Chuyển ngữ: Andrew Pastel
Đang vào tháng Tám, giữa mùa hè miền Bắc rất nóng với những cơn mưa lớn thường xuyên.
Dãy Yến Sơn trông nhấp nhô như lưng một con ngựa đang phi nước đại, sườn núi trải dài bị nước mưa rửa sạch phơi ra màu xanh xám, bị mây đen ầm ầm phía xa nuốt chửng.
Không khí sau cơn mưa rất trong lành, nhưng không khí trong xưởng thì lại tẻ nhạt, chán chường đến chết.
Tổ lao động của ban bảy, tất cả đều cúi gằm đầu mài vật liệu đá, thẩm chí còn không buồn ngẩng đầu lên lần nào, không còn tù nhân mẫu mực đi đầu, họ thiếu hết sức sống trong công việc. Ban trưởng của họ không còn ở khu giam nữa, đã được chuyển đến đội xây dựng của mỏ đá mấy ngày trước rồi.
Sáng nay Thiệu Quân đi trực như cũ, bị các đồng nghiệp trong tòa nhà văn phòng nhìn bằng ánh mắt khác hẳn.
“Tiểu Thiệu, sao cậu vẫn đến làm việc? Đáng lẽ phải chuyển công tác từ lâu rồi chứ?”
“Thiếu gia, cậu đến Phòng Tuyên truyền à? Chỗ đó ngon lành lắm đó nha…”
“Trong Cục, đồng phục cảnh sát phát ra còn sạch sẽ hơn của chúng ta trong này nhiều…”
Tất cả những đồng sự chào hỏi anh đều lộ ra sự ganh tị và hâm mộ, nhìn Thiệu Tam gia sắp thoát khỏi biển khổ ở trang trại Thanh Hà, chạy đến một nơi sáng sủa đầy hứa hẹn mới, một nơi mà người trẻ tuổi đầy triển vọng nơi thành thị như anh nên đến.
Đội trưởng Điền cũng nhìn Thiệu Tam gia với ánh mắt chua lòm. Điền Chính Nghĩa mỗi đêm ngủ ở ký túc xá, nằm mơ cũng thấy đang ôm vợ, tính đến chuyện dọn đi từ lâu, mà nộp đơn xin lãnh đạo ngót hai năm, lần nào lãnh đạo cũng nói cấp cơ sở thiếu người nên không duyệt đơn.
Đơn của anh ta còn chưa phê duyệt, vậy mà đơn điều Thiệu Quân đi nơi khác lại được phê duyệt ngay lập tức, mới đến hơn một năm, lại được chuyển đi trong nháy mắt, rồi sau đó sẽ đứng đầu các phòng ban, từng bước tiến lên những vị trí cấp cao trong cục.
Dù vẫn còn có các cấp lãnh đạo phía trên, nhưng thời buổi giờ đi đến đâu cũng không tránh khỏi bốn chữ: con ông cháu cha! Đội trưởng Điền chán nản.
Thiệu Quân cũng không vui vẻ gì. Khi trở lại khu nhà giam số ba, anh không còn thấy La Cường nữa.
Đêm hai cha con hiếm hoi ngồi xuống bàn chuyện về vụ án đó, Thiệu Quốc Cương quan sát nét mặt của Thiệu Quân, cảnh giác hỏi: “Quân Quân, con muốn hỏi gì về La Cường? … Con quá quan tâm đến tên tù nhân này rồi đó.”
Cục trưởng Thiệu lúc ấy nghĩ theo một hướng khác. Con trai ông suốt ngày lăn lộn với đám tù nhân này, kết giao anh em với vài ba kẻ trong số chúng cũng không thể tránh khỏi. La Lão nhị có gốc rễ thâm sâu, có tài sản có quyền thế. Chẳng lẽ chúng đang định chuẩn bị gì sao, Thiệu Quân được chia phần lợi ích lớn nào trong việc kinh doanh của chúng sao? …
Thiệu Quân thì lại rất thoải mái và chắc chắn: “Giờ thì con đã hiểu, chỉ là chuyện như vậy, sẽ không xảy ra chuyện gì đâu, con không tin là La lão nhị sẽ gây khó dễ cho con!”
