Tình Mẫu Đơn

Chương 8




Tôi chết vào giờ dậu ngày mùng bảy tháng chạp năm Khang Hy thứ ba. Chỉ còn năm ngày nữa là đến hôn lễ. Trong những khoảnh khắc đầu tiên của cái chết, nhiều việc xảy ra trong vài tuần lễ cuối cùng trở nên sáng rõ. Hiển nhiên là tôi không có ý niệm rằng mình sắp chết, nhưng mẹ đã hiểu điều đó khi bà vào buồng tôi lần đầu tiên sau một thời gian dài.

Khi tới Xuân Đình, các em họ, các thím, những người thiếp đã cố ép tôi ăn vì nhận thấy tôi đã tự bỏ đói mình. Trong những ngày cuối cùng, tôi đã bị việc viết lách ám ảnh y hệt nàng Lệ Nương bị ám ảnh bức chân dung tự họa. Tôi đã nghĩ rằng các bài thơ của mình nảy nở từ tình yêu, nhưng từ trong sâu thẳm chắc hẳn rằng tôi đã biết mình sắp chết.

Trên tất cả, điều mà cơ thể biết và điều trí óc chọn để tin tưởng là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Cha tới để đưa tôi đóa mẫu đơn vì tôi sắp chết và khuôn phép không thành vấn đề nữa; tôi đã sung sướng phát hiện ra rằng mình sắp lấy chàng thi nhân ấy, nhưng đã quá cận kề cái chết nên không còn có thể phục hồi.

Rèm trong buồng tôi được gỡ xuống, không phải để tôi đem đến nhà mới mà bởi chúng trông giống lưới đánh cá và người thân không muốn tôi tái sinh vào kiếp cá. Cha kể với tôi về các chú vì ông muốn tôi mang thông điệp tới họ ở thế giới bên kia. “Một ngày nào đó con được gặp họ,” ông nói.

Ông không thể thẳng thắn hơn thế, nhưng tôi đã không hiểu. Người nhà đã đặt rễ khoai sọ quanh người tôi. Khoai sọ được tân nương mang theo tới nhà mới nhưng nó cũng được cúng cho người chết để cầu cho trong nhà sinh con trai, cháu trai. Theo truyền thống, con gái chưa chồng được đem ra ngoài khi “chỉ còn một hơi thở nữa”.

Nhưng làm sao người ta đoán biết được điều này? Nhưng chí ít thì, khi chết, tôi cũng không phải là một đứa trẻ sơ sinh. Nếu không tôi sẽ bị bỏ cho chó ăn hay chôn trong một nấm mộ nông choèn và mau chóng bị quên lãng. Khi còn nhỏ, chúng tôi biết những điều xảy đến với mình sau khi chết từ cha mẹ, những truyện kể và các phong tục thờ cúng tổ tiên.

Tất nhiên nhiều hiểu biết của tôi về cái chết là từ Mẫu Đơn Đình. Mặc dù vậy người sống không thể biết hết tất cả nên tôi hoang mang, lạc lõng và thiếu tự tin khi bắt đầu hành trình của mình. Tôi đã nghe rằng chết là bóng tối nhưng điều đó không phải những gì tôi trải nghiệm.

Phải mất bốn mươi chín ngày để đẩy tôi khỏi dương gian và kéo tôi vào cõi âm. Mỗi linh hồn có ba phần và mỗi phần tìm nơi chốn riêng của mình sau khi chết. Một phần ở lại cùng thể xác bị chôn vùi, phần thứ hai đi tới thế giới bên kia trong khi phần còn lại vẫn ở dương gian chờ được đặt vào bài vị.

Tôi bị giằng xé giữa khiếp sợ, đau buồn và bối rối khi ba phần hồn của tôi bắt đầu hành trình riêng của chúng, mỗi phần lúc nào cũng nhận thức đầy đủ về hai phần kia. Chuyện này sao có thể xảy ra được? Ngay cả lúc bay qua bầu trời, tôi biết rõ rằng người ta bắt đầu than khóc ở sân trong khi phát hiện ra xác tôi.

Nỗi buồn lớn lao tràn ngập lòng tôi khi thấy họ hàng và các gia nhân đã chăm sóc mình giậm chân thương tiếc. Họ xõa tóc, tháo bỏ châu báu trang sức, mặc tang phục trắng. Một gia nhân chỉnh lại chiếc sàng con và tấm gương treo trên cửa buồng tôi. Tôi đã nghĩ rằng những món đó được đặt ở đấy để bảo vệ tôi khi đến nhà Ngô Nhân trong lễ thành hôn, nhưng thực ra chúng dùng để sửa soạn cho cái chết của tôi.

Giờ đây chiếc sàng con sẽ để phần thiện lọt qua trong khi tấm gương sẽ biến họa thành phúc cho gia tộc tôi. Mối quan tâm trước hết của tôi là về phần hồn sẽ ở lại thân xác. Mẹ và các thím cởi bỏ y phục mặc trên thi thể và tôi đã thấy người mình hốc hác khủng khiếp đến mức độ nào.

Họ lau rửa thi thể một số lẻ lần và quấn xác tôi trong mấy lớp áo liệm. Họ mặc cho tôi quần áo có đệm lót để tôi được ấm áp trong mùa đông, rồi xỏ tay chân tôi vào những tấm áo choàng lụa và áo gấm đã được may làm của hồi môn. Họ rất cẩn thận để chắc chắn rằng không có mẩu lông thú nào dính trên y phục, vì sợ tôi bị tái sinh làm kiếp thú.

Ở lớp ngoài cùng, tôi mặc một tấm áo choàng lụa có đệm lót với ống tay thêu hoa văn hình lông chim bói cá rất sặc sỡ và tinh xảo. Như bất cứ linh hồn nào đang rời bỏ thân xác, tôi mê mụ đi, nhưng vẫn mong họ sẽ dùng trang phục cưới của tôi để làm một lớp áo liệm. Tôi là một tân nương và tôi muốn có trang phục cưới ở thế giới bên kia.

Mẹ đặt một miếng ngọc mỏng vào miệng tôi để bảo toàn thi thể. Thím hai cất tiền và gạo vào các túi để tôi có thể dỗ dành lũ chó hung dữ sẽ gặp trên đường tới cõi âm. Thím ba che mặt tôi bằng một mảnh lụa trắng mỏng. Thím tư buộc những sợi dây màu quanh eo tôi để ngăn tôi không kéo theo đứa trẻ nào trong gia tộc và quanh bàn chân tôi để giữ người tôi khỏi giật nẩy nếu bị lũ ác quỷ dày vò trong hành trình của mình.

