Trang Tử Tam Kiếm

Chương 8: Trượng nghĩa cứu Hoa Đà - Thần công thu ngốc tử




Bốn ngày sau những vết thương trên người Sĩ Mệnh đã khép miệng và kéo da non. Tùy Vân đạo trưởng tấm tắc khen :

- Ân sư vẫn thường nói Đông Hải có loại đông tảo dùng làm thuốc kim sang rất tốt. Có lẽ Hỏa Quy lão tổ đã đem kỳ dược ấy băng bó cho sư đệ nên vết thương mới mau lành đến thế.

Sĩ Mệnh mỉm cười, quay sang bảo Ma Ảnh Tử :

- Ta sẽ cùng các hạ đi Sơn Tây để gặp lệnh muội. Hạ Sầu Miêu hoan hỉ nhưng lại nhắc nhở :

- Hiện nay, Tây Hồ Tiên Nữ đã đến Nam Bình, chắc là để tìm thiếu chủ. Đường lên Sơn Tây xa đến hơn ba ngàn dặm, đi về mất gần hai tháng, chỉ e hai vị thiếu phu nhân kia mỏi mắt trông chờ.

Chàng điềm nhiên đáp :

- Hai người ấy với ta đã có hôn ước, dẫu chờ bao lâu cũng chẳng hề gì. Ta muốn lệnh muội sớm được giải tỏa lời di chúc để khỏi lỡ làng tuổi xuân. Bản lãnh Lưu Hồng Lượng khiếp quỷ kinh thần, nếu chẳng may bị lão ta giết thì sao?

Tùy Vân đạo trưởng tò mò hỏi rõ nguồn cơn. Nghe Ma Ảnh Tử kể xong, ông đoán ra ngay thâm ý của Chung lão, thân phụ của Ma Ảnh Tử. Lão ta muốn đem cô con gái kiều diễm gả cho Sĩ Mệnh để đền ơn Tây Môn thượng thư. Ông cười khà khà bảo :

- Phải lắm sư đệ nên đi ngay đi!

Sĩ Mệnh thông minh tuyệt thế nhưng chưa từng trải thế thái nhân tình, đâu hiểu được ẩn ý. Chàng vái tạ Tùy Vân :

- Đại sư huynh! Xin người đừng vì tiểu đệ mà tạo thêm sát nghiệp, nhiễu loạn chân tâm. Sư huynh cứ ở lại đây phụng thờ tiên sư và tu luyện. Tiểu đệ báo xong gia cừu sẽ đưa thê thiếp về Hoàng Sơn ẩn dật. Lúc ấy huynh đệ sẽ được gần nhau.

Tùy Vân gượng cười :

- Trang Tứ còn biết xót thương người vợ bạc mệnh, huống hồ gì ta? Dẫu biết rằng sinh ký tử quy nhưng tình cảm tự nhiên vâm khiến lòng ta lo lắng cho sư đệ. Với công lực hiện tại, sư đệ cầm chắc cái chết trong tay khi đối địch với Lưu Hồng Lượng. Chúng ta là người tu đạo vô vi nhưng lại là người học võ nên không tránh khỏi mối ràng buộc của ân oán. Chỉ mong sư đệ bảo trọng và nhớ đến câu nhu thắng cương, nhược thắng cường, cứ thuận theo tự nhiên mà làm chớ nên cưỡng cầu.

Sĩ Mệnh cúi đầu tỏ ý vâng lời rồi vào trong thay áo, cùng Ma Ảnh Tử xuống núi.

Vừa đến lưng chừng sơn đạo đã nghe Tùy Vân đạo trưởng gọi với sau lưng. Hai người dừng bước, chờ ông ta đến.

Tùy Vân cười bảo :

- Ta bỗng sực nhớ ra một việc vội chạy theo nói với sư đệ. Năm xưa tiên sư từng nói với ta rằng trong rặng Lã Lương sơn, Sơn Tây có một loại cây tên gọi Vạn Niên Xuân Thụ mọc ở những nơi hiểm hóc âm u. Quả của nó khi chín sẽ tỏa mùi hương ngào ngạt, ai ăn vào sẽ tăng tiến công lực. Nhân dịp này sư đệ thử đến đấy tìm xem.

Sĩ Mệnh vòng tay cảm tạ rồi cáo biệt.

Ngay chiều hôm ấy hai người vượt Trường Giang. Vào thành An Khánh. Do vị trí nằm cạnh sông lớn nên kinh tế rất phồn vinh, dân cư đông đúc sầm uất.