“Ba, La Cường có chuyện khúc mắc với ba, con muốn cởi nút thắt, giải quyết việc này.”
Thiệu Quân nghĩ thầm như vậy, cho dù sau này hai người không ở bên nhau, cũng sẽ không thể trở lại thành bạn như trước đây, anh cũng muốn hiểu được La Cường.
Anh chỉ muốn hỏi La Lão nhị một câu: Anh sẵn sàng đầu hàng và vào tù vì tội của La tiểu tam, vậy bây giờ anh có thể vì một người khác mà hoàn lương không?
Đi trên một con đường quá lâu, liệu có còn mong muốn quay đầu lại?
Xét về sự nghiệp, Thiệu Tam gia và cha anh giống nhau, cũng được coi là gia đình công an, nhưng về tình cảm, anh lại không thể kháng cự lại mà thiên vị La Cường. Một người chân này bước vào ánh sáng, chân kia lại đặt vào bóng tối, anh cảm giác như hai thế lực ấy đang cào cấu anh, tóm lấy trái tim anh, sắp sửa xé toạc anh ra làm hai mảnh.
La lão nhị tự mình gây nên bao nhiêu tội, bóc bừa một tội ra cũng đủ để phán hắn mấy năm tù. Người như thế nhận tội đền tội là đúng với đạo lý. Thiệu Tam gia cảm thấy luật pháp của đất nước là đúng, ba anh đúng. Lỗi là ở La Cường. Tên khốn này lúc tuổi trẻ bồng bột đã đi sai đường, một khi đã đi nhầm, thì ngồi tù là hậu quả tất yếu của sai lầm đó.
Anh hiện đang đồng hành cùng La Cường trên con đường này, và anh sẵn sàng cam tâm tình nguyện.
Liệu một người như La Cường có thể thay đổi trong mười lăm năm?
Nếu không thể thay đổi, để anh ta ở bên anh ta mười lăm năm, thì thế nào?
Thiệu Quân đi tuần quanh nhà xưởng, ngang qua Hồ Nham.
Tiểu hồ ly hôm nay chán nản, cả buổi sáng không nói lời nào, hồn bay phách lạc bay đến mỏ đá với đại ca nhà y.
Hồ Nham liếc nhìn Thiệu Quân qua khóe mắt, cả hai ai cũng chẳng ưa ai, trừng mắt nhìn nhau như đang đấu võ. Khóe miệng bướng bỉnh của Hồ Nham nhếch nhếch như đang nói: Cảnh sát Thiệu, tôi biết anh không thích tôi, nếu không ưa tôi anh cứ đuổi tôi đi, chứ làm sao anh có thể để anh Cường đi? Tại sao anh không ngăn cản anh ấy, để anh ấy đến đó chịu khổ?!
Hoa ra Hồ Nham cũng xin ra mỏ khai thác đá, tổ trưởng công trình vừa nghe thế thì ước gì cầm gậy đánh chết y luôn cho rồi: Người gầy đét tay chân lèo khoèo thế kia, cầm có nổi cái xẻng không, cậu có thể xúc đá à? Hay khiêng túi đá lớn?
Hồ Nham thu dọn đồ nghề, đứng dậy xếp hàng ăn cơm trưa, đi ngang qua Thiệu Quân, y bỏ lại một câu như muỗi vo ve: “Cảnh sát Thiệu, tôi ở giá (*), ngài cũng ở giá không?”
(*) (耍单) Sọa thiền: Phương ngữ miền Bắc, thích độc thân, thích ở một mình, không tìm bạn trai (bạn gái).
Thiệu Quân trợn mắt ngoác mồm: “Ngứa miệng thiếu đánh à.”
