Trả Ta Kiếp Này

Chương 21: Ta biết chuyện của Cẩn Phi – mẫu thân Hoàng thượng




Sau một ngày lao động vất vả, dường như xương cốt toàn thân đều rã rời. Ta vừa vào phòng liền ngồi lên giường nghỉ ngơi, đấm đấm cánh tay.

Tiểu Bôi đang rót trà, thấy vậy nói: “Nương nương, nô tì đấm bóp cho người nhé?”

Nàng ấy vẫn quen gọi ta là nương nương, a hoàn chúng ta luôn biết rõ không được quên bổn phận của mình, nhưng bổn phận là thứ gì vậy? Ta đúng là đã được lợi còn ra vẻ, nếu Tiểu Bôi cũng quên mất bổn phận của nàng ấy, thì chúng ta chẳng có những tháng ngày đồng cam cộng khổ như hôm nay.

Ta lắc đầu nói: “Không cần đâu.”

Tiểu Bôi thấm mệt, ngồi nghỉ trên ghế.

Chân ghế đã được bọn ta hợp sức sửa lại chắc chắn, chỉ là hơi xiêu vẹo mà thôi.

Ánh sáng mặt trời cuối cùng đã khuất hẳn sau rặng núi, trong phòng một mảng tĩnh lặng, ta cứ ngắm mãi vầng trăng mờ treo trên cành cây.

Hai chúng ta chờ đợi rất lâu, cho đến khi Tiểu Bôi hỏi: “Bao giờ họ mang cơm tới?”

Ta lắc đầu, hôm nay cắn hạt dưa cả buổi, chắc là quên mất bọn ta rồi.

Sự trầm mặc bao phủ.

Tiểu Bôi lại tiếp lời: “Vậy để nô tì đi hỏi thử xem.”

Thật ra có lúc ta cảm thấy đi hỏi cũng vô ích, nhưng dẫu sao đó cũng là một cách thăm dò. Sau khi Tiểu Bôi rời khỏi, ta nằm nghiêng trên giường quan sát phía trước, sống mà phải phụ thuộc thực sự vô cùng khó chịu, còn khó chịu hơn cả khi lao động quần quật tứ kiếm miếng cơm.

Ngày đầu tiên đã vậy, cuộc sống sau này của ta và Tiểu Bôi tuyệt đối sẽ không khá hơn hiện tại là bao.

Ta mới mười chín tuổi, ta phải sống vậy tới già sao? Tiểu Bôi còn chưa được gả cho ai nữa kìa.

Trước mắt ta là chiếc ghế kia, nghe nói ba năm trước sau khi một phi tử giẫm lên chiếc ghế đó thắt cổ tự tử thì chân ghế đã gãy rời. Thi thể lưu lại trong phòng ba hôm mới có người phát hiện. Cũng chẳng ai đi bẩm báo, cứ thế chôn qua loa là xong.

Giờ này ba năm trước, ta đang cùng tiểu thư cứu Cửu Hoàng tử giữa trời đông tuyết phủ. Ta chưa từng nghĩ lúc đó nơi hoàng cung xa xôi có một phi tử mang theo nỗi tuyệt vọng cuối cùng giẫm lên chiếc ghế này, thi thể trơ trọi lưu lại trong phòng suốt ba hôm.

Vậy mà nay ta đang ở đây, còn họ đang ở đâu?

Ta dần dần chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh lại, màn đêm đã bao phủ, nhưng Tiểu Bôi vẫn chưa về.

Ta ra ngoài xem sao, đến chỗ hành lang cách đó không xa bỗng nhìn thấy Tiểu Bôi bị lột y phục ở trong sân, một đám thái giám thò tay sờ mó nàng ấy, cười đùa hô hố: “Lại đây, lại đây!”

Lũ thái giám vây thành nửa vòng tròn nhỏ, Tiểu Bôi giữ chặt yếm, chóp mũi bị lạnh tới nỗi ửng đỏ, chỉ biết vừa khóc vừa tránh né sự động chạm của chúng.

