Tơ Đồng Rỏ Máu

Chương 4: “Ngón tay khăn máu” Tái Xuất




Hung thủ là La Cường, 29 tuổi. Theo ảnh đăng trên tờ Tin chiều Tân Giang, hắn có khuôn mặt dài hình tam giác ngược, trán rộng má vát cằm nhọn, hai mắt cách xa nhau đầy vẻ tàn bạo, mũi sư tử, đôi tai vểnh, càng tăng thêm nét hung ác. Nếu cho hắn đứng chung với chục thanh niên bất kỳ, rồi bảo anh “chọn” ra một tội phạm giết người, tin rằng anh sẽ không do dự chỉ vào mặt La Cường nói, “Là thằng này!”

Chắc chắn anh không chọn nhầm, vì anh còn chưa biết một điều rất có sức thuyết phục, hắn từng có tiền sự về tội lưu manh.

Không chỉ La Cường có tiền sự lưu manh, mà La Dực Vũ cho hắn cũng có tiền sự lưu manh.

“Cha yêng hùng con hảo lớn”, không cần học về gen anh cũng biết đã không bắt nhầm người.

Trần Ngọc Đống đã là tổ phó tổ chuyên án, là người có công lớn bắt được La Cường đưa về xử lý. Trong cuộc họp biểu dương các tấm gương tiên tiến, người ta được biết Trần Ngọc Đống đã từng thức trắng sáu đêm liền để phá vụ án này. Sau hai phen “trắng tay” khi trước, Trần Ngọc Đống hiểu ra rằng càn quét kiểu cuốn chiếu hoặc huy động “toàn dân tham gia” khó có thể có kết quả. Nếu không vận dụng kỳ binh, không phát huy mở rộng tư duy thì khó mà phá giải được vụ án hết sức mơ hồ này.

Số lượng người bị hại đã cung cấp điều kiện có lợi cho việc tổng kết và quy nạp, ba cô gái này có những điểm chung gì?

Trước tiên là địa điểm mất tích, đều ở khu Tân Giang, chứng tỏ hung thủ tương đối quen và cảm thấy gây án ở vùng này sẽ an toàn. Cho đến giờ hắn vẫn chưa để lộ mảy may dấu vết, chứng tỏ hắn tính toán kín kẽ, hành động cẩn thận. Một kẻ như hắn sẽ không ra tay ở địa điểm lạ, không mù quáng tùy tiện trong việc chọn nạn nhân, cũng không phải là bột phát gây án mà đã có toan tính rất kỹ, cho nên mới không hề để lại dấu vết giằng co vật lộn. Những điều này đồng thời cho thấy, một là, hung thủ có thể đã được đi học ở mức độ nào đó, hai là rất có thể hắn và ba cô gái này ít nhiều có tiếp xúc với nhau.

Mặt khác, sử dụng thủ đoạn tàn nhẫn như thế, lại liên tiếp gây án vài lần, chứng tỏ hắn không phải lần đầu phạm tội. Các chuyên gia của Bộ, của công an tỉnh và công an thành phố đã giúp tổ chuyên án phân tích rằng, hành vi phạm tội của hung thủ trọng án thường nâng cao dần, và đều có những đặc trưng trước khi phạm tội, vì dụ, bọn cướp đường sông đều bắt đầu từ những kẻ từ bé đã trộm cắp vặt, những kẻ sát nhân tàn độc đều bắt đầu từ đánh nhau ẩu đả…

La Cường có đầy đủ những đặc trưng này.

Cha hắn là La Dực Vũ, trước 1949, khoảng 17-18 tuổi đã trở thành tên du côn khét tiếng ở vùng Tân Giang, chỉ huy hơn trăm tên đàn em. Không phải y có sức khỏe đặc biệt hay là con nhà nòi xã hội đen, mà vì y có cái đầu tinh quái hơn người cùng khả năng nắm bắt thời cơ. La Cường “thừa kế” bộ óc ấy của La Dực Vũ, hắn học rất nhanh nghề sửa chữa đồ điện gia dụng và mánh khóe buôn bán, mở cùng lúc một cửa hàng thời trang và một ảnh viện, mau chóng kiếm được tiền, lại bắt tay mở hàng ẩm thực và bách hóa nho nhỏ, ngầm chiêu binh mãi mã rồi làm một tên trùm giữa vùng giáp gianh hai khu Tân Giang và Văn Viên. Không ai ngờ rằng hắn còn dư sức tự ôn rồi dự thi đại học dành cho người lớn tuổi, rồi lấy được bằng tốt nghiệp. Tấm bằng đại học cao đẳng vào những năm ấy gần như một huyền thoại, nó “có giá” hơn cả cử nhân chính quy thậm chí thạc sĩ tiến sĩ ngày nay.