Gia nhân treo mười sáu dải phướn trắng bằng giấy lên mặt ngoài cổng chính Trần phủ để hàng xóm láng giềng biết rằng một cô gái mười sáu tuổi vừa qua đời. Các chú tôi đi khắp thành tới các miếu thổ địa và thánh thần để thắp nến và đốt vàng mã cho phần hồn tới cõi âm của tôi dùng làm lộ phí qua Quỷ Môn Quan.

Cha tôi mời các nhà sư, chỉ vài người chứ không nhiều vì tôi là con gái, để tụng kinh bảy ngày một lần. Khi sống không ai được tùy ý đi lang thang và khi chết cũng vậy. Giờ đây việc của gia đình là trói tôi lại để tôi không bị cám dỗ mà lang thang vơ vẩn. Ngày thứ ba sau khi chết, thi hài tôi được nhập quan cùng với tro, vôi và những đồng xu.

Rồi cỗ quan tài mở được đặt vào một góc sân chờ thầy toán mệnh tìm ngày và nơi chốn thích hợp để đem chôn. Các thím để bánh vào trong tay tôi, các chú xếp những cây gậy cạnh người tôi. Họ thu gom y phục, vải bó chân, tiền bạc cùng thực phẩm, tất cả đều làm bằng giấy, đem đốt đi để chúng có thể cùng tôi tới thế giới bên kia.

Nhưng tôi là một cô gái, và tôi nhanh chóng biết rằng họ đã gửi thiếu. Vào đầu tuần lễ thứ hai, phần hồn tới cõi âm của tôi đã đến Xứng Kiều, nơi quỷ quan bắt đầu thực hiện bổn phận mà không hề thương xót. Tôi đứng trong hàng ngay sau một người đàn ông họ Lý, quan sát khi những người trước chúng tôi được cân trước khi được chuyển đến tầng tiếp theo.

Trong bảy ngày, ông Lý run rẩy và choáng váng, thậm chí còn khiếp hãi hơn cả tôi trước những điều chúng tôi đang nhìn và nghe thấy. Khi đến lượt ông ta, tôi quan sát trong nỗi kinh hoàng khi ông ta ngồi lên một chiếc cân và mọi hành động xấu xa ông ta đã làm trong đời khiến nó hạ xuống đến vài thước.

Sự trừng phạt ông ta diễn ra ngay lập tức. Ông ta bị xé toạc làm nhiều mảnh và nghiền nát thành bụi. Rồi ông ta được gom lại và đưa đi cùng một lời cảnh cáo. “Đây mới chỉ là ví dụ cho đau đớn đang đợi ngươi thôi, Lý lão gia,” một gã quỷ sứ tuyên bố với vẻ tàn nhẫn.

“Chớ khóc lóc hay cầu xin được khoan dung. Quá muộn rồi. Người tiếp theo!” Tôi chết điếng người. Lũ quỷ gớm guốc với bộ mặt khủng khiếp và tiếng kêu chói tai vây quanh và dẫn tôi tới chiếc cân. Tôi không nhẹ hơn không khí, đó mới là dấu hiệu của người tốt thực sự, nhưng những điều xấu tôi làm khi còn sống chỉ nhỏ thôi nên tôi tiếp tục hành trình của mình.

Suốt thời gian tôi đứng xếp hàng tại Xứng Kiều, bằng hữu và hàng xóm láng giềng chia buồn với cha mẹ tôi. Đàm đại nhân gửi cha tôi tiền vàng để tôi chi tiêu ở cõi âm. Đàm phu nhân mang nến, hương và thêm đồ vàng mã để đốt cho tôi được sung túc. Đàm Trắc săm soi các đồ cúng, ước đoán giá trị của chúng, và nói những lời buồn rầu rỗng tuếch với các em họ tôi.

Nhưng nó mới chỉ lên chín tuổi. Nó biết được gì về cái chết chứ? Vào tuần lễ thứ ba, tôi qua Ác Cẩu Thôn nơi người đoan chính được đón chào với những cái vẫy đuôi và liếm lưỡi còn kẻ xấu bị cắn xé giữa những hàm răng hùng hổ và lởm chởm cho đến khi máu chảy thành sông.

Một lần nữa, dù không xấu xa nhiều khi còn sống nhưng tôi cũng thấy vui vì có những chiếc bánh mà các thím đặt trong quan tài để dỗ dành lũ súc vật hai cẳng, bốn cẳng hay nhiều hơn nữa và vì có những cây gậy mà các chú đã cho để xua đuổi những con vật thực sự bất kham. Tuần thứ tư, tôi tới Gương Báo Ứng và được bảo hãy nhìn vào mà xem kiếp sau của mình sẽ là gì.

Nếu tôi từng là một kẻ xấu xa độc ác thì sẽ thấy một con rắn trườn trong đám cỏ, một con lợn đang dầm mình trong phân rác hay một con chuột đang rỉa thịt xác chết. Nếu tôi là người tốt thì sẽ thoáng thấy một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cuộc sống vừa qua. Song khi tôi nhìn vào gương, hình ảnh âm u và không ra hình thù gì.

Phần hồn còn lại của tôi đang lang thang, nấn ná trên dương gian cho tới khi bài vị được điểm và tôi sẽ tới nơi an nghỉ cuối cùng. Những ý nghĩ về Ngô Nhân chưa bao giờ rời bỏ tôi. Tôi tự trách mình đã bướng bỉnh không chịu ăn uống và đau lòng cho đám cưới không bao giờ được tổ chức nữa, nhưng tôi chưa từng tuyệt vọng về chuyện chúng tôi không được ở bên nhau.

Thật ra tôi tin tưởng vào sức mạnh tình yêu của chúng tôi hơn bao giờ hết. Tôi mong Ngô Nhân tới nhà, gục người trên quan tài khóc lóc, rồi hỏi xin cha mẹ tôi đôi hài bó chân tôi đã đi gần đây. Chàng sẽ mang đôi hài đó về nhà cùng với ba nén nhang đang cháy. Ở mỗi góc đường, chàng sẽ gọi tên tôi và mời tôi đi theo.

