Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai

Chương 14




Năm mới đã đến, cùng lúc với đêm khiêu vũ Saint Sylvestre do gia đình Angus Mac Queen tổ chức hàng năm ở Rudna Hinish, trong khi đó thì gia đình Cleary vẫn chưa chuyển qua ở tòa nhà lớn vì việc sắp xếp theo ý của Fiona còn kéo dài.

Cha Ralph có gởi cho Pađy một ngân phiếu năm ngàn bảng từ đầu tháng 12, để chi dùng ban đầu theo cách giải thích trong thư của ông. Pađy đưa thư cho Fiona xem với thái độ kinh ngạc.

- Trời ơi, làm việc suốt đời, tôi cũng không làm sao đào ra được một số tiền như thế này?

- Với số tiền này mình làm gì? Fiona hỏi sau khi liếc qua vào tấm ngân phiếu rồi đôi mắt long lanh nhìn chồng. Thế là chúng ta đã có tiền? Anh có thấy không? Ồ, em không cần số tiền 13 triệu bảng của cô Mary... một số tiền như thế không thật. Nhưng còn tiền này, thì thật đó. Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?

- Chi xài, Paddy trả lời đơn giản. Mua quần áo mới cho con cái... Còn em? Có lẽ em thích mua sắm đồ đạc cho ngôi nhà lớn phải không? Về phần anh thì chẳng thấy cần thứ gì cả.

- Ngốc thật. Chính em cũng không biết chi xài chuyện gì (bà đứng lên, rời bàn ăn và gọi Meggie với một giọng quyền uy). Con đến đây! Chúng ta qua nhà lớn xem ở đó cần gì.

Đã ba tuần trôi qua kể từ ngày sóng gió tiếp theo cái chết của Mary Carson, thế mà chưa có một thành viên nào của gia đình Cleary đặt chân đến tòa nhà lớn. Nhưng bây giờ cuộc viếng thăm của Fiona đã bù lại thời gian họ gớm ghiếc xa lánh ngôi nhà này.

Bà đi từ phòng này sang phòng khác, phía sau có cả một đoàn tùy tùng gồm Meggie, và Smith, Cat và Minnie. Bà làm cho con gái bà ngạc nhiên về sự sống động mà từ lâu không thấy ở bà. Bà luôn luôn nói một mình, khi thì chê thứ này đáng tởm, khi thì chê thứ kia quá xấu xí, phải chăng chị Mary bị bệnh mà mất hay chị ấy chẳng có chút óc thẩm mỹ nào cả!

Bàn viết của Mary Carson, theo kiểu xấu xí thời Victoria, bên trên có đặt máy điện thoại. Fiona đến gần, nhìn màu gỗ buồn hiu với vẻ chê bai.

- Bàn viết của tôi đặt vào đây thì hợp quá, bà nói. Tôi bắt đầu sửa sang, sắp xếp lại từ căn phòng này. Chúng ta chỉ dọn nhà sang khi mọi việc xong xuôi. Chưa xong thì không dọn. Như thế chúng ta bố trí được một nơi có thể họp mặt nhau mà không thấy buồn tẻ - vừa nói bà vừa ngồi xuống coi lại chiếc điện thoại.

Sau khi sửa điện thoại xong, Fiona ra lệnh cho ba người phụ nữ tháo gỡ ngay các bức màn nhung màu nâu và ném tất cả và một chỗ dành riêng cho các thứ không còn dùng nữa. Và Fiona đốt cùng với rác rến.

- Chúng ta không cần những thứ này, bà khẳng định. Và tôi cũng không muốn cho người nghèo ở Gillanbone dùng những thứ này.

- Đúng thế, mẹ, Meggie tán đồng nhưng hơi sửng sốt.

- Chúng ta không rèm màn, Fiona nói, không băn khoăn chút nào khi làm trái lại các qui tắc trang hoàng trong nhà của thời đại này. Hành lang rất rộng, khó cho ánh nắng chiếu thẳng vào bên trong nhà, vậy thì rèm màn có ích gì? Mẹ muốn để trống cho mọi người nhìn thấy được phòng khách.

Vào tuần lễ thứ hai của tháng giêng, tất cả đã hoàn chỉnh, tiếng đồn lan rộng ra qua liên lạc của các máy điện thoại địa phương. Bà Cleary Fiona đã biến phòng khách của Drogheda thành một cung điện. Không ai nghi ngờ sự thành công của Fionạ

Ba ngày trước khi dọn sang nhà lớn khi mặt trời chưa lên, mấy con gà trống đã chào đón một ngày mới bằng những tiếng gáy rộn rã vui tươi.

- Đồ tốt mã nhưng chẳng làm ăn ra gì, Fiona cáu gắt. Mẹ không biết chúng nó tự hào về cái gì. Không có lấy một trứng cho buổi ăn sáng, trong khi bao nhiêu đàn ông đang tập trung ở nhà để chờ dọn đồ. Meggie, con phải ra chuồng gà xem thử, mẹ đang quá bận rộn. Mẹ tự hỏi ba mua dài hạn tất cả các loại báo này làm gì; không ai có thời giờ để đọc. Nó cao lên nhanh quá mẹ không đốt kịp. Con xem, tờ này xuất bản vào cái ngày chúng ta mới đến đây! Nhưng ít ra những tờ báo ấy cũng có công dụng gói bọc chén dĩa.

