Tình Chị Duyên Em

Chương 5




Tôi giật mình sợ hãi về đóng chặt cửa buồng, tiếng bà cả cứ vang vọng mãi trong tai tôi. Không cần nghe quá nhiều, chỉ nhiêu đấy cũng đủ tôi biết người mà bà cả với vú Bảy nói đến là bà ba Bích. Không hiểu sao trong lòng tôi lại có những linh cảm bất an vô cùng. Bỗng dưng, cái suy nghĩ rằng ba bà nhà ông Lý hoà thuận êm ấm lại có vẻ không đúng. Cứ ngỡ về đây yên bình, nhưng những đợt sóng trong gia đình này hình như đang bắt đầu dữ dội.

Tôi nằm nhắm nghiền mắt đến canh hai mới ngủ được tiếp, khi nghe tiếng gà gáy liền bật dậy. Trời lúc này vẫn còn tối thui, tôi khẽ lậu đèn cho lửa lớn hơn, đột nhiên toàn thân tôi như chết lặng. Ngay dưới chân giường, một đưa bé trai độ chừng hai ba tuổi đang ngồi cười. Tiếng cười của nó lúc vang, lúc trầm khiến vô cùng sợ hãi. Ở đâu ra lại xuất hiện một đứa bé như vậy, tôi vặn đèn cho lớn hơn, nhưng ngọn đèn bỗng dưng tắt phụt. Tôi nuốt nước bọt ú ớ nói:

– Này… này… em… em là ai…

Vì trời quá tối, một lúc sau mắt tôi mới làm quen được với bóng tối ấy nhưng cũng không thấy rõ đứa bé, chỉ thấy một cục đen thùi lùi trên giường. Nó ngồi bất động, đột nhiên nghe tiếng khóc ré lên cùng những tiếng kêu cứu. Tôi sợ hãi nhoài người về phía nó, nhưng lúc này không còn thấy đứa bé, chỉ thấy một khoảng không vô hình, tiếng kêu cứu vẫn vang vọng khiến tim tôi như muốn lao ra khỏi lồng ngực. Bỗng dưng, ngọn đèn dầu cũng tự dưng phát sáng, mồ hôi tôi cũng túa ra như mưa, tôi không còn kìm được khẽ kêu lên. Bất chợt có tiếng sét lớn lại vang, tôi mở mắt nhìn ra bên ngoài mới biết mình vừa mơ. Giấc mơ gì lại sợ hãi đến vậy cơ chứ? Từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ mơ mò cua bắt ốc, cái giấc mơ này ám ảnh đến độ tôi không ngủ thêm được nữa. Tôi cứ nằm vậy đến canh năm, trời bên ngoài tờ mờ sáng tôi mò dậy trời đã tạnh mưa. Đêm qua mưa lớn là thế, ấy vậy lúc này bầu trời yên tĩnh vô cùng. Cái thời tiết lạ lùng càng khiến tôi rùng mình giấc mơ đêm qua.

Cả sáng ấy tôi cứ thất thần mãi, cũng may vú Ngọc về phố huyện ba bốn hôm, vú Bảy cũng không có nhà nên tôi là người lo cơm cháo quét tước, đã vậy còn phải giúp vú Bảy may nốt đoạn áo dang dở cho bà cả. Bà cả thì ở mãi trong buồng không ra đến ngoài, lúc tôi với cái Mít nấu cơm xong mang lên cho bà, bà đột nhiên hất văng tung toé cả mâm cơm xuống đất. Bà vốn dĩ xưa nay học theo ông Lý thói tiết kiệm đồ ăn, hành động này khiến tôi với con Mít kinh hãi vô cùng. Thế nhưng cả hai không dám nói gì chỉ lủi thủi nhặt đống đổ vỡ bên dưới rồi cun cút ra ngoài. Tôi luôn có một cảm giác thường trực là bà cả buồn, mà cái buồn ấy chính là từ cái thai của bà ba. Đàn bà ai chẳng có máu ghen, đằng này ông Lý lại ba vợ lận, cái yên bình kia có lẽ chỉ là vỏ bọc cho sóng gió bên trong. Nhất là câu chuyện của vú Bảy và bà cả đêm qua càng khiến nhưng nghi ngờ trong lòng tôi trỗi dậy. Nhưng tôi không dám nghĩ quá nhiều, mà thực ra là không nên thì đúng hơn.