Khi về tới nhà, chàng sẽ đặt đôi hài lên ghế cùng với hương. Nếu thắp hương trong hai năm và tưởng nhớ đến tôi hàng ngày, chàng sẽ được thờ tôi như thờ một người vợ. Nhưng chàng không làm những việc đó. Vì không có bạn đời là trái lẽ tự nhiên ngay cả với người chết, tôi bắt đầu mơ về một đám cưới ma.

Nó không dễ dàng và lãng mạn như lễ Vấn Hài nhưng tôi không quan tâm, miễn là nó mau mau chóng khiến tôi kết hôn với Nhân. Sau khi đám cưới ma được tổ chức, với bài vị thế chỗ cho người, tôi sẽ mãi mãi ra khỏi nhà họ Trần và nhập vào nhà chồng, tôi thuộc về nơi ấy. Khi không nghe thấy nói gì về chuyện này nữa, phần hồn thứ ba không ở cùng thể xác hay tới cõi âm của tôi quyết định tới thăm Nhân.

Cả đời tôi đã sống hướng nội. Khi chết tôi cảm thấy mình hướng nội, hướng nội, hướng nội cho tới khi không còn gì cả. Giờ tôi đã không còn ràng buộc với gia đình và Trần gia trang. Tôi có thể tới bất cứ nơi nào, nhưng tôi không biết đường lối trong thành, cũng không biết cách tìm đường, và khó mà bước trên đôi gót sen của mình.

Tôi không thể đi hơn mười bước mà không lắc lư trước gió. Song vì tất cả những đau đớn và nhầm lẫn của mình, tôi phải tìm Nhân. Thế giới bên ngoài vừa đẹp đẽ vừa xấu xí hơn nhiều so với những gì tôi đã hình dung. Những quầy hàng trái cây nhiều màu sắc xen giữa những quầy bán lợn mổ để nguyên con và các phần thịt đã pha.

Những kẻ ăn mày với những vết lở loét nhỏ dịch và tay chân què cụt nài xin người qua lại cái ăn và tiền. Tôi thấy những phụ nữ (từ những gia đình danh giá!) vừa dạo phố vừa cười trên đường tới quán ăn và quán trà như thể chuyện đó chẳng là gì. Tôi lạc đường, tò mò và hào hứng.

Thế giới đang chuyển động không ngừng với những cỗ xe ngựa lăn qua các phố, lũ trâu ì ạch kéo xe chở muối, cờ phướn tung bay trên các tòa nhà và quá nhiều người đang xô đẩy trong dòng thác người cuộn xoáy. Những người bán hàng rong bán cá, kim chỉ và rổ rá bằng giọng rao nhức óc.

Các khu nhà đang xây dựng hành hạ tai tôi bằng tiếng quai búa và la hét. Người ta tranh cãi về thời thế, giá vàng và những món nợ thua bạc. Tôi bịt tai nhưng bàn tay tôi, chỉ còn là một làn hơi, không thể ngăn được những âm thanh khàn khàn và dày vò đó. Tôi cố gắng ra khỏi con phố nhưng là một linh hồn tôi không thể lái người rẽ ngoặt được.

Tôi trở lại nhà mình và thử một con phố khác. Lần này tôi tới một khu mua sắm, người ta bán quạt, tơ lụa, ô dù giấy, dao kéo, đá chạm, tràng hạt và trà ở đấy. Biển hiệu và những bộ lễ phục kiểu này kiểu nọ lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tôi tiếp tục đi, qua đền miếu, xưởng dệt và xưởng đúc tiền, âm thanh của những cỗ máy dập thoi vào tai tôi cho tới khi nước mắt trào ra.

Những con phố ở Hàng Châu được lát đá cuội, đôi gót sen của tôi thâm tím bầm dập cho tới khi máu hồn rỉ qua hài lụa. Người ta bảo rằng hồn ma không cảm thấy đau đớn thể xác nhưng không phải vậy. Nếu không thì tại sao lũ chó ở cõi âm lại cắn xé hết tay đến chân kẻ xấu hay quỷ sứ cứ ăn trái tim của kẻ đê tiện hết lần này tới lần khác? Sau một đường thẳng dài nữa chẳng dẫn tới đâu, tôi trở lại nhà mình.

Tôi bắt đầu theo một hướng mới, bước dọc mé ngoài tường bao cho đến khi tới mặt nước trong veo của Tây Hồ. Tôi ngắm bờ đê, các phá nước với những gợn sóng lung linh và những sườn đồi xanh tươi. Tôi lắng nghe lũ bồ câu gù mưa và lũ ác là cãi vã. Tôi thoáng thấy Cô Đảo và nhớ Nhân đã chỉ nhà chàng ở núi Vu Sơn, nhưng tôi không tìm ra cách nào để tới đó cả.

Tôi ngồi trên một tảng đá. Những tấm váy liệm rủ từ người xuống mép nước, nhưng giờ tôi thuộc thế giới của các linh hồn nên chúng không bị ướt hay vấy bùn. Tôi không còn lo lắng về chuyện hài lấm bẩn hay chuyện gì như thế. Tôi không để lại bóng người hay dấu chân. Chuyện này khiến tôi cảm thấy tự do hay cô đơn không kìm nổi ư? Cả hai.

Vầng dương lặn xuống sau đồi, chuyển bầu trời thành đỏ thẫm và làm hồ nước tím sẫm. Linh hồn tôi run rẩy như lau sậy trước gió. Màn đêm buông xuống Hàng Châu. Tôi chỉ còn một mình trên bờ, tách biệt với mọi người và mọi vật tôi biết, càng lúc càng đắm chìm sâu hơn vào nỗi thất vọng.

Nếu Nhân không tới nhà tôi để dự tang lễ và tôi không thể tới nhà chàng vì bị những góc đường và tiếng động ngăn trở thì làm sao tôi tìm thấy chàng được? Trong các ngôi nhà và chốn bán buôn quanh hồ, người ta đã hạ đèn lồng xuống và thổi tắt nến. Người sống đang ngủ nhưng bờ hồ thì chập chờn đầy xao động.

Linh hồn của cây cối, tre trúc hít thở và run rẩy. Lũ chó trúng bả tới bên hồ tuyệt vọng uống nước lần cuối trước khi giãy chết. Những hồn ma đói, những người đã chết đuối dưới hồ hay chống lại quân Mãn Châu, không chịu cạo trán và bị xử chém đầu, lê lết qua bụi cây thấp.

