Tình Đầu Gặp Nhau Quá Sớm

Chương 7




Món quà này không đắt tiền, nhưng là thứ đầu tiên mà Phong Ninh tặng cô sau khi hai người thành đôi, tỏ rõ tất cả tâm ý của anh. Theo nội dung câu chuyện, Tả Bách Hợp không biết xuất thân của Phong Ninh nhưng vẫn kiên trì không nhận bất cứ thứ gì, vậy nên khi hai người kết thúc, giữa họ chẳng có thứ gì để làm kỷ niệm trừ hồi ức của Tả Bách Hợp về những lần anh đưa cô ấy đi nghe nhạc.

Ánh nắng buổi chiều rất gắt, Phong Ninh muốn lái xe máy đưa Bách Hợp đi ngoại thành hóng gió, nhưng thấy cô phơi nắng đến đổ mồ hôi thì anh lại thấy khó chịu vì mình còn chưa đủ 18 tuổi nên không thể dùng ô tô có điều hòa để chở cô đi.

Anh không định dùng vật chất để đả động Bách Hợp, nếu không thì đâu chỉ tặng cô một chiếc nhẫn bạc chứ. Chỉ là trong lòng có ai thì luôn suy nghĩ vì người ấy. Lúc này, thấy cô chảy mồ hôi anh cũng thấy đau lòng không nỡ. Ngày mai Bách Hợp sẽ lên xe về nhà, anh sẽ bị cha tống vào trường quân đội, đây là điều kiện anh đã đáp ứng trước, có điều gặp Bách Hợp rồi thì lòng anh lại hơi hối hận. Anh muốn giữ Bách Hợp lại nên vài lần ngập ngừng muốn nói lại thôi. Cuối cùng, nghĩ đến trách nhiệm bản thân khi hứa hẹn với cha mẹ, lại nhìn chiếc nhẫn đeo trên tay, sự xốc nổi của Phong Ninh giống như thủy triều dần dần rút xuống, thay bằng ánh mắt kiên định. Sau đó, anh chỉ nắm tay Bách Hợp đi vài vòng ở trường.

Ba năm học tại trường, vì tính cách ngang ngược nên chẳng có chỗ nào là anh chưa đi qua, góc nào có cảnh đẹp anh đều biết cả. Tiếc là anh đã lãng phí rất nhiều thời gian mới phát hiện ra Bách Hợp, thế nên bên nhau chưa được bao lâu thì đã phải tốt nghiệp rồi.

Tuy rằng lưu luyến không rời nhưng Phong Ninh vẫn đưa Bách Hợp về ký túc xá. Phong gia đã sắp xếp xe vào tối nay, trường quân đội không ở trong thành phố nên anh thậm chí không thể hoãn tới ngày mai để đưa Bách Hợp về Tả gia. Hiện giờ cửa ký túc không khóa nữa, Bách Hợp đi tới dưới tầng vẫn cảm nhận được ánh mắt của Phong Ninh dõi theo mình. Cô chuẩn bị bước lên cầu thang thì tiếng bước chân dồn dập vang lên. Bách Hợp chưa kịp quay đầu lại, từ phía sau, Phong Ninh ôm cô vào lòng, giọng nói có phần nghẹn ngào:

“Em đúng là không có lương tâm, đi thoải mái như thế!” Anh không hề ngại ngần, dường như còn muốn cắn Bách Hợp một miếng, có điều không nỡ làm thật. Da thịt con gái chỗ nào cũng mềm nhũn, nhéo vào đâu anh cũng thấy đau lòng, cuối cùng chỉ đành hôn chụt một cái thật to lên đầu cô. Phong Ninh nghiêm túc nói: “ Vợ à, em phải nhớ kỹ anh. Em phải chờ anh Ninh của em về, không được chạy theo người khác đâu đấy. Nếu em chạy theo ai thì anh sẽ đánh gãy chân người đó!” Ban đầu, giọng nói của anh hơi ngang ngược, càng về sau càng hung tợn, tiếng tim đập dồn dập và thân thể căng cứng chứng tỏ lúc này Phong Ninh không hề bình tĩnh, anh nhắc lại vài lần:

“Anh đã đóng dấu rồi, cả người em đều là của anh, sau này anh về sẽ tặng em một chiếc nhẫn thật đẹp để đeo trên ngón áp út.”

Phong Ninh không muốn rời đi nhưng điện thoại lại vang lên. Anh tha thiết nhìn theo Bách Hợp lên tầng, ngẩng đầu đứng rất lâu rồi mới đi.

Bách Hợp nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy anh cúi đầu. Cái người luôn luôn hăng hái, đi bộ cũng giống như mãnh hổ sinh uy bây giờ lại ủ rũ như trái cà tím, hai vai sụp xuống. Vừa đi còn vừa quay đầu lại, cách rất xa, anh chợt thấy Bách Hợp đứng bên cửa sổ, mắt liền sáng rực lên, phất tay điên cuồng với cô. Dáng vẻ ngớ ngẩn của anh khiến Bách Hợp phì cười. Anh giống như con cún được chủ nhân cổ vũ, hưng phấn muốn chạy về, Bách Hợp thấy hành động của anh thì lập tức đóng cửa sổ lại, anh còn gọi to ở ngoài: “Vợ ơi.”

