Tiếng Cười Trong Bóng Tối

Chương 39




Vào ngày thứ Ba Elisabeth nhận được một bức điện, rồi khoảng tám giờ tối thứ Tư bà nghe thấy giọng Paul trong sảnh và tiếng gậy đập đập. Cửa mở ra và Paul dẫn chồng bà vào.

Ông cạo râu sạch sẽ; ông đang đeo kính đen; trên vầng trán xanh xao của ông có một vết sẹo. Bộ com lê lạ hoắc màu nâu tím (ông hẳn không bao giờ tự chọn màu đó rồi) trông có vẻ quá rộng so với người.

“Anh ấy đây,” Paul bình thản nói.

Elisabeth òa khóc nức nở, ấn khăn mùi soa vào miệng. Albinus im lặng cúi chào về hướng có tiếng thổn thức ghìm nén.

“Theo tôi nào, chúng ta đi rửa tay,” Paul nói trong khi dẫn ông chậm rãi đi qua căn phòng.

Sau đó, ba người ngồi trong phòng ăn dùng bữa tối. Elisabeth thấy khó quen với việc nhìn vào chồng mình. Bà thấy dường như ông cảm nhận được ánh mắt của bà. Vẻ trang nghiêm sầu muộn trong cử động chậm chạp của ông làm lòng bà ngập trong cơn đê mê yên bình của nỗi xót thương. Paul nói chuyện với ông như thể ông là một đứa trẻ, và còn cắt giăm bông trên đĩa của ông thành miếng nhỏ.

Ông được ở trong căn phòng trước đó là phòng trẻ của Irma. Elisabeth ngạc nhiên nhận ra thật dễ dàng làm sao khi phá rối giấc ngủ thiêng liêng của căn phòng nhỏ vì lợi ích của kẻ cư ngụ lạ lẫm, to lớn, câm lặng này, khi di chuyển và thay đổi mọi đồ vật bên trong để làm nó thích hợp với nhu cầu của người đàn ông mù lòa này.

Albinus không nói năng gì. Ban đầu, khi họ còn ở Thụy Sĩ, để cho chắc, ông đã ngoan cố dằn dỗi van nài Paul hãy yêu cầu Margot đến gặp ông, ông thề rằng cuộc gặp sau chót này sẽ chỉ kéo dài trong chốc lát. (Và, thật vậy, đâu có mất nhiều thời gian để dò đường trong bóng tối đã trở nên quen thuộc, và một tay giữ chặt cô, nhấn nòng súng vào mạng sườn cô rồi lèn chặt những viên đạn vào người cô?) Paul cứng đầu từ chối làm theo lời ông, và sau đó Albinus không nói gì nữa. Ông lặng lẽ trong suốt đường đi về Berlin, đến nơi ông vẫn lặng lẽ, và ông tiếp tục lặng lẽ suốt ba ngày sau đó, để cho Elisabeth không nghe thấy giọng ông nữa (trừ một lần): cứ như thể ông bị câm cũng như bị mù vậy.

Cái vật nặng trịch đen ngòm, cái kho báu giấu bảy cái chết nén chặt này, bọc trong chiếc khăn quàng cổ bằng lụa của ông, đang nằm sâu trong túi áo khoác của ông. Rồi khi đến nơi, ông tìm cách chuyển nó vào một ngăn tủ com mốt cạnh giường mình. Ông giữ chiếc chìa khóa trong túi áo gi lê và cất dưới gối vào ban đêm. Một hoặc hai lần họ để ý thấy ông sờ soạng và giữ chặt cái gì đó trong lòng bàn tay, nhưng không ai có ý kiến gì. Với ông, cái cảm giác chiếc chìa khóa đó chạm vào lòng bàn tay và hơi đè nặng trong túi áo, dường như là câu thần chú “Vừng ơi,”, nó sẽ - ông tin chắc – một ngày nào đó mở khóa cánh cửa của nỗi mù lòa cho ông.

