Trọng Sinh Trở Về Vị Trí Cũ

Chương 12




Trước đây lúc Thôi Trung còn cho rằng Bình Nhi là con ruột của mình, ông coi như không nhìn thấy bệnh xốc nổi nóng nảy của ả ta. Nhưng bây giờ ả ta đã trở về làm quý nữ nhà cao cửa rộng như ý mình mà lại đến để dạy xấu nữ nhi ruột của ông... Nghĩ đến đây, Thôi Trung rất khó chịu, vì vậy ông cũng mừng khi Quỳnh Nương và Liễu Bình Xuyên không thân thiết, để tránh cho nàng bị ả ta dạy xấu.
 
 
Ông gõ nõ điếu nói trêu: “Cả nồi đó là của con hết, ăn xong rồi mới có sức khóc tiếp!”
 

 
Lưu thị dùng đũa gắp mì ra, cười mắng: “Vừa mới đỡ khóc đã trêu! Lão già này, nếu con bé lại khóc nữa, ông xem tôi có trừng trị ông không!”
 
 
Thôi Truyền Bảo vịn cửa đùa theo: “Nương, nếu không ăn được ớt thì cho con nhiều tương trứng gà nhé!”
 
 
Nhất thời sân nhỏ tràn ngập tiếng cười nói vui vẻ.
 
 
Thật ra Liễu Bình Xuyên vẫn chưa đi, ả ta đang đứng cạnh xe ngựa suy tư, nghe thấy tiếng cười đùa truyền đến từ sân nhỏ, trước kia tiếng cười đùa này có một phần của ả ta, nhưng bây giờ Quỳnh Nương đã thay thế vị trí đó, trong lòng ả ta dâng lên một cảm giác khó chịu không cách nào hóa giải.
 
 
Hừ, cho dù Quỳnh Nương không vào Lang Vương phủ, ả ta cũng có cách khiến Quỳnh Nương mất sạch thanh danh, không thể gả cho nhà tốt nữa!

 
 
Ả ta bị dày vò một phen, lúc vào thành về Liễu phủ thì mặt trời đã hơi ngả về tây. Vừa mới vào phòng thay y phục, bà tử bên cạnh mẫu thân Nghiêu thị đã đến truyền lời, nói là phu nhân gọi ả ta qua một chuyến.
 
 
Nghe vậy, nhớ Nghiêu thị rất quy củ, Liễu Bình Xuyên bèn cởi quần bông mềm mại thay áo váy đoan trang đi gặp mẫu thân.
 
 
Lưu thị đã ăn cơm tối, đang dựa trên ghế quý phi, được nha hoàn đấm chân cho bằng búa mỹ nhân chạm ngọc. Thấy Liễu Bình Xuyên đã về, bà ta đánh giá ả ta từ trên xuống dưới.
 
 
Lúc nữ nhi ruột chưa về, bà ta nhớ mong ngày đêm. Nhưng lúc nữ nhi đã quay về bên mình, bà ta lại bắt đầu so sánh. Tuy không hoa dung nguyệt thẹn khiến người khác kinh diễm như Quỳnh Nương nhưng Bình Nương cũng là một giai nhân thanh lệ, chẳng qua khí chất không được phóng khoáng cho lắm.
 
 
Lưu thị nghĩ Thôi gia nuôi hỏng rồi, bèn mời một tiên sinh dạy chữ vẽ tranh, một sư phụ dạy đàn đến dạy Bình Nương, quyết định bồi dưỡng ra một nữ nhi tài mạo song toàn.
 
 
Phải biết rằng Quỳnh Nương rất có thiên phú trong phương diện thư hoạ, từ nhỏ không thầy dạy cũng đã hiểu, luôn theo ca ca cầm bút vẽ tranh. Lúc mời gia sư về dạy vỡ lòng, nàng đã liên tục khiến tiên sinh dạy học lúc đó phải kinh ngạc cảm thán, luôn nói nếu đứa trẻ này là nam tử thì tốt.
 
 
Kiếp trước, sau khi về Liễu gia, Liễu Bình Xuyên rất chịu khó học thư hoạ, bây giờ đã quay lại lúc tuổi còn nhỏ, cảm giác học vì người khác cũng không tồi. Nhưng làm thơ vẽ tranh, trừ chăm chỉ ra thì thiên phú mới là chủ yếu. Ả ta không có năng lực hiểu biết trời sinh như Quỳnh Nương, chữ viết tranh vẽ của ả ta cũng chỉ giống các khuê tú bình thường, miễn cưỡng giữ được mặt mũi mà thôi.
 
