Trường An Loạn

Chương 2




Mùa thu năm tôi mười hai tuổi.

Tôi, Thích Không sư huynh và Hỷ Lạc có ý đồ vượt tường ra khỏi chùa. Thích Không sư huynh tự chế ra một công cụ, chúng tôi gọi là móc lật ngói, Thích Không sư huynh thì gọi là Phi thiên câu. Nguyên lý của công cụ này là một sợi dây thừng kéo theo một cái móc. Thích Không sư huynh cảm thấy đây là thứ ám khí đầu tiên do một thiếu niên chế tạo, mà bấy giờ chúng tôi gọi những người có tay nghề tốt lại có khả năng phát minh công cụ là các “chế tác gia”, cho nên Thích Không tự phong mình là chế tác gia thiếu niên. Nhưng Phi thiên câu bị tôi và Hỷ Lạc chê cười. Chúng tôi cảm thấy đã gọi là ám khí thì nhất định phải có tính ám muội, trong khi Phi thiên câu quá to, giắt ở cạp quần, người không biết chân tướng chắc chắn sẽ nghĩ gã này là tay mổ lợn. Vả lại, tác dụng của ám khí là dùng để giết người thì ít ra cũng có thể khiến người ta bị thương, còn Phi thiên câu thực ra dùng để trèo tường, huống hồ, các công cụ trèo tường kiểu như Phi thiên câu đã có từ lâu rồi, lại rất phổ biến trong giới hiệp khách và bọn trộm cắp, thậm chí còn dẫn đến cuộc cách mạng về thiết kế phòng ốc, tức là phần đầu của các bức tường cao sẽ không còn được cố định nữa, thay vào đó là các lớp ngói lỏng lẻo, như vậy những thứ kiểu như móc câu sẽ chẳng có cách nào bám chặt được. Cho nên tôi cảm thấy Thích Không sư huynh có khả năng sáng tạo độc lập, Hỷ Lạc bảo Thích Không sư huynh chỉ biết sao chép mà thôi.

Lời biện giải của Thích Không sư huynh là: Huynh không sao chép của người khác, tuy huynh từng thấy chiếc móc leo tường, và cũng rất thích nó, nhưng móc câu này của huynh không giống những cái kia. Cho dù hình dạng na ná, nhưng đệ xem, cái đó có bốn móc, cái này của huynh chỉ có ba móc, vả lại kiểu thắt nút giữa dây thừng và móc câu của người ta là kiểu thắt chết, còn cái của huynh là thắt nút bướm. Quan trọng nhất là tên gọi không giống nhau, thứ kia tên là móc trèo tường, còn cái này là Phi thiên câu, như vậy sao có thể gọi là sao chép được.

Vì việc này, chúng tôi còn đến trước mặt sư phụ nhờ người phán quyết. Sư phụ nhìn qua, phán rằng: Ta nghe Thích Nhiên và Hỷ Lạc bảo con tự phát minh ra được thứ này, song lại nói là con chỉ sao chép thôi, nên ta rất lo lắng, đã phải xem xét kỹ càng, lại còn mua một chiếc móc leo tường của triều đại trước để so sánh, giờ thì ta yên tâm rồi, chiếc móc này cùng lắm là có tham khảo chiếc móc kia thôi, không thể nói là sao chép nguyên xi được.

Sư phụ lại nói với tôi và Hỷ Lạc: Hỷ Lạc! Thích Nhiên! Sư huynh các con làm ra thứ này chẳng dễ dàng gì, tuy có hơi lạc hậu, không thể leo lên được những bước tường hiện nay, song ít nhất vẫn có thể leo cây, các con cũng cứ yên tâm phát minh đi, nhớ là phải tự động não, mấy năm nay giang hồ yên ắng, trăm họ an cư lạc nghiệp, các con càng phải cố gắng tích lũy kinh nghiệm, tới thời buổi loạn lạc thế nào cũng có chỗ phát huy. Mấy năm nay ám khí phát triển đến chóng mặt, nhưng những ám khí chính thống thì đều có những công cụ phòng ngừa chính thống, chỉ có thứ mình tự tạo ra mới có thể bất ngờ khắc chế kẻ địch giành được chiến thắng mà thôi.

Tôi đáp: Thưa sư phụ! Đó chẳng phải là thứ tà môn ngoại đạo Thiếu Lâm luôn bài xích sao ạ?

Sư phụ nói: Không phải! Đây là bàng môn tả đạo.

Tôi đáp: Vậy thế nào là tà môn ngoại đạo?

Sư phụ tôi trả lời: Những thứ ám khí Võ Đang làm ra đều là tà môn ngoại đạo.

Tôi và Hỷ Lạc đều “ồ” lên một tiếng.

Hôm đó sư phụ giữ sư huynh Thích Không lại, tôi và Hy Lạc ra ngoài trước. Tôi bảo Hỷ Lạc, sư phụ chắc đang quở trách sư huynh. Hỷ Lạc nói, chưa chắc.