Đường trục chính bắc nam trong thành được lát đá phẳng phiu. Hai bên san sát nhà cửa, dinh thự. Đương nhiên, trà lâu, tửu quán, khách điếm, kỹ viện đều có mặt và rất hoa lệ, đồ sộ. Nhưng tráng lệ nhất vẫn là tư dinh của Quách tuần phủ. Biệt trang này chiếm một phạm vi đến hơn hai mẫu đất. Ngoài tòa đại lâu ba tầng còn có mấy chục căn tiểu viện nằm quanh vườn hoa rực rỡ. Như muốn khoe khoang cơ ngơi của mình nên bức tường xây chung quanh chỉ cao độ nửa trượng, khách quan chiêm tha hồ thưởng lãm. Quách tuần phủ tin rằng chẳng có tên đạo tặc nào dám mò vào hang ổ.

Sĩ Mệnh cau mày bảo :

- Tòa biệt trang này được xây bằng máu của lê dân.

Ma Ảnh Tử cười lạnh lẽo :

- Thiếu chủ yên tâm, lão cẩu quan kia không sống đến sáng mai đâu.

Họ đi tiếp và dừng chân trước một tòa khách điếm.

Canh ba đêm ấy, Ma Ảnh Tử nai nịt gọn gàng, khoác áo dạ hành, bịt kín mặt, chuẩn bị đi thăm Quách tuần phủ. Gã ngạc nhiên khi thấy Sĩ Mệnh cũng làm như vậy.

- Không dám phiền đến thiếu chủ, mình thuộc hạ cũng đủ lấy mạng lão chó già ấy rồi.

Chàng cười đáp :

- Ngày xưa, nếu Trang Tử cũng giỏi võ công như chúng ta thì ông cũng đã giết sạch bọn vương hầu tham lam, hiếu chiến và ngu xuẩn để mang lại thanh bình cho bách tính Trung Hoa. Tiên sư cũng từng hành hiệp suốt ba mươi năm nay, âm thầm trừ lũ tham quan, tiêu diệt bọn tà ma, tạo phúc cho lê thứ. Võ lâm đâu biết rằng cảnh thanh bình mấy chục năm qua là do công lao của Thiên Hạc chân nhân. Mọi người chỉ tôn sùng ông là người có võ công cao nhất trong tứ đại kỳ nhân. Thậm chí cũng rất ít ai biết mặt. Nay là đệ tử của người, lẽ nào không kế thừa được công nghiệp ấy?

Ma Ảnh Tử bối rối nói :

- Thực ra thì ngoài việc hạ sát lão cầu quan họ Quách, thuộc hạ còn hẹn với anh em Hắc đạo, phá đại lao để cứu hai lão bằng hữu. Thiếu chủ tham gia e không tiện.

Sĩ Mệnh thản nhiên hỏi :

- Hai người ấy lai lịch thế nào?

- Bẩm thiếu chủ! Họ đều đã già và hoàn lương được ba chục năm nay. Người thứ nhất là Hắc Đạo Hoa Đà Trang Vỹ, ân nhân của hàng ngàn anh em thảo mảng. Người thứ hai là Vô Tỏa Đạo Chích Diệp Đồng, nghề mở khóa và thiết kế cơ quan giỏi nhất thiên hạ. Họ ẩn cư ở ngoại thành An Khánh, vừa bị bắt hơn mười ngày trước.

Sĩ Mệnh thích thú bảo :

- Vậy các hạ hãy nán lại ít khắc, kể cho ta nghe rõ nguồn cơn.

Hai người ngồi xuống ghế và Hạ Sầu Miêu bắt đầu.

- “Trang Vỹ năm nay đã bảy mươi. Thời trai trẻ lão là tay đạo tặc đất Hồ Bắc. Một hôm về An Khánh thăm nhà thì mới biết người vợ yêu đã từ trần vì ăn phải cá độc.

Thực ra bà ta không đến nỗi phải chết, chỉ vì lão đại phu của thành mệt mỏi, do mới chăm sóc Tuần phủ phu nhân, nên làm biếng không chịu đi. Trang Vỹ đau lòng khôn xiết, phát thệ rằng sẽ học được nghề y để giúp đỡ những người nghèo khó, cô quả. Lão lặn lội đến Thiểm Tây, quỳ gối trước cửa nhà Thái Bạch thần y hai ngày đêm. Thần y cảm động, nhận lão làm đệ tử.

