Trở Về Đời Thanh

Chương 86: Trận đầu đánh Cát Nhĩ Đan (2)




Sắc mặt âm trầm của đại a ca nhanh chóng tươi tỉnh lên, điều này làm Dận Chân không khỏi thầm thán phục trong lòng. Hắn tự than thở rằng mình còn tu luyện chưa đến nơi đến chốn, thiếu hỏa hầu thật sự. Đại a ca cười tủm tỉm nói: “Ngũ thúc, tứ đệ, vừa rồi tức giận tên tửu quỷ kia mà sơ sót không chào đón hai người, Dận Thì xin được bồi tội.” Thường Ninh lập tức nói không cần, còn Dận Chân thì cười đáp: “Đại ca chiết sát tiểu đệ rồi. Tiểu đệ mới chính là người phải bồi tội với đại ca mới đúng, vừa mới vào doanh đã gây thêm phiền phức cho đại ca rồi.” Đại a ca cười nhạt một tiếng rồi lái chủ đề sang chuyện khác: “Đúng rồi, ngũ thúc và tứ đệ từ ngự doanh đến đây, chẳng hay có mang đến thánh ý của hoàng a mã hay không?” Dận Chân và Thường Ninh nhìn nhau, không khỏi phiền muộn. Một lát sau, Dận Chân vẫn lên tiếng đáp: “Hoàng a mã từng có thánh huấn, trận này đánh Cát Nhĩ Đan chỉ cần toàn thắng, có điều trước mắt công báo có nói long thể của hoàng a mã không được an khang, làm đệ lo lắng không thôi.”

“Cái gì? Long thể của hoàng a mã làm sao?” Đại a ca kinh hô thành tiếng, rõ ràng hắn không hề hay biết gì về chuyện này. Điều này cũng khiến Dận Chân hơi kinh ngạc: “Sao vậy? Chuyện này đại ca còn chưa biết à?” Đại a ca không để ý đến Dận Chân, chỉ không ngừng truy hỏi: “Hoàng a mã bị bệnh gì? Có nặng lắm không? Có nói yêu cầu chúng ta về ngự doanh hầu bệnh không?”

Dận Chân cân nhắc một lát rồi chậm rãi trả lời: “Mấy hôm trước, sau khi làm lễ tế mưa về thì hoàng a mã bắt đầu thấy thân thể nặng nề. Theo kết luận của thái y viện thì mạch này là suy yếu dẫn đến phát sốt, hiện giờ đang thảo luận đưa ra phương thuốc.”

Đại a ca nhíu mày, trong lời nói cũng mang theo ý chất vấn: “Hoàng a mã bệnh, việc này trọng đại cỡ nào chứ? Ta là hoàng trưởng tử, vì sao không thông báo cho ta?” Dận Chân tự nghĩ thấy mình không tiện trả lời vấn đề này bèn cúi đầu không nói. Hắn cũng không ngờ đại a ca lại bị giấu nhẹm việc này. Đây rốt cuộc là ý của chính bản thân Khang Hi, hay là do Dụ thân vương cố ý gây ra nhỉ? Hay là do toàn bộ đại doanh ở tiền tuyến đều bị phong tỏa tin tức? Ba người trong lều không tự chủ được đều đưa mắt nhìn về phía Phúc Toàn. Phúc Toàn ra vẻ đã hiểu suy nghĩ trong lòng mọi người, ông ho nhẹ một tiếng rồi khoát tay áo nói: “Chuyện thánh thượng long thể bất an kia hôm nay ta cũng là lần đầu tiên nghe.”

Thế là sắc mặt của đại a ca lại càng đen lại, tối sầm. Dận Chân biết trong lòng y đang buồn bực lắm, chuyện thông báo hay không thông báo này đồng nghĩa với việc địa vị của đại a ca trong lòng Khang Hi nặng bao nhiêu. Mà điều làm đại a ca buồn, đơn giản chính là sợ bản thân y đã mất thánh quyến từ lúc nào không hay, đồng nghĩa với việc sẽ bị đẩy khỏi cuộc tranh đoạt tư cách nối ngôi này mà thôi.

Có lẽ y cảm thấy mình hơi thất thố, đại a ca lúng túng hắng giọng một cái bảo: “Đột nhiên nghe tin hoàng a mã long thể bất an, Dận Thì hoảng loạn không thôi, lời nói vừa rồi cũng không đúng chừng mực, xin hoàng bá phụ, ngũ thúc bỏ quá cho.”

