Tướng Quân Ở trên, Ta Ở Dưới

Chương 1: Hôn sự khó xử




Thời gian này Đại Tần đang có việc hỷ.

Đại tướng quân trấn thủ Mạc Bắc là Diệp Chiêu chinh chiến tám năm, cuối cùng đã phá tan được đô thành Tây Man, rửa được mối hận trước đây, không những lấy lại được lãnh thổ mà còn bắt chúng phải cúi đầu phục tùng.

Tin vui truyền đến, cả kinh thành vui mừng rộn rã, bá quan văn võ ai ai cũng ca ngợi công đức, thi nhau tán dương Trấn Bắc tướng quân là anh hùng đệ nhất thiên hạ.

Quốc vương Đại Tần lập tức phong Diệp Chiêu là đại tướng quân thống lĩnh binh mã thiên hạ, lệnh cho ca khúc khải hoàn và về kinh lĩnh thưởng.

Không ngờ, một bản tấu mới lập tức được trình lên. Trấn Bắc tướng quân tạ ơn chịu tội, tự nói mình là thân phận nữ nhi.

Thật là kinh thiên động địa!

Hoàng thượng đang nhấp một ngụm trà, nghe được tin này chẳng khác nào sét đánh ngang tai, không kìm được phun hết nước trà vào Tống quý phi, người mà Hoàng thượng sủng ái nhất.

Nhắc đến Diệp gia cũng coi như là nhắc đến một truyền thuyết. Từ khi khai quốc đến nay, Diệp gia đời nào cũng có người tham gia tòng quân. Cả dòng họ đã có tất cả mười ba người hi sinh vì đất nước. Họ thật đúng là một dòng họ trung liệt, xứng đáng được phong làm Trấn Quốc Công.

Tám năm trước, Man Kim xâm lược Đại Tần. Chúng điên cuồng cướp bóc và tàn sát, liên tiếp chiếm đoạt mười tám châu ở Hắc Sơn. Lúc đó Trấn Quốc Công uy phong lẫm liệt là đại tướng quân Diệp Trung đang trấn thủ vùng Mạc Bắc dâng tấu, thống lĩnh ba mươi vạn đại quân xuất chinh. Trước khi đi, Hoàng thượng còn mở tiệc chia tay ở Quỳnh Lâm Các, ban thưởng Đan thư Thiết khoán và ban thưởng thẻ bài Tinh trung báo quốc cho Đại tướng quân.

Con của Trấn Quốc Công tên là Diệp Chiêu mới mười sáu tuổi đã xin đi tiên phong, thống lĩnh năm nghìn binh mã mặc áo giáp sắt, dùng mưu kế đánh tan hai vạn quân của Man Kim đồng thời bắt sống tướng quân Hô Hô Thiếp Nhĩ của Man Kim. Kinh thành nhận được tấu báo tin vui, lập tức phong Diệp Chiêu làm Chấn Uy Hào Uý, nhưng Diệp Chiêu từ chối không nhận thưởng.

Sau đó, Diệp Chiêu lại thống lĩnh hai nghìn kỵ binh ban đêm tập kích vào Quỳnh Châu, đốt trụi kho lương của đội quân Man Kim, cắt đứt đường rút lui của chúng. Kinh thành nhận được tin vui lớn, phong Diệp Chiêu là Du Kích tướng quân, song Diệp Chiêu lại từ chối không nhận. Lại tiếp sau đó, Diệp Chiêu thống lĩnh hai vạn quân đi nghênh chiến tại Mục Dã, giết chết hơn hai nghìn tên địch, bắt sống ba nghìn tên, thật là thắng lợi lớn. Kinh thành nhận được thiệp báo tin vui lớn, phong Diệp Chiêu là Trung Vũ tướng quân, nhưng Diệp Chiêu vẫn tiếp tục từ chối, trình thư lên nói đời này Diệp Chiêu không muốn làm quan.

Thiên tử phẫn nộ, liền ban chỉ giáo huấn và quở trách.

Diệp Chiêu không còn cách nào khác đành phải tiếp chỉ.

