Trăng Sáng Trên Lầu Bắc

Chương 2: 2: Vi Gia





Nhà Trần lập quốc đã hơn bảy mươi năm, trải qua năm đời vua, thời hoàng kim đã qua từ lâu, hiện tại đời sống bình dân khốn khổ, nhưng vua quan không mấy bận tâm.

Gian thần chuyên quyền, khống chế quốc mệnh, tuy rằng trên bề nổi vẫn còn bình yên, nhưng bên trong đã dậy không ít sóng ngầm.
Ở Nguyên Thủy châu, dân chúng không phân chia nam nữ mà chia làm sáu giới, tuy nhiên vẫn trọng nam hơn nữ.

Ngoài trừ nam nữ còn chia làm tiết tử, bình tử, khôn tử.

Tiết tử thân thể cao lớn, thông tuệ sáng dạ, trong một trăm người chỉ có khoảng năm tiết tử, năng lực mạnh, thường đảm nhận những chức vụ quan trọng.

Triều thần vô số võ văn quan lại có hơn bảy phần là tiết tử, thiên tư thông minh, xứng đáng với vị trí cai quản bách tính.

Văn minh Nguyên Thủy châu dân phong cởi mở, nữ nhi, khôn tử được phép đi lại trên đường.

Nữ tiết tử theo lí vẫn được vào triều làm quan, thú phu nhân, kế thừa gia sản, tuy nhiên địa vị vẫn thấp hơn nam.

Bình tử chiếm phần lớn dân chúng, có nam có nữ, nữ bình tử đảm nhận vai trò sinh con đẻ cái, nam bình tử thường là dân chúng bình thường trong thiên hạ, một bộ phận lớn gia nhập quân binh.
Giới tính có ít người nhất là khôn tử, có nam có nữ, một trăm người thì có một nữ khôn tử, tuy nhiên nam lại ít ỏi vô cùng, một ngàn người mới có một nam khôn tử.

Giới tính thứ hai thường đến năm mười ba đến mười lăm sẽ phân hóa.

Số lượng nam nhân phân hóa thành khôn tử càng thêm ít, những người này đều phải gả cho người khác.

Khôn tử bẩm sinh yếu ớt, năng lực sinh dục mạnh, có thể đảm đương vai trò sinh ra tiết tử khỏe mạnh.


Nói tiết tử chỉ được sinh ra bởi khôn tử cũng không phải, vì cũng có nhiều bình tử sinh được tiết tử mạnh mẽ.

Ở các gia tộc quyền quý, chủ mẫu thường là bình tử đã được dạy dỗ cẩn trọng.

Khôn tử không có quyền kế thừa gia sản vì bản chất phụ thuộc vào tiết tử.

Giữa khôn tử và tiết tử có mối liên hệ đặc biệt là "đánh dấu".

Khôn tử có thời kì "triều kỳ" mỗi năm một lần, đây là lúc khôn tử yếu ớt nhất, cần sự bảo vệ của tiết tử liên tục không ngừng; trải qua kì triều kỳ, khôn tử có khả năng rất cao thụ thai, sinh ra đời sau.

Trong "triều kỳ" sẽ có dấu hiệu, tiết tử phải đánh dấu khôn tử, chứng tỏ họ thuộc về nhau đồng thời thúc đẩy hai bên tương hòa.
Cuộc đời khôn tử chỉ có thể đánh dấu một lần, tiết tử cũng thế, sau khi đánh dấu sẽ sinh ra sự trung thành với bạn đời.

Giữa khôn tử - tiết tử trời sinh có cảm ứng đặc biệt với nhau, thường thông qua mùi hương.

Bởi vậy các cặp đôi tiết tử-khôn tử thường theo chế độ một phu một thê.

Tiền triều – Quang Nguyên quốc cổ xúy chế độ này nghiêm ngặt, thậm chí còn đưa vào luật pháp, nhưng đến thời phân tranh bốn nước đã suy vong đi nhiều.
Thái Tổ Trần quốc là con bình thê, chịu nhiều oan ức từ chủ mẫu khôn tử; từ lúc lên ngôi ban nhiều chính sách hạn chế địa vị nữ nhân và khôn tử, nâng địa vị nam nhân.

Thái Tổ không chọn khôn tử làm Hoàng hậu mà lập một bình tử, cưới vô số thê thiếp.

Trần triều tiếp tục chế độ này, mỗi đời đều lập bình tử vi hậu, hậu cung ba ngàn, cũng sinh được nhiều tiết tử.

