*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Toái ngọc đầu châu
Tác giả: Bắc Nam
Edit: Dú
Chương 17: Phi gian tức đạo
Ván cửa cũ chắn lại, phần giữa bị ăn mòn thành một khe hở, có thể nhìn thấy cái sân nhỏ hẹp và bẩn thỉu. Kỷ Thận Ngữ cẩn thận đẩy cửa ra, sau khi vào sân thì ngửi thấy mùi thuốc lên men.
Cậu đi vào phòng, thế nhưng cửa sổ tích lớp sơn lót dày, chắc đã mấy năm rồi không lau. Cửa phòng đóng kín, câu đối xuân hai bên rách tơi tả, chắc cũng được dán từ rất nhiều năm về trước.
"Ông ơi?" Cậu gọi.
"Ơi!" Lương Hạc Thừa đáp với từ bên trong, giọng tuy không nhỏ nhưng lượng hơi không đủ dày, trái lại trông như đã phải gồng mình để rống, rống xong thì mệt nên chân lảo đảo. Cửa phòng mở, Lương Hạc Thừa đứng ngay phòng, trời chỉ đổ cơn mưa thôi mà ông đã phải khoác thêm một chiếc áo bông mỏng.
Kỷ Thận Ngữ ngập ngừng: "Cháu, cháu đến thăm ông."
Lương Hạc Thừa nói: "Ta đang đợi cháu đây mà." Nói y như ngày xuất viện, ta đang đợi cháu đây mà.
Kỷ Thận Ngữ hỏi: "Nếu cháu không đến thì chẳng phải ông sẽ mất công đợi ư?"
Lương Hạc Thừa trả lời một nẻo: "Không đến tức là không đủ duyên, đến rồi, nghĩa là hai chúng ta có duyên."
Thấy trời lại bắt đầu đổ mưa, Kỷ Thận Ngữ bèn vào nhà theo đối phương, đi vào lại không có chỗ đặt chân. Một cái sofa da, một cái tủ đứng chạm trổ hoa, khắp đất đều là đồ cổ quý giá. Cậu choáng đầu quáng mắt, lùi về sau dựa vào ván cửa, không biết nên dừng mắt ở bình sứ trắng, hay bình sứ xanh thì hơn.
Lương Hạc Thừa cười tủm tỉm, nom hiền hậu: "Có mỗi hai căn phòng này thôi, cháu tham quan không?"
Hai chân Kỷ Thận Ngữ nặng như chì, bước có mỗi một bước mà cũng phải xoắn xuýt nửa phút, sợ nhấc chân đạp phải thứ nào đó. Khó lắm mới đến được cửa phòng, cậu khẽ khàng vén rèm lên, nhất thời hít một hơi sâu.
Trên chiếc bàn lớn là một cặp chén họa tiết rồng cưỡi mây đỏ đựng nước, Hàm Phong niên chế*; nửa miếng bánh nướng đặt trong chén Bát Tiên bằng sứ Thanh Hoa, Quang Tự niên chế; còn có cả nắp ấm bằng gốm Yue*, bát rửa bút men trắng* hình lá sen, mỗi cái mỗi nét riêng.
(*Niên chế: Năm làm ra vật đó.
Gốm Yue: Khi mà loại đồ gốm sứ Trung Quốc tráng men pha chì nung ở nhiệt độ thấp (dùng cho thờ cúng, đám ma) phát triển rất mạnh trong suốt thời kỳ Đông Hán, những đồ gốm men ngọc chính gốc bắt đầu được phát triển tại lò nung gốm Yue ở phía Bắc tỉnh Chiết Giang. Do đó nó cũng có tên là gốm Yue/Việt.
Men trắng: Từ chính xác ở đây là Bạch dứu – hay còn gọi là Bạch từ – dùng để chỉ sắc men trắng hoặc ngà.)
Lại cúi đầu, dưới mặt đất trên cửa sổ, những góc sáng sủa, đồ cổ được đặt chi chít, màu sắc sặc sỡ, đủ loại kiểu dáng. Mùi men nọ tỏa ra từ chiếc tủ đầu giường, Kỷ Thận Ngữ đến gần để ngửi thì ngửi thấy một thứ mùi không hề xa lạ trong chiếc bình kia.
Lương Hạc Thừa ngồi xuống giường: "Cái bình trăm chữ Thọ sao rồi?"