Và ông vẫn không nói một lời. Sự hiện diện của Elisabeth, tiếng bước chân nhẹ, tiếng thì thầm của bà (bây giờ bà luôn nói với người hầu và Paul bằng giọng thì thầm, như thể trong nhà đang có một căn bệnh trầm trọng) chỉ mờ nhạt và hư ảo như ký ức trong ông về bà: một ký ức gần như câm lặng đang yếu ớt trôi nổi để lại một làn hương nước hoa nhẹ nhàng – tất cả chỉ có vậy thôi. Cuộc đời thực, cái cuộc đời tàn nhẫn, dai dẳng và mạnh mẽ như một con trăn nào đó, mà ông mong ước hủy diệt không chậm trễ, lại đang ở một nơi khác – nhưng ở đâu? Ông cũng không biết nữa. Ông hình dung rõ rệt đến lạ thường Margot và Rex – cả hai đều nhanh nhẹn hoạt bát, mắt trợn tròn ghê gớm đang chiếu rọi, tay chân dài lả lướt – đang đóng gói hành lý sau khi ông bỏ đi; Margot xun xoe vuốt ve Rex giữa đống va li mở toang, rồi cả hai cùng bỏ đi – nhưng đi đâu, đi đâu? Không có một tia sáng nào trong bóng đêm. Nhưng đường đi quanh co của họ cháy trong ông như vết một con vật hôi hám bò trên da.

Ba ngày câm lặng trôi qua. Sang ngày thứ tư, vào sáng sớm, Albinus tình cờ ở nhà một mình. Paul chỉ vừa đi đến đồn cảnh sát (ông muốn làm sáng tỏ một số điểm), người hầu đang ở trong phòng phía sau và Elisabeth, mất ngủ cả đêm trước, vẫn chưa tỉnh giấc. Albinus thơ thẩn đi quanh nhà trong cơn khắc khoải bồn chồn, sờ soạng đồ đạc và các cánh cửa. Điện thoại reo trong phòng làm việc một lúc, điều này làm ông nhớ ra rằng có thể kiếm được một số thông tin bằng cách này: ai đó sẽ nói cho ông biết họa sĩ Rex có trở lại Berlin không. Nhưng ông không nhớ nổi một số điện thoại nào và hơn nữa ông biết mình sẽ không phát âm nổi cái tên đó, cho dù nó rất ngắn. Tiếng chuông reo ngày càng nài nỉ hơn. Albinus tìm được đường đến gần bàn, nhấc chiếc ống nghe vô hình lên…

Một giọng quen quen hỏi ông Hochenwart – tức là Paul.

“Ông ấy đi vắng,” Albinus trả lời.

Giọng nói ngập ngừng, sau đó đột nhiên vui vẻ kêu lên:

“Chao ôi, có phải ông không, ông Albinus?”

“Vâng. Vậy ông là ai?”

“Schiffermiller. Tôi mới gọi đến văn phòng ông Hochenwart, nhưng ông ấy vẫn chưa đến. Vì vậy tôi nghĩ mình sẽ liên lạc được với ông ấy ở đây. May mắn cho tôi biết bao là gặp được ông, thưa ông Albinus!”

“Có chuyện gì vậy?” Albinus hỏi.

“Vâng, có lẽ mọi chuyện khá ổn thôi, nhưng tôi nghĩ mình có nhiệm vụ kiểm tra cho chắc. Ông biết đấy, cô Peters vừa đến lấy một số thứ, và… vâng… tôi cho cô ấy vào căn hộ của ông, nhưng tôi không biết chắc lắm… Vì vậy, tôi nghĩ tốt hơn là…”

“Như thế được thôi,” Albinus đáp, môi mấp máy một cách khó khăn (ông cảm thấy môi mình tê đi như vừa chích cocaine).

“Ông vừa nói gì vậy, thưa ông Albinus?”

Albinus cố hết sức để thốt lên thành lời: “Như thế được thôi,” ông nhắc lại rành rọt và dập ống nghe xuống bằng bàn tay run rẩy.

Ông mò mẫm trở lại phòng mình, mở khóa cái ngăn kéo thiêng liêng, sau đó dò đường đi vào sảnh cố tìm mũ và gậy. Nhưng chuyện tìm kiếm này quá lâu thành thử ông bỏ cuộc. Ông rón rén lê bước đi xuống cầu thang, nắm chặt vào lan can và lẩm bẩm một mình như phát sốt. Vài giây sau ông đã đứng ngoài phố. Một cái gì đó lành lạnh buồn buồn nhỏ giọt trên trán: mưa. Ông bám vào song rào sắt của khu vườn trước nhà và tuyệt vọng cầu nguyện sẽ nghe thấy một tiếng còi xe taxi. Chẳng mấy chốc ông nghe thấy tiếng vút thong thả ẩm ướt của bánh xe. Ông hét lên, nhưng tiếng bánh xe biến đi xa dần.

