Tôi Vô Tội

Chương 20: Xe ô tô của bác sĩ Lord




Thám tử gõ cửa ngôi nhà nhỏ của bà y tá Hopkins. Bà ta ra mở cửa, miệng đầy bánh.

- Chào ông Poirot! Ông còn cần thêm gì nữa?

- Tôi vào được không?

Vẻ mặt khó chịu, bà Hopkins đành tránh sang một bên, nhường lối cho nhà thám tử. Bà y tá niềm nở mời khách uống trà, và một phút sau, Poirot hoảng sợ nhìn thấy thứ nước sẫm màu trong tách.

- Tôi vừa uống xong... Trà pha đậm, và là trà rất ngon!

Poirot cầm thìa chậm chạp khuấy tách trà, rồi dũng cảm nhấp một ngụm nhỏ. Sau đó ông nói:

- Bà đoán tôi đến đây gặp bà có việc gì không?

- Nghe ông nói xong tôi mới trả lời ông được! Tôi không có tài đoán ý nghĩ người khác.

- Tôi đến gặp bà để bà kể cho tôi nghe sự thật.

Bà y tá đứng phắt dậy, mặt đỏ tía lên giận dữ:

- Ông nói giọng hỗn hào ấy là nghĩa làm sao? Cả đời tôi chưa bao giờ nói dối, ít nhất cũng không nói dối để che giấu những lỗi lầm của tôi. Trong lúc thẩm vấn, tôi đã nói ra cả việc tôi đánh mất lọ thuốc moóc-phin, trong khi người khác và trường hợp của tôi chẳng bao giờ nói ra! Tôi dám nói mặc dù tôi biết sau đây tôi sẽ phải chịu một hình phạt về sự lơ đễnh đối với thuốc men, thậm chí tôi bị cấm không được hành nghề nữa. Với lại có ai trên đời lại không lần nào quên thứ gì? Người ta đã chỉ trích tôi, và như tôi vừa nói đấy, tôi sẽ chịu thiệt thòi trong việc hành nghề chuyên môn của tôi. Nhưng tôi đã không giấu diếm. Tôi biết một chi tiết có thể làm rõ vụ án và tôi thấy có bổn phận phải nói ra, cho dù phải chịu sự trừng phạt. Cho nên ông hãy tin là tôi không giấu diếm bất cứ thứ gì. Nếu ông cần, tôi sẵn sàng thề...

Poirot không ngắt lời. Ông thừa biết làm như thế sẽ ra sao đối với một phụ nữ đang cơn giận dữ. Ông để mặc cho bà y tá thao thao nói, điềm tĩnh đợi bà ta nói xong. Rồi ông dịu dàng đáp:

- Tôi chưa hề nghĩ rằng bà giấu diếm sự thật về vụ án mạng.

- Nếu vậy, câu lúc nãy ông nói nghĩa là sao?

- Tôi đề nghị bà cho tôi biết sự thật, không phải về cái chết của Mary Gerrard mà về lai lịch cuộc đời cô ấy.

Bà y tá ngơ ngác.

- Thì ra ông đến đây vì mục đích ấy? Lai lịch cuộc đời Mary không liên quan gì đến vụ án mạng!

- Tôi cũng biết là như thế. Tôi chỉ nghĩ là bà đã tung ra những tin mập mờ vào tai cô ấy.

- Đấy là quyền của tôi, tôi muốn nói với nó cái gì mặc tôi, miễn là không dính dáng đến vụ án mạng.

Nhà thám tử nhún vai:

- Tại sao bà lại giấu tôi lai lịch của cô ấy?

Bà y tá đỏ bừng mặt:

- Chỉ vì tôi nghĩ không nên nhắc đến những người đã khuất, và họ chẳng còn tác dụng nào đến người đang sống. Những chuyện chẳng ảnh hưởng đến ai.

- Nếu những chuyện bà nói ra với cô ấy chỉ là những điều phỏng đoán thì tôi chẳng cần! Nhưng nếu bà biết sự thật, thì bà không có quyền giấu diếm.

- Tôi chưa hiểu, thưa ông Poirot.