Khi tôi với cái Mít ăn cơm xong tôi để nó rửa bát lên may áo cho bà. Thú thực nấu cơm nấu cháo, quét tước tôi còn giỏi chứ khoản thêu thùa may vá tôi vụng thối vụng nát. Cái áo của bà cả vải tơ lụa được dệt rất công phu, vú Bảy may được một nửa bên trái, còn một nửa bên phải vẫn nguyên. Đường may của vú rất đẹp, mũi chỉ đều nhỏ tăm tắp mà không lộ. Tôi nhìn mà muốn khóc, trách bản thân mình sao lúc ở nhà không chăm chỉ học để rồi giờ rơi vào thế bí. Thế rồi tôi sực nhớ ra, cái Yến rất may rất khéo, mấy bộ quần áo nó may còn đẹp hơn cả chị Hạnh may cho tôi. Tôi không nghĩ được gì nữa liền chạy sang nhà bà hai tìm gặp cái Yến. Nó nghe tôi trình bày liền đồng ý giúp tôi. Hai đứa mang cái áo của bà cả ra gốc đa ngồi, ban đầu Yến may trước, may đến đâu chỉ cho tôi đến đấy. Lần này tôi chăm chú nghe lắm không như hồi ở nhà nên một lúc sau tôi đã học được cách may của Yến. Phần tay áo nó để tôi tự may, tuy rằng tôi không may đẹp và hoàn hảo như nó, nhưng quả thực không hề tệ. Khi tôi với cái Yến về đến sân chợt thấy cậu Bảo đang đứng đó đọc sách. Cái Yến thấy vậy khẽ cất tiếng:

– Chào cậu Bảo ạ.

Cậu nghe tiếng thì khẽ quay lại, thế nhưng không đáp chỉ khẽ gật đầu rồi lại cầm quyển sách lên đọc. Cái Yến cũng cúi mặt chào tôi rồi đi về, trong giây lát tôi bỗng nhận thấy ánh mắt hơi khác thường của cái Yến.

– Này, con kia, may xong áo cho tao chưa?

Tiếng bà cả phía sau the thé cất lên khiến tôi giật mình, quên luôn cả ánh mắt cái Yến ban nãy. Tôi cầm chiếc áo đưa cho bà đáp:

– Bẩm bu, con may xong rồi ạ.

– Mang vào buồng treo tủ cho tao tuần sau tao mặc đi cưới, rồi mau đi nấu cám cho lợn đi. Con Mít giờ nó phải sang bên làng Liễu với tao có việc. Mày ở nhà mà không làm xong hết việc thì đừng có trách tao.

Bà nói xong tôi cũng sợ hãi co rúm người chạy vào buồng bà đặt áo lên sập. Đến khi bà cả với cái Mít đi ra khỏi cổng tôi liền chạy ù xuống bếp băm rau nấu cám cho lợn. Đàn lợn nhà ông Lý cả trăm con, tôi phải nấu hẳn một cái nồi khổng lồ mất đến nửa canh giờ. Khi tôi vừa rút củi nhỏ đi thì bên ngoài bỗng có tiếng guốc gỗ cộc cộc sau đó là tiếng cậu Bảo cất lên:

– Xong chưa? Lên mài mực cho tôi.

Khói bếp làm mắt tôi cay xè, tôi đứng dậy loạng choạng bước ra phải dội mấy gáo nước mới đỡ một chút. Nhà cửa sân vườn tôi quét sạch từ sáng rồi liền theo cậu lên buồng. Buồng của cậu thế mà gọn gàng lắm, sách ốc được sắp xếp đâu ra đấy. Cậu đẩy nghiên mực cho tôi, ngày trước ở nhà tôi vẫn thường mài mực cho thầy nên việc này chẳng đánh đố được tôi. Vừa mài mực tôi vừa nói:

– Cậu Bảo, chuyện kia cậu suy nghĩ thế nào rồi.