Mười năm sau lão hạ sơn, trở về An Khánh làm nghề thuốc. Lão chỉ nhận chữa trị cho bần dân và không lấy một xu. Anh em Hắc đạo bị thương, lén lút tìm đến cũng được lão chăm sóc chu đáo. Họ biết lão nghèo nên âm thầm để lại vàng bạc.

Trong suốt hai mươi lăm năm nay, lão là ân nhân của rất nhiều người. Thuộc hạ cũng từng được lão cứu mạng. Vì an nguy của lão nên chỉ trong giới đạo tặc mới truyền tụng công ơn của Hắc Đạo Hoa Đà. Họ biết Trang Vỹ yêu thích các loại kỳ hoa dị thảo nên đã lùng khắp thiên hạ, đem đến tặng. Vì vậy, ngọn đồi khô cằn cạnh bờ bắc Trường Giang trở thành một hoa viên kỳ tú, xinh đẹp nhất vùng. Được gọi là Bách Hoa Khâu. Đó là nhờ tài năng của Vô Tỏa Đạo Chích Diệp Đồng và sức lực của hai mươi tay lục lâm hồi đầu. Họ đã già nên về phụ giúp Trang Vỹ trong việc bào chế dược thảo.

Lão Tuần phủ An Khánh Quách Kiện Hùng rất thèm thuồng vườn hoa của Trang Vỹ. Lão hỏi mua nhưng họ Trang không bán. Dân nghèo vùng nay coi Trang Vỹ như thánh sống nên Quách tuần phủ không dám đụng đến.

Sáng ngày rằm tháng tám vừa rồi, tình cờ bọn Bộ đầu Giang Tô bám theo dấu vết của một tên đạo tặc bị thương. Họ thấy gã chui vào nhà Trang Vỹ nên đến phủ đường An Khánh xin tiếp viện.

Quách Kiện Hùng mừng rỡ kéo quân vây chặt và bắt quả tang Trang Vỹ đang băng bó cho gã đạo tặc kia. Thế là lão giải ngay Trang Vỹ, Diệp Đồng và gã Trần Nhị kia về phủ đường tra xét. Trần Nhị không muốn di hại đến Hắc đạo thần y nên cắn nát lưỡi tự sát. Tử vô đối chứng, Trang Vỹ ung dung khai rằng mình không biết Trần Nhị là đạo tặc, nhưng lão họ Quách dùng cực hình tra khảo, bắt Trang Vỹ và Diệp Đồng phải nhận tội thông đồng với cường đạo. Hai người thà chết không ký vào bản khẩu cung nên bị đưa vào đại lao giam giữ, chờ tra khảo tiếp.

Tổng bộ đầu An Khánh là Thiết Kiếm Ngụy Gia Du đi công cán về, rụng rời tay chân, báo với Quách tuần phủ rằng ông ta sắp phải đương đầu với cả ngàn hảo hán Hắc đạo đã mang ơn Trang Vỹ. Họ Quách liền lệnh cho Tổng binh đem ba ngàn quân bảo vệ phủ đường tư dinh và đại lao.

Lúc chiều, thiếu chủ thấy cơ ngơi của lão có vẻ hiền hòa. Thực ra, sáu trăm cung nỏ ẩn nấp ở đấy. Họ Quách còn đem năm trăm lượng vàng mời Đại Lực Sát Thần ở núi Quân sơn về trấn giữ đại lao. Anh em thủy đạo Trường Giang nóng lòng muốn cứu Trang Vỹ nên định tổ chức cướp ngục từ lâu. Nhưng vì e ngại Sát Thần võ nghệ cao cường nên chưa dám ra tay.

Chiều nay, gặp thuộc hạ, họ mừng rỡ, quyết định hàng động ngay.”

Sĩ Mệnh nghe xong cười hỏi :

- Nhưng liệu các hạ có địch nổi Đại Lực Sát Thần hay không?

Ma Ảnh Tử ngượng ngùng đáp :

- Kim Gia Đống thần lực thiên sanh, chuyên luyện Thiết Bố Sam nên da thịt rắn chắc như đá. Nếu gã không quá ngu ngốc thì đã có thể so ánh với gia huynh Thiết Diện Cuồng Sư.

Sĩ Mệnh gật gù :

- Ta sẽ đối phó với Sát Thần, và cùng các hạ vào ngục cứu tù nhân. Anh em thủy đạo chỉ cần cầm chân bọn quan quân là đủ.

Ma Ảnh Tử hết lòng cảm kích, sụp tay xuống lạy tạ :

- Thiếu chủ chịu ra tay tương trợ thì kế hoạch này sẽ thành công.

Chàng đỡ gã lên. Hai người che kìm mặt rồi ra bằng cửa sổ.

