Tiếu Ngạo Trung Hoa

Chương 21: Thiết Tâm Tiết Phụ Ma Nan Khuất - Trúc Mã Thanh Mai Khấp Cố Nhân




Tối hôm ấy, Thần Nữ đưa Nam Cung Giao vào vấn an thân mẫu.

Cung chủ phu nhân không hiểu mắc quái bệnh gì mà á khẩu, si dại, chẳng còn nhận ra người thân, suốt năm năm qua. Tuy chưa hẳn là liệt giường, liệt chiếu, song tứ chi bà run rẩy, yếu ớt, chỉ quanh quẩn trong phòng.

Hồi đầu tháng tám, sau khi đánh đuổi liên quân Vô Thanh cốc - Hồ bang, Nam Cung Giao có xin phép được chẩn bệnh cho mẹ vợ, nhưng đã bị từ chối.

Tiền cung chủ rầu rĩ nói:

- Hiền tế có lòng hiếu thảo như vậy cũng tốt. Nhưng lão phu đã tốn mấy ngàn lượng vàng, mời hết danh y trong thiên hạ đến mà cũng chẳng được tích sự gì! Âu đó cũng là số trời thôi!

Do vậy, Nam Cung Giao chưa có dịp trổ tài y đạo. Lần này, chàng nhân lúc Tiền Phong Vân đang trò chuyện với Bạch Võ thiền sư, Yên Đài song sát, rủ Vân Mi đến thăm mẹ vợ.

Người chăm sóc Tiền phu nhân là Tứ nương, ả tỳ thiếp thứ tư của Tiền cung chủ.

Họ Tiền có đến bốn tiểu thiếp, nhưng lão bắt họ phải thay nhau hầu hạ phu nhân, khiến mọi người thán phục!

Tuy người vợ nào cũng xưng là thiếp với chồng, nhưng thực ra, họ lại không hề thuộc hàng thiếp!

Thê là vợ mà người đàn ông cưới về với đầy đủ sính lễ, nghi thức hôn nhân!

Còn thiếp là người được mua về, không có hoặc không đủ nghi lễ hôn nhân!

Hàng thiếp lại gồm đến ba đẳng cấp là Nhị phòng, Di nương và Thông Phòng A Đầu.

Nhị phòng là bậc thiếp cao nhất, có những nghi thức như đốt ngựa giấy, tế trời đất, và có quyền xưng chị em với Chính thất.

Di nương và Thông Phòng A Đầu thì thấp kém hơn, chỉ là nơi cung cấp thú vui xác thịt cho các đức ngài no cơm rững mỡ.

Con cái do Thiếp sinh ra phải xem người vợ cả là Đích Mẫu (mẹ ruột), còn họ cũng chỉ như kẻ mang bầu giùm mà thôi!

Bốn ả tiểu thiếp của Tiền Phong Vân đều ở đẳng cấp Di nương. Tuy mang tiếng bà dì mà thực chất vẫn là nô tỳ. Do vậy, Tứ nương Dịch Vi Châu phải cung kính chào con gái và rể của họ Tiền:

- Nô gia bái kiến thiếu gia và Tiểu thư!

Vân Mi gật đầu:

- Tứ di nương! Mẹ ta thế nào rồi?

Dịch Vi Châu đáp:

- Phu nhân mới uống thuốc xong và đã ngủ say.

Nam Cung Giao cau mày:

- Không sao! Ta chỉ vào thăm qua, không làm kinh động nhạc mẫu đâu! Phiền Di nương nhường đường!

Dịch Vi Châu gượng cười, mời chàng và Thần Nữ vào.

Quả thực Tiền phu nhân đã ngủ say. Gương mặt xanh xao, hốc hác của bà khiến Nam Cung Giao vô cùng thương xót. Trước đây, bà đẹp chẳng kém gì Vân Anh.

Thần Nữ ứa nước mắt nói:

- Mẫu thân đã yên giấc, tướng công cứ lạy ba lạy để từ biệt là đủ rồi!

Nam Cung Giao nghe lời nàng, lạy xong, chàng cùng Vân Mi rời khỏi phòng bệnh nhân.

Tứ di nương tiễn hai người ra rồi khép cửa lại.

Sau khi có thêm hai mươi năm công lực, tai mắt Nam Cung Giao cực kỳ tinh mẫn, như vậy tiếng thở phào nhẹ nhõm của Dịch tứ nương đã bị chàng nghe thấy!

Nam Cung Giao lấy làm lạ, tự hỏi:

- Vì sao mụ vợ bé của Tiền nhạc phụ lại mừng rỡ khi thấy ta đi khỏi nhỉ? Và tại sao lão ấy lại không muốn ta chẩn bệnh cho nhạc mẫu?

Mối nghi ngờ mơ hồ kia cứ lớn dần và ám ảnh tâm trí của chàng!

Khi đưa Vẩn Mi về đến phòng riêng, chàng định lui gót thì bị giữ lại.

Thần Nữ e lệ nói:

- Mới gần cuối canh hai, sao tướng công không ở lại đây trò chuyện cùng thiếp thêm một lát. Chúng ta lại sắp phải chia tay rồi!