Kỷ Thận Ngữ ngẩng phắt đầu lên, rốt cuộc cũng nhớ ra ý định khi đến. "Ông à, cháu đến là vì cái bình hoa trăm chữ Thọ đó đấy ạ." Cậu lùi về sau, đứng vững, như đi báo cáo chi tiết, "Đã bán cái bình hoa trăm chữ Thọ đó rồi... Bán được mười vạn ạ."
Cậu cứ tưởng Lương Hạc Thừa sẽ kinh hãi sẽ hối hận, nào ngờ đối phương vẫn ngồi vững như núi Thái Sơn, còn gật đầu ra chiều hài lòng.
Kỷ Thận Ngữ lại tiếp tục nói: "Thật ra cái bình hoa một trăm chữ Thọ đó là đồ giả, ông có biết không ạ?"
Lương Hạc Thừa nghe vậy thì ngẩn ra, Kỷ Thận Ngữ nghĩ đúng là đối phương chẳng hay biết gì thật, ai ngờ Lương Hạc Thừa bất chợt bật cười, che phổi rồi nói: "Không ngờ có thể giám định ra nó là thật hay giả, ta thấy đến cả lão Trương mù cũng chưa chắc đã nhìn thấu nổi đâu."
Kỷ Thận Ngữ vừa định hỏi ai là lão Trương mù, Lương Hạc Thừa bỗng hỏi: "Bình sứ xanh cháu làm thì sao?"
Kỷ Thận Ngữ gỡ cặp sách rồi lấy bình sứ xanh ra, khi đến cậu cũng không rõ là nghĩ gì nữa, nhưng vẫn mang cái bình này đến. Lương Hạc Thừa nhận lấy, xoay tròn xem một vòng, nhưng không đánh giá.
Căn phòng nhất thời yên lặng, chỉ có tiếng mưa rơi lộp bộp bên ngoài.
Sáu ngón tay đột nhiên nắm chặt miệng bình, nhấc lên quẳng xuống, bình sứ xanh vỡ tung tóe, tiếng vỡ giòn tan, đâm thẳng vào tai người.
Kỷ Thận Ngữ nhìn mảnh sứ vỡ đầy đất, hãi hùng đến nỗi không thốt nổi thành lời.
Còn Lương Hạc Thừa thì mở miệng: "Bình trụ vuông tai voi sứ xanh biếc là giả, bình hoa trăm chữ Thọ sứ xanh lá cũng là giả, những thứ cả trong lẫn ngoài hai căn phòng này đều là giả."
Nói cách khác, đồ bị cướp ngày hôm đó trong ngõ vốn là đồ rởm, bình hoa trăm chữ Thọ trả lễ cũng đã biết nó là đồ rởm từ khướt, kể cả đống đồ cổ khắp mặt đất này đây cũng chẳng phải đồ thật. Tuy trông như ngoài ý muốn, nhưng Kỷ Thận Ngữ lại cảm thấy vẫn nằm trong dự liệu. Cậu nhìn chiếc bình đặt trên tủ đầu giường, trong đó đựng nước thuốc lên men, là thứ thuốc quét lên bề mặt sứ khi làm giả.
Cậu đứng thẳng người, nói: "Bình sứ xanh cũng là đồ giả, là cháu làm."
Khóe miệng Lương Hạc Thừa ngậm ý cười: "Mấy cái này, toàn là ta làm cả."
Tại sao lại đập vỡ bình sứ xanh? Bởi vì làm không tốt, không đủ tư cách để đặt trong căn phòng xập xệ này.
Kỷ Thận Ngữ không xót xa chút nào, nếu không quẳng, có khi cậu lại ngượng lắm ấy chứ. "Ông ơi." Cậu hỏi, "Tài hoa của ông tuyệt đến thế, sao lại ở trong một căn nhà xoàng xĩnh thế này, đến bệnh cũng không chữa được ạ?"
Lương Hạc Thừa đáp: "Mắc bệnh nan y ắt phải chết, ta đây neo đơn không nơi nương tựa, trị bệnh gì nữa, sống đến trăm tuổi có nghĩa gì đâu?" Ông vẫn che phổi, khối u đang sinh trưởng ngay trong đó, "Ta đã từng nhận đồ đệ, học chưa được bảy phần đã không kìm được lòng tham, trộm đồ của ta, phá hỏng thanh danh của ta. Ta gặp cháu, cháu thiện tâm, còn hiểu nghề, ta bèn muốn nhìn xem chúng ta có duyên phận hay không."
