Tướng Dạ

Quyển 1 - Chương 6: Nơi biên thành thật khó tưởng tượng được cuộc sống trong Trường An (1+2+3)




Phía nam Vị Thành có một khe nước nhỏ tới mức không đáng gọi là suối, cạnh con "suối" ấy là một ngọn núi "to" không hơn mô đất là bao, và nằm ngay sát chân núi là một căn nhà cỏ bé xíu. Ban đêm, mây mưa đã tan, bầu trời quang đãng, ánh sao lấp lánh trên cao rọi xuống khe suối, ánh lên sườn núi, nhà tranh, làm cảnh vật trở lên vô cùng lung linh huyền ảo.

Ninh Khuyết chậm rãi lê bước dưới ánh sao, nhìn căn nhà mà hắn và Tang Tang đã sống rất lâu rồi, đôi chân bất giác lại càng thêm nặng nề. Nhưng đã quyết định sẽ ra đi, thì dẫu có chậm hay nhanh cũng đâu thể thay đổi? Hắn đưa tay đẩy cái hàng rào họa may ngăn được chó chứ không ngăn nổi người, bước tới khe cửa có ánh đèn leo lét hắt ra rồi đưa tay lên che miệng, ho khan mấy tiếng, nói:

- Chuyển tới đô thành liệu có được không?

Tiếng kẽo kẹt của bản lề cánh cửa vang lên xé toạc màn đêm yên tĩnh.

Cô thị nữ nhỏ Tang Tang ngồi xổm dưới đất, đưa cánh tay ra giữ lấy cánh cửa cho khỏi kêu, ánh đèn in bóng nàng xuống mặt đất dài thăm thẳm. Nàng đáp:

- Chẳng phải ngươi vẫn muốn đi Trường An sao? À phải rồi, Ninh Khuyết, chừng nào ngươi tới hỏa khí doanh lấy ít dầu mỡ về được không? Cái cửa này kêu đã mấy tháng nay rồi, thật là khó chịu.

- Giờ còn ai dùng hỏa thương nữa chứ, nếu cần dầu mỡ thì ngày mai ta sẽ tới chỗ quân nhu hỏi thử xem... - Ninh Khuyết vô thức mở miệng đáp, rồi chợt nhớ ra, hắn hỏi: - Ô kìa, hình như ta đâu phải muốn bàn với ngươi về chuyện này, mà nếu đã quyết định sẽ đi thì cái cửa có kêu hay không quan tâm làm quái gì?

Tang Tang chống tay vào đầu gối đứng dậy, thân hình mảnh dẻ dưới cái lạnh của cơn gió đêm mùa xuân trông càng gầy gò, nàng nhìn Ninh Khuyết một cách chăm chú rồi bình thản trả lời:

- Dẫu chúng ta có đi thì người khác sẽ đến ở, họ cũng phải mở cửa đóng cửa chứ.

Sau khi hắn và nàng ra đi, chẳng lẽ cũng có người chịu đến ở cái nhà rách nát nơi khỉ ho cò không thèm gáy này ư? Ninh Khuyết lặng lẽ nghĩ, chẳng hiểu tại sao một tâm trạng không tên bỗng ùa về, hắn thở dài rồi lách qua người Tang Tang bước vào, nhỏ giọng nói:

- Tối nay chuẩn bị hành lý một chút.

Tang Tang đưa tay vén mấy sợi tóc vương trên má, nhìn bóng lưng hắn, hỏi:

- Ninh Khuyết, ta vẫn không hiểu nổi tại sao ngươi lại hứng thú với chuyện kia như vậy?

- Không ai có thể bỏ qua cơ hội làm cho mình mạnh mẽ hơn, hơn nữa chuyện này đối với ta quả thật hết sức hấp dẫn.

Ninh Khuyết biết cô thị nữ nhỏ này đoán được tâm tư của mình, hắn nhìn vào khuôn mặt ngăm ngăm đen, nhướng mày nói:

- Chúng ta không thể chết gí cả đời ở Vị Thành này được, thế giới ngoài kia vô cùng rộng lớn, bên cạnh đế quốc còn rất nhiều quốc gia khác, chúng ta phải đến tất cả những nơi đó xem, mà đã đi dẫu ít dẫu nhiều cũng phải có tiền, thăng chức nhanh chóng là một cách hay, nên đi Trường An tốt hơn rất nhiều so với ở đây. Do đó, lần này ta nhất định phải thi được vào thư viện.