Tôi cũng thấy những người giống mình: những người mới chết và đang lang thang trước khi ba phần hồn tìm thấy nơi an nghỉ. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có lại được những đêm yên bình đầy mộng đẹp. Những giấc mộng! Tôi giật mình. Nhân cũng hiểu Mẫu Đơn Đình gần như tôi vậy.

Mộng Mai và Lệ Nương đã gặp gỡ nhau lần đầu trong mộng. Chắc chắn là từ khi tôi chết Nhân đã cố gắng đến với tôi trong mộng, chỉ tôi là không biết chỗ và cách gặp chàng. Giờ tôi đã biết chính xác nơi cần đến nhưng tôi phải tìm đúng đường để tới đó.Tôi cố thử xoay vòng tròn vài lần ở góc trang viên, mỗi lần đều mở rộng vòng xoay cho đến khi tôi vươn ra đủ rộng để thực hiện được điều đó.

Tôi rón rén dọc mép nước, bước qua các tảng đá, không quan tâm tới các vũng nước nhỏ, gạt ra bên cạnh những đóa tầm xuân và những vạt cây bụi cản đường khác cho tới khi tới được Vọng Nguyệt Đình. Đúng lúc mảnh nhỏ nhất của vầng dương vươn lên trên núi, tôi nhận ra Nhân đang đợi mình.

“Ta đã tới đây, hy vọng gặp được nàng,” chàng nói. “Nhân.” Khi chàng vươn tới vào, tôi không né ra. Chàng ôm tôi hồi lâu mà không nói gì cả, rồi chàng hỏi, “Thế nào mà nàng lại chết và rời bỏ ta?” Tôi có thể chạm vào nỗi đau của chàng. “Chúng đã đã rất hạnh phúc.

Nàng đã quyết định rằng sẽ không yêu ta ư?” “Em có biết chàng là ai đâu. Làm sao mà em biết được ạ?” “Ban đầu ta cũng không biết đó là nàng,” chàng trả lời. “Ta biết vợ tương lai của mình là con gái của Trần lão gia và tên là Mẫu Đơn. Ta không muốn một cuộc hôn nhân sắp đặt, nhưng giống như nàng, ta phải chấp nhận số phận.

Khi chúng ta gặp gỡ, ta cho rằng nàng là trong những người cháu trong nhà, hoặc một vị khách. Trái tim thay đổi và ta nghĩ, hãy để mình có được ba đêm này, tin rằng chúng gần nhất với điều mà ta mong muốn trong hôn nhân.” “Em cũng có cảm giác ấy.” Lòng đầy nuối tiếc, tôi tiếp lời, “Giá mà em nói ra tên mình.” “Ta cũng có nói tên mình đâu,” chàng buồn rầu nói.

“Thế còn đóa mẫu đơn thì sao? Nàng có nhận được không? Ta đã đưa nó cho cha nàng. Lúc đó nàng phải biết đó là ta chứ.” “Cha trao nó cho em khi đã quá muộn để cứu em.” Chàng thở dài, “Mẫu Đơn.” “Nhưng em vẫn không hiểu sao chàng biết đó là em?” “Ta không biết cho đến khi cha nàng thông báo về lễ cưới của chúng ta.

Với ta, cô gái mà ta sắp lấy làm vợ không có khuôn mặt và giọng nói. Nhưng khi cha nhắc đến tên nàng đêm đó, ta nghe theo một cách hoàn toàn mới. Rồi ông bảo nàng cần phải đổi tên, vì tên ấy trùng với tên mẹ ta, không hiểu sao ta cảm thấy, hiểu rằng, ông đang nói về nàng. Dung mạo nàng không giống mẹ ta, nhưng cả hai có chung tính đa cảm.

Ta hy vọng khi ông thông báo và chỉ vào ta thì nàng sẽ trông thấy.” “Em đã nhắm mắt lại. Sau khi gặp chàng, em sợ nhìn thấy người sẽ là chồng mình.” Rồi tôi nhớ lại, lúc mở mắt ra, mình đã thấy Đàm Trắc cùng cái miệng tròn vo, cong cớn của nó. Nó đã thấy chính xác đó là ai.

Nó đã bảo tôi trong đêm diễn kịch đầu tiên rằng nó có tình ý với chàng thi nhân của tôi. Chẳng có gì lạ khi nó tỏ ra giận dỗi lúc chúng tôi trở lại khu vực phụ nữ. Nhân vuốt ve má tôi. Chàng sắp sửa làm hơn thế nữa, nhưng tôi cần phải làm sáng tỏ chuyện gì đã xảy ra. “Thế nên chàng nhất quyết đó là em dựa vào trực giác ư?” tôi bướng bỉnh hỏi.

Chàng mỉm cười và tôi nghĩ, nếu chúng tôi thành thân thì đây là cách chàng đáp lại mỗi lần tôi không thể từ bỏ sự cố chấp của mình. “Chuyện đó rất đơn giản,” chàng nói. “Sau lời thông báo, cha nàng cho giải tán đám phụ nữ. Khi những người đàn ông đứng dậy, ta mau chóng tách khỏi họ và vội vã chạy băng qua hoa viên, cho tới khi thấy đám các nàng.

Nàng ở ngay phía trước. Đám phụ nữ đối xử với nàng như thể nàng đã là một cô dâu mới.” Chàng cúi xuống thì thầm vào tai tôi. “Ta nghĩ chúng ta may mắn làm sao khi không phải là những người xa lạ trong đêm tân hôn. Ta hạnh phúc, với khuôn mặt của nàng, đôi gót sen của nàng, phong thái của nàng.” Chàng lại ngẩng lên và nói, “Sau đêm đó, ta đã mơ về tương lai của chúng ta.

Chúng ta sắp sửa có những ngày tháng đắm mình trong văn chương và tình yêu. Ta đã gửi Mẫu Đơn Đình cho nàng. Nàng có nhận được không?” Làm sao tôi có thể nói với chàng rằng, chính nỗi ám ảnh với nó đã khiến tôi lìa đời. Quá nhiều nhầm lẫn. Quá nhiều sai sót. Và kết quả là bấy nhiêu bi kịch.

Vào lúc đó tôi hiểu rằng từ ngữ nghiệt ngã nhất trên đời này, chính là giá như. Giá như tôi đã không bỏ vở kịch trong đêm đầu tiên, tôi sẽ thành thân và gặp Nhân trong đêm tân hôn mà chẳng có rắc rối gì xảy ra cả. Giá như tôi đã mở mắt khi cha chỉ vào Nhân. Giá như cha đưa đóa mẫu đơn cho tôi vào sáng hôm sau hay một tháng hoặc thậm chí một tuần trước khi tôi chết.

