Làm người không được tham lam quá!
Tôi cảm thấy Hàn Mộ Vũ không giận tôi, không so đo với sự hám lợi thiển cận của tôi, là may lắm rồi.
Những thứ khác? Tôi còn muốn gì hơn nữa? Bây giờ như vậy đã tốt lắm rồi. Tiệm rửa xe hắn làm ở ngay bên cạnh chúng tôi. Tôi đứng ngay cửa là có thể nhìn thấy hắn lẫn trong những bóng người xanh nhạt, tất bật bận rộn quanh những chiếc xe đang toả hơi trắng vì vừa được tắm nước nóng xong. Lúc rảnh, hắn sẽ qua nói chuyện với tôi. Về cơ bản, chỉ có tôi nói nhăng nói cuội, hắn chỉ lẳng lặng lắng nghe. Thỉnh thoảng hắn phát biểu cảm nghĩ là tôi đã cảm động rơi lệ rồi. Về sau tôi mới biết hắn nhìn thấy bên cạnh dán quảng cáo tuyển người lúc đến ngân hàng chúng tôi chuyển tiền. Sắp qua năm mới, rất nhiều thợ đều muốn về nhà, thế là chủ tiệm rửa xe đành phải tuyển thêm người mới. Lau xe cũng không phải công việc đòi hỏi kỹ thuật gì, ông chủ thấy hắn thật thà chất phát, không lắm mồm lắm miệng, bèn giữ hắn lại.
Đến khi quay lại tác nghiệp ở quầy, tôi mới phát hiện ông chủ tiệm giữ xe đúng thật tinh tường.
Vì là hàng xóm nên họ thường xuyên sang ngân hàng chúng tôi đổi tiền lẻ. Nhưng chúng tôi cũng mệt những người đổi tiền lẻ nhất. Một là không mang lại lợi nhuận gì cho ngân hàng, hai là dễ xảy ra sai sót, chỉ làm tăng lượng công việc của chúng tôi và rủi ro thao tác trong công việc. Thế nên thái độ trước giờ của chúng tôi là không từ chối, không thỏa mãn: người đến đổi tiền cần mười tệ, xin lỗi, hôm nay chỉ có năm tệ; cần năm tệ, xui quá, hôm nay chỉ có hai mươi tệ thôi; cần một tệ, được, tiền giấy hả? Không có, chỉ toàn xu thôi. Ngân hàng đâu phải nhà anh mở mà anh muốn gì là có đó? Lấy không? Lấy thì lấy cái này. Không lấy? Không lấy thì thôi. Đỡ công tôi cũng đỡ công anh.
Bây giờ ông chủ phát hiện mối quan hệ của tôi và Hàn Mộ Vũ. Mỗi lần đổi tiền đều sai hắn qua. Hơn nữa, tôi đã nói với Hàn Mộ Vũ là sau này đừng lấy số xếp hàng nữa, muốn giao dịch cứ đến thẳng cửa sổ của tôi. Tôi làm xong việc trên tay sẽ làm ngay cho hắn, hoàn toàn là đãi ngộ của khách VIP.
Hắn cầm tiền sang, bảo muốn đổi thành tờ mười tệ. Sao tôi có thể nói không có? Sao tôi có thể nói chỉ có năm mươi tệ được? Cho dù không có, tôi cũng sẽ tìm cho hắn, mà còn tìm hẳn tiền mới tiền sạch cơ. Tôi đổi tiền cho hắn, hắn đều cẩn thận đếm qua một lượt. Đấy vốn là điều nên làm. Nguyên tắc của ngân hàng: các khoản tiền phải được đếm kỹ ngay tại chỗ, rời khỏi quẩy rồi là không chịu trách nhiệm. Hôm đó, tôi cố tình mất kiên nhẫn, nói với hắn: “Con người cậu thật là… Vẫn chưa tin tôi hay sao? Sao tôi lại đưa thiếu cậu được?” Mộ Vũ không nhanh không chậm đếm hết xấp tiền mới trong tay, không chút để bụng, nói: “Không phải không tin anh. Lần nào anh cũng vừa nói chuyện với tôi vừa đếm tiền. Tôi sợ anh đưa dư cho tôi. Thế chẳng phải anh sẽ bị thiệt sao!” -Tôi không quan tâm hắn nói thật hay nói điêu, chứ câu này nghe lọt tai quá. Tôi không muốn cười quá rõ nét, bèn xua tay loạn xạ với hắn, rồi bấm nút gọi số.