Trên mặt Tang Tang lại lộ vẻ đăm chiêu. Do tuổi còn khá nhỏ nên mặt mày cô thị nữ này vẫn chưa có nhiều đường nét, hoặc cũng có thể bởi chốn biên thành quá nhiều cát bụi khiến mặt nàng hơi ngăm đen và thô ráp, cộng với cuộc sống khó khăn ăn uống thiếu dưỡng chất, đừng nói là xinh đẹp, ngay cả dễ nhìn có khi còn không được.

Nhưng nàng lại có một đôi mắt, một đôi mắt đặc biệt, thon dài như lá liễu, sáng và trong như được tạc ra từ khối băng vạn năm, cực kì sinh động có thần, tựa như không phải đôi mắt của một cô thị nữ mười một mười hai tuổi xuất thân khốn khổ mà của thiếu nữ trưởng thành hiểu thấu tình đời, không gì không biết. Vẻ tương phản mãnh liệt giữa tuổi đời và ánh mắt khiến nàng trông nghiêm nghị lạnh lẽo khác thường.

Ninh Khuyết biết tỏng mấy cái biểu hiện này toàn là hàng giả. Trong mắt hắn, cô nàng Tang Tang là một đứa nhóc lười nghĩ vô tâm điển hình, hai người sống nương tựa vào nhau đã bao nhiêu năm, do nàng có thói quen làm việc và hành động dựa theo suy nghĩ của hắn nên càng ngày càng ít chịu suy ngẫm, bởi ít chịu suy ngẫm nên ngày càng đần, và để che dấu cái đần của mình nàng ít khi chịu mở miệng, biến thành người kiệm lời, kết quả cuối cùng là tạo ra cái vẻ lạnh lùng thành thục đầy quái dị như bây giờ.

"Không phải đần, ngốc thì đúng hơn." - Chợt nghĩ đến chuyện nào đó, trong lòng Ninh Khuyết âm thầm sửa lại cách dùng từ.

Im lặng một lúc lâu, Tang Tang bỗng ngẩng đầu, cắn cắn môi, lộ vẻ hoang mang hiếm hoi:

- Nghe nói... Trường An rất lớn, có rất nhiều người.

- Đô thành tất nhiên là vô cùng phồn hoa, hình như vào năm Thiên Khải thứ ba dân số đã hơn một trăm vạn, hơn nữa chi phí sinh hoạt cực kì đắt đỏ. Ôi, sống ở Trường An, cái gì cũng lớn cũng nhiều hết.

Ninh Khuyết thở dài cảm thán, chợt thấy vẻ mặt căng thẳng của cô thị nữ nhỏ, hắn cười thoải mái, nói:

- Nhiều người thì cũng chẳng có gì đáng sợ hết, ngươi cứ coi Trường An như một Vị Thành phóng lớn là được rồi, chuyện giao tiếp với người ngoài đã có ta lo, ngươi cứ quản việc nhà là ổn, e rằng ngươi cũng ít có cơ hội bước chân ra khỏi cửa.

- Ở đô thành tiền mua gạo thịt rau cỏ trong một tháng độ mất bao nhiêu?

Đôi mắt lá liễu của Tang Tang mở lớn, hai bàn tay nhỏ bé siết chặt lấy vạt áo, lo lắng nói:

- Liệu có vượt quá bốn lượng bạc hay không? Như vậy thật quá nhiều so với Vị Thành rồi.

- Nếu thi được vào thư viện, kiểu gì ngươi cũng phải xuất ít tiền để sắm cho ta bộ đồ mới. Hơn nữa nếu có khách ví như bạn học gì đó đến nhà chơi, chẳng may vị tiên sinh đó nhìn trúng thiếu gia ta, lại mở lời mời ta đến nhà họ chơi thì không thể không đi, mặc đồ cũ đi coi sao được. Theo như ta tính rẻ lắm cũng phải cần cỡ mười lượng bạc.

Ninh Khuyết nhíu mày đáp, thực ra hắn đang hoàn toàn ăn ốc nói mò, giống như trong một câu chuyện cười nổi tiếng lưu truyền ở vùng Hà Tây: mấy bà nông dân trong lúc rỗi rãi nghỉ ngơi trên cánh đồng đoán với nhau rằng phải chăng Đông Cung nương nương đang nướng thịt, Tây Cung nương nương đang ngồi bóc hành, thịt xếp như biển, hành chất như núi.