Ma Ảnh Tử dẫn Sĩ Mệnh đến một tòa gia trang tối tăm, chỉ cách đại lao chừng hai chục trượng.

Đến cổng, Ma Ảnh Tử giả tiếng cu rúc, cánh cửa mở ngay. Người ra đón cằn nhằn trách móc :

- Sao Hạ đại ca chậm chân như vậy? Bọn tiểu đệ chờ mỏi cả cổ.

Gã xách đèn lồng, đưa khách vào đại sảnh. Cánh cửa hé ra cho họ bước vào. Hai trăm người áo đen đang bồn chồn ngón đợi, hoan hỉ reo lên :

- Hạ đại ca!

Trong gian phòng rộng lớn này đèn nến sáng trưng nhưng ở ngoài không thể nhìn thấy vì các cánh cửa đã phủ vải dầy.

Họ ngồi thành từng nhóm trên sàn gạch, quanh chiếu rượu đã tàn.

Ma Ảnh Tử cười bảo :

- Ta tự lượng sức mình không giết nổi gã họ Kim nên phải mời cao nhân đến giúp đỡ. Nhiệm vụ của anh em là cầm chân cho được đám quân cung nỏ. Ta và thiếu chủ sẽ vào ngục cứu Trang lão và Diệp lão.

Đám thủy tặc kinh hãi vội đứng lên vòng tay bái kiến :

- Bọn tiểu nhân xin ra mắt thiếu chủ!

Chàng nhận ra không ít những gương mặt lương thiện, hiền lành. Cảnh đói khổ, lầm than đã biến lương dân thành cường đạo.

Sĩ Mệnh vòng tay đáp lễ rồi hỏi sơ qua kế hoạch.

Đầu lĩnh của đám thủy tặc này là một hán tử cao gầy, mặt đen đùa, có vết sẹo dài từ thái dương xuống đến cằm. Gã có tên là Hắc Diện Hà Bá Khổng Chấn Hoa.

Họ Khổng kính cẩn thưa :

- Bẩm thiếu chủ! Cầu Nhiêm Hổ Tử Tiêu Trực cùng hơn ngàn anh em đã phục sẵn khắp thành. Đúng cuối canh ba họ sẽ tấn công phủ đường, tư dinh quan Tuần phủ và hành cung của minh đế. Lúc ấy, chúng ta sẽ đánh phá đại lao. Anh em đều được trang bị khiên bằng da trâu dầy để chống cung tiễn.

Sĩ Mệnh yên lòng, theo bọn thủy tặc xuất trang. Trên tay họ là đao kiếm sắc bén và chiếc khiên da trâu, lớn bằng vành mâm. Hông quấn một mảnh da cắm đầy tụ tiễn.

Đoàn người âm thầm áp sát đại lao, phục xuống mặt cỏ chờ đợi cơ hội.

Hơn khắc sau, lửa bốc cháy dữ dội ở hướng Tây, hướng Bắc và hướng Đông. Tiếng mõ, phèng la báo động vang dậy cả đêm trường. Viên Tổng binh vội lên mặt tường đại lao quan sát. Bọn Sĩ Mệnh vẫn nằm im.

Hai khắc sau, một gã thám báo hộc tốc chạy đến :

- Bẩm Tổng binh, hành cung của Hoàng thượng ở cửa Tây cũng bị cường đạo phóng hỏa. Chúng đốt từ ngoài vào và sắp lan đến các kiến trúc bên trong.

Viên Tổng binh rụng rời, hô lớn :

- Phó tổng binh! Đại lao có tường dầy vững chắc, chỉ cần đóng chặt cửa, giữ vững đầu tường là đủ. Túc hạ cùng năm trăm quân ở lại, ta phải cứu cho được hành cung, nếu không cả hai cái đầu đều rụng cả.

Quan Tổng binh kéo rốc ngàn quân đi ngay. Chờ đám nhân mã đi xa. Hắc Diện Hà Bá phất tay ra hiệu.

Cánh quân của gã tuy chỉ có hai trăm người nhưng đều là những tay hạng nhất của Phi Tiễn trại. Đoạn hạ lưu sông Trường Giang, từ An Khánh đến cửa biển là của tổ chức thủy tặc này.

Khổng Chấn Hoa cùng đám thủ hạ núp sau tấm khiên xông lên. Do yếu tố bất ngờ nên loạt tụ tiễn đầu tiên đã quét sạch ba mươi gã cung thủ trên đầu tường.