Tiếng chuông báo tin nhắn di động vang lên, Bách Hợp mở ra xem, “Anh hối hận rồi.” Tin nhắn của Phong Ninh gửi tới, không đầu không đuôi, không biết là hối hận cái gì. Bách Hợp xem xong liền để di động xuống.

Xe chạy lúc sáng sớm, Tả gia cách trung tâm thành phố cũng không xa lắm, tối đa chỉ mất 4 tiếng ngồi xe. Tả Bách Hợp từng là nữ trạng nguyên nổi tiếng trong thôn, cô thi đỗ trường cấp 3 trọng điểm, còn được phần thưởng hai vạn tệ của trường học nên ai cũng biết. Có điều người trong thôn ít ai học đến cấp 3, phần lớn học tiểu học hoặc cấp hai xong thì về đi làm thuê, nhất là con gái, học xong cấp 2 thì về nhà làm việc khoảng hai năm rồi tính chuyện lấy chồng. Khi Bách Hợp trở về Tả gia thì có không ít người chỉ trỏ, chủ yếu là hiếu kỳ. Cha Tả không có ở nhà, chỉ có em trai em gái đang giúp mẹ Tả phơi quần áo và nấu cơm. Thấy Bách Hợp xách nhiều thứ về thì em gái mới 10 tuổi lập tức nhảy lên:

“Chị về nhà rồi!”

Dựa theo tính cách của Tả Bách Hợp nên trước khi về Bách Hợp đã mua vài thứ đồ ăn vặt và sách vở, bình thường nguyên chủ vô cùng tiết kiệm nhưng mỗi khi về nhà lại rất hào phóng. Lấy quà tặng ra, em trai em gái như hai con cún xoay quanh cô. Cô mua cho mẹ Tả một chiếc áo lót mới không đáng mấy tiền nhưng mẹ Tả lại không nỡ mặc, chỉ sờ lên đó, vui sướng không nói ra lời.

Ở trong nhà đã nửa ngày mà không thấy cha Tả về, mãi tới lúc ăn cơm trưa, Bách Hợp mới hỏi, mẹ Tả không vui nói: “Mấy ngày trước, cha con nói là muốn ra ngoài làm việc.”

Theo nội dung câu chuyện thì không có việc này. Cha Tả là kẻ chơi bời lêu lổng, ngay cả cái chổi quét nhà cũng chưa từng cầm thì sao có thể ra ngoài làm thuê được? Từ khi ông ta và mẹ Tả kết hôn thì vẫn luôn đàn đúm, bình thường không sao thì sẽ đi đánh bài uống rượu, nếu không thoải mái thì sẽ về nhà nổi giận. Cả đời vô dụng mà bây giờ lại đi làm việc sao? Không hiểu sao Bách Hợp lại nghĩ tới Phong Ninh từng nói sẽ giải quyết chuyện của cha Tả, lòng cô đã lờ mờ đoán ra.

“Đừng nói tới ông ta nữa.” Mẹ Tả không dám nhìn mắt con gái. Hai tháng trước, cha Tả đánh bài thua rất nhiều tiền, chủ nợ đến nhà tìm thì không có tiền trả. Người ta nửa đùa nửa thật nói với ông ta rằng nếu không có tiền trả thì sẽ bắt người, nói ông ta có đứa con gái lớn như hoa như ngọc. Cha Tả nghe thế thì động lòng, lập tức tìm đối tượng khắp nơi để thu tiền sính lễ gả Bách Hợp đi. Mẹ Tả khuyên nhủ thế nào cũng không được, còn bị ông ta đánh mấy lần. Bà vẫn cố nhịn không gọi điện kể cho Bách Hợp. Trong lòng không có cách nào, ai ngờ mấy ngày trước đột nhiên cha Tả thay đổi, sau khi tằng tịu với mộ phụ nữ ở trấn trên thì không nhắc đến chuyện bán con gái nữa, về nhà thu dọn đồ đạc, nói là muốn ra ngoài làm thuê.

Ông ta đi rồi, mẹ Tả liền thở phào nhẹ nhõm. Chuyện trước đây bà không định nhắc lại với Bách Hợp nữa. Tuy cha Tả từng muốn gả Bách Hợp đi nhưng dù sao cũng không thành, chẳng ai bỏ được cha mẹ, mẹ Tả không muốn làm Bách Hợp sinh lòng oán hận cha mình. Cha Tả có hư hỏng thế nào thì vẫn là cha Bách Hợp.