Con hồ ly ỷ mình có chút thông minh mà đi lắm miệng, làm Thiệu Quân có đôi khi tức đến nổ đom đóm mắt, chờ đi, tên nhóc này sớm muộn gì cũng chết vì cái miệng của nó!
Giờ cơm trưa, Thiệu Quân lấy một thìa lớn cá hố kho (*) từ bếp của quản ngục với nước sốt màu nâu đỏ đẹp mắt.
Người dân Bắc Kinh và Thiên Tân ưa những món có vị đậm đà như thế này, nấu ăn thích dùng đường, muối, xì dầu và giấm, màu sắc đậm đà, vị đậm đà. Thiệu Tiểu Tam gia thích ăn cá từ khi còn nhỏ, những người khác bảo cá hố tanh, còn Thiệu Quân thì cảm thấy phải có mùi như thế mới là cá.
(*) Cá hố kho (红烧带鱼)
Đang cầm bát cơm đi dọc hành lang ký túc xá, một vài đồng nghiệp vội vã chạy qua, có người đứng ở hành lang nghe điện thoai, lo lắng kêu to:
“Cái gì? Mẹ nó mới có vài ngày? Chúng nó làm cái trò gì vậy?”
“Tao đã nói là tù nhân bên mình không đi làm cái kia rồi! Toàn là do đám bên ấy coi người khác như súc vật!”
Thiệu Quân quay đầu lại hỏi: “Sao vậy?”
Đồng nghiệp lo lắng trả lời: “Mỏ đá xảy ra sự cố làm chết người!”
Thiệu Quân sửng sốt đến ngây người: “Hả? … Làm sao vậy!”
Đồng nghiệp đó phụ trách quản lý công việc này, đang nóng máu nên nói năng không còn lịch sự nữa: “Cái gì mà do xui xẻo, toàn là tại bên kia, sử dụng thuốc nổ không đạt chất lượng. Mẹ nó đám bên kia không coi tù nhân là con người mà!”
“Mấy người bên đó không coi tù nhân là người thì cũng không liên quan đến mình, nhưng mấy tù nhân này là thành viên trong đội của mình mà. Nếu thật sự xảy ra chuyện chắc chắn sẽ bị điều tra. Mỗi khi có tù nhân bị giết hoặc bị thương trong nhà tù, cấp trên sẽ kiểm tra từ trên xuống dưới để tìm người chịu trách nhiệm đó!”
Đầu Thiệu Quân ong ong, bên tai như có ai gào thét điên cuồng.
“Anh nói… ai đã thiệt mạng vì vụ nổ? … Người của đội chúng ta?” Thiệu Quân run giọng hỏi.
“Má nó tôi cũng chưa rõ thông tin! Tôi phải liên hệ với bệnh viện Thanh Hà, cử người đến xem mới được, mẹ kiếp!” Đồng nghiệp bỏ lại một câu rồi vội vàng chạy đi mất.
Thiệu Quân thất thần bưng bát cơm đứng ở hành lang, ánh sáng hắt ra từ những cửa sổ nhỏ cuối hành lang như mờ mịt chớp tắt.
Tù nhân đại đội I tình nguyện làm việc trong mỏ đá, tổng cộng chỉ có ba người.
Một trong số đó là La Cường.
Ai bị nổ chết?
Mẹ nó ai bị nổ chết?!
Hôm đó, Thiệu Quân thậm chí còn không quay lại văn phòng, anh lao ngay ra khỏi hành lang.
Ở hành lang phía sau anh, bát cơm bị lật úp dưới đất, món cá hố kho yêu thích anh cũng không có tâm trạng để ăn một miếng…. …
“Này? Thiếu gia, cậu đi đâu vậy? Hôm nay không phải ca trực của cậu sao?”
Có người phía sau gọi anh.
“Mỏ đá xảy ra chuyện, tôi phải đi xem! … Tôi phải đi xem!!”
