Tố Thủ Kiếp

Chương 12: Ba Vị Hòa Thượng Thiếu Lâm




Mấy trăm năm nay, phái Thiếu Lâm tuy luôn luôn bị lôi cuốn vào những cuộc thị phi ân oán của vũ lâm nhưng đều ở vào trường hợp vạn bất đắc dĩ, không xuất đầu lộ diện không được. Đến như việc một vị chưởng môn phải cải trang dịch phục ra chốn giang hồ dò thám những chuyện bí mật, để tiêu tai giải ách thì thật chưa từng nghe thấy bao giờ. Và áo cà sa của nhà Phật đâu có cho phép được tự tiện thay đổi.

Tất cả những sự rắc rối khó khăn đó cứ lẩn quẩn trong óc vị cao nhân Phật môn làm cho ông hết sức lúng túng, không biết giải quyết cách nào. Giữa lúc ấy chợt nghe có tiếng niệm Phật, Bách Nhẫn đại sư trông ra thấy một vị trung niên hòa thượng mặc áo tăng bào xanh, cung kính cúi đầu đứng chực ngoài cửa viện, ông bèn hỏi:

- Có phải Bách Tường sư đệ đó không?

Vị hoà thượng từ từ ngẩng đầu lên nói:

- Tiểu đệ vào đây đã lâu nhưng không dám kinh động sư huynh.

Bách Nhẫn cười nói:

- Sư đệ vào đây vừa hay, ta cũng có một việc cần, muốn bàn với sư đệ.

Vị hòa thượng vâng lời bước vào, cung kính hỏi:

- Chẳng hay sư huynh định chỉ giáo việc gì?

Bách Nhẫn nói:

- Các vị sư trưởng chùa Thiếu Lâm ta đã có vị nào cải trang du hiệp giang hồ bao giờ chưa?

Kể trong hàng tăng lữ thì Bách Tường đứng vào hàng chữ “Bách” cùng với Bách Đại hai người tuổi còn rất trẻ, nhưng vũ công tài trí thì đã vượt hẳn quần tăng vì thế nên được mọi người ca tụng, tôn là “Thiếu Lâm long hổ song tăng”. Uy danh ở trong giang hồ còn lừng lẫy hơn cả Bách Nhẫn. Khi nghe Bách Nhẫn hỏi thế, ông trầm ngâm một lát rồi thưa rằng:

- Các sư trưởng đời trước tuy chưa từng có ai cải trang du hành giang hồ, nhưng môn quy của chùa ta cũng chưa hề nói rõ rằng phải ngăn cấm chuyện đó.

Trong khi Bách Tường nói thì Bách Nhẫn vẫn chắp tay ra sau lưng, đi đi lại lại quanh thiền phòng, khi nghe ông nói dứt lời chợt dừng chân lại, dường như đã có một quyết định gì quan trọng, bèn đưa mắt nhìn Bách Tường rồi nói:

- Sư đệ lập tức thông tin cho Bách Đại, cả hai cùng theo ngu huynh xuống núi.

Bách Tường ngẩn người hỏi:

- Còn các công việc trong chùa thì sao?

Bách Nhẫn nói:

- Tất cả đều giao cho Bách Trần, để hắn được toàn quyền xử lý.

Bách Tường nói:

- Theo lệ khi nào chưởng môn rời khỏi chùa, môn hạ đệ tử đều phải sắp hàng đi tiễn, sư huynh cứ sửa soạn sẵn, tiểu đệ xin ra ngoài truyền dụ.

Bách Nhẫn xua tay:

- Không cần. Sư đệ chỉ việc gọi Bách Trần đến để bàn giao công việc là đủ. Hành tung của chúng ta cần phải giữ bí mật, đừng để cho bọn đệ tử biết.

Bách Tường vâng lệnh lui ra. Trong bụng tuy lấy làm kỳ quái nhưng vì Bách Nhẫn mấy chục năm nay không hề hỏi đến công việc trong chùa và những chuyện của vũ lâm, suốt ngày chỉ tĩnh tọa trong thiền thất, nên Bách Tường dẫu thông minh nhưng cũng không đoán ra nguyên ủy.