Kỷ Thận Ngữ đã hiểu hết tất cả, ông cụ có ý nhận cậu làm đồ đệ. Cậu cứ tưởng Kỷ Phương Hứa đã qua đời, chút tài cán ấy của mình rồi sớm muộn cũng sẽ hoang phí, mà không ngờ rằng vận mệnh đã sắp đặt một quý nhân cho cậu.
Còn hơn cả quý nhân nữa, ông cụ mắc bệnh, ngôn từ lẫn phong thái giống hệt như Kỷ Phương Hứa trong hai năm cuối đời.
Kỷ Thận Ngữ xúc động, nhìn mảnh sứ vỡ vụn rải khắp đất chẳng thể đặt chân lên, một lát sau, sấm sét nổ uỳnh ngoài cửa sổ, cậu kéo đệm lót ghế xuống, trịnh trọng quỳ giữa tiếng mưa rơi.
Lương Hạc Thừa nói: "Con phải hứa đã."
Kỷ Thận Ngữ bèn hứa: "Vững lòng học nghề, phụng dưỡng chăm việc nhà... Sinh lão bệnh tử con ở bên, sau trăm tuổi con an táng." Lúc trước Kỷ Phương Hứa nhận cậu làm đồ đệ bên mình, cậu mới mấy tuổi đầu, cứ quỳ và đọc chuỗi câu này.
Lương Hạc Thừa vỗ đầu gối: "Nên gọi ta rồi đấy."
Cậu vịn vào đầu gối đối phương: "— Sư phụ."
Màn mưa dày đặc, rơi theo từng cơn, hóa thành từng bãi nước đục. Kỷ Thận Ngữ bái sư xong thì không làm gì khác, bung dù dọn sân, gom hết đồ cũ lại, tính để lần sau mua mấy bồn cây hoa.
Lương Hạc Thừa ngồi giữa cửa, khoác chiếc áo tàn tạ ngậm tẩu thuốc, hoàn toàn rặt một vẻ hưởng thụ. Tiếc là chưa được hưởng thụ lâu thì Kỷ Thận Ngữ đã giật cái tẩu, nói năng rất hùng hồn: "Ung thư phổi mà còn hút thuốc, từ nay cai đi nhé."
Lương Hạc Thừa không phản kháng, chỉ nghe rồi thôi, bắt chéo chân nhắm mắt dưỡng thần. Kỷ Thận Ngữ tất bật dọn dẹp cả ngoài lẫn trong mệt đứ đừ, dựa khung cửa lắng nghe tiếng mưa với Lương Hạc Thừa. Một lúc lâu sau, cậu hỏi: "Sư phụ ơi, người không muốn hiểu thêm về con ạ?"
Lương Hạc Thừa nói: "Còn nhiều thời gian mà, gấp làm gì."
Con người ấy mà, đức hạnh giống nhau hết, người ta càng không hỏi, mình càng muốn nói, Kỷ Thận Ngữ bèn chủ động kể: "Quê nhà con ở Dương Châu, sư phụ đã qua đời, con đi theo bạn cũ của ông ấy đến đây, vừa làm đồ đệ vừa làm con nuôi."
Lương Hạc Thừa xốc tinh thần: "Vậy tài năng của con là thừa hưởng từ sư phụ nào?"
"Từ sư phụ đầu tiên, vừa là sư phụ, cũng là bố ruột." Kỷ Thận Ngữ đáp, "Nhưng mà... Con thẳng thắn với người luôn, thật ra con chủ yếu không phải học cái này, mà là chạm khắc đá quý."
Lương Hạc Thừa hỏi: "Sư phụ hiện giờ của con là ai?"
Kỷ Thận Ngữ ngồi xổm xuống: "Ông chủ của Ngọc Tiêu Ký, Đinh Duyên Thọ."
Lương Hạc Thừa vừa giật mình vừa mừng: "Ông chủ Đinh ư?!" Ông chỉ tay về phía sau, "Con nhìn cả cái căn phòng kia đi, đủ loại đồ cổ, nhưng có phải chỉ duy không có đồ trang trí bằng đá quý không? Điêu khắc khác ngành, dù có khắc ra được cũng không thoát khỏi pháp nhãn của sư phụ con đâu!"
Không nhắc đến còn ổn, chứ đã nhắc rồi thì lại thấy hơi thấp thỏm.
Đến tận khi rời đi rồi, Kỷ Thận Ngữ vẫn không thấy thoải mái tẹo nào, khi về phố Sát Nhi trông thấy cửa nhà họ Đinh, sự khó chịu đó càng bị đẩy đến đỉnh điểm. Cậu chột dạ, áy náy, lo lắng, bộp chộp đi bái sư, quên mất mình vốn đã có sư phụ, còn là người sư phụ đối xử tốt với cậu đến vậy nữa.
Bước vào cửa, vừa lúc Đinh Duyên Thọ đang đứng ngay bên cái ao trước tường bình phong, vừa thấy cậu đã mỉm cười, hỏi trời đổ mưa mà con chạy đi đâu chơi vậy.
Kỷ Thận Ngữ không dám đáp, bèn chui dưới tán ô để đỡ cánh tay Đinh Duyên Thọ, cũng lấy thức ăn cho cá từ tay đối phương ném vào nước. Ao vừa trong vừa nông, mấy con cá chép đỏ vẫy đuôi, hai thầy trò nhìn đến là mê mẩn, đợi đến khi trên mặt nước hắt thêm một bóng dáng mới hoàn hồn.
Đinh Hán Bạch nhìn bọn họ: "Cho cá ăn mà làm như thể Tô Thức Đăng Cao thế này, sao vậy, Ngọc Tiêu Ký lại phải đóng một cửa hàng nữa à?"
(*Ở đây tôi không hiểu lắm, nhưng Tô Thức, hiệu Đông Pha cư sĩ, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Dựa theo sự nghiệp chính trị thì ông từng gặp một giai đoạn bấp bênh, đi ẩn cư. Còn Đăng Cao là bài thơ của Đỗ Phủ, được tác giả làm dịp tiết trùng dương năm Đại Lịch thứ 2 (767) khi ở Quỳ Châu, chỉ trước khi qua đời khoảng 3 năm. Bài thơ thông qua miêu tả cảnh sắc mùa thu lúc lên cao, diễn tả tâm trạng buồn đau lúc già bệnh mà thân phiêu bạc xa quê đã lâu ngày. Nên mạnh dạn đoán là ý muốn nói rằng: Hai người cho cá ăn mà ngẩn ra như thể gặp chuyện gì buồn đau, đầy suy tư.)
Đinh Duyên Thọ giả bộ mù: "Thận Ngữ à, chúng ta về phòng xem tivi đi."
Hai thầy trò xem Đinh Hán Bạch như không khí. Kỷ Thận Ngữ đỡ sư phụ về phòng, khi vòng qua tường bình phong thì ngoái đầu lại nhìn Đinh Hán Bạch một cái. So với Đinh Duyên Thọ, cậu sợ Đinh Hán Bạch hơn, dù gì Đinh Hán Bạch cũng dám đập bàn quát cả bố đẻ của mình cơ mà.
Cũng chẳng sợ hoàn toàn, dẫu sao cũng không muốn trêu chọc, nhiều một chuyện chi bằng bớt đi một chuyện.
Đến giờ cơm tối, Đinh Hán Bạch tập trung ăn cá hấp, nhưng bong bóng cá có mấy đâu mà gắp, trong khi mấy bộ phận khác thì lại ngại không đủ non. Đũa tạm dừng một chốc, Kỷ Thận Ngữ ngồi bên chưa ăn, cậu bèn gắp một cái đã gắp trước đó vào bát hắn.
Hắn xoay mặt sang, Kỷ Thận Ngữ mỉm cười với hắn.
Ăn canh, hắn chẳng múc được mấy miếng cồi sò điệp, Kỷ Thận Ngữ lại gắp cho hắn vài miếng.
Ăn cơm xong thì gặm dưa hấu, hắn vờ lười động đậy, Kỷ Thận Ngữ bèn cắm một miếng dưa cho hắn.
Lòng Đinh Hán Bạch rúng động, hắn đã nhìn ra từ bảy đời, thằng nhãi Nam Man này lên phương Bắc ăn nhờ ở đậu, thế nhưng khi đã không cam phục người ta, khinh khỉnh lên cũng thành nhóc đáng ghét. Hôm nay lại khác thường, còn tri kỷ hơn cả người hầu, vô sự hiến ân cần – Phi gian tức đạo*.
(*Khi không tỏ ra ân cần, không phải chuyện gian trá thì cũng là phường trộm cắp.)
Đinh Hán Bạch vẫn yên lành, không bị gian, vậy tức là đạo rồi. Hắn hạ giọng hỏi: "Cậu trộm mười vạn tệ của anh à?"
Kỷ Thận Ngữ sửng sốt: "Nào có, ai lạ gì..."