– Xong rồi.

– Vậy… vậy cậu đồng ý không?

– Tạm thời sẽ đồng ý, nhưng sau này còn xem xét thái độ của cô. Từ hôm nay ngày nào cô cũng phải sang đây hầu tôi đèn sách. Biết chửa?

Tôi nghe xong suýt nhảy cẫng lên, giờ cậu có bảo tôi làm gì tôi cũng nguyện ý. Miễn cứ không bán tôi vào kỹ viện là tôi biết ơn cậu lắm rồi. Thấy tôi vui, cậu cũng cười rồi lại nghiêm mặt nói:

– Nghe nói cô là con thầy đồ Đạt?

– Bẩm cậu đúng rồi ạ.

– Trước kia tôi cũng học thầy ở trên phố huyện, sau thầy bệnh cáo lão về quê. Hoá ra… cô lại là con gái của thầy. Tôi còn không nhận ra nổi.

– Cậu từng gặp tôi sao?

Nghe tôi hỏi vậy, không hiểu sao cậu lại hơi cau mày. Thế nhưng rất nhanh cậu đáp:

– Không biết.

– Vậy cậu cũng biết tôi không phải ham hư danh phú quý mà bị ép cưới rồi đúng không.

– Ừm.

Tôi nghe cậu nói xong tự dưng trong lòng lại vui vui. Cảm giác khó chịu vì bị cậu nghĩ oan cũng không còn.

– Cô Dung này.

Tiếng cậu Bảo lại cất lên, nhưng mà lần này tôi hơi bị ngạc nhiên. Lần đầu cậu gọi tên tôi cảm giác lòng dạ cũng xôn xao ghê gớm. Tôi cúi mặt nhỏ nhẹ đáp:

– Dạ.

– Cô bảo làm ở đợ cho tôi cả đời, vậy chắc cô không lấy chồng sao?

– Không, tôi không cần chồng đâu.

– Không lấy chồng thì không sinh được con, mà không sinh được con sau này già ai chăm sóc cho cô? Cô định sống cô độc cả đời sao?

Ừ nhỉ, cậu Bảo nhắc tôi lại mới nhớ. Như nhà cậu Phúc, bu cậu goá chồng nhưng có cậu nên cũng đỡ cô đơn. Tự dưng tôi thấy hơi sờ sợ, đàn bà không chồng mà chửa thì bị chửi là chửa hoang mất nết, đàn bà có chồng không chửa thì bị chửi là gái độc không con. Như sau này… tôi vừa chả có chồng, lại không có con, nếu nhỡ ốm đau già yếu rồi chết lay chết lắt không ai biết. Tôi nhìn cậu, một lúc lâu sau mới nói:

– Hay là… hay là sau này cậu cho tôi đi lấy chồng…

Còn chưa dứt lời cậu Bảo đã đáp:

– Cho cô đi lấy chồng để tôi bị lỗ à? Rồi cô ở đợ trả nợ ra sao?

Hu hu, cậu Bảo càng nói, tôi càng rối như mớ tơ vò. Tôi lấy chồng thì phải lo cho bên nhà chồng, ở đợ sao được? Có thì đi làm thuê, làm mướn cấy lúa còn được, nhưng tôi trót thề với cậu làm trâu làm chó cho cậu mất rồi. Dung ơi là Dung, không suy nghĩ kỹ giờ thì hay rồi. Tôi ngồi vò đầu bứt trán rồi đánh bạo nói:

– Cậu Bảo ơi, hay là cậu cứ để tôi làm vợ cậu đi, vừa làm vợ vừa ở đợ hầu hạ cậu luôn. Cậu đừng vội… đừng nghĩ tôi tham vọng… nhưng… nhưng ông cũng mua tôi về làm chính thất của cậu. Giờ tôi chấp nhận xuống làm lẽ, cậu muốn nạp ai làm chính thất cũng được, muốn nạp bao nhiêu vợ tôi cũng chịu. Chỉ có điều cậu cho tôi xin đứa con, với trên danh nghĩa là vợ lẽ của cậu cũng được. Như vậy… như vậy vẹn cả đôi đường cậu nhỉ? Cậu cũng không mất gì, không thiệt đi đâu tý nào. Cậu xem, sau này tôi lớn tôi xinh lắm chứ chẳng đùa đâu, mà nhỡ không xinh ý, cậu cứ uống mấy lít rượu cho say rồi cho tôi xin đứa con là được cậu ạ. Khác nhau mỗi cái danh xưng chứ tôi vẫn là người làm miễn phí của cậu.