Một năm yên ổn trôi qua, Man Kim tập kết thành tám bộ lạc ở vùng lân cận, mưu đồ mai phục. Tướng quân thống lĩnh của Đại Tần là Vương Thiện Thủy bị trúng kế, thất bại thảm hại. Trấn Quốc Công Diệp Trung trấn thủ biên ải, bị trúng tên tử thương. Con trưởng là Diệp Hùng và con thứ Diệp Kiệt đều bị tử trận. Quân Man Kim chiếm thành, Trấn Quốc Công phu nhân không cam chịu nhục nhã, tự vẫn ngay tại chỗ. Thiên hạ đại loạn, tình hình biên ải cấp bách, tin tức báo về tới Thượng Kinh. Diệp Chiêu tiếp nối ý chí của phụ thân, quỳ xuống nhận lệnh phong làm Trấn Bắc tướng quân, thống lĩnh đội quân đi chiến đấu. Diệp Chiêu đem theo ba nghìn quân đột kích mười vạn quân Man Kim, với thế tiến công mạnh mẽ, một mình xông thẳng vào trận địa chiến đấu với quân địch, giết chết hàng nghìn quân, chém chết danh tướng Tháp Thản của Man Kim khiến quân địch vô cùng khiếp sợ. Quân Man Kim bị buộc phải lùi về cố thủ. Sau đó Diệp Chiêu chuyển sang thành Cam Đô, tập hợp được ba vạn kỵ binh, bày binh bố trận xong quay lại tấn công, nhanh chóng tập kích tiêu diệt sạch đội quân Man Kim khiến máu địch chảy thành sông. Mọi người phong Diệp Chiêu là “Diêm Vương sống”.

Dân Man Kim có một bài dân ca truyền tụng rằng: “Diêm Vương tới, sa mạc biến thành màu đỏ, đàn ông Mạc Bắc hoá thành xương trắng, trẻ con Mạc Bắc không dám khóc đêm...”

“Một người như thế, tại sao lại là con gái được chứ?!” Hoàng thượng cầm bản tấu, xem đi xem lại rất nhiều lần, như muốn cố tìm ra một chút vết tích giả mạo do người Man Kim làm, nhưng kết quả vẫn khiến cho Hoàng thượng rất đau buồn.

Hoàng thượng liền đi tìm lão quốc công đã chín mươi tám tuổi của nhà Trấn Quốc Công để xin tư vấn.

Lão Quốc Công thần trí đã sớm bị tê liệt nhẹ, khua loạn xạ chiếc gậy mà quát rằng: “Diệp gia không có con gái! Chỉ có đứa con trai không có chim thôi!”.

Hả?...

Vậy Diệp Chiêu thực sự là con gái rồi.

Hoàng thượng rất khổ tâm, bá quan văn võ cũng rất khổ tâm.

Làm thế nào đây?

Mỗi người một ý kiến, không biết thế nào cho phải.

Chẳng ngờ, tối hôm đó không hiểu Hoàng thượng ở thâm cung đã bàn bạc với Hoàng Thái hậu những gì.

Chỉ biết ngay ngày hôm sau, Hoàng thượng lập tức ra lệnh bác bỏ những lời dị nghị, quyết định dứt khoát, thậm chí còn đích thân làm thơ ca ngợi chiến tích của Diệp Chiêu, rồi lệnh cho Diệp Chiêu về kinh ngay lập tức. Diệp Chiêu được phong làm Tuyên Võ Hầu, làm đại tướng quân thống lĩnh binh mã thiên hạ, nắm giữ hai mươi vạn đại quân ở Thượng Kinh và được ban thưởng theo công trạng.

Thiên hạ lại được một phen kinh ngạc.

Hoàng Thái hậu ban ý chỉ, phong cho con thứ của An Vương là Hạ Ngọc Cẩn làm Nam Bình Quận Vương, truyền lấy Tuyên Võ Hầu Diệp Chiêu làm chính phi.

Hạ Ngọc Cẩn ở kinh thành cũng được coi là một nhân vật nổi đình nổi đám. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cậu ta chỉ toàn là rong chơi vui vẻ với mấy đám bạn.