Kết quả thật bất ngờ, Thiếu Lâm quyết định sản xuất hàng loạt Phi thiên câu để tích lũy nguồn vốn, mở rộng chùa chiền. Tôi tỏ ra hoài nghi, không biết thứ ấy có bán được không? Hỷ Lạc đáp, chắc chắn có thể bán được. Kết quả là bán được thật, mọi người phát hiện ra chiếc Phi thiên câu này ngoại trừ việc không thể bay lên giời ra thì dùng vào việc nào cũng được, trẻ con dùng để leo cây, các bà các mợ dùng để buộc con lại, ở nhà có thể dùng cột chó, chập ba bốn chiếc móc lên lưng trâu còn có thể cắt cỏ trên đồng, người bán thịt lợn có thể dùng để treo thịt, xe ngựa hỏng có thể dùng làm dây kéo xe, tóm lại có thể gói gọn trong hai từ “quá đỉnh”, lại thêm mác Thiếu Lâm sản xuất, lấy uy tín đảm bảo, cho nên rất đắt hàng.

Cứ bán như vậy chừng một tuần, tự dưng có ông già chín mươi sáu tuổi đến nha môn gõ trống kêu oan, bảo rằng Phi thiên câu không phải thứ do Thiếu Lâm phát minh mà là thứ do ông ta đã thử nghiệm thành công từ triều đại trước, tuy chưa cho sản xuất hàng loạt, nhưng vẫn luôn giao dịch ngầm, thậm chí từng tạo nên cơn sốt trèo tường một độ, giờ Thiếu lâm ngang nhiên ăn cắp ý tưởng, mong rằng Thiếu Lâm có thể gửi lời xin lỗi đến ông, bồi thường và đổi cho chắt của ông ta là Thích Thối, một pháp danh nghe lọt tai hơn.

Vị thẩm phán hỏi: Ông bảo Phi thiên câu do ông phát minh, lấy gì làm chứng?

Ông già trả lời: Đại quan còn nhỏ, không biết được lịch sử thời đó đâu, trong giới hiệp khách thời bấy giờ móc câu rất thịnh hành, đại quan có thể đi hỏi các vị tiền bối, bằng không giờ xem sách sử cũng được.

Vị thẩm phán hỏi: Vậy trước đây ông làm nghề gì?

Ông già đáp: Thảo dân trước đây là nhà chế tạo.

Vị thẩm phán hỏi: Vậy ông chế tạo những thứ gì?

Ông già đáp: Cả đời tôi chỉ chế tạo được mỗi cái móc câu này. Nhưng về sau bờ tường nóc mái đều thay đổi cả, móc câu của tôi trở nên vô dụng.

Sự việc sau đó truyền đến nha môn, Thiếu Lâm về cơ bản chẳng có ai đi, nhưng vẫn dàn hòa được sự việc, kết quả phía nha môn cho rằng, vì Phi thiên câu của Thiếu Lâm bán được mấy triệu chiếc, còn móc leo tường từ triều trước của ông già qua thống kê chỉ bán được chừng sáu nghìn dây, nên không thể khép vào tội vi phạm bản quyền. Tuy tạo hình của hai bên cơ bản giống nhau, nhưng vì tên gọi khác biệt, cho nên được phán xét là hai vật khác nhau, động cơ của ông già là muốn thay đổi pháp danh cho cháu mình, thấy lợi tối mắt nên bị khép tội vu cáo. Vả lại vì móc trèo tường từ triều trước chưa đăng ký thương hiệu, nên phán ông già kia đã tạo thành phẩm, tuy tên của hai vật khác nhau, nhưng tạo hình cơ bản lại tương tự, rõ ràng là vật sao chép. Hơn nữa tuy Thiếu Lâm cho sản xuất móc câu hàng loạt đem bán lấy tiền, nhưng không phải để kiếm chác, mà để xây sửa chùa chiền, việc làm này của ông già là báng bổ thần thánh. Niệm tình ông già tuổi tác đã cao, miễn khỏi phạt roi, chỉ bắt đi diễu phố ở quảng trường phía Nam thành nửa ngày mà thôi.

Phương trượng biết việc này liền đùng đùng nổi giận, căn vặn xem ai đã cầu cạnh bọn nha môn. Tôi đáp: Ông ơi! Lần này Thiếu Lâm thắng kiện là tốt lắm rồi, tuy nhiên ông già kia có hơi đáng thương thật.

Phương trượng nói: Một tay giang hồ chế tạo ám khí, sống ngót nghét trăm năm, lẽ nào thật sự chỉ vì một cái móc câu mà kiện lên tận nha môn? Ai biết được hắn là ai. Con chỉ nhìn thấy trước mắt mà không biết nhìn xa.

Tôi tưởng tượng hôm diễu phố chắc chắn cát đá sẽ bất thình lình bay mù mịt, sau khi mọi người mở mắt ra, ông già kia đã không thấy đâu nữa, chỉ có tôi là thấy rõ câu chuyện diễn ra thế nào. Song sự việc lại đơn giản hơn những gì tôi nghĩ. Ngay khi ở trong lao ông già đã biến mất. Và tận ba năm sau cũng không thấy tăm hơi.