Đối với đám học sinh trong thư viện mà nói, mười lạng bạc chẳng qua chỉ là một bàn rượu bé xíu.

Nhưng cái câu trả lời đầy tính phỏng đoán này rõ ràng đã vượt qua ngưỡng giới hạn chịu đựng tâm lý của cô thị nữ nhỏ, nàng nhăn mày nhìn hắn, kiến nghị:

- Ninh Khuyết, thôi chúng ta không tới Trường An nữa, ngươi cũng đừng thi vào thư viện, nhé? Đắt quá.

- Chẳng có kiến thức gì cả. - Ninh Khuyết bật cười mắng - Tốt nghiệp thư viện ra ngoài chắc chắn có thể làm quan, đến lúc đó dẫu chúng ta có tiêu mỗi tháng mười lượng bạc chẳng lẽ ta không kiếm nổi? Lại nói Trường An có gì là không tốt, son phấn của hiệu Trần Cẩm chắc không ít đâu.

Dường như mấy chữ son phấn đã đánh đúng vào chỗ hiểm của cô thị nữ, nàng mím chặt môi, rõ ràng đang rơi vào cuộc đấu tranh tư tưởng kịch liệt, mãi một lúc lâu sau mới đáp bằng một giọng nhỏ như muỗi kêu:

- Thế nhưng trong mấy năm ngươi học trong thư viện thì phải làm sao? Con mắt của người Trường An chắc chắn rất cao, đồ nữ công ta làm ra sao mà bán được?

- Đây quả là chuyện rắc rối, nghe nói không được tự do săn bắn quanh thành Trường An, rừng núi nơi đó toàn thuộc về tư nhân lão hoàng đế... Chúng ta còn tổng cộng bao nhiêu tiền?

Chủ tớ hai người liếc nhau một cái rồi cực kì ăn ý đưa tay nhấc ván giường lên, lấy ra hộp gỗ mỏng được giấu rất kĩ trong góc sâu nhất. Trong hộp chỉ có ít bạc vụn bằng cỡ lóng tay cùng một thỏi bạc lớn duy nhất nằm chính giữa hộp.

Nhìn đám bạc vụn rõ ràng đã nằm trong hộp từ lâu lắm rồi, hai người cũng không có ý đếm lại, Tang Tang nói nhỏ:

- Từ trước đến giờ cứ năm ngày vẫn đếm một lần, buổi tối ngày hôm kia đã đếm rồi, bảy mươi sáu lượng lẻ ba tiền bốn phân.

- Xem ra sau khi đến Trường An phải liều mạng kiếm thêm ít tiền nữa rồi. - Ninh Khuyết nghiêm túc nói.

- Ừ, ta sẽ tranh thủ nâng cao tay nghề nữ công của mình lên. - Tang Tang cũng nghiêm túc đáp lại.

Buổi tối, Tang Tang nhanh nhẹn trải chăn đệm lên giường rồi vuốt phẳng phiu, lại vỗ vỗ cái gối lõm xuống sao cho Ninh Khuyết có thể kê đầu một cách thoải mái nhất rồi mới đi xuống, ôm lấy đống chăn nệm của mình về phía góc phòng, nơi đặt hai cái rương bằng gỗ du to tướng.

Ninh Khuyết tắt đèn rồi đặt bát nước lên bệ cửa sổ, dựa theo ánh sao mờ mờ mà chui vào trong chăn, hai bàn tay chít dưới gáy, hắn mở miệng ngáp một cái đã đời rồi nhắm mắt, một lúc sau từ góc nhà cũng truyền đến tiếng lục cà lục cục quen thuộc.

Giống như nhiều năm nay, hai người vẫn để ánh sao đêm nơi biên giới xuống vỗ về giấc mơ, nhưng thực ra, đêm nay chẳng ai ngủ được. Có lẽ bởi nỗi háo hức vì sắp được bước chân vào một thế giới hoàn toàn mới lạ, cũng có lẽ bởi ánh phồn hoa phú quý nơi kinh đô Trường An xa xăm len lỏi đâu đây, hoặc là ai đó đang bị hương thơm của những hộp phấn son trong tưởng tượng quyến rũ và xâm chiếm cả tâm hồn, nên cả bên cửa sổ và trong góc phòng cứ vang lên những tiếng hít thở nặng nhọc bồn chồn.