Thứ nhất về cơ thể, từ nhỏ Hạ Ngọc Cẩn đã mất cha, cơ thể suy nhược, suýt chút nữa thì không sống được. Quốc sư nói mệnh cậu ta thiếu quý nhân, mẹ cậu ta liền lấy cho cậu ta con gái của quan thất phẩm có quý nhân về làm thiếp cho cậu ta để xung hỉ, nhưng cũng chẳng ăn thua. Sau đó có một đạo sĩ hành khất không biết từ đâu tới, đưa linh đơn và dạy cho cậu ta cách dưỡng khí hít thở, từ đó cứ như kỳ tích vậy, cơ thể cậu ta dần dần khoẻ lại.

Thứ hai về tính cách, phu quân của An Thái Phi mất sớm nên bà dành tất cả tình thương yêu cho đứa con nhỏ. Do cơ thể Hạ Ngọc Cẩn suy nhược từ nhỏ nên được bà vô cùng chiều chuộng. Chiều quá khiến cho tính cách cậu ta trở nên nổi loạn, coi trời bằng vung, cả ngày tụ tập với bọn hạ lưu vô công rồi nghề, chọi gà chọi chó chọi dế, chơi mèo chơi chó chơi xúc xắc, là khách quen của lầu xanh, cầm đầu lũ con nhà giàu ham chơi, ngoài chơi ra chả biết làm gì, ngoài chính sự ra thì việc gì cũng làm.

Thứ ba về hình dạng, Hạ Ngọc Cẩn đường đường là một công tử nhưng lại đẹp nghiêng nước nghiêng thành, thật khó mà dùng lời để miêu tả. Đáng kể nhất là có một lần cậu ta đến một nhà chứa nam nổi tiếng nhất Thượng Kinh là Sở Phong Hiên chơi. Tất cả khách hàng ở đó không biết thân phận của cậu ta, kinh ngạc tưởng không phải người trần, không tiếc tiền, làm loạn lên sẵn sàng bỏ ra mười đấu ngọc minh châu để được vui vẻ với cậu ta... Sau khi trải qua sự kinh ngạc quá đỗi, cậu ta chỉ tay lên trời và thề rằng, đời này hận nhất bị đem ra làm trò hề! Sẽ không bao giờ bước vào nhà chứa này nửa bước.

Hạ Ngọc Cẩn vì danh tiếng hư hỏng nên việc hôn sự cứ bị trì hoãn hết lần này đến lần khác. Bây giờ cậu ta đã hai mươi hai tuổi, kết đôi với Diệp Chiêu năm nay hai mươi bốn tuổi là người mà làm con trai chiến công lẫy lừng nhưng làm con gái danh tiếng cũng không hay lắm thì quá hợp, thật đúng là một đôi trời sinh.

Hoàng Thái hậu rất mãn nguyện với kết quả này.

Hoàng thượng cũng rất hài lòng. Phu nhân của các vương gia, vương quốc công hầu cũng lấy làm vừa ý. Thế tử của các vương gia, vương quốc công hầu càng lấy làm mãn nguyện.

Chỉ có An Vương phủ khi nhận được tin dữ này, cả phủ như gặp đại tang.

An Thái Phi là Trương Thị mặc chiếc áo cánh hai tay thêu hoa văn hình cá, trên đầu đeo đầy những đồ trang sức lấp lánh, ôm lấy Hạ Ngọc Cẩn đang cứng đơ vì sợ hãi, xót xa ai oán nói: “Con ơi là con, là số con khổ, tại sao lại rước hoạ vào thân thế này? Cái loại con dâu như thế, làm sao mà sống cùng chứ?”

An vương gia Hạ Ngọc Khuyết lê cái chân đã bị thương tật từ lâu, khập khiễng bước vào khuyên nhủ: “Hoàng Thái hậu nói Tuyên Võ Hầu cao quý không ai sánh bằng, chỉ cần không phải là chó mèo thì đều có thể thành thân được. Sự thành thân này là do Hoàng Thái hậu giúp đỡ lựa chọn, đến cả Tống quý phi cũng không phản đối gì. Bây giờ ý chỉ đã ban xuống, việc lấy Diệp Chiêu giờ đã như đinh đóng cột, thì chỉ còn cách tuân chỉ mà thôi”.