Nam Cung Giao nheo mắt cười cười:

- Ta là rơm, nàng là lửa, gần nhau là bốc cháy ngay, có bao giờ hàn huyên được lâu đâu?

Vân Mi thẹn đỏ mặt, liếc chàng bằng ánh mắt sắc như dao, giận dữ đi thẳng vào giường.

Nam Cung Giao cười khà khà, bỏ đi sang phòng Mộc Kính Thanh.

Chàng mừng rỡ khi thấy có cả anh em họ Trịnh ở đây!

Nam Cung Giao liền nói rõ mối nghi ngờ của mình, và có ý định đột nhập khuê phòng của Tiền phu nhân để tìm hiểu!

Trịnh Mãng hồ hởi đáp:

- Thuộc hạ có loại mê hương rất thần diệu, dễ dàng hạ thủ mụ Di nương kia. Sau nửa canh giờ mụ ta tỉnh dậy sẽ tưởng mình ngủ quên!

Kính Thanh đăm chiêu nói:

- Tiểu đệ chỉ sợ đại ca quá đa nghi đấy thôi! Tiền cung chủ không có lý do hay động cơ gì để ám hại vợ mình cả! Có lẽ lão coi thường y thuật của đại ca đấy thôi!

Nam Cung Giao sượng sùng đáp:

- Ngươi có lý, nhưng dẫu sao thì ta cũng phải chẩn mạch cho nhạc mẫu một lần mới an tâm. Bệnh chứng này, gia mẫu đã từng chữa khỏi cho nhiều người! Có kẻ liệt đã ba năm mà bà còn cứu được, nay Tiền nhạc mẫu chưa đến mức ấy, lẽ nào phải chịu chết?

Trịnh Tháo tán thành:

- Vậy công tử cứ về ngủ, đầu canh tư ra tay.

Nam Cung Giao gật đầu:

- Hay lắm! Hai người về phòng đi! Đêm nay ta ngủ với Kính Thanh, rồi cùng đi luôn!

Trịnh Mãng cười hì hì:

- Thuộc hạ khuyên công tử nên suy nghĩ lại! Thần Nữ mà tìm đến thấy cảnh âm dương hỗn độn thì sẽ cắn lưỡi chết ngay đấy!

Kính Thanh thẹn chín người nạt:

- Ngươi nói gì mà âm dương hỗn độn? Ta tát cho gãy răng bây giờ!

Nam Cung Giao giả đò cản ngăn, bất ngờ vỗ mạnh vào mông gã rồi chạy mất.

Anh em họ Trịnh cũng chuồn thẳng vì sợ ăn đòn, tiếng cười vang vang khu hậu viện.

Nam Cung Giao quay lại phòng Vân Mi đẩy cửa bước vào, cài then thật kỹ.

Thần Nữ đã thay xong áo ngủ, thân hình ngà ngọc khêu gợi kia lồ lộ dưới lớp sa mỏng manh. Nàng là người đẹp nhất trong số thê thiếp của Nam Cung Giao!

Vân Mi bước đến vòng tay đu cổ trượng phu, tò mò hỏi:

- Tướng công và bọn họ làm gì mà cười vui như vậy?

Nam Cung Giao không dám bồng nàng đặt lên giường nằm xuống bên cạnh rồi hạ giọng:

- Mi muội! Chẳng hay các đại phu chẩn đoán nhạc mẫu mắc bệnh gì vậy?

Vân Mi thở dài:

- Lúc gia mẫu ngã bệnh thì thiếp đang học khinh công và quyền cước ở núi Tây Hà, không biết gì cả? Khi hay tin liền trở về và nghe gia phụ bảo rằng bà bị chứng liệt chân, không bao giờ hồi phục được nữa!

Nam Cung Giao lặng người suy nghĩ, một lúc sau mới nói:

- Nếu đúng là chứng liệt chân thì ta cũng đành bó tay! Song dường như những triệu chứng kia không giống lắm! Đêm nay, ta sẽ lén vào chửa bệnh cho nhạc mẫu!

Vân Mi sợ hãi:

- Chẳng lẽ tướng công lại nghĩ rằng trong việc này có ẩn tình?

Nam Cung Giao trấn an:

- Chưa thể nói chắc được điều gì cả! Ta chỉ nghi ngờ thế thôi?

Nỗi hoang mang khiến hai người thao thức đến tận cuối canh ba.

Nam Cung Giao trỗi dậy, mặc y phục đi sang phòng Kính Thanh.

Anh em họ Trịnh cũng có mặt.

Bốn người nhảy lên mái ngói, êm ái chuyền nhanh đến phòng của Tiền phu nhân. Cửa chính được khóa chặt bằng loại ổ khóa chìm rất mắc tiền từ Hà Lan. Song với tài nghệ của Mộc Kính Thanh thì chẳng có gì khó mở.

Trịnh Tháo vào trước, lướt đến chiếc giường nhỏ, búng thuốc mê vào mũi Tứ di nương Dịch Vi Châu, rồi vẫy ba người kia vào!

