Trạc Chi

Chương 77: Mưa






Editor: SQ
_____________________
Rất nhiều rất nhiều năm sau nữa, bà Trình, chúng mình sớm chiều gặp nhau
Trận tuyết này kéo dài đến đầu năm mới.
Mùng ba, Trình Trạc đến hẻm Đồng Hoa chúc Tết, rồi bàn chuyện làm đám cưới với Nguyễn Mỹ Vân và Mạnh Huy, muốn hẹn thời gian để hai gia đình gặp nhau trước.
Sau bữa chiều, bên ngoài vẫn lạnh.
Mạnh Thính Chi muốn đến sân bóng rổ cũ ở cầu Đàm Phức đốt pháo hoa, việc kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn, không biết sau này có cho đốt pháo nữa không.
Nguyễn Mỹ Vân bực bội lườm cô, chê cô lắm chuyện, “Tuyết chưa tan hết đâu, buổi tối lạnh gần chết, con còn một hai bắt Tiểu Trình đi xa lắc lơ chịu khổ với con!”
Mạnh Thính Chi bĩu môi, nhìn Trình Trạc, hỏi nhỏ: “Khổ không anh?”
Trình Trạc chỉ cười chứ không đáp, chiếc bật lửa trong tay lập tức phật lửa lên chính là câu trả lời.
Mạnh Thính Chi vui chết đi được, chạy vào phòng kho lấy một túi pháo hoa.
Nhìn theo con gái đang cười hớn hở, Nguyễn Mỹ Vân quay sang nói với Trình Trạc: “Con đừng có cái gì cũng chiều nó, cô thấy nó càng ngày càng giống bố nó rồi đấy! Phiền nhất luôn.”
Trình Trạc là bậc con cháu biết nghe lời, gật đầu nói: “Dạ, không chiều.”
Ở nhà họ Mạnh, anh lúc nào cũng ngoan ngoãn nghe lời, tính tình hiền lành, nên gật đầu thì gật đầu, nên chiều thì vẫn phải chiều.

Mạnh Thính Chi mặc áo phao dày, khăn choàng và mũ và bao tay cũng đã chuẩn bị kỹ càng, Nguyễn Mỹ Vân lại dặn đi dặn lại lần nữa mới đưa hai người ra cửa.
Đèn trong hẻm lờ mờ, rọi xuống nền tuyết sáng lấp lánh, đôi ủng đi tuyết lót lông dẫm trên tuyết kêu sột soạt sột soạt.
Một tay Trình Trạc nắm tay Mạnh Thính Chi, một tay cầm túi pháo hoa.
Mặt đất đọng tuyết, bước đi chầm chậm, hai người đi một lúc lâu mới đến sân bóng rổ cũ ở cầu Đàm Phức.
Đã có người đang đốt pháo hoa.
Người lớn dẫn theo trẻ con, cũng có mấy cặp đôi trẻ tuổi, từ sân bóng cũ nhìn dọc theo ven hồ là một dãy pháo hoa đèn lồng, có cả tiếng cười nói vui vẻ thi thoảng vang đến.
Mạnh Thính Chi muốn tháo bao tay, Trình Trạc không cho.
Anh cắn điếu thuốc, đầu điếu thuốc sáng màu cam đỏ, ngồi xổm chăm chú gỡ giấy bọc pháo hoa, hỏi Mạnh Thính Chi muốn đốt cái nào?
Mạnh Thính Chi chỉ vào pháo bông que.
Anh đặt một cây vào tay cô, cô vụng về cầm lấy qua chiếc găng tay len.


Sau khi chắc chắn cô đã cầm chắc, Trình Trạc lấy điếu thuốc trên môi xuống, chạm vào một đầu pháo hoa.
Pháo hoa que bỗng chốc sáng bừng.
Anh đứng ở lỗ thông gió, hút nửa điếu thuốc còn lại, nhìn cô nàng đang phe phẩy pháo hoa que, ánh mắt dịu đi.
Đốt được một nửa, người xung quanh cũng ít đi, cô bỗng đi về phía anh, chỉ vào vai anh, nói: “Anh đội cái mũ đó lên đi.”
Áo của anh có một chiếc mũ cổ lông màu trắng siêu to.
Trình Trạc dùng chân nghiền nát tro thuốc dưới đất, “Anh không lạnh.”
Pháo hoa cháy hết là Mạnh Thính Chi vứt ngay.
Trình Trạc đốt thêm một cây mới, bỏ vào tay cô.