- Nếu vậy tôi xin nhắc bà. Đồng nghiệp của bà, chị O’Brien, có nói bóng gió đôi chút. Tôi còn đã gặp và hỏi bà Slattery. Bà Slattery còn nhớ rõ những chuyện xảy ra cách đây hai chục năm. Tôi xin thuật lại những gì bà Slattery đã kể tôi nghe. Cách đây hơn hai chục năm... Một mối tình đã nảy nở giữa phu nhân góa chồng Welman và ông Lewis Ricroft, đang có vợ mắc bệnh điên, nằm bệnh viện tâm thần. Thời đó luật pháp chưa cho phép ly hôn trong trường hợp như thế. Bà vợ ông Ricroft, tuy điên nhưng sức khỏe lại rất tốt, bà có thể sống đến chín mươi tuổi. Mối tình giữa hai người khá lộ liễu, nhưng họ dùng mọi biện pháp để giữ kín. Về sau ông Lewis chết trong chiến tranh.

- Rồi sao nữa?

- Tôi có đủ lý để tin rằng sau khi ông Lewis chết, một đứa trẻ đã ra đời, và đó chính là Mary Gerrard.

- Chà, ông chịu bỏ công ra điều tra đấy! - Bà y tá Hopkins kêu lên.

- Đấy chỉ là tôi đoán. Nhưng tôi tin rằng bà có đủ bằng chứng chính thức về vụ đó.

Bà y tá ngồi một lúc, vẻ mặt tối xầm. Rồi bà ta đứng lên, bước ra mở một ngăn kéo, lấy ra một phong bì dầy, đưa nhà thám tử.

- Tôi sẽ kể ông nghe tại sao phong bì này lọt vào tay tôi. Do tôi sẵn có nghi ngờ, từ khi thấy cách bà cụ nhìn Mary và khi nghe những lời đồn đại... Hơn nữa, lão Gerrard, trong khi đau ốm, đã nói cho tôi biết Mary không phải là con của lão. Sau khi Mary chết, tôi đã đến nhà lão ta, và tìm thấy trong số giấy tờ của lão có bức thư này. Ông hãy đọc đi.

Thám tử Poirot đọc, thấy ngoài phong bì có dòng chữ bằng thứ mực đã phai màu, rất nhạt:

Để chuyển cho Mary sau khi tôi chết.

Poirot nhận xét:

- Dòng chữ này không phải mới viết hôm qua.

- Và cũng không phải chữ lão Gerrard, - Bà y tá Hopkins nói - mà là chữ của mẹ Mary, mất cách đây đã mười bốn năm. Thư này lẽ ra để chuyển cho Mary, nhưng lão già giấu biệt, để cô ta không bao giờ nhìn thấy... thế là rất may cho cô ta. Bởi đọc được lá thư này, Mary sẽ không còn dám ngẩng cao đầu nữa.

Ngừng lại một lát, bà ta nói tiếp:

- Phong bì này không dán. Thú thật là khi thấy nó, tôi đã đọc một mạch từ đầu đến cuối. Lẽ ra tôi không nên làm thế. Nhưng Mary đã chết. Trước khi đọc, tôi đoán được nội dung lá thư và hiểu rằng bức thư này không còn một người nào trên đời quan tâm. Lẽ ra tôi cũng nên hủy nó đi, nhưng không hiểu sao, tôi có cảm giác tôi không có quyền làm như thế. Nhưng ông đọc đi.

Poirot lấy lá thư trong phong bì ra. Thư viết bằng một thứ chữ nhỏ li ti.

Tôi kể ra ở đây sự thật về một trường hợp, để một ngày nào đó khi cần đến.

Tôi là hầu phòng của phu nhân Welman, chủ nhân của lâu đài Hunterbury. Phu nhân bao giờ cũng rất tốt đối với tôi. Phu nhân đã che chở tôi và nhận tôi vào làm tiếp, sau khi sinh nở, nhưng đứa con của tôi không sống được. Bà chủ và ông Lewis Ricroft yêu nhau nhưng không lấy được nhau, vì ông còn vợ, bà này bị nhốt trong một nhà thương điên.

