Tôi Có Lý Do Để Nghi Ngờ Mèo Nhà Mình Là Bạn Trai Cũ

Chương 9: Chứng cứ thứ chín




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



"Tôi cho rằng anh đi ra ngoài một lúc rồi sẽ về ngay thôi, giống như những lần trước đây vậy."

toi-co-ly-do-de-nghi-ngo-meo-nha-minh-la-ban-trai-cu-9-0

Edit: Đào siu nhìu xiềng

Beta: Erale

Lòng tôi nóng như lửa đốt vội vã phi tới bệnh viện, vừa mới đẩy cửa vào thì thấy bác sĩ thú ý đang trị liệu khí dung [1] cho một con mèo đen gầy nhom, còn chủ nhân của nó hai mắt sưng húp đứng yên bên cạnh không nói một lời. Tôi trông thấy tình cảnh ấy bèn đóng cửa lại rồi ngồi ở hành lang vuốt ve mèo nhỏ nhà mình.

[1] Khí dung được hiểu là một phương pháp điều trị tại chỗ các bệnh lý đường hô hấp, trong đó sử dụng máy xông khí, xông thuốc dưới dạng sương mù vào mũi, họng, khí quản, phế quản của bệnh nhân.

Bên ngoài có rất nhiều mèo, khá nhiều đứa thuộc chủng loại quý giá, màu lông xinh đẹp không ngừng toát ra mùi nhân dân tệ, tiếng kêu ỏn ẻn mềm mại nũng nịu, nghe thôi cũng đủ biết chủ nhân chúng toàn người giàu có. Nhưng tôi vẫn thấy cậu chàng bò sữa nông thôn nhà mình đẹp nhất.

Bác sĩ thú y đề nghị truyền nước ba ngày, dường như nó nghe hiểu nên co rúm cả người vào trong ngực tôi.

Muốn chọc kim truyền vào thì phải thấy rõ mạch máu, y tá dùng dao cạo nhỏ cạo lông mèo để lộ mảng da.

Hửm? Hóa ra mèo nhỏ béo là do bộ lông xù mà thôi, cạo lông đi rồi nom chừng còn gầy lắm. Tôi sợ nó sẽ giãy dụa phản kháng khi bác sĩ luồn kim rồi làm phí mất cái kim nên hợp tác với hộ sĩ giữ chặt người nó, tay còn lại che kín đôi mắt mèo. Bác sĩ thấy vậy bật cười: "Trông cậu còn căng thẳng hơn cả nó nữa."

Đúng là tôi căng thẳng thật, nhưng mèo của tôi lại chẳng ừ hử gì, nó ngoan ngoãn nằm im cho bác sĩ luồn kim vào trong. Dường như cảm thấy bị giữ chặt không thoải mái lắm nên không vừa lòng mà vẫy vẫy cái tai.

"Con mèo đen ban nãy bị sao vậy?" Tôi nhớ lại cặp mắt sưng đỏ của vị chủ nhân kia.

"Là một con mèo già 9 tuổi rồi, mắc bệnh về thận khá nghiêm trọng, đã thế còn bị viêm phổi cấp tính, tình hình không khả quan lắm." Ngữ điệu anh ta bình thản không tỏ rõ cảm xúc. "Chủ nhân nó cũng chuẩn bị tâm lý rồi."

Bác sĩ rút dụng cụ, tôi xoa bóp nhẹ gáy mèo, đứa ngốc này bị treo một chân lên rồi mà vẫn còn ngáy khò khè ngủ ngon lành được.

Mèo nằm viện rồi, tôi thì lại chưa phải nằm viện bao giờ.

Tôi nhìn mèo nhà mình nằm trong "phòng bệnh", đau lòng khôn xiết.

Điện thoại trong túi quần bất chợt đổ chuông.

Sếp bảo sáng nay mới thấy tôi lái xe ngang qua, bị trẹo chân mà vẫn đạp được chân ga khỏe lắm, sau đó hỏi tôi khi nào thì hoàn thành xong kế hoạch thu mua công ty Q.

"Mèo của em bị bệnh, buổi chiều sẽ tới công ty ạ."

"Tôi đang hỏi khi nào kế hoạch của cậu hoàn thành chứ không hỏi mèo của cậu ra sao."

Fuck you nhà anh.

Tôi quyết định buổi chiều cũng không thèm đi làm.

Lúc vào viện vội vội vàng vàng, đến khi ra cửa mới phát hiện con xe việt dã siêu cấp bá đạo của tôi chiếm luôn hai ô đỗ xe. Tôi lên xe đạp chân ga, lái xe tới bãi biển gần đó nhất.

Bốn tiếng sau tôi cứ thế hứng gió lạnh đi dọc ven biển mà chẳng có mục đích gì.

Cát rơi vào trong giày da, tôi dứt khoát cởi giày bước chân trần trên cát vàng. Mặt biển mùa đông bị sương mù mịt mờ bao phủ, bầu trời phía trên cao cũng chung một màu xám xịt, sóng biển dạt bờ đánh lên chân tôi, nước lạnh thấu xương.