Đoán ra là cậu không dám mà, Đinh Hán Bạch nghĩ vậy. Tối đó cả nhà ngồi xem tivi, Đinh Duyên Thọ ra ngoài đóng cửa, khi về bỗng hét toáng lên, định dọa con mèo hoang nằm ngoài cửa.
Soạt – Kỷ Thận Ngữ đứng phắt dậy, thấp giọng hô: "Xong đời rồi!"
Khương Sấu Liễu không nghe rõ, nhưng Đinh Hán Bạch thì nghe không sót chữ nào, sau đó yên lặng quan sát cả đêm, bèn nhận ra chỉ cần Đinh Duyên Thọ hơi cựa quậy cái là mắt Kỷ Thận Ngữ đã hiện vẻ hoảng hốt, đúng kiểu chim sợ cành cong.
Cuối cùng cũng đến lúc về tiểu viện, Kỷ Thận Ngữ đi phía trước, Đinh Hán Bạch theo sau, vào cổng vòm rồi thì đá cho chậu trúc Phú Quý ngã lăn quay, tiếng động đó khiến đối phương sợ giật bắn. Đinh Hán Bạch hỏi: "Làm chuyện gì đuối lý à?"
Kỷ Thận Ngữ quay đầu lại, mặt trắng bệch dưới ánh trăng: "Không, em tưởng là có chuột chạy."
Cái lí do này rất ngu, Đinh Hán Bạch đâu chịu tin: "Hôm nay đã làm gì?"
Kỷ Thận Ngữ không rành nói dối, nhưng biết đánh trống lảng: "Mấy ngày trước em mơ mình quay về Dương Châu, trong mơ có bố em, và cả anh nữa. Bố em trách em không nhớ ông ấy, thế mà bỗng dưng không thấy đâu nữa, tìm cũng chẳng ra."
Nói rồi nói thành ra chân thành, cách mấy bước chân chợt hiện bóng hình của Kỷ Phương Hứa, Kỷ Thận Ngữ lùi về sau đến bên bàn đá, hỏi: "Sư ca ơi, có thể tặng em ánh trăng lần nữa không?"
Hiệu lực có hạn trong một buổi tối, nhưng rất có ích.
Đinh Hán Bạch nhìn lên trời: "Trời đổ mưa, không có trăng."
Người trước không truy cầu thêm, người sau không truy hỏi nữa, ai nấy tự đi mất.
Kỷ Thận Ngữ ngồi trên giường đọc cuốn "Chiến tranh và hòa bình" lần thứ hai, rất cần mẫn giở trang, song chẳng lọt vào đầu tí gì cả. Không bao lâu sau có người gõ cửa, là Khương Thải Vi bưng sọt thêu thùa đến.
Khương Thải Vi nói: "Thận Ngữ này, dì đan cho cháu một đôi găng tay, nên muốn hỏi cháu thích lót nhung hay bông vào?"
Kỷ Thận Ngữ được ưu ái mà hãi: "Đan cho cháu ấy hả? Thật ạ?"
Khương Thải Vi bị phản ứng của cậu chọc cười: "Đúng vậy, dì vừa học được đó, đan không tốt lắm đâu."
Trước đây cậu theo Kỷ Phương Hứa, không phải lo ăn lo mặc, cũng chẳng có ai bận tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, lúc Kỷ Thận Ngữ nhận sợi len còn háo hứng đến nỗi tay túa mồ hôi. Khương Thải Vi mở ra cho cậu xem: "Vừa đan xong một chiếc, vốn là cổ găng tay nhún, nhưng thấy lọt gió nên tháo ra rồi."
Kỷ Thận Ngữ vội ướm vào tay: "Hình như hơi rộng thật." Đâu chỉ "hơi", mà buông thõng tay xuống còn rơi được ấy chứ.
Khương Thải Vi lúng túng mỉm cười: "Dì nên đo cỡ trước mới phải, đan lần đầu, nên không chính xác được."
Kỷ Thận Ngữ xác nhận: "Lần đầu tiên dì đan, là để tặng cho cháu ạ?"
Khương Thải Vi bị hút hồn bởi ánh sáng trong đôi mắt cậu, trả lời chậm nửa nhịp: "... Ừ, nơi đây là nhà của cháu, cháu ở nhà thì không cần thấy mình khác với mọi người, hiểu chưa?"
Kỷ Thận Ngữ gật đầu, sau đó Khương Thải Vi đo cỡ tay của cậu, cậu duỗi ngón tay ra không dám động đậy, lúc được đối phương chạm vào, tim đập loạn nhịp.