Thế nhưng lúc này, có nhìn thế nào cũng thấy được hình như cô không còn hào hứng chơi pháo hoa nữa.
Nằng nặc đòi anh đội mũ.
Trình Trạc dở khóc dở cười, hỏi cô tại sao.
Pháo hoa trong tay vẫn sáng rực, Mạnh Thính Chi chớp đôi mắt ngoan hiền, ngượng ngùng nói: “Anh đội mũ đi, rồi…..lén hôn một cái, đừng để người ta nhìn thấy.”
Giọng càng nói càng nhỏ đi.
Trình Trạc nhoẻn môi cười, rồi mới cúi đầu, đội chiếc mũ lông đó lên, kéo cô đến trước mặt mình, cúi người, hôn cô mà không để bất cứ ai nhìn thấy như cô mong muốn.
Nhưng không phải chỉ một cái.
Răng bị môi lưỡi cạy ra, một luồng điện rất nhỏ lướt qua các giác quan, Mạnh Thính Chi hơi mở to mắt, cất tiếng “ưm”, phân tâm đưa pháo hoa que ra xa, nhón chân đáp lại.
Trên bầu trời đêm sâu thẳm đột nhiên có pháo hoa bùng nổ, xa xôi, rực rỡ, như âm thanh của giấc mơ thành sự thật.

Cô chìm đắm vô tận vào khoảnh khắc này.
Rong ruổi khắp chốn, giấc mơ anh lạc lối.
Khi mây mù tan biến, hôn em dưới trời pháo hoa.
.
Sau khi vào xuân, Tô Thành ấm lên, màu xanh của cây cỏ sống lại.
Nguyễn Mỹ Vân đúng ngày đúng giờ đến chùa Thọ Đáp cúng bái, mang về được một rổ rau rừng, chưa làm vỏ sủi cảo đã bảo Mạnh Huy gọi điện thoại.
Dặn Mạnh Thính Chi và Trình Trạc tối nay về ăn sủi cảo.
Mạnh Thính Chi nghe điện thoại xong thì đầu bắt đầu đau, cảm nhận mùi vị trong miệng, đã một năm trôi qua, dường như mùi vị kỳ lạ của sủi cảo rau rừng vẫn quanh quẩn nơi đầu lưỡi.
Tô sủi cảo có nước lèo được bưng lên, mở nắp ra, bốc khói nóng hổi.

Nguyễn Mỹ Vân chia sủi cảo vào từng chén, hỏi Trình Trạc ở bàn ăn: “Tiểu Trình, con chưa ăn sủi cảo rau rừng bao giờ đúng không?”
Đúng là Trình Trạc chưa từng ăn.
Từ nhỏ anh đã cực kỳ kén anh, ông nội anh nói anh là thằng oắt khó hầu nhất.
Anh mới trả lời xong, Mạnh Thính Chi ngồi đối diện đang nghịch đũa thì thầm một câu: “Có phải món gì ngon đâu.”
Nguyễn Mỹ Vân nghe thấy câu này, nghĩ đến có Trình Trạc ở đây, thế là bà không nói mấy câu “phủi cái miệng không được bất kính với Phật”, chỉ trừng mắt liếc Mạnh Thính Chi một cái, tay đẩy chén sứ, đẩy phần sủi cảo đã chia đến trước mặt cô.
“Một người năm cái, không đủ thêm sau.”
Mạnh Thính Chi cầm lấy chén sủi cảo nóng, không dám phàn nàn.
Nguyễn Mỹ Vân xuống bếp lấy dấm.