Thật là dễ chịu khi thấy mẹ vui vẻ, Meggie nghĩ thầm, nhanh nhẹn bước xuống các bật thang.

Chuồng gà rộng thênh thang, có bốn gà trống và hơn bốn chục gà mái. Khi Meggie đẩy cửa bước vào trong, mấy con gà mái nhao nhao lên, tưởng rằng Meggie đến cho ăn.

- Thật tình chúng bay chẳng ra làm sao cả. Giọng của Meggie nghiêm nghị trong khi duyệt qua các máng dùng để hứng trứng! Không đủ cho ăn buổi sáng chứ đừng nói tới chuyện làm bánh! Thế này nhé, tôi cần báo trước cho các cô cậu biết để khỏi than van, nếu các cô cậu không nhanh chóng vào nề nếp, các cô cậu sẽ kết thúc tất cả trong... nồi. Tất cả không trừ một đứa nào. Lời cảnh cáo này có giá trị cho các mày râu cũng như cho các bậc phu nhân. Này các ngài, đừng có xòe đuôi ưỡn ngực như thể chuyện này không dính dấp đến các ngài!

Trứng gà được đặt kỹ lưỡng trong tạp dề, Meggie trở lại bếp vừa đi vừa hát nho nhỏ. Bước vào nhà Meggie bắt gặp mẹ đang ngồi trên chiếc ghế bành của cha, mắt nhìn chăm chú vào tờ tuần báo Smith'' s Weekly, mặt tái xanh, môi run run. Meggie nghe tiếng nói các anh cùng cha mình bên kia vách và tiếng cười của Jims và Patsy vừa được 6 tuổi. Hai đứa em không được thức dậy trước khi người lớn đi làm.

- Có chuyện gì thế, thưa mẹ? - Meggie hỏi. Fiona không trả lời; và vẫn bất động, những giọt mồ hôi đọng lại trên môi dưới, đôi mắt sững sờ trong đau đớn như thể bà đang gom hết sức lực mình để ngăn lại tiếng thét phát ra từ trong lòng.

- Ba ơi! Ba ơi! Meggie gọi to, giọng hốt hoảng.

Tiếng gọi khiếp đảm của Meggie kéo Paddy khỏi phòng, giữa lúc ông vừa mặc chiếc áo gilê. Bob, Jack, Hughie và Stuart chạy theo cha. Không nói lời nào, Megie chỉ mẹ.

Xúc động đến tắc nghẽn cổ họng vì âu lo, Paddy cúi xuống sát vợ mình, nắm lấy cổ tay mềm nhũn.

- Có chuyện gì thế, em thương yêu? ông hỏi.

Giọng nói thật dịu dàng của Paddy gần như hoàn toàn xa lạ đối với các con ông, đó là giọng nói mà chúng biết cha mẹ chúng vẫn dùng đến khi không có mặt con cái.

Hình như giọng nói đặc biệt ấy, đã kéo Fiona ra khỏi vực thẳm mà bà đang chới với; đôi mắt to, màu nâu nhìn lên gương mặt hiền hậu của chồng đầy âu lo, và mỏi mệt.

- Đấy, bà vừa nói vừa chỉ tờ báo nằm ở phía cuối trang.

Stuart đến sau lưng mẹ, dịu dàng đặt bàn tay lên vai; trước khi đọc bài báo, Pađy nhìn vào mặt con trai ông rồi vợ ông; và ra vẻ bằng lòng. Ông không có thái độ ghen tức như đối với Frank trước đây. Tình yêu mà cả hai dành cho Fiona đã làm hai cha con gần gũi nhau hơn.

Pađy đọc bài báo to lên, giọng chầm chậm càng lúc càng đượm buồn. Tựa bài báo:

"Một võ sĩ bị kết án chung thân.

Francis Amstrong Cleary, 26 tuổi, võ sĩ nhà nghề, hôm nay đã bị tòa án ở Goulburn kết tội cố sát Ronald Cummings, thợ trồng trọt 32 tuổi, vụ án xảy ra hồi tháng bảy vừa qua. Bồi thẩm đoàn đã đưa ra kết quả chỉ sau mười phút hợp riêng, đề nghị áp dụng hình phạt nặng nhất. Theo lời phán xử của quan tòa Fitz Hugh Cunneally thì đây là một trường hợp hiển nhiên và không còn nghi ngờ. Cummings và Cleary gây gổ với nhau dữ dội trong quán rượu của khách sạn Harbor ngày 23 tháng 7. Cũng vào chiều hôm đó, trung sĩ Tom Bearsmore, cảnh sát ở Goulburn, có hai nhân viên đi theo, đã đến đấy, theo yêu cầu của chủ nhân khách sạn này, ông James Ogilvie. Trong một ngõ hẻm bẩn thỉu sau khách sạn, các viên cảnh sát đã bắt gặp Cleary đang đá túi bụi vào đầu Cummings, anh này đang nằm dài dưới đất, bất tỉnh. Hai nắm tay của Cleary đầy máu, có cả những chùm tóc rút ra từ trên đầu của Cummings. Trong lúc bị bắt, Cleary say mèm nhưng vẫn còn sáng suốt. Lúc đầu hắn chỉ bị truy tố tội đánh người và gây thương tích nhưng sau đó hắn phải trả lời về tội cố sát vì Cummings bị chấn thương sọ não đã chết ở bệnh viện Goulburn ngày hôm sau.

Luật sư Arthur Whyte, biện hộ cho bị can, cho rằng thