Tơ Đồng Rỏ Máu

Chương 12: Hàn mai sợ rét




Khi xẻng đất đầu tiên hắt xuống, cô biết đây chỉ là một chặng trong cả hành trình tra tấn dài dằng dặc. Là một chặng, nhưng không phải chặng thứ nhất.

Chặng thứ nhất đã hú còi đi qua. Cơn đau buốt tim thình lình ập đến vẫn còn hành hạ cô, sau khi ngất lịm rồi tỉnh lại, cô đã mất một ngón tay. Chẳng biết thời gian trôi qua lâu hay chóng, chỉ biết vết đứt đã nhiễm trùng mưng mủ.

“Xin ông hãy tha cho, cho tôi ra khỏi đây…” Dù cố mở mắt thật to, cô cũng chỉ trông thấy nước mắt hòa lẫn đất cát đang rào rào rơi xuống, và kẻ đứng bên trên chỉ là một bóng đen nhòe nhoẹt. “Hãy thả tôi ra! Rồi muốn làm gì tôi cũng được.”

“Sẽ mãi mãi nghe lời ta chứ?”

“Vâng, mãi mãi…”

Đất cát không rơi xuống nữa, bóng đen đang định chôn sống cô bỗng dừng tay. Đây là dấu hiệu tốt. Vẫn còn hy vọng sinh tồn.

Nhưng khi giọng kẻ kia lại vang lên thì hy vọng biến thành tuyệt vọng. “Ta biết người chỉ leo lẻo khéo nói để ta tha cho ngươi. Nhưng ta có một cách hay hơn, bảo đảm ngươi sẽ mãi mãi nghe lời, không bao giờ kêu ca nữa.”

Cái xẻng lại hoạt động, đất rơi xuống nhiều hơn.

“Tôi van ông…” Lần này cô cố gạt sạch những thứ đang che mắt. Dưới ánh trăng, cô nhìn thấy kẻ ấy nhếch mép cười. Cô biết lần này là chặng cuối cùng của hành trình man rợ. Cô không van xin nữa, cô gắng sức nhoài lên trên.

Nhưng cái hố quá sâu.

Đất ướt đang hắt xuống hết xẻng này đến xẻng khác.

Bàn tay cô tuyệt vọng giơ lên phía trên…

Na Lan kinh hãi bừng tỉnh, mồ hôi ướt đẫm áo ngủ.

Đầu vẫn nhưng nhức. Cô ngồi dậy, xuống giường đi vào gian vệ sinh chật chội, rửa mặt bằng nước lạnh. Người cô run run, có cảm giác như đất bùn ẩm ướt đang hắt vào mặt. Đây là đêm thứ ba cô gặp cơn ác mộng gần như giống hệt nhau. Cô không nhìn rõ mặt cô gái trong mơ. Là Nghê Phượng Anh? Mã Vân? Hay Tiết Hồng Yến?

Na Lan nhìn cô gái trong gương. Có phải là mình không? Trong tiềm thức, cô đã thay vai cho người bị hại. Đây là tín hiệu nguy hiểm khi con người lún quá sâu vào một chuyện.

Vụ án “ngón tay khăn máu” sẽ còn tiếp diễn!

Cơn đau đầu càng dữ dội.

Cô trở vào ngồi lên giường, lắng nghe tiếng ngáy khe khẽ đều đều của Đào Tử. Ngoài cửa sổ, mưa phùn vẫn lất phất bay, tiếng mưa rì rào gõ nhịp cho đêm dài tĩnh mịch.

Vụ án “ngón tay khăn máu” sẽ còn tiếp diễn.

Chỉ có cô mới có thể tìm ra bí mật này.

Nửa giờ sau, Na Lan mở cửa buồng bệnh nhân nặng. Y tá trực ban hốt hoảng kêu với theo, “Cô là ai?! Đêm khuya, bệnh nhân đang ngủ…”

Na Lan bước thẳng đến bên giường Mễ Trị Văn, hỏi cái “bộ xương khô” đang nằm bất động bằng giọng hung hãn, cứ như không phải giọng của cô nữa,, “Ai đã giết Nghê Phượng Anh? Là ông phải không? Tại sao ông lại căm thù sự sống? Sao ông lại giày xéo tôn nghiêm cơ bản nhất của con người? Sao ông lại làm thế? Động cơ của ông là gì…”

“Để cô có thể ngon giấc, phải không?” Rõ ràng là Mễ Trị Văn chưa ngủ say, lão mở to mắt trong bóng tối, đôi mắt hơi đỏ. “Tôi biết cô sẽ lại đến nữa.”