Vốn có câu “thỏ khôn có ba hang”, với hiệu thời trang, ảnh viện, hiệu ăn, bách hóa cơ khí… La Cường có đến 100 hang!

Ngay từ khi điều tra vụ án Nghê Phượng Anh, Trần Ngọc Đống đã để mắt đến La Cường. Hắn không chỉ là bạn cùng học lớp ban đêm với Nghê Phượng Anh mà còn từng cặp kè với cô ở sân trượt băng nhân tạo. Về sau nghe nói cô có bạn trai là một cảnh sát vũ trang nhân dân thì hắn không bám riết nữa. Khi trước Trần Ngọc Đống không có thêm chứng cứ gì để nghi ngờ La Cường nên anh gác lại cho qua.

Ba năm sau, một cô bạn của Mã Vân kể lại, trong buổi tối mùa hè mà Mã Vân mất tích ở bờ sông, La Cường cùng mấy gã bạn có đi qua và đề nghị mua nước ngọt cho mấy cô gái, nhưng các cô đã khéo léo từ chối. Tương tự lần trước, Trần Ngọc Đống không có chứng cứ gì để nghi ngờ La Cường liên quan đến sự việc Mã Vân mất tích. Các bạn của hắn đều quả quyết khai rằng cả tối hôm đó La Cường chỉ đi chơi cùng họ.

Tiết Hồng Yến đã từng làm nhân viên bán hàng ở tiệm thời trang của La Cường. La Cường có cả bầy gái gú, và tật háu gái của hắn chẳng phải bí mật với ai. Không có gì đảm bảo rằng họ không dan díu, nhưng dẫu sao đây cũng chỉ là phỏng đoán.

Sau khi ba cô gái mất tích, La Cường không có biểu hiện gì khác thường, cuộc sống giang hồ vẫn tiếp tục. Nhưng khi việc điều tra vụ Tiết Hồng Yến tưởng chừng bế tắc thì cảnh sát khẳng định La Cường là hung thủ.

Về lý thuyết, La Cường phù hợp là hung thủ nhưng cảnh sát không thể dùng “lý thuyết” để còng tay hắn.

“Lý thuyết” thôi thúc Trần Ngọc Đống thuyết phục được một gã lâu la của La Cường, điều động hắn theo sát La Cường và thu thập mọi chứng cứ liên quan đến vụ án “ngón tay khăn máu”, hễ có được thì báo cáo, chưa có thì thôi.

La Cường vốn ham chụp ảnh, ảnh viện là một trong những nền tảng để hắn làm nên cơ nghiệp. Chân rết của Trần Ngọc Đống đã tìm thấy trong buồng tối của ảnh viện ba tấm ảnh của Mã Vân!

Và cả vài tấm ảnh của Tiết Hồng Yến nữa!

Nhìn góc chụp và vẻ mặt hai cô gái trong ảnh, có thể kết luận đây là những tấm ảnh chụp lén. Tin được báo ngay cho Trần Ngọc Đống. Sau đó, vào lúc chập tối yên tĩnh, hơn hai mươi chiến sĩ cảnh sát chia nhóm xông vào nhà La Cường bắt tên nhà giàu đã lộ rõ bản chất lưu manh này, vài cảnh sát khác xông vào buồng tối của ảnh viện.

Họ phát hiện rất nhiều ảnh thiếu nữ, đều là ảnh chụp lén từ cự li xa.

Kể cả ảnh của Nghê Phượng Anh năm năm về trước.

Chứng cứ đã rõ ràng, La Cường “vừa khéo” khớp với những nạn nhân của vụ án “ngón tay khăn máu”, tất nhiên có thể suy luận là hắn đang đi tìm con mồi mới. Những tấm ảnh này như sổ tay ghi chép của hắn. Hắn không phủ nhận các tấm ảnh, và lý sự rằng mình thích chụp ảnh các cô gái xinh, xuất phát từ đam mê cái đẹp, ai chẳng thích cái đẹp? Làm thế là phạm pháp hay sao?

Thẩm vấn liên tục mà không thắng được ý chí rắn đanh của La Cường, hắn gan lì đến cùng, quyết không nhận tội. Cảnh sát mở r6on5g và di sâu thẩm vấn, mấy tên đàn em ngày trước nói La Cường đi chơi cả đêm với chúng, nay thấy tình thế nguy ngập bèn “khai lại” không cam đoan như thế nữa. Thực ra những buổi tối xảy ra các vụ mất tích, La Cường đi đâu không ai biết. Có lẽ hắn đang rửa ảnh trong buồng tối, hoặc hắn đang ở với một trong các cô bạn gái khác, hoặc hắn đang gây án “ngón tay khăn máu” cũng nên. Có vô số khả năng, và chính hắn cũng không thể chứng minh mình không hề dính líu.