 
Nhưng có châu ngọc phía trước, chẳng trách Nghiêu thị lại nóng vội, có rất nhiều yêu cầu với bài học của Liễu Bình Xuyên.
 

 
Nhưng Liễu Bình Xuyên liên tục về trấn Phù Dung, bỏ bê bài học thì không nói, Nghiêu thị cũng so đo tị nạnh, cảm thấy Liễu Bình Xuyên không bỏ được phu phụ Thôi thị, còn xem Thôi gia mới là nhà của mình! Vì vậy ả ta vừa về, bà ta liền bảo bà từ gọi đến, chuẩn bị bắt bẻ ả ta.
 
 
Thế là nhìn thấy Liễu Bình Xuyên bước vào, bà ta bảo ả ta ngồi xuống ghế tròn ở bên cạnh, nhắm mắt lại chậm rãi nói: “Tính ra tháng này con đã đến trấn Phù Dung hai lần, phu phụ Thôi gia nuôi dạy con nhiều năm, con nhớ mong họ cũng là đương nhiên... Có điều qua mấy ngày nữa là đến lễ Khất Xảo. Con sẽ phải vào cung diện thánh, bầu bạn đón lễ với Ung Dương công chúa. Đến lúc đó các tiểu thư khuê tú các tập, khó tránh chuyện phải so tài nghệ phân cao thấp. Con đã trễ nải ở Thôi gia đã nhiều năm, cơ sở yếu kém, mấy ngày này đừng ra khỏi phủ nữa, nên chịu khó chút mới phải.”
 
 
Liễu Bình Xuyên vừa nghe là biết Nghiêu thị không vui, đang châm chọc mình.
 
 
Thể diện này ả ta dành cho phụ mẫu ruột đã là tốt nhất rồi. Kiếp trước bọn họ giữ Quỳnh Nương lại trong phủ, ngoài lý do ả ta đã trở thành thị thiếp, không thể về, thì còn là vì lễ Khất Xảo mười lăm tuổi Quỳnh Nương vào cung, bỗng nhiên nổi tiếng trước mặt mọi người, có được mỹ danh tài nữ, cho phu phụ Liễu thị đủ mặt mũi khiến bọn họ không bỏ được Liễu gia Tương Quỳnh.
 
 
Nghĩ đến đây, Liễu Bình Xuyên mỉm cười nói: “Nữ nhi biết người lo lắng, xin mẫu thân yên tâm, tác phẩm thư hoạ dâng lên trong lễ Khất Xảo nữ nhi đã chuẩn bị ổn thoả rồi, sẽ không khiến mẫu thân thất vọng.”
 
 
Kiếp trước Liễu Tương Quỳnh điểm mực thành hoa rồi phun nước lên, trong một khoảnh khắc, nụ hoa đó như một đêm gió xuân, đoá đoá nở rộ. Lúc đó mọi người đều kinh diễm, nhao nhao hỏi thăm vị tiểu thư vẽ tranh này là thiên kim của phủ nào.
 
 
Từ đó về sau, Liễu gia Tương Quỳnh thanh danh vang dội.
 
 
Bức tranh phun nước đó chẳng qua chỉ kì diệu ở cấu tứ mà thôi. Quả thực người đầu tiên nghĩ ra cách này sẽ làm mọi người kinh ngạc cảm thán, nhưng muốn học thì cũng không hề khó... Nếu Nghiêu thị đã không vui, vậy ả ta sẽ thu liễm lại một chút, không đến trấn Phù Dung nữa.
 
 
Kiếp này Thượng Vân Thiên không bị đâm gãy chân, chắc chắn hắn sẽ dự thi đúng hạn. Đến lúc đó ả ta chỉ cần khéo léo sắp xếp, nhân dịp huynh trưởng Liễu Tương Cư mời Thượng Vân Thiên vào phủ, ả ta sẽ gặp hắn vài lần rồi bày tỏ tấm lòng. Tin rằng chỉ cần Thượng lang không ngốc, hắn nhất định sẽ vui vẻ tiếp nhận sự yêu mến của quý nữ nhà cao cửa rộng là ả ta.
 
 
Nghĩ đến đây, tâm trạng giận dữ khi bị kích thích ở trấn Phù Dung đã bình ổn lại. Sống lại một đời, không những phải lấy được địa vị và trượng phu vốn có, ả ta càng phải chiếm hết tên tuổi kiếp trước của Quỳnh Nương, không thì làm sao có thể hóa giải hết nỗi hận của kiếp trước được?
 
 
Nghĩ đến sự sắp xếp của mình trước khi rời trấn Phù Dung, Liễu Bình Xuyên ra khỏi phòng của Nghiêu thị, cười rất đắc ý - Quỳnh Nương, ta dạy ngươi, gây chuyện thì phải tự chịu trách nhiệm!
 
