Tin Đồn

Chương 42




Rất nhiều đêm đã qua, Giang Nhược ngồi đây cùng một ngọn đèn sáng tỏ.

***

Hai ngày trước Tết Âm lịch, Giang Nhược quay lại căn hộ cao cấp ở trung tâm thành phố gói ghém đồ đạc chuyển đi.

Cậu đã khéo léo xác nhận trước với dì Phương, cố tình chọn thời điểm Tịch Dữ Phong không có nhà.

Lúc mở khóa bằng vân tay, khung cảnh bên trong vẫn nguyên vẹn như trước khi cậu đi. Giang Nhược nhìn chằm chằm dép lê của mình tại lối vào một chốc, đoạn móc túi lấy bao nilon bọc giày.

May mà cậu chuyển ít đồ sang đây, chưa đầy nửa tiếng đã thu dọn xong.

Để cho tiện Giang Nhược đã mượn một chiếc xe đẩy nhỏ ở chỗ bảo vệ, xếp gọn những thứ khó đóng gói như mấy chậu hoa ngoài ban công lên xe đẩy.

Trước lúc rời đi cậu còn dùng cây lau nhà lau sàn một lượt, chỉ lo để lại vết bánh xe.

Ngang qua cửa phòng ngủ chính, Giang Nhược ngó thấy sàn nhà đoạn đầu giường sạch bóng, chiếc lắc chân đã chẳng rõ ở nơi nao.

Giang Nhược không cho mình thời gian đào sâu tìm hiểu tâm trạng hiện giờ, cậu liếc vội một cái rồi rời mắt đi ngay, kế đó sải bước ra cửa.

Cậu tự cho rằng chuyến này mình im hơi lặng tiếng lắm rồi, không ngờ vẫn đụng phải người không nên gặp trước cửa thang máy.

Tịch Dữ Phong mặc âu phục giày da như những ngày đi làm, áo bành tô vắt trên cánh tay, dường như anh cũng thảng thốt vì cuộc chạm mặt bất ngờ khi cửa thang máy mở ra.

Anh dịch tầm nhìn xuống dưới, trông thấy cái túi trong tay Giang Nhược và cây cỏ chất đầy xe đẩy, mím môi một lúc lâu vẫn không lên tiếng.

Cuộc chạm mặt ngoài dự liệu khiến Giang Nhược cứng còng giây lát, tay cầm túi xém chút buông lơi.

Cuối cùng âm báo cửa thang máy sắp đóng phá vỡ không khí yên lặng, Giang Nhược bỏ tay ra khỏi tay nắm xe đẩy toan chặn cửa thang máy mà vẫn chậm, Tịch Dữ Phong đã chìa tay chống lên khung cửa trước cậu nửa giây.

Cửa thang máy lại mở rộng lần nữa, Tịch Dữ Phong bước chầm chậm ra ngoài, vòng ra sau Giang Nhược cầm cái túi trong tay cậu.

Giọng anh bình bình hệt trước đây: "Tôi tiễn em xuống tầng."

Nói là xuống tầng nhưng thực tế anh tiễn cậu ra tận cổng khu chung cư.

Chiếc xe van Giang Nhược thuê trên mạng đỗ trước cổng chính, cốp xe mở lớn, Giang Nhược lúi húi xếp gọn đống hoa cỏ. Cậu quay sang lấy túi quần áo mà chìa tay lại nắm hụt, Tịch Dữ Phong đã lướt qua cậu, giúp cậu để cái túi vào trong.

Cốp xe đóng lại đánh rầm, tài xế ngồi trên ghế lái khởi động xe cuốn tung bụi đất dưới gầm bánh, con Wuling Hongguang [1] niên đại lâu đời kêu ù ù như kéo bễ.

[1] Wuling Hongguang:

Cũng trong lúc này Giang Nhược mới sực nhớ ra hai bọn cậu còn chưa chính thức từ biệt nhau.