Toán thứ hai gồm hơn hai chục người, khiêng một thân cây lớn, theo sát phía sau toán trước, nhân cơ hội này chạy nhanh về phía cửa đại lao.

Họ nhờ những chiếc khiên da trâu mà vượt qua được trận mưa tên đến sát tường và bắt đầu dùng thân cây ấy mà phá cửa.

Viên Phó tổng binh sợ hãi, dồn hầu hết lực lượng về phía trước để bảo vệ cửa chính. Một số lo việc dùng gỗ lớn chống đỡ phía sau cửa. Số còn lại trút tên xuống đầu bọn cường đạo.

Các mặt khác đều được canh gác nghiêm mật dù nhân số ít hơn. Vả lại, tường cao đến hai trượng, chẳng phải dễ vào.

Nhưng đối với Sĩ Mệnh thì lại không khó. Chàng cùng Ma Ảnh Tử lần đến mặt sau, âm thầm áp sát chân tường. Chàng lấy một đầu dây chão, có móc thép, vận toàn lực dùng thế nhất hạc xung thiên bốc cao hơn trượng. Mũi giầy chàng điểm nhanh trên mặt tường, đôi tay dang rộng, vỗ vào không khí, đi hết quãng đường còn lại.

Sĩ Mệnh hành động êm thấm đến nỗi chàng đủ thì giờ gài xong móc sắt thì bọn quân canh mới phát hiện. Tiếc rằng đã muộn, Sĩ Mệnh lướt như bay suốt chiều dài mười trượng của đầu tường thành mà đánh văng bọn cung thủ xuống đất. Nếu chàng dùng kiếm thì chúng hoàn toàn không có cơ may sống xót.

Ma Ảnh Tử lên đến, cùng Sĩ Mệnh nhảy xuống phía trong, mặc cho bọn lính reo hò, báo động. Hai người không xuống đất mà phi thân trên nóc những dãy nhà tù.

Lúc chiều, Ma Ảnh Tử đã xem kỹ sơ đồ đại lao nên xác định được nơi cần đến.

Tấm họa đồ này do Cầu Nhiêm Hổ mua của một lão Áp ty đã về hưu. Với số bạc năm ngàn lượng, lão ta có thể yên tâm đi xứ khác làm ăn, để tránh liên lụy.

Hai người hạ thân xuống trước một gian nhà nhỏ nhưng rất kiên cố. Dưới nền nhà có mật lao, chỉ dùng để giam giữ những trọng phạm nguy hiểm.

Bốn gã gác ngoài cửa dù đã đề phòng nhưng cũng không thoát chết. Sĩ Mệnh tra kiếm vào vỏ, vung song chưởng giáng mạnh. Hai cánh cửa bật khỏi bản lề, văng ngược vào trong.

Vẫn chẳng thấy Đại Lực Sát Thần xuất hiện, Ma Ảnh Tử ôm một cái xác quăng vào. Quả nhiên cây thiết chưởng nặng tám mươi cân giáng xuống. Gã chưa kịp thu vũ khí lại thì Sĩ Mệnh lướt vào. Chàng xuất ngay chiêu “Dực Phất Như Lôi”, tấn công đối phương.

Chưởng kình vỗ thẳng vào ngực Sát Thần, đẩy gã ngã lăn ra sàn gạch. Nhưng Kim Gia Đống bật dậy ngay, gầm lên như hổ rống, vung cây chày sắt xông đến. Sĩ Mệnh thầm khen gã này luyện ngoại công đến mức đại thành.

Ma Ảnh Tử thừa cơ nhổ cây đuốc trên tường, chạy xuống mật thất. Gã giết luôn sáu tên ngục tốt và tìm ra hai tù nhân. Nhưng họ bị nhốt sau hàng song sắt to bằng cổ tay, Ma Ảnh Tử lục tìm trong xác bọn ngục tốt mà không thấy chìa khóa đâu. Gã liền gọi lớn :

- Trang huynh, Diệp huynh, bọn tiểu đệ đến cứu đây!

Hai người kia nhìn gã lắc đầu buồn bã.

Ma Ảnh Tử cố nén thương tâm hỏi liền :

- Diệp huynh! Hãy cố mở ổ khóa này xem sao?

Diệp Đồng thều thào :

- Bọn ta đều sắp chết, khí lực đâu mà mở nữa?