 
Tạm thời không nhắc đến Liễu phủ nữa, lại nói về Thôi gia. Bởi vì Truyền Bảo bị thương, Lưu thị không yên tâm nên dọn sạp hàng ở nhà chăm sóc hai đứa con vài ngày. Còn Thôi Trung nhấc đòn gánh đi khắp phố lớn ngõ hẻm bán bánh ngọt, cũng coi như có chút tiền vào.
 
 
Hôm nay lúc Thôi Trung gánh đòn về, Quỳnh Nương đang quét sân giúp Lưu thị, sau khi quét xong nàng vẩy nước giếng xuống sân để hạ nhiệt độ đất cát nóng hầm hập, sau đó cả nhà ngồi dưới tàng cây trong sân cùng ăn cơm tối.
 
 
Cơm là Lưu thị nấu gạo mới bằng nồi gốm, còn rau trộn là Quỳnh Nương trộn củ cải chua. Củ cải này Quỳnh Nương muối trong bình nhỏ, muối rất ngon, củ cải trắng giòn sụm, rắc chút muối và gừng băm, tưới thêm vừng mè và dầu cay, ăn ngon miệng tiêu tan đi cái nóng.
 
 
Nghĩ cha gánh đòn cả ngày chảy nhiều mồ hôi. Quỳnh Nương còn ninh nước củ cải muối chua với xương và củ sen, cho thêm một ít đậu phộng mềm rục, mùi thơm tràn ngập cả sân.
 
 

Mấy ngày nay Thôi Truyền Bảo đã sâu sắc lĩnh hội được, muội muội mới mang đến cho nhà này thay đổi lớn - đó chính là so với trước kia thì thức ăn càng tinh tế và được chú trọng hơn. Ví dụ như củ cải này, trước kia chỉ hầm nấu thôi, nhưng vào tay Quỳnh Nương thì có thể biến thành nhiều cách ăn đa dạng.
 
 
Trong những ngày tháng bần hàn của nhà nghèo, không có gì khiến người ta phấn chấn tinh thần hơn là một bàn thức ăn dụng tâm, lúc răng môi thơm ngọt, một ngày bất biến như đã có thêm vị.
 
 
Uống một ngụm cạnh xương thịt đặc tươi khai vị, Truyền Bảo lại nhìn muội muội của mình. Hắn cảm thấy có muội muội mới đúng là chuyện khiến người ta vui vẻ.
 
 
Quỳnh Nương nhìn cha và ca ca ăn cơm ngon lành, trong lòng cũng thoải mái.
 
 
Trước đây, có thể khiến nàng rửa tay nấu cơm, trừ lúc hầu hạ bà bà ra thì chính là trên yến tiệc gặp gỡ của các phu nhân tiểu thư.
 
 
Nhưng nghĩ lại, hai đứa con mà nàng yêu thương nhất lại chưa ăn cơm nàng nấu được mấy lần.
 
 
Sao nàng của trước kia lại ngu xuẩn như vậy chứ? Một mực làm cho những người không liên quan đến nàng vui lòng, nhưng lại không để ý đến máu mủ ruột thịt. Đời này, nàng tình nguyện đứng trước phòng bếp nghèo khó lau mồ hôi thêm củi, để người nhà ăn ngon miệng.
 
 
Vừa xới cơm cho ca ca, vừa ăn cơm, Quỳnh Nương nói ra tính toán của mình. Tiền bán điểm tâm mấy ngày nay không ít, có thể dùng số đó để làm tiền vốn. Tuổi tác phu phụ Thôi gia đã dần cao lên, cứ để họ dãi nắng dầm mưa như vậy mãi mãi cũng không phải cách.
 
 
Trấn Phù Dung quá nhỏ, lo liệu kinh doanh cũng không có quá nhiều tiền để dành. Nhưng nếu dùng chút tiền này đặt mua cửa hiệu trong kinh thành thì chỉ giống như hạt cát đổ biển, bọt nước còn chẳng nổi lên. Chi bằng mua một cửa hàng dưới núi Hoàng Sơn phía ngoại ô kinh thành là dư dả. Trên Hoàng Sơn là chùa chiền của người hoàng gia, bởi vì gần kinh thành nên người dâng hương ngày mùng một mười lăm nườm nượp không ngớt, bọn họ thường bỏ lỡ giờ cơm, phải ăn cơm dưới núi, nên không lo vắng khách.
 