Phi thiên câu đã kích thích ham muốn chế tạo ám khí của sư huynh Thích Không. Ở trong chùa bao năm, kỳ thực võ công của tôi và huynh ấy chẳng thua kém nhau nhiều, song vì tôi có thể quan sát rõ hơn huynh ấy, cho nên huynh ấy toàn thua tôi. Tôi không thích chế tạo ám khí cho lắm, bởi tôi cảm thấy tốc độ bay của mọi ám khí trên thế giới này đều quá chậm chạp, tôi nhìn thấy ám khí người thường phóng về phía tôi, cảm giác lề rề như thể đang nhìn chiếc lông vũ dật dờ chao xuống vậy. Song thích không thì khác, huynh ấy cảm thấy giắt trên mình một đống ám khí sẽ rất lợi hại. Và quả thực là như thế, giả như bạn chỉ có một thứ ám khí thì khi giao đấu với cao thủ tất nhiên sẽ bại, nhưng nếu khắp người bạn giắt đầu ám khí, tên cao thủ nào đó đấm bạn một cái, có khi chẳng may lại đấm trúng vào ám khí, thế là bạn thắng. Đây là thứ ám khí mờ ám nhất trong số các ám khí, mặc dù chẳng có ai cố ý cả.

Thích Không thường chỉ thay đổi mức độ nặng nhẹ của những loại ám khí đã có sắn, rõ ràng là thiếu sức tưởng tượng. Song dạo gần đây huynh áy đột nhiên phát hiện ra giá thành chi phí cho việc chế tạo ám khí quá lớn, về cơ bản, những loại ám khí giết người đều một đi không trở lại, như vậy sẽ rất lãng phí, nếu muốn làm thì phải làm ra thứ ám khí có thể thu hồi để tái sử dụng mới được. Nếu ra tay chuẩn xác, ám khí sẽ găm vào trong thịt, khi rút ra hẳn nhiên sẽ rất tiện, nếu tay trơn, ám khí chệch đi, tìm lại sẽ rất khó khăn, vả lại ám khí hiện đại hóa có xu thế ngày một thu nhỏ lại, còn bàn tay của những người tập võ thời hiện đại cũng có xu thế ngày một tròn, cho nên việc cần kíp trước mắt chính là việc tái sử dụng ám khí.

Tôi nói: Ném xong rồi đi nhặt về là được.

Hỷ Lạc nói: Thế thì mất mặt lắm, đánh nhau xong lại ra lần tìm khắp nơi nữa à. Người không biết còn tưởng đi nhặt răng đấy!

Ý của sư huynh Thích Không là: Hiện trong dân gian vừa xuất hiện một thứ tên là dây khứ hồi, tên khoa học là dây thun, nếu buộc vào ám khí, sau khi phi ra chắc chắn có thể thu lại được.

Hỷ Lạc nói: Vậy làm sao mua được thứ đó đây? Mua thứ đó thể nào? Nhị vị sư huynh nếu không được phép tùy tiện ra ngoài kia mà.

Thích Không nói: Có thể trốn ra.

Hỷ Lạc nói: Phi thiên câu của huynh không thể trèo tường mà!

Thích Không nói: Không sao, huynh cải tiến được một chút rồi, giờ đã có thể trèo tường được.

Tôi và Hỷ Lạc nói rằng chúng tôi đều hết sức ngỡ ngàng trước tốc độ cải tiến ám khí của sư huynh.

Thích Không nói: Huynh nối thêm năm mươi thước dây cho chiếc Phi thiên câu.

Tôi hỏi: Vậy có tác dụng gì?

Thích Không nói: Đệ tưởng tượng mà xem, tường ngói hiện giờ đâu thể móc chặt vào được, vậy nếu dây dài hơn một chút, có thể móc vào cây phía ngoài tường, sau đó đu lên tường là leo ra ngoài được rồi còn gì?

Tôi hết sức thần phục, nhưng lại hỏi: Vậy quay về thế nào?

Thích Không đáp: Chẳng thế nào cả, huynh địu theo “giá vịn tường”.

Hỷ Lạc hỏi: Vậy làm thế nào để nhảy từ trên tường xuống đất?

Thích Không nói: Đơn giản thôi, huynh mang theo “giày tiếp đất”.

Tôi hỏi: Hai thứ ấy rốt cuộc là thứ gì vậy?

Thích Không trả lời: Là hai thứ huynh chế ra, đến lúc đó đệ và muội sẽ biết. Giờ phải tranh thủ càng sớm càng tốt, bởi giữa tháng có cuộc triển lãm ám khí giang hồ, huynh muốn nhân cơ hội này tham gia tỉ thí.

Hỷ Lạc nói: Vậy đi ngay đêm nay đi!

Tôi nói: Được, nhưng Hỷ Lạc phải ở lại chùa.

Hỷ Lạc rối rít phản đối: Không được, muội sợ đau lắm, sư phụ mà đánh là muội sẽ khai ngay ra các huynh đi đâu đấy. Các huynh phải cho muội đi cùng, như vậy mới có thể diệt khẩu.

Thích Không hỏi tôi: Từ “diệt khẩu” được dùng như vậy à?

Tôi đáp: Không rõ! Nhưng mang Hỷ Lạc theo cũng được. Bằng không lại để một nhân chứng sống ở lại chùa.

Thích Không hỏi Hỷ Lạc: Từ “nhân chứng sống” được dùng như vậy à?

Hỷ Lạc đáp: Không nói chuyện với huynh nữa, huynh ngố lắm, dù sao canh ba đêm nay, mọi người cũng phải tập hợp ở chỗ giếng cổ góc Tây Bắc chùa.

Chúng tôi đều nhất trí.

Canh ba, Quanh giếng không một bóng người.

Sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, ba chúng tôi tập hợp, Hỷ Lạc hỏi tôi: Tối hôm qua có tới đó không?

Tôi trả lời không, rồi hỏi Hỷ Lạc có tới không, Hỷ Lạc cũng trả lời không. Không biết sư huynh Thích Không có tới đó không, sư huynh gặp chúng tôi, tỏ vẻ có lỗi, hỏi chúng tôi có đến đó không, chúng tôi trả lời không, sư huynh nói: May quá, huynh cũng không đến. Mọi người đều không đến thì tốt rồi.

Hỷ Lạc phàn nàn, canh ba con gà chưa gáy, làm sao biết được lúc nào là canh ba.

Tôi nói: Đệ cũng chẳng biết gì cả. Nghe tiếng gà gáy đệ mới thức dậy.

Thích Không nói: Huynh còn dậy muộn hơn. Sư phụ gọi huynh mới dậy. Tối qua hưng phấn quá, huynh không ngủ được, đến canh ba mới ngủ.

Hỷ Lạc nói: Hôm nay thế này đi, chúng ta theo dõi xem khi nào phòng sư phụ tắt đèn, đợi một tuần hương sau đó tập hợp.

Kết quả lại thất bại, bởi sư phụ cả đêm không tắt đèn. Hôm sau cả ba chúng tôi đều sưng húp mắt, ngái ngủ thôi rồi, đây là lần đầu tiên kể từ khi sinh ra chúng tôi thức suốt đêm không ngủ, mãi đến khi trời sáng, sư phụ đi ra thấy chúng tôi trông rất lạ, liền nói: Tối qua sư phụ nghiền ngẫm kinh sử, càng đọc càng mê mẩn, bèn thức luôn cả đêm, không ngờ các con cũng ngủ không ngon giấc, bốn người chúng ta đúng là có duyên thật đấy, đây chính là sự tương ứng nơi tâm linh mà sách Phật hằng nói đây mà ha ha ha!

Cả ba chúng tôi đều rất ấm ức, thứ nhất là chúng tôi đã phải trông đèn suốt đêm, sau đó lại không thể tiết lộ âm mưu tuyệt mật với sư phụ, cuối cùng còn bị nói là rất có duyên với nhau, thật đến khổ!

Hỷ Lạc nói: Hôm nay thế này, sau khi ăn cơm xong, đợi một tuần hương, khi nào sắc trời sâm sẩm thì chúng ta tập hợp.

Lần này cuối cùng ba chúng tôi cũng tập hợp lại được. Nhưng khi nhìn thấy dụng cụ của Thích Không, chúng tôi đều ngớ người kinh ngạc.

Hỷ Lạc nói: Sư huynh! Những thứ huynh nói đến là những thứ này à?

Thích Không đáp: Đúng vậy, tuy thể tích của nó lớn, nhưng dùng rất hiệu quả, xem cái này, chồng hai cái lên nhau là có thể trèo tường, nếu đút chân vào trong cái này, khi rơi xuống đất sẽ không bị thương, cũng không gây ra động tĩnh gì cả.

Tôi nói: Nói là nói vậy, nhưng một đệ tử cấp cao của Thiếu Lâm lại địu theo hai cái ghế dài và hai túi gai nhét đầy bông thì khó coi quá. Huynh một đống thế này chạy tớilẽ nào không có ai phát hiện?

Thích Không hỏi: Thế nào là “một đống thế này chạy tới”?

Tôi đáp: Huynh cõng theo hai ghế đẩu dài nhất chùa và hai túi gai nhét đầy bông, trông “một đống thế này”, chạy ngang qua sân mà không ai phát hiện ra à?

Thích Không đáp: Phát hiện ra chứ, mọi người đều phát hiện ra, nhưng huynh bảo là đem đi chế ám khí!

Tôi nói: Ám khí to quá cơ!

Hỷ Lạc nói: Muội quan sát rồi, không có ai đi theo đâu. Bắt đầu thôi!

Sư huynh Thích Không đã thành công khi quăng sợi dây thừng mắc vào một thân cây cách bờ tường những một vạn tám nghìn dặm, sau khi kéo thử, cảm thấy chắc chắn, sư huynh liền dẫn đầu đoàn leo lên tường. Tôi nhận xét: Trông huynh giống nữ hiệp ghê, động tác cứ thoăn thoắt ấy. Sau đó tôi leo lên tường. Đến khi cả ba đều leo được lên tường, bóng chiều đã lặn xuống quá nửa.

Thích Không nói: Tổng cộng có hai túi bông, hai đứa dùng đi!

Tôi nói: Còn huynh thì sao? Huynh trực tiếp nhảy xuống à?

Thích Không nói: Vớ vẩn, sư phụ nói rồi, trên đời này làm gì có thuật khinh công. Huynh nói cho hai đứa biết, huynh đã nghĩ ra một cách tiếp đất mới: Hai tay bám chắc lấy dây thừng rồi đánh đu, sau khi chao qua chao lại mấy lần là có thể đứng vững trên mặt đất. Lũ khỉ toàn làm như vậy cả. Xem huynh đây!

Nói đoạn, Thích Không bám lấy dây thừng đu người đi. Chỉ nghe thấy một tiếng thét lớn, sư huynh đã ngã bịch xuống đất.