So với những phiền phức của việc đổi tiền lẻ, sự cám dỗ mang tên “được nhìn thấy Hàn Mộ Vũ” còn lớn hơn nhiều. Mỗi khi bộ đồng phục màu xanh không chút nổi bật của hắn xuất hiện trước cửa, tôi lại bất giác điều chỉnh cảm xúc trên mặt: không được quá vui nhưng không càng được lạnh nhạt, không được quá nhiệt tình nhưng lại không được yểu xìu. Phải vừa phải! Không được để hắn cảm thấy thực ra tôi luôn mong hắn đến. Nhưng phải để hắn biết là tôi rất vui vẻ hoan nghênh sự xuất hiện của hắn. Nói thật thì cái sự vừa phải này rất khó nắm bắt. Mãi đến một lần lúc tôi đang chuẩn bị biểu cảm đối mặt với Hàn Mộ Vũ thì hắn hạ giọng hỏi một câu: “An Nhiên, có phải anh bị bệnh rồi không? Trông có vẻ rất khó chịu.”-Tôi mới biết biểu cảm mà tôi trăm nghìn khổ sở nghĩ ra không phải là “vừa phải”, mà là méo mó.
Lúc dồn dập nhất, hắn sang những bốn lần một ngày. Tiểu Lý nói: “An Nhiên, may mà là anh Hàn đẹp trai chứ đổi lại là người khác, chắc ông trợn mắt với người ta từ lâu rồi.” Thực ra nó nói không sai. Nếu đổi lại là người khác thì đừng hòng có lần thứ ba thứ bốn. Ngay lần thứ hai tôi đã nói thẳng với người ta là “Hôm nay hết tiền lẻ rồi. Thật đấy, nếu anh thực sự muốn đổi, tôi chỉ có thể lựa cho anh mấy tờ từ chỗ tiền rách thôi. Chê tiền rách á, tôi biết ngay là anh không muốn lấy mà. Ra ngoài rẽ phải, Ngân hàng Kiến thiết. Ra ngoài đi thẳng mười hai mét rẽ trái, Ngân hàng Trung ương. Qua chỗ họ tìm thử đi. Thật lòng xin lỗi, nếu có tôi đã cho anh rồi. Thực sự không có! Xin lỗi nha!”
Nhớ lúc mới đi làm còn chưa lươn lẹo được như bây giờ, tôi từng vì đổi tiền lẻ cho một bà lão mà khiến bà la lối om sòm. Bà chỉ vào mặt tôi hỏi tôi: “Thái độ phục vụ của ngân hàng các anh như vậy đấy hả? Tôi đổi tiền lẻ mà cứ một chối hai đẩy, không có cái này không có cái kia. Các anh vì dân phục vụ như thế đó hả?” -Bấy giờ tôi vừa lẳng lặng nghe chửi vừa thầm nghĩ trong lòng: “Bà nói bà sống đến từng tuổi này rồi sao vẫn không hiểu chuyện thế hả? Ngân hàng tất nhiên là vì nhân dân tệ phục vụ rồi, vì dân phục vụ là nhân viên công vụ cơ!” Bây giờ nghĩ lại lúc đó thực sự không thể trách tôi được. Bà ấy cầm năm mươi tệ đòi đổi thành hào và xu, tôi lấy đâu ra cơ chứ!
Không thể không thừa nhận, đôi khi người của ngân hàng thực sự rất đáng ghét. Đổi góc nghĩ khác, tôi cũng đồng cảm với những khách cần đổi tiền lẻ. Đổi lại là chúng tôi, cũng sẽ lòng sinh oán hận, cũng sẽ hỏi: “Mở cửa làm ăn, sao còn làm khó tôi?”. Thực ra, chúng tôi cũng không muốn làm khó ai, nhưng phục vụ mấy người thực sự là mất công mắc oán, lỗ vốn mà còn bị ăn chửi. Thỉnh thoảng còn được chứ nhiều rồi thì ai mà thèm để tâm nữa.