Không biết qua bao lâu, đôi mắt Ninh Khuyết bỗng vụt mở, nhìn ánh sao nhạt nhòa đang rọi bên song cửa, hắn mê man nói:

- Nghe nói... những cô gái trong thành Trường An đều không biết sợ lạnh, váy áo hết sức mỏng manh, cổ áo khoét rất sâu, cơ thể rất trắng trẻo, chẳng biết có phải sự thực hay không... Hồi đó do tuổi ta còn nhỏ quá, không nhớ nổi điều gì.

Hắn trở mình, nhìn về góc phòng tối om om, hỏi:

- Tang Tang, dạo này có phải cô đang bị bệnh? Có lạnh không?

Trong bóng tối, dường như cô thị nữ nhỏ hơi lắc cái đầu, nếu chú ý kĩ có thể nghe thấy tiếng góc chăn bị tay nàng xiết lại, đôi mắt nàng vẫn nhắm nghiền nhưng khóe môi đang nở ra nụ cười hiếm hoi. Nàng nhỏ giọng thì thào:

- Nghe nói các cô gái trong thành Trường An đúng là rất trắng, ngày nào các nàng ấy cũng dùng son phấn tốt như vậy, muốn không trắng mà được sao?

Ninh Khuyết cười cười, nói:

- Yên tâm đi, đợi thiếu gia đây có tiền thì son phấn của hiệu Trần Cẩm ngươi muốn mua bao nhiêu thì mua.

Nghe thấy thế, Tang Tang lập tức mở mắt, đôi mắt nàng sáng rực lên:

- Ninh Khuyết, ngươi hứa rồi đấy nhé.

- Nói bao nhiêu lần rồi, sau khi tới Trường An ngươi phải gọi ta là thiếu gia, như thế mới tôn trọng.

Từ khi Ninh Khuyết lôi cô nàng ra từ giữa đống người chết rồi chật vật đưa tới Vị Thành, mới đó mà đã tám năm trôi qua. Tang Tang mặc dù đăng kí trên hộ tịch là tỳ nữ, cũng làm những công việc của tỳ nữ thường làm nhưng lại chưa một lần gọi hắn là thiếu gia. Chuyện này cũng không nói lên điều gì, chẳng qua đó là một thói quen mà thôi.

Đến hôm nay, cô thị nữ nhỏ Tang Tang đang bị ép buộc phải từ bỏ thói quen này.

- Ninh Khuyết, à, thiếu gia, ngươi phải nhớ đã đồng ý mua đồ của hiệu Trần Cẩm cho ta rồi đó.

- Được rồi.

Ninh Khuyết đáp lại, ánh mắt rơi xuống ánh sao đêm mờ ảo như sương khói nơi dải đất biên cương, trong lòng chợt bồi hồi vô cớ, cái cảm giác đã rất nhiều năm rồi không xuất hiện lại. Hắn quay đầu nhìn bầu trời đêm xanh đậm ngoài cửa sổ, thấy cả rừng sao lấp lánh, rồi cúi đầu nghĩ tới cố hương, thì thào trong miệng:

- Ôi, đêm nay không có ánh trăng...

(Thằng này chắc nghĩ đến bài Tĩnh dạ tư - cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lý Bạch: ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương, tiếc là cố hương thì có mà trăng thì bị nó dọa cho không dám ló ra)

Đang nằm cuộn tròn như chú chuột con trong góc nhà tối đen như mực, Tang Tang đưa tay về phía sau kéo kéo góc chăn cho kín hòng ngăn phần nào cái lạnh từ bên ngoài len vào, nghe tiếng nói mơ từ phía cửa sổ truyền lại, nàng nghĩ bụng: Ninh Khuyết, à, thiếu gia lại lên cơn mê sảng nữa rồi...

............................

Sáng sớm, chủ tớ hai người tỉnh lại, dựa theo ánh sáng ban mai mờ mờ ảo ảo mà chuẩn bị hành lý, thỉnh thoảng có trao đổi qua lại mấy câu, nhưng đa phần thời gian thì đều im lặng.

Ninh Khuyết đào dưới chân tường nhà cả nửa ngày, móc ra được cái gói to bự dài ngoằng, lôi từ trong đó ra một bộ cung tên. Hắn kiểm tra tỉ mỉ một hồi, thấy không có vấn đề gì mới yên tâm đưa cho Tang Tang nhét vào bao hành lý làm bằng vải bông, lại lấy từ chân hàng rào ra ba thanh trực đao có vỏ đã hơi gỉ sét, cẩn thận lau chùi một hồi rồi đưa lưỡi đao lên soi dưới ánh sáng xem còn sắc bén không mới gật gật đầu hài lòng dùng sợi thừng bện bằng cỏ đem chúng cột lên lưng.