“Các ngươi làm gì vậy?” Ta đi đến.

“Nương nương.” Tiểu Bôi chạy lại núp sau lưng ta.

Ta nhặt y phục trên mặt đất đưa cho Tiểu Bôi, lạnh lùng ném cái nhìn về phía bọn chúng.

Bên cạnh có tên thái giám già hí hửng xem trò vui, trông có vẻ am hiểu thế sự, ta đoán đây hẳn là kẻ cầm đầu. Thấy ta hỏi, đám tiểu thái giám lui hết sang một bên. Lão thái giám phẩy cái phất trần từ trái sang phải, chậm rãi xoa xoa, nói bằng giọng the thé: “Buổi tối rảnh rỗi, chơi đùa với nàng ta một chút.”

“Có kiểu chơi như vậy sao?”

Ta tiến gần thêm mấy bước: “Công công, hay là bản cung cũng chơi với ngươi nhé?”

Hắn liếc nhìn ta.

Ta cười nói: “Dẫu sao bản cung cũng từng hầu hạ Hoàng hậu nương nương, còn từng hầu hạ cả Hoàng thượng. Hoàng hậu nương nương xưa nay luôn đối xử tốt với bản cung, còn nhận bản cung làm muội muội, bản cung cũng từng cứu Hoàng thượng một mạng. Vậy đã đủ tư cách chơi đùa cùng công công chưa?”

Ta nhắc đến Hoàng thượng và Hoàng hậu để trấn áp bọn chúng. Trong hoàn cảnh này, chỉ dựa vào mỗi bản thân ta thì chẳng ăn thua gì.

Công công kia “hừ” nhạt một tiếng rồi dẫn đám tiểu công công đi hết.

Ta quay người lại xem Tiểu Bôi thế nào, nàng ấy đã mặc xong y phục, mũi đỏ ửng nghẹn ngào khóc.

Ta quay về phòng mới hỏi nàng ấy: “Xảy ra chuyện gì vậy?”

“Nô tì đi tìm mấy cung nữ kia nhắc họ đưa cơm cho chúng ta. Nào ngờ họ hoàn toàn chẳng thèm màng đến nô tì. Nô tì gọi hai, ba lần, họ liền bảo cơm và thức ăn đã bị mấy thái giám mang đi rồi, có giỏi thì tự đi mà đòi.”

“Sau đó ngươi tự đi ư?”

Tiểu Bôi gật đầu, ngẩng lên đã giàn giụa nước mắt: “Nương nương, họ ức hiếp người quá đáng lắm rồi!”

Ta lại gần, thở dài, vỗ vỗ lưng Tiểu Bôi: “Bỏ đi, không sao rồi.”

Kẻ núp dưới mái hiên, không thể không cúi đầu, lúc này bảo rằng họ ức hiếp người quá đáng liệu có ích gì?

Ta đang nghĩ tại sao đám công công đó không ức hiếp những tiểu cung nữ khác? Có phải vì đám cung nữ kia kết bè kết đảng, họ sống dựa vào nhau, một người xảy ra chuyện thì cả đám phản kích? Thái giám cũng phân chia bè phái, thông thường họ đều có một lão công công tương đối già dặn, tương đối từng trải dẫn dắt cả bọn.

Giữa những bè phái có thế lực thường đấu đá nhau, nhưng lại đều thích bắt nạt đám người mới không có chút thế lực nào.

Vậy thì, so với việc bị cô lập giữa đống bè phái, chi bằng nương nhờ một trong số chúng.

Nếu phải chọn lấy một kẻ để hạ thủ, thì Liên Ty – người phụ trách chăm sóc cho bọn ta, có lẽ là kẻ dễ khống chế nhất.

Ta đi đến trước gương đồng, lấy ra một cây trâm từ lớp kép của hộp nữ trang, bên trong còn có một số đồ trang sức khác, đây là những thứ ta tự mình tích trữ được, bí mật giấu ở đó nên chưa bị lấy đi.