Quý tộc công hầu noi theo đều lập đa thê.


Bấy giờ chỉ còn bình dân mới tiếp tục nhất phu nhất thê.

Địa vị khôn tử rớt xuống, không còn duy ngã độc tôn như trước, đã có xu thế đứng sau bình tử.

Chọn thê tử, lúc này càng ưu tiên bình tử, khôn tử quá yếu ớt còn thêm mối liên kết đặc biệt hạn chế tiết tử quá nhiều, cho nên địa vị càng ngày càng giảm.

Đến đời Thiên Trị, hậu cung có Hoàng hậu, tứ Phi, cửu Tần, thập nhị Chiêu nghi, vô số cung tần ngự nữ,...!tuy nhiên không một ai là khôn tử.
Bởi vì một vài lí do, Vi Bắc Lâu không mặn mà với chuyện lập gia đình, đến năm hắn hơn hai mươi tuổi vẫn chưa thú thê.

Đương lúc ấy triều đình phong vân, phe Thành Vương đối chọi gay gắt với Thái tử đảng, trong kinh rộ lên lời đồn hắn mắc bệnh kín, không thể thành gia lập thất, lại có kẻ nói hắn thị sắc tranh sủng, làm ô danh Thái tử.
Phó gia có lòng cầu thân, muốn gả trưởng nữ hơn Vi Bắc Lâu một tuổi sang, trưởng nữ này tính cách chua ngoa tùy hứng, lại có tiếng khắc phu, hai hôn phu trước của nàng gia thế đều lần lượt lụn bại, hôn sự đều không thành.

Phó Thị Du ngưỡng mộ phong tư của Vi Bắc Lâu, không phải quân không gả.

Lúc này họ Phó đang nương tựa Sử Thái sư, Vi Bắc Lâu không từ chối được bèn lập Phó Thị Du làm chính thê.

Hai người không mấy hòa hợp, Phó thị điêu ngoa, nhưng không phải ngu xuẩn, gả đến nhà nào thì thành người của nhà ấy, Vi Bắc Lâu vài năm không thân thiết với thị, Phó Thị Du mấy năm đầu còn hướng về gia tộc, nhưng thời gian qua lâu lại nảy sinh tình ý với vị phu quân lãnh đạm này, bắt đầu tìm cách lấy lòng Vi Bắc Lâu.

Thị không có con nhưng rất hay ghen, ngăn cản những người khác muốn đưa mỹ nhân vào Vi trạch.

Nhiều năm trôi qua, thị cũng dần hiểu được tính cách phu quân, biết hắn không ưa chuyện ái tình, thậm chí còn chán ghét nên càng thêm độc đại, danh tiếng hoạn thư lan rộng khắp kinh thành.
Sau đó Sử gia diệt tộc, chi chính của Phó gia cũng bị liên lụy theo, trong đó có phụ thân của Phó Thị Du.


Hay tin, Phó thị bệnh nặng một trận sau đó yên tĩnh hẳn.

Chuyện năm đó đã qua vài năm, Vi gia nổi bật như mặt trời ban trưa nhưng Vi Bắc Lâu không có ý định kết thân với ai, Phó thị vẫn như trước độc đại hậu viện Vi trạch.

Phó thị không hiểu vì sao Vi Bắc Lâu vẫn giữ mình ở vị trí chính thê, nhưng thị cũng thu liễm dần tính tình lại, cố gắng biến mình thành một phụ nhân đoan trang, hữu lễ.
Vừa kết thúc công việc hôm nay, Vi Thái phó xoa xoa ấn đường mệt mỏi, phất tay đuổi hết tiểu tư đi, cất bước trở về phòng.

Hắn bước đến cửa Tầm Mai viên thì nhìn thấy Phó thị cầm đèn lồng, bên cạnh không có thị nữ, không biết đã đứng đợi bao lâu.
Vi Bắc Lâu cau mày nhìn thị: "Có việc gì mà ngươi đến đây?"
Phó Thị Du đã gả cho hắn được mười năm, hai người không thân cận nhưng thị tự nhận đã hiểu được mấy phần tính khí Vi Bắc Lâu.

Trước đây hắn lãnh đạm như thế thị còn có thể nổi nóng một trận, còn bây giờ Phó gia thất thế, thị nén đi bực bội trong lòng, cung kính đáp: "Lão gia tha tội, thiếp ngu dốt, chỉ là hôm nay phủ Thượng thư có người đưa bái thiếp..."
Vi Bắc Lâu phất tay, hiện tại đầu hắn ong ong như búa bổ, lời Phó thị nói cũng không nghe rõ.

