Tôi là Ê-ri

Chương 55




Ngày của tự do

Sau ba năm bốn tháng ngồi tù, tôi được thả tự do bởi lệnh ân xá từ Hoàng Thái Hậu. Hơn ba năm trong tù, tôi học hỏi được nhiều điều từ những khó khăn, thử thách mà tôi đã phải trải qua cũng như rút ra được nhiều bài học từ câu chuyện cuộc đời của những tù nhân khác. Trải nghiệm đó khiến tôi trưởng thành hơn.

Chỉ còn hơn mười ngày nữa là tôi được ra tù, được tự do. Tôi rất hồi hộp, nằm đếm ngày đếm đêm, mong thời gian qua nhanh. Bỗng nhiên có một chuyện bất ngờ xảy ra khiến tôi rất vui, đó là họ cho tôi được ra ngoài làm vệ sinh như nhặt rác, cắt cỏ phía trước nhà tù. Đây cũng giống như một cách thử lòng tù nhân, xem chúng tôi có bỏ trốn hay không. Tôi xin cam đoan rằng, nếu là tôi khi mới vào tù ba năm về trước thì trốn là điều chắc chắn! Nhưng giờ thì… chỉ có điên mới làm như vậy.

Ngày được đưa đi làm vệ sinh bên ngoài nhà tù đó, tôi được thưởng thức lại những món ăn lâu lắm rồi không được nếm qua như nộm đu đủ và gà nướng. Một giám thị tốt bụng đã mua cho chúng tôi ăn vì thấy chúng tôi làm lụng vất vả. Tôi cảm thấy bữa nộm đu đủ và gà nướng hôm đó sao mà ngon đến vậy. Cho dù với người khác nó quá bình dân nhưng đối với tôi, đó là món gà và nộm ngon nhất trên thế gian này.

Suốt quãng thời gian ở trong tù, tôi phải ăn canh gà dai nhách, canh cá viên và canh chua cá rán chỉ toàn dòi nổi lềnh phềnh. Cứ như thế suốt hơn ba năm trời, ngày nào cũng vậy. Sau khi vào tù, tôi đã chẳng còn thắc mắc tại sao lũ chó lại có thể ăn được cơm thừa trong thùng rác, có thể ăn được thức ăn ôi thiu nữa, nó cũng giống chúng tôi, ăn để sống sót mà thôi.

Tôi sung sướng hít cho căng tràn lồng ngực không khí bên ngoài nhà tù. Rất nhiều bạn tù ghen tỵ vì tôi được ra ngoài làm vệ sinh, nhất là thằng Kô, nó cứ quanh quẩn bên tôi hỏi xem cảm giác ra ngoài như thế nào.

Đến khi chỉ còn một ngày là tôi mãn hạn tù, đêm cuối ngủ trong tù, cả đêm tôi nằm nói chuyện với thằng Kô, tôi còn khóc vì không muốn rời xa Kô nữa. Kô cũng nói với tôi: “Usumi được ra tù rồi, anh Kô cũng chẳng biết bày trò với ai nữa, những người còn lại chẳng có khiếu hài hước gì cả”.

Tôi để lại hết quần áo, đồ đạc của mình cho tù nhân mới, không mang theo bất cứ thứ gì, đến cả bộ quần áo mặc ngày được tự do tôi cũng cởi ra vứt xuống biển luôn.

Ngày mà tôi được thả, tù nhân người thì mừng cho tôi, người lại tiếc vì tôi ra tù thì sau này sẽ không giúp họ viết đơn kháng cáo và đơn xin khoan hồng nữa. Dù tôi đã dạy lại cho người mới nhưng vẫn có người muốn được tôi viết đơn cho.

Buổi sáng ngày tôi được thả, thằng Kô và nhiều bạn tù tiễn tôi đến tận cửa nhà tù, chỉ có chị To không ra tiễn tôi. Chị To giống như chị gái tôi, tôi hiểu cảm giác của chị To, cũng rất thương chị ấy.

Khi cánh cửa nhà tù đóng lại sau lưng, thấy anh Tông, chị Chiếp và chị Cày đợi đón tôi trước cửa, tôi liền bật khóc vì vui mừng. Tôi lên xe cùng với các anh chị của mình mà không quay lại nhìn nhà tù dù chỉ một chút. Bởi rất nhiều bạn tù khuyên tôi không được quay lại, nếu không nó có thể khiến mình phải ngồi tù một lần nữa nên tôi quyết định làm theo lời khuyên của họ.

Hơn ba năm trong tù, tôi thường được nghe bài hát “Mười tám cơn mưa” của ca sĩ Sua Thanaporn mà các giám thị hay mở, lúc này những giai điệu đó cất lên tôi liền rơi nước mắt. Thật ra, bài hát này chẳng có gì tương đồng với cuộc đời tôi nhưng tôi khóc vì bài hát khiến tôi nhớ tới những người bạn cũ, đặc biết là Kích, Nói và Đươn. Mỗi khi giám thị mở bài hát này, tôi lại thấy Kích ngồi thẫn thờ, nước mắt trào ra, nhiều lần thấy như thế nên tôi bèn hỏi Kích: “Kích, mày làm sao thế? Sao lần nào mở bài này mày cũng khóc vậy?”. Kích im lặng một hồi rồi trả lời: “Khi còn ở ngoài, tao thích bài này lắm. Tao chưa bao giờ nghĩ có lúc mình sẽ phải nghe nó trong tù. Bài hát giống như chuyện của tao, tao bị bắt đúng khi tròn mười tám tuổi”. Do vậy, mỗi khi nghe bài hát này tôi lại nhớ ngay đến Kích, đến những người bạn tù.

Ba năm bốn tháng tại nhà tù này, tôi nhận ra những người bị vào tù, nhiều người trong số họ không làm gì sai nhưng đen đủi nên phải lĩnh án, có người ra vào tù như đi chợ, có người coi nhà tù là nhà của mình bởi sau khi mãn hạn tù, thế nào họ cũng gây chuyện để lại bị bắt. Trai hay gái, đàn ông hay đàn bà cũng vậy. Cứ như thể cuộc sống bên ngoài kia không dành cho họ.

Một số người vì lỗi nhỏ mà phải vào tù, nhưng đi tù lại vô tình trở thành cơ hội cho họ rèn luyện ngón nghề, khả năng chịu đựng, phương pháp trốn tội… Nó khiến tôi không thể chắc chắn nhà tù là nơi chế ngự tội phạm hay là trường học nghề dành cho tội phạm nữa.

Nhưng dù thế nào tôi cũng cho rằng nhà tù không phải nơi con người nên ở. Vì vậy tôi muốn khuyên mọi người hãy biết kiềm chế bản thân, tránh phạm sai lầm để phải vào tù. Cuộc sống trong tù sẽ cho bạn thấy mọi sự hối hận chỉ là muộn màng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.