Sao số phận có thể tàn nhẫn đến thế? “Chúng ta không thể thay đổi chuyện đã xảy ra, nhưng có lẽ tương lai chúng ta cũng không vô vọng,” Nhân nói. “Mộng Mai và Lệ Nương đã tìm thấy con đường riêng của họ, đúng không nhỉ?” Tôi chưa hoàn toàn hiểu mọi thứ ở thế giới mộng ảo này diễn ra như thế nào, tôi được phép làm gì, nhưng vẫn nói, “Em sẽ không rời bỏ chàng.

Em sẽ ở cùng chàng mãi mãi.” Nhân siết chặt tay quanh người tôi và tôi vùi mặt vào vai chàng. Tôi muốn được như thế này mãi, nhưng rồi chàng đẩy ra và chỉ vào vầng dương đang mọc. “Ta phải đi rồi,” chàng bảo. “Nhưng em có bao nhiêu điều muốn nói với chàng. Đừng rời bỏ em,” tôi năn nỉ.

Chàng mỉm cười. “Ta nghe tiếng gia nhân trong sảnh. Hắn mang trà cho ta.” Rồi giống như vào đêm diễn kịch đầu tiên, chàng đề nghị chúng tôi sẽ gặp lại. Rồi sau đó, chàng biến mất. Tôi ở ngay tại đấy cả ngày đến đêm, chờ chàng tới gặp tôi trong giấc mộng của chàng.

Những giờ chờ đợi đó khiến tôi có nhiều thời gian suy nghĩ. Tôi muốn là một hồn ma đắm say trong tình yêu. Trong Mẫu Đơn Đình, Lệ Nương đã mây mưa cùng Mộng Mai lần đầu tiên trong mộng và sau đó, khi nàng là một hồn ma, nàng cũng mây mưa với chàng. Khi trở lại làm người, nàng vẫn còn trong trắng và không muốn để trinh tiết của mình bị tổn hại trước hôn lễ.

Nhưng điều đó có thể xảy ra trong đời thực không? Ngoài Mẫu ĐơnĐình ra, hầu hết các truyện ma khác đều liên quan đến những yêu nữ hủy hoại, làm tổn thương hoặc giết hại tình lang của mình. Tôi nhớ tới một truyện mẹ kể, trong đó hồn ma nữ đã giữ mình khỏi chạm vào chàng thư sinh với lời lẽ “Bộ xương mốc meo từ nấm mồ này không hợp với người sống.

Quan hệ với hồn ma chỉ đẩy chàng nhanh tới cái chết mà thôi. Em không dám làm hại chàng.” Tôi cũng không thể mạo hiểm làm tổn hại Nhân. Giống như Lệ Nương, tôi được chuẩn bị để làm một người vợ. Ngay cả khi đã chết, nhất là khi đã chết, tôi không thể để phu quân coi mình là gì đó thấp kém hơn một vị tiểu thư đài các.

Như Lệ Nương đã nhận định, Hồn ma có thể bị đam mê lừa dối; phụ nữ thì phải chú ý đầy đủ đến lễ nghi. Đêm đó, khi Nhân trở lại Vọng Nguyệt Đình, chúng tôi nói chuyện về thơ và hoa, về cái đẹp và về chữ tình, về tình yêu trường cửu và tình yêu nhất thời của các cô gái trong lầu xanh.

Khi chàng đi lúc tảng sáng, tôi cảm thấy thất vọng. Suốt quãng thời gian ở cùng chàng, tôi muốn vươn tay vào trong áo dài của chàng và chạm vào da thịt chàng. Tôi muốn thì thầm những thông điệp của trái tim vào tai chàng. Tôi muốn nhìn và chạm vào thứ ẩn giấu trong quần chàng, tôi muốn chàng lột bỏ những lớp vải liệm cho tới khi tìm thấy vị trí đang khao khát được đụng chạm ngay cả trong cái chết.

Đêm hôm sau, chàng mang theo bút, nghiên, giấy, mực. Chàng cầm tay tôi và chúng tôi cùng mài mực vào nghiên, rồi tới bên hồ, ở đó chàng khum bàn tay tôi lại để tôi mang nước về hòa mực. “Hãy nói ta hay,” chàng bảo. “Hãy nói cho ta biết cần phải viết gì.” Tôi nghĩ đến trải nghiệm của mình trong những tuần cuối cùng, rồi bắt đầu đọc.

Liệng ngang trời trong cơn trằn trọc mãi Những núi non tươi mát dưới sương Hồ mờ xa Chàng cuốn em vào chàng qua những đám mây. Khi những từ cuối cùng bật khỏi môi tôi, chàng để bút xuống và cởi tấm áo choàng có đệm lót với ống tay thêu hình lông chim bói cá của tôi ra.

Chàng viết bài thơ tiếp theo, chữ viết của chàng thanh lệ như bàn tay mơn trớn. Chàng đặt tên bài thơ là “Tiên nữ ghé thăm,” và đó là về tôi. Thôi giã từ thôi, thôi nhớ thương Đêm ơi ngập ngúa bấy đêm trường! Nàng theo sương khói về trong mộng, Ta nhớ Tầm Dương, tay phím buông... ...Dấu tiên mờ mịt, lìa Lưu Nguyễn Hồn bướm miên man, hẹn Chúc Lương Nức nở đàn ai, sầu vỡ giấc.

Khuây ngồi rạc bóng trước trăng suông... Chúng tôi cùng làm mười tám bài thơ. Tôi đọc một dòng và chàng làm dòng tiếp theo, thường mượn lời từ vở kịch mà chúng tôi yêu thích. “Đêm nay em đến với chàng bằng cả thể xác và cả tình yêu, là của chàng trong mọi khát khao,” tôi dẫn lời Lệ Nương sau hôn lễ bí mật của nàng.

Mỗi dòng là một nỗi niềm riêng tư được bộc bạch. Mỗi dòng mang chúng tôi đến gần nhau hơn. Và mỗi bài càng lúc càng ngắn hơn khi hết lớp này đến lớp khác trên bộ đồ liệm của tôi rơi xuống đất. Tôi quên đi những âu lo. Tất cả thu lại thành những từ lạc thú, rì rầm, quyến rũ, trào dâng, mây.

