Từ Đây, Hạnh Phúc Của Em Chính Là Anh

Chương 6: Thật may mắn




EDITOR: HANNAH

Thật may mắn là vào độ tuổi đẹp nhất

Gặp được anh, không có ân hận và tiếc nuối

Dùng hết sức lực ôm chặt lấy anh

Không để hạnh phúc vụt trôi

Nửa kia hoàn chỉnh, không chỉ là người bạn đồng hành trong cuộc sống mà còn có thể là người bạn tốt trên đời.

001.

Thầy S đột nhiên nói với tôi, con của đồng nghiệp anh ấy bị bệnh phải nằm viện, hỏi tôi có muốn đi thăm không. Vị đồng nghiệp kia tôi cũng quen, có quan hệ khá thân thiết với S.

Chờ khi anh rảnh, chúng tôi mua giỏ hoa quả tới bệnh viện. Trời nóng, đứa trẻ đang ngủ, trên người nhiều chỗ bầm tím, tôi nhìn thấy mà trong lòng khó chịu.

Vợ chồng người đồng nghiệp thấy chúng tôi tới thì rất vui mừng, nói chuyện một lúc rồi kể rằng chỉ số đường huyết của đứa nhỏ vãn luôn thấp, không tăng lên. Nhưng bác sĩ nói đây không phải vấn đề lớn, chỉ cần chỉ số tăng lên là có thể xuất viện. Thấy tình hình vẫn ổn, chúng tôi ngồi một lúc rồi rời đi.

Mấy ngày sau, thầy S đột nhiên nói với tôi, học kỳ này anh ấy muộn nhận thêm lớp, có lẽ sẽ bận hơn một chút, không có nhiều thời gian bên tôi, hy vọng tôi có thể thông cảm.

Mà theo tôi được biết, chương trình phân bổ giáo viên đại học vào mỗi kỳ đều đã được sắp xếp trước khi học kỳ bắt đầu, đột nhiên phải nhận thêm mấy lớp là sao?

Tôi hỏi: “Vì sao đột nhiên lại nhận thêm lớp?”

Thầy S đáp: “Đứa nhỏ của người đồng nghiệp bọn mình đi thăm lần trước có chẩn đoán chính xác rồi, là bệnh bạch cầu.”

Tôi vừa nghe thấy ba chữ “bệnh bạch cầu”, tim như run lên không ngừng.

Thầy S tiếp tục nói: “Anh giúp cô ấy lên lớp, phí dạy học cũng sẽ chuyển cho cô ấy. Vợ à, em không có ý kiến gì chứ?”

Tôi lắc đầu.

Tôi vẫn luôn cảm thấy thầy S là một người lương thiện, người lương thiện sẽ không đối xử tệ bạc với những người xung quanh mình, đối với những người mà người đó quý trọng lại càng tốt. Tôi nghĩ, tôi hẳn đã không chọn nhầm người.

Đứa trẻ đó sau khi được cấy ghép tủy thì khỏi hẳn. Một hôm người đồng nghiệp đó mời tôi uống trà, khi nói chuyện tôi không dám nhắc đến chuyện đứa nhỏ bị bệnh, vì tôi cảm thấy chuyện này quá nặng nề, cũng vì tôi không có cách nào hiểu được cảm giác của chị ấy trong quãng thời gian khó khăn đó. Quãng thời gian đó nếu không nhắc lại có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn một chút.

Thế mà chị ấy lại là người nhắc đến trước, chị ấy nói: “Tiểu Y à, em chắc chắn sẽ nghĩ rằng khi chị nhận được kết quả chẩn đoán sẽ khóc, sẽ suy sụp, nhưng mà kỳ thực chị không như vậy. Chị thật sự đau đến chết lặng, không còn nước mắt. Chị tự nhủ với bản thân rằng đứa nhỏ mới chỉ hơn một tuổi, nó còn bé như vậy, chị là mẹ nó, chị nhất định phải gắng gượng, nhất định phải dùng tất cả những gì mình có để cứu lấy đứa con nhỏ bé non nớt của chị. Nếu thực sự không thể cứu được con bé thì cùng lắm chị đi cùng với con.”