Phản ứng đầu tiên của tôi và Hỷ Lạc là lập tức quay đầu nhìn vào trong chùa, bỏ mặc sự sống chết của sư huynh Thích Không. Sau khi thấy bên trong không có động tĩnh gì, chúng tôi mới khẽ gọi: “Huynh chết chưa?”

Thích không đáp: Đau lắm! Cao quá!

Tôi nói: Năm mét.

Thích Không nói: Cao quá! Huynh phải ngất một lát đã.

Hỷ Lạc hỏi tôi: Huynh ấy bảo có thể đu qua mà, sao chưa gì đã ngã thẳng xuống đất rồi?

Tôi trả lời: Muội xem, dây thì cách cây những mười mét, tường thì cách mặt đất có năm mét, có mà đu bằng mắt!

Hỷ Lạc nói: Vậy sao huynh không nói với sư huynh, ngộ nhỡ huynh ấy chết thì sao?

Tôi đáp: Thì huynh còn chưa kịp tính toán kỹ, huynh ấy đã nhảy khỏi tường rồi!

Tôi nói với Hỷ Lạc: Để huynh lồng cái túi bông này vào nhảy xuống trước, nếu huynh không chết muội hẵng nhảy. Nói đoạn, tôi nhảy xuống, tuy vẫn sống, nhưng cú ngã không nhẹ, tiếp đó đến lượt Hỷ Lạc phải nhảy, tôi trải bông cẩn thận, rồi nói, có thể nhảy được rồi. Thích Không chẳng biết sống lại từ lúc nào, liền đứng dậy định đỡ Hỷ Lạc. Tôi nói, cứ để đệ đỡ là được, huynh dưỡng thương đi. Thích Không nói, đệ xem, huynh có sao đâu. Chưa nói hết câu Hỷ Lạc đã nhảy xuống, hai chúng tôi đều không kịp thừa cơ chạm vào da thịt muội ta.

Thích Không chạy lại hỏi: Không sao chứ?

Hỷ Lạc chỉ vào chân mình nói: Chệch khớp rồi!

Thích Không nói: Hả? Chắc huynh cho ít bông quá. Huynh cõng muội nhé!

Tôi nói: Thôi đi sư huynh! Huynh có muốn cõng thì cõng cái ghế đẩu ấy, thứ gì huynh mang theo thì huynh tự cõng lấy, đệ và Hỷ Lạc chỉ phụ giúp huynh thôi.

Thích Không đáp: Việc này phải hỏi Hỷ Lạc.

Hỷ Lạc ngẫm nghĩ hồi lâu, nói: Ai mang gì theo thì tự cõng lấy, ai không mang gì theo thì cõng muội.

Dọc đường xuống núi, chúng tôi đi rất lâu, bấy giờ ánh chiều lụi hẳn, mặt trăng mới nhô, ven đường là khu rừng trúc trải dài, bên tai nghe tiếng gió thổi, biển trúc bỗng trở nên thâm u khác với ban ngày, Thích Không cõng ghế, tôi cõng Hỷ Lạc, đêm lạnh nhưng vẫn râm ran hơi ấm.

Tôi nói: Khoan đã! Có vấn đề rồi!

Thích Không nói: Đúng! Huynh cũng phát hiện ra! Chúng ta cứ loanh quanh ở một chỗ.

Hỷ Lạc bất chợt ôm chặt lấy tôi. Tôi cũng nổi hết da gà. Cả bọn đảo mắt nhìn xung quanh hồi lâu, tôi định thần lại nói: Sư huynh làm đệ hết hồn, các bậc thềm giống y như nhau, quanh đây lại toàn tre trúc, đương nhiên là như đi loanh quanh một chỗ rồi. Đệ chỉ có cảm giác hình như trong rừng trúc phía trước có người đang đợi ta.

Tôi vừa dứt câu, Thích Không giật nảy mình, nói: Điều đệ nói còn khủng khiếp hơn những gì huynh nói.

Tôi đáp: Có người đợi mình cũng chẳng sao, có người cũng tốt, còn hơn cứ loanh quanh luẩn quẩn một chỗ. Hỷ Lạc! Huynh đến chết ngạt vì muội đấy!

Tôi vừa dứt lời, trong rừng trúc trước mặt bỗng có một người xuất hiện. Người này áo dài lướt thướt, tay cầm cây sáo. Kẻ không dưng tìm tới chắc cũng chẳng có ý định gì tốt đẹp, nhưng may sao hắn vận quần áo sẫm màu, chứ nếu mặc một cây trắng, thì chắc ba chúng tôi đã chết khiếp tại trận rồi, đối phương chẳng hóa ra chưa đánh đã thắng.

Thích Không nói: Ngươi là ai? Cầm thứ gì vậy?

Tên kia huơ huơ tay, đáp: Sáo đấy!