Ma Ảnh Tử bực bội nhặt mấy thanh đao của đám ngục tốt, chém mạnh vào dây xích. Cả sáu thanh đều sút mẻ, cong queo, mà sợi thiết luyện kia vẫn trơ trơ. Gã thất vọng quay trở lên, vừa lúc đám quan quân ấp đến. Ma Ảnh Tử kinh hãi cố dồn bọn chúng ra ngoài rồi núp sau vách phòng thủ, tên nào ló vào là mất mạng ngay.

Lúc này, cuộc chiến giữa Sĩ Mệnh và Sát Thần đã đến hồi quyết liệt.

Kim Gia Đống điên cuồng múa tít thiết chừ, cố đập tan xác đối phương. Nhưng Sĩ Mệnh nhởn nhơ như cánh bướm, né tránh chỉ trong gang tấc, tay chân chàng liên tiếp tặng cho gã những chiêu quyền cước như trời giáng.

Ma Ảnh Tử kêu lên :

- Thiết chủ! Song sắt rất kiên cố, thuộc hạ không phá nổi. Có lẽ chìa khóa ở trong người Sát Thần. Xin hãy giết gã ngay để cứu người!

Thực tâm, Sĩ Mệnh thấy Sát Thần mặt mũi ngốc nghếch nên không nỡ giết, nay đã đến lúc cấp bách, chàng đành phải xuống tay. Chiêu “Hạc Vũ Bài Vân” như trận cuồng phong ập đến, thổi bay Kim Gia Đống vào vách. Gã chỉ bị thương nhẹ nhưng chẳng còn ý chí chiến đấu nữa. Nãy giờ gã toàn đánh hụt mục tiêu và trúng hàng trăm đòn nên lòng rất sợ hãi đối thủ.

Thấy người áo đen xông đến, vung chưởng định kết iễu, gã hoảng sợ quỳ lên lạy lục :

- Xin đại hiệp tha mạng! Kim mỗ còn có mẹ già tám mươi tuổi ở Quân sơn.

Gã bỗng òa khóc ồ ồ khiến Sĩ Mệnh tức cười. Chàng nghiêm giọng hỏi :

- Ngươi có giữ chìa khóa hay không?

- Bẩm hiệp! Tính Kim mỗ hay quên nên đâu ai dám trao cho giữ?

Chàng quay sang hỏi Ma Ảnh Tử :

- Gã ngốc này có đáng giết không?

Đại Lực Sát Thần sợ quá la lên :

- Dạ bẩm đại hiệp, Kim mỗ vì nghèo quá, không nuôi nổi mẹ già nên thường chặn đường bọn lái buôn mà đòi ít bạc. Bọn chúng sợ hãi cho ngay nên chưa từng giết ai. Mong đại hiệp tha mạng. Kim mỗ thề suốt đời làm tôi tớ cho đại hiệp.

Ma Ảnh Tử phì cười :

- Quả đúng là thuộc hạ không nghe nói y giết ai cả. Gã thành danh nhờ đánh bại mấy chục cao thủ vùng Huy Châu trong một cuộc đả lôi đài.

Họ Kim gật đầu rối rít rồi bảo :

- Kim mỗ xin xuống mật lao bẻ mấy song sắt kia đề cứu tù nhân.

Sĩ Mệnh vừa gật đầu là gã xách thiết chữ đi ngay. Chàng đi theo xem gã hành động.

Xuống đến nơi, gã nắm lấy xong sắt, xuống tấn kéo mạnh, bắp thịt gã căng lên cuồn cuộn, làm rách tung cả chiếc áo vải.

Bỗng gã họ Kim quát vang như sấm, hai thanh sắt hoác ra, đủ để một người chui qua.

Sĩ Mệnh vội vào bồng Trang Sỹ trao cho Sát Thần, còn mình ôm Diệp Đồng. Hai người đi lên, đến bên Ma Ảnh Tử bàn bạc.

Tiếng hò reo vang dậy nên bọn quan quân phía ngoài không hề biết diễn biến bên trong.

Đại Lực Sát Thần gãi đầu bảo :

- Nếu xông ra bằng cửa này thì phải tốn công chém giết rất nhiều. Tường sau có một khoảng bị mục, thuộc hạ sẽ dùng thiết chữ phá ra. Từ chỗ ấy đến bức tường thành phía Bắc có nhiều cây cối um tùm, rất dễ ẩn thân.

Ma Ảnh Tử thấy gã ngốc này bắt chước mình xưng là thuộc hạ, gã phì cười bảo :

- Được, làm nhanh đi.

Họ Kim đặt Trang Vỹ xuống đất, cầm thiết chữ chạy tít vào góc xa. Thì ra gã thường tiểu tiện ở góc này nên phát hiện ra một đoạn tường bị mục, vôi vữa loang lỗ, trơ gạch.