La Cường một mực cãi phăng, vẫn rất bình tĩnh. Không thể chứng minh mình vô tội, không có nghĩa là thừa nhận mình có tội.

Khi cả cảnh sát lẫn La Cường đang ở thế giằng co thì người ta đã tìm thấy trong hang ổ của La Cường mộ chứng cứ đầy sức nặng.

ở khu Văn Viên gần Đại học Công nghiệp Giang Kinh có một cửa hàng kim khí do một trợ thủ của La Cường kinh doanh, cảnh sát tìm thấy trong thùng rác đặt ở con hẻm bên cạnh có chiếc quần bảo hộ lao động cũ kỹ. Cảnh sát hình sự tìm thấy vết máu dính ở cái quần này. Vết máu đó đã rung tiếng chuông báo tử cho La Cường.

Các sợi tóc, các tế bào da... chứng minh quần này là của La Cường. Kết quả xét nghiệm vết máu, chứng minh đó là máu của Tiết Hồng Yến.

Chứng cứ tuy đanh thép nhưng La Cường vẫn phủ nhận. Máu của Tiết Hồng Yến mà có thể dính vào quần hắn! Hắn cười khẩy nói Tiết Hồng Yến là bồ của hắn, cô ra rất quái đản, nên phải tẩn cho một trận để cô ta biết điều, chỉ chảy máu xước da thì chết sao được?

Hắn đã phủ nhận hành vi gây án, tất nhiên càng không thể nói gì về tung tích của ba nạn nhân.

Cho đến ngày bị đưa ra trường bắn, hắn vẫn không hề tỏ ra hối cãi.

Tung tích của ba cô gái cũng tan biến cùng tiếng súng xử tử.

Sau năm mùa nóng lạnh, vụ án “ngón tay khăn máu” đã trở thành lịch sử. Thỉnh thoảng cũng có vài cô gái mất tích, có cô giận gia đình nên bỏ nhà ra đi, có cô trốn theo người tình, có cô bị lừa bán về vùng nông thôn hẻo lánh làm vợ người ta… nhưng đều không có tình tiết “ngón tay khăn máu”. Theo đà phát triển kinh tế, người dân Giang Kinh bận bịu với đời sống đã dần quên lãng vụ trọng án từng gây xôn xao một thời.

Nhưng vào mùa hè năm 1990, vụ án “ngón tay khăn máu” lại tái diễn.

Một nữ sinh đại học tên là Quan Tinh mất tích. Hai tuần sau, một gói bưu phẩm gửi đến nhà, lại là chiếc khăn tay dính máu và một ngón tay trắng nhợt.

Giang Kinh thêm một phen kinh hãi.

Hay là La Cường không phải hung thủ của vụ chặt ngón tay, hắn đã bị xử oan sai? Tờ Tin chiều Tân Giang nêu câu hỏi này, lãnh đạo Bộ Công an, Sở Công an và cả Trần Ngọc Đống cũng ngờ ngợ.

Anh tự hỏi phán đoán của mình ngày trước có nhầm lẫn gì về trình tự trinh sát hình sự không? Rõ ràng là các chứng cứ rất xác đáng, La Cường là hung thủ của vụ án. Được lãnh đạo công an quận và công an thành phố khuyến khích, anh nhận lời phỏng vấn của tờ Tin chiều Tân Giang, đối mặt với những câu hỏi sắc sảo của phóng viên.

“Theo đánh giá của anh, có bao nhiêu phần trăm khả năng công an đã giết nhầm La Cường?”

“Không phần trăm.” Trần Ngọc Đống bình tĩnh đáp, khiến phóng viên cảm thấy bất ngờ.

“Vậy thì nên giải thích thế nào về vụ án ‘ngón tay khăn máu’ mới xuất hiện?”

“Là mô phỏng.”

“Mô phỏng?”

“Trong và ngoài nước xưa nay không thiếu những vụ việc tương tự, hung thủ bắt chước các vụ án ‘nổi tiếng’ để thỏa mãn mục đích của mình là hành hung, tạo ra ‘vụ án lớn’ khiến dư luận chú ý. Chục năm về trước vụ án ‘ngón tay khăn máu’ chấn động Giang Kinh thậm chí toàn quốc, rất ‘nổi tiếng’, vì thế có kẻ mô phỏng thì cũng không có gì là lạ.”

Lập luận “mô phỏng” của cảnh sát không phải là vô căn cứ. Ba ngón tay trong ba vụ án trước kia được phòng kỹ thuật xác định là dùng dao sắc chặt đứt, còn ngón tay của Quan Tinh thì có nét khác biệt về vết cắt, hung thủ đã dùng một sợi thép nhỏ và cứng thít cho đứt ngón tay! Xét từ đặc điểm này, thấy rằng không chỉ là mô phỏng mà còn nâng cấp sự tàn nhẫn.