Đầu hạ năm ấy, tôi với bạn trai cũ hình như cũng ngồi trên tảng đá kia, cả hai cùng ngồi ngắm biển xanh mấy giờ liền, gió thốc vào mặt khiến quai hàm tôi đau nhức. Tôi hỏi anh mình về thôi chứ, anh lắc đầu, thế là chúng tôi lại ngồi đó hứng gió biển mằn mặn thật lâu.

Ngày thứ hai sau khi tôi phát hiện miệng bạn trai cũ có máu, tôi lập tức dẫn đối phương đến bệnh viện chuyên về nội khoa lớn nhất thành phố để kiểm tra. Bác sĩ chuyên khoa là một người hơn 60 tuổi, ông bảo chúng tôi xuống tầng dưới chụp CT trước.

Không biết sao nhưng tôi cứ thấy vị bác sĩ kia quen lắm, hình như đã từng gặp ở đâu đó rồi.

Bác sĩ già cầm ảnh chụp CT, tay gõ gõ bút đẩy nhẹ kính mắt, chẩn đoán anh ấy chỉ bị viêm phổi, kê chút thuốc rồi dặn dò trong nhà nên để nhiều không gian cho thoáng khí, thường xuyên đi bộ hít thở là ổn thôi. Giọng điệu ông thản nhiên, nét mặt không hề thay đổi sau cặp kính dày cộp.

Tảng đá lớn trong lòng tôi cuối cùng cũng rơi xuống, tôi chở anh đến bờ biển dạo chơi một lúc. Anh tựa đầu lên vai tôi không hề nhúc nhích, ánh mắt dừng ở nơi giao nhau giữa chân trời với mặt biển mênh mông. Khi hoàng hôn buông xuống, tôi không cố được nữa mới bảo đối phương nên đi thôi.

Tôi nói lần sau hai đứa mình lại đến.

Anh đồng ý.

Đoạn thời gian sau đó, anh ấy ho ít hơn nhưng quầng thâm dưới mắt ngày càng đậm. Anh bảo do đêm ngủ không ngon mà thôi. Sau này tôi mới biết đâu phải do ngủ không ngon, rõ ràng là thao thức cả đêm chẳng tài nào chợp nổi mắt ấy chứ.

Đến cuối tuần, tôi quyết định làm một bàn đồ ăn thơm ngon, thế mà anh ấy mới ăn hai miếng đã gác đũa rồi.

"...Khó ăn lắm à?"

"Ăn ngon lắm, mỗi tội dạo gần đây anh không có khẩu vị thôi."

Tôi nghe vậy cũng chẳng còn thiết tha ăn uống, tôi thất vọng đứng dậy bọc hết mấy đĩa đồ ăn bằng màng bọc thực phẩm rồi bỏ vào tủ lạnh. Đối phương đi tới kéo nhẹ tay tôi, áy náy cúi đầu hôn một cái.

Tôi không biết anh đang nghĩ gì trong đầu, cũng không rõ vì cớ gì lại đột nhiên biến mất vào hôm sau.

Tôi cho rằng anh đi ra ngoài một lúc rồi sẽ về ngay thôi, giống như những lần trước đây vậy.

Cuối cùng chờ một mạch đến tối, gọi điện thoại cho đối phương cũng chỉ nghe được giọng nữ lạnh lùng máy móc đáp lại rằng thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin vui lòng gọi lại sau.

Tôi vội chạy tới công ty anh ấy, đồng nghiệp của anh nói anh đã từ chức lâu rồi, họ cũng không liên lạc được. Trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện vô số giả thiết như đàn chim bay tán loạn không ngừng. Thà rằng anh rời đi vì đồ ăn tôi làm rất khó nuốt, vì tướng ngủ của tôi quá xấu, vì những lúc tôi cố tình gây sự hay chỉ bởi vì tình cảm đôi bên sau nhiều năm qua đi dần trở nên phai nhạt, cũng có thể vì anh đã thích một người khác... Tất cả những điều đó tôi đều chấp nhận được, chỉ duy nhất một điều tôi vẫn luôn kháng cự không muốn tiếp nhận – nhưng cũng là điều có khả năng xảy ra nhất, rõ ràng nhất.

Rốt cuộc thì tôi cũng không thể nào né tránh nó mãi.

Anh mắc bệnh rất lâu rồi.

Vậy mà tôi lại chậm chạp mãi đến giờ mới hiểu ra.

Trái tim tôi trở nên loạn nhịp, lồng ngực dâng lên cảm giác đau nhức khó chịu. Tôi rẽ vào góc ngoặt, chậm rãi quỳ xuống đất cố gắng xoa dịu cơn đau đớn thấu vào tâm can, tôi nghĩ lúc này bạn trai tôi có lẽ còn đau đớn hơn tôi nhiều.

Nửa tháng sau, tôi tìm được anh trong thành phố nhỏ cả hai gặp nhau lần đầu tiên.

Mùi thuốc sát trùng của bệnh viện khiến tôi thấy buồn nôn, màu trắng lạnh lùng ở đây chưa bao giờ làm tôi căm ghét đến thế.