Không hiểu tôi nói gì sai mà cậu Bảo tủm tỉm cười rồi nói:

– Thôi được rồi, cô mài mực xong thì xếp lại sách cho tôi. Cô là con gái thầy Đạt chắc cũng biết phân loại sách đúng không?

– Vâng, nhưng mà cậu đồng ý rồi đúng không, quân tử không nói hai lời đâu nha.

– Ai bảo tôi đồng ý?

– Cậu vừa chẳng nói thôi được rồi đây sao? Tôi biết mà, cậu là đấng nam nhi đại trượng phu, trông tướng cậu tôi biết cậu là người quân tử rồi. Thôi cậu cứ học đi, để tôi xếp sách cho cậu nha nha.

Cậu Bảo không thèm đáp nữa, lấy nghiên mực tôi vừa mài ra viết chứ. Bên ngoài có mấy tia nắng chiếu vào, tôi xếp xong sách mà cứ ngây người ra nhìn. Đằng nào cũng phải có chồng có con, làm vợ cậu Bảo cũng được đấy chứ, đẹp trai, lại học giỏi, cậu không muốn cho tôi làm vợ cả thì để tôi làm lẽ. Mà sao mới nghĩ đến đây lòng tôi lại buồn buồn nhỉ, dẫu biết rằng phận phụ nữ phải chấp nhận nhưng đường đường là chính thất bị đày xuống làm lẽ. Sầu không tả nổi. Cả ngày hôm ấy tôi ở buồng cậu Bảo hầu hạ đèn sách, cậu học tôi cũng tranh thủ lúc cho lợn ăn xong thì lôi sách ra đọc, chỗ nào không biết thì hỏi cậu. Nữ nhi bây giờ cũng không đến mức cổ hủ như xưa, tuy không thi làm ông to bà lớn nhưng vẫn có thể được học chữ đàng hoàng. Đến chiều bà cả vẫn chưa về, tôi xuống bếp nấu cơm xong thì dọn lên tôi với cậu Bảo ăn trước vì bà cả đánh điện khuya mới về. Tối hôm ấy ăn cơm dọn dẹp xong tôi liền leo tót lên giường đi ngủ. Cậu Bảo bên buồng cũng tắt đèn ngủ sớm, trưa nay học nhiều quá đầu óc tôi cũng mụ mị kinh khủng.

Sáng hôm sau bỗng dưng trời lại đổ mưa rất to, bà cả đêm qua đã về lúc nào tôi không hay biết. Khi tôi còn đang ở buồng định bước ra thì có tiếng la hét om sòm, còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy mới mở cửa chạy ra đã bị một tên gia nô kéo mạnh lôi xềnh xệch về gian chính giữa của nhà. Vú Bảy, bà cả đều đứng đó, vừa nhìn thấy tôi bà cả đã lao ra tát mạnh rồi rít lên:

– Mày to gan lắm, mày giỏi lắm, hôm nay tao phải đánh cho mày nhừ tử để thôi cái thói mưu mô độc ác đi.

Tôi bị bà tát choáng váng cả mặt mày, máu miệng không biết từ đâu chảy ra tanh tưởi vô cùng. Thực lòng, tôi vẫn đang không hiểu chuyện gì xảy ra liền kêu lên:

– Bẩm bu, con làm sai gì sao? Sao bu đánh con?

– Mày lại còn hỏi lại tao à? Mày định chối tội hay sao? Mày nhìn đi, nhìn đi.

Nói đến đâu bà giơ chiếc áo hôm qua tôi may cho bà đến đấy, trên phần cổ là hai chiếc kim nhọn hót được ghim ở giữa chỉ lộ đầu kim ra ngoài. Tôi dường như hiểu được ra, lắc đầu run rẩy nói:

– Bu, con không hề để kim ở đó. Hôm qua con thêu xong còn xếp kim vào hộp cho vú Bảy, đủ năm chiếc luôn.