Cũng không ai có thể ngờ, trong 19 năm sau thời La Cường, cái lối mô phỏng này đã gây ra 9 vụ án “ngón tay khăn máu”, 9 cô gái mất tích, 9 ngón tay cắt rời, 9 gia đình tan nát với bao đau thương vô tận. Tính cho đến nay cả thảy có 12 vụ án rất giống nhau, vụ cuối cùng xảy ra năm 2009.

Cảnh sát cảm thấy bối rối, vì trong 9 ngón tay kia có 3 ngón tay bị dao cắt, 6 ngón tay bị sợi dây thép thít đứt. Có vẻ là hung thủ khác nhau thì dấu ấn để lại cũng khác nhau.

Gần đây các cô gái không mang khăn mùi xoa theo người nữa thì người nhà lại nhận được ngón tay gói trong khăn quàng hoặc áo lót, và vẫn dính một vệt máu đỏ khiến người ta kinh hãi.

Người nhà nạn nhân và cảnh sát đều rất đau đầu bởi trạng thái mù mờ không biết nạn nhân còn sống hay đã chết. Na Lan đoán rằng sau nhiều năm vẫn còn một số người thân của nạn nhân đang mong ngóng con cháu mình trở về. Nhưng những người làm nghiệp vụ liên quan đến tội ác và trừng phạt đều biết, nhiều khả năng là các cô gái đó đã bị sát hại cả rồi.

Có rất nhiều vụ án bạo lực, nhưng không mấy vụ hơn được “ngón tay khăn máu” về độ tàn nhẫn và ghê rợn.

Bóng đen của hung thủ, đến giờ vẫn còn nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật.

Ba Du Sinh đã chuyển hết những tư liệu này cho Na Lan qua hòm thư bảo mật, cô cũng đọc ngay trong đêm. Trong số đó có rất nhiều tư liệu là sổ tay công tác của người cảnh sát gì Trần Ngọc Đống. Khi về hưu, ông đã trao các tư liệu liên quan cho Sở Công an Giang Kinh. Các tổ viên Tổ trọng ánh của Đội Cảnh sát Hình sự ở Sở đều biết, loạt vụ án nghiêm trọng kéo dài ba mươi năm gần như “không manh mối”, gần như hết hy vọng rồi, nhưng Ba Du Sinh tổ trưởng của họ vẫn quyết không gạt sang một bên.

Đó là nét đặc sắc, là thế mạnh khiến Ba Du Sinh trở thành một cảnh sát hình sự xuất sắc, nhưng có lẽ nó cũng là trở ngại khiến anh không thể thăng tiến - đôi khi anh rất cố chấp, nhất định không đổi ý. Mấy năm gần đây dân số thành phố tăng nhanh, cơ cấu xã hội không ổn định, các vụ án lớn chấn động Giang Kinh cũng nhiều lên, nhiệm vụ “dập lửa” của công an các cấp càng thêm nặng nề, họ đặt trọng tâm vào những vụ việc gay cấn mới phát sinh và những sự kiện cần xử lý gấp. Ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, Ba Du Sinh không dành nhiều thời gian và sức lực để giao lưu với các nhân vật quan trọng nhằm chuẩn bị cho bước thăng tiến tiếp theo, mà chỉ mải mê với các vụ án cũ bế tắc, rồi chìm sâu vào đó không thể dứt ra. Lập luận của anh là, phá được các vụ án tồn đọng là thử thách đỉnh cao đối với nghị lực và trí lực của trinh sát hình sự và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá tác phong của cảnh sát hình sự.

Vụ án “ngón tay khăn máu” đã thành lịch sử, nhưng vụ cuối cùng trong loạt vụ án này chỉ cách đây bốn năm, chưa thể gọi là cũ, Ba Du Sinh tất nhiên không bỏ qua.

Dù rằng trong bốn năm đó không hế có một manh mối nào.

Mãi cho đến hôm qua.

Lão già phạm tội hiếp dâm khét tiếng đang nằm chờ chết ở buồng bệnh nặng này bỗng nói với cảnh sát rằng, lão biết tung tích của các nạn nhân trong vụ án “ngón tay khăn máu”.

Khi cảnh sát tiến hành thẩm vấn ngay tại giường bệnh, lão không nói 12 cô gái kia sống chết ra sao, cũng không nói ai là hung thủ của hàng loạt vụ án man rợ ấy, lão chỉ nói mình biết tung tích của các nạn nhân.

Và, chỉ muốn kể cho một mình Na Lan biết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.