Phòng bệnh của anh ấy ở cuối hành lang, ngọn đèn phía trên không ngừng nhấp nháy, trong phòng có cụ già đang nghe hí kịch, tiếng động không cao cũng chẳng thấp, một khúc "Trường Sinh Điện" [2] cứ thế ngân vang truyền ra ngoài cửa. "Cảnh xuân tươi đẹp xiết bao... mây trắng... chẳng ao ước cõi thần tiên bất tử..."

[2] Trường Sinh Điện (长生殿): Là vở diễn hí kịch nổi tiếng do tác giả Hồng Thăng sáng tác, gồm 2 cuốn. Chủ yếu miêu tả nhà Đường những năm Thiên Bảo, bộ máy chính trị mục nát mang tới vô số tai họa cho đất nước, dẫn đến vương triều gần như bị diệt vong. Dẫu rằng tác phẩm chỉ trích Đường Minh Hoàng sống xa hoa lãng phí nhưng cũng thể hiện cái nhìn đồng cảm với tình yêu của ông cùng Dương Quý phi, gửi gắm mong ước với tình yêu lý tưởng tốt đẹp.

Người mẹ tóc hoa râm của anh ngồi bên giường bệnh chăm chú đan khăn quàng cổ. Tôi nhìn ra sau bà, trông thấy một gương mặt thon gầy trắng bệch. Bạn trai cũ bỏ nhà ra đi của tôi giật mình, cố mở to hai mắt nhìn tôi: "Sao em tìm được tới đây?"

Giọng anh xuyên qua máy thở cồng kềnh, nghe có chút nghèn nghẹn.

Tôi ngước đầu lên nhìn mấy bình dịch dán chi chít tên các nhãn hiệu đang chậm rãi nhỏ thuốc xuống, sau đó đưa mắt dọc theo từng đường ống mỏng trong suốt rồi hướng mắt lên người anh. Mỗi cái hệt như con rắn dài chui vào trong chăn, không cần xốc chăn lên tôi cũng tưởng tượng được cảnh tượng bên dưới như thế nào.

"Đau không?" Tôi hỏi.

"Không đau." Anh im lặng cả buổi mới thốt ra được hai chữ ấy, "Sao em lại tới đây?"

"Bác sĩ nội khoa kia là bố của cô bạn ngồi bàn trên hồi chúng ta đi học, sau đó em nhớ ra mình đã từng gặp bác trong buổi họp phụ huynh."

"À." Anh buồn rầu nhắm mắt lại.

Tôi cảm thấy bạn trai cũ của mình cực kỳ tâm cơ.

Mẹ anh ấy như chợt bừng tỉnh, vội vàng mời tôi ngồi, sau đó bảo với tôi rằng con trai bác bị suy tim, là bệnh di truyền dòng họ. Lúc còn nhỏ bác sĩ từng chẩn đoán tỷ lệ phát bệnh của anh cực kỳ nhỏ, lại chẳng ngờ rằng xác suất nho nhỏ ấy lại trở thành sự thật...

Bác còn muốn nói tiếp lại bị anh kéo kéo tay, nói muốn uống chút nước ấm. Mẹ anh cúi người cầm ấm loạng choạng ra ngoài lấy nước.

Suy tim?

Trái tim của anh ấy là trái tim tôi nghe thấy nhịp đập khi dựa gần đối phương trong lúc đùa nghịch; là trái tim đập rộn ràng khi tóm được tôi trốn ở tiệm net trong đêm tối; là trái tim tôi lặng yên lắng nghe khi bị anh đè dưới thảm cỏ xanh mướt sau khi thi hạng mục chạy cự li đường dài; là trái tim đập mạnh khi hôn tôi cuồng nhiệt trong góc phòng chật hẹp; là trái tim tôi âm thầm đếm nhịp sau mỗi đêm triền miên không dứt; là trái tim mỗi tối tôi đều gối đầu lẳng lặng lắng nghe, một trái tim tốt như vậy, sao lại có thể...

Vở kịch ở giường đối diện đã phát đi phát lại mấy lần rồi: "Chỉ mong có được... kết đẹp... Mãi mãi..."

Tôi không nghe được những câu hát ấy, chỉ biết khom người ở bên cạnh giường nghẹn ngào khóc thành tiếng.

"Xin lỗi em." Giọng anh ấy thều thào tới mức gần như không thể nghe rõ. "Anh cuối cùng vẫn không thoát được kiếp nạn này."

Gió biển thổi qua mang theo vị mặn ẩm ướt kích thích xoang mũi.

Tôi ngồi xổm xuống, vẽ một hình trái tim lên mặt cát vàng óng rồi nhìn sóng biển dồn dập đánh tới cuốn nó ra khơi. Sau đó tôi lại vẽ một trái tim khác.

Tôi hiện tại càng có lý do để nghi ngờ mèo nhà mình là bạn trai cũ.

Chứng cứ thứ chín:

Mèo của tôi cũng đổ bệnh rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.