Lúc nào cũng phải có vật phòng thân thì ta mới an tâm được.

Tiểu Bôi kinh ngạc nhìn ta, ta quay người lại đặt cây trâm vào tay nàng.

“Ngươi nói với Liên Ty, có vật do chính Hoàng hậu nương nương ban thưởng cho ngươi, muốn tặng lại nàng ta, nhất định phải nói cây trâm này rất quý giá.”

“Nương nương…”

“Nghe ta nói hết đã, sau đó ngươi lén đặt cây trâm vào phòng của cung nữ đệ nữ rồi giả vờ tới đó tìm, cho đến khi vô tình chạm mặt Liên Ty, ngươi hãy nói với nàng ta rằng, chiếc trâm ngươi vốn định tặng cho nàng ta đã bị người khác trộm mất rồi.”

“Nhưng họ sẽ không nghi ngờ chứ ạ?”

Ta mỉm cười: “Không đâu.”

Người ta chọn là đệ nữ, nàng ta nhát gan lại tham lam vặt vãnh, thường nghe nói nàng ta thích tiện tay lấy trộm đồ trong cung của chủ nhân. Mỗi khi Liên Ty nói chuyện, nàng ta đều liên tiếp chen ngang, Liên Ty luôn coi thường nàng ta.

Sáng sớm ngày hôm sau, Tiểu Bôi cầm cây trâm ra khỏi phòng.

Còn ta ngồi rót trà uống.

Lúc còn ở lầu xanh, ta đã trông thấy một hiện tượng thú vị, mỗi khi có tì nữ mới đến, tì nữ cũ lúc nào cũng bắt nạt tì nữ mới, cho đến khi tì nữ mới dần dần thích ứng với hoàn cảnh, thì lại có kẻ mới hơn xuất hiện, khi đó, họ sẽ hoàn toàn nhập bọn với ma cũ, góp sức bắt nạt ma mới.

Đây là một kiểu hoán đổi. Tiểu Bôi là cung nữ, thân phận gần với họ hơn đệ nữ. Nếu trực tiếp đem đồ đi lấy lòng họ, e rằng họ nhận rồi vẫn cứ coi rẻ. Chi bằng lôi người cũ ra khỏi hội, để Tiểu Bôi được thêm vào chỗ khuyết.

Cho đến khi họ cùng chung kẻ địch, địa vị của Tiểu Bôi cũng sẽ vững chắc theo.

Tiểu Bôi là người hiền lành lại rất khôn khéo, chỉ cần nàng ấy nhập hội, không lo nàng ấy không có mối quan hệ tốt.

Quả nhiên đến buổi trưa, Tiểu Bôi mừng quýnh mang bánh ngọt về.

“Nương nương, đây là bánh họ cho chúng ta.”

Ta mở hộp ra, không tồi, hương vị ập vào mũi, là ít bánh đậu xanh.

Tiểu Bôi hào hứng ngồi xuống: “Hôm nay Liên Ty đối xử với nô tì tốt hơn hẳn, còn cho nô tì ăn bánh đậu xanh thừa từ chỗ Châu mỹ nhân nữa cơ. Nàng ta thích cây trâm đó lắm, nhưng đệ nữ thì thảm rồi, Liên Ty và mấy cung nữ khác đánh đệ nữ một trận. Nàng ta cứ nói mình không trộm cây trâm, nhưng chẳng ai tin nàng ta. Nương nương, chúng ta làm vậy không phải quá đáng rồi sao?”

“Vậy ngươi muốn Liên Ty ức hiếp ngươi hay ức hiếp nàng ta?” Ta nhìn Tiểu Bôi.

Tiểu Bôi không nói gì.

Ta cầm bánh đậu xanh lên cắn nhẹ một miếng. Có những thứ chỉ khi bản thân đói mềm mới thưởng thức nổi vị ngon của nó, cũng giống vậy, có những tính cách chỉ khi nguy hiểm thật sự tới bản thân mới bộc lộ ra bên ngoài.