Thiệu Quân không quay đầu lại, như phát điên chạy ra ngoài, mặt mũi trắng bệch.
Đội xây dựng của tập đoàn Kiến Công hầu như năm nào cũng tuyển công nhân tạm thời từ Nông trường Thanh Hà, tù binh giá thuê rẻ tiền, tay chân nhanh nhẹn, chịu khó chịu khổ, lại toàn là những người đàn ông tráng kiện to lớn nên họ rất thích sử dụng tù nhân.
Từ quan điểm của hệ thống nhà tù, các lãnh đạo cũng sẵn sàng vui vẻ chấp nhận bắt tay hợp tác loại công việc này. Giờ tất cả các nhà tù đều tham gia vào các hợp đồng độc lập của công ty tư nhân và nhiều kênh khác nhau để kiếm tiền cho nhà tù của họ. Thu nhập từ những việc này không chỉ được sử dụng làm tiền lương của tù nhân, mà còn liên quan đến tiền thưởng, phụ cấp của quản giáo và nhiều lợi ích khác.
Tất nhiên, các đồng nghiệp cũng xì xầm bàn tán rằng đội trưởng đội xây dựng và quản giáo là họ hàng xa hay người quen, ắt cũng được ăn chia một khoản kha khá. Trong thời đại kinh tế phát triển như vũ bão và GDP tăng chóng mặt như hiện nay, ngành vật liệu xây dựng cũng là một trong những ngành kinh doanh nguy hiểm nhưng tiền lãi kếch xù nhất lúc bấy giờ.
Thiệu Quân đang miên man suy nghĩ, run rẩy môi vừa mắng hết tất cả những người đó từ trên xuống dưới vừa lái xe điên cuồng trên con đường đất nông thôn.
Ra khỏi cánh cổng sắt lớn nhà tù vẫn còn phải chạy một khoảng khá xa mới đến mỏ đá, các tù nhân đến đó làm việc sẽ bị đeo cùm và chở bằng xe tải đến.
Mưa rào liên tục mấy ngày liền, đường xá ở ngoại thành rất lầy lội. Xe Thiệu Quân lái là xe của nhà tù, chiếc Hyundai Sonata còn khá mới được phun dòng chữ “Khu nhà giam số 3 Thanh Hà” bên hông. Gầm xe quá thấp, lái xe thô bạo trên đường gập ghềnh đầy ổ voi ổ gà, xe liên tục xóc nảy, lắc lư điên cuồng, làm tim gan Thiệu Quân cũng như run lên theo, sốt ruột đến phát điên lên theo…
Xe lái đến gần khu khai thác đá, trước mặt anh xuất hiện một ngọn đá núi cao sừng sững. Một bên núi đá bị cắt rất dốc và sắc nhọn bởi bàn tay khéo léo của những người thợ khai thác đá. Bên cạnh bị nổ tung thành một cái hố to khoảng sáu mét, đá vụn rơi liên tục, bao phủ phạm vi đến hơn 100 mét, các loại máy móc khai thác gần như bị chôn vùi một nửa trong đống đá.
Đám đông tụ tập, ồn ào bàn tán.
Thiệu Quân bỏ xe bỏ chạy như điên, vạch đám đông chen vào, trên mặt đất vương vãi những bao tải, xẻng, cuốc, dụng cụ bị vỡ tung tóe, tất cả đều phủ một lớp vết cháy xém do thuốc súng diêm sinh Kali Nitrat.
“Các người đang làm cái quái gì vậy, sao lại thế này!!!” Thiệu Quân giận dữ hét lên.
Thiệu Quân chạy tới đống đá, lật những đồ vật đã tả tơi trên đất, chợt nhác thấy một chiếc giày vải màu đen.
