Tokyo Hoàng Đạo Án

Chương 12: Cảnh 4: Nước quả có độc




Kiyoshi muốn nghe thêm về vụ Kazue, nhưng tôi đã trình bày khá đủ rồi và nhất quyết rằng chúng tôi cần chuyển sang vụ Azoth.

“Chúng ta sẽ quay lại sau,” Kiyoshi nói.

Thế là tôi bắt đầu.

“Ngay sau khi Heikichi và Kazue bị giết, vụ Azoth khét tiếng xảy ra - có lẽ là vụ án kỳ quặc và quái dị nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sau đám tang Kazue, phụ nữ nhà Umezawa đều tới đền thờ ở núi Yahiko tại tỉnh Niigata. Họ hy vọng Thần Phật sẽ phù hộ cho họ. Nếu anh còn nhớ thì ngôi đền ấy chính là nơi Heikichi muốn tới thăm, và gia đình hy vọng chuyến hành hương sẽ khiến linh hồn ông sớm siêu thoát. Thực ra thì họ sợ ông ấy báo ứng.”

“Ai là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đó?”

“Có lẽ là Masako, bà ta nói rằng bọn họ đều có cảm giác giống nhau. Ngày 28 tháng Ba, Masako cùng sau thiếu nữ rời Tokyo - Tomoko, Akiko, Yukiko, Tokiko, Reiko và Nobuyo. Họ đi cùng nhau như thể họ đang tham gia một chuyến ngoại khóa ở trường, thậm chí còn có phần hứng khởi. Tối hôm đó họ tới nơi và ở lại khách sạn Tsutaya. Ngày hôm sau họ leo núi.”

“Họ có tới thăm ngôi đền không?”

“Dĩ nhiên là có. Từ Yahiko, họ đón xe buýt tới suối nước nóng Iwamuro ở Công viên Quốc gia Sado Yahiko và ngủ lại đó đêm 29. Cảnh quan xung quanh rất đẹp nên các cô gái muốn ở lại thêm. Masako muốn ghé thăm cha mẹ ở Aizu-wakamatsu, ngay gần Yahiko. Do không muốn đưa cả sáu cô gái đi theo mình nên bà đồng ý cho họ ở lại. Các cô gái quyết định tận hưởng thêm một đêm nữa tại suối nước nóng và trở về Tokyo vào ngày 31. Sáng 30 tháng Ba Masako rời Iwamuro và buổi chiều thì đến Aizu-wakamatsu. Bà ở bên cha mẹ mình hai tối và quay về Tokyo vào sáng mùng 1 tháng Tư. Tối đó khi đặt chân đến Tokyo, đúng ra Masako sẽ gặp các con gái ở nhà.”

“Và đúng như vậy chứ?”

“Không. Khi Masako về, không có ai ở nhà cả. Thực tế thì cả sáu cô gái cũng chẳng bao giờ xuất hiện nữa vì tất cả bọn họ đều đã chết. Lúc tìm thấy xác họ thì đúng như mô tả trong phần ghi chép của Heikichi: mỗi người ở một địa điểm khác nhau và mỗi người đều mất một phần cơ thể nhất định. Thật kinh khủng. Masako bị bắt vì tình nghi giết người.”

Kiyoshi chìm trong suy nghĩ. Rõ ràng cậu rất bối rối. “Nhưng tại sao lại là Masako? Họ bắt bà ấy vì nghi bà giết Kazue à?”

“Không hề. Thực ra thì họ bắt Masako với tư cách một nghi phạm trong cái chết của Heikichi.”

“Vậy là cảnh sát đã đoán ra cách các hung thủ kéo chiếc giường lên tới cửa trời à?”

“Họ không tự mình nghĩ ra. Nhiều người viết thư để gợi ý tình tiết ấy.”

Kiyoshi khịt khịt mũi vẻ kẻ cả. “Chà, Kazumi à, chứng tỏ là các thám tử nghiệp dư nhiều khi tỏ ra rất hữu dụng! Tôi cũng sẽ làm được điều đó. Mà này, để tôi nói rõ một chuyện. Cảnh sát đến nhà Umezawa, không thấy ai, và kết luận rằng đám phụ nữ đều đã bỏ trốn. Sau đó, khi Masako một mình về đến nhà, bà bị bắt vì tình nghi là hung thủ giết Heikichi - và có lẽ cũng bị bắt vì sự biến mất rành rành của cả sáu cô gái.” Kiyoshi định nói thêm gì đó, nhưng cậu kìm lại. Nghĩ một lúc, cậu hỏi, “Masako có nhận tội không?”

“Không, Masako khăng khăng mình vô tội cho tới tận khi chết trong tù vào năm 1960, ở tuổi 76. Người ta thường gọi bà là Bà Monte Cristo[1] của Nhật Bản. Vào thập niên 50 và 60, Masako là chủ đề cho những tin bài giật gân trên truyền thông. Điều đó giải thích tại sao việc tìm ra đáp án vụ giết người hoàng đạo lại trở thành mốt như vậy. Anh có hình dung được danh tiếng người phá vụ án này sẽ lẫy lừng như thế nào không?”