Nhưng cậu chưa chuẩn bị gì và cũng không có gì để nói, cuối cùng chỉ cụp mắt, cất giọng lí nhí gần như lọt thỏm giữa tràng âm thanh hỗn độn: "Vậy em đi đây."

Hình như cậu nghe thấy Tịch Dữ Phong khẽ "ừm", mà hình như cũng không phải.

Giang Nhược yên vị trên ghế phụ lái, thắt dây an toàn cẩn thận, cậu nhìn qua gương chiếu hậu bên cạnh thấy Tịch Dữ Phong vẫn đứng yên nơi đó.

Nét mặt anh bình tĩnh chẳng gợn sóng, như thể bị đóng băng tại chỗ.

Nhưng lại khiến Giang Nhược cảm thấy nhói nhói như phải bỏng.

Cậu nhấc tay sờ vết thương chưa lành trên cần cổ, bấy giờ mới muộn màng nhận ra vừa rồi Tịch Dữ Phong vẫn luôn nhìn khư khư chỗ này.

Năm nay Giang Nhược đón Tết ở nhà trọ.

Ngày cuối năm, từ sáng sớm cậu đã đi siêu thị mua thực phẩm đủ dùng trong nửa tháng, định bụng mấy ngày Tết sẽ rúc ở nhà nghiên cứu kịch bản, quyết không ra ngoài tham dự bất cứ cuộc vui nào.

Tuy nhiên cậu không có lòng tham dự không đồng nghĩa với việc cuộc vui không tìm đến cậu.

Chập tối, Giang Nhược đang sơ chế nguyên liệu nấu ăn trong bếp thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Cậu vội lau sạch tay rồi ra mở, đập vào mắt đầu tiên là một con gà buộc chân xách ngược, kế đó có khuôn mặt ló ra khỏi cặp cánh dựng thẳng.

"Chúc mừng năm mới." An Hà cười híp mắt: "Em không tới ăn chực không đâu, em mang gà đây này."

Nửa tiếng sau Giang Nhược vừa mày mò các bước trên Baidu vừa từ tốn vặt lông gà.

Ban nãy lúc cắt tiết gà thì An Hà núp ngoài cửa không dám xem, giờ lại cầm điện thoại chỉ đạo liến thoắng: "Có thể cho gà uống rượu trắng trước khi vặt lông, như thế sẽ làm máu lưu thông nhanh và dễ vặt lông hơn..."

Giang Nhược nghe mà trợn trắng mắt: "Vừa nãy bảo mày vạch mỏ nó để anh đổ mà mày có dám đâu."

An Hà cười trừ cất điện thoại, xắn tay áo xông pha: "Khó vặt thế cơ à? Đưa đây em thử."

Mặc dù vấp phải khó khăn trùng trùng, cơm tất niên vẫn hoàn tất trước tám giờ tối.

Trước khi vào bàn An Hà còn chạy ra phòng khách bật tivi. Chiếc tivi này từng hỏng một lần vào năm ngoái, sửa xong dùng không tốt lắm, chỉnh âm lượng đến mức to nhất thì ngồi trong phòng ăn cũng chỉ nghe được loáng thoáng.

Tuy hai người không ai giỏi uống rượu nhưng đều cho rằng ngày đẹp nhất định phải uống chút đỉnh, bèn lôi rượu nấu ăn ra tự rót mỗi đứa nửa chén nhỏ.

Rảnh rang rồi Giang Nhược mới có thời gian hỏi: "Sao Tết năm nay không về quê?"

Ý cậu là nhà bố mẹ nuôi của An Hà nằm ở vùng nông thôn miền núi miền Trung.

"Họ không gọi em về ăn Tết." An Hà đáp: "Dù gì em cũng gửi tiền về rồi."

Giang Nhược lại hỏi: "Thế mày phải ở cạnh tên họ Mạnh chứ? Sao lại rỗi rãi đến chỗ anh? Đừng bảo là lén chuồn ra đấy nhé?"