Chừng một lúc không lâu, Bách Tường đã đưa Bách Đại, Bách Trần vào thiền phòng. Bách Nhẫn nói với Bách Trần:

- Ta muốn cùng Bách Đại, Bách Tường xuống núi ít lâu, công việc trong chùa hãy tạm giao cho sư đệ quản lý.

Bách Trần giật mình kinh sợ nói:

- Sư huynh là một vị chưởng môn danh phận tôn quý, nếu có việc gì sao không phái người đi mà phải thân lao đại giá?

Bách Nhẫn nói:

- Việc này ngu huynh không thân hành đi thì không xong.

Nói tới đấy lại với tay ra sau giường lấy cây thiền trượng đưa cho Bách Trần:

- Cây thiền trượng này là di vật của sư phụ, ngày thường ta vẫn để bên mình không dời một phút, lúc này ta phải đi xa, vậy trao lại cho sư đệ, sư đệ phải giữ gìn cẩn thận chớ để thất lạc.

Bách Trần quì xuống đỡ lấy thiền trượng nói:

- Chưởng môn sư huynh cứ yên tâm, tiểu đệ nguyện tận tâm tận lực, trượng còn người còn trượng mất người mất, không dám tơ hào sơ hốt.

Bách Nhẫn quay lại hỏi Bách Đại, Bách Tường:

- Hai sư đệ thu xếp hành lý xong chưa?

Bách Tường khom lưng nói:

- Tiểu đệ đã thu xếp xong, kính mời sư huynh khởi hành.

Bách Nhẫn đứng lên lại dặn Bách Trần:

- Những việc tiểu huynh dặn dò, sư đệ không được tiết lộ cho ai biết.

Bách Trần cúi đầu tuân lệnh, lúc ngẩng trông lên thì bọn Bách Nhẫn đã đi ra khỏi cánh cửa nách sau chùa. Vì muốn tránh tai mắt bọn tăng lữ đệ tử, ba người không dám đi ra cửa chính đều lần theo con đường vòng sau chùa, đi thẳng một mạch tới ba chục dặm mới dừng chân lại. Bách Đại hỏi:

- Bây giờ chúng ta định đi đâu?

Bách Nhẫn đáp:

- Đến nhà Nam Cung thế gia.

Bách Tường ngạc nhiên hỏi:

- Nam Cung thế gia nào? Hay là nhà Nam Cung được vũ lâm tôn là “Vũ lâm đệ nhất gia” phải không?

Bách Nhẫn đáp:

- Đúng đấy, hành tung của chúng ta không những chỉ giấu các đệ tử trong chùa, mà còn phải giữ bí mật không để cho một ai biết mới được.

Ngừng một lát ông lại tiếp:

- Tốt hơn hết là chúng ta nên cải trang cho kín đáo.

Bách Tường nói:

- Việc đó tiểu đệ đã chuẩn bị sẵn.

Nói xong mở khăn gói lấy ra ba bộ áo ngắn quần dài bằng vải thô cười nói:

- Bây giờ ta bỏ tăng bào ra, mặc bộ quần áo này vào, lấy đất cát bôi lên mặt thì còn ai biết là hòa thượng chùa Thiếu Lâm nữa.

Bách Đại hòa thượng cười nói:

- Hòa thượng cải trang có lẽ mới có bọn mình là người đầu tiên mở ra lệ đó.

Bách Tường đưa một bộ cho Bách Đại, hai người cải trang xong định đưa một bộ cho Bách Nhẫn, chợt rụt tay lại nói:

- Bọn tiểu đệ cải trang đã đành rồi, nhưng còn chưởng môn sư huynh địa vị tôn quý, nếu nay mai câu chuyện cải trang đồn ra ngoài, không khỏi ảnh hưởng lớn đến uy vọng của phái Thiếu Lâm.

Bách Nhẫn cau mày nói:

- Sư đệ nói cũng có lý, nhưng nếu ta cứ ăn mặc thế này mà đi, thì hai vị sư đệ cải trang cũng vô ích.

Bách Đại nói:

- Bách Tường sư đệ là người đa mưu, thử nghĩ xem có cách gì không?

Bách Tường đáp:

- Hay là thế này, ta kiếm một cái cáng bằng tre để chưởng môn sư huynh ngồi lên, rồi dùng một mảnh vải đen che kín, tôi và sư huynh giả làm phu khiêng cáng. Như vậy chưởng môn sư huynh đỡ cải trang mà không bị ai nghi ngờ gì hết.