[1] Monte Cristo: Nhân vật chính trong truyện Bá tước Monte Cristo của nhà văn Pháp Alexandre Dumas Cha. Monte Cristo đã từng bị vu khống, kết án oan và vào tù một thời gian dài.

“Hừm. Và bà ta cũng là nghi phạm trong vụ Azoth à?”

“Chính xác, thật ra thì cảnh sát không có manh mối. Họ bắt Masako vì cảm thấy bà đáng nghi hơn cả và tìm mọi cách buộc bà nhận tội, nhưng Masako luôn bác bỏ.”

“Ôi, thật độc ác, cái bọn cảnh sát này! Làm thế nào họ có được lệnh bắt chỉ dựa trên phỏng đoán vớ vẩn như vậy?”

“Tôi chịu.”

“Chắc hẳn họ rất nôn nóng muốn bắt giữ ai đó. Các công tố viên nói gì? Họ đã phá được án sao?”

“Theo như tôi biết thì không.”

“Cáo trạng như thế nào?”

“Có tội. Bà ấy bị kết án tử hình.”

“Đó là quyết định của Tòa án Tối cao à?”

“Đúng. Masako liên tục đề nghị phúc thẩm.”

“Và lần nào tòa cũng bác bỏ?”

“Đúng vậy.”

“Chà, Kazumi, tôi thì tôi không tin Masako lại có thể giết hại chính các con mình. Chỉ có mụ phù thủy, nữ quỷ Onibaba[2], mới có thể làm như vậy!”

[2] Theo truyền thuyết Nhật Bản: Onibaba là nhũ mẫu cho con gái một gia đình giàu có. Do con gái ruột bị thất lạc từ nhỏ, nên bà ta rất thương yêu cô chủ. Con gái ruột của bà trước khi bị lạc có đeo một lá bùa omamori để bảo vệ. Cô gái trong gia đình giàu có bị mắc một chứng bệnh lạ, phải ăn gan của các bào thai mới khỏi được. Bà nhũ mẫu đã trốn vào một cái hang để đợi những phụ nữ mang thai đi ngang qua. Một hôm, bà ta giết một phụ nữ mang thai, và phát hiện đó là con gái mình thông qua lá bùa omamori, bà ta trở nên điên cuồng mất trí trở thành một con quỷ giết người ăn thịt.

“Nhưng rất có thể Masako đã thực hiện việc đó. Bà ta có tiếng là kẻ nhẫn tâm.”

“Có lẽ thế. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ một cách thực tế thì liệu bà ấy có thật sự đủ thời gian để giết người không?”

“Dĩ nhiên, suốt một thời gian dài người ta đã đề cập đến vấn đề này với rất nhiều lập luận sơ hở. Xem ra Masako không thể giết ai được cả, cho dù có thay đổi giờ tàu hỏa kiểu gì đi chăng nữa. Nhân viên ở khách sạn Tsutaya xác nhận rằng Masako và sáu cô gái có ở đó đúng như lời bà ấy khai. Không ai nhìn thấy các cô gái sau khi họ rời khách sạn.”

“Do ảnh hưởng của thời điểm phát hiện xác các nạn nhân nên không thể xác định chính xác thời gian gây án. Xác của Tomoko được phát hiện sớm nhất và người ta tin rằng cô ấy bị giết trong khoảng từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối ngày 31 tháng Ba. Đánh giá một cách tổng quát thì rất nhiều khả năng là những người khác chết cùng một lúc và tại cùng một chỗ.”

“Chứng cứ ngoại phạm của Masako rất yếu. Cha mẹ bà ấy nói rằng họ ở trong nhà vào buổi tối ngày 30 tháng Ba, nhưng ý kiến từ các thành viên trong gia đình chưa bao giờ được xem là đáng tin cậy 100% cả. Tệ hơn nữa, Masako lại không hề rời khỏi nhà cha mẹ mình trong suốt thời gian thăm viếng họ. Bà trở nên nổi tiếng kể từ vụ Heikichi nên không muốn là đối tượng bị chú ý. Vì thế bà ở rịt trong nhà suốt cả ngày 31 và không gặp ai cả. Điều đó có nghĩa là Masako không thể chứng minh được rằng bà không hề quay trở lại Yahiko vào ngày 31.”

“Ừm. Nhưng người ta tìm thấy các xác chết ở những nơi khác nhau phải không? Nếu Masako không biết lái xe thì không thể nào làm được việc đó.”

“Đúng. Thời đó rất ít phụ nữ có giấy phép lái xe, chẳng khác gì chuyện có bằng lái máy bay thời buổi này. Trên thực tế, trong số tất cả những người có liên can đến vụ án, chỉ mình Heikichi và Heitaro là có bằng lái.”

“Tức là theo lập luận này, nếu vụ việc chỉ do một kẻ thực hiện thì chắc chắn đó không phải là một phụ nữ.”

“Anh nói đúng.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.