"Không, hôm nay anh ấy có xã giao."

"Sao không đi cùng người ta?"

"Em không muốn đi, với cả chắc anh ấy cũng chẳng muốn em đi."

"Tại sao? Trước đây hai bọn mày hay đến Cẩm Uyển chơi lắm mà?"

"Đấy là trước đây." An Hà gắp miếng đùi gà, vừa ăn vừa nói: "Có khi bây giờ anh ấy muốn em biến mất lắm ấy chứ."

Tiếng chiêng trống trong tivi to quá, Giang Nhược không nghe rõ nửa câu sau: "Hả?"

An Hà lắc đầu: "Không có gì. Anh cứ coi như em nhớ anh, muốn đón năm mới với anh được không?"

Tất nhiên là được.

Giang Nhược lờ mờ nhận ra An Hà có điều khác thường, song tuy An Hà mềm mỏng dễ bắt chẹt nhưng cũng chẳng phải đứa không ngang ngạnh, một khi đã giở thói bướng bỉnh thì đừng hòng cạy miệng cậu ta ra được.

Giang Nhược chỉ có thể phỏng đoán cậu ta và Mạnh Triều xảy ra xích mích nên chạy tới chỗ mình cho thoải mái.

Cơm nước xong xuôi mới hơn chín giờ, hai người làm ổ trên chiếc sô pha vải đã lõm xem Gala mừng xuân.

Gala diễn đến một tiểu phẩm tẻ nhạt, An Hà đặt câu hỏi không đầu không đuôi: "Anh với ai kia đường ai nấy đi thật rồi à?"

Giang Nhược trầm mặc giây lát rồi "ừm" một tiếng.

Không cần phải hỏi An Hà nghe được từ đâu, chuyện giữa cậu và Tịch Dữ Phong ầm ĩ đến độ xôn xao dư luận, hiện giờ mỗi người một ngả hiển nhiên nhà nhà đều biết.

"Sớm tí cũng tốt." An Hà tỏ ý: "Nếu đằng nào cũng phải xa nhau."

Cả hai nằm dí trên sô pha tới tận khi tiếng chuông báo không giờ vang lên.

Phong Thành cấm đốt pháo hoa pháo nổ làm thiếu đi chút "không khí ngày Tết" mà các cụ thường bảo, song Giang Nhược cảm thấy đám người trong tivi đã đủ ầm ĩ rồi.

Rõ ràng cũng chẳng có chuyện gì đáng để vui.

Có lẽ An Hà cũng nghĩ giống cậu, cầm điều khiển từ xa tắt tivi.

Sau đó cậu ta vào bếp lấy chén rượu uống dở trên bàn.

"Nào, ước năm mới đi."

Chung quy không muốn làm bạn cụt hứng, Giang Nhược bèn ngồi dậy nhận chén rượu, ngửa đầu uống cạn.

Cậu uống xong thì thừ người, cầm cái chén không ngẩn ngơ mãi mới nói: "Mày ước trước đi."

An Hà phá lên cười, cũng uống hết rượu còn thừa: "Vậy thì năm mới chúc hai đứa mình chẳng cần quan tâm ai cả, chỉ sống vì mình thôi."

"Được." Giang Nhược cũng cười rộ lên: "Chỉ sống vì mình thôi."


Xét về sức uống rượu, An Hà còn kém hơn Giang Nhược mới ba ly đã gục một tẹo.

Sau khi dìu An Hà say ngất ngây ngay khi vừa ước xong điều ước năm mới lên giường, Giang Nhược ra khỏi phòng, bất giác bước về phía ban công mở hé cửa sổ.

Trong phút chốc gió lạnh lùa vào, Giang Nhược rùng mình thật mạnh.

Có lẽ do đã quá lâu không đứng ở đây, Giang Nhược cảm thấy cảnh đêm bên ngoài cũng trở nên xa lạ.