Bách Đại cười nói:

- Ừ kế đó hay đấy. Chúng ta vào rừng chặt tre đi.

Rừng tre ở cách đấy một quãng khá xa, hai người vào rừng chặt lấy mấy cây làm thành cái cáng, để Bách Nhẫn ngồi lên rồi khiêng đi. Dọc đường chỉ thấy xe ngựa rộn rịp, đông như mắc cửi, khách phần đông đều là nhân vật vũ lâm, kẻ đeo đao người cài kiếm quần áo gọn gàng. Bách Tường lấy làm lạ nghĩ thầm:

“Chưởng môn sư huynh thốt nhiên muốn đến nhà Nam Cung thế gia, tất nhiên phải có duyên cớ. Có lẽ những người này cũng chung một mục tiêu như bọn mình chăng?”

Giữa lúc đó chợt tai nghe tiếng vó ngựa dồn dập chạy sát tới phía sau lưng và một tiếng quát to:

- Tránh ra, mau!

Tiếng quát chưa dứt thì con ngựa đã vụt tới gần, kèm theo một luồng gió cuốn làm cho quần áo hai người tung bay phần phật. Bách Tường tắc lưỡi khen thầm: “Con thiến lý mã tốt quá! Chạy khỏe thật”

Chợt lại nghe tiếng quát:

- Tránh ra cho người ta đi!

“Vút” một tiếng ngọn roi dài đã vụt thẳng lên đầu Bách Đại. Thì ra Bách Tường mãi ngắm con ngựa đẹp quên không để ý, cứ nghênh ngang đi ở giữa đường thành ra Bách Đại cũng bị lôi kéo theo.

Nên biết Bách Đại là một trong mấy tay cao thủ nhất chùa Thiếu Lâm tai mắt nhanh nhẹn vô cùng, chỉ thoáng nghe tiếng roi đã vội hạ thấp người xuống, cái cáng đặt trêи vai bị dốc về một bên, thành thử đầu ngọn roi ngựa lướt qua đầu Bách Nhẫn đại sư ngồi trêи cáng.

Một chàng thanh niên anh tuấn, tuổi trạc ngoài đôi mươi mình mặc võ trang, ngoài choàng một chiếc áo khoác đỏ, ruổi ngựa như bay nháy mắt đã vượt qua ba người. Bách Đại đưa mắt nhìn theo, lẩm bẩm nói một mình:

“Anh chàng trẻ tuổi này lỗ mãng thiệt! Cũng may ngọn roi quất vào đầu lão nạp, chớ quất vào đầu người khác thì vỡ sọ người ta ra rồi còn gì?”

Bách Đại tính tình điềm đạm khoáng đạt, nên chỉ nói thế rồi bỏ qua. Nhưng Bách Tường không thể dễ dàng tha thứ cho một hành động vô ý thức như vậy, liền rút một hạt bồ đề trong chuỗi tràng hạt ra, giơ tay ném thẳng vào chân sau con ngựa.

Con ngựa bị trúng thương đau quá, hí rầm lên rồi khuỵu hai chân trước xuống. Chàng thanh niên kỵ thuật rất tinh vi, hấy ngựa thốt nhiên bị ngã, chàng vẫn điềm tĩnh như thường chỉ sẽ cầm sợi dây cương kéo cho nó đứng dậy. Nhưng Bách Tường ra tay quá mạnh nên chân sau con ngựa bị thương rất nặng, đến nỗi đứng không vững lại ngã chúi về phía sau.

Lúc này chàng thanh niên mới nhảy xuống ngựa, trừng mắt nhìn bọn Bách Tường lạnh lùng hỏi:

- Ai ném ngựa của ta bị thương thế này?

Bách Tường lờ như không nghe tiếng vẫn điềm nhiên đi thẳng, gã thanh niên thấy hai người quần áo lam lũ, mặt mũi nhem nhuốc bộ dạng ngây ngô, liền nghĩ bụng:

“Có lẽ không phải hai tên này?”

Tuy chàng không nghi cho bọn Bách Tường nhưng vì tính cuồng ngạo đã quen, bèn cầm ngọn roi vút mạnh quát:

- Đứng lại!

