Trẻ Và Vụng Về

Chương 74: Sự khác biệt giữa cố gắng và cống hiến




Bạn không thể làm được việc gì "ra hồn" nếu không có sự cống hiến.  

Mình có một nguyện vọng, đó là cố gắng, cố gắng, cố gắng thật nhiều để có thể "không phải giới thiệu bản thân mình khi đi xin việc nữa", không phải ở vào vị thế mong người ta chấp nhận mình nữa, mà mình đã có thể lựa chọn những người muốn đầu tư vào mình. Đó là một điều làm cho mình cảm thấy tự hào, cảm thấy rất vui. Nhìn những cái tên muốn cùng làm việc với mình, từ nhiều khía cạnh và từ những thử thách rất lớn làm cho mình cảm thấy đầy hứng khởi. Nhưng rất nhanh sau đó, mình nhận ra là mình không thể làm tốt bất cứ việc gì nếu không có sự cống hiến, cho dù có cố gằng bao nhiêu đi chăng nữa.  

Đúng vậy các bạn ạ, không phải là sự cố gắng nữa. Ở đây, là sự cống hiến.  

Khi còn trẻ, tất cả những gì bạn cần làm đó là cố gắng. Cố gắng đi học, cố gắng ngoan ngoãn, cố gắng nghe lời, cố gắng làm vừa lòng người lớn. Bạn phải cố gắng từ khi bạn chưa hiểu rõ định nghiã của cố gắng là gì. Bạn phải cố gắng vì người lớn dạy bạn như vậy, rằng: "nếu không cố gắng thì con chẳng có gì cả." 

Nhưng khi trưởng thành, có thể tự quyết định cho mình và khi bạn muốn hết mình với một điều gì đó thì cố gắng là chưa đủ, bạn phải cống hiến cho nó. Cống hiến là một sự lựa chọn cho bản thân, vì bản thân, cho bản thân và dài lâu không tưởng.  

Cống hiến là một từ rất mạnh, chúng ta chỉ nghe thấy khi nói về một người lính hi sinh cả đời mình để bảo vệ một đất nước. Chúng ta không bao giờ nói về cống hiến khi nói tới công việc hay sự nghiệp học hành của mình. Rất ít người trong số chúng ta cảm thấy cần phải trung thành và tân tụy với lý tưởng hay công việc của mình.  

Chính vì vậy mà bạn không bao giờ thành công tới đỉnh cao nhất. Bạn chỉ cố gắng tới một mức nhâta định mà thôi.  

Mình nhận ra chân lý đó, khi mình cố gắng làm rất nhiều việc. Cơ hội nào trao vào tay mình cũng nhận, mình muốn thử sức, muốn cố gắng khi mình còn trẻ. Và sau đó, mình nhận ra một cái gật đầu tự hứa cố gắng là không đủ. Mình không thể hoàn thành nên một kiệt tác khi trong đầu đang tính chuyện khác nữa.  

Bạn phải toàn tâm toàn ý, phải ăn ngủ với nó, phải sống chết với cái ý nghĩ về đích đến hay mục tiêu trong đời, phải đủ mạnh mẽ để giấc mơ đó "ám ảnh" bạn. Bạn phải trung thành với nó như cách một người lính trung thành với đất nước mình.  

Khi ấy, bạn mới thành công.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.