Đau đớn trên cơ thể luôn luôn giày vò con người ta hơn hẳn đau đớn trong tâm hồn. Bởi đau đớn trong tâm hồn ta có thể né tránh, có thể bỏ mặc, còn đau đớn trên cơ thể thì không.

Tiểu Bôi bắt đầu ngày ngày tới tán gẫu cùng đám Liên Ty, nàng ấy khôn khéo biết nghe lời, tay nghề cũng rất khá, lại chẳng bao giờ nổi nóng, chỉ biết nói tốt cho người khác nên rất được lòng người. Búi tóc của Liên Ty đều do Tiểu Bôi thắt, thậm chí Liên Ty còn muốn nhận nàng ấy làm muội muội, Tiểu Bôi liền từ chối như là lo sợ mình trèo cao vậy.

Ta đang xem một chút tứ thư ngũ kinh và sách cổ sử gia. Lúc ở bên Hoàng thượng, ta đại khái có thể nói là viết được rồi, nhưng thời gian xem sách cũng ít. Dạo này cuối cùng đã có thời gian rảnh rỗi xem xét trí tuệ của cổ nhân, chỉ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, những chuyện xảy đến trong hiện tại kỳ thực đã từng diễn ra vô số lần trong lịch sử. Nào là âm mưu, đoạt quyền, chiến tranh, đọ sức…

Thảo nào người ta có câu: “Trong sách vốn có nhà bằng vàng, trong sách vốn có sắc như ngọc, trong sách vốn có ngàn bông lúa.”

Ta đang xem một cách hào hứng, bèn nhìn thấy một câu trong sách: “Thiên thiên vi địch, nhất phu thắng chi, vị nhược tự thắng, vi chiến trung thượng. Tự thắng tối hiền, cố viết nhân hùng, hộ ý điệu thân, tự tổn chí chung. Tuy viết tôn thiên, thần ma phạn thích, giai mạc năng thắng, tự thắng chi nhân.” Ý cả câu nghĩa là, nếu như chúng ta chiến thắng người khác, chi bằng hãy tự chiến thắng bản thân mình. Chiến thắng được bản thân thì có thể tự khống chế vận mệnh.

Ta suy ngẫm hồi lâu, Tiểu Bôi đột nhiên gọi ta từ ngoài cửa: “Nương nương.”

Nàng ấy gọi ta ra, chỉ vào một khe suối nhỏ bên cạnh Đông Viện: “Người trông.”

Khe suối nhỏ trong veo gợn sóng nước, nhưng thú vị hơn cả là trên mặt nước có rất nhiều lá phong trôi bồng bềnh, bên trên còn viết một số chữ mờ ảo. Ta nhặt lên xem, thì ra là những chữ viết rối thể hiện trăm mối ưu tư cùng cảm xúc phức tạp của nữ nhi.

“Đây là gì vậy?”

“Lá phong gửi tình.” Tiểu Bôi có chút mừng rỡ: “Nghe họ nói, viết câu thơ mình thích lên lá phong, để nó trôi theo dòng nước, biết đâu có thể tìm thấy ý trung nhân của mình. Cẩn phi nương nương ngày xưa cũng làm như thế này.”

Lại có thể tin tưởng vào mấy thứ kia, ta luôn cảm thấy hai chữ “duyên phận” thật rắc rối và thiếu an toàn.

Bỗng ta nắm được điểm mấu chốt: “Cẩn phi nương nương? Ý trung nhân?”

Lẽ nào bà ấy gặp được hoàng đế bằng cách này?

Con suối nhỏ uốn lượn kéo về phía xa, vượt qua cả tường thành, ta lên tiếng: “Con suối này thông đến đâu?”