Bách Tường giả bộ giật mình, ngoái đầu lại hỏi:

- Cái gì cơ?

Thanh niên đáp:

- Các ngươi phải đứng đây, chờ ta tìm thấy hung thủ ném ngựa bị thương đã rồi mới được đi.

Trông chàng thanh niên cốt cách rõ ra vẻ tiêu sái phong lưu đường đường nghi biểu, nhưng cách cử chỉ nói năng thì quá ngông cuồng kiêu ngạo. Bách Tường cười nhạt vừa toan mắng cho gã mấy câu, chợt nghe Bách Nhẫn đại sư sẽ đặng hắng một tiếng thi triển thuật “Thiên lý truyền âm” nói”

- Lúc này phải hết sức tránh, không được gây chuyện với người ta!

Bách Tường không dám trái lệnh, đành chỉ lui về một bên, khoanh tay đứng im. Chàng thanh niên ngước mắt nhìn quanh bốn phía rồi nói một mình:

- Quái lạ trong vòng mấy chục trượng quanh đây, không thấy bóng người nào cả, chẳng lẽ một người trong bọn ngươi ám toán ngựa của ta hay sao?

Gã ngừng một lát rồi lại lẩm bẩm:

- Chỉ đáng tiếc là các ngươi lại không có vẻ gì khả nghi cả!

Bách Đại, Bách Tường đều đưa mắt nhìn ra phía chân trời, hình như không nghe thấy chàng ta nói gì cả. Chàng thiếu niên nhìn quanh một lúc không thấy hình bóng nào khả nghi, chợt rảo bước đi về phía Bách Đại thiền sư, vỗ vai lạnh lùng hỏi:

- Người ngồi trêи cáng kia là ai thế?

Bách Đại cố ý làm ra vẻ kinh sợ nói:

- Đó là ông chủ tiểu nhân.

Chàng thiếu niên chạm tay vào mình Bách Đại, rờ đến đâu cũng chỉ thấy ông ta co quắp người lại, biết là đối phương không có vũ công bèn cười nói:

- Ông chủ ngươi có bệnh chăng?

Bách Đại trong bụng tuy giận nhưng miệng vẫn ngọt ngào đáp:

- Công tử đoán không sai, ông chủ tiểu nhân không may nhiễm bệnh nên phải lấy vải trùm kín cho đỡ gió.

Chàng thanh niên quay lại thấy chân ngựa đã gãy hẳn, xem chừng không thể đi được nữa, bèn thở dài một tiếng rồi bỏ ngựa đấy đi thẳng. Bách Đại nhìn theo thấy chàng đi đã xa bèn lập tức rảo bước đi nhanh, tới một khu rừng rậm gần đấy mới hạ cáng xuống. Bách Nhẫn đại sư mở mảnh vải đen ra, ngồi lên nói:

- Trêи đường Nam Dương, các nhân vật vũ lâm đi lại tấp nập thế này, có lẽ vị thí chủ họ Nhâm không nói dối mình?

Bách Đại chỉ một quả núi đứng trơ trọi một mình ở phía Tây Bắc nói:

- Quả núi kia chính là Độc sơn, nhà Nam Cung thế gia ở dưới chân núi ấy. Dãy nhà phía chính Bắc kia tức là Huyền Diệu quan đã nổi tiếng khắp miền Dự Tây đó. Bây giờ chúng ta không muốn lộ hình tích thì phải lên tới Độc sơn rồi tìm một chỗ kín đáo mà ẩn mình, hoặc là tạm trú ở Huyền Diệu quan.

Bách Tường vội nói đón:

- Vị quan chủ ở Huyền Diệu quan thân với tiểu đệ lắm, trước kia ông ta cũng là người trong làng võ nhưng mười năm nay ông đã không dính vào những chuyện giang hồ. Bây giờ chúng ta đến đó may ra cũng không đến nỗi bị cự tuyệt.

Bách Nhẫn nói:

- Chúng ta càng giữ được hàng tung bí mật bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Quan chủ Huyền Diệu quan tiếng tăm lừng lẫy, ta ở đấy rất dễ bị lộ. Chi bằng hãy vào Độc sơn rồi tìm chỗ nào kín đáo mà nấp, là tiện hơn hết.

Bách Đại, Bách Tường cùng nói:

- Sư huynh nói phải lắm. Chúng ta đi thôi!