Mộc Kính Thanh chụp chiếc đèn tọa đăng, đứng cạnh Nam Cung Giao, soi sáng cho chàng!

Nam Cung Giao thử lay gọi, nhưng Tiền phu nhân vẫn không hề lai tỉnh. Chàng cau mày, bưng chén thuốc còn ít cặn trên bàn nhỏ cạnh giường nếm thử, và xem xét cả bã thuốc!

Chàng đã xác định đây là thuốc bổ thông thường và có nhiều vị an thần. Trong trường hợp này, mạch sẽ rất nhẹ khó mà chuẩn đoán chính xác được.

Nam Cung Giao liền nhờ Mộc Kính Thanh đỡ Tiền phu nhân ngồi dậy, rồi dồn chân khí qua mệnh môn để kiểm tra kinh mạch.

Có tất cả sáu chỗ bị bế tắc, đó là hai huyệt trung phủ ở hai vai (thuộc kinh phủ Thái âm Phế), hai huyệt cơ môn trên đùi (thuộc kinh Túc Thái âm tỳ) và hai huyệt Cường Gian, Á Môn ở hậu chẩn (thuộc mạch Đốc).

Nam Cung Giao vén y phục, vạch tóc bà lão tội nghiệp ra để kiểm chứng, phát hiện ngay những vết châm cứu.

Lỗ châm hơi lớn, chứng tỏ người ta đã lấy loại kim lớn rỗng ruột, đùng phép thủy châm bơm chất độc vào đáy huyệt! Vì thế mà nạn nhân bị khẩu si ngốc và run rẩy chân tay!

Chàng biết rằng mình không đủ khả năng giải trừ chất độc trong sáu huyệt đạo kia, nên quyết định mang nhạc mẫu về Giang Tây nhờ mẹ mình điều trị!

Nhưng việc này phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, bí mật và không thể thực hiện ngay đêm nay!

Bốn người xóa dấu vết, mau chóng ra ngoài, khóa cửa lại như cũ.

Nam Cung Giao về đến phòng thì Vân Mi vẫn chưa ngủ. Nàng hồi hộp hỏi:

- Tướng công! Chẳng hay kết quả thế nào?

Nam Cung Giao trầm giọng kể lại những gì mình đã phát hiện.

Thần Nữ rưng rưng nước mắt vì thương mẹ, thẫn thờ hỏi:

- Tướng công định thế nào? Sáng mai chúng ta hỏi thẳng phụ thân chứ?

Nam Cung Giao cân nhắc:

- Không được! Ta vẫn chưa đoán ra ẩn tình bên trong của việc này thế nào! Có thể nó quan trọng đến mức Tiền cung chủ sẽ sát nhân diệt khẩu! Vì vậy, sách tốt nhất là âm thầm mang nhạc mẫu về Giang Tây, nhờ mẫu thân ta chữa trị. Khi bà hồi tỉnh, kể rõ căn nguyên rồi sẽ tính sau!

Chàng liền nói sơ kế hoạch cho ái thê nghe.

Sáng ra, trong bữa điểm tâm Nam Cung Giao xin phép đưa Thần Nữ về Cán Châu ăn tết và dự đám giỗ ông nội chàng!

Thực ra thì chẳng có giỗ chạp gì cả, và nhà chàng cũng không ở Quảng Đông! May thay, Nam Cung Giao và Thần Nữ chưa hề nói cho Tiền Phong Vân biết địa chỉ Tế An đường.

Tiền cung chủ nghe nói giỗ kỵ không tiện phản đối, chỉ yêu cầu chàng sang xuân phải tiến hành lễ cưới.

Tất nhiên, Nam Cung Giao chẳng tiếc gì một lời hứa.

Đoàn người rầm rộ xuôi Nam, vừa đi vừa bàn bạc.

Lúc này, bọn Cẩn Nhục Đầu Đà và bảy lão họ Mộc mới biết lý do của sự khởi hành vội vã này!

Đầu Đà than trời:

- Bần tăng học được mấy thành Ma Y Thần Tướng, thế mà không nhận ra bản chất sâu hiểm của Tiền Phong Vân, thật đáng hổ thẹn!

Mộc Kính Thanh bỗng hỏi Vân Mi:

- Đại tẩu! Chẳng hay trong Kim Diện cung có vật quí giá nào đột nhiên biến mất hay không?

Mọi người sửng sốt chẳng hiểu vì sao gã lại hỏi một câu tréo ngoe như vậy?

Họ Mộc đắc ý giải thích:

- Tại hạ không bài bác giả thuyết của chư vị, cho rằng Tiền Phong Vân hiện nay là kẻ giả mạo, bị Tiền phu nhân phát hiện nên mới hạ thủ! Nhưng vì cớ gì mà lão ta lại lưu giữ mạng của bà suốt năm năm nay? Phải chăng phu nhân có được cái mà lão giả mạo kia mong muốn? Đó có thể là bí kíp võ học, hoặc bản đồ, chìa khóa của một kho tàng khổng lồ nào đấy?

Cả đoàn khen phải.

Nam Cung Giao cười khà khà:

- Không ngờ một kẻ đầu nhỏ đít to như ngươi mà cũng thông minh đáo để!

Mọi người phá lên cười, và Trịnh Mãng bồi thêm một câu:

- Nguy thực! Không hiểu Nam Cung công tử đã làm gì mà cả ngực của Mộc công tử cũng ngày càng to ra!

Kính Thanh ngượng chín người, vung roi quất vào lưng họ Trịnh, nhưng gã đã thúc ngựa chạy trước.

Lúc này, Thần Nữ thò đầu khỏi cửa sổ trên thùng xe bên tả, thánh thót nói với Nam Cung Giao:

- Tướng công! Thiếp đã nhớ ra rồi! Gia phụ có một chiếc chìa khóa bằng ngọc xanh dài độ gang tay rất tinh xảo. Mỗi lần người đi theo áp tải quặng vàng lên Bắc Kinh đều giao cho gia mẫu giữ gìn, cất vào một hốc bí mật. Nhưng từ sau khi gia mẫu lâm bệnh, thiếp không nhìn thấy gia phụ đeo chiếc chìa khóa ấy trên ngực nữa!

Mộc Đông Sơ hỏi ngay:

- Phải chăng chiếc chìa khóa ấy có mặt đầu rồng với hai mắt cẩn ngọc đỏ?

Vân Mi gật đầu xác nhận:

- Đúng vậy! Nhưng sao Mộc lão tại biết rõ như thế?

Mộc Đông Sơ gật gù, hỏi mọi người:

- Chư vị có nhớ truyền thuyết về Ngọc Long cung hay không?

Sách Hán Xương giật mình:

- Có! Nhưng chẳng lẽ chuyện ấy lại có thực?

Cẩn Nhục Đầu Đà tiếp lời họ Sách:

- Bốn mươi năm trước, bần tăng có tham gia cuộc tìm kiếm, dẫm nát cánh rừng Thiên Nam Lĩnh, phí sức mấy tháng trời mà không có kết quả gì!

Nam Cung Giao ngơ ngác:

- Chuyện ấy là thế nào? Mong các vị nói rõ ra xem?

Mộc Đông Sơ liền kể:

- Vào cuối thời nhà Tống, ở Trường Sa có một nhà đại phú họ Tư Mã, sanh được nam tử tên Thuật.

Tư Mã Thuật thân thể khôi vĩ, sức mạnh như Hạng Võ thuở trước, lại giỏi thương pháp nên tự xưng là Ngọc Long Thần Thương. Khi quân Mông Cổ vây thành Tương Dương (Hồ Nam), Tư Mã Thuật chiêu binh mãi mã, hợp lực với quân Tống để kháng Mông.

Nhờ lực lượng của ông ta ở ngoài quấy phá mà thành Tương Dương giữ vững được mấy năm.

Quân Mông Cổ tức giận, gọi thêm viện binh, tập trung tiêu diệt Ngọc Long Thần Thương trước.

Tư Mã Thuật phải rút về phía núi Nam Lĩnh cố thủ, một năm sau thì bị tiêu diệt. Do vậy mới có truyền thuyết rằng Tư Mã Thuật đã xây dựng Ngọc Long cung trong rừng núi Nam Lĩnh cất giấu số tài sản kếch sù của mình!

Bốn mươi năm trước, tin này đã làm xôn xao võ lâm khiến mấy ngàn người kéo nhau đến Nam Lĩnh tìm kiếm, và thất vọng trở về!

Mộc Kính Thanh phì cười:

- Dù Tư Mã Thuật có giàu cách mấy thì cũng đã sạt nghiệp vì đã nuôi quân mấy năm trời, còn đâu mà cất nữa?

Mộc Đông Sơ mỉm cười:

- Công tử nói cũng phải! Nhưng nhà Tư Mã sở hữu hai mỏ Lam Bảo Ngọc ở Quảng Tây và Phúc Châu gia sản lớn gấp trăm lần Kim Diện cung! Dẫu chỉ còn lại một phần mười cũng đủ để thiên hạ phát điên lên!

Mộc lão rất có lý vì bảo ngọc quí gấp ngàn lần Hoàng kim!

Trong hàng ngũ châu báu, người ta dùng cái mỹ danh Bảo Thạch Tam Tỷ Muội (Ba chị em đá quí) để chia ra ba loại ngọc hiếm nhất, quý giá nhất là: Lục Bảo Ngọc, Lam Bảo Ngọc và Hồng Bảo Ngọc.

Trung Hoa chỉ có Lam Bảo Ngọc ở các tỉnh Quảng Tây, Phúc Kiến, An Huy, Vân Nam. Hồng Bảo Ngọc là sản phẩm đặc hữu của Miến Điện, Xiêm La.

Còn Lục Bảo Ngọc đến Trung Hoa qua tay bọn thương nhân người Tây Ban Nha!

Trưa hôm ấy, bọn Nam Cung Giao đã rời xa Từ Châu được năm mươi dặm, ghé vào cánh rừng bên tả bàn bạc lần cuối.