Tôi cúi đầu, không dám để chị ấy nhìn thấy hai mắt rưng rưng của mình.

Chị ấy tiếp tục nói: “Bọn chị lặn lội khắp những bệnh viện danh tiếng nhất, bán nhà, may mà tìm được tủy phù hợp. Phẫu thuật cấy ghép rất thành công, cũng không có phản ứng đào thải, đứa nhỏ cũng khỏe lên từng ngày.”

Tôi chỉ thốt được hai tiếng: “Thật tốt.”

Chị ấy cười: “Đúng vậy, thật tốt. Chị còn nhớ S nhà em tới tìm chị, bảo chị cứ đưa đứa nhỏ đi khám bệnh đi, những chuyện khác không cần lo nghĩ nhiều. Sau đó, cậu ấy lại giúp chị lên lớp, suốt một năm đó chị đi khắp các bệnh viện, căn bản không lên lớp được tiết nào, cuối năm chị lại vẫn nhận được phí dạy học. Chị gọi điện thoại cho S, S nói tiền không phải chuyện lớn, con cái mới là chuyện lớn, bảo chị tuyệt đối không thể bỏ cuộc, ai cũng có thể bỏ cuộc, chị là mẹ con bé, chị tuyệt đối không thể bỏ cuộc. Tiểu Y à, em biết không? Rất nhiều người khuyên chị đừng chữa trị cho con bé nữa, nói rằng chị còn trẻ, dù đứa nhỏ này mất sớm, chị vẫn còn có thể có đứa con khác. Nhưng S lại khuyên chị đừng bỏ cuộc, làm mẹ rồi sẽ trở nên mạnh mẽ, S hiểu điều đó. Nếu ngay cả chị cũng bỏ cuộc thì còn có ai có thể cứu con bé đây? Giờ nhìn con bé khỏe mạnh như vậy nhảy múa trước mặt chị, chị thấy thật may mắn biết bao vì lúc trước mình đã kiên trì.”

Uống trà xong về nhà, trong lòng tôi nhiều nỗi cảm thương, thấy thầy S đang ngồi trước máy tính chuẩn bị giáo án, tôi không kìm được bước tới ôm lấy anh.

Thầy S ngừng tay, vòng tay ra sau lưng, xoa đầu tôi, hỏi: “Sao thế?”

Tôi đáp: “Em cùng chị W đi uống trà. Chồng à, anh là một người tốt, người tốt sẽ được báo đáp.”

Thầy S nở nụ cười: “Em đừng cảm thấy chồng em có gì vĩ đại, thực ra anh chỉ làm chút chuyện trong khả năng của mình, anh chưa từng nghĩ tới sẽ được báo đáp như thế nào. Cũng như khi em ở trên xe buýt nhường chỗ cho người khác, không lẽ em cũng hy vọng người ta cảm tạ em? Nếu người ta không cảm tạ em, liệu em có không vui, hối hận vì đã nhường chỗ ngồi không? Thực ra bất kể làm gì cũng vậy, chỉ cần làm theo cái tâm của mình là được. Nếu thấy chuyện này làm như vậy là đúng, là tốt, vậy thì làm đi. Dù sao thì khi em làm điều đúng đắn, làm điều tốt, em sẽ hưởng thụ quá trình đó, khi hoàn thành sẽ thấy vuivẻ thật lâu, đó chắc hẳn là báo đáp.”

002.

Không lâu sau khi kết hôn, thầy S gợi ý tôi nên cân nhắc quay lại trường một lần nữa, ý là thi lên nghiên cứu sinh để tiếp tục học sâu thêm.

Không biết người khác có cảm giác gì, tôi luôn cảm thấy cuộc sống thời học sinh là hạnh phúc nhất, hơn nữa cũng không tìm được công việc thích hợp, tôi suy nghĩ một hồi rồi vừa bắt đầu ôn tập vừa gửi hồ sơ đi các nơi. Quá trình ôn tập khá buồn tẻ, giấc mộng trở thành tác giả trong lòng tôi lại trào lên. Từ hồi đại học tôi đã bắt đầu viết lách nhưng vì có quá nhiều chuyện mải vui mải chơi mà việc viết lách cứ chậm chạp, không có thành quả gì.

