Tình Yêu Mau Biến Dùm!

Chương 10: Góc nhìn của thầy giáo giang du




Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đứa nhỏ đó, cô bé ngồi 1 chỗ vẽ tranh, là chiếc xích đu trong sân của cô nhi viện. Đứa nhỏ đó vẽ rất nghiêm túc, tôi thấy bút pháp vẫn còn hơi non nớt, nhưng rất có tài năng, bởi bản thân là 1 thầy giáo dạy vẽ, cho nên tôi có vài phần thiện cảm với cô bé này. Tôi mở miệng hỏi: “Có phải em đang muốn ngồi xích đu không?”

Cô bé đó không ngẩng đầu, cũng không lên tiếng, ôm hộp bút cùng với giấy vẽ của mình, co rúm lại. Sau này viện trưởng nói cho tôi biết, cô bé mới tới này tên Giang Du, mẹ của cô bé tự sát, cha dượng bởi cố ý đả thương người khác nên vào tù rồi, đứa nhỏ đó không ai chăm sóc nên được đưa tới cô nhi viện này. Hầu hết những đứa trẻ ở đây đều có nỗi khổ riêng, nhưng hoàn cảnh của đứa trẻ này vẫn không ít lần khiến vị trưởng khoa phải lắc đầu thở dài.

Tôi làm tình nguyện viên ở đây được nhiều năm. Viện trưởng cũng không giấu tôi điều gì, kể cho tôi nghe mọi việc của đứa trẻ này. Thế nên tôi biết rằng do cái chết của mẹ đã làm cô bé bị kích thích quá lớn, tạm thời mất giọng, không thể nào nói chuyện được. Hơn nữa con bé còn bị cha dượng xâm hại trong khoảng thời gian dài, trên người còn rất nhiều vết thương cũ, không muốn thân thiết với người khác.

Tôi nghe xong liền cảm thấy hối hận vì đã tùy tiện nói chuyện với cô bé, khiến cô bé sợ hãi.

Trong cô nhi viện có rất nhiều đứa trẻ hiểu chuyện, Giang Du lại càng hiểu chuyện hơn, con bé không bao giờ để viện trưởng và các dì trông nom thêm phiền phức, mỗi ngày chỉ ngồi 1 chỗ vẽ tranh. Con bé cứ im lặng như vậy, nhiều khi có cảm giác như không tồn tại, ít lâu sau, trong viện càng có thêm nhiều trẻ con hơn, khó trách viện trưởng sẽ bỏ qua cô bé. Lần đó tôi gặp lại cô bé, nhìn thấy Giang Du đang vẽ lên 1 góc nhỏ của quyển vở. Quyển vở đó đã chi chít từng bức vẽ rồi, nhưng không có ai biết, cô bé cũng chẳng hỏi viện trưởng mua cái mới.

Trong lòng tôi cảm thấy khó chịu, cũng không biết thế nào mà lập tức xoay người lái xe đến cửa tiệm thường đến, mua 1 túi lớn vở vẽ cùng giấy bút. Thế nhưng mua về rồi, tôi nhìn bóng lưng gầy yếu đơn độc của con bé, do dự, không biết nên tặng kiểu gì, tôi là người đàn ông to lớn trưởng thành, con bé lại có ám ảnh tâm lý, có thể sẽ sợ tôi. Cuối cùng mấy dụng cụ vẽ tranh này, tôi đành phải đưa cho viện trưởng chuyển giúp cho cô bé.

Không biết viện trưởng nói gì với con bé, lần tiếp theo tôi đến cô nhi viện, Giang Du nhìn chằm chằm tôi. Cô bé là 1 đứa trẻ ngoan, có ơn tất báo, tôi thấy việc mình làm cũng chẳng có gì lớn, nhưng nó đã khiến Giang Du có thiện cảm với tôi hơn.

Tôi nhận được 1 bức tranh từ cô bé trầm mặc này, con bé vẽ tôi, lần trước tôi đến cô nhi viện sửa lại bức tường bên ngoài, vẽ lên đấy rất nhiều hoa hướng dương, lấp lánh ánh vàng. Trong tranh của Giang Du, tôi đang cầm 1 cây cọ lớn, quét quét lên tường, trông rất đáng yêu. Mỗi ngày tôi dạy học đều nhìn thấy tranh của học sinh, bức tranh này tuy không bằng đám học trò của tôi, nhưng bây giờ tôi rất muốn tặng cô bé 100 điểm.

Tôi nhìn nhìn bức tranh, lại nhìn sang đứa trẻ đang mở to mắt nhìn kia, cảm thấy con bé cứ như 1 chú chó nhỏ vậy, bỗng nhiên vui vẻ, cẩn thận hỏi cô bé: “Có thể cho chú mượn bút với giấy vẽ được không?”

Giang Du nín thở, duỗi tay đẩy đồ vẽ tới cạnh tôi, tôi cầm vở lên, vẽ trong chốc lát rồi trả lại con bé. Tôi vẽ Giang Du cùng với 1 đàn chó nhỏ. Cô bé ngơ ngác nhìn tranh, đột nhiên cầm quyển vở bỏ chạy. Tôi giật mình, còn tưởng cô bé không vui, có lẽ bị tôi dọa mất, có chút bận tâm, buổi trưa tôi cũng không thấy con bé ngồi 1 góc vẽ tranh, đành đi tìm viện trưởng, kể toàn bộ mọi việc. Viện trưởng cười ha ha, giải thích cho tôi: “Đứa bé đó rất thích cậu đấy!”

Thật sao? Tôi không tin lắm, nhưng quả thật Giang Du ngày càng gần gũi với tôi hơn, 1 năm sau, con bé đã có thể bình thường ngồi cạnh tôi. Mỗi lần trở về, tôi đều ôm mấy đứa nhóc chạy tới chạy lui trong sân rộng kia, có vài đứa còn đặc biệt thích tôi bế bổng lên, thế nhưng tôi chưa từng dám động vào Giang Du, bởi  tôi sợ con bé bị chấn kinh.

Dần dần, tôi có thể trò chuyện 1 ít với Giang Du, bình thường trẻ con rất thích nghe kể chuyện, nhưng hình như con bé không hiểu, tôi giảng cho Giang Du nghe, cô bé mờ mịt nhìn chằm chằm tôi, thế rồi tôi liền kể cho con bé về lớp học vẽ tranh của tôi, con bé rất chăm chú lắng nghe, hơn nữa còn rất thích nhìn tôi vẽ tranh. Không biết từ lúc nào, tôi dần có thói quen, mỗi lúc đến cô nhi viện sẽ mang 1 quyển vở trong túi, làm công ích xong liền an tĩnh ngồi cạnh Giang Du vẽ tranh. Mỗi lần hoàn thiện bức tranh, tôi liền xé tờ giấy đó xuống rồi đưa cho con bé, nhìn vẻ mặt con bé thật vui vẻ.

Giang Du vẫn không nói chuyện, tôi cũng đã quen nói chuyện 1 mình, con bé im lặng nghe, có 1 lần tôi vẽ xong, xé xuống đưa cho cô bé, thuận miệng hỏi 1 câu: “Thích không?”

Bỗng tôi nghe thấy 1 âm thanh nhỏ nhẹ, mơ hồ nói: “…Thích”

Giang Du có thể mở miệng nói chuyện được rồi, tôi rất vui, tuy rằng con bé chỉ có thể nói 1 2 chữ, rất chậm, nhưng tôi biết, chỉ cần con bé có thể mở miệng thì sau này sẽ ngày càng tốt hơn. Đúng như tôi nghĩ, Giang Du càng ngày càng nói lưu loát, chỉ là đôi khi sẽ phản ứng chậm 1 chút, lúc đầu con bé rất lo lắng điều này, tôi liền an ủi: “Đừng lo lắng, cứ từ từ thôi, không sao hết, nói từng chữ từng chữ”.

Tôi cảm thấy việc Giang Du chậm chạp như vậy, khả năng liên quan đến cách giáo dục của  tôi trong khoảng thời gian này. Viện trưởng thường nói với tôi, Giang Du thích tôi nhất, nói chuyện với tôi cũng nhiều hơn người khác, tôi rất vui, nhưng trong lòng cũng có chút lo lắng.

Giang Du 12 tuổi, vẫn không được đi học, con bé nên đi học, tôi dựa vào chút quan hệ, khiến con bé được đến trường, tôi cứ nghĩ con bé sẽ không thể thích ứng, nhưng Giang Du kiên cường hơn những gì tôi tưởng tượng, mấy lần tôi len lén nhìn cô bé đi học, đứa nhỏ này làm gì cũng vô cùng nghiêm túc, 1 ngày đã quen với trường học này, cuối cùng tôi cũng có thể yên tâm.