Sau đó, Nam Cung Giao, Cẩn Nhục Đầu Đà, Mộc Kính Thanh và anh em họ Trịnh cải trang quay lại Tế Châu. Họ mang những chiếc mặt nạ kỳ diệu của Trường Hồng kiếm khách nên không sợ bị phát hiện.

Những người còn lại vào trấn Kỳ Vân gần đấy nghỉ trọ!

Tai mắt của Kim Diện cung rải đầy các khách sạn trong thành, chỉ trừ Tứ Hải đại lữ điếm! Sơn Đông Thiết Hán Tề Thanh Hải quen biết với Nam Cung Giao tất sẽ báo cho Kim Diện cung biết tin về những kẻ khả nghi!

Nhưng dĩ nhiên họ Tề phải đứng về phe Nam Cung Giao khi chàng cần đến!

Năm người gởi ngựa ở một nông xá ngoài cửa Nam Thành, đi bộ đến Tứ Hải đại lữ điếm!

Gã tiểu nhị họ Hồ thấy khách nghèo đến mức chẳng có ngựa mà cỡi, tay nải cũng không, liền nhăn nhó, chỉ vào bảng giá trên tường, sau quầy quỹ:

- Mong ngũ vị đại gia lưu ý giùm, bổn điếm đã có giá mới, chẳng giống lúc trước đâu!

Gã nói khéo thế thôi chứ biết chắc rằng năm tên kiết xác này chưa bao giờ đến đây lần nào!

Nam Cung Giao lạnh lùng nói:

- Bọn ta là bằng hữu của Tề lão, từ Sơn Đông đến! Ngươi mau vào gọi lão ấy ra, nếu không bổn vương đốt sạch cái ổ chó này bây giờ!

Nghe khách tự nhận là ăn cướp, Hồ Tiểu Cửu run bắn người, vâng dạ liên hồi, chạy vào trong.

Lát sau, Tề Thanh Hải ra đến, nhìn bốn người lạ mặt, nhíu mày hỏi:

- Ngũ vị là ai mà lại mạo xưng là bằng hữu của lão phu?

Mộc Kính Thanh cười khanh khách:

- Tề đại ca quả là chóng quên! Hai mươi năm trước, anh em chúng ta chẳng từng cùng nhau đánh cướp dinh Tri phủ ở Tế Châu đấy sao?

Bí mật tày trời này Tề Thanh Hải chỉ thố lộ với mình Nam Cung Giao trong lúc say mèm, nay bị đối phương nói ra oang oang, khiến lão bủn rủn tứ chi, miệng lắp bắp:

- Sao ngươi dám vu oan giá họa cho lão phu như vậy!

Dáng điệu hoảng hốt, sợ hãi của lão làm bọn Nam Cung Giao cười ngất.

Chàng không vận công biến đổi giọng nên Tề Thanh Hải đã nhận ra tiếng cười hào sảng, quen thuộc. Ião mừng rỡ hỏi:

- Phải Nam Cung công tử đấy không?

Chàng lột mặt nạ tủm tỉm nói:

- Bọn tại hạ biết tháng này sanh ý của quí điếm ế ẩm nên đến quấy rầy!

Tề lão sửng sốt:

- Sao lão phu nghe nói công tử đã rời Từ Châu sáng nay rồi mà?

Nam Cung Giao gật đầu, vui vẻ nói:

- Tại hạ định làm vài vụ cướp nên đến mượn Tề lão ít đồ nghề!

Lần trước, Nam Cung Giao đột nhập Kim Diện cung, để gởi thư, qua mặt bọn đệ tử tuần tra. Nhưng sau lần ấy, Kim Diện cung chủ đã cho dựng rào chắn rất kiên cố và phòng thủ chặt chẽ. Do vậy, lần này, chàng chỉ còn cách lên bằng đường vách núi hướng Bắc, cao đến mười lăm trượng, và dựng ngược.

Chính vì cho rằng khỉ vượn cũng khó mà trèo, nên đoạn này chỉ có một chốt gác do ba tên kiếm thủ trấn giữ.

Trời lạnh như cắt da, chúng ngồi co ro quanh bếp lửa trong tòa nhà gỗ, chẳng dại gì mà đi tuần để hứng ngọn gió Bắc lạnh lùng!

Ngay đầu canh hai, Nam Cung Giao đã có mặt nơi chân vách đá, toàn thân hắc y đen kịt, đầu trùm kín bởi túi vải.

Nam Cung Giao đã mượn dụng cụ đạo chích quí báu của Sơn Đông Thiết Hán, là hai cặp Hổ Trảo bằng thép luyện.

Loại Hổ Trảo này quấn vào bàn tay, bàn chân, làm tăng cường công phu Bích Hổ của khách dạ hành.

Nam Cung Giao cắm phập những chiếc vuốt thép nhọn hoắt và cứng rắn vào vách núi, hoặc bấu lấy những mỏm đá lồi lõm, nhanh chóng trèo lên.

Bốn người phía dưới căng rộng một tấm lưới đánh cá bền chắc, hồi hộp chờ đợi giây phút Nam Cung Giao rơi xuống.