Tôi thấy một mũi tiêu độc bay vọt ra từ trong lòng cây sáo, hơn nữa dựa vào màu sắc mũi tên, tôi đoán chắc là có chất kịch độc, không phải tôi biết chất độc đó là loại độc gì, mà là tôi chưa từng thấy thứ màu xanh lục nào như vậy, nỗi sợ hãi do thiếu hiểu biết cũng là một chất độc, tóm lại nó không thể nào là chất bổ dưỡng được. Sư phụ dạy rằng chất độc có ba loại, loại nhiều màu thì có thuốc giải, loại không màu thì không có thuốc giải, nhưng chất kịch độc nhất chắc chắn có màu sắc gần với màu lá cây nhất, tương truyền là một loại kịch độc có dạng bột phấn màu lục đã thất truyền ở Tây Vực nhiều năm – sư phụ tôi bảo chưa chắc đã ở Tây Vực, song thông thường hễ bắt gặp thứ gì không rõ chân tướng, lại không thể giải thích được thì đều nói là thứ ở Tây Vực – chỉ cần bỏ một gam xuống giếng, bảo đảm sẽ đầu độc chết một nửa dân thành Trường An. Chỉ cần bột phấn tiếp xúc với da người, không những người đó chết ngay tức khắc, mà toàn bộ da dẻ, xương cốt, nội tạng, đại não đều bị ăn thủng lỗ chỗ, tà mị hơn nữa là, nghe nói cảnh tượng chết trông đến nỗi buồn nôn, những ai chỉ nhìn thấy một lần, từ đó về sau sẽ chán ăn, tám mươi phần trăm là phải chết đói. Lẽ nào đây chính là chất độc diệt thành được nhắc đến trong lời đồn đại? Dù gì cũng có thể đưa sư phụ xem. Nghĩ đoạn, thấy mũi tiêu phi lén đã bay lại sát mình, tôi hơi nghiêng người, để không dính phải nấm độc, sau khi mũi tiêu bay qua, tôi mới đưa tay tóm lấy đuôi mũi tiêu, xem xét kỹ lưỡng.

Thích Không sững sờ, hỏi: Sư đệ! Đệ mang theo ám khí à?

Tôi đáp: Đệ có mang đâu, đệ vừa tóm được.

Hỷ Lạc nói: Rõ ràng tại huynh lắm mồm, làm sao người ta tự dưng lại phi ám khí về phía chúng ta?

Tên kia cười nhạt, nói: Có người bảo ngươi có khả năng tiên tri, quả nhiên ngươi có thể tiên tri thật. Ta chỉ không ngờ ngươi lại nhỏ vậy. Nhưng có người đã đưa ta ngân lượng để lấy mạng ngươi, ta không thể không lấy mạng ngươi được!

Tôi đáp: Ta nào có tiên tri. Ta mà tiên tri được thì đã chẳng xuống núi rồi.

Thích Không nói: Hắn muốn lấy mạng của đệ, đệ mau phi ám khí lại đi!

Tôi đáp: Nhưng ngộ nhỡ hắn chết thì sao?

Thích Không đáp: Đưa đây cho huynh, để huynh phi. Nói đoạn liền giật lấy ám khí, ném về phía người kia.

Tôi ngờ rằng thâm tâm tôi cũng muốn ném mũi tiêu lại. Vì xưa nay chưa từng có ai có thể cướp đồ trong tay tôi.

Mũi tiêu rời khỏi tay, gió lạnh liền ập tới. Rừng trúc rào rạt một hồi. Người kia vẫn đứng nguyên tại chỗ. Hỷ Lạc nói: Thích Không sư huynh! Tốc độ của huynh nhanh thật đấy! Đã trúng chưa?

Tôi đáp: Chệch rồi! Chệch ra xa là đằng khác.

Đang nói thì kẻ kia tuốt kiếm lao tới. Thích Không giơ ghế lên đỡ, chiếu ghế bị chẻ làm đôi. Xét từ mức độ nhẵn phẳng của vết chém, tôi đoán kiếm này là loại kiếm thượng đẳng. Chỉ có điều nó đã dính quá nhiều máu, oán khí quá nặng, khí thế của nó đã vượt khỏi tầm kiểm soát của người cầm kiếm.

Tôi nói: Kiếm này không phải của ngươi.

Hắn trả lời: Đúng! Nhưng nhát kiếm này là dành cho ngươi.

Nói đoạn, đường kiếm lại vung lên, bổ thẳng về phía tôi. Trong giây phút sinh tử, tôi lại quên mất lẽ ra phải buông Hỷ Lạc xuống từ trước, giờ thì hai tay đỡ Hỷ Lạc, chỉ còn mỗi cái mồm có thể tác chiến mà thôi. Người kia bổ kiếm xuống, tôi thung dung né người đi, nhân lúc kiếm chưa thu về, tôi ngoác mồm ngoạm vào cổ tay hắn, thanh kiếm tức khác rơi đánh keng xuống đất.

Hỷ Lạc, Thích Không và tên sát thủ cùng lúc kêu to: Được phép đánh như vậy à!

Tên kia vừa thấy rơi vũ khí, liền quay người bỏ chạy. Thích Không nhặt kiếm lên; tôi gỡ mũi tiêu trên một thân trúc cách chỗ tên kia vừa đứng ba mét, rồi cất đi. Chúng tôi tăng tốc chạy xuống núi. Tôi nghĩ, sao lại có người biết chúng ta muốn trốn chùa đi chơi nhỉ, lẽ nào có người có khả năng tiên tri thật? Nhưng tên kia là ai, mà sao trông đụt thế? Có điều một tên đụt như thế vì sao lại có một thanh kiếm tốt nhường ấy? Tuy bảo ở trường đua ngựa không phải ai có kỹ thuật tốt cũng đều chắc chắn có ngựa tốt, bởi nhiều khi bọn nhà giàu cưỡi ngựa thượng hạng, nhưng kiếm thì lại khác, chỉ có cao thủ mới có thể sử dụng kiếm một cách mau lẹ. Hạng người đụt thế kia dẫu sắm thanh kiếm tốt, chỉ tổ càng dùng càng cùn thôi. Điều đó chứng tỏ trước khi rơi vào tay tên kia, thanh kiếm này chắc chắn còn nhanh hơn.