Đây là lần đầu tiên cậu chạm tay con gái, nhúc nhích một tí thôi cũng sợ không đủ quân tử. Đợi Khương Thải Vi đi rồi, cậu nào nhớ đến nỗi sầu ưu nữa, nằm trên giường lăn lộn đợi mùa đông đến nhanh hơn, muốn đeo đôi găng tay mới tinh ngay lập tức.
Khương Thải Vi về tiền viện, vào phòng thì thấy giấy gói kẹo trên bàn: "Cháu ăn sạch sô-cô-la của dì rồi à?!"
Đinh Hán Bạch ngẫm mùi vị: "Cháu sợ dì ăn sẽ mập, mà mập thì khó tìm dượng út lắm." Ngày nào hắn cũng quanh quẩn bên ranh giới khoan nhượng của Khương Thải Vi, thi thoảng giẫm lên ranh giới vẫn dỗ dành được, "Sao, cậu nhóc thấy găng có vui không?"
Khương Thải Vi đáp: "Vui lắm, nghe dì bảo đan găng tay cho nó, mắt sáng rực." Cô đập Đinh Hán Bạch một cái, "Đều tại cháu đó, đột nhiên qua bảo dì an ủi người ta, còn gạt người ta nữa, suýt nữa là lòi đuôi rồi."
Đinh Hán Bạch cầm một chiếc găng lên, kích cỡ đó vừa nhìn cái đã biết là khá vừa với hắn, hắn bèn cười rồi né sang một bên: "Thế lót nhiều bông nhé dì, đừng để đôi tay phương Nam ấy bị tổn thương do giá rét phương Bắc đó."
Hắn ở thêm một chốc, khi về thì phòng ai nấy cũng đã tắt đèn, mái hiên tích nước, lúc đi ngang qua cửa sổ phòng Kỷ Thận Ngữ vẫn có thể nghe thấy tiếng động bên trong. Í a í a, hát một khúc dân ca, hắn dừng bước nghe đôi ba câu, nghe không rõ từ, song vẫn giơ tay đập phách.
Kỷ Thận Ngữ nhổm phắt dậy khỏi giường, lăn mình đến bên cửa sổ, nói: "Ra là một tên trộm nhiệt thành với âm nhạc."
Đinh Hán Bạch đập cửa sổ: "Đậu xanh, tắt đèn còn không ngủ đi, ngâm nga tà âm gì nữa."
Kỷ Thận Ngữ đáp: "Dì út đan găng tay cho em đó." Giọng điệu khoe khoang, chứa đựng sự phấn khích không thể xem nhẹ, "Em muốn tặng dì một cái vòng tay, anh đưa em ra chợ vật liệu được không?"
Đinh Hán Bạch hỏi: "Có phải anh còn phải cho cậu mượn tiền không?"
Kỷ Thận Ngữ đẩy mạnh cửa sổ ra, tóm lấy cổ tay Đinh Hán Bạch rồi cười ha ha, như bị điên. Đinh Hán Bạch chẳng nhìn rõ nổi dưới cảnh tối lửa tắt đèn này, chỉ đành kề sát vào, sợ người trong phòng nhào ra rồi ngã.
Cổ tay nới lỏng ra, Kỷ Thận Ngữ nói: "Đã nhớ cỡ rồi, em cũng làm một cái cho anh."
Đinh Hán Bạch mạnh miệng: "Ai lạ gì, anh chỉ đeo đồng hồ thôi."
Cửa sổ lại bị đóng, giọng nói trở nên mờ ảo, câu chữ đều tan ra dưới nước mưa tí tách... Vậy em vẫn muốn tặng, Kỷ Thận Ngữ nói. Đinh Hán Bạch lặng thinh một lát, thốt một câu cực nhỏ, "Ngủ ngon".
Cất mấy bước về phòng, hắn tháo chiếc đồng hồ trên cổ tay xuống.
Editor: Vì em Ngữ đã bái sư rồi nên từ nay về sau, xưng hô giữa Lương Hạc Thừa và em Ngữ sẽ là: Ta-con, con-người nhé.
Mà anh Bạch nhé, mạnh miệng cho lắm có ngày nghiệp quật =))
*Chú thích:
1. Cặp chén họa tiết rồng cưỡi mây đỏ
2. Nắp ấm bằng gốm Yue
3. Chén Bát Tiên bằng sứ Thanh Hoa
4. Bát rửa bút men trắng hình lá sen