Nhưng vách đá này chẳng thấm thía gì so với vực thẳm Duyên Sơn, và Nam Cung Giao lại được trang bị tốt hơn nên đã vượt qua được sau nửa canh giờ.

Chàng ở cách xa căn nhà gỗ nhỏ đến hàng chục trượng nên yên tâm tìm chỗ cột dây chão.

Anh em họ Trịnh ở lại chân vách canh gác. Chỉ có Mộc Kính Thanh và Cẩn Nhục Đầu Đà theo dây chão mà lên hợp lực với Nam Cung Giao.

Ba người chuồn êm về phía sườn núi phía sau Kim Diện cung.

Ở đây, sợi dây chão thứ hai được thả xuống, và sau khi Nam Cung Giao cùng họ Mộc xuống rồi, Cẩn Nhục Đầu Đà thu dây ẩn mình vào bụi rậm.

Nhân số Kim Diện cung đông đến ba trăm, nay mỏ vàng đã cạn, chẳng lẽ để thủ hạ ngồi không mà ăn cho mau sạt nghiệp. Vì vậy, Tiền Phong Vân đã mua hết ngàn mẫu ruộng quanh chân núi Kim Sơn để trồng ngũ cốc. Còn trên bình đài sau cung và trong những hang hốc của mỏ vàng cũ, ông cho nuôi rất nhiều lợn gà.

Anh em Nam Cung Giao vượt qua dãy chuồng lợn dài dằng dặc và hôi hám, vượt qua khu bếp tiến vào hậu viện.

Đêm đông lạnh giá, ai cũng trùm mền ngủ say như chết, cả bọn tuần tra cũng ngáp ngắn ngáp dài, ngồi dựa vách mà gật như gà!

Họ có quyền ngủ vì làm gì có ma nào đột nhập vào được?

Dãy phòng hậu viện ngăn cách với bếp và khu nhà ở của gia nhân, tỳ nữ bằng một vườn hoa um tùm, thơm ngát. Chắc là để dung hòa mùi hôi thối của phân gia súc, gia cầm, thỉnh thoảng theo gió bay lên!

Mặt trước của Kim Diện cung rất uy, lộng lẫy nhưng mặt sau thì hơi khó ngửi.

Lúc này mới là đầu canh ba, và trong phòng của Tiền cung chủ vẫn còn sáng đèn.

Phòng của lão và mụ Đại di nương ở cách phòng bệnh vài căn.

Bà ta có nhũ danh là Phan Thế Phụng, tuổi độ bốn mươi hai, nhan sắc thuộc hàng thượng thặng, tính tình trầm lặng, ít nói, ăn mặc giản dị, và rất siêng năng, cần mẫn trong việc chăm sóc Tiền phu nhân.

Tuy Vân Mi hết lời tán dương, song Nam Cung Giao lại có cảm giác là lạ khi đối diện Phan nương.

Chàng tò mò, rũ Kính Thanh lần đến ô cửa khép kín, nhìn qua khe.

Tiền Phong Vân và Phan di nương đang ngồi trên ghế trường kỷ, trước bàn trà nhỏ, nét mặt đầy vẻ nghiêm trọng.

Họ cách xa cửa sổ đến hai trượng, nhưng nhờ thính lực tinh tường, cộng với những cử động của đôi môi hai người ấy, nên Nam Cung Giao đã đoán ra được nội dung cuộc đối thoại, bởi họ nói không lớn.

Phan nương nghiêm nghị, nói:

- Nay Giáo chủ đã ra hạn chót là hết năm nay, sư huynh tính sao?

Tiền Phong Vân thở dài:

- Ta đã dùng hết mọi cách khảo tra mà bà ấy vẫn không chịu khai ra chỗ cất giấu Long Đầu Ngọc Thực! Có lẽ phải xin Giáo chủ đích thân giá lâm dùng Nhiếp Tâm đại pháp mà hỏi thôi!

Phan Thế Phụng quắc mắt:

- Giáo chủ tọa quan đến tận đầu xuân sang năm mới luyện xong lớp chót của Thiên Y thần công, đâu thể đến đây được. Sao! sư huynh không đem sinh mạng của Tiền Thanh Giám ra mà uy hiếp mụ ta. Cứ cắt dần từng mẩu thịt của con là mẹ phải khai thôi!

Tiền Phong Vân cười nhạt:

- Thế là sư muội chưa biết rõ bản chất cương liệt của Tất Liên Thành rồi.

Lão phu đã từng hăm dọa nhưng bà ấy bảo rằng: Họ Tiền Anh đông đúc, chẳng sợ tuyệt tự, muốn giết thì cứ giết! Bà ấy căm thù ta đến mức sẵn sàng hi sinh con cái, quyết không để ta toại nguyện!

Phan Thế Phụng cười khẩy:

- Chứ không phải là sư huynh đã lỡ yêu thương mụ chó chết kia nên không nỡ hạ thủ? Là nam nhân mà sao bụng dạ mềm như đàn bà vậy?