Ông Ricroft là trang quý tộc trọng danh dự và đã thiệt mạng trong chiến tranh. Sau đó ít lâu phu nhân cho tôi biết bà có thai. Bà đi đến xứ Ecôt để sinh nở, có tôi đi theo hầu hạ. Đứa trẻ ra đời tại làng Ardlochrie. Anh Bod Gerrard đã bỏ tôi trong thời gian tôi gặp những chuyện phiền muộn, bây giờ lại tiếp tục cầu hôn. Bà chủ tôi và tôi bàn nhau, quyết định tôi sẽ lấy Bod, hai vợ chồng chúng tôi sẽ sống trong trạm bảo vệ ngoài cổng lâu đài, vài đứa trẻ sẽ sống với tôi, trên danh nghĩa là con riêng của tôi.

Trong thời gian chúng tôi sống trong lâu đài, lẽ tất nhiên phu nhân rất quan tâm đến đứa con, cho nó ăn học chu đáo và hết lòng thương yêu nó. Phu nhân muốn đứa trẻ không hề biết gì về nguồn gốc của nó. Bà cho chúng tôi một số tiền lớn, nhưng đáp lại tôi cũng tận tụy giúp phu nhân trong việc này.

Tôi sống hạnh phúc với Bod Gerrard nhưng anh ấy không yêu đứa trẻ. Cho đến hôm nay tôi vẫn giữ kín điều bí mật. Tuy nhiên tôi thấy tôi có bổn phận trước khi chết phải làm giấy xác nhận này.

Ký tên: ELISA GERRARD

(Tên khai sinh là Elisa Riley)

Thám tử Poirot buông một tiếng thở dài rồi gấp lá thư lại.

- Ông định làm gì bây giờ? - Bà y tá Hopkins lo lắng hỏi - Bây giờ tất cả tất cả những người trong cuộc đều đã qua đời. Moi lại quá khứ để làm gì? Phu nhân Welman được dân khắp vùng kính trọng. Khơi lại chuyện xấu xa này e có tàn nhẫn quá chăng? Và Mary là đứa con gái đáng yêu đến thế, ta chẳng nên để mọi người biết nó là con hoang. Theo tôi nghĩ, ta nên để yên những người đã khuất.

Poirot phản đối:

- Nhưng vẫn cần nghĩ đến những người còn sống.

- Câu chuyện này không liên quan gì đến vụ án mạng Mary.

- Tôi không đồng ý với bà. - Nhà thám tử nói.

Ông chia tay với bà y tá Hopkins, ra khỏi ngôi nhà nhỏ, nhưng đầu óc vẫn suy nghĩ miên man. Đi được một quãng đường khá dài, ông nghe thấy tiếng chân rụt rè sau lưng. Poirot đứng lại, anh thợ phụ làm vườn ở Hunterbury. Anh ta dáng điệu bối rối, đứng vặn vẹo chiếc mũ cát két trong tay.

- Xin lỗi, thưa ông. Tôi muốn nói với ông một câu chuyện được không ạ?

- Được chứ. Nhưng chuyện gì?

Horlick càng vò mạnh chiếc mũ.

- Thưa ông, chuyện chiếc xe ô-tô.

- Chiếc xe ô-tô sáng hôm đó đỗ ở cổng sau của lâu đài phải không?

- Thưa ông, vâng. Sáng nay ông bác sĩ có nói đấy không phải là xe của ông ấy, nhưng thật ra chính đó là xe ông ấy.

- Anh khẳng định như thế?

- Vâng, thưa ông. Bởi số xe... MSS 2022, tôi nhớ rất rõ, MSS 2022. Xin ông biết cho, cả làng này đều biết cái xe ấy, và gọi đùa nó là “Tiểu thư Hai mươi hai”! Tôi không thể nhầm được.

- Nhưng ông bác sĩ lại bảo sáng hôm đó ông ta đi Withenbury.

Nét mặt mỗi lúc lại thêm thảm hại. Horlick khẽ nói:

- Vâng, thưa ông. Tôi đã nghe thấy ông bác sĩ nói thế. Nhưng chính là xe của ông ấy. Tôi sẵn sàng thề là tôi không nói sai.

- Cảm ơn anh, Horlick. Có lẽ anh sắp phải thề thật đấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.