Phúc Toàn vốn dĩ không thèm so đo mấy chuyện này, thế là nhẹ nhàng khoát tay áo, thuận tiện cho đại a ca thêm một cái bậc thang nữa: “Đại a ca hiền hiếu như thế, đấy là phúc của quốc gia. Ở đây đều là người trong nhà, không cần khách khí thế.”

Dận Chân không muốn dính vào chuyện này bèn đổi hướng chủ đề sang chuyện khác: “Hoàng bá phụ, lần này cháu may mắn được đi tiền tuyến góp sức, không muốn sống chết mặc bay đâu. Ngài đừng diệt ngay Cát Nhĩ Đan nhé, tốt xấu gì cũng phải giữ lại ít ngày cho cháu đánh mấy trận đã nghiền đã!”

Phúc Toàn nghiêm mặt trách mắng: “Cháu nghĩ đây là trò đùa trẻ con à? Lần này trước lúc xuất quân, hoàng thượng đã cố ý nhắc nhở, muốn đại quân ta khi gặp Cát Nhĩ Đan phải nghĩ cách cầm chân, đợi chư quân hội họp rồi mới lợp lực tấn công. Cháu đã đến chỗ này rồi thì phải nghe theo quân lệnh, tuyệt đối không được tự ý chủ trương, biết chưa?”

Dận Chân nghe lời đoán ý, biết ít nhất một nửa trong số những câu này thực tế là để nói cho đại a ca nghe. Vì thế hắn cực kì phối hợp mà lớn tiếng đáp: “Dận Chân biết, bắt đầu từ hôm nay, Dận Chân chỉ nghe theo lời đại tướng quân!”

Sắc mặt Phúc Toàn cũng dịu đi đôi chút, ông nói: “Vừa hay ngũ đệ cũng ở đây, nhân lúc này chúng ta bàn chiến lược trong trận này. Mấy hôm nữa chắc mấy vị Sách Ngạch Đồ, Đông Quốc Cương, Minh Châu cũng sẽ đến, lúc đó chúng ta lại bàn quân vụ, như thế được không?”

Thường Ninh khẽ gật đầu bảo: “Mọi thứ cứ theo lệnh nhị ca.”

Phúc Toàn nói: “Ta đã ra tướng lệnh để Tắc Hách (Đô thống) suất lĩnh quân đội đi Ba Lâm, ép sát sườn của Cát Nhĩ Đan, A Mật Đạt, A Đạt Ni cùng ta ở lại trấn thủ trung quân, trông coi trung lộ. Tô Nỗ, Bành Xuân phối hợp tác chiến bên cánh Tây. Đợi khi mấy vị đại nhân Thượng thư phòng đến tiền tuyến chính là thời điểm quân ta quyết chiến với Cát Nhĩ Đan.

Thường Ninh vừa nghiêm túc lắng tay nghe vừa vuốt cằm suy nghĩ. Sự bố trí của Phúc Toàn rất chu đáo, tiến lùi có chừng mực, phòng vệ tầng tầng lớp lớp, thực sự có lợi cho chiến lược tiến công áp sát.

Không ngờ đại ca ở bên cạnh lại xen mồm: “Hoàng bá phụ cẩn thận quá rồi. Cát Nhĩ Đan nhiều lắm cũng có ba vạn người, lại dồn cả trên đỉnh núi Ô Lan Bố Thông. Trước mặt y là năm vạn binh mã của thiên triều ta, sau lưng y lại có hơn hai vạn quân tinh nhuệ chặn phía sau. Theo cách nhìn của ta, chúng ta cứ thừa thắng mà xông lên, Cát Nhĩ Đan chắc chắn không có can đảm nghênh chiến chính diện với chúng ta, đợi y tháo chạy chúng ta lại hợp lực với Khang thân vương, tiền hậu giáp kích chặt đầu tên nhãi này là nhất.”