Tiền Phong Vân khổ sở biện bạch:

- Làm gì có chuyện ấy! Ngu huynh suốt đời chỉ yêu có mình sư muội mà thôi!

Rồi lão vươn tay kéo Thế Phụng vào lòng mà hôn hít, vuốt ve.

Thủ đoạn của lão thật cao cường, lão luyện, chỉ loáng cái đã khéo léo lột được áo ngắn và yếm đào của Thế Phụng.

Phan nương chống cự yếu ớt và rồi đầu hàng, để cho họ Tiền bồng mình lên giường.

Kính Thanh hổ thẹn trước cảnh tượng diễm tình kia, đấm vào sườn Nam Cung Giao, lôi chàng đi và hạ giọng trách:

- Đại ca định xem cho đến sáng hay sao? Thật là xấu hổ!

Chàng kề tai gã cười hì hì:

- Ngươi mới cần xem chứ đâu phải ta! Mấy mụ vợ của ta còn hấp dẫn hơn bà già họ Phan kia nhiều!

Mộc Kính Thanh bẽn lẽn tức tối rảo bước, chẳng biết nói sao!

Mãi đến giữa giờ Thìn sáng hôm sau, người hầu hạ Tiền phu nhân là Tam di nương Mai Thư Tiệp mới hồi tỉnh, và la làng khi thấy bệnh nhân biến mất.

Hung thủ đã để lại một tờ hoa tiên trên gối Tiền phu nhân, nội dung như sau:

“Tiền cung chủ nhã giám!

Bổn giáo đang cần ngàn lượng để khởi nghiệp, nên đã mời quí phu nhân đi chơi một chuyến. Đầu tháng ba sang năm, phiền tôn giá mang mười vạn lượng vàng ròng đến núi Thuần Sơn, phía Nam thành Thụ Dương để rước phu nhân về!

Giáo chủ Cực Lạc giáo bái bút”.

Tiền Phong Vân gầm vang như hổ dữ, ánh mắt đầy vẻ hoang mang, lo lắng hơn là bi ai.

Lão hết lời chửi mắng bọn thủ hạ là lũ ăn hại để kẻ địch vào cung bắt người dễ như trở bàn tay!

Yên Đài song sát cố khuyên giải nên họ Tiền tạm nguôi cơn thịnh nộ, cho triệu tập một cuộc họp những cao thủ chủ chốt!

Đại Sát Thân Công Hải trổ tài phân tích thư pháp:

- Đây là nét bút của một nữ nhân tuổi độ lục tuần, tính tình cương nghị, nóng nảy và dữ dằn, quen thói chỉ huy!

Thân lão nhận xét không sai, vì lá thư này do vợ của Sơn Đông Tiết Hán viết giùm Nam Cung Giao. Bà ta dữ đến nỗi Tề Thanh Hải tuy giàu có vẫn không hề dám nạp thiếp, và lúc nào cũng phải lải nhải tán dương mụ vợ già của mình là nữ nhân tuyệt diệu nhất thế gian!

Tề nương giỏi võ hơn chồng nên Tề lão đành chịu lép vế!

Nhị Sát Tiêu Xuân Oanh cau mày:

- Lạ thực! Trong đám quần thoa của võ lâm, đâu còn ai đủ tài sức để khai tông lập giáo?

Tiền Phong Vân gằn giọng:

- Không cần phải bàn nữa, phía Đông và Nam Từ Châu chẳng có tổ chức hay nhân vật nào đáng kể. Vậy là bọn hung thủ phải đi về hướng Tây!

Chuyết thê lâm bệnh tất phải được chở bằng xe ngựa, tốc độ lượng không nhanh! Chúng ta cố rượt theo, may ra bắt kịp!

Thế là đoàn nhân mã của Kim Diện cung rầm rộ phi nước đại về hướng Tây.

Do kiên trình không tiếc sức ngựa nên ba ngày hôm sau họ bắt kịp đoàn tăng lữ Thiếu Lâm tự.

Các nhà sư vốn đầy lòng nhân nên đi chậm cho ngựa đỡ mệt. Họ khẳng định với Tiền cung chủ rằng chẳng có cỗ kiệu hay xe ngựa mui kín nào vượt qua cả!

Phe Kim Diện cung lủi thủi trở về, tổng cộng mất toi bảy ngày công sức.

Nhưng khi về đến nhà, Tiền Phong Vân suýt nữa thì hóa điên vì nghe báo rằng Đại di nương Mai Thư Tiệp và toàn bộ số châu báu ngân phiếu trị giá đến bốn chục vạn lượng vàng đã biến mất!

Hung thủ đã tìm ra hầm ngầm trong phòng của lão. Lần này thì có manh mối, vì hai vị Hộ cung Kiếm sứ và đội trưởng Bạch Y cận vệ đã vắng mặt!

Vụ án này xảy ra ngay đêm hôm sau vụ bắt cóc Tiền phu nhân! Nghĩa là Tiền cung chủ đã trúng kế Điệu Hổ Ly Sơn!

Đất đai, cửa hiệu ở các nơi còn nhiều, nhưng các nơi hầu như sạch sẽ, Tiền Phong Vân chỉ còn cách tuyên bố giải tán Kim Diện cung.