Chỉ vài cú đập là đã có một lỗ lớn. Gã hớn hở quay lại báo công :

- Đường rút lui đã sẵn sàng!

Sĩ Mệnh nghiêm giọng :

- Ngươi theo ta không sợ di hại đến mẫu thân ở nhà hay sao?

Gã cười hì hì đáp :

- Gia mẫu qua đời hơn tháng trước, có gì phải lo nữa? Lúc nãy, vì sợ chết nên phải nói thế.

Chàng bật cười :

- Không ngờ kẻ ngốc nghếch như ngươi mà cũng biết nói dối.

Chàng bảo hai gã mang người đi trước còn mình ở lại trấn giữ cửa lao.

Hai gã vừa đi khỏi, chàng thổi tắt đuốc, bước ra giữa cửa giáng liền tám đạo chưởng kình mãnh liệt. Đám quân triều đình văng ngược ra phía sau, kêu cha gọi mẹ, chẳng dám đến gần nữa. Sĩ Mệnh quay lưng theo gót đồng bọn.

Hơn nửa khắc sau bọn quan quân mới dám liều mạng vào xem thì chẳng còn ai. Quả nhiên con đường mà Sát Thần dẫn đến rất tối tăm và nhiều cây cối. Té ra là đường dẫn đến nhà bếp của đại lao. Bọn đầu bếp run cầm cập, chẳng dám kêu.

Ma Ảnh Tử thấy những chiếc bếp lò to lớn đặt sát vách, gã bèn bảo Sát Thần phá đoạn tường ám khói. Gã hoàn toàn có lý, hơi nóng bao năm đã làm dòn lớp vôi vữa. Cộng với sức đập kinh hồn của họ Kim, tường thành vỡ ngay ra. Ba người lập tức thoát ra, bọn quan canh trên đầu tường phát hiện thì họ đã lẩn vào bóng đêm.

Ma Ảnh Tử hú lên vang dội báo hiệu rút quân.

Hắc Diện Hà Bá mừng rỡ ra lệnh cho Phi Tiễn trại lui binh. Có ba chục người trúng tên nhưng không ai bỏ mạng. Gã rút trong người ra một cây pháo hiệu, tung mạnh lên trời ánh sáng rực rỡ của pháo bông báo hiệu cho các cánh khác rút theo.

Cầu Nhiêm Hổ sẽ đưa thủ hạ về căn cứ ở gần Hán Khẩu. Còn Phi Tiễn trại lên thuyền xuôi đông, hành lý của Sĩ Mệnh và Hạ Sầu Miêu chẳng có gì nên bỏ luôn, cả ngựa cũng vậy. Hơn nữa, khách điếm kia là của một huynh đệ Hắc đạo nên gã phải biết xử lý như thế nào khi quan quân tra hỏi.

Ba chiếc đại thuyền xuôi dòng Trường Giang, lại thêm ngọn gió tây lồng lộng nên đi rất nhanh.

Trang Vỹ và Diệp Đồng được uống sâm trà, tắm rửa và băng bó nên tỉnh táo lại.

Không thấy Sĩ Mệnh đâu, Hắc Đạo Hoa Đà liền hỏi :

- Bậc cao nhân nào đã thu phục được Đại Lực Sát Thần và cứu bọn ta ra khỏi chốn lao lung?

Ma Ảnh Tử cười đáp :

- Người ấy là thiếu chủ của tiểu đệ. Tính người không thích chỗ náo nhiệt nên đã vào phòng tĩnh tọa.

Trang Vỹ giật mình :

- Ma Ảnh Tử mà cũng chịu làm thủ hạ cho người khác sao?

Hạ Sầu Miêu cười nửa miệng :

- Thiên tử tiểu đệ cũng chẳng coi ra gì nhưng đối với người này thì khác, dẫu có phải tan xương nát thịt cũng chằng từ nan.

Sát Thần gãi đầu hỏi :

- Hạ đại ca! Thiếu chủ danh tính là gì, tiểu đệ cũng chưa được biết?

Gã mới ba mươi bảy tuổi nên gọi Ma Ảnh Tử là anh.

Họ Hạ lắc đầu :

- Ta không dám nói ra, ngươi cứ hỏi thiếu chủ.

Vô Tỏa Đạo Chích vốn là tay hảo tửu, đã hơn mười ngày không được uống nên nói với Hắc Diện Hà Bá :

- Khổng lão đệ, sao ngươi không bày tiệc rượu để ta và Trang lão huynh tạ ơn bậc cao nhân kia?