Khi bà đi xa, Mạnh Thính Chi đẩy chén của mình đến cạnh chén của Trình Trạc, đặt sát bên chén của anh, cầm đũa vội vàng gắp hai cái cho anh.
Trình Trạc nhìn trong chén có thêm hai cái sủi cảo vừa trắng vừa to, rồi nhìn Mạnh Thính Chi.
Mạnh Thính Chi nhanh tay bưng chén về, liếc mắt nhìn Nguyễn Mỹ Vân vẫn đang bận bịu trong bếp, nghe giọng như đang gọi điện cho Mạnh Vũ, chắc là anh không đến được, bà cũng muốn đưa sủi cảo rau rừng quý báu cấp đông của mình cho Mạnh Vũ.
Mạnh Thính Chi thu lại ánh mắt lén lút, nói với Trình Trạc: “Ăn lẹ! Coi như em ăn hai cái kia rồi, lát nữa mẹ em ra, anh cứ nói anh ăn không nổi, mẹ không la anh đâu, nhưng mẹ sẽ nhét vô miệng em.”
Trình Trạc ăn thử một cái, đang nhai, đã được Mạnh Thính Chi thông báo trước, nhưng không đến mức chấn động vị giác.
Nhưng không ngon là thật.
Bấy nhiêu đấy vẫn chưa kết thúc, sủi cảo rau rừng chỉ là món khai vị, vẫn còn một bữa tối chính thức.
Năm ngoái tuyết rơi nhiều, năm nay là một mùa xuân tươi đẹp, rau rừng ở chân núi mọc tốt tươi hơn những năm trước, mấy bác gái vừa đào vừa thở hổn hển, rổ nào rổ nấy đầy ụ.
Nguyễn Mỹ Vân thu hoạch được mùa, làm bánh rau rừng áp chảo, rau rừng thái sợi phơi khô, thịt xào rau rừng, rau rừng xào tỏi, và cả canh rau rừng.

Mạnh Thính Chi dựa vào cửa nhà bếp, canh rau rừng chưa chín mà cả căn nhà đã ngập tràn mùi rau rừng.


Các món đã làm xong được đặt chung một chỗ với nhau, liếc nhìn, một màu xanh mướt khiến lòng người tê tái.
Mạnh Thính Chi thực sự không thể không phàn nàn.
“Phật trồng loại rau rừng này cũng không ngon lắm nhỉ……”
Nguyễn Mỹ Vân cầm cái thìa gỗ xoay người lại định đánh cô, Mạnh Thính Chi la lên, quay đầu định trốn, lập tức đụng phải lồ ng ngực của Trình Trạc đi vào từ phía sau.
Trình Trạc vòng tay ôm cô, đặt lòng bàn tay lên đầu cô che cho cô.
Nguyễn Mỹ Vân không đánh được.
Thấy hai người thân thiết thế này, bà cũng vui ra mặt, nhưng trước giờ bà luôn là kiểu người “khẩu xà tâm Phật”, xoay lại nhấc nắp nồi canh lên, miệng thì thẳng thừng chê Mạnh Thính Chi, “Nhìn con đi, càng lớn càng thụt lùi, õng à õng ẹo.”
Vốn dĩ chỉ là vô tình đụng trúng, nhưng nghe vậy, Mạnh Thính Chi không chỉ không sợ mà còn trực tiếp ôm eo Trình Trạc, cứ như đang ôm ngọn núi lớn, õng à õng ẹo thêm gấp mười lần.
Dù sao cũng đang ở nhà cô, cô muốn sến súa thế nào cũng được.
Trong bữa tối, mọi người bàn chuyện đám cưới, hai bên gia đình đã gặp nhau vào tháng Giêng, cân nhắc thời gian chuẩn bị mọi thứ, ngày cưới ban đầu được ấn định vào tháng Mười.
Thời tiết mới ấm lên, vậy là bàn chuyện làm lễ đính hôn.
Thực ra không cần gấp gáp đến thế, nhưng Trình Trạc sốt ruột, anh lo sau này công việc càng ngày càng nhiều, không lấy ra được thời gian để làm tất cả những nghi thức này, đến cuối cùng chẳng chuyện nào xong chuyện nào rồi phải làm qua loa.
Tất nhiên là Mạnh Thính Chi biết ý tốt của anh.

Cô lật tạp chí váy cưới,  chọn trang phục phù dâu cho Kiều Lạc và Chu Du, rất chu đáo mà nói: “Thật ra mấy cái lễ nghi hình thức này ấy, có hay không cũng được mà.”
Trình Trạc chưa đáp lại.
Trang giấy trong tay rơi xuống vị trí ban đầu, Mạnh Thính Chi ngẩng đầu lên, nhận ra anh nhìn mình nãy giờ, cô định hỏi anh sao vậy.
Anh đi đến cạnh ghế sofa, nhìn thẳng vào cô: “Có hay không cũng được, vậy tại sao phải chọn không? Cho dù là không thể thiếu, hay có hay không cũng được, Mạnh Thính Chi cũng phải có đủ.”
Anh nói được làm được, về chuyện kết hôn, anh luôn nghe theo ý kiến của Mạnh Thính Chi.