An Thái Phi trừng mắt nhìn Hạ Ngọc Khuyết nói: “Bọn họ đều thương xót con cái của họ, không muốn lấy cái đồ Diêm Vương sống đó về. Huống hồ phụ thân con mất sớm, con thì lại bị tàn tật không thể lên triều, lời nói của chúng ta không có trọng lượng ở trên triều nên đây hiển nhiên là mưu đồ đã được tính toán trước. Chỉ tội nghiệp cho Ngọc Cẩn của ta...”.

Hạ Ngọc Khuyết cúi đầu vâng dạ nhưng trong bụng lại thầm nghĩ: “danh tiếng của nhị đệ quá xấu, lại không có người nào giúp đỡ. Lần này Hoàng Thái hậu có ý tốt làm mai mối nhưng bị kẻ xấu lợi dụng nên mới đẩy cậu ta xuống cái hố trước mắt, cũng coi như là đáng đời”. Nghĩ tới đây Hạ Ngọc Khuyết trong lòng khoái chí lắm bèn “đổ thêm dầu vào lửa” mà nói rằng: “Diệp Chiêu tòng quân nhiều năm như thế, không ai phát hiện ra là thân phận nữ nhi, chắc hẳn là hình dáng cao lớn, vai to bụng phệ, mặt mày dữ tợn lắm đây?”

“Không, con không lấy đâu”. Mặt Hạ Ngọc Cẩn tái mét.

Hạ Ngọc Khuyết lại nói: “Thái hậu đã có ý chỉ, sao có thể không lấy được chứ? Nghe đồn cô ta giết người không chớp mắt, đã ra tay là phải giết chết mà chẳng thèm nói lời nào. Hàng nghìn hàng vạn tù binh đều đã từng bị cô ta lột da, chôn sống, uống máu rồi. Nhưng mà dù sao nhị đệ cũng là phu quân của cô ta, đợi sau khi thành thân xong, chắc là cô ta cũng phải bỏ dần tính cách dữ tợn đó để tuân thủ tứ đức của nữ nhi, chăm chỉ học hành, làm con dâu tốt, vì thế không cần phải lo lắng quá đâu”.

Sắc mặt của Hạ Ngọc Cẩn trở nên đen như cái đít nồi vậy.

Thực ra mọi người đều nghe đủ các loại tin tức đáng sợ về Diệp Chiêu, thậm chí có lúc dân gian còn dùng để hù dọa trẻ con. Người thiếp là Dương Thị vẫn còn bình tĩnh một chút tuy mặt mũi đã trở nên trắng nhợt. Hai người thiếp còn lại sợ quá đã sớm từ bỏ cái ý định dựa giẫm vào người có quyền lực rồi nên vừa ôm lấy chân Hạ Ngọc Cẩn vừa gào khóc xin cứu mạng.

Hạ Ngọc Cẩn cười lạnh lùng: “My Nương, không phải nàng nói là ngoài trái tim ta ra nàng không cần gì hết sao, sau này sẽ cố gắng chăm sóc thiếu phu nhân sao?”.

Toàn thân My Nương run rẩy: “Nô tỳ quyến rũ thiếu gia là nô tỳ không đúng, nô tỳ biết sai rồi. Thiếu gia hãy nhìn vào thân phận nô tỳ từ nhỏ mà hãy mở lòng từ bi, kể cả là đánh đuổi nô tỳ hay lấy con của Hoàng Nhị Ma của nhị phòng cũng được ạ”.

Hạ Ngọc Cẩn lại cười lạnh lùng nói tiếp: “Huyên Nhi, không phải ngươi nói muốn đồng cam cộng khổ với ta, cho dù chết cũng phải bên cạnh nhau sao?”

Huyên Nhi hồn bay phách lạc: “Nô... nô tỳ chính là con hồ ly tinh! Không biết xấu hổ! Hay đem bán nô tỳ đi! Bán đi đâu cũng được, hãy tha cho nô tỳ cái mạng này ạ. Nếu thiếu phu nhân bất mãn, người nói muốn lột da, thì có thể sẽ đích thân ra tay lột đấy ạ”.

Hạ Ngọc Cẩn tức giận hất tay bọn họ ra, bước nhanh ra ngoài.

Một lát sau bỗng nghe thấy một tiếng kêu “tùm” dội lên.

Người vú già hốt hoảng la lên: “Cứu với! Thiếu gia nhảy xuống hồ tự vẫn rồi!”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.