Giang Du thật sự rất thích vẽ, tôi cảm thấy thiên phú này bị lãng phí thì thật đáng tiếc, nên sau 1 hồi cân nhắc, tôi đã hỏi con bé, có muốn đến học ở phòng vẽ của tôi không. Tôi trân trọng tài năng của con bé, cũng biết rõ tình huống của nó, đương nhiên sẽ không thu học phí, còn mua cho Giang Du dụng cụ vẽ tranh nữa. Từ ngày con bé đến học lớp của tôi, liền đổi giọng gọi là thầy.

Thấm thoắt gọi như vậy được 4 năm.

Cô bé là 1 trong những học sinh tài năng nhất của tôi, thậm chí tôi còn muốn nhận con bé làm học trò riêng, đứa nhỏ này rất ngốc, 16 tuổi rồi vẫn như 1 đứa trẻ, tôi hỏi gì con bé cũng gật đầu nói “vâng”. Bình thường các anh chị trong lớp thường nói giỡn với con bé, nhưng Giang Du nghe không hiểu nhiều, vẻ mặt mờ mịt cầm lấy cây bút, sau đó cùng mấy học sinh khác cười đùa, cũng không biết đang cười cái gì.

Tuổi của tôi gấp đôi tuổi Giang Du, lớn hơn 16 tuổi, nếu như tôi kết hôn sớm, nói không chừng đã sinh ra 1 cô bé trạc tuổi đứa nhỏ này rồi, tiếp xúc với con bé lâu ngày như vậy, tôi cơ hồ coi Giang Du là con gái mình mà chăm sóc – nhưng, lại hoàn toàn không đúng như vậy.

Tôi không rõ tình cảm của mình, cũng không dám nghĩ sâu thêm, suy nghĩ nhiều cũng khó tránh khỏi cảm giác bản thân thật ti tiện vẩn đục. 1 đứa trẻ tốt như vậy, tôi thân là bậc trưởng bối nên tự giác có ý thức, giữ nghiêm thân phận, ít nhất không thể để Giang Du lo lắng, chuyên tâm vẽ tranh.

Mỗi lần cô bé gọi tôi là thầy, mắt luôn sáng ngời, tròng mắt đen lay láy như 1 đứa trẻ, lúc nhìn tôi, trong mắt ẩn chứa tình cảm không thể che giấu. Thiếu niên vẫn luôn như vậy, trong ánh mắt không giấu được tâm sự, không giống người lớn, vì các nguyên nhân khác nhau mà ẩn đi tình cảm của mình.

Lúc cô bé nhìn tôi, tôi không nhịn được mà thở dài trong lòng, đứa nhỏ Giang Du này trưởng thành rồi, đã đến độ tuổi phát sinh tình cảm với người khác giới. Tôi cảm nhận rất rõ, cô bé này yêu tôi, từ trước tới giờ, con bé đều chỉ đơn thuần nhìn tôi như cách nhìn 1 bậc trưởng bối đáng tin cậy, nhưng giờ đây, nó nhiều hơn thế.

Bởi vì nhận ra cảm tình của đứa bé này, tôi càng giữ nghiêm vẻ đúng mực, trở thành 1 người thầy mà con bé có thể tin cậy. Tôi không thể đáp lại tình cảm ngây thơ mà tinh khiết của con bé, càng không thể cho cô bé bất kì ảo giác về các phương diện khác, tôi chỉ hi vọng mình có thể là 1 bậc trưởng bối kính yêu của Giang Du, chăm sóc con bé lớn lên.

Trong cuộc đời của Giang Du, “cha” là 1 nhân vật rất dị thường, tôi từng hy vọng có thể lấp đầy khoảng trống của cô bé, mong muốn đứa nhỏ đó trưởng thành, nhắc đến từ “cha” sẽ không còn nghĩ đến những hồi ức dằn vặt thống khổ kia, mà là những gì tôi đã dạy. Bởi vậy, tôi càng không thể biểu hiện tình cảm quá mức với con bé, không hề muốn đứa nhỏ này có thêm bất kì mối quan hệ dị dạng nào.

Hơn nữa, cơ thể của tôi cũng không tốt cho lắm, bị bệnh di truyền, đã kiểm tra. Cái việc làm bạn lâu dài với 1 người không thể nào mà xác định được. Nếu như vậy, tôi tình nguyện giữ nguyên như bây giờ.