Nhưng các môn nhân không tán thành, xin ở lại mà chẳng cần lãnh lương.

Tiền Thanh Giám cũng cực lực phản đối, vì sợ sau này trở thành một vị Cung chủ mà chỉ có vài gia đinh và tỳ nữ!

Hôm sau, Tiền Phong Vân gom góp số vàng còn sót lại, dẫn ba mụ vợ nhỏ ra đi.

Lão ta gởi gấm cơ nghiệp lại cho Yên Đài song sát, bảo họ rằng mình lên kinh đô cầu cứu bằng hữu!

Sang xuân sẽ quay lại lo việc cho Tiền phu nhân!

Thực ra lão sẽ chẳng bao giờ trở về nữa, Giáo chủ của lão sẽ không bao giờ tha cho cái tội để mất Tiền phu nhân và Mai Thư Tiệp, cùng số của cải để dựng nghiệp của giáo phái!

Vả lại nếu Mai Thư Tiệp khai ra, hoặc Tiền phu nhân hồi tỉnh, thì quan quân sẽ kéo đến ngay!

Không hiểu vì lý do gì mà lão lại linh cảm rằng chính Nam Cung Giao là thủ phạm!

Chỉ có kẻ đã từng trèo lên từ đáy thẳm mới có thể vượt bức vách hướng Bắc của núi Kim Sơn! Và chỉ có chàng ta mới thu phục được Đội trưởng Cam Bố Cốc và hai vị Kiếm sứ! Và cũng chỉ có chàng rể quí ấy mới biết vị trí của hầm châu báu, vì Vân Mi cùng biết.

Yên Đài song sát và các môn nhân Kim Diện cung bàng hoàng trước sự sụp đổ quá nhanh chóng của một cơ đồ hùng mạnh, giầu có nhất võ lâm.

Tiền Thanh Giám nhớ mẹ, rầu rĩ nói:

- Nhị vị lão gia! Chúng ta phải đi Nam Kinh báo gấp tín này cho tỷ phu biết! Chỉ có chàng ta mới cứu được gia mẫu mà thôi! Vả lại gia phụ đã vét sạch, chúng ta lấy gì mà sống?

Yên Đài song sát khen phải chuẩn bị lên đường.

Nhưng tên môn nhân gác cổng đã thét lên:

- Thiếu gia và tiểu thư hồi cung!

Hai vợ chồng Nam Cung Gia ung dung bước vào trong sự ngỡ ngàng của Song sát, vì theo sau họ là nhị vị Hộ cung Kiếm sứ và Đội trưởng Bạch Y cận vệ.

Đại Sát choáng váng, ngẩn ngơ hỏi:

- Chính ngươi đã làm việc này sao?

Nam Cung Giao gật đầu, điềm đạm hỏi lại:

- Chẳng lẽ nhị vị không biết lão Cung chủ kia là kẻ giả mạo ư?

Đến trưa thì mọi việc sáng tỏ, và Tiền Thanh Giám vênh mặt vì trở tHành cung chủ Kim Diện cung.

Phu thê Nam Cung Giao rời Kim Sơn trở về trấn Kỳ Vân với đồng đạo và Tiền phu nhân.

Chiều mùng sáu tháng chạp, đoàn người về đến phủ Thượng thư ở Nam Kinh!

Mai Thư Tiệp vừa nhìn thấy những hình cụ tra khảo trong đại lao đã nhũn cả người, khai ra hết.

Kẻ giả mạo Tiền Phong Vân tên Hà Viên, cùng bốn ả vợ nhỏ đều là đệ tử của Tùy Hải chân nhân Mao Tùng Thanh ở vùng Thanh Đảo, Sơn Đông.

Họ Mao quen biết với sư phụ của Tiền Phong Vân là Nhật Chiếu Thần Tẩu, thấy họ Tiền có dung mạo giống đại đồ đệ của mình nên mới nghĩ đến chuyện thay mận đổi đào.

Năm năm trước, Tiền Phong Vân đi áp tải quặng vàng thượng kinh, một mình ghé núi Nhật Chiếu thăm mộ ân sư, liền bị bắt và Hà Viên thế vào.

Lúc về đến Kim Diện cung, họ Hà không kềm được lòng ham muốn trước nhan sắc tuyệt trần của Tiền phu nhân nên đã giao hợp ngay trước khi cầm chắc Long Đầu Ngọc Thực!

Tiền phu nhân phát hiện ngay sự khác biệt liền bị Hà Viên hạ thủ và khống chế bằng phép Thủy Châm mê hồn pháp.

Bà nhất định không khai ra nơi cất giấu bảo vật, nên mới còn sống đến ngày nay!

Mấy hôm sau, Nam Cung Giao cùng Sở Mai, Kính Thanh và anh em họ Trịnh lên đường đi Giang Tây.

Những người khác đều ở lại Nam Kinh đón xuân, vì Cẩn Nhục Đầu Đà đã mời được bằng hữu là Vu Hồ Quốc Thủ đến chữa trị cho Tiền phu nhân!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.