Na Lan tức tối gắt gỏng khiến một người nhà của bệnh nhân giường bên tỉnh giấc, ngơ ngác. Na Lan nhìn chằm chằm vào mắt Mễ Trị Văn. “Biết gì thì nói đi, coi như vẫn chưa muộn. Biết đâu ông sẽ không phải trở lại nhà tù nữa.”

Anh người nhà kia sực hiểu, “Thì ra người này là phạm nhân? Sao lại xếp ông ta nằm cùng buồng với cha tôi?” Y tá ban nãy đã vào tới nơi, “Cô là ai hả? Ra đi, nếu không tôi sẽ gọi bảo vệ!” Một người đàn ông xuất hiện sau lưng y tá, thì thầm mấy câu, y tá nhìn Na Lan rồi ngạc nhiên gật đầu, bước đến giường Mễ Trị Văn bật đèn đầu giường lên. Na Lan đoán rằng anh kia là cảnh sát do Ba Du Sinh bố trí giám sát Mễ Trị Văn.

Mễ Trị Văn cười nhạt, “Nhà tù thì có gì không tốt? Nếu thiếu giám thị, thì tôi đâu có thành tích về văn tự như hôm nay? Và xã hội sẽ có thêm một ác ma…”

“Thực ra, ai đã…”

“Cảnh sát thẩm vấn tôi ba ngày không lấy được câu trả lời, cô tưởng chỉ dùng một buổi tối là thành công chắc? Tôi đây không có thỏa thuận ngầm nào hết.” Có vẻ tự cho là mình rất hài hước, Mễ Trị Văn mỉm cười, để lộ mấy cái răng xiêu vẹo sứt mẻ. “Cô tưởng ba hôm nay Ba Du Sinh không hứa hẹn sẽ cho tôi tương lai sáng sủa gì đó hay sao?”

“Tôi không tin rằng ông không thèm quan tâm về chuyện được trả lại tự do.”

Lão thở dài. “Cô xem, tình trạng tôi như thế này thì được tự do hay không có gì khác nhau? Cho nên cảnh sát hứa trả lại tự do cho tôi, vì cho rằng tôi dù nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì cũng chẳng thể làm hại nổi ai nữa! Hà hà hà…” Lão gượng cười, còn Na Lan thì thấy sợ.

“Vậy là ông nhất quyết không nói? Ông sợ hung thủ sẽ trả thù chứ gì? Xem ra, ông chỉ là kẻ nhu nhược, còm cõi chẳng có gì đáng kể.”

“Dùng phép khích tướng à?” Mễ Trị Văn từ từ ngồi dậy, ra hiệu cho Na Lan chèn cái gối vào sau lưng lão. Na Lan không nhúc nhích. “Thực ra có phải tôi gây tội hay không, thì hài cốt của Nghê Phượng Anh sẽ cho manh mối, DNA sẽ nói lên tất cả. Còn tôi, có phải kẻ nhu nhược không…” Lão lại nhe hàm răng lởm chởm. “Cô có thể hỏi Bội Luân.”

“Hỏi Bội Luân?” Na Lan hơi kinh ngạc, “…người mà ông làm hại?”

“Là người mà tôi luôn nhớ nhung.”

Na Lan biết, nếu còn nán lại đây thì còn điên tiết không sao chịu nổi. Cô quay người bước đi.

“Cô đến hơi sớm đấy!” Lão nói với theo. “Tôi lại có một chữ nữa tặng cô, nhưng tôi nghĩ chưa thật hoàn chỉnh. Chờ ngày mai cô lại vào thì…”

Nhức đầu kinh khủng. Tại mình mất ngủ hay tại mùi đặc trưng của buồng bệnh? “Cảm ơn! Ông cứ đưa thẳng cho anh Ba Du Sinh.”

“Kiếm báu dâng tráng sĩ, hoa tươi tặng giai nhân! Ai đã giải được con chữ lần trước nhỉ?”

“Nói thật luôn, phát hiện thêm các bộ xương, tôi chẳng hứng thú gì!”

“Nhưng tôi có cảm giác chỉ có cô mới giải được chữ này. Rất có thể sẽ tiến thêm một bước để tìm ra hung thủ.”

Na Lan khẽ nói với y tá “Xin lỗi”, rồi đi ra khỏi buồng bệnh.

“Cô đừng quên, vụ ‘ngón tay khăn máu’ sẽ còn tiếp diễn… và chỉ cô mới có thể chấm dứt cơn ác mộng ấy! Coi chừng, kẻo không kịp mất!” Giữa căn buồng bệnh trong đêm, giọng lão không vang nhưng cứ như kim châm vào màng nhĩ của Na Lan.