Giày vải đế mềm màu đen của nhãn hiệu lâu đời Nội Liên Thăng sản xuất, đế đã bị cháy xém, nổi bật trên đống đá xám …
Thiệu Quân nhặt đôi giày của La Cường, đứng trên đống đá, nhìn xung quanh một cách vô hồn, cả người run rẩy, khàn giọng đi.
“Các người làm ăn kiểu gì vậy!”
“Người đâu, người trong đội của tôi đâu!!!”
“A A A A!!!!!!!!!!!!!”
Lần đầu tiên trong đời, Thiệu Tam gia nảy sinh cảm xúc muốn cầm dao giết người.
Nếu có một con dao trong tay, anh thực sự có thể cắt hết đầu những người xung quanh như thái rau.
Cuối cùng anh cũng hiểu tại sao La Cường lại có thể bất chấp tính mạng và tương lai của mình trên con đường Tây Tứ lúc ấy, quyết định chiến đấu hết mình vì cha và La tiểu tam nhi bằng một chiếc thước sắt và một con dao tam giác.
Người mình quan tâm nhất bị oan trái, bị tổn thương, muối đổ thì mặn, giấm đổ thì chua, xảy ra chuyện như thế này, làm một người đàn ông sao không thể bùng nổ?
Thiệu Quân lúc đó chỉ nghĩ rằng, kẻ nào khiến La Cường đau khổ, anh chắc chắn có thể liều mạng với kẻ đó.
Một vài quản đốc đang loay hoay ước tính thiệt hại do thời gian thi công bị trì hoãn, thấy người mặc cảnh phục đến thì trả lời hời hợt một câu: “Không có gì, không có gì nghiêm trọng đâu …”
“……”
Thiệu Quân sững sờ nhìn mấy người đó.
“…Không nghiêm trọng con mẹ mày!”
Thiệu Quân giận đến mức gân xanh nổi vằn trên trán, buộc miệng nói tục chửi thề.
“Chết người không có gì nghiêm trọng à?”
“Mạng người không phải chuyện quan trọng à! *** mẹ cả dòng họ nhà mày!!!”
Anh lao vào kéo cổ áo quản đốc, đấm tới tấp …
Anh thì đỏ mặt tía tai đấm đá, một đám người vây quanh thì khuyên can: đừng đánh nữa, không đáng đâu, không sao cả, không có người chết!
Các tù nhân lao động tạm thời ổn định trong nhà kho để nghỉ ngơi, bên ngoài có một số cảnh sát vũ trang đứng canh gác.
Thiệu Quân lo lắng chạy vào, kéo từng nhóm người đầu mặt đầy bụi đá ra, nhưng không tìm thấy La Cường.
“Người trong đội của tôi đâu? …Những người đó ở đâu?!”
Thiệu Quân xoay vòng quanh.
Lần này, anh thực sự được nếm trải cảm giác vướng bận. Có một người sống sờ sờ đau đáu ẩn trong tim, một ngày nọ người đó đột nhiên biến mất khỏi tầm mắt của anh, chạy theo cả đường cũng không đuổi về được. Nhưng dù chạy đến chân trời anh cũng phải bắt được người ấy về, dùng xích sắt trói lại không cho chạy lung tung nữa …
Thiệu Quân lo lắng, khó chịu, chợt cảm thấy ghét La Cường đến ê cả răng.
Những người phụ trách tình huống đã nói chuyện với các tù nhân, Thiệu Quân sau đó cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Hôm đó, đội thi công theo tiến độ, kéo lên máy xúc lớn, định nổ núi để khai thác đá. Người quản đốc kéo một chiếc xe chở kíp nổ và các dụng cụ nổ mìn khác đến chân núi. Chiếc xe chất nổ đó là sản phẩm kém chất lượng từ một nhà máy nhỏ, không hiểu sao đã xảy ra sự cố.
Vài tù nhân đang bốc dỡ các gói thuốc nổ. Cách đó không xa, La Cường vất vả đẩy một chiếc xe chở đá, đi dọc con đường đất nhỏ.