Phó thị lập tức im lặng, muốn tiến tới dìu hắn nhưng bị Vi Bắc Lâu đẩy ra.

Trong mắt thị lóe lên một tia không cam, nhưng vẫn không dám nói gì, hiện tại thị không có can đảm chọc đến người đàn ông này.

Đến khi Vi Bắc Lâu nằm xuống giường nghỉ ngơi, Phó thị đành nuốt hết lời vào bụng, lặng lẽ sai thị nữ đốt trầm hương cho lão gia.

Thị nữ buông màn, tất cả lui ra ngoài.
Vi Bắc Lâu có bệnh kinh niên đau đầu, đã chữa nhiều năm mà không khỏi.

Lúc hắn phát bệnh tính tình khó chịu cực độ, có lần thị nữ đóng cửa gây ra tiếng động nên bị phạt nặng.

Phó thị cũng biết lẽ ấy, nên không dám nhiều lời một câu dù việc có cỡ nào cấp bách; hiện tại thị không còn được như xưa nữa, đành phải nén giận mà về.
Mãi đến giờ Mùi, trong phòng mới có tiếng động.


Vi Bắc Lâu thường đau đầu không ngủ được, hắn chỉ nhắm mắt dưỡng thần, nhưng nằm hơn canh giờ vẫn không thấy khá hơn.

Lúc này tâm trạng hắn cực kì tệ, ra lệnh cho tì nữ pha trà.
Uống một chén trà rồi, Vi Bắc Lâu mới thay áo ra ngoài, Phó thị đã về từ sớm.

Tì nữ nói cho hắn biết, sáng nay phủ Thượng thư đưa đến bái thiếp cho Phó thị, phu nhân đọc xong liền đến đợi lão gia, nói rằng có việc muốn bẩm báo.
Công bộ Thượng thư bấy giờ là Chu Dung, Chu Dung không phải người đồng đảng với Vi gia, gia cảnh tầm trung, năng lực bình thường.

Năm đó để chống đối lại Thành Vương đảng, hắn đề bạt Chu Dung lúc bấy giờ là Xu mật Trực học sĩ lên Công bộ.

Lúc ấy vừa qua cung biến, nhiều sĩ phu hy sinh, vị trí trống quá nhiều, Chu Dung mới có thể thăng quan vượt cấp.

Vi Bắc Lâu nâng Tĩnh vương làm đế, chịu kiềm hãm của Sử Thái sư; chỉ chực chờ sơ hở để phân một chén canh.

Nếu không phải lúc ấy hoàng tộc suy tàn, chỉ còn mình Tĩnh vương có huyết thống trực hệ, Tĩnh vương lại nằm trong tay hắn, Vi Bắc Lâu ắt đã đầu mình hai nơi, nào có được phong quang như bây giờ.

Hắn bất đắc dĩ để tiểu Hoàng đế phong mình làm Thái phó, rời đi trung tâm quyền lực, chuyên tâm giảng dạy đế vương để tránh mũi nhọn, nhưng thực chất, toàn bộ ý chỉ của tiểu Hoàng đế đều phải thông qua hắn.

Bấy giờ tiểu Hoàng đế đã nhược quán rồi, nhưng tấu chương vẫn phải trải qua hai lần phê chuẩn, quan trọng nhất là ở cửa Vi Bắc Lâu, tuy rằng không thông cáo thiên hạ, nhưng cũng coi như Nhiếp Chính vương.
Năm năm trước Sử gia từng chống đối bức ép hắn đã bị Vi Bắc Lâu diệt trừ, triều đình bấy giờ càng thêm điêu linh trống trải, nhất thời không ai dám nửa lời chống đối Vi Thái Phó.

Hoàng đế nạp nhiều cung phi, ngày đêm hoang đường, lại càng không quản.

Vi Thái Phó nhiều việc cần xử lí, Chu Dung là người an phận, vài năm yên tĩnh làm chim cút, hắn cũng tạm thời không đụng gì đến gã ta.
Hai bên không qua lại gì, nay đột nhiên lại đưa bái thiếp...
Vi Bắc Lâu nghĩ đoạn, đi thư phòng giải quyết tấu chương hôm nay trước, rồi nghĩ bụng sẽ xem bái thiếp sau..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.