Trở về ký túc xá, Na Lan cứ để nguyên quần áo nằm vật ra giường hai tiếng đồng hồ, không mộng mị gì, rồi dậy rửa mặt chải đầu qua loa. Cô nhìn mình trong gương, ngao ngán lắc đầu, cố thoa chút phấn son để che đi những dấu vết của một đêm bực mình mệt nhọc.

Tàu điện ngầm chạy vào trung tâm thành phố, đi qua đường hầm dưới đáy sông thì đến khu khoa học kỹ thuật cao Thanh Giang. Toa tàu chật như nêm, đang là giờ cao điểm điển hình, Na Lan nhận thấy khách đi tàu đều là thanh niên như cô. Đầu vẫn ngâm ngẩm đau, nhắc cô một điều, trong đám người trẻ tuổi này có khi tâm tư cô già nhất? Đào Tử “đáng ghét” đã bình luận, sau khi trải qua hai vụ án lớn, ngoại hình Na Lan vẫn thế nhưng tâm tư thì già đi mười tuổi rồi!

Cùng đám đông hành khách đi ra khỏi ga tàu điện ngầm, Na Lan nhận ra ngay tòa nhà văn phòng của Công ty Khoa học Kỹ thuật Vũ Cung ở đầu đường bên kia.

Tòa cao ốc vươn tận trời xanh, phòng làm việc của giám đốc Đổng Bội Luân đặt ở tầng trên cùng, từ trên này có thể nhìn toàn cảnh sông Thanh An.

Na Lan đứng ở phòng chờ, nhìn thành phố Giang Kinh đang chuyển mình vận động sau giấc ngủ đêm, sực nhớ mình không gọi điện hẹn trước với Đổng Bội Luân. Cô gái chui ra từ tháp ngà, đã mắc một sai lầm lớn trong giao tiếp. Na Lan đành tự an ủi, nếu bị từ chối cũng đành, ít ra mình vẫn được ngắm một cảnh tượng rất hoành tráng.

Một phụ nữ đứng tuổi mặc đồ công sở ngồi ở bàn thư ký giám đốc ngoài tiền sảnh, nghe Na Lan nói muốn gặp giám đốc, chị cười, “Cô là Na Lan à?”

“Vâng.”

“Giám đốc mời cô vào.”

Na Lan ngạc nhiên, “Phiền chị vào hỏi xem chị ấy có thì giờ không…lẽ ra tôi phải hẹn trước…”

“Giám đốc đã dặn trước, nếu cô Na Lan đến thì cứ mời vào. Chỉ cần đang có mặt ở văn phòng, giám đốc sẽ tiếp cô bất cứ lúc nào.”

Đổng Bội Luân rất thông minh, đã lường trước là cô sẽ đến. Muốn, thậm chí là mong mỏi, được trao đổi với cô, có phải thế không? Na Lan chợt cảm thấy mình có phần chủ quan.

Thư ký gọi điện báo cáo, đoạn dẫn Na Lan đến cửa phòng làm việc của Đổng Bội Luân rồi quay ra pha trà.

Trong phòng đang họp thì phải. Na Lan bước đến cửa thì có hai người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi cầm laptop bước ra.

Đổng Bội Luân, mái tóc dài buộc đơn gian thả ra sau gáy, sơ mi trắng cài hoa nhỏ màu tím nhạt, nhích xe lăn ra, mỉm cười bắt tay Na Lan, “Hoan nghênh em!”

Na Lan bất giác nhớ lại cái vẻ đắc ý huênh hoang của Mễ Trị Văn cách đây không lâu. Cô càng khâm phục nhân cách của Đổng Bội Luân khi không đắc ý nói rằng “Tôi biết thế nào cô cũng đến”.

Phòng làm việc rất rộng, không xa hoa cầu kỳ, tường sơn trắng muốt treo vài bức thư pháp với những nét mực đậm nhạt mau thưa. Nếu đây là phòng làm việc của giám đốc nào khác thì rõ là trưởng giả học làm sang! Không hiểu tại sao… có lẽ là vì bản thân chủ nhân vô cùng trang nhã, cho nên người và vật ở đây đều hài hòa. Chỉ hiềm, tổng thể có phần thanh đạm và hơi nhợt nhạt? Phải chăng chủ nhân muốn dùng cách trang trí đơn sơ trong sáng để tẩy mờ những hoen ố do bị xâm hại năm xưa?

Ánh mắt Na Lan dừng lại thêm mấy giây ở một bức tranh, Đổng Bội Luân nhận ra ngay, “Em biết về nó à?”