Hắn lấy từ sau cánh cửa ra một cái ô màu đen, dùng sợi thừng còn lại cuốn thật chặt rồi buộc vào lưng Tang Tang. Cái ô rất lớn này chẳng biết được làm từ loại vật liệu gì mà bề mặt bóng lên như được bôi mỡ nhưng không hề phản quang, lại có vẻ rất nặng nên dù được cuốn chặt nhưng khi buộc lên thân hình nhỏ bé của Tang Tang suýt chút nữa đè nàng ngã sấp xuống mặt đất.

Sau khi đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc đi xa, Ninh Khuyết và Tang Tang một trước một sau bước qua dãy hàng rào đổ nát, hai người quay đầu lại nhìn căn nhà cỏ rách nát, Tang Tang ngẩng đầu nhìn lên khuôn mặt hắn, hỏi:

- Thiếu gia, có cần khóa cửa hay không?

- Khỏi khóa. - Ninh Khuyết hơi trầm ngâm, nhẹ giọng thì thào đáp: - Sau này... có lẽ chúng ta khó mà quay về đây được...

................................

Những bánh xe bằng thiết mộc nghiến lên mặt đất lầy lội, đội ngũ của vị quý nhân chậm rãi lên đường rời khỏi Vị Thành, trước sau có tổng cộng năm chiếc xe ngựa sang trọng, tại nơi biên thành heo hút điều đó đúng là hết sức thu hút ánh mắt người khác. Quả thực bên đường hôm nay có rất nhiều người tới đưa tiễn, nhưng mối quan tâm của họ không phải đặt lên mình vị quý nhân trong đoàn mà lại ở người gã thiếu niên và cô thị nữ nhỏ ngồi trên chiếc xe đầu tiên. Quà tiễn chân có món trứng gà nấu chín, có khuôn mặt tèm lem nước mắt của vị đại thẩm đang đưa khăn tay lên lau mắt, vừa khóc vừa nói gì đó.

- Thằng nhãi Ninh Khuyết xấu xa chết tử chết tiệt nhà ngươi, đứa cháu họ xa của ta vốn tốt như thế mà sao ngươi không chịu gả Tang Tang cho nó hử? Được rồi, ngươi cứ bắt cô bé đáng yêu này theo ngươi đến cái nơi toàn kẻ ăn người không nhả xương đi, nói cho ngươi biết, ngươi mà không chăm sóc Tang Tang nhà ta cho tốt thì hãy coi chừng.

Ngồi trên xe ngựa, Ninh Khuyết mặt mày nhăn nhó đáp:

- Thím à, lúc Tang Tang mới có tám tuổi thím đã tới cầu hôn rồi, chuyện này làm sao mà thành được.

Đây đó vang lên tiếng mắng mỏ đầy vui vẻ, ông trời chợt nổi cơn mưa phùn lất phất, những hạt mưa còn mỏng manh nhẹ nhàng hơn những sợi tơ dần vương đầy lên áo mọi người, nhưng không ai chịu ra về, Ninh Khuyết vội vàng tạm biệt những người hắn quen biết, tính toán những nợ nần cuối cùng còn sót lại, đoàn người ồn ào nhốn nháo không thôi.

Tấm rèm che chiếc xe ngựa sang trọng nhất đi phía cuối đoàn chợt vén lên một chút, cô tỳ nữ lạnh lùng kiêu ngạo nhô đầu ra xem xét, hàng lông mày xinh xắn không nhịn được dựng ngược lên.

Lúc đoàn xe sắp sửa ra khỏi thành, Ninh Khuyết liền đứng lên, chắp tay hướng về bốn phía thi lễ.

Gã thiếu niên lưng đeo ba thanh đao cũ, đứng dưới cơn mưa đưa quyền nắm chưởng đáp lễ, đột nhiên sinh ra mấy phần anh khí.

- Thưa các anh em, các chú các thím, lời cảm ơn không cần nói nhiều.

Nói xong câu đó, hắn mở bàn tay trong mưa rồi nắm chặt lại, giang ra hai bên, lộ bộ ngực và cánh tay chẳng lấy gì làm cường tráng, bộ dạng đúng là ngớ ngẩn đặc. Hắn tạo dáng xong, hét lớn:

- Lần này đi Trường An, khi chưa ra hồn người, ta quyết không trở về!