Bình minh ló rạng và chàng bị tách khỏi tôi. Đơn giản là qua rồi. Vầng dương đã ở trên cao và tôi đang ở dưới những lớp áo liệm còn lại. Người chết không cảm thấy nóng hay lạnh theo cách thông thường. Hơn thế, chúng tôi cảm thấy điều gì đó sâu sắc hơn, điều gì đó kết nối với xúc cảm của những cảm giác này.

Tôi không sao kìm được mà run lên, nhưng tôi không mặc lại y phục. Cả ngày đến đêm tôi chờ Nhân trở lại nhưng chàng không đến. Thế rồi bỗng dưng có những sức mạnh khủng khiếp kéo tôi khỏi Vọng Nguyệt Đình. Tôi chỉ mặc mỗi đồ lót và tấm áo dài thêu hình chim bay thành đôi trên những bông hoa.

Tôi đã chết năm tuần và ba phần hồn tôi bắt đầu quằn quại tách rời nhau một cách không thể đừng được. Một phần hồn ở lại thân xác tôi mãi mãi, phần lang thang bắt đầu giạt vào bài vị trong khi phần ở cõi âm đã đến Vọng Hương Đài. Ở nơi này, người chết rất buồn và khao khát được cho cơ hội cuối cùng nhìn lại nhà cửa và lắng nghe những người thân.

Từ rất xa, tôi lần dọc theo bờ Tây Hồ tới khi trở lại nhà mình. Ban đầu mọi thứ tôi có thể thấy được chỉ là những điều vặt vãnh: gia nhân đổ bô trong buồng mẹ, mấy người thiếp tranh cãi về một chiếc đĩa hình đầu sư tử, con gái vú Thiệu giấu các hình thêu của nó vào giữa những trang giấy trong bản Mẫu Đơn Đình của tôi.

Nhưng tôi cũng thấy nỗi buồn của cha mẹ và cảm thấy đau nhói vì ân hận. Tôi đã chết vì quá đa tình. Tôi rời bỏ dương thế vì tình cảm dạt dào đã làm tôi choáng ngợp, hủy hoại sức khỏe và che mờ suy nghĩ. Bên dưới, mẹ đang khóc và tôi nhận ra rằng bà đã đúng. Lẽ ra tôi nên tránh xa Mẫu Đơn Đình.

Nó đã mang lại cho tôi quá nhiều đam mê, thất vọng và hy vọng và giờ đây, tôi ở chốn này, bị chia lìa khỏi gia đình, người thân và chồng mình. Là trưởng nam, cha tôi gánh vác mọi nghi lễ. Bổn phận và trách nhiệm chính của ông giờ đây là chứng kiến tôi được chôn cất một cách hợp thức và bài vị của tôi được điểm.

Người nhà và các gia nhân chuẩn bị thêm vàng mã, mọi thứ mà họ nghĩ là tôi có thể cần cho cuộc sống mới. Họ làm y phục, thực phẩm, phòng ốc và sách để tôi giải trí. Họ không cho tôi kiệu vì ngay cả khi đã chết mẹ cũng không muốn tôi ra ngoài. Trong đêm trước lễ tang, những đồ cúng này được đốt trên phố.

Trên Vọng Hương Đài, tôi thấy vú Thiệu lấy gậy đập vào đống lửa và những lá giấy khi chúng xoắn lại khi cháy nhằm xua đi những linh hồn muốn lấy đồ của tôi. Lẽ ra cha tôi nên bảo một trong các chú của tôi làm việc này để tỏ ra rằng ông thực sự hữu ý và mẹ tôi nên vãi gạo quanh rìa đống lửa để dụ những hồn ma đói đang nài xin cái ăn, bởi vì vú Thiệu không xua đuổi được những linh hồn và hầu như mọi thứ đều bị lấy trộm trước khi tôi có cơ hội nhận được.

Khi quan tài tôi đi tới phong hỏa môn, tôi thấy Nhân. Thậm chí khi chú hai đập một chiếc chén có lỗ thủng ngay phía trên chỗ đặt đầu tôi, từ bây giờ, tôi chỉ được phép uống phần nước mà tôi đã lãng phí khi sống, tôi vẫn thấy hân hoan. Tiếng pháo xua đuổi những điềm gở liên quan đến tôi ở quanh trang viên.

Tôi được đặt vào một chiếc kiệu, không phải kiệu hoa cho lễ vu quy mà là kiệu xanh dùng cho người chết. Đám rước khởi hành. Chú tôi ném tiền vàng làm lộ phí cho tôi tới cõi âm. Nhân cúi đầu bước đi giữa cha tôi và Đàm đại nhân. Theo sau họ là những chiếc kiệu chở mẹ tôi, các thím và các cô em họ.

Tại nghĩa trang, quan tài tôi được hạ huyệt. Gió xạc xào thổi qua hàng dương thành những khúc ca ma mị. Mẹ, cha, các chú thím và em họ, mỗi người nhặt một nắm đất ném lên quan tài. Khi đất che phủ hết mặt gỗ sơn, tôi cảm thấy phần hồn thứ ba biến mất khỏi mình mãi mãi. Ở Vọng Hương Đài, tôi quan sát và lắng nghe.

Chẳng ai cử hành lễ cưới ma. Họ cũng không bày biện yến tiệc ở mộ địa để giới thiệu tôi với những người bạn mới và dọn đường cho sự thông hiểu giữa tôi và những người xóm giềng mới. Mẹ tôi ốm yếu vì đau buồn tiếc thương đến nỗi các thím phải giúp bà trở lại kiệu.

Cha dẫn đầu đám rước và một lần nữa Nhân và Đàm đại nhân ở bên cạnh ông. Không ai nói gì một hồi lâu. An ủi gì khi một người cha vừa mất đi đứa con độc nhất? Nói gì được với một chú rể vừa mất đi cô dâu của mình? Cuối cùng, Đàm đại nhân cũng nói với cha tôi: “Con gái ngài không phải là người duy nhất bị vở kịch khủng khiếp này tiêm nhiễm.” Đây là kiểu an ủi gì thế? “Nhưng nàng yêu vở kịch ấy,” Nhân lẩm bẩm.

Những người khác nhìn chàng chằm chằm và chàng nói thêm, “Cháu đã nghe người ta nói về tiểu thư như vậy, Trần lão gia. Nếu cháu may mắn lấy được tiểu thư, cháu sẽ không đời nào ngăn nàng khỏi vở kịch cả.” Khó mà miêu tả được cảm xúc của tôi lúc thấy chàng ở đó khi mà ngay mới đây thôi chúng tôi còn ở trong vòng tay nhau, làm thơ, đểtình chan chứa giữa chúng tôi.