Đó là bức tranh thủy mặc, hình chữ nhật, vẽ cảnh cây mai khúc khuỷu gầy guộc, ngạo nghễ trong giá lạnh, hương thầm của nó dường như nhẹ lan ra khỏi bức tranh.

“Đây là bức Băng tư sảnh ảnh đồ của Văn Trưng Minh. Hồi đại học em có đi Nam Kinh chơi, đã nhìn thấy bản gốc bày trong bảo tàng.”

Đổng Bội Luân khẽ mỉm cười, không nói gì.

Na Lan bỗng nghĩ ra, kinh ngạc nói, “Lẽ nào… đây mới là bản gốc?”

Cặp mày cong mảnh của Đổng Bội Luân hơi nhích lên. “Tôi không nói thế đâu!”

“Chỉ là cảm giác, em chỉ đoán vậy. Cô là người theo đuổi sự hoàn mỹ, khi đã có tiềm lực kinh tế thì sẽ không treo các bức họa sao chép. Em không có ý nói là cô ưa phô trương…” Na Lan tự trách mình nói năng thật là dại dột.

“Em thích giả thiết, giả thiết tôi theo đuổi sự hoàn mỹ, giả thiết tôi tinh tế khá giả…” Không rõ ánh mắt của Đổng Bội Luận là khen ngợi hay là trách móc.

Na Lan nói, “Suy luận hợp lý cộng với giác quan thứ sáu thứ bảy gì đó… là sở trường hoặc là bệnh nghề nghiệp của những người làm về tâm lý học ạ.”

Đổng Bội Luân lại thoáng nét cười, “Trực giác của em khá chuẩn. Bức tranh bày trong bảo tàng Nam Kinh là bản sao. Khi có những cuộc triển lãm quan trọng, tôi đương nhiên có thể cho họ mượn.”

“Hàn mai vẫn ngạo nghễ trong sương giá, là hình ảnh ẩn dụ quá hay về tinh thần trỗi dậy sau khi bị tổn thương.” Na Lan bình luận dường như rất tự nhiên.

Đổng Bội Luân cười, nói, “Em đang phân tích tâm lý giúp tôi đấy à?”

“Em không biết ai là chuyên gia tâm lý cho cô, nhưng chắc chắn phải là chuyên gia hàng đầu ở Giang Kinh, em đâu dám mạo muội…” Không phải Na Lan khiêm tốn. Người có thể giúp Đổng Bội Luân vượt qua nỗi đau, nhất định không thể là hạng bình thường. Cô chuyển hướng, “Dù ẩn dụ về hàn mai đã được dùng quá nhiều, nhưng đúng là em đã nghĩ như vậy, cô không muốn mình sẽ héo khô trong những hoàn cảnh chẳng ra gì, bằng mọi cách, cô sẽ vươn lên, cứng cỏi kiên cường.”

“Cho nên, nếu em coi bức tranh này là tác phẩm thể hiện hoặc khích lệ ý chí, tôi cũng không có ý kiến gì.” Đổng Bội Luân chấp nhận sự phân tích của Na Lan. Ánh mắt luôn dừng trên khuôn mặt cô. Na Lan cảm thấy hình như Đổng Bội Luân đang quan sát đánh giá một đối thủ, đang ngạc nhiên khi gặp một điều bất ngờ. Thế thì cứ để cho bất ngờ ấy tiếp tục!” Em xin hỏi thẳng một câu, theo ý cô, một người như Mễ Trị Văn có thể gây ra các án mạng liên hoàn như “ngón tay khăn máu” không?”

Im lặng.

Đổng Bội Luân im lặng. Không phải vì đang cân nhắc từ ngữ, mà là vì đang kìm nén những chuyện xưa như nước lũ bắt đầu dâng lên, như mãnh thú rục rịch đứng dậy.

“Vụ án… liên quan đến Mễ Trị Văn và tôi, em đã biết được đến đâu?” Sau hồi im lặng, Đổng Bội Luân hỏi.

Na Lan nói, “Chỉ là các tin tức mà truyền thông đã đăng tải.”

“Anh Ba Du Sinh không cho em đọc các biên bản ghi chép về vụ đó à?”

“Không ạ. Các chi tiết liên quan đều đã bị xóa hết. Em chỉ hiểu về cô qua các tài liệu báo chí.”

Đổng Bội Luân gật đầu, “Ba Du Sinh là người rất có nguyên tắc, những người ưu tú như anh ta ngày càng ít… Vì thế, em cũng không hỏi thêm thông tin ở anh ta nữa.”