Lần này tôi quyết định nghiêm túc hơn, vì thế ngày nào cũng vác tài liệu ôn tập và máy tính, tới phòng học trống của trường Đại học G. Mọi người hỏi tôi vì sao không tới thư viện? Thư viện quá đông người, hơn nữa chỗ ngồi đa phần đều bị chiếm cứ trường kỳ, tôi cũng không muốn chen chân vào nơi náo nhiệt. Hơn nữa Đại học G nhiều phòng học, cầu thang lên phòng học còn rất rộng. Tôi có thói quen ngồi trong góc, người ra kẻ vào đều không làm ảnh hưởng tới sự tập trung của tôi. Đông người vào sẽ ồn ào, tôi liền thu dọn đồ đạc đổi phòng khác.

Hôm đó tôi vừa làm xong một bộ đề thi tiếng Anh, đầu óc còn đang choáng váng, lúc đó là khoảng hơn ba giờ chiều, trong phòng có khoảng 7-8 người ngồi trước tôi, cũng đang vùi đầu ôn tập. Tôi nghe điện thoại của thầy S, báo cho anh ấy tôi đang ở đâu, sau đó đeo tai nghe, muốn nằm nghỉ một lúc nên gác tay lên máy tính, vừa nghe nhạc vừa nhắm hai mắt lại.

Tới lúc tôi nhận ra phòng học đang ồn ã, tôi mở mắt ra liền thấy, ôi trời ạ, trong phòng học đã rất đông người. Tôi tháo tai nghe, nhanh chóng thu dọn đồ đạc, kết quả đúng lúc này tiếng chuông báo vào giờ đã vang lên. Đây không phải chuyện quan trọng nhất, quan trọng nhất là tiếng chuông vừa vang lên, thầy S đã cùng đồng nghiệp cầm túi da đựng bài thi bước vào.

Mọi người có thể tưởng tượng ra cảm giác của tôi khi đó phải không? Đại khái chính là “Mình chết chắc rồi”!

Thầy giáo vừa bước vào, lớp học liền yên tĩnh. Thầy S gõ gõ ngón tay lên bảng, nói: “Mời mọi người để hết sách giáo khoa, tài liệu ghi chép, ôn tập lên trên này, tắt điện thoại.”

Không ít học sinh đứng dậy nộp đồ lên, tôi không cách nào chạy nhanh để trà trộn vào trong đi ra ngoài được. Phiền phức là tôi còn ngồi ở cuối lớp, lớp học lại quá rộng, chỉ có những bàn đầu là đông người, phía sau không có ai, chỉ cần tôi chuẩn bị chạy đi chắc chắn sẽ bị thầy S phát hiện ra ngay. Trong lớp có tấm rèm, lúc ấy tôi rất muốn kéo tấm rèm che lấy mình.

Đừng hỏi tôi lúc ấy vì sao lại nghĩ như vậy, chính tôi cũng không biết nữa, chính là cực kỳ xấu hổ.

Sinh viên nộp đồ lên xong, lớp học lại một lần nữa yên tĩnh, các thầy bắt đầu phát đề thi. Thầy S đi xuống bục giảng, vừa ngẩng đầu lên đã nhìn thấy tôi, cũng hơi sững lại.

Đề thi trên tay anh đã phát xong, anh nói: “Mọi người điền đầy đủ tên họ trước đã sau đó bắt đầu làm bài thi.” Miệng nói, người lại đi thẳng về phía tôi.

Lúc này tôi đã đối diện với anh, tôi nhìn anh, rất muốn cười. Tình cảnh như thế này không phải chưa từng xuất hiện hồi tôi còn đi học, khi đó anh là thầy giám thị, còn tôi là sinh viên đi thi. Nhưng mà lần này không giống như vậy, anh ấy đi về phía tôi, tôi không cần phải lo lắng liệu anh có tới bắt quả tang tôi gian lận hay không.