Nỗi tiếc thương của chàng là sự thực và một lần nữa tôi lại ngập tràn trong nỗi hối tiếc vì sự bướng bỉnh và ngu ngốc đã mang tôi đến chốn này. “Nhưng tiểu thư chết vì tương tư, giống như cô gái đáng thương trong vở kịch kia!” Đàm đại nhân thốt lên. Có vẻ như ông không quen có ai đó bất đồng ý kiến với mình.

“Đúng là khuynh hướng mô phỏng nghệ thuật trong đời thực không phải lúc nào cũng là một điều dễ chịu,” cha tôi thừa nhận. “Nhưng cậu ấy nói đúng. Con gái tôi không thể sống thiếu văn chương và cảm xúc. Còn ngài, Đàm đại nhân, chẳng lẽ ngài không bao giờ muốn tới khu nhà của phụ nữ để trải nghiệm chiều sâu thực sự của chữ tình ư?” Trước khi Đàm đại nhân trả lời, Nhân nói, “Con gái lão gia không thiếu văn chương hay tình cảm, thưa Trần lão gia, nàng đã tới thăm cháu trong mộng ba đêm liền.” Không! Tôi kêu lên ở Vọng Hương Đài.

Chàng không hiểu tiết lộ chuyện này nghĩa là gì ư? Cha tôi và Đàm đại nhân lo lắng nhìn chàng. “Sự thực là, chúng cháu đã gặp nhau,” Nhân nói, “Vài đêm trước, chúng cháu đã ở với nhau trong Vọng Nguyệt Đình nhà lão gia. Khi nàng tới thăm cháu lần đầu, tóc nàng được đã được vấn lên chuẩn bị cho đám cưới.

Ống tay áo choàng ngoài thêu màu lông chim bói cá.” “Cậu đã miêu tả hoàn toàn chính xác,” cha tôi khẳng định với vẻ ngờ vực. “Nhưng sao cậu lại biết nó nếu trước đây cậu chưa từng gặp nó?” Nhân sẽ để lộ bí mật của chúng tôi ư? Liệu chàng có hủy hoại tôi trong con mắt của cha không? “Trái tim cháu nhận ra nàng,” Nhân đáp.

“Chúng cháu cùng làm thơ, Liệng ngang trời trong cơn trằn trọc mãi... Khi tỉnh giấc cháu đã chép lại mười tám bài thơ.” “Nhân, cậu lại tỏ ra mình là người tình cảm rồi,” cha bảo. “Tôi không thể đòi hỏi một người con rể tốt hơn.” Nhân thò vào ống tay áo lấy ra mấy tờ giấy gấp lại.

“Cháu nghĩ là lão gia sẽ thích đọc cái này.” Nhân là người tuyệt vời song chàng đã phạm một lỗi khủng khiếp, gần như không thể sửa chữa. Khi còn sống, tôi nghe kể rằng nếu người chết xuất hiện trong giấc mơ của người sống mà người này kể lại với ai chuyện đó, hoặc tệ hơn, nếu người này chép lại và đưa ra những gì người chết nói, thì linh hồn sẽ bị xua đi.

Đây là lý do tại sao những hồ ly tinh, hồn ma và thậm chí cả những tinh linh bất tử năn nỉ tình nhân trần thế của họ đừng tiết lộ với người đời sự tồn tại của họ. Nhưng con người không thể giữ được bí mật. Và dĩ nhiên linh hồn, bất kể ở dạng nào, không “biến mất.” Linh hồn sẽ đi đâu? Song chuyện tới thăm chàng trong mộng trở nên gần như bất khả.

Tôi đã bị hủy hoại. Tuần lễ thứ sáu sau khi chết, lẽ ra tôi đã qua sông Nại Hà. Lẽ ra vào tuần lễ thứ bảy, tôi sẽ tới địa hạt của Pháp Luân Vương, ở đó tôi bị giải ra trước vị phán quan quyết định số phận mình. Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra hết; tôi vẫn ở lại Vọng Hương Đài.

Tôi bắt đầu ngờ rằng có gì đó lầm lẫn nghiêm trọng. Tôi chưa từng thấy cha nhắc tới đám cưới ma với Nhân. Cha quá bận rộn sửa soạn chuyển tới Bắc Kinh để nhận chức vụ mới. Tôi nên đau đớn trước hành động này - sao ông có thể cho phép mình tuân phục vua Mãn Châu? - và tôi đã đau đớn.

Tôi nên lo lắng cho tâm hồn ông khi ông quyết định đem đạo đức đánh đổi lấy tiền tài, và tôi đã lo lắng thật. Nhưng tôi còn lo âu nhiều hơn chuyện ông sẽ cố bẫy một người nào đó, không phải Ngô Nhân, chấp nhận tôi làm vợ ma. Cha có thể dễ dàng ném chút tiền ra ngoài cổng, chờ ai đó ngang qua nhặt lên và nói với người đó rằng anh ta đã nhặt “quà dẫn cưới”, và điều đó có nghĩa là anh ta đã nhận tôi làm vợ.

Nhưng chuyện này cũng không xảy ra. Mẹ tôi bảo bà sẽ không theo cha tôi tới Bắc Kinh, quyết tâm không bao giờ rời khỏi trang viên nhà họ Trần chẳng hề dao động. Điều này khiến tôi lấy làm an ủi. Với mẹ, niềm vui và tiếng cười của những ngày hạnh phúc ở Xuân Đình trước khi tôi nhốt mình trong phòng đã không còn nữa, thay vào đó chỉ là nước mắt và phiền muộn.

Bà ở hàng giờ trong nhà kho cất giữ đồ đạc của tôi, tìm hơi người tôi còn vương lại áo quần, chạm vào những chiếc bút tôi đã cầm, nhìn những món đồ tôi thêu làm của hồi môn. Tôi đã chống lại mẹ khá lâu; giờ lúc nào tôi cũng mong ngóng bà. Bốn mươi chín ngày sau khi tôi chết, cả gia đình tụ tập ở từ đường để điểm lên bài vị của tôi và chào từ biệt lần cuối cùng.

Người chủ trò và vài kép hát tụ tập ở sân trong. Một người thật đặc biệt nào đó, một thư sinh hay người thuộc giới trí giả, thường được trao vinh dự điểm những nét kiểu cách lên bài vị. Khi việc này kết thúc, phần hồn thứ ba của tôi sẽ được chuyển vào trong bài vị ấy, ở đó nó sẽ dõi theo gia đình và người thân.

