Tướng Dạ

Quyển 1 - Chương 28: Ngoài phủ tướng quân




Khách sạn do Tang Tang tìm tất nhiên không thể coi là một cái khách sạn đúng nghĩa, tùy tiện ngả lưng một đêm, sáng hôm sau khi hai người vừa ngáp vừa ra khỏi cửa thì tên của khách sạn đó là gì cũng không nhớ nổi.

Sau khi hỏi đường đi từ một bà cụ mặt mũi hiền lành, hai chủ tớ liền đi về phía nam thành, cứ thế vừa đi vừa hỏi, rốt cục cũng tới chỗ hai cây hòe lớn.

Trong tích tắc đầu tiên nhìn thấy hai cây hòe đó, kí ức thời thơ ấu bị bụi thời gian phủ mờ của Ninh Khuyết bỗng nhiên ùa về, hắn nhắm mắt ngẫm lại một lát rồi kéo Tang Tang đi tới.

Giữa hai cây hòe có một con hẻm yên tĩnh đủ rộng để xe ngựa bình thường chạy qua nhưng xe lớn quá lại không vào được, hai bên đường chẳng biết là trạch viện nhà ai mà im ắng không có tiếng người, rất nhiều gốc cổ thụ che trời vươn cành qua bờ tường bao, tầng tầng lớp lớp che kín trên đầu khiến ánh nắng xuân không thể lọt tới mặt đất, vô cùng râm mát.

Đi tới đoạn giữa con hẻm có hai cánh cổng đối diện nhau, cổng nhà bên phải tượng sư tử đá vừa sạch sẽ vừa uy nghiêm, dường như không có một hạt bụi hay lá rụng nào bám bên trên, cửa son đóng kín, vòng đồng yên lặng, ngược lại, nhà bên phải đã tàn tạ quá nhiều, lớp sơn trên cánh cổng đã tróc ra gần hết, hai tờ giấy niêm phong rách nát phất phơ trong gió buồn thiu, tượng sư tử đá chỉ còn lại một con, con kia không biết bị chuyển đi đâu, mà con còn lại cũng sứt mẻ tứ tung, mất tai vỡ trảo, mặt đất phía sau nó bùn đọng thành lớp đen thui, trông như máu đông quánh lại.

Ninh Khuyết chăm chú ngắm nhìn chú sư tử đá thảm hại ngồi chồm hỗm trước mặt, nhớ lại cảnh chơi đùa cùng Tiểu Thuận ở đây khi còn bé rồi bị người lớn trong nhà lôi về dùng gia pháp phạt một trận nên thân, đi quá cánh cửa lách hắn lại nhớ năm bốn tuổi vì tránh phải ăn roi của vị tiên sinh dạy học liền cùng một thằng lỏi can đảm trốn nhà ra đi.

Ánh mắt Tang Tang hết nhìn hai cánh cổng lại nhìn mặt Ninh Khuyết, nàng cảm nhận được tâm trạng buồn bã ưu thương trong lòng hắn, không biết tại sao, nàng tự nhiên cũng thấy buồn theo, làn gió xuân thổi qua con hẻm dường như bỗng lạnh hơn rất nhiều.

Tòa nhà dột nát kia chính là phủ đệ của Tuyên Uy tướng quân Lâm Quang Viễn. Năm Thiên Khải thứ nhất, hoàng đế bệ hạ tuần thú phương Nam, trong thành Trường An khám phá ra vụ án thông giặc bán nước, thân vương điện hạ đích thân chủ trì thẩm tra xét xử, tể tướng và quan lại chỉ đứng ngoài, cuối cùng kết tội Lâm Quang Viễn phản quốc, toàn phủ họ Lâm bị xử chém, tài sản bị tịch thu.

Vụ án đó được coi là thiết án rành rành, trong triều không một ai nghĩ đến chuyện lật lại tra xét, dù có nhắc đến người ta cũng chỉ thương xót cho những kẻ đáng ra không phải chết như đám quản gia người làm, càng thương xót bao nhiêu lại càng căm ghét tên Lâm Quang Viễn tội ác ngập trời bấy nhiêu, chẳng những khiến bản thân thân bại danh liệt còn kéo theo bao nhiêu người vô tội vào vòng nước lửa.

Trong khoảng thời gian mười năm sau khi thu hồi phủ tướng quân, triều đình đã mấy lần dùng nó ban thưởng cho quan viên, nhưng hễ ai nghe đến mảnh đất xui xẻo này liền dập đầu như tế sao xin miễn cho thần bất tài không dám nhận, quanh thành Trường An đất rộng nhà đông, họ cũng không sợ không tìm được chỗ ở tốt, vì thế, phủ đệ này cứ bỏ không quanh năm suốt tháng, càng ngày càng tàn tạ thêm.

Lúc đi qua cửa lớn phủ tướng quân, nét buồn bã trong mắt Ninh Khuyết vụt biến mất, trên mặt không còn bất kì một cảm xúc nào khác thường, hắn không dừng lại, thậm chí bước chân chưa từng chậm đi nhịp nào, cứ bình thản cất bước, vì thế Tang Tang đằng sau phải đi như chạy mới theo kịp, cây ô sau lưng nàng liên tục đập lên đập xuống phát ra âm thanh đều đặn như tiếng trống báo canh.

Cứ như vậy, hai người bình tĩnh đi trong hẻm, bình tĩnh đi qua cánh cửa sơn son và cánh cửa tàn tạ, trông bình thường như thể hai vị khách nhà quê bình thường nhất di du xuân lạc nhầm vào con ngõ nhỏ nào đó trong thành Trường An.

.............................