Khổng Chấn Hoa vội quát thủ hạ thi hành.

Lúc chiều, thuyền neo ở phía đông thành, bọn thủ hạ họ Khổng có câu được mấy con cá lớn nên thức nhắm cũng chẳng thiếu. Chỉ nửa khắc sau bàn tiệc đã bày xong.

Trang Vỹ bảo Ma Ảnh Tử :

- Lão đệ mời lệnh thiếu chủ ra đây cho bọn ta bái tạ.

Sĩ Mệnh ra đến, vòng tay chào mọi người.

Kim Gia Đống thấy dung mạo chàng chất phác, chẳng chút gì gọi là kiệt xuất, gã buột miệng nói :

- Té ra thiếu chủ cũng quê mùa ngốc nghếch giống Kim mỗ!

Mọi người tái mặt, trừng mắt nhìn họ Kim. Nhưng Sĩ Mệnh vẫn không hề giận, ung dung ngồi xuống.

Trang Vỹ vòng tay nói :

- Bọn lão phu tuy thuộc giới Hắc đạo, nhưng tâm địa quang minh, thác lạc, ân oán rạch ròi. Nay công tử liều thân vào đại lao cứu mạng, bọn lão phu xin làm thân khuyển mã để đáp đền. Đám hỏi quý tình, đại danh của công tử?

Sĩ Mệnh thấy lão già cả, lại là bậc thần y nhân hậu nên kính cẩn đáp :

- Tại hạ là Tây Môn Sĩ Mệnh!

Trang Vỹ biến sắc run rẩy đọc :

- Cư dị dĩ Sĩ Mệnh?

Lão quay sang hỏi Hắc Diện Hà Bá :

- Khổng lão đệ lấy hết những gì trong mật thất hay chưa?

Thì ra Trang Vỹ lo sợ có ngày gặp tai họa nên đã bàn trước với Hắc Diện Hà Bá. Nếu lỡ lão bị bắt, họ Khổng sẽ lén đột nhập vào Bách Hoa Khâu để lấy đi những kỷ vật trân quý cất giữ trong mật thất, vàng bạc thì ít nhưng sách thuốc rất nhiều, cùng với vài vật gia bảo.

Khổng Chấn Hoa cười đáp :

- Ba hôm trước tiểu đệ mới vào được Bách Hoa Khâu. Tất cả sách vở và bảo vật đều ở trên truyền này.

Trang Vỹ mừng rỡ bảo :

- Lão đệ lục tìm và mang pho tượng ngọc xanh ra đây.

Diệp lão hối thúc mọi người động đũa và nâng chén.

Lát sau họ Khổng ra đến, trao cho Hắc đạo thần y một pho tượng cao gần gang tay. Lão đưa Sĩ Mệnh và bảo :

- Công tử xem thử trên tượng có những chữ gì?

Chàng nhận ra pho tượng này rất tinh xảo, nét khắc vô cùng sống động. Thể hiện một đạo sĩ có gương mặt thuần phác hồn nhiên. Chỉ lạ ở chỗ tay hữu ông ta cầm đến ba thanh kiếm. Trên mỗi thanh có khắc những chữ nhỏ bằng đầu mũi kim, lần lượt từ trên xuống là Đế Vương kiếm, Chư Hầu kiếm và Thứ Dân kiếm.

Chàng là đệ tử tứ Đạo gia nên đâu lạ gì câu chuyện ngụ ngôn Trang Tử thuyết kiếm. Như vậy, đạo sĩ này là Trạng Tử và ba thanh kiếm kia tượng trưng cho Trang Tử kiếm. Chàng nhìn xuống đế tượng lại thấy câu “cư dị dĩ Sĩ Mệnh”.

Trang Vỹ vuốt râu kể :

- Lão phu vốn là con cháu của họ Trang nước Tống. Pho tượng này đã có từ bảy đời nay. Bốm mươi năm trước, lão phu đến Thiểm Tây học y thuật, liền dâng tặng ân sư Thái Bạch thần y để làm lễ bái sư. Người bấm tay, dùng phép nhâm độn tính toán rồi bảo: “Sau này sẽ có một chú hạc non tên gọi Sĩ Mệnh ra đời. Ngươi hãy cố chờ mà tặng cho người ấy.”

Sĩ Mệnh giật mình hết lòng thán phục tài tiên tri của Thái Bạch thần y.

Trang Vỹ nói :

- Lão phu xin được tặng pho tượng này cho công tử!

Sĩ Mệnh vái tạ rồi nhận lấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.