“Tôi có thể giúp ông qua đường được không?” một giọng nói trẻ dễ thương hỏi.

“Vì Chúa, hãy gọi cho tôi một chiếc taxi,” Albinus cầu xin.

Một lần nữa tiếng bánh xe lại đến gần. Ai đó giúp ông lên xe và đóng sầm cửa lại. (Một cánh cửa sổ trên tầng tư mở ra, nhưng đã quá muộn.)

“Cứ đi thẳng, đi thẳng,” Albinus khẽ nói, và khi chiếc taxi đã lăn bánh, ông gõ ngón tay lên kính xe và nói địa chỉ nơi đến.

“Mình sẽ đếm các chỗ rẽ,” Albinus nghĩ. Chỗ đầu tiên – sẽ là phố Motzstrasse. Phía bên trái ông nghe tiếng tàu điện leng keng. Albinus đưa tay sờ lên ghế ngồi, chỗ phân cách với phía trước xe và sàn xe, vì đột nhiên ông thấy bất an với ý nghĩ ai đó có thể đang ngồi cạnh ông. Một chỗ rẽ nữa. Đây chắc là Victoria-Luisenplatz hay là Pragerplatz? Chỉ một giây nữa ông sẽ đến Kaiserallee.

Chiếc taxi dừng lại. Mình đã thực sự đến nơi chưa đây? Không thể thế được. Đó chỉ là một ngã tư. Ít nhất phải mất năm phút nữa… Nhưng cửa xe mở ra.

“Đây là nhà số năm mươi sáu,” tài xế taxi nói.

Albinus ra khỏi xe. Từ khoảng không phía trước mặt ông hân hoan vang lên bản sao hoàn hảo của giọng nói ông vừa nghe trên điện thoại. Ông gác cổng Schiffermiller nói:

“Thật vui được gặp lại ông, thưa ông Albinus. Cô nương đang ở trên gác, trong căn hộ của ngài. Cô ấy…”

“Suỵt suỵt”, Albinus thì thầm, “xin ông trả tiền taxi giùm. Mắt tôi bị…”

Đầu gối ông đâm vào vật gì lắc lư kêu leng keng – hẳn là xe đạp của một đứa trẻ dựng trên vỉa hè.

“Hãy dẫn tôi vào nhà,” ông nói. “Đưa cho tôi chìa khóa căn hộ của tôi. Làm ơn nhanh lên. Giờ thì dẫn tôi đến thang máy. Không, không, ông có thể ở lại dưới này. Tôi sẽ đi một mình. Tôi sẽ tự nhấn nút thang máy.”

Thang máy phát ra một âm thanh trầm rên rỉ và ông thoáng cảm thấy chóng mặt. Sau đó, sàn thang máy dường như giật giật dưới đôi dép đi trong nhà bằng nỉ của ông. Ông đã đến nơi.

Ông ra khỏi thang máy, tiến lên phía trước và dấn một chân xuống vực thẳm – không, chẳng có gì cả, chỉ là bậc thang đi xuống. Ông phải đứng yên lại trong giây lát, người ông đang run lẩy bẩy quá.

“Ở bên phải, bên phải thêm nữa,” ông thì thầm, và dang rộng tay đi ngang qua chiếu nghỉ cầu thang. Cuối cùng ông tìm thấy lỗ khóa cửa, đút chìa khóa vào và xoay.

À, đây rồi, những âm thanh ông bao ngày mơ ước – chỉ ở bên trái thôi, trong phòng khách nhỏ… tiếng sột soạt của giấy gói và rồi tiếng kêu rắc khe khẽ như tiếng khớp xương khi ai đó cúi xuống.

“Một chốc nữa tôi sẽ cần ông, ông Schiffermiller à,” giọng căng thẳng của Margot nói. “Ông phải giúp tôi khiêng cái này…”

Giọng nói ngừng bặt.