Thích Không cõng kiếm trên lưng, nói với tôi: Thanh kiếm này ngắn hơn thanh kiếm thường một chút.

Tôi nói: Kiếm ngắn thì tuốt khỏi bao nhanh hơn.

Hỷ Lạc nói: Thanh kiếm này giờ thuộc về huynh rồi!

Dọc đường, chúng tôi cứ băn khoăn không biết tên kia rốt cuộc là ai, kẻ nào phái hắn đến, bất giác đã đến chân núi. Huyện thành cách chân núi mấy dặm, có tên là Trục thành, vốn được gọi là Trúc thành, trận chiến đánh úp thành Trường an mang tính quyết định của bản triều hồi khai quốc chính là trận đại thắng Trúc thành, nhưng sau đó vị hoàng đế lập ra bản triều thấy cái tên Trúc thành không hay, nghe yếu ớt, dễ công phá, nên hai trăm năm trước đã đổi tên thành Trục thành, ngụ ý là tòa thành trục lộc Trung nguyên. Trục thành cách Trường An chỉ hơn trăm dặm, nhưng chúng tôi không quan tâm đến điều đó, điều chúng tôi quan tâm là chúng tôi còn cách Trục thành bao xa.

Nhà dân trên đường đông dần. Vào trong thành mới biết, quầy quán đã đóng cửa từ lâu. Chúng tôi chỉ có mấy đồng bạc lẻ, không thể ở trọ được, đành phải ngồi co ro bên lề đường. Tôi bảo, đành ngủ ngoài đường một đêm vậy.

Một lúc sau, lính tuần đến trước mặt chúng tôi nói: Đứng hết dậy! Không được ngủ ở đây!

Lính tuần nói: Con đường này là đường giao thông kiểu mẫu trong thành, ngươi muốn ngủ thì đi sang con đường kế bên mà ngủ, chẳng ai để ý đến ngươi đâu.

Ba chúng tôi đi vòng sang con phố khác. Hỷ Lạc nói: Phải khi gà gáy quán xá mới mở cửa cơ, chúng ta dễ phải đợi cả đêm. Mua được đồ xong thì phải lập tức về ngay, không là bị phát hiện đấy.

Tôi và Thích Không nói: Hỷ Lạc này! Muội xuống được rồi đấy, Thích Nhiên ngồi xổm xuống rồi mà muội vẫn bắt đệ ấy cõng à. Thích Nhiên mệt lắm đấy!

Hỷ Lạc “ồ” lên một tiếng, cấm cảu tụt xuống, ngồi xổm bên cạnh tôi. Hỷ Lạc nói: Cuộc đào tẩu lần này thú vị thật đấy, sau này trong chúng ta có ai trở thành quan sử hoặc thi sĩ thì nhất định phải viết về câu chuyện này nhé, đặt tên sách là “Ba ta”.

Trên trời muôn sao giăng kín, chung quanh mọi thứ đều xa lạ, cảnh tượng này bấy giờ không ai lưu ý, nhưng lần tới chắc phải đến kiếp sau mới có lại được.

Sáng sớm ngày sau, Hỷ Lạc đã đập cửa một quầy tạp hóa, mua mấy sợi dây khứ hồi rồi lên đường rời thành chạy về chùa. Tôi thấy tất cả những tên đầu gấu lưu manh cho đến hiệp khách giang hồ đều nhìn vào thanh kiếm trên lưng sư huynh Thích Không, song tất cả mọi người lại lập tức lắc đầu bảo rằng đồ giả. Tôi cảm thấy thanh kiếm này khác thường.

Lúc đi thì xa, lúc về lại gần, chúng tôi rón rén bước đến trước chùa, ngặt nỗi cổng chùa lại mở, Hỷ Lạc nói: Chết rồi, bị phát hiện rồi, chắc chắn phương trượng sợ chúng ta lại tiếp tục trèo tường nhảy xuống đây mà.

Chúng tôi nấp ngoài cổng chùa, không dám bước vào, Hỷ Lạc lén hỏi một vị tiểu sư huynh đứng gác cổng, huynh ấy nói việc lần này là việc tày đình, bên trong đã bố trí người đâu đấy rồi, sư phụ và phương trượng đều đang đợi các người vào đấy.

Hỷ Lạc hỏi: Việc tày đình gì vậy ạ?

Tiểu sư huynh đáp: Nghe nói ba ngươi ăn trộm hai chiếc ghế đẩu và hai túi bông trong chùa, sợ tội nên lẩn trốn.

Bấy giờ, tiếng sư phụ tôi vọng ra: Vào cả đây đi! Đừng có lén lén lút lút nữa!

Cả ba chúng tôi chậm chạp cúi đầu bước vào, chậm là vì cả ba đều đang vắt óc tìm cớ. Sư phụ vừa định nổi giận mắng: Chúng bay...

