Tiếng Mõ Canh Đổ Đều Đều

Chương 1




Năm ta mười tuổi, tỷ tỷ bị cha đem bán vào Cẩm Xương Hầu phủ làm thiếp.

Mối hôn sự này là do cha ta cùng người mai mối nhất thời hồ đồ mà quyết định.

Chúng ta chỉ biết Cẩm Xương Hầu phủ ở tận Phụ Châu xa xôi, tỷ tỷ được hứa gả cho con trai thứ của Hầu gia, đổi lại, cha nhận mười lượng bạc.

Chẳng ai hay cha làm cách nào mà quen biết được với người của Hầu phủ.

Cha nói người ta ưng thuận dung mạo của tỷ tỷ, còn dặn chúng ta đừng đồn đại, kẻo xóm giềng biết chuyện sinh sự phiền hà đến tỷ ấy.

Tỷ tỷ chỉ hơn ta ba tuổi, lúc đi không khóc lóc om sòm, chỉ hướng cha mẹ dập đầu ba cái rồi lên xe ngựa đi mất.

Ta khóc như mưa như gió, đuổi theo xe ngựa mấy dặm đường, mãi đến khi xe khuất bóng mới nức nở quay về.

Mẹ cũng tựa vào góc tường âm thầm rơi lệ, chỉ có cha được dịp vui vẻ phấn khởi, lấy tiền bán tỷ tỷ mua rượu, một chén rượu vàng vào bụng, lại quay sang mắng mẹ đang thương nhớ con: "Khóc lóc cái gì, nó đi hưởng phúc rồi! Phải rồi, vẫn là phận nữ nhi các người sung sướng, dạng chân ra đã có tiền."

Cha nói, tỷ tỷ được Hầu phủ chọn làm thiếp, là phúc đức tám đời mà tỷ ấy tu được.

Ông ấy còn nói, tỷ tỷ qua đó là được ăn sung mặc sướng, so với đám người hạ đẳng chúng ta khác xa một trời một vực.

Nói xong ông hung hăng véo má ta, ánh mắt sáng rực, cười đến răng sâu cũng lộ ra: "May mà hai đứa con gái ti tiện này có bộ da đẹp, nếu không, thật sự là đồ lỗ vốn, thì đã c.h.ế.t trong tay ông đây rồi!"

Cứ thế, tỷ tỷ đi sáu năm không về nhà.

Hai năm đầu bặt vô âm tín.

Mẹ ta dựa vào bán đậu phụ nuôi sống gia đình, dẫn ta gõ mõ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, vừa bán đậu, vừa dò hỏi tin tức của Cẩm Xương Hầu phủ, nhưng vẫn như đá chìm đáy biển.

Những ngày ấy, tiếng mõ vang lên từng tiếng, đều là để cầu mong tỷ tỷ trở về.



May sao, năm thứ ba gần Tết, tỷ tỷ nhờ người gửi một phong thư về, kèm theo thư là một sợi dây đỏ dài.

Thư rất ngắn, nói ở hầu phủ mọi thứ đều tốt, chỉ là quy củ nhiều.

Không cần lo lắng cho tỷ ấy, càng không nên tìm tỷ ấy, kẻo hầu gia không vui.

Mẹ ta như có báu vật, áp thư vào n.g.ự.c cất kỹ.

Lại cắt sợi dây đỏ ra, nửa dài buộc tóc cho ta, đoạn ngắn còn lại quấn quanh cổ tay bà.

Cha ta thì đuổi theo ra ngoài, túm lấy người đưa thư hỏi han hồi lâu.

Biết tỷ tỷ không gửi về nửa đồng bạc, ông tức giận đập vỡ bát, còn đánh mẹ một trận.

Lúc đó mẹ ta đã mang thai ba tháng.

Bà mụ trong làng nói lần này chắc là con trai.

Nên cha ta chỉ đánh vài cái rồi dừng tay, tuyên bố nếu bà lại sinh con gái, sẽ ném vào chậu nước tiểu dìm chết.

Mẹ như mọi khi vẫn nhẫn nhịn, lặp đi lặp lại bảo ta, tỷ tỷ đi làm thiếp nhà quyền quý không dễ dàng, chúng ta không thể gây thêm phiền phức cho tỷ ấy, khiến người của Hầu phủ coi thường tỷ tỷ.

Ta lặng lẽ gật đầu, đêm về thao thức trên giường, trằn trọc không yên giấc.

Trong lòng ta ấp ủ mộng tưởng, tỷ tỷ được chồng yêu chiều, sinh hạ những tiểu công tử bụ bẫm, rồi long trọng đón ta và mẹ về Phụ Châu.

Nhưng xuân sang năm tới, mẹ ta lâm bồn khó nhọc, qua đời trong đau đớn.



Máu tanh nồng nhuộm đỏ chiếc giường đất, chảy lênh láng xuống nền, uốn lượn như dòng suối nhỏ đến tận cửa.

Tiền bạc trong nhà đã bị cha tiêu xài phung phí từ lâu.

Mẹ ra đi mà cũng chẳng có nổi cỗ quan tài, bị cha cuộn trong manh chiếu rách, vác lên núi, đào hố chôn vội.

Chôn xong còn nhổ toẹt một bãi nước bọt, buông lời nguyền rủa mẹ vô dụng.

Từ đó ta thầm nghĩ, tỷ tỷ của ta tốt nhất đừng sinh con đẻ cái làm gì.

Ta cũng chẳng thiết tha đến Phụ Châu hưởng giàu sang phú quý nữa.

Chỉ mong tỷ ấy có thể sống một đời bình an vô sự.

Rồi ta trở thành cô nhi, nhưng cuộc sống ngược lại nhẹ nhàng hơn nhiều.

Ta học theo mẹ, vấn khăn trùm đầu, gõ mõ, bán từng miếng đậu phụ một, dành dụm từng đồng xu một.

Tỷ tỷ vẫn nhờ người gửi thư về vào dịp cuối năm.

Ta túm lấy tay người đưa thư, hỏi han tỷ tỷ sống có tốt không, hắn ấp úng, chỉ nói tỷ ấy rất ổn, đừng làm phiền tỷ ấy.

Bị ta hỏi nhiều quá, mới nói cho ta biết, tỷ tỷ đang ở thành Vĩnh Túc, Phụ Châu.

Mỗi đêm ta đều đếm lại tiền đồng giấu trong bếp lò, ôm d.a.o chặt củi mà ngủ, nghĩ đến khi dành dụm đủ tiền, ta sẽ đến chỗ tỷ tỷ bán đậu phụ, ba ngày năm bữa có thể gặp tỷ tỷ một lần là tốt rồi.

Ta chỉ nghèo thôi, chứ không phải hạng người không ra gì, càng không muốn lợi dụng hầu phủ, ta có thể tự kiếm sống bằng nghề bán đậu.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.