“Cô ta đã nhìn thấy mình,” Albinus nghĩ và rút khẩu súng lục ra khỏi túi áo.

Ở bên trái, trong phòng khách, ông nghe thấy tiếng cài khóa va li lách cách. Margot khìn khịt một tiếng hài lòng – cuối cùng thì cái va li cũng đóng lại được – và cô nói tiếp bằng giọng líu lo như đang hát:

“… khiêng cái này xuống. Hay là ông có thể gọi…”

Đến chữ “gọi” này, giọng cô dường như xoáy tròn và rồi đột nhiên im bặt.

Albinus cầm khẩu súng trong tay phải, sẵn sàng nhả đạn, còn tay trái ông sờ thấy cột trụ cánh cửa đã mở, ông bước vào, đóng sầm cửa lại phía sau và đứng quay lưng lại cửa.

Mọi thứ yên lặng. Nhưng ông biết chỉ có mình ông với Margot trong phòng, và căn phòng này chỉ có một lối ra – đó chính là lối ra mà ông đang chặn. Ông có thể nhìn thấy căn phòng một cách rõ ràng – như thể ông dùng chính đôi mắt của mình vậy: bên trái có chiếc xô pha kẻ sọc, dọc bức tường bên phải có chiếc bàn nhỏ trên đó đặt một vũ công ba lê bằng sứ, ở góc cạnh cửa sổ có chiếc tủ đựng những bức tiểu họa quý giá, ở giữa phòng có một cái bàn rộng, rất nhẵn và bóng.

Albinus giơ nắm đấm ra và từ từ khua đi khua lại khẩu súng, cố làm phát ra một âm thanh nào đó có thể hé lộ vị trí chính xác của cô. Ông cảm thấy cô đang ở chỗ nào đó gần những bức tiểu họa, từ hướng đó ông thoáng ngửi thấy luồng hơi ấm đượm mùi nước hoa nhãn hiệu “L’heure bleue”[1]; ở góc đó có gì đang run rẩy giống như bầu không khí trên cát vào một ngày nóng nực bên bờ biển. Ông thu hẹp quỹ đạo chuyển động của bàn tay mình và bất ngờ nghe thấy một tiếng sột soạt khe khẽ. Bắn? Không, chưa đến lúc. Ông phải đến được gần cô hơn. Ông đâm vào chiếc bàn ở giữa phòng và đứng khựng lại. Ông cảm thấy Margot đang lẻn đi ở phía bên, nhưng cơ thể ông, tuy khá bất động, vẫn phát ra nhiều tiếng ồn đến nỗi ông không nghe thấy cô được. Ờ, bây giờ cô ta ở bên trái hơn, gần cửa sổ. Ờ, nếu cô ta mất bình tĩnh và mở cửa sổ rồi la lên thì sẽ thật huyền diệu – ông sẽ có một cái đích đáng yêu. Nhưng nếu cô ta lướt quanh bàn ngang qua ông trong lúc ông tiến lên? “Mình nên khóa cửa lại,” ông nghĩ. Không, không có chìa khóa (các cánh cửa luôn chống lại ông). Một tay ông nắm chặt cạnh bàn, và khi bước lùi lại, ông kéo chiếc bàn về phía cửa để giữ nó sau lưng. Luồng hơi ấm ông cảm thấy lại dịch chuyển, co lại, yếu dần. Chặn xong lối ra, ông cảm thấy tự do hơn và lại một lần nữa bằng mũi súng ông phát hiện ra một thứ gì đang run rẩy trong bóng tối.

[1. Tiếng Pháp, nghĩa là “Giờ màu xanh.”]