Anh đi đến bên cạnh bàn tôi, gõ gõ lên mặt bàn, âm thanh hơi vang, sinh viên ngồi bên cạnh còn quay đầu nhìn tôi.

“Bạn học, bạn không phải tới để thi phải không?” Anh hỏi tôi.

Tôi gật đầu: “Không phải ạ, em tới để ôn tập.”

Đồng nghiệp của anh nghe thấy giọng tôi cũng quay đầu nhìn, rõ ràng là rất ngạc nhiên.

“Tốt.” Anh nghe xong câu trả lời của tôi, xoay người rời đi.

“Trong hồ lô này đựng gì không biết”, nhưng dù sao anh cũng đi rồi nên tôi cũng bình tĩnh lại. Lúc này mở máy tính ra viết này kia chắc chắn không thích hợp, tôi lại mở sách ra xem nhưng không cách nào tĩnh tâm được. Tôi vừa đọc sách vừa thỉnh thoảng quan sát động tĩnh trong phòng học.

Í, bạn nam kia, nhìn trái ngó phải, không lâu sau đã móc ra từ trong túi hai tờ giấy nhỏ đè dưới bài thi.

A, bạn nữ kia, đá đá chân vào ghế ngồi phía trước, bạn nữ ngồi bàn trên bắt được tín hiệu, ném một tờ giấy qua.

Còn nữa, một bạn nữ cứ vuốt vuốt tóc, miệng lại mấp máy vài lần, cuối cùng cũng phát hiện ra bạn này đang đeo tai nghe.

……

Ngồi ở đằng sau sẽ nhìn thấy hết những động tác nhỏ đang diễn ra đằng trước, càng nhìn lòng càng lạnh đi.

Tình cảnh này, những động tác nhỏ này, giống hồi chúng tôi đi thi dã man luôn.

Sau khi thi xong, tôi thu dọn đồ, chờ thầy S lấy xong bài thi, giao cho đồng nghiệp của anh, sau đó cùng nhau đi về.

Trên đường về, thầy S hỏi tôi: “Hôm nay em có thu hoạch được gì không?”

Tôi rốt cuộc hiểu ra vì sao anh dụng tâm không đuổi tôi ra khỏi lớp học: “Ừ, thực ra các anh đứng trên bục giảng thấy được hết phải không?”

Thầy S cười: “Đúng vậy, người nào gian lận, ánh mắt vô định, nét mặt không tự nhiên, liên tục có động tác thừa, ngay cả dáng ngồi cũng cứng đờ, có rất nhiều thứ có đôi khi chỉ cần liếc qua là biết, đứa nhóc này chắc chắn sẽ gian lận.”

“Được rồi, sau này đi thi em sẽ không làm chuyện ngu ngốc nữa.” Tôi gật đầu, những kỹ thuật gian lận cao minh đến đâu, vào trong mắt giám thị đều chỉ là trò trẻ con.

“Chỉ đơn giản là không gian lận khi thi cử sao?” Thầy S lắc đầu, “Làm người cũng như vậy.”

003.

Có cậu bạn học cũ về trường làm việc, liên lạc với tôi nói muốn gặp mặt.

Tôi vui vẻ nói với thầy S: “Chồng ơi, ** quay về rồi, cậu ấy rủ em ra ngoài ăn cơm, anh đi cùng không?”

Thầy S hỏi: “Ai đã quay về cơ?”

Tôi nhắc lại tên cậu ấy, anh nghe xong, ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi: “Chính là cái cậu ** sau khi biết chúng ta kết hôn thì nói hối hận vì đã không theo đuổi em hả?”

Anh nhắc lại như vậy tôi mới nhớ ra, sau khi tôi kết hôn, rất nhiều bạn học đều chúc mừng tôi, bạn ** này cũng là một trong số đó, hồi còn đi học, quan hệ giữa chúng tôi không tệ.

Cậu ấy nhắn tin trên QQ: “Sao cậu kết hôn sớm vậy? Mình còn định chờ ổn định xong sẽ thổ lộ với cậu đấy.”

