳng về Lê Dương nữa. Nay nếu các tướng vẫn không bỏ ta, thì hãy cùng ta kéo về Quan Trung theo nhà Đường, cũng chẳng mất gì phú quý.
Các tướng đồng thanh:
- Xin nguyện theo chúa công về với nhà Đường!
Lý Mật nói với Bá Đương:
- Gia quyến của các tướng đều ở Ngõa Cương, nay vào Quan Trung, xa nhà đã lâu, nay tất mong nhớ, chi bằng tướng quân hãy về Ngõa Cương.
Bá Đương thưa:
- Thuở xưa đã thề cùng sinh tử với chúa công, cớ gì bây giờ lại bỏ nhau, thân này cổ phơi trên bãi cũng cam tâm, huống gì gia quyến!
Lời của Bá Đương làm mọi người đều cảm khích, chẳng ai muốn đi nơi khác nữa. Chỉ riêng Giảo Kim nhảy ra trước mà lớn tiếng:
- Không phải Giảo Kim này vô tình. Mọi người đi thì được, nhưng Giảo Kim này đi không được!
Ai nấy hỏi:
- Sao lại như thế?
Lý Mật đỡ lời:
- Ta hiểu rồi? Trình mẫu hiện còn trên Ngõa Cương, không đi cũng được.
Giảo Kim đáp:
- Không phải thế. Mẫu thân ở Ngõa Cương, đã có Vưu viên ngoại khác gì anh em, bao giờ lại quên việc chăm nom được, Giảo Kim chẳng phải lo chuyện đó. Nhưng năm trước Lý Thế Dân bị giam ở Nam Lao một trăm ngày, phần lớn đều do Giảo Kim này mà nên!
Mọi người nói:
- Đó là việc quốc gia, mà nào đâu chỉ tội riêng gì mình Trình hiền đệ?
Giảo Kim đáp:
- Dạo ấy Thế Dân dò xét thành Kim Dung, trăm quan đều nói là mẹo lừa của Thế Dân, không ai dám ra bắt, chỉ riêng độc Giảo Kim này, chẳng sợ chết ra khỏi thành, đuổi đến "Lão Quân đường". Thế Dân trốn trong khám, tiểu đệ thấy Thế Dân biến thành một con mãng xà tinh, mới giơ búa định bổ, may mà Tần đại huynh đỡ kịp, nói rằng: "Bắt sống đem về gặp chúa công!", đến nỗi quần thần hai người, bị giam ở Nam lao. Người đời ngày nay, ân thì dễ quên, oán thì phân minh. Tiểu đệ mà về Đường, thì thật trúng ý Thế Dân, chỉ cần cho Giảo Kim này một đao, chia làm hai khúc, thì mẫu thân ai người chăm sóc. Không đi! Không đi được đâu!
Mọi người nói:
- Lúc này thì ai làm theo ý người ấy. Giảo Kim không đi, chúng ta cũng cứ theo chúa công về với nhà Đường thôi!
Lý Mật sợ kéo dài sinh biến, cũng chẳng chờ Thúc Bảo trở về, cũng chẳng báo cho Mậu Công, lệnh cho hai vạn quân sĩ kéo về phía Tây. Trước tiên sai Nguyên soái phủ duyên Liễu Tiếp, đem theo tấu chương dâng vua Đường.
Vua Đường Lý Uyên, từ lâu đã biết tài thao lược Lý Mật có thể dùng được, huống chi vùng Hà Nam, Sơn Đông, bộ hạ của Lý Mật khá nhiều, nếu thu phục được Lý Mật, thì cũng nhiều kẻ theo về, cho nên cả mừng, sai ngay tướng quân Đoàn Chí Huyền ra gặp, tìm lời an ủi lại sai ty pháp Hứa Kinh Tôn ra đón. Lý Mật tưởng tới thuở làm minh chủ, Lý Uyên bao lần ca ngợi, nào hay một sớm thất lợi, để đến nỗi phải cúi đầu làm thần tử Lý Uyên, trong lòng cũng ảo não không nguôi. Nhưng nay sự đã đến nước này, không thể không chịu dưới kẻ khác, đành phải dẫn bọn Bá Dương kéo vào Trường An, triều kiến vua Đường. Các tướng bái lạy xong, mời Lý Mật lên điện, vua Đường ban cho ngồi:
- Hiền đệ can quan lao khổ, hãy nghỉ ngơi ít lâu, rồi chờ Thế Dân ở U Châu về, sẽ cùng hiền đệ san bằng Đông Quan, trả hận cho hiền đệ.
Rồi truyền chỉ phong cho Lý Mật làm Quang lộc khanh Thượng trụ quốc, trước Hình Quốc Công. Vương Bá Đương làm Hữu vũ vệ tướng quân. Ngụy Trưng làm Tây phủ ký thất tham quân, ngoài ra các tướng sĩ đều được ban chức tước. Lý Mật tạ ơn lui ra. Vua Đường thấy Lý Mật không mang theo gia quyến, đem em họ là Độc Cô thị ban cho làm vợ, quan chức tuy không to, nhưng ơn nghĩa như thế cũng lớn.
Chính là:
Nhớ thuở xưa rồng mây nanh vuốt
Mà sao nay như chuột như dê
Cùng bầy Giáng, Quán, ê chề 4
Hàng thần lơ láo, tôn ty bẽ bàng. --------------------------------
1Ở hồi thứ năm mươi hai, nói là Trình Giảo Kim, có lẽ tác giả sơ ý, vì lúc này Giả Nhuận Phủ đã được đặc sai đi đòi nợ ở Lạc Dương rồi. 2Chu công: Tên là Đán, chú của Thành Vương, nhà Chu, Thành Vương lên ngôi từ nhỏ. Chu Công cầm quyền trị nước rất sáng suốt, rất trung thành, được sử sách phong kiến ca ngợi. (Điển cố văn học) 3Bốn câu đầu trong bài "Văn Vương" nghĩa là: Văn Vương ở trên, Tinh thần chiếu rạng khắp trời; Nhà Chu tuy là nước cũ; Mà mệnh trời cho làm thiên tử thì mới! 4Bình định xong thiên hạ, Hán Cao Tổ phong Hàn Tín làm Sở Vương. Chu Bột được phong Giáng Hầu, Quán Anh phong Dĩnh Âm Hầu. Nhưng sau Hàn Tín cũng bị giáng xuống tước hầu như Giáng, Quán, nên vừa bực, vừa thẹn! (Sử Ký)


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.