– Mày lại còn cãi à, vú Bảy vừa mở ra có đúng ba cái, hôm nay giả như tao không phát hiện ra mà nằm xuống nó đâm thì nhà này đã có án mạng xảy ra rồi. Ngay từ đầu tao đã không ưa gì mày rồi, hôm nay tao phải đánh cho mày nhừ tử thì thôi. Thằng Thìn, thằng Tỵ đâu, lôi nó ra sân đánh cho bà, bà đứng đây, đánh đủ một trăm roi bà xử tiếp.

Bà vừa nói vừa ném hai sợi roi mây to đùng về phía thằng Thìn thằng Tỵ. Tôi nuốt nước bọt nói lớn:

– Bu, bu nghe con nói đã, thực sự con không hề để kim ở đấy. Không tin, bu có thể hỏi cái Yến. Hôm qua con với nó ra ao may áo cho bu, lúc xong con còn kiểm tra lại..

– Câm mồm! Đánh!

Thằng Thìn, thằng Tỵ nhìn bà cả rồi lôi tôi ra sân. Bên ngoài mưa rất lớn, mưa trắng xoá nổi cả bong bóng trên nền sân lạnh lẽo. Tôi bị ấn quỳ xuống, có van xin, thanh minh thảm thiết thế nào bà cả cũng không nghe. Thằng Thìn giữ tay tôi, trời sắp sang đông, mưa đầu mùa lạnh buốt đến tái tê. Thằng Tỵ sợ bà cả, liền quất mạnh roi vào sống lưng tôi, sợi roi mây này to và chắc hơn sợi roi hôm trước vú Ngọc cầm rất nhiều. Tôi nghe tiếng vút, cũng cảm nhận lưng như muốn gãy làm đôi. Cửa buồng cậu Bảo mở toang nhưng lại không thấy cậu ở bên trong. Tôi bị đau không chịu được vậy mà bà cả vẫn đứng bên trên đếm từng cái. Mới cái thứ tám, tôi đã tưởng mình như chết đi sống lại, mỗi lần đánh, từ trong họng lại nôn ra máu tanh tưởi bị nước mưa cuốn đi tạo thành những vệt loang lổ. Tôi cố hết sức để đẩy thằng Tỵ ra nhưng bất thành, giống như một con sâu không có xương sống, oằn mình lên để rồi càng bị đau. Bà cả đứng bên trên cột gỗ lim rít lên:

– Bà nuôi mày tốn cơm tốn gạo mà mày vô dụng thế hả Thìn? Đánh mạnh lên, nếu không đừng trách bà.

Thằng Thìn nghe xong, sợ hãi lấy hết sức lực quất mạnh lên lưng tôi. Tôi không còn giữ được thằng bằng ngã vật ra đất. Tim gan phổi bên trong như muốn dập hết ra, tôi bật khóc tức tưởi yếu ớt van xin:

– Bu, nghe con nói đi mà. Con thực sự không hề…

– Mày đến giờ vẫn không chịu nhận đúng không? Chính mày may áo cho tao giờ lại nói không hề. Cái loại mày tao không dạy đến nơi đến chốn để mày lại giống mấy con đàn bà xảo quyệt độc ác chỉ biết đi hại người. Thằng Thìn, tao bảo mày đánh mạnh lên cơ mà, mạnh nữa lên mạnh lên.

Tôi không thở nổi nữa, cánh tay cũng bị quất đến độ không còn lực mà bám xuống đất. Thằng Tỵ thấy vậy thì kéo tôi dậy cho thằng Thìn đánh. Lời bà cả chửi rủa bên trên, tiếng roi mây vun vút bên dưới, tôi còn tưởng chừng như xương cũng vỡ vụn. Mái tóc tôi rũ xuống mặt, từ trên khoé mắt thứ nước mặn chát hào cùng nước mưa chảy xuống miệng. Tôi bị đánh đến nhiều đến mức tê liệt toàn thân, hai mắt tôi lúc này cũng mờ dần…

***

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.