Tất nhiên, Hàn Mộ Vũ là ngoại lệ. Hắn đến thêm mấy lần, tôi cầu còn không được. Nhưng tình trạng này chỉ kéo dài được một tuần, sau đó lại là những người khác trong tiệm sang đổi tiền. Số lần cũng không dày dặc như trước. Hàn Mộ Vũ không còn chuyên phục trách việc này nữa. Tôi khá là thắc mắc. Thái đội với những người khác vẫn lạnh nhạt như xưa. Thỉnh thoảng Hàn Mộ Vũ sang một lần, tôi lại đáp ứng hết các yêu cầu của hắn.
Thường thì tiệm rửa xe tan muộn hơn chúng tôi. Chúng tôi đóng cửa rồi họ vẫn đang tất bật. Tuy tôi và Hàn Mộ Vũ rất tiện đường đi về chung, nhưng lại rất hiếm khi có cơ hội đi cùng.
Từ chỗ công trường Hàn Mộ Vũ ở đến tiệm rửa xe cũng chỉ hai mươi phút. Hắn đi làm đi về đều đi bộ. Hôm đó vì tổng công ty chúng tôi phải kiểm tra hệ thống gì đó nên tan làm muộn. Lúc về, vừa hay gặp hắn.
Đấy là lần đầu tiên tôi chạy xe đạp điện chở hắn, hồi hộp không chịu được. Tôi nói tôi chưa chạy xe chở ai bao giờ. Thế là chỉnh tốc độ xuống mức thấp nhất, thong thả lết về phía trước như con rùa.
Hắn im lặng ngồi phía sau. Đôi chân dài vì phải co lại mà cạ vào tôi. Trời đã tối dần. Đèn đường vẫn chưa mở. Thứ ánh sáng đỏ xanh lẫn lộn phát ra từ những tấm biển quảng cáo của các cửa hàng ven đường trông mềm mại khác thường. Tôi hỏi hắn hôm nay công việc có bận không. Hắn vừa nhớ lại vừa rủ rỉ kể tôi nghe. Nào là rửa bao nhiêu cái xe, đánh bóng bao nhiêu lớp vỏ, vừa mới biết thêm hiệu xe nào… Với thanh điệu đều đều, tốc độ nói không nhanh không chậm và phát âm rõ ràng, những câu mang tính tự sự ấy nghe vô cùng dễ chịu êm ái đến bất ngờ. Thỉnh thoảng tôi lại đáp lời. Trong lòng mềm mại bông tơi như vừa nhét đầy bông gòn. Tôi cảm thấy xe đạp điện của mình đang lướt đi trong một giấc mơ. Tôi mong con đường này mãi mãi không có điểm dừng.
Trên đường đi, tôi hỏi sao dạo này hắn không qua đổi tiền lẻ. Hắn trả lời dứt khoát là: “Không muốn qua…”
“Tại sao?”-Tôi tốt với hắn biết nhường nào.
“Phiền phức!”-Hắn nói.
“Đấy thì có gì phiền phức?” -Tôi thắc mắc.
“Phiền cho anh…”
“…”
“Ông chủ thấy tôi quen anh, nên cứ sai tôi sang đổi tiền lẻ. Lần nào anh cũng tìm cho tôi từng món một. Không có, anh còn phải đi nhờ người khác. Phiền cho anh quá.”
“Tôi không ngại!” -Tôi buộc miệng nói ra: “Tôi chưa bao giờ nghĩ cậu phiền phức!”
“Thế cũng không được. Tôi biết vì mối quan hệ với tôi anh mới dễ dãi như thế. Lúc đầu thi thoảng mới làm phiền anh một lần, tôi thấy cũng được. Nhưng về sau một ngày chạy những mấy chuyến, tôi không muốn. Anh càng chiều ổng, ông chủ lại càng làm tới. Về sau, ổng đòi năm tệ thì tôi đổi với anh hai mươi tệ. Ổng đòi mười tệ, tôi lại đổi năm mươi tệ với anh. Nên giờ ổng cũng không sai tôi đi nữa. Anh cũng đỡ mất công…”
“…Thế cơ đấy à!” -Tôi cảm thấy mình sắp hết thấy đường vì cười. Một sự ấm áp chạy từ đỉnh đầu đến bàn chân và xuyên suốt kinh mạch toàn thân. Cả người dễ chịu đến mức như sắp tan ra: “Mộ Vũ, vẫn là cậu thương tôi…”