 
Quỳnh Nương nói rõ ràng mạch lạc đâu ra đấy, nhưng Lưu thị không tán đồng lắm, bà nghĩ chạy đến chân núi làm ăn không phải là ngày nào cũng có thể thấy khách nườm nượp đến như thuỷ triều. Chẳng phải những ngày còn lại sẽ vắng vẻ không có lợi nhuận sao? Hiển nhiên ý tưởng của Quỳnh Nương là lời của tiểu thư nhà cao cửa rộng, không biết được nỗi vất vả khi kiếm tiền mỗi ngày của người dân.
 
 
Tuy Lưu thị nói rất uyển chuyển nhưng Quỳnh Nương nghe ra sự cố kỵ của bà. Nếu không phải đã trải qua một đời thì nàng thật sự không nghĩ đến chuyện mở tiệm điểm tâm dưới núi Hoàng Sơn.
 
 
Trong kiếp trước như một giấc mơ đó, sau này thánh thượng hạ chỉ xây dựng một biệt viện tránh nắng ở dưới Hoàng Sơn. Lâm viên hoàng gia rất to, đất chiếm rộng, các nông trại cửa tiệm vốn có đều phải dời đi chỗ khác.
 
 
Nhưng thánh thượng nhân hậu, Đại Nguyên triều lại không thiếu vàng bạc. Tất nhiên làm dân vất vả thì sẽ có bồi thường, những nhà cửa ruộng vườn trên mảnh đất đó đều được bồi thường gấp năm lần so với giá thị trường. Cho nên bây giờ chỉ cần mua một cửa hàng rồi đợi đến năm được bồi thường gấp năm lần, vậy là đủ cho cha nương dưỡng lão rồi.
 
 
Còn nữa, mở cửa hàng dưới Hoàng Sơn, người ăn đều là phú nhân hào khách, kiếm một tháng được ba tháng, bình quân tính ra không phải là nhiều hơn so với cha nương ngày ngày thức khuya dậy sớm sao?
 
 
Quỳnh Nương luôn lo chuyện mấy năm sau Thôi Trung bị bệnh nặng, nếu có thể bớt lao lực đi một chút thì có lẽ đến lúc đó bệnh tình của cha cũng không quá nghiêm trọng.
 
 
Có điều khó mà nói chuyện bản thân sống lại cho nương nghe, nhưng mà nếu cứ khuyên bảo tiếp cũng sẽ phí lời.
 
 
Đầu Lưu thị rung như trống bỏi, cuối cùng bà dứt khoát mở miệng nói Quỳnh Nương vẫn là trẻ con, không cần lo lắng chuyện kiếm sống của cha nương, tóm lại sẽ không để nàng chịu đói.
 
 
Thôi Trung bên cạnh ăn cơm xong luôn im lặng cầm tẩu hút thuốc, sau đó ông lại mở miệng nói: “Quỳnh Nương từng ở nhà cao cửa rộng thấy nhiều hiểu sâu, nếu con đã nói vậy rồi thì tất nhiên là có lý của con bé... Chẳng qua mua cửa hàng là chuyện lớn, không được khinh thường, phải đi xem xem. Ngày mai ta và nương con không ra sạp nữa, để ca ca con ở nhà, ta thuê một chiếc xe ngựa rồi chúng ta đến chân núi Hoàng Sơn một chuyến.”
 
 
Thấy đương gia xem lời của tiểu cô nương như thật, Lưu thị không khỏi quýnh lên. Nhưng lại không tiện mắng lão bất tử hồ đồ kia trước mặt hai đứa con.
 
 
Thu dọn bát đũa xong, hai người quay về phòng, Lưu thị mới ngồi xếp bằng trên giường, đập chăn chất vấn: “Cái lão này! Thực sự xem mình là thương nhân thân hào à? Khó khăn lắm mới gặp được vài tên lụn bại, bây giờ trong tay mới có vàng thật bạc trắng, sau này không phải ngày nào cũng có thể kiếm được lá vàng sao! Nhi tử đang lớn, sắp phải chọn con dâu rồi. Quỳnh Nương xuất giá cũng cần sắm của hồi môn, có phải cái gì cũng không cần tiền đâu? Nếu mua cửa hàng rồi thâm hụt tiền, về trấn Phù Dung cũng không có chỗ cho chúng ta bày sạp nữa. Ông phải biết lão Ngũ hàng xóm bán mì trộn đã muốn chiếm sạp chúng ta năm lần bảy lượt rồi...”
 
 
Thôi Trung hít mạnh hai hơi thuốc rồi đập tường: “Dù hắn không chiếm, chúng ta cũng không thể ở lại trấn Phù Dung nữa rồi. Mấy ngày nay bà ở nhà chẳng biết cái gì, tin đồn bên ngoài đã lan truyền thành thế nào rồi kia kìa!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.