Một câu chốt hạ, hiệu quả hệt như cái gõ phách kết truyện của vị tiên sinh kể chuyện, hệt như một cái đầu người đầy máu me vừa rớt bịch xuống đất sau nhát đao dứt khoát, lời hoan hô từ miệng dân chúng đứng đầy hai bên đường dậy lên ầm ầm.

Trong quán rượu duy nhất của Vị Thành, Mã Sĩ Tương đang ngồi chè chén say sưa cùng mấy tên giáo úy thân tín. Quý nhân không cần bọn họ đưa chân, bọn họ cũng lười chẳng muốn ra tiễn thằng nhóc Ninh Khuyết lên đường, nhưng cảnh tượng sôi nổi đó hiện lên mồm một trong mắt từng người. Một gã giáo úy nghĩ đến câu tuyên bố hùng hồn trên xe ngựa của Ninh Khuyết, thở dài nói:

- Không ra hồn người thì không trở về? Thằng nhóc chẳng giống ai này đúng là rất khó trở lại rồi...

Bên bàn rượu, Mã Sĩ Tương chợt nhớ đến mấy câu Ninh Khuyết nói với mình đêm qua, hắn nhẹ nhàng vuốt râu, mỉm cười khẽ nói:

- Không trở về cũng tốt, thằng nhãi xấu xa này, mau ra thế giới bên ngoài mà gây họa đi.

Rời xa Vị Thành, đương nhiên cũng là rời xa thảo nguyên, những chuyện lùm xùm ở bộ lạc Man tộc cùng đợt hạn hán mùa xuân đang làm đau đầu vị Thiền Vu mới lên ngôi chẳng ảnh hưởng tý xíu gì đến nơi đây. Gió xuân mơn mởn nhuộm xanh từng cành cây ngọn cỏ, nhuộm cả những nét tươi mới đầy sức sống lên bánh xe móng ngựa, khiến những đàn bướm cứ dập dờn quanh quẩn không đi.

Tuấn mã phi nhanh trên núi đồi đồng cỏ, dây cương lúc kéo căng như sắt, lúc buông mềm như lá liễu, những tấm rèm xa hoa che cửa thùng xe cũng dập dờn lay động theo bước ngựa. Cô tỳ nữ xinh xắn ngơ ngẩn nhìn cảnh vật đang trôi vùn vụt về phía sau, hình như nàng đang nghĩ tới những ngọn gió mang đầy cát vàng gào thét nơi thảo nguyên phương Bắc nên nét mặt có vẻ cương cứng, nhưng trong ánh mắt lại tràn đầy nỗi chờ mong về những điều mơ hồ phía trước.

Trong xe, một thằng bé ăn mặc sang trọng ôm lấy chân nàng, nhìn lên bằng ánh mắt cầu khẩn, miệng lẩm bẩm mấy câu gì đó, hình như nó muốn ra ngoài ngắm cảnh.

Cô tỳ nữ cúi đầu xuống trách móc thằng nhóc bằng thái độ nghiêm khắc rồi nét mặt lại trở lên dịu dàng, đưa tay kéo nó vào lòng rồi vuốt ve mái tóc đầy vẻ thương yêu.

Một góc màn xe bị gió hất lên, gió xuân mơn man trên khuôn mặt mềm mại, cô tỳ nữ hơi nheo mắt nhìn về phía trước, vẻ mặt bỗng dần đanh lại.

Gã thiếu niên tên gọi Ninh Khuyết đang ngồi lắc lư trên chiếc xe ngựa tương đối đơn sơ đi phía đầu đoàn, nhìn bộ dạng hết nghiêng bên đông lại vẹo bên tây của hắn rõ ràng tên khốn này đang nửa tỉnh nửa mê. Mang trách nhiệm làm người dẫn đường chỉ hướng cho cả đội xe mà suốt ngày chỉ ngủ gà ngủ gật, rõ ràng nhìn từ phía nào cũng không thể gọi hắn là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhưng nguyên nhân khiến cô tỳ nữ phải xạm mặt không chỉ độc có thế.

Ninh Khuyết ngủ gật trên càng chiếc xe chạy băng băng trên đường, nên lúc nào hắn cũng ở trong nguy cơ bị rớt bịch xuống đất, Tang Tang cứ phải chăm chăm túc trực bên cạnh, dùng thân thể gầy gò của mình ra sức chống đỡ cho hắn. Khuôn mặt ngăm đen tuy không lộ ra vẻ gì, nhưng có thể cảm giác được nàng đang vô cùng khốn khổ.