Giữa chất nổ và bao tải có vài tia lửa bắn ra, một mùi khét lẹt nồng nặc đáng sợ của kali nitrat bốc lên.
“Không ổn rồi, nó sắp nổ, chạy! Chạy mau!!!”
Trong tích tắc kíp nổ nổ mạnh, xe và đồ nghề trong tay hắn bị thổi tung lên, bụi mù mịt cả một vùng trời, xộc thẳng vào khoang mũi và miệng.
Bột đá vụn bay đầy trời, vụ nổ khoét một cái hố sâu trên mặt đất, suýt nữa nhấn chìm cả nửa người La Cường xuống đất…
La Cường vất vả bò ra, vừa chạy vừa la hét kêu người khác mau chạy đi.
Một người nào đó bị áp suất vụ nổ thổi bay, bất ngờ ngất xỉu. Sóng xung kích làm tê liệt tất cả mọi người trong bán kính 50 mét, quay cuồng trên mặt đất.
Có một người bị bén lửa, phừng phừng bốc cháy, trong nháy mắt quần áo bị thiêu rụi…
La Cường quay đầu lại thấy ngay cảnh ấy.
Hắn bất chấp nguy cơ thuốc nổ sẽ nổ lần nữa, lao người trở về, liều lĩnh lôi người đang cháy ra khỏi vụ nổ mạnh.
Lưỡi lửa lao thẳng vào mặt, suýt nữa thì liếm hết lông mày, vầng trán bị nhuộm đen.
“Cứu! Cứu tôi với… A!!!!!!”
Người bị cháy vặn vẹo, giãy giụa tuyệt vọng, ánh mắt vô tình giao nhau với La Cường, đó là ánh mắt hoảng loạn cực cùng xen lẫn với khát khao sinh tồn mãnh liệt, rồi người nọ rú lên đau đớn. Đó là Lại Hồng Binh ban trưởng ban ba của họ (tên thật của lão chốc đầu), người trong nhóm bốc dỡ túi thuốc nổ vừa nãy.
“Nằm xuống đất lăn dập lửa mau!”
La Cường rống lên.
La Cường nhặt được một bao tải rách nát, liều mạng đập đập vào người đang bén lửa, rồi đập xuống đất dập ngọn lửa đang lan ra …
Trong mấy giây phút nghẹt thở đó, mọi người ở đó đều ngây người, không kịp phản ứng gì.
Giữa ranh giới sự sống và cái chết, sinh tồn là bản năng, tất cả đều vội vàng chạy trối chết. Ai còn có thể quan tâm đến ai?
Có thể nhặt được mạng sống hay không, cũng chỉ trong vài phút đó.
La Cường trên mặt dính đầy bùn đất đen, mắt báo mở to, trên cổ nổi gân xanh, thở phì phò từng hơi, rồi phụt một tiếng phun ra đất bụi hòa với nước bọt trong miệng.
Lão chốc đầu thoát chết trong gang tấc, còn chưa khỏi kinh hoàng, lão nằm ngửa, nhìn thẳng vào La Cường, run rẩy không nói nên lời …
Lúc nguy cấp ấy, nếu không được La lão nhị kéo ra, có lẽ lão ta đã bị chôn vùi trong đống đá và chết cháy rồi.
Dáng người cao lớn của La Cường đứng trên bãi đá vụn đầy khói thuốc súng, hai bàn tay to bê bết máu, gương mặt thô ráp chi chít những vết sẹo nhỏ. Ấn đường bị muội than ám cháy xém, hơi thở pha lẫn tia lửa, giống như một Tula sừng sững bước ra từ ngọn lửa địa ngục hung tàn…
Lão chốc đầu được người ta cáng đi.
Lão nằm trên cáng, miệng lảm nhảm cái gì đó, khó nhọc nghiêng đầu, mắt trợn ngược, liếc nhìn bóng lưng tối đen của La Cường trong làn khói mờ mịt.
./.