Bản thân cô không phải là người thích kén chọn, nhưng anh lại quá “đâu ra đó đàng hoàng”, muốn cho cô mọi điều tốt nhất.
Thậm chí cô còn từng lo lắng.
“Anh cưới em, nhà anh không có ý kiến gì hả?”
Trình Trạc nói một cách đương nhiên: “Anh là người cưới em, họ là gì mà có ý kiến?”
Điều mà trước đây Nguyễn Mỹ Vân lo lắng, rằng cô phải nhún nhường ở nhà anh, hoàn toàn không xảy ra.

Cô dì chú bác nhà anh đối đãi cô không hẳn là thân thiện, nhưng vẫn giữ lịch sự và tôn trọng.
Có Trình Trạc và ông nội ở đó, mấy lần cô đến ăn cơm, chưa từng phải nghe lời nói khó nghe nào.
Nguyễn Mỹ Vân biết được thì rất đắc ý, mặt mũi không giấu được niềm vui, càng thêm hài lòng về Trình Trạc.
“Ừ, phải thế mới đúng, Tiểu Trình làm việc lúc nào cũng thấy yên tâm.”
Lễ cưới được chọn tổ chức vào tháng Mười, không thể thay đổi nhiều, nhưng Nguyễn Mỹ Vân vẫn đến chùa xin một ngày lành trong tháng 6, để Mạnh Thính Chi và Trình Trạc đi đăng ký kết hôn trước, chuẩn bị cho đám cưới thì cứ từ từ, không phải gấp gáp.
Trên xăm nói, tháng 6 tốt, giao mùa xuân hè, trời đổ mưa lành, tình yêu bền chặt.
Bình thường không kiêng cử gì, nay bỗng dưng kỹ càng hơn hơn hẳn, Nguyễn Mỹ Vân nghiêm túc hơn bất kỳ ai.

Mạnh Thính Chi cũng hiểu được, mẹ cô là nghĩ cho cô.

Giống như sủi cảo rau rừng, ai cũng ăn, con gái của bà cũng không thể thua thiệt, lỡ hôm nào đó Phật nhớ đến phù hộ cho thì sao.

“Ngày lành” thật ra chỉ là một điềm lành mà thôi, bà đã thành tâm xin, cũng chỉ vì muốn con gái mình và người con gái mình thương có được mọi điều tốt đẹp trên đời này, xin cho hai đứa đầm ấm và suôn sẻ.

Trình Trạc đồng ý hết.
Bữa cơm này Mạnh Thính Chi không ăn gì nhiều, ăn xong thì đi dạo phố với Trình Trạc.

Trước khi đi cô đã đánh răng súc miệng, nhưng vẫn cảm nhận được mùi rau rừng từ trong cổ họng.
Khó chịu cực kỳ.
Gió xuân nhè nhẹ thổi qua làn váy hoa mỏng, nếp váy lay động, mềm mại uyển chuyển, trong không khí chỉ có chút se lạnh say lòng người, cô khoanh nhẹ hai tay, ngẩn người nhìn ánh đèn của đình Tú Sơn đằng xa.
Cho đến khi bên tai có tiếng “bóc” vang lên.
Ống hút đâm qua màng ép ly nhựa.
Trình Trạc bước ra khỏi hàng, đưa cho cô ly trà sữa ấm.

Hai tay cô cầm ly, hơi nóng từ ly trà sữa lập tức truyền vào lòng bàn tay, dễ chịu vô cùng.


Cô cúi đầu uống một hớp lớn, vị ngọt tràn qua cổ họng.
Cuối cùng chân mày của Mạnh Thính Chi cũng thả lỏng.
Trình Trạc cởi áo khoác đen ra, choàng qua vai cô.
Cô chỉ cảm thấy bờ vai và cánh tay đột nhiên ấm lên, tất cả gió đã bị chặn lại, miệng nhai trân châu caramel mềm mại, mắt cong mang ý cười, bắt đầu than phiền: “Mẹ em siêu thích mấy món đồ tốt mọc dưới mắt Phật, năm nào cũng làm, sau này anh biết ngay.”
Chỉ chốc lát sau, Mạnh Thính Chi ngẩm mãi vẫn chưa hiểu được, nói: “Phật bắt con người phải chịu khổ đây mà.”
Trình Trạc vuốt v e mặt cô, đôi mắt đào hoa lạnh lùng là thế, nhưng nhìn cô lại đong đầy dịu dàng.
“Nữ Bồ Tát ngọt mà.”
Mạnh Thính Chi cúi đầu uống trà sữa, thoáng nhìn thấy bên cạnh có một bệ đá thấp, cô bước lên đó, nhón chân, chạm vào môi anh, như chuồn chuồn lướt nước, sau đó là một nụ hôn không để lại dấu vết.