Bách Nhẫn lại ngồi lên cáng, kéo mảnh vải trùm kín người rồi nói:

- Bây giờ còn sớm và khu rừng này rất kín đáo, ngu huynh ở đây chờ một lúc, hai sư đệ hãy ra ngoài dò thám vài việc đã, chờ mặt trời lặn hãy đi cũng không muộn.

Hai người đồng thanh nói:

- Tiểu đệ xin chờ lệnh.

Bách Nhẫn nói:

- Sư đệ Bách Tường thử vào Huyền Diệu quan hỏi thăm xem có phải Tam Tuyệt đạo trưởng vẫn chủ trì ở đó không? Rồi về báo ta biết.

Bách Tường khom lưng lĩnh mệnh, lập tức đi ngay. Bách Đại hỏi:

- Chắc sư huynh muốn tiểu đệ tới Nam Cung thế gia thăm dò tình hình trước phải không?

Bách Nhẫn nói:

- Dọc đường chúng ta gặp toàn những nhân vật vũ lâm nên ta ngờ rất có thể lúc này họ đã kéo đến nhà Nam Cung thế gia làm náo loạn lên rồi.

Bách Đại nói:

- Nếu vậy để tiểu đệ xin đi tra xét rồi sẽ về báo với sư huynh.

Bách Nhẫn gật đầu, dặn thêm:

- Cần nhất là đừng có động thủ với ai hết, dò thám được tin gì phải lập tức trở về ngay.

Bách Đại dạ một tiếng rồi hấp tấp đi luôn. Khu rừng này rất nhỏ, chu vi chỉ chừng hơn một mẩu. Bách Nhẫn chờ hai vị sư đệ đi khỏi lại đứng lên, chắp hai tay ra sau lưng, đi đi lại lại xem chừng có vẻ bồn chồn nóng nảy. Ước chừng nửa ngày, khi mặt trời đã gần xuống núi mới thấy Bách Tường trở về, Bách Nhẫn cau mày hỏi:

- Sao đi lâu thế?

Bách Tường nói:

- Tiểu đệ quanh quẩn ở trước cửa quan suốt cả buổi trưa, hỏi thăm vị quan chủ ở đây có phải Tam Tuyệt đạo trưởng không nhưng ai cũng lắc đầu trả lời không biết! Mãi sau tiểu đệ phải đến tận nơi, hỏi thăm một vị đạo sĩ mới hay Tam Tuyệt đạo huynh vẫn còn chủ trì ở đấy thật.

Bách Nhẫn vui vẻ nói:

- Vậy thì tốt lắm, khi nào cần ta sẽ nhờ ông giúp cho một tay.

Bách Tường nói:

- Nhưng theo lời đạo sĩ nói thì đã bốn năm năm nay ông ta không hề bước ra ngoài, dẫu người trong quan cũng không ai trông thấy mặt.

Bách Nhẫn ngạc nhiên hỏi:

- Sao lại lạ thế?

Bách Tường nói:

- Điều ấy chính tiểu đệ cũng không rõ, đã định vào hẳn trong quan tra xét tình hình xem hư thực thế nào, nhưng lại sợ lộ tung tích làm hỏng mưu kế của sư huynh, nên không dám tự tiện đành phải quay về.

Trong khi hai người đang nói chuyện thì Bách Đại cũng vừa về đến nơi. Trông ông ta có vẻ hết sức mệt mỏi, hơi thở hổn hển mặt mũi bơ phờ. Bách Nhẫn cả sợ hỏi:

- Sao thế? Sư đệ đã đánh nhau với ai rồi phải không?

Bách Đại vừa thở vừa lắc đầu:

- Không có.

Bách Tường hỏi:

- Sao trông sư huynh có vẻ mệt mỏi thế?

Bách Đại nói:

- Tuy chưa đánh nhau với ai nhưng bị người ta đuổi suốt từ chiều đến giờ.

Bách Nhẫn hỏi:

- Ai đuổi?

Bách Đại nói:

- Tiểu đệ cũng không biết là ai nhưng chắc đến tám phần mười là người nhà Nam Cung thế gia. Hình như hắn cố ý muốn đánh nhau nên cứ gia công đuổi mãi.

Bách Tường hỏi:

- Rồi sau sư huynh làm sao chạy thoát được?