Đột nhiên, cả phương trượng và sư phụ đều há hốc mồm kinh ngạc, râu ria gần như choãi xuống, vội kêu chúng tôi vào trong phòng, nhẹ nhàng gạn hỏi đầu đuôi câu chuyện, sau đó nói: Các con có biết đó là thanh kiếm gì không, đó là thanh kiếm mà người trong giang hồ đều đang đổ xô đi tìm đấy, tên của thanh kiếm này được gọi bằng một từ: Linh. Linh vốn là vật sở hữu của Vô Linh – tay sát thủ đệ nhất giang hồ - song lẽ, vì dính quá nhiều máu, vả lại những việc tên đó làm toàn là mờ ám, cho nên Linh đã nhuốm phải tà khí cực nặng của thiên hạ, nhưng con xem bao kiếm này, nó được làm từ một cây gỗ thần mà trăm năm trước đã được rất nhiều người thờ cúng, đúng là chính tà hòa quyện cho nên chỉ cần kiếm được để trong bao từ hai giờ trở lên, sau khi rút ra, kiếm khí có thể sát thương người khác, đủ tưởng tượng được kiếm này sắc biến thế nào.

Sư phụ nói vừa mê mẩn rút kiếm ra, trong phút chốc, mọi người xung quanh đều mất dạng. Sư phụ lại nói: Có điều, suy cho cùng đây chỉ là lời đồn đại thôi. Thực ra, nó là một thanh kiếm được mài tương đối nhẵn bóng, là biểu tượng địa vị giới võ lâm, cho nên sau khi Vô Linh biệt tích mấy năm, mọi người đều tranh đoạt thanh kiếm này, vì vậy mà không ít người đã mất cả mạng. Nếu con không phải là đệ nhất cao thủ, cắp thanh kiếm này ra ngoài chắc chắn sẽ không thể sống sót trở về. Ai dè mấy đứa choai choai các con lại dám cõng kiếm từ chợ về chứ.

Phương trượng nói: Có thể tuyên bố với thiên hạ rằng, thanh kiếm này tạm thời do Thiếu Lâm bảo quản, thiên hạ chắc sẽ thái bình hơn nhiều. Đúng là chẳng có thời hạn, chỉ có người loạn. Thời buổi thái bình làm gì có chuyện cứ nhao nhao đòi chém giết nhặng lên chỉ vì một thanh kiếm, phen này có thể coi là yên ổn rồi.

Sau đó tôi chủ động đưa chiếc tiêu độc nhặt được trên đường cho sư phụ, nói: Sư phụ! Người xem cây tiêu này, hình như phía trên có chất độc diệt thành.

Sư phụ và phương trượng giật nảy mình, đánh rơi kiếm xuống đất, sư phụ vội dặn mọi người tránh ra, sau đó gọi gấp vị sư huynh Thích Độc, có biệt hiệu Vô Độc Bất Thức ở bộ Ám khí đến giám định. Mọi người dường như đã quên khuấy đi thanh kiếm tuyệt đỉnh kia, suy cho cùng, một thành kiếm cũng chỉ có thể giết được một dúm người, còn thứ thiên hạ kịch độc thì có thể diệt được tất cả một triều đại. Kết quả thẩm định khiến mọi người rất thất vọng, thứ vật chất màu xanh lục trên bề mặt ám khí sở dĩ có màu trúc thanh như vậy, một là do ám khí được sử dụng nhiều lần, hai là chắn chắn đã găm vào thân trúc.

Sư phụ hỏi tôi: Võ công của người kia có lợi hại không? Là phái nào?

Tôi đáp: Con không biết, con chưa ra tay, con mới cắm hắn một phát hắn đã chạy rồi.

Sư phụ thốt lên: Hả?

Rồi hỏi: Sao kẻ đó lại biết các con lén lút xuống núi? Đến sư phụ còn chẳng biết nữa là.

Tôi đáp: Con cũng không rõ, có thể hắn đã mai phục ở đó mấy năm rồi.

Sư phụ lại nói: Vậy sao người đó lại có thanh kiếm này nhỉ?

Tôi đáp: Con cũng hỏi hắn rồi, hắn bảo đây quả thực không phải kiếm của hắn.

Sư phụ nói: Chẳng nhẽ là do nhặt về? Lẽ nào giang hồ đổi vị, năm nay Linh kiếm đã không còn thịnh hành nữa ư? Quơ tay là nhặt được, thích cõng là cõng về luôn ư?

Bấy giờ, có người cấp báo, ngoài chùa có một toán người nghe nói có kẻ cõng Linh kiếm về, liền yêu cầu Thiếu Lâm đưa ra một câu trả lời chính thức, sau đó trưng ra cho họ xem một lát, để thiên hạ biết rằng thanh kiếm đó có phải là Linh thật không.

Sư phụ lại thốt lên: Tin tức lan nhanh thế! Bảo với họ rằng, đây đúng là Linh thật, Linh về Thiếu Lâm, cũng coi như là ý trời, để giang hồ từ rày đã phân tranh, mọi người chớ có cướp đoạt thanh kiếm này nữa.

Ám khí làm bằng dây đàn hồi mà sư huynh Thích Không đã vất vả mày mò cuối cùng đã thất bại, bởi ám khí đó chỉ có tôi mới sử dụng được, Thích Không dùng lần nào là lần đó y rằng bị trúng tiêu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.