Tiểu Bôi gõ gõ lên cằm: “Có lẽ là ngự hoa viên.” Rồi chợt bỏ tay xuống: “Nương nương, chắc không phải người đang nghĩ là bà ấy đã gặp được Hoàng thượng chứ. Không phải đâu, Cẩn phi nương nương đã gặp Trạng Nguyên mới được sắc phong cơ.”

Ta nghi ngờ nhìn Tiểu Bôi.

Tiểu Bôi giải thích: “Cẩn phi nương nương vốn là một chiêu nghi bé nhỏ. Sau này bà ấy viết một câu thơ lên lá phong rồi thả nó trôi theo dòng suối, sau đó Trạng Nguyên kia đã nhặt được. Nhưng mà nhặt được rồi cũng nguy, chính vào hôm Hoàng thượng đột nhiên muốn phong Cẩn phi nương nương làm quý phi, Cẩn phi nương nương đã chạy trốn cùng với Trạng Nguyên kia. Lúc đuổi theo họ đã ngồi lên thuyền, Hoàng thượng đứng trên bờ, một tên bắn trúng Trạng Nguyên nọ khiến chàng rơi xuống nước, Cẩn phi nương nương liền nhảy xuống tự vẫn theo, cuối cùng vẫn được cứu sống.”

“Sau này Hoàng thượng phong bà ấy làm quý phi, Cẩn phi cũng không tìm đến cái chết nữa. Có điều cho dù Hoàng thượng đối tốt với bà ấy thế nào đi chăng nữa, bà ấy cũng không mảy may nhiệt tình với Hoàng thượng. Rồi cũng đến một ngày Hoàng thượng mất hết kiên nhẫn, hằng đếm giày vò Cẩn phi nương nương, có một lần thậm chí còn khiến Cẩn phi nương nương toàn thân bê bết máu, đứa bé trong bụng bà ấy đã ra đi như vậy đó. Sau này Cẩn phi nương nương sinh được Cửu Hoàng tử, tiếc rằng sức khỏe bà càng ngày càng yếu, mấy năm trước bệnh nặng nên đã qua đời. Hoàng thượng đau lòng khôn nguôi, chẳng buồn màng đến việc triều chính, vài năm sau cũng băng hà.”

Cửu Hoàng tử chính là đương kim Hoàng thượng.

Chẳng trách mỗi lần hắn đều một mình thổi khúc “Dạ Ngâm Ô Giang”, thì ra bên trong đó ẩn chứa một mối thâm tình.

“Những chuyện này là ai kể cho ngươi vậy?”

“Là Mạc Y, bà ấy là một lão cung nữ, ngày trước từng hầu hạ Cẩn phi nương nương.”

“Tiểu Bôi, ngươi và bà ấy phải thân thiết hơn nữa, giúp ta hỏi thêm một số chuyện về Cẩn phi nương nương.”

Biết đâu đây chính là thời cơ của ta.

Tiểu Bôi nghe được chuyện gì của Cẩn phi nương nương ta đều từ từ ghi nhớ, bao gồm tất cả sở thích ăn uống và thói quen của bà ấy. Ví dụ như bà ấy thích ăn nhất là bánh xốp do mẫu thân mình làm, Tiên Hoàng khi xưa còn đặc biệt triệu mẫu thân của Cẩn phi vào cung để làm bánh cho bà ấy, Cẩn phi vừa ăn liền bật khóc, sau này không ăn bánh xốp nữa. Bà ấy rất thích vẽ một bông hoa mai cạnh thái dương, nghe nói hoa văn phượng hoàng trên thái dương của Hoàng Thái hậu hiện giờ cũng là bắt chước theo Cẩn phi. Y phục Cẩn phi thích mặc nhất là một bộ váy bằng voan mỏng màu xanh lục nhạt, thứ thích đeo nhất là một cây trâm hoa màu xanh nhạt…

Ta tỉ mẩn ghi ghi chép chép trên giấy, chợt dừng lại.

Hoa mai, váy xanh, trâm hoa xanh, hình như toàn là những thứ trầm tĩnh, ta dần dần có thể cảm nhận được con người của Cẩn phi.