Bách Đại nói:

- Tôi bị hắn đuổi gấp quá bèn nghĩ ra một kế, trốn vào Độc sơn dựa vào thế núi hiểm hóc và cây cối rậm rạp, mới đánh lạc hướng được hắn rồi chạy thẳng một mạch về đây.

Bách Nhẫn nói:

- Trời đã gần tối, chúng ta đem lương khô ra ăn rồi còn nghỉ ngơi một lúc cho lại sức. Rất có thể đêm nay chúng ta phải vào thám hiểm trong nhà Nam Cung thế gia.

Bách Đại ngần ngừ một lát rồi rụt rè hỏi:

- Sư huynh lần này thân hành dời Phật giá tới đây chẳng hay là vì cớ gì? Sư huynh có thể cho chúng tiểu đệ biết được không?

Bách Nhẫn đưa mắt nhìn quanh một lượt, không thấy ai khác mới thở dài nói:

- Tiểu huynh sở dĩ tới đây thực không có mưu đồ gì cả mà chỉ là muốn tra cứu một việc, việc đó có quan hệ đến kiếp vận của toàn thể vũ lâm sau này.

Ông đưa mắt nhìn bóng tà dương đang sắp ngậm non đoài nói tiếp:

- Nhưng cho mãi tới lúc này, ta vẫn chưa tìm được một minh chứng nào cụ thể có thể nói rõ ra được.

Bách Tường nghiêm trang nói:

- Việc Tam Tuyệt đạo trưởng lâu lắm không lộ mặt ra ngoài, tiểu đệ cũng dự cảm thấy là một điều bất tường, các vị chưởng môn các phái vũ lâm thân bút ký vào ước pháp làm cho nhà Nam Cung thế gia trở nên thần bí khó hiểu. Người trong giang hồ tuyệt không ai biết gì về họ cả.

Bách Nhẫn đại sư nói:

- Dụng ý của chúng ta tới đây hôm nay chính là ở chỗ đó. Mấy chục năm nay, những cảnh tao ngộ của nhà Nam Cung cũng có thể kể là sự đau buồn thê thảm nhất trêи giang hồ. Con cháu mấy đời nhà ấy đều bị giết, thi hài cũng không tìm thấy. Vậy mà chưa từng nói nhà Nam Cung có một hành động gì gọi là phục cừu.

Ông đang nói chợt nghe có tiếng chân từ ngoài cửa rừng đi vào, liền vội im bặt. Ba người đều quay ra nhìn chỉ thấy một người thân thể gầy gò thấp bé, mình mặc áo xám thủng thỉnh bước vào rừng. Khi trông thấy bọn Bách Nhẫn liền đứng dừng lại. Bách Đại bước ra sẵng giọng hỏi:

- Bằng hữu đừng chạy, đã chạm trán nhau ở đây sao không ghé lại nói chuyện một lát cho vui?

Ông ta đã cải trang mặc quần áo tục gia, nên nói năng cũng tập giọng phóng túng theo lối giang hồ mã thượng. Người mặc áo xám tỏ vẻ do dự một chút, rồi dõng dạc bước lên, đôi mắt loang loáng như ánh điện từ từ đảo qua mặt ba người một lượt, rồi nói:

- Các vị muốn nói chuyện gì?

Bách Nhẫn đại sư tuy tiếng tăm lừng lẫy nhưng rất ít khi ra chốn giang hồ vì thế không mấy người biết mặt, còn Bách Đại, Bách Tường thì vì đã cải trang nên mặc dầu người áo xám đã nhìn đi nhìn lại ba người một lúc thật lâu, rút cuộc vẫn không nhìn rõ chân tướng.

Bách Tường mỉm cười nói:

- Trông tướng mạo và y phục của các hạ thì hình như các hạ chính là Thần châu nhị quỷ đã khét tiếng giang hồ thì phải? Không biết tại hạ đoán có đúng không?

Người áo xám hơi giật mình nhưng sắc mặt vẫn giữ vẻ điềm tĩnh nói:

- Tại hạ chính là Bao Phương, xin thứ lỗi cho tại hạ vì đôi mắt không tinh không nhận rõ được lai lịch của các vị.