Thời gian nghỉ hè, ngoài những lúc phụ việc nhà giúp mẹ Tả, còn lại Bách Hợp dạy các em học bài. Bách Hợp vốn định luyện võ nhưng ở nhà thậm chí còn không nhiều thời gian rảnh bằng ở trường. Hàng ngày mẹ Tả phải đi làm, để có tiền cho con gái, bà phải làm thuê rất nhiều việc. Bách Hợp về nhà thì sẽ nhận việc nấu cơm dạy em học, trong nhà nhiều việc linh tinh nên đầu tắt mặt tối. Đến đêm thì hai chị em cùng ngủ một phòng, Bách Hợp chỉ có thể đi ngủ, thỉnh thoảng tập được vài động tác luyện thể thuật đơn giản để thân thể khỏe mạnh.

(luyện thể thuật: đầy đủ là tinh thần luyện thể thuật, là một môn luyện tập mà Bách Hợp học được trong một nhiệm vụ, có tác dụng hỗ trợ rất lớn với Bách Hợp trong các nhiệm vụ sau)

Hai tháng trôi qua rất nhanh, trước khai giảng, Bách Hợp liền thu dọn đồ đạc. Lúc nhìn thấy chiếc điện thoại thì cô mới nhớ ra là từ sau khi về nhà đã không sạc pin. Một thời gian dài không nạp điện nên pin đã cạn hết, không thể sạc tiếp được, đành phải chờ tới khi về trường rồi mang ra cửa hàng sửa. Lúc gần đi, mẹ Tả cầm hai ngàn tệ đưa cho cô, đây là tiền bà vừa đi vay. Tiền học phí trước đây chuẩn bị cho con gái đã bị cha Tả cầm đi với người phụ nữ kia. Bách Hợp suy nghĩ một chút, chỉ lấy năm trăm tệ. Tả Bách Hợp chi tiêu tiết kiệm nên vẫn còn để ra được mấy trăm đồng, tiền học thì được trường miễn giảm khá nhiều vì điểm thi cao và gia đình khó khăn. Cô nói với mẹ Tả năm tới có lẽ sẽ không về nhà mà tìm việc làm thêm ở gần trường học để kiếm thêm tiền cho học kỳ sau. Mẹ Tả đồng ý, sau đó gói ghém đồ đạc cho con gái rồi đưa cô đi lên trấn.

Bây giờ Bách Hợp đã học năm cuối, bài vở rất nhiều, có điều thành tích của Tả Bách Hợp vốn rất tốt. Trong những lần làm nhiệm vụ, Bách Hợp đã học tới mấy lần nên khả năng không hề kém nguyên chủ, thậm chí còn tốt hơn. Để sau này có thể tìm được công việc tốt, Bách Hợp chuẩn bị thi vào trường đại học số 1 Hoa Hạ. Điện thoại Phong Ninh mua tặng cô rất ít khi vang lên. Thỉnh thoảng Bách Hợp mới nhớ ra phải đi sạc điện. Phần lớn thời gian cô dành để học bài, tuy không luyện được võ công nhưng mấy động tác luyện thể thuật thì cô sửa lại như động tác yoga, có thể dùng để rèn luyện thân thể. Ngày tháng cuối cấp rất nhanh trôi qua, một năm nay cha Tả không có tin tức gì. Bách Hợp đăng ký vào đại học số 1, lúc có điểm thi, giáo viên gọi điện thoại đến ký túc xá, nói điểm của cô đã vượt qua mức điểm chuẩn.

P/S: Phụ nữ như mẹ Tả nói tốt thì ko hẳn, mà nói ko tốt thì cũng không đúng. Mẹ Tả hiền lành và yêu thương con cái, nhưng lại quá nhu nhược yếu đuối. Nhu nhược ko phải là tội, nhưng nhu nhược nên làm hại người khác thì là tội rất lớn. Trước đây, Tả Bách Hợp rơi vào cảnh cùng đường chắc chắn có 1 phần do mẹ Tả ko dám chống đối lại cha Tả. Bà ấy sợ bị đánh, ngoài việc khuyên mồm ra thì ko có bất kì một hành động thực tế nào (ví dụ như nếu mẹ Tả muốn thả Tả Bách Hợp trốn nhà đi thì chắc chắn có cách, cha Tả ko hề đề phòng bà ấy, nhưng bà ấy ko dám). Sau khi Bách Hợp trở thành Tả Bách Hợp, khi cha Tả muốn bán con gái, bà ấy sợ và ko đồng tình nhưng cũng ko dám gọi điện nói cho Bách Hợp. Tớ thật sự chẳng hiểu bà mẹ này nghĩ gì luôn. Nếu bà ấy nói ra thì con gái bà ấy sẽ đề phòng, có thể là tìm việc làm thêm ở trong thành phố chứ ko về nhà, như thế ít nhất sẽ tránh được bị cha cô ấy bán đi. Có lẽ mẹ Tả chịu khổ quen rồi nên nếu con gái phải khổ sở bà ấy cũng cho đó là số mệnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.