Nghi thức điểm bài vị sẽ cho phép tôi được thờ cúng như các vị tổ tiên và cho tôi một nơi trú ngụ ở trần gian mãi mãi về sau. Bài vị được điểm cũng là vật để qua đó người thân của tôi gửi đồ cúng cho tôi ở thế giới bên kia, thỉnh cầu sự phù hộ của tôi, an ủi tôi nhỡ khi tôi gặp phải những hiềm khích có thể xảy ra.

Trong tương lai, khi gia đình tôi bắt tay vào một vụ buôn bán mới, đặt tên cho con trẻ hay cân nhắc một lời cầu hôn, họ sẽ hỏi ý kiến tôi qua bài vị. Tôi chắc rằng Đàm đại nhân, người có phẩm cấp cao nhất mà cha tôi quen ở Hàng Châu, sẽ điểm lên bài vị. Nhưng cha tôi đã chọn người có ý nghĩa với tôi hơn bất cứ ai: Ngô Nhân.

Trông chàng còn quẫn trí hơn trong ngày tôi nhập thổ. Tóc chàng rối bù như thể chàng không hề ngủ nghê gì. Đau đớn và nuối tiếc ngập tràn trong mắt chàng. Giờ đây tôi không được phép đi vào giấc mơ của chàng, và chàng hiểu quá rõ rằng mình đã mất tất cả. Phần hồn sắp cư ngụ trong bài vị của tôi đến bên chàng.

Tôi muốn chàng biết tôi ở cạnh bên, nhưng cả chàng và mọi người đều không nhận thức được sự hiện diện của tôi. Tôi còn mong manh hơn cả một làn khói hương. Bài vị của tôi dựng trên một ban thờ. Nó đã được khắc tên tuổi, giờ sinh và giờ mất của tôi. Gần bài vị là một đĩa tiết gà trống và bút.

Nhân nhúng bút vào tiết gà. Chàng nhấc bút lên để truyền sinh khí cho bài vị, do dự rồi buông bút xuống, rên rỉ và chạy ra khỏi từ đường. Cha tôi cùng đám gia nhân đuổi theo chàng. Họ đưa chàng ngồi dưới gốc cây ngân hạnh. Họ mang trà cho chàng. Họ an ủi. Rồi cha nhận ra mẹ vắng mặt.

Tất cả chúng tôi theo ông về từ đường. Mẹ nằm trên sàn, khóc nức nở và giữ chặt bài vị của tôi. Cha nhìn mẹ bất lực. Vú Thiệu cúi xuống cố cạy lấy bài vị trong tay bà nhưng mẹ không buông ra. “Lão gia ơi, hãy để tôi giữ nó,” mẹ nức nở. “Bài vị cần được điểm,” ông bảo.

“Nó là con gái tôi, để tôi làm cho,” bà năn nỉ. “Làm ơn đi mà.” Nhưng mẹ không phải người xuất chúng. Bà không phải là văn sĩ, cũng không phải bậc trí giả. Rồi trước sự nghi hoặc vô cùng của tôi, cha mẹ trao nhau một cái nhìn cảm thông sâu sắc. “Dĩ nhiên rồi,” ông nói.

“Thế thì hoàn hảo.” Rồi vú Thiệu choàng tay qua người mẹ và dẫn bà đi. Cha tôi cho người chủ trò và mấy kép hát về. Những người còn lại trong gia đình cũng giải tán. Nhân trở về nhà. Mẹ khóc suốt đêm. Bà không chịu buông bài vị ra mặc dầu vú Thiệu dỗ dành mãi. Làm sao tôi lại không nhận ra mẹ yêu thương mình nhiều tới nhường nào.

Có phải đó là lý do cha cho phép bà điểm lên bài vị của tôi không? Nhưng thế thì không có ý nghĩa gì cả. Đây là bổn phận của cha. Sáng hôm sau, ông dừng lại bên cửa buồng mẹ. Khi vú Thiệu mở cửa, ông thấy mẹ khuất dưới chăn, rên rỉ buồn bã. Ánh mắt ông đượm vẻ đau đớn.

“Nói với phu nhân là ta phải tới kinh thành,” ông thì thào với vú Thiệu. Ông miễn cưỡng quay đi. Tôi theo ông tới cổng trước, ở đó ông sẽ lên chiếc kiệu để tới nơi nhậm chức mới. Sau khi kiệu đi khuất, tôi trở lại buồng mẹ. Vú Thiệu quỳ trên sàn cạnh giường chờ đợi.

“Con gái ta đã đi rồi,” mẹ rên rỉ. Vú Thiệu ấp úng tỏ vẻ cảm thông và vuốt những sợi tóc bết dính ra khỏi gò má ướt đẫm của mẹ. “Đưa bài vị cho tôi nào, Trần phu nhân. Hãy để tôi đưa nó cho lão gia. Ông ấy phải cử hành nghi lễ.” Bà ta đang nghĩ gì thế? Cha đã đi rồi mà.

Mẹ không biết điều đó nhưng bà siết chặt tay quanh bài vị, không chịu buông nó ra, không chịu buông tôi ra. “Phu nhân hiểu nghi lễ mà,” vú Thiệu cứng rắn nói. Thật đúng như con người mình, vú dựa vào truyền thống để làm nguôi ngoai nỗi buồn của mẹ tôi. “Đây là bổn phận của người cha.

Giờ phu nhân đưa nó cho tôi nào.” Khi thấy mẹ tôi dao động, vú nói thêm, “Phu nhân hiểu là tôi đúng mà.” Mặc dù không muốn, mẹ đưa bài vị cho vú Thiệu. Khi bà ta rời buồng, mẹ vùi mặt vào chăn rồi lại khóc. Tôi theo người vú già của mình khi vú bước tới nhà kho sau trang viên và nhìn một cách bất lực khi thấy bà ta cất bài vị lên một chiếc giá cao phía sau bình củ cải muối.

“Quá nhiều rắc rối với cô chủ rồi,” vú nói và khò khè cổ họng như thể muốn nhổ đi một vị thức ăn tồi tệ. “Không ai muốn thấy cái vật gở này.” Bài vị không được điểm thì tôi không thể vào đó được và phần hồn lẽ ra phải cư ngụ tại bài vị đã tái hợp cùng tôi ở Vọng Hương Đài

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.