Nhiều lần, tôi nghĩ rằng đứa nhỏ Giang Du này sẽ không nhịn được mà bày tỏ với tôi, bởi vì biểu hiện của cô bé quá rõ ràng rồi, vì chuyện này, tôi cứ lo lắng không thôi, hơn nửa đêm vẫn không ngủ được, còn gặp ác mộng, vắt óc tự hỏi làm cách nào để từ chối mà không làm tổn thương con bé, đồng thời đưa đứa nhỏ đi đến phương hướng tốt hơn, không để Giang Du vì chút tình cảm này mà tiếc nuối đớn đau.

Nhưng cô bé chẳng nói gì với tôi, đứa ngốc này, tôi đánh giá cao lá gan của em rồi. Đôi lúc ngẫm lại, tôi cảm thấy bộ dạng lo trước tính sau đến độ sứt đầu mẻ trán của mình thật buồn cười mà.

Tôi muốn đối xử với Giang Du tốt hơn 1 chút, bù đắp sự thiếu thốn gia đình của con bé, nhưng lại không thể nào làm quá tốt, bằng không tôi sợ 1 ngày nào đó, cô bé sẽ không kiềm được mà tỏ tình với thầy giáo của mình.

Sáng hôm đó, bệnh của tôi lại tái phát, tôi còn đang suy nghĩ xem cuối tuần có nên đưa Giang Du đi nơi nào đó vẽ nhật thực hay không, con bé muốn nhìn biển, tôi đương nhiên muốn đưa đứa nhỏ đi, có điều chỉ có 2 chúng tôi thì không tốt cho lắm, liền chuẩn bị cho cả lớp vẽ đi cùng, song, kế hoạch vẫn chưa tính hết, tôi đã ngã xuống.

Lúc này Giang Du đã 18 tuổi, thành niên rồi, nhưng tôi vẫn nghĩ con bé chỉ là 1 đứa trẻ.  Cô bé rất ít khi hoảng sợ, phản ứng đều chậm hơn người khác 1 nhịp, khi tỉnh dậy, người đầu tiên tôi nhìn thấy là Giang Du, con bé ngồi bên giường của tôi, bỗng nhiên kéo tay tôi đặt lên mặt, đôi vai cứ run lên. Cô bé khóc, biết Giang Du nhiều năm như vậy, lần đầu tiên tôi nhìn thấy con bé khóc. Khi đó tôi cảm thấy đau lòng muốn chết, so với lúc phát bệnh còn đau hơn rất nhiều.

Đứa ngốc không đi học nữa, cũng không vẽ tranh, mỗi ngày đều ngoan ngoãn ngồi cạnh giường bệnh chăm sóc tôi, trong lòng tôi vừa cảm động vừa khổ sở.

“Quay về đi học đi, không phải sắp thi sao?” Tôi nói với con bé.

“Không muốn vẽ tranh? Lâu rồi tôi chưa thấy em vẽ, không cần chờ đợi ở đây đâu”

Bệnh viện không phải 1 nơi tốt, ở đây, thời thời khắc khắc đều có thể cảm nhận sinh mệnh trôi đi trong không khí, tôi không hy vọng con bé đợi ở chỗ này, không tốt. Thế nhưng đứa nhỏ này làm gì cũng rất kiên trì, không ai có thể khuyên nổi.

Rốt cuộc con bé vẫn tỏ tình tôi, vào đúng cái ngày tôi nhận được tờ giấy thông báo gần như tương đương với 1 bản án tử hình. Tâm lý của tôi không sợ như trước đó, tôi rất tỉnh táo, có thể là bởi tờ giấy thông báo, hoặc vì thân phận thầy giáo mấy năm nay. Lúc nghe Giang Du nói con bé yêu tôi, suy nghĩ đầu tiên của tôi không phải tình yêu gì đấy, mà là sau khi tôi chết rồi, ai sẽ chăm sóc đứa trẻ này đây?

Tôi rất bình tĩnh mà từ chối con bé. Giang Du khịt mũi, lấy tờ giấy dụi dụi mắt, nghiêm túc hỏi tôi: “Thầy, có phải thầy chán ghét em còn quá nhỏ đúng không?”

“Là thầy già rồi thì đúng hơn” Tôi cố mỉm cười nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, nếu như tuổi của tôi không lớn hơn con bé bao nhiêu, chắc tôi sẽ cùng Giang Du trải qua giai đoạn yêu sớm, thế nhưng nghĩ lại liền cảm thấy không được, nếu như tôi bằng tuổi con bé, làm sao có năng lực che chở cô bé lớn lên, cho cô bé 1 môi trường sống tốt để trưởng thành, cho nên vẫn như bây giờ là tốt nhất rồi.