Bách Tường cười nhẹ nói:

- Gặp gỡ nhau hơn là sẵn quen nhau, Bao huynh cứ tùy tiện muốn gọi chúng tôi bằng gì cũng được.

Bao Phương cười nhạt:

- Thần châu nhị quỷ xưa nay không thích giao thiệp với những nhân vật không quen biết. Xin thứ cho huynh đệ cái tội không thể bồi tiếp được.

Nói xong quay mình một cái thân hình đã ở ngoài một trượng, Bách Đại đứng phắt dậy quát:

- Đứng lại!

Tiếng quát chưa dứt, người đã nhảy tới sau lưng Bao Phương, Bao Phương kinh sợ nghĩ thầm:

“Thân pháp khá thực!”.

Ngoài miệng vẫn lạnh lùng hỏi:

- Thế nào?

Bách Đại chắp tay cười nói:

- Bọn tại hạ muốn lưu Bao huynh lai. thì ngoài việc báo tên họ, còn có cách gì khác nữa không?

Bao Phương nói:

- Huynh đài khẩu khí phóng khoáng như vậy, tất phải có tuyệt nghệ kinh nhân?

Bách Đại cười nói:

- Các hạ quá khen! Câu hỏi của tại hạ vừa rồi sao các hạ không trả lời?

Bao Phương sầm nét mặt nói:

- Vậy là các hạ cố tình muốn gây chuyện?

Vừa nói vừa từ từ giơ tay phải lên. Lúc này ánh nắng chiều hôm chiếu qua khe lá vào trong rừng, trông rõ bàn tay hắn đen sì như mực.

Bách Đại mỉm cười nói:

- Chẳng trách giang hồ đồn ầm lên rằng Thần châu nhị quỷ một người luyện Thiết sa chưởng, một người luyện chu sa chưởng. Bàn tay Bao huynh đen thế kia chắc là Thiết sa chưởng phải không?

Bao Phương vừa sợ vừa buồn nghĩ bụng:

“Mình lăn lộn giang hồ suốt nửa đời người chẳng qua cũng chỉ uổng công, đối phương không chỉ biết rõ tên tuổi mình lại còn biết cả võ công của Thần châu nhị quỷ chuyên về môn gì, còn lai lịch của đối phương thì mình lại mù tịt.”

Hắn mãi nghĩ ngợi nên quên cả phóng chưởng, Bách Đại lại chắp tay cười nói:

- Xin mời Bao huynh!

Hai tay vẫn không buồn lấy thế, đủ rõ ông ta không coi đối phương vào đâu. Bao Phương giận lắm chợt quát lên một tiếng rồi phóng ra một chưởng. Bách Đại nhanh nhẹn né sang một bên tránh thoát, miệng vẫn cười nói:

- Tại hạ xin nhường huynh đài ba chiêu.

Bao Phương nổi giận nói:

- Ai cần ngươi nhường!

Tay lại giơ lên phóng luôn ra hai chưởng nữa. Bách Đại tránh xong hai chưởng đó mới vung tay lên thi triển mười hai ngón “Cầm Long thủ” của Thiếu Lâm phản công lại làm cho Bao Phương chân tay luống cuống, sơ ý bị Bách Đại khóa lấy uyển mạch ở cườm tay trái.

Bao Phương ngẩn người nhìn Bách Đại nói:

- Bao mỗ sinh nhai nửa đời người trong giang hồ, tuy gặp đã nhiều cao thủ nhưng chưa bao giờ mới có trong vòng mười chiêu đã bị bại như hôm nay.

Bách Đại cười nói:

- Cám ơn Bao huynh đã cố ý nhường nhịn. Tại hạ chỉ muốn yêu cầu Bao huynh hứa cho một câu, tại hạ sẽ xin thả Bao huynh ra ngay.

Bao Phương nói:

- Thần châu nhị quỷ vốn vẫn tự phụ khôn ngoan, bất đồ hôm nay lại bị người cho vào xiếc! Các hạ muốn gì cứ nói đi.

Bách Đại nói:

- Tại hạ chỉ yêu cầu Bao huynh đừng nói cho ai biết là gặp bọn tôi ở đây, thế là đủ.

Bao Phương trầm ngâm một lát rồi nói:

- Huynh đệ xin hứa.

Bách Đại cười nói:

- Người trong giang hồ rất trọng lời hứa, một lời nói ra nặng hơn thiết thạch. Mời Bao huynh đi.