Bây giờ ông tiến lên phía trước, lặng lẽ hết sức có thể để có thể phát hiện ra mọi âm thanh. Trò bịt mắt bắt dê, trò bịt mắt bắt dê… trong một ngôi nhà nông thôn vào một đêm mùa đông, cách đây đã lâu, đã lâu. Ông vấp phải một vật cứng và chỉ dùng một tay sờ nó, giữ cho hàng phòng ngự ông đã dựng ngang căn phòng không bị lỏng lẻo dù chỉ một giây. Đó là một cái rương nhỏ. Ông dùng đầu gối đẩy nó ra và đi tiếp, dồn con mồi vô hình trước mặt đến một góc ảo nào đó. Sự im lặng của cô ban đầu làm ông bực tức, nhưng bây giờ ông có thể phát hiện cô khá rõ ràng. Đó không phải là vì hơi thở, không phải là nhịp tim đập của cô, mà là một kiểu ấn tượng chung: đó là giọng nói của chính cuộc đời cô mà ông sẽ tiêu hủy trong một giây nữa thôi. Và sau đó sẽ là bình an, thanh thản, ánh sáng.

Đột nhiên ông ý thức được rằng áp lực ở góc phía trước đang chùng xuống. Ông khua khẩu súng và nhận ra sự hiện diện ấm áp của cô quay trở lại. Dường như sự hiện diện đó ngay tức khắc cúi rạp xuống như ngọn lửa trước gió; rồi nó bò, nó vươn dài ra… nó đi đến gần chân ông. Albinus không thể kiềm chế được nữa, ông rên lên một tiếng dữ tợn và nhấn cò.

Tiếng súng xé toạc bóng tối, và ngay lập tức sau đó một vật phang vào đầu gối ông, làm ông quỵ xuống, và trong giây lát ông vướng vào một chiếc ghế bị ném vào người ông. Lúc ngã, ông đánh rơi khẩu súng, nhưng tìm lại được ngay. Cùng lúc đó, ông ý thức được một hơi thở nhanh, một mùi thơm và mùi mồ hôi xông lên mũi, và một bàn tay lạnh lẽo nhanh nhẹn cố giật vũ khí khỏi nắm tay ông. Albinus tóm được một vật sống, một cái gì đó phát ra tiếng kêu gớm guốc, như thể một tạo vật ác mộng bị cù bởi người bạn ác mộng. Bàn tay ông đang nắm lấy vặn khẩu súng lục rời ra và ông cảm thấy nòng súng thúc vào người, và rồi, cùng với một tiếng nổ khẽ dường như xa hàng dặm, trong một thế giới khác, có một cú đâm vào cạnh sườn ông làm mắt ông ngập tràn ánh hào quang chói lọi.

“Vậy đó, thế là hết,” ông nghĩ khá nhẹ nhàng, như thể ông đang nằm trên giường. “Ta phải giữ yên lặng một chốc lát và sau đó ta sẽ đi rất chậm dọc theo bờ cát rực rỡ của niềm đau thương, đi về phía làn sóng màu xanh, rất xanh kia. Có biết bao niềm hạnh phúc trong màu xanh. Ta chưa hề biết màu xanh có thể xanh nhường nào. Cuộc đời đã qua mới điên loạn làm sao. Giờ ta đã biết hết mọi điều. Nó đang đến, đang đến, đang đến nhấn chìm ta xuống. Đây rồi. Ôi đau đớn làm sao. Ta không thở được nữa…”

Ông cúi đầu ngồi xuống sàn nhà, rồi chầm chậm uốn rạp người về phía trước và ngã lăn sang một bên, như một con búp bê mềm to tướng.

Chỉ dẫn dàn dựng cảnh câm cuối cùng: Cửa – mở toang. Bàn – bị đẩy xa khỏi cửa. Thảm – phồng lên ở chân bàn thành hình sóng bị ngưng lại. Ghế - nằm gần xác người đàn ông mặc bộ com lê màu nâu tím đi dép nỉ. Khẩu súng lục tự động không nhìn thấy được. Nó nằm dưới người ông ta. Chiếc tủ trước đó đựng những bức tiểu họa – trống trơn. Trên chiếc bàn (nhỏ) thứ hai, nơi cách đây đã lâu đặt một vũ công ba lê bằng sứ (sau đó bị chuyển sang phòng khác) có một găng tay phụ nữ, màu đen bên ngoài màu trắng bên trong. Nằm cạnh chiếc xô pha kẻ sọc là một chiếc rương nhỏ trang nhã vẫn còn dán một cái nhãn in màu: “Rouginard, Khách sạn Britannia.”

Cánh cửa từ sảnh ra chiếu nghỉ cầu thang cũng mở toang.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.