Đèn đường sáng tỏ, người qua người lại trên phố dài.
Chỉ có Trình Trạc được “Nữ Bồ Tát” hôn, mím môi nhẹ, đúng là ngọt thật.

Bắt đầu vào tháng Sáu.
Tô Thành ẩm ướt, những giọt mưa gõ tí tách lên cửa kính.
Ngày mồng tám tháng năm âm lịch, sắp đến hạ chí, ngày hợp gả cưới.
Đã đến ngày đi đăng ký kết hôn như đã dự định.
Trình Trạc nhớ kỹ lời dặn dò của mẹ vợ, giờ Thìn là giờ lành, mới sáng sớm đã chạy xe đến hẻm Đồng Hoa đón Mạnh Thính Chi.
Vào cùng ngày đăng ký kết hôn, Mạnh Thính Chi chính thức dọn đến khu căn hộ Chẩm Xuân.
Tiếng mưa rả rích suốt cả đêm.
Ngủ ngon thức dậy, chiếc gối bên cạnh đã trống trơn, Mạnh Thính Chi duỗi tay vuốt những nếp gấp trên gối nơi ai đó đã nằm, nhớ đến tối qua người này gọi cô là bà Trình, môi không giấu được nụ cười.
Phố cổ trong mưa, trong lành và yên bình.
Đi ngang qua cầu Đàm Phức, tiếng chuông vào tiết học đầu tiên của trường trung học số 14 vừa vang lên, Trình Trạc đỗ xe, đi bộ đến dưới đình Tú Sơn, gấp dù, bước vào nhà sách “Tam Sinh Hữu Tín”.
Gió thổi qua, chuông gió bao năm không đổi trên cửa chạm vào nhau kêu vang.
Là một nhà sách dành cho học sinh nên thời gian này trong tiệm không có khách, chủ tiệm đang xem tin tức buổi sáng trên đài địa phương, chợt nghe tiếng động, nhìn thấy một vóc dáng cao lớn đứng trước quầy tính tiền.
Lập tức ấn nút tạm dừng, chủ tiệm đứng dậy, nhìn người đàn ông điển trai nhưng hoàn toàn không ăn khớp với nơi này, hỏi: “Anh muốn mua gì?”
Thời cấp ba, biết bao lần Trình Trạc và Từ Cách chơi thâu đêm ở quán cà phê internet bên cạnh, cũng từng trú mưa dưới mái hiên.
Chỉ có duy nhất nhà sách này là anh chưa từng bước vào, trong ấn tượng, hễ sau giờ tan học là có rất nhiều bạn nữ đến đây, chuông gió ngoài cửa vang lanh lảnh.
Đôi mắt anh đảo quanh như để tìm kiếm dấu ấn, cuối cùng dừng lại, đôi mắt trong veo ẩn giấu cảm xúc nhàn nhạt, như thấp thoáng thấy được vẻ chân thành của chàng thiếu niên, anh nói với chủ tiệm:
“Tôi muốn trả lời một bức thư.”
Nhận lấy giấy viết thư lẫn bìa thư quen thuộc mới tinh, một lần nữa, anh nghĩ đến cảnh tượng Mạnh Thính Chi mười sáu tuổi viết thư cho anh, cũng tại cửa hàng này, cũng vào thời tiết này.
Cơn mưa trạc chi này rơi mãi.
Khi tiếng mưa nhỏ dần, anh cất bút, hồi âm cho bà Trình của tuổi mười sáu.
—— Rất nhiều rất nhiều năm sau nữa, Trình Trạc, em có còn được gặp anh nữa không?
—— Rất nhiều rất nhiều năm sau nữa, bà Trình, chúng mình sớm chiều gặp nhau.
_________________
Tác giả phát biểu:
Hoàn phần chính.

Cảm ơn đã ủng hộ và yêu thích.
 



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.