Đứa nhỏ bị tôi từ chối không chút do dự ấy vẫn ở đây chăm sóc tôi, tôi khổ lắm, không muốn để con bé nhìn ra, chỉ có thể nhắm mắt lại giả bộ ngủ. Đang âm thầm nhẫn nại chờ đợi, tôi nghe thấy Giang Du ngồi xổm cạnh tôi, nhỏ giọng nói: “Thầy ơi, thầy đừng đi, em sợ”

“Thầy ơi, thầy đừng đi nhé”

“Thầy ơi…”

Nếu tôi đi, con bé sẽ ra sao bây giờ. Tôi nghĩ vậy bèn đồng ý trị liệu. Tôi muốn sống lâu hơn 1 chút, dõi theo đứa nhỏ này thêm 2 năm nữa, đợi con bé lên đại học, tôi còn muốn nhìn Giang Du tìm được 1 cậu bạn trai, muốn nhìn con bé có 1 cuộc hôn nhân cũng như 1 gia đình trọn vẹn hạnh phúc, tuy rằng nghĩ đến những điều đó, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng chua chát, nhưng cũng hy vọng như vậy.

Sau đó, căn bệnh của tôi bắt đầu bộc phát, mỗi giây sống trên đời là dằn vặt, cha tôi mất lúc tôi còn rất nhỏ, bởi lúc bắt đầu phát bệnh, ông quyết định bỏ cuộc vì không chịu nổi nỗi thống khổ đấy. Trước đấy tôi không rõ, nhưng giờ trải qua giai đoạn này, dần dần hiểu ra đây là trải nghiệm hết sức đau đớn.

Nhưng dù khó khăn đến mấy, tôi vẫn muốn sống lâu hơn 1 chút, nghe Giang Du nhỏ giọng cầu xin tôi đừng bỏ con bé đi như vậy, tôi chết cũng không thể nhắm mắt, thực sự rất lo lắng cho đứa nhỏ.

Thế nhưng, con người không thể nào chống lại số mệnh, tôi cảm giác thời gian của bản thân không còn nhiều nữa, phải chuẩn bị mọi thứ cho Giang Du mới được, tôi nhờ bạn bè giúp trông nom con bé, để lại 1 ít tiền tiết kiệm, nhưng tôi không có thời gian cũng không còn cách nào khác.

Đến giai đoạn sau, cơn đau của tôi ngày càng dữ dội, tôi bắt đầu không thể kiểm soát được vẻ mặt đau đớn của mình, ngày càng ít có thời gian tỉnh táo, mặc dù tinh thần rất mạnh mẽ nhưng mỗi lúc nói chuyện với Giang Du, thỉnh thoảng tôi sẽ ngất xỉu. Tôi luôn nhớ rõ Giang Du cầu xin tôi đừng đi, muốn tôi được sống.

Cho đến 1 ngày, Giang Du nói với tôi: “Thầy ơi…Em không sao hết, em không sợ gì cả, thầy không cần phải bận tâm về em nữa đâu”

Dường như con bé lại khóc.

“Thật chứ?” Tôi khó nhọc hỏi, muốn nhìn rõ nét mặt của cô bé.

“Vâng” Giang Du gật đầu lia lịa.

Ngày tôi đi, trời quang mây tạnh, cửa sổ phòng bệnh mở toang, Giang Du ngồi bên cạnh ôm quyển vở vẽ, tôi nhìn con bé, nhất thời ngẩn người, dường như nhìn thấy đứa trẻ gầy gò yếu đuối năm đó, lúc ấy con bé cũng như thế này.

Hình như cảm nhận được ánh mắt đang nhìn mình, Giang Du bỗng nhiên ngẩng đầu, nhìn về phía tôi.

“Giang Du….Có lẽ thầy sắp phải đi rồi…Thầy không yên lòng….không yên lòng em….”

Tôi không yên lòng, đến chết cũng không yên.

Trong lúc mơ hồ, dường như tôi nghe thấy Giang Du đang đè nén tiếng khóc, sau đó, thế giới rơi vào 1 mảnh tăm tối.

Tôi đi rồi, ai sẽ chăm sóc em đây?

Tác giả có lời muốn nói: Chương này nên kết thúc rồi….Ừm, hỏi 1 chút, đại gia còn muốn xem góc nhìn của những người khác, ngoại trừ nhân vật chính nữa không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.