“Nhưng tài liệu của giới truyền thông lại quá ít. Ví dụ…” Ánh mắt Na Lan dừng ở chiếc giá kê nơi góc tường, bên trên là cây đàn tranh. “Ví dụ, em không biết cô lại chơi đàn tranh.”

Đổng Bội Luân bỗng rùng mình, “Đã rất lâu… tôi không đụng đến nó nữa rồi.”

“Mong cô thứ lỗi… em đã đường đột đến gặp cô.”

“Sau lần gặp em ở bệnh viện cách đây mấy ngày, không hiểu sao… có lúc tôi rất mong em sẽ đến đây… Này, lẽ nào em cho rằng tôi sẽ kể cho em biết về cơn ác mộng đó?”

“Em muốn giúp đỡ những cô gái mất tích lâu nay.”

“Rồi đi đến đâu? Em chẳng qua sẽ tìm ra thêm các thi thể mà thôi.”

“Không chỉ là thế ạ! Vì vụ án ‘ngón tay khăn máu’ sẽ còn tiếp diễn.” Na Lan nhắc lại lời Mễ Trị Văn và cảm thấy hoảng sợ, hình như cô đã bị tên ác ma ấy tẩy não, cô đã rơi vào trò chơi của lão!

Đổng Bội Luân cười nhạt, “Lão nói thế chứ gì? Và em đã tin? Dù vụ ‘ngón tay khăn máu’ do lão đạo diễn, rồi sao nữa? Em gặp lão rồi, em cảm thấy lão vẫn gây án được hay sao?”

“Nhưng nếu không phải lão, thì hung thủ vẫn đang tự do, hắn sẽ lại gây án.”

“Nếu hung thủ không phải Mễ Trị Văn, thì chuyện ngày trước lão gây ra đối với tôi liên quan gì đến hung thủ của vụ án ‘ngón tay khăn máu’? Cái logic này tôi thấy khó hiểu…”

Na Lan hít thật sâu một hơi, nhanh chóng sắp xếp suy nghĩ của mình. “Rõ ràng là Mễ Trị Văn rất tường tận vụ án ‘ngón tay khăn máu’, muốn có thay đổi đột phá cần nhằm vào lão ta. Dù không phải hung thủ đi nữa, thì nhiều khả năng lão biết hung thủ. Tìm hiểu và nắm vững trò chơi của lão thì có thể lôi hung thủ ra ánh sáng.”

Đổng Bội Luân lại trầm ngâm. Hình như đang cân nhắc để đưa ra câu trả lời chính xác. Việc cố gắng nhớ lại chuyện xưa chẳng khác gì cơn ác mộng, ánh mắt chị chồng chéo những khổ đau và căm hận. Rồi nói, “Em biết đấy, tôi không muốn nhắc lại những nỗi đau ngày trước và cũng không kể các tình tiết nặng nề cay đắng làm gì.” Nhận ra ánh mắt thất vọng của Na Lan, Đổng Bội Luân lại nói. “Em nên tin ở Ba Du Sinh, anh ta nắm được tường tận các tình tiết, sẽ đối chiếu các hành vi của Mễ Trị Văn với hành vi của hung thủ ‘ngón tay khăn máu’ và đưa ra phán đoán có phải là cùng một người hay không.”

Na Lan không thể không công nhận Đổng Bội Luân nói rất có lý. Cô dịu dàng nói, “Xin cô tha thứ cho em đã bất nhã hỏi cô một số vấn đề có phần nhạy cảm. Em xin hứa lần sau không dám thế nữa.”

Đổng Bội Luân mỉm cười, nét kiều diễm giá băng biến thành vẻ đẹp mê hồn. “Không sao. Thực ra tôi cũng không yếu đuối… và vẫn rất vui nếu gặp lại em. Không phải là nói xã giao, cứ tin tôi đi.”

Na Lan đứng dậy cáo từ. Đổng Bội Luân bỗng lộ vẻ thẫn thờ. Như thể muốn nói thêm điều gì.

“Tôi vẫn cảm thấy… tiếc vì để em phải ra về tay không. Coi như tôi gián tiếp trả lời vấn đề mà em quan tâm.” Dường như có làn sương mỏng bỗng trùm lên khuôn mặt, Đổng Bội Luân lại cân nhắc một lát. “Nói thế này đi, nếu có cơ hội thoát khỏi sự trừng phạt của bệnh tật, trốn khỏi nhà tù, thì việc đầu tiên Mễ Trị Văn làm là tìm đến tôi, để tiếp tục làm cái chuyện lão chưa hoàn tất trong đêm hôm đó.”

Hàn mai trong tranh, hình như, cũng vừa rùng mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.