Nói xong lập tức buông tay ra, Bao Phương gườm gườm nhìn Bách Đại giây lát rồi mới hấp tấp quay đi. Bách Đại cũng trở về chỗ. Bách Tường nói:

- Thần châu nhị quỷ xưa nay đi đâu cũng có đôi, không hiểu tại sao lần này hắn lại sang Nam Dương một mình? Tất nhiên phải có sự lạ?

Bách Nhẫn ngẩng đầu trông trời rồi nói:

- Khu rừng này ở gần đường cái, người đi kẻ lại đông đúc từ bây giờ đến đêm không chắc đã hết người tới. Chúng ta phải tìm một chỗ khuất vừa nghỉ ngơi di dưỡng tinh thần, lại vừa tránh được tai mắt thiên hạ.

Bách Đại chỉ tay lên một ngọn cây um tùm nhất chỗ đó, cười nói:

- Muốn tìm chỗ kín đáo không gì bằng trèo lên ngọn cây kia, nhưng sư huynh là một vị tôn trưởng chẳng lẽ...

Bách Nhẫn cũng cười nói:

- Người ta cũng cần phải thông quyền đạt biến, trèo cây thì có gì là mất thể diện?

Nói xong lập tức vén áo nhảy lên cây trước. Bách Đại, Bách Tường giấu cáng tre vào bụi rậm, rồi cũng phi thân nhảy theo. Khi ba người đã ngồi yên đâu đấy chợt nghe phía dưới có tiếng đằng hắng, tiếp theo là tiếng nói của Bao Phương:

- Đường lão tiền bối, trong rừng này ẩn thân không tiện, ta nên tìm nơi khác kín đáo hơn một chút.

Giọng hắn nói tuy to nhưng tiếng trả lời lại nhỏ quá, không sao nghe rõ. Một lát sau hình như Bao Phương không ngăn nổi người kia, nên lại nghe có tiếng chân đi vào rừng. Bách Đại rẽ lá cúi xuống xem, chỉ thấy Bao Phương và một bà già mặc quần áo vải đang sóng vai đi vào.

Bà già bao tóc bằng một chiếc khăn đen, mặt mũi dính đầy bụi cát, tay chống gậy trúc bước đi lọm khọm, nhưng không che giấu được đôi mắt sáng quắc như có thần quang. Bao Phương đưa mắt nhìn quanh không thấy bọn Bách Đại đâu mới đứng dừng lại, đằng hắng một tiếng. Bà cụ già nói:

- Khu rừng này yên tĩnh nhỉ?

Bao Phương đáp:

- Ở đây gần đường cái, chỉ sợ có người đi lại.

Bà già ngẩng nhìn lên ngọn cây nói:

- Chúng ta nấp lên cây kia, nếu có người vào rừng cũng không thể trông thấy được.

Nói dứt lời liền chống gậy trúc xuống đất, dùng thế “Tiềm long thăng thiên” người thẳng như cán bút từ từ bốc cao lên tới hai trượng, khi cây gậy trúc vừa chạm vào thân cây, người đã tà tà rơi xuống một đám lá um tùm rậm rạp.

Bách Đại đại sư trông thấy cũng bất giác tấm tắc khen thầm:

“Khinh công giỏi tuyệt, không biết bà ta là ai mà có được thân thủ như vậy?”

Bao Phương cũng nhảy lên theo ẩn mình trong một đám lá rộng. Trời đã dần dần tối, chim chóc về tổ đánh nhau chí chóe trêи các ngọn cây. Rồi thì mặt trời lặn, mặt trăng lên sao đêm lấp lánh, lúc này đã vào khoảng canh hai. Chợt nghe một giọng đàn bà cất lên:

- Khuya rồi đó, chúng ta nên đi đi thôi!

Kế đó có hai bóng đen từ trêи cây cao nhảy xuống, hấp tấp đi luôn. Hai người vừa đi khỏi một lúc Bách Nhẫn, Bách Đại, Bách Tường cũng lập tức nhảy xuống theo. Bách Đại thò tay vào mình lấy ra một vuông lụa đen đưa cho Bách Nhẫn nói:

- Sư huynh hãy tạm dùng chiếc khăn này che mặt cho kín đáo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.