Sắc mặt Phúc Toàn đã có ý khó chịu, nhưng ông cố gắng kiềm chế lửa giận lại, chỉ nói: “Dũng khí của đại a ca tất nhiên là đáng khen, chỉ có điều hiện tại Cát Nhĩ Đan bố trí “đà thành” trên đỉnh núi, chiếm được địa lợi là địa hình núi cao hiểm trở. Huống chi, ba vạn quân của y phần lớn là kỵ binh, nếu phá vây xông xuống đây cũng là dũng mãnh phi thường. Theo ý ta, vẫn nên lấy chiến lược ổn định làm trọng. Quân ta lấy trạng thái liên hợp các doanh để áp chế nhuệ khí của địch trước, sau đó vây kín chặt đứt đường lui của y. Đến lúc đó, phe Cát Nhĩ Đan đã hao hết lương thảo, có muốn dựa vào địa thế hiểm trở mà chống trả cũng chỉ phí công mà thôi."

Đại a ca hơi hậm hực, giọng bắt đầu có ý cạnh khóe, mai mỉa: “Nếu đại tướng quân đã có kế tất thắng vậy Dận Thì xin tuân lệnh thôi. Chỉ có điều tên Cát Nhĩ Đan này chỉ là loại tôm tép nhãi nhép lại làm quân ta tốn gần mười vạn đại quân chỉ vây mà không đánh thì đúng là…”

Dận Chân thấy mùi thuốc súng trong lêu càng ngày càng nồng nặc mới xen mồm một câu: “Hoàng bá phụ vừa rồi có nhắc đến chuyện Cát Nhĩ Đan bố trí “đà thành” trên đỉnh núi, đấy là cái gì ạ?” Phúc Toàn cũng cảm thấy tiếp tục tranh cãi cũng không có ý nghĩa nên thuận miệng đáp: “Đà thành này là chỉ việc phe Cát Nhĩ Đan trói vó ngàn vạn con lạc đà nằm xuống, lại chất rương trên lưng chúng, phủ thêm chăn dạ ướt tạo thành rào chắn. Giữa rào lại cho binh sĩ xếp hàng cầm cung nỏ hoặc súng đứng làm bình chướng để cố thủ. “Đà thành” này thường được áp dụng ở địa hình đỉnh núi cao hoặc bờ sông, rừng cây, đầm lầy. Lại hô ứng với kỵ binh trên đỉnh núi, chính là một yếu điểm tác chiến dễ thủ mà khó công.”

Dận Chân khẽ thở dài một hơi hỏi: “Hoàng bá phụ định phá trận kiểu gì ạ? Theo cách nhìn nông cạn của cháu, lấy phương án liên hợp nhiều doanh lại để vây kín cũng ổn, nhưng lại tốn thời gian quá.”

Phúc Toàn đã tính trước vấn đề này, ông đáp: “Thượng sách tất nhiên là “lấy sức nhàn chống sức mỏi” (1), ép Cát Nhĩ Đan phải suất quân phá vây. Quân ta trải dài mấy chục dặm, vừa quấy phá vừa tấn công, vừa dụ địch vào trong vòng vây. Trung sách thì chia binh thành ba con đường, trước trận bày ra súng pháo sừng hươu, dàn quân tấn công, như thế Cát Nhĩ Đan sẽ phải nghĩ cách phòng thủ ứng đối. Đợi mấy ngày, bên nào dài bên nào ngắn cũng có thể nhìn ra ngay. Hạ sách ấy à, không nói cũng thế.”

Dận Chân hiểu, hạ sách này tất nhiên chính là ý tưởng của đại a ca, dựa vào ưu thế về quân số mà cường công. Mặc dù lần này quân Thanh chiếm ưu thế cả về quân số lẫn trang bị, nhưng nếu chỉ một mực cường công ấy hả? Chắc chắn sẽ là kết cục giết địch một vạn, tự tổn thất tám ngàn!

===========

Chú thích:

1) Nguyên văn là “Dĩ dật đãi lao”: 以逸待劳 Dùng chiêu này khi ta có lợi thế được chọn thời gian và địa điểm cho trận đánh. Nhất là khi địch lại không biết về hai điều này. Bằng cách đó, ta sẽ dẫn dụ địch tiêu hao năng lượng cho những mục tiêu không có thật trong khi ta giữ gìn mọi nguồn lực. Khi địch đã tổn hao, mệt mỏi và bắt đầu nhầm lẫn, ta tấn công toàn lực với năng lượng nguyên vẹn và với mục tiêu rõ ràng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.