Ta nhìn ra bên ngoài cửa sổ.

Trước khi Cẩn phi nương nương được ân sủng, bà ấy đã sống trong sân viện bên cạnh lãnh cung này suốt hai năm. Vẫn thường có người nhắc chuyện bà ấy nhẹ nhàng băng bó trên chân của một chú chim bị thương rơi xuống sân viện thành hình bông hoa mai đầu xuân, viết trên lá phong mùa thu se lạnh những câu thơ rung động lòng người, vào đầu xuân bà lại thích một mình đứng thổi tiêu giữa sân viện sương trời giăng kín, khúc nhạc bà thổi khi đó không phải “Dạ Ngâm Ô Giang”, mà là “Môn Đình Tuyết”.

Và nay ta đến đây đã sắp được nửa năm rồi.

Đêm qua tuyết rơi rất dày, dây leo mà Cẩn phi trồng ở phía kia đã giăng khắp lối, lách cả vào chỗ ta ở. Nền trắng điểm sắc xanh nhạt, màu tuyết nhuộm sáng của hoàng cung.

Ta hơi lạnh, cúi đầu khịt mũi.

Tiểu Bôi bưng chậu than đi vào, nói: “Nương nương, đừng ngồi đầu gió nữa.” Rồi lập tức tiến lên đóng cửa sổ lại.

Trong chậu lác đác mẩu than cháy tỏa ra làn khói đen sì, nhưng có còn hơn không. Bọn ta ở đây không có nhiều quần áo, cũng không có nhiều chăn đệm, đành mặc thêm mấy bộ đồ lót bên trong, nhưng cũng chẳng chống đỡ nổi cái rét.

Than đốt này do đám cung nữ kia cho Tiểu Bôi, Tiểu Bôi lại đem đến cho ta.

“Nếu ngươi cho ta rồi thì ngươi làm thế nào?”

Tiểu Bôi đáp: “Nô tì không sao, nô tì rất khỏe, lạnh một chút có là gì.” Đột nhiên nàng ấy hắt xì, ta cười: “Thế mà cũng gọi là khỏe à?” Ta lại gần nắm chặt bàn tay nàng ấy mới biết nó bị lạnh tới nỗi sưng phù cước đỏ từ bao giờ, cả người nàng cũng lạnh như băng.

“Bọn chúng lại sai ngươi nấu cơm giặt quần áo?”

Đến mùa đông, đám cung nữ càng thêm lười biếng, dường như chỉ mong được trốn trong phòng cả ngày khỏi ra ngoài, Tiểu Bôi tốt bụng nên sẽ không từ chối giúp họ, lúc nào cũng bị bắt phải làm rất nhiều việc.

“Nô tì không sao.” Tiểu Bôi nói.

Ta sờ trán nàng, nóng đến giật mình: “Ngươi sốt rồi.”

Tiểu Bôi cũng khịt khịt chiếc mũi ửng đỏ, ta nói: “Ngươi nghỉ trước đi, để ta làm giúp ngươi.”

“Không được, nương nương sẽ rét cóng mất.”

Ta đâu yếu đuối như vậy? Ta mỉm cười, ấn Tiểu Bôi ngồi xuống giường, để chậu lửa lại gần hơn một chút, nói: “Ngươi cứ ở đây yên tâm ngủ một giấc, khỏi bệnh rồi mới giúp ta được chứ, đúng không? Hơn nữa ta chẳng phải người sức trói gà không chặt, làm chút việc không xảy ra chuyện gì đâu.”

Tiểu Bôi vẫn liên mồm cự tuyệt.

Ta nói: “Tiểu Bôi, ở nơi này chỉ có ngươi gần gũi với ta nhất, chúng ta là tỷ muội tốt đồng cam cộng khổ, ngươi đừng coi ta như nương nương nữa.” Ta cười với Tiểu Bôi: “Ngủ đi.” Rồi quay người đóng cửa đi ra ngoài.