Cô tỳ nữ dùng ánh mắt lạnh lùng quan sát tất cả.

Bỗng chiếc xe chạy qua một con suối rất cạn, Ninh Khuyết bị xóc nên giật mình tỉnh lại, hắn đưa tay dụi mắt rồi ngước lên nhìn sắc trời, phát hiện mới ngủ một tý mà đã hoàng hôn rồi. Hắn cười cười giơ tay lên ra hiệu, ý bảo dội xe dừng lại đóng trại.

Vừa mới mở mắt đã lập tức đòi đóng trại, thái độ này có vẻ hơi vô trách nhiệm và hồ hồ, nhưng trong đoàn lại chẳng ai dị nghị gì với ý kiến của hắn.

Rời khỏi Vị Thành đã được mấy ngày, trên đường đi mỗi quyết định của gã thiếu niên này luôn được thực tế chứng minh là vô cùng chính xác, từ lựa chọn lộ tuyến, tìm nơi đóng trại, phòng thủ xung quanh, lấy nước kiếm củi đến an bài lối thoát đều không hề có sơ hở, càng khiến người ta phải than thở là tốc độ đoàn xe luôn giữ ở mức rất cao.

Mấy tên mã tặc được vị quý nhân thu phục trên thảo nguyên lúc đầu còn giữ thái độ coi thường đối với khả năng của quân đồn trú ở Vị Thành, nhưng sau khi tận mắt chứng kiến khả năng hướng đạo của gã thiếu niên, trong lòng chỉ biết khâm phục không thôi.

Bên suối, đoàn người lặng lẽ đào đất đắp lò đun nước, cô tỳ nữ trên chiếc xe ngựa sang trọng được bảo vệ kĩ càng cũng bước xuống, nhìn Ninh Khuyết nhàn nhã nằm khểnh trên bãi cỏ cách đó không xa, lại nhìn cô bé gầy yếu đen đủi đang oằn mình xách nước, hàng lông mày của nàng nhăn tít lại.

Gã hộ vệ nổi danh dũng mãnh bên cạnh đứng lên nhìn nàng chờ đợi, nàng lắc đầu ý bảo không cần theo rồi xuyên qua làn khói bếp men bờ suối đi tới.

Nàng phải công nhận rằng gã thiếu niên tên gọi Ninh Khuyết này rất có năng lực, so với đám công tử bột tự cho là tuấn kiệt trong thành Trường An thì khá hơn rất nhiều. Nhưng cái vẻ ta đây của hắn thật sự khiến nàng phát ghét, nếu hắn là một công tử con nhà thì còn được, đằng này lại chỉ là một thằng nhãi thô bỉ khố rách áo ôm, không ngờ cũng học thói nhà giàu đi chèn ép bắt nạt cô thị nữ đồng cam cộng khổ với mình, điều này bất giác đã đụng chạm đến một góc nào đó ẩn sâu trong lòng nàng.

Tới bên cạnh Tang Tang, nàng mỉm cười ôn hòa, ý bảo đối phương bỏ đống củi nặng nề trên tay xuống để trò chuyện.

Tang Tang quay lại nhìn Ninh Khuyết, nhận được cái gật đầu đồng ý của hắn mới đi ra. Cô tỳ nữ xinh đẹp móc ra một chiếc khăn tay nhưng Tang Tang lắc đầu, nàng chợt nhận ra cô thị nữ nhỏ này làm việc cực nhọc như vậy mà trên trán chẳng hề có lấy một giọt mồ hôi.

Đến tận bây giờ Ninh Khuyết mới chịu bò dậy, hắn thong thả phủi sạch mấy cọng cỏ vương trên áo rồi mỉm cười thi lễ.

Cô tỳ nữ không thèm nhìn hắn, nàng lạnh lùng nói:

- Ta không thích ngươi nên ngươi cũng khỏi cần thân thiết với ta. Loại người như ngươi ngoài mặt lúc nào cũng ra vẻ ngây thơ ôn hòa, nhưng thực ra trong xương cốt toàn là đám giòi bọ cổ hủ rỗng tuếch, thật khiến người ta phát ghét.