- Cái tòa nhà xui xẻo đó chẳng ma nào muốn mua, nhưng tòa nhà đối diện người ta lại tranh nhau vỡ đầu mẻ trán, tại sao vậy? Năm xưa Tuyên Uy tướng quân và Thông Nghị đại phu ở đối diện nhau, Tuyên Uy tướng quân bị chém cả nhà tịch thu gia sản nhưng Thông Nghị đại phu lại lên như diều gặp gió, bây giờ đã tới chức học sĩ Văn Uyên Các, ngươi nói xem, phủ đệ từng được lão nhân gia ở liệu có bao nhiêu quan tứ phẩm ngũ phẩm muốn được hưởng sái cái phúc ấy?

Cuối con hẻm có một tiệm cơm, Tang Tang và Ninh Khuyết ngồi bàn đặt trong góc sâu nhất, yên lặng ăn sáng với cháo loãng, tai vểnh lên hóng chuyện mấy người dân sống lâu đời quanh đây. Với những người đã ở đây mấy chục năm thậm chí mấy thế hệ mà nói, chủ đề hấp dẫn nhất trong câu chuyện của họ tất nhiên phải là vụ án phản quốc của phủ tướng quân và con đường làm quan xuôi chèo mát mái của Thông Nghị đại phu, mỗi ngày bàn đi nói lại mấy lần cũng không biết chán, vừa khéo hợp với mong muốn của hai chủ tớ Ninh Khuyết.

- Nói đến học sĩ Tăng Tĩnh, năm xưa ngài cũng chỉ là một Thông Nghị đại phu nho nhỏ, ai dè sau đó đột nhiên một bước lên mây, sự tình bên trong có rất nhiều điều vi diệu, các ngươi từng nghe nói chưa?

- Năm xưa vụ việc đó ầm ĩ như vậy, thậm chí trong cung cũng phải có ý kiến thì người quanh khu này ai mà không biết chứ?

Một người đàn ông độ tuổi trung niên lắc đầu nói vẻ chế giễu:

- Đường đường là Thông Nghị đại phu lại đi cưới phải con vợ cọp cái, người vợ cả vì ghen tuông mà dám ra tay với người thiếp đang mang thai, cái này vẫn chưa phải quá đáng nhất, sau người thiếp trải qua bao đau khổ cay đắng mới sinh được đứa con thì nàng lại muốn hại chết đứa bé đáng thương đó, nếu không phải trong cung truyền chỉ ra lệnh chẳng biết cái phủ đó loạn ngầu tới tình trạng nào.

- Các ngươi chỉ biết trong cung có ý kiến, vậy có biết ai là người lên tiếng không? - Người khơi chuyện lúc nãy cười lạnh, chắp hai tay vái về phía bắc thành Trường An - Nói cho các ngươi biết mà mở mắt, chính là thánh hoàng hậu, ngài nghe được sự việc liền giận tím mặt, tự tay viết một bức thư cho Tăng Tĩnh đại nhân, lệnh ông ta phải dạy dỗ vợ mình cho tốt.

- Ôi, thì ra là hoàng hậu nương nương...

Mấy người đang uống rượu ở bàn bên cạnh đưa mắt nhìn nhau cười vỡ lẽ, người trong thiên hạ ai cũng biết đế quốc Đại Đường có được vị hoàng hậu nương nương cực kì tài năng, được bệ hạ vô cùng yêu thương tin tưởng, thậm chí có quyền phê duyệt tấu chương, bình xét quan lại, nhưng lúc đầu vị hoàng hậu nương nương quyền thế ngập trời này chỉ là một phi tần hết sức bình thường trong cung, nói theo kiểu dân gian thì năm xưa nàng là tiểu thiếp của hoàng đế bệ hạ, sau mới được cưới lên làm vợ cả.

Hoàng hậu nương nương vốn xuất thân như vậy nên vì sao lại để tâm đến cả chuyện trong nhà phủ Thông Nghị đại phu, vì sao lại nổi giận đùng đùng khi vợ cả của ông ta làm nhục vợ bé, muốn đẩy nàng vào chỗ chết, nguyên nhân từ đâu ai cũng đoán ra được.

- Người vợ cả của Tăng Tĩnh đại nhân xuất thân từ thế gia vọng tộc ở quận Thanh Hà nên ông ta mới luôn phải nhẫn nhịn, ai ngờ vị quan văn yếu đuối nhát gan trong mắt người đời lúc tàn nhẫn cũng tàn nhẫn chẳng kém gì ai. Sau khi lá thư của hoàng hậu nương nương gửi tới, Tăng Tĩnh đại nhân nửa đêm triệu tập hết người trong phủ rồi ra lệnh đánh trượng đến chết ba tên quản sự tham gia vào vụ mưu hại người thiếp ngay trước mặt mọi người, sau đó dùng hai cái bạt tai và một cỗ kiệu nhỏ tống tiễn phu nhân về quận Thanh Hà, dứt khoát bỏ vợ.

- Đại nhân năm xưa quyết đoán như vậy quá nửa cũng là hành động bất đắc dĩ tự bảo vệ mình dưới uy thế của hoàng hậu nương nương, ai ngờ sự quyết đoán đó của ông ta lại lọt vào mắt xanh của nương nương, cảm thấy người này có thể dùng được, cộng thêm một số nguyên nhân khác khiến con đường làm quan của ông ấy trôi chảy rộng mở đến không ngờ, giờ đã tiến vào Văn Uyên Các! Người ta vẫn nói phúc họa đan xen, nhưng ai dám nghĩ trong nhà có con vợ dữ giết thiếp diệt con lại trở thành đòn bẩy cho một đời công danh của người đàn ông?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.