Tôi thấy cậu ấy nói vậy thì rất vui. Bàn làm việc nhà chúng tôi rất lớn, thầy S đặc biệt chọn chiếc bàn này, khi dùng máy tính, tôi có thể ngồi song song với anh. Thầy S thấy tôi cười nghiêng ngả, quay đầu hỏi: “Sao thế?”

Tôi chỉ vào máy tính, nói: “Anh xem, bạn học ** của em nói em kết hôn sớm quá.”

Thầy S nghe tôi nói xong, liếc mắt nhìn màn hình máy tính, đúng lúc ** lại nhắn thêm một tin: “Bây giờ mình rất hối hận, sao không theo đuổi cậu sớm một chút.”

Thầy S liếc nhìn tôi, nhắc nhở: “Trả lời đi kìa.”

Tôi gõ bàn phím trả lời **: “Cậu đừng lải nhải nữa, ai chẳng biết lúc ấy cậu có tình ý với hoa khôi của khoa **, ngày nào cũng xun xoe bên cạnh người ta.”

** gửi một icon mặt đỏ xấu hổ, cuộc nói chuyện cũng kết thúc. Sau đó tôi cũng quên béng mất chuyện này.

Không ngờ thầy S thế mà lại nhớ kỹ thay tôi.

“Ôi giời, người ta nói đùa ý mà.” Tôi cười ha hả, “Nếu anh không yên tâm thì đi cùng em có được không?”

Thầy S nghiêm túc đáp lời tôi: “Anh không phải không yên tâm, mà anh không muốn đi.”

“Vì sao không muốn đi? Em rất muốn anh đi cùng em mà, ** cũng nói rồi, bảo em nhất định phải đưa anh đi cùng.” Tôi kiên trì nài nỉ.

Lúc trước khi có bạn học của tôi qua đây, thầy S đều tận tình tiếp đón, tôi cảm thấy lần này phản ứng của anh hơi quá, khó có thể hiểu được.

“Dù sao anh cũng không đi.” Thầy S cũng không nhượng bộ.

“Vậy sau này bạn anh tới em cũng mặc kệ.” Công phu càn quấy của tôi cũng không phải nói quá.

Quả nhiên mặt thầy S sa sầm, nhìn tôi chằm chằm nhưng lại không trừng mắt với tôi. Trừng mắt cũng vô dụng, anh ấy đeo kính, dám trừng mắt tôi sẽ gọi anh ấy là đồ bốn mắt.

Anh ấy nhìn tôi một lúc rồi dường như đầu hàng, thở dài, tôi còn tưởng anh ấy đồng ý thỏa hiệp, kết quả anh ấy lại thong thả nói: “Vợ à, nếu có một người phụ nữ nói với anh rằng: ‘Haiz, tiếc thật đấy, mình vốn rất thích cậu, rất muốn theo đuổi cậu, kết quả lại ra tay chậm quá, cậu đã kết hôn mất rồi.’ Người phụ nữ này gần đây lại tới thành phố này, muốn mời anh ăn cơm, em có đi cùng anh không?”

Tôi suy nghĩ rồi phán đoán, người phụ nữ như vậy rõ ràng là tình địch ẩn giấu của mình, dù chỉ một chút cơ hội cũng không thể cho, nói không chừng có thể trở thành tình địch thật sự. Còn muốn mình đi cùng anh ấy hả, bà đây đảm bảo anh không bước chân nổi ra khỏi cửa.

Trong lòng tôi có đáp án nhưng lại không nói gì, chỉ lắc đầu.

Thầy S thở dài: “Thi thoảng đứng ở vị trí của người khác để suy nghĩ, cảm giác và nhận định của em có lẽ sẽ hoàn toàn khác biệt.”

……

Chẳng phải là muốn tôi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy xét vấn đề sao, cần gì phải nói thâm sâu như vậy? Nhưng mà đôi khi, có những bài học về đối nhân xử thế nhất định phải tự mình trải qua mới có thể nhớ rõ khắc sâu.

Lời của editor: Mình cực kỳ thích chương này, cảm giác thầy S không chỉ là thầy của Tiểu Y khi còn đi học mà còn là một người thầy trong cuộc sống nữa. Lúc thầy ghen cũng rất đáng yêu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.