Bên ngoài trời đông tuyết phủ, vừa ra khỏi phòng, gió lạnh như lưỡi dao sắc bén đã vù vù ập tới. Ta hà hơi vào bàn tay, xung quanh chỉ có tuyết trắng xóa, không có lấy một bóng người. Ta giẫm lên tuyết dày nặng nề bước đi, bên cạnh giếng có chậu gỗ và thùng nước, quần áo đã giặt được hơn một nửa.

Trên mặt thùng nước bồng bềnh một lớp tuyết mỏng, ta thò tay vào, dường như lạnh tới nỗi lập tức mất cảm giác. Ta nhanh chóng đổ nước vào chậu gỗ bắt đầu giặt giũ. Y phục mùa đông vừa dày vừa nhiều, giặt rất tốn sức.

Xung quanh yên tĩnh đến nỗi chỉ có thể nghe thấy tiếng thở hổn hển vì mệt của mình, tuyết dưới chân đang tan ra, nước lạnh thấm ướt cả giày vải, ngón chân như đã tê dại hết cả. Lúc ngón tay miễn cưỡng thò ra múc nước, liền cứng đờ run rẩy.

Một lát sau ta nghe thấy có người đến gần.

Ngẩng đầu nhìn là một cung nữ khác bê chậu gỗ nhỏ đựng đầy quần áo: “Ấy? Tiểu Bôi không ở đây sao?” Nàng mỉm cười với ta, ta liền hiểu ra nàng cũng đến “đưa y phục giữa trời tuyết phủ”. Nàng đặt chậu gỗ trước mặt ta: “Dù sao ngươi cũng giặt giúp người khác nhiều đồ như vậy rồi, giặt thêm mấy cái có là gì.”

Nàng chẳng đợi ta trả lời đã đi mất, không biết Tiểu Bôi ứng phó với đám người này như thế nào nữa.

Ta nghĩ nếu là ta, chắc chắn sẽ luôn căm ghét bọn chúng.

Ta giặt mãi cho tới khi vừa nhìn lên trời đã cảm thấy hoa mày chóng mặt, cuối cùng cũng giặt xong hết đống quần áo. Lúc đứng dậy ta cảm thấy đôi chân mình như đã mất hết cảm giác, chẳng còn chút sức lực, ta muốn nhấc chân lên nhưng bỗng phát hiện mình không đi nổi, khung cảnh trước mắt trở nên nhạt nhòa, đâu đâu cũng là ánh sáng của tuyết, chói mắt đến mức khiến ta choáng váng.

Ta đứng nguyên chỗ cũ hồi lâu mới hồi chút sức lực đứng dậy phơi quần áo, xong xuôi liền trở về phòng.

Than trong chậu lửa đã cháy gần hết, chỉ sót lại chút khói tàn tỏa ra. Ta hơ tay bên trên, vẫn còn chút hơi ấm. Bàn tay ta ngứa rát vô cùng, như thể có dòng nước nóng đang chảy bên trong muốn hòa tan từng khớp xương ra vậy. Mặt trời đã xuống núi, ta nhìn Tiểu Bôi, nàng ấy vẫn chưa tỉnh giấc. Ta lấy tay kiểm tra trán nàng, không hiểu vì bàn tay ta lạnh hay vì nguyên nhân nào khác mà trán Tiểu Bôi còn nóng hơn ban nãy.

“Tiểu Bôi.” Ta gọi nàng ấy mấy tiếng.

Nàng ấy mơ hồ đáp lại ta, giọng yếu ớt không còn chút sức lực, lông mi giật giật nhưng cố mấy cũng không mở mắt nổi. Hình như nàng ấy rất lạnh, cả người co rúm trong chăn không ngừng run rẩy.

Ta sáp lại gần, thấy gương mặt nàng ấy nóng bừng, e là bị nhiễm lạnh thật rồi. Ta giúp nàng đắp chăn lại cẩn thận rồi tựa người cạnh giường ngủ mất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.