Giọng điệu vô cảm, cái cằm hất lên, thái độ lạnh nhạt xa cách nhưng toát ra khí chất trên cao nhìn xuống đầy quý phái, thân là tỳ nữ bên cạnh công chúa điện hạ đã rất nhiều năm, đối với đại bộ phận quan viên của đế quốc nàng cũng có thể hất hàm sai khiến chứ đừng nói tới một kẻ còn không to hơn hột vừng như Ninh Khuyết.

Ninh Khuyết lắc đầu cười cười rồi xoay người đi đến đám bếp lò bên suối.

Thị nữ duy nhất đã bị một trong vô số tỳ nữ của quý nhân lôi đi nói chuyện phiếm, Ninh Khuyết đành phải tự mình nhóm lửa nấu cơm.

Chẳng biết có phải ở chốn biên thành quá nhiều cát bụi khiến da mặt người ta phải dày và cứng hơn bình thường hay không, mà trong nụ cười của hắn không thể tìm ra cái vẻ gì tên là xấu hổ.

.............................

Lúc mặt trời đã gần lặn hẳn Tang Tang mới trở về, trên tay nàng cầm theo một đống đồ ăn vặt đủ loại, Ninh Khuyết thấy vậy không hề khách sáo nhận lấy nhét vội vào trong miệng, bát cháo thịt khê mù hắn nhăn nhó nuốt nãy giờ bị quăng sang một bên không thương tiếc.

Hắn lúng búng nói:

- Sao cô ta thích nói chuyện phiếm với ngươi thế nhỉ? Mấy bữa nay toàn phải ngốn thứ cơm canh chính quy chết tiệt này... Cái kiểu đồng tình đồng cảm của đám người quý phái này sử dụng rõ là không đúng chỗ đúng lúc, nhìn nụ cười mà nàng ta rặn ra chẳng khác gì điệu cười của bà ngoại sói với cô bé quàng khăn đỏ. Hừ, tự cho là ôn hòa khéo léo, so với kiểu cầu tài của lão chủ quán rượu Vị Thành trông còn giả hơn.

- Con người nàng ta không tệ. - Tang Tang nhặt bát cháo bên cạnh hắn lên, vén rèm định bước ra ngoài làm việc tiếp thì bị hắn gọi quay lại.

- Mấy bữa nay các ngươi nói những chuyện gì vậy? - Ninh Khuyết hỏi.

Tang Tang nhíu mày, nhăn nhó ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi đáp:

- Hình như... ngươi biết ta vốn không giỏi diễn đạt mà... hầu hết thời gian nàng ta kể lại những câu chuyện trên thảo nguyên, có điều là chuyện gì thì ta cũng quên mất rồi.

Nghe được câu trả lời này, tâm trạng của Ninh Khuyết lập tức thoải mái hẳn lên, hắn cười khẽ một tiếng, nói:

- Sau này nếu nàng ta lại tìm ngươi nói chuyện phải nhớ đòi một ít tiền, hoặc một ít đồ ăn vặt ngon ngon cũng không tệ.

...........................

Đêm.

Tang Tang múc nước suối dập tắt bếp lửa rồi kiểm tra lại thật kĩ càng mới xách thùng nước nóng đi về phía trướng bồng. Đám người bên suối thấy vậy đều biết cô thị nữ nhỏ đang chuẩn bị nước rửa chân cho Ninh Khuyết, trên mặt không hẹn đều viết lên hai chữ khinh bỉ to tướng.

Hai chữ khinh bỉ này đương nhiên là dành riêng hiếu kính cho người tên Ninh Khuyết.

Rửa chân xong, Ninh Khuyết chui vào chiếc giường được trải bằng da dê rồi cầm hai bàn chân nhỏ nhắn lạnh lẽo ấp vào ngực mình, trong miệng buột ra âm thanh mơ hồ không biết là khoái ý hay rên rỉ đau khổ, hắn ngáp một cái thật to, nói:

- Ngủ thôi.

Tang Tang ban ngày phải làm việc hết sức mệt nhọc nên chỉ sau một lát đã kéo gỗ say sưa.

Đôi mắt của Ninh Khuyết chẳng biết mở ra từ lúc nào, ánh mắt hắn tựa như xuyên thấu rất nhiều đỉnh trướng bồng, rơi xuống một chiếc khăn tay.

Nhớ lại chiếc khăn tay viền vàng mà cô tỳ nữ kia đã móc ra, hắn biết suy đoán của mình hoàn toàn chính xác, nhưng dẫu có đoán đúng thì liệu được tích sự gì...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.