Nhưng nó lại mang đến cảm giác vững chãi, yên lòng, không cần sợ trời chợt đổ mưa rào mà cậu chẳng có chỗ trú thân.

Nếu mắt thường đã không thể nhìn rõ, vậy Giang Nhược dứt khoát nhắm mắt, trong lòng thầm nhủ một câu không muốn bất kỳ ai nghe thấy... Chúc mừng năm mới.

*

Không như những người bình thường, ngày Tết đối với dân kinh doanh có lẽ chỉ là các cuộc tiệc tùng xã giao hay lễ nghĩa qua lại vừa khô khan vừa phù phiếm, nhưng không tham gia không được.

Nhà họ Tịch làm tiệc riêng vào trưa mùng 1 Tết vì còn tranh thủ đêm giao thừa chúc Tết qua lại nhóm đối tác thân thiết và các quan sếp chính quyền, đặt nền móng vững chắc cho năm sau làm ăn suôn sẻ.

Là người nối nghiệp của nhà họ Tịch, Tịch Dữ Phong có chán những buổi tụ họp thế này đến đâu chăng nữa cũng không thể không góp mặt. Xử lý xong công việc, anh vừa rời công ty đã phải ngồi vào bàn rượu.

Ăn uống linh đình tới nửa đêm, Tịch Dữ Phong từ chối đề nghị đêm nay thuê phòng ngủ lại của đối tác làm ăn, kiên quyết đòi đi về.

Song đến khi trở lại căn hộ cao cấp ở trung tâm thành phố rồi mở khoá bằng vân tay, cửa lớn rộng mở ngay trước mắt, đối diện với căn phòng vắng vẻ lặng như tờ thì mất một lúc lâu Tịch Dữ Phong mới nhấc chân bước vào.

Anh bật đèn sàn [2], chiếc sô pha nằm bên trống huơ trống hoác. Lối vào bếp ngang qua phòng tập nhảy chẳng hắt ánh đèn, có cơn gió thổi vào qua ô cửa sổ mở hé, cây trầu bà lá xẻ bên cạnh sum suê cành lá, rèm cửa phất phơ theo gió.

[2] Đèn sàn:

Vốn dĩ chỉ định lấy bình nước trong tủ lạnh nhưng khi nhìn thấy mấy đĩa thức ăn được bọc màng bọc thực phẩm cất bên trong từ tuần trước, Tịch Dữ Phong lại lôi ra hâm nóng bằng lò vi sóng.

Đồ ăn để nhiều đêm gần như đã không nếm ra vị ban đầu, hơn nữa chưa được hâm nóng hẳn, anh chọc đũa mà phần ở giữa hãy còn lạnh.

Tịch Dữ Phong vẫn ăn hết mới buông đũa, vừa uống đầy một bụng rượu, lại thêm xử lý sạch mớ thức ăn chưa rã đông, dạ dày không thoải mái khiến Tịch Dữ Phong phải nhíu mày.

Dì Phương gọi điện rất đúng lúc, hỏi anh buổi xã giao kết thúc hay chưa.

Thấy đã sắp mười hai giờ đêm, Tịch Dữ Phong cất giọng: "Dì ngủ sớm đi, đừng thức đợi năm mới nữa."

"Phải thức chứ." Dì Phương nói trong điện thoại: "Năm mới còn phải lên chùa dâng hương, xin Bồ Tát phù hộ con sang năm thuận buồm xuôi gió, không ốm đau bệnh tật."

Con trai dì Phương chết yểu, sau này dì tới nhà họ Tịch ở một mạch gần ba mươi năm, dù không nói nhưng có thể thấy dì đã sớm săn sóc yêu thương Tịch Dữ Phong như con ruột.

Cũng bởi vậy mà điều dì không muốn thấy nhất chính là anh cô đơn lẻ bóng, bữa nay gọi điện dì vẫn hỏi: "Thế tiểu Giang đâu, nó có về đón Tết với cháu không?"

Tịch Dữ Phong lặng thinh không nói, dì Phương thở dài: "Thằng nhóc ngoan đáo để, trước khi đi còn mua bao nhiêu là thuốc thang cần thiết, gửi cả tin nhắn nhắc dì giữ gìn sức khỏe... Thanh niên giận dỗi nhau như cơm bữa ấy mà, cứ ngồi xuống nói chuyện đàng hoàng, rồi cháu dỗ thêm vài câu không phải là lại làm lành à?"

Hôm sau ngày Giang Nhược chuyển đồ đi, dì Phương tới đưa thức ăn tiện thể quét dọn phòng ốc. Lúc mở tủ quần áo thấy trống một nửa, dì hoảng hồn vội gọi cho Tịch Dữ Phong vì tưởng nhà có trộm.

Tịch Dữ Phong giải thích mệt lử, chỉ nói Giang Nhược dọn đi không ở đấy nữa, dì Phương bèn suy xét lại rồi nghĩ ngay hai đứa cãi nhau, thành thử mấy hôm nay dì khuyên Tịch Dữ Phong hết nước hết cái, bảo anh dỗ người ta quay về.

Để về sau đỡ lằng nhằng, lần này Tịch Dữ Phong trả lời thẳng: "Em ấy đi rồi, không dỗ về được nữa."

Lúc nói câu này, bỗng dưng Tịch Dữ Phong cảm thấy lòng bàn tay ẩm ướt, tuồng như giọt nước mắt hôm ấy rơi trên lòng bàn tay anh và khảm sâu vào đường chỉ tay lại rỉ ra lần nữa.

Có lẽ đã nhận ra điều gì từ giọng điệu không chừa đường lui của anh, rốt cuộc dì Phương cũng không nhiều lời, chỉ kêu Tịch Dữ Phong tranh thủ mấy ngày Tết nghỉ ngơi đàng hoàng rồi cúp máy.

Tịch Dữ Phong thẫn thờ trước bàn ăn một chốc, đoạn đi ra phòng khách, ngồi xuống chiếc sô pha cạnh đèn sàn.

Rất nhiều đêm đã qua, Giang Nhược ngồi đây cùng một ngọn đèn sáng tỏ.

Mà anh đã không nhớ nổi lý do vì sao anh chưa từng bộc bạch với Giang Nhược rằng anh đã quen đặt mình vào tăm tối, không cần bất cứ ai chờ đợi.

Nhưng thứ như thói quen rồi sẽ thay đổi và khác hoàn toàn trong vô thức.

Tiếng tích tắc có quy luật của đồng hồ treo tường khiến người ta buồn bực, cơn khó chịu do dạ dày quặn thắt cũng lan tràn khắp cơ thể.

Hệt như không hề cảm nhận được cảm giác ấy, Tịch Dữ Phong đứng dậy châm một điếu thuốc đặng ngậm không trong miệng, sau đó lại cất bước đi về phòng tập một cách có chủ đích.

Rồi anh dừng chân nơi ngưỡng cửa.

Giờ phút này gió không thổi, rèm cửa ngừng tung bay, song những cái bóng so le trên mặt đất vẫn mang cảm giác tịch mịch tựa ma quỷ.

Tịch Dữ Phong đút hai tay vào túi, sắc mặt trầm như nước.

Anh đứng bất động tại đó, mặc cho khói thuốc muốn nhấn chìm mình tự do khuếch tán.

Cũng trong khoảnh khắc này anh bắt đầu nhìn lại quá khứ, suy xét chuyện vừa mới đây thôi.

... Em ấy đi rồi, không dỗ về được nữa.

Anh nói vậy không phải qua loa lấy lệ. Cậu đi rồi là thật, không dỗ về được nữa cũng là thật.

Nên lược bỏ chữ "dỗ", không phải anh không muốn dỗ, mà là có dỗ cậu cũng chẳng quay về.

Em đi rồi.

Em không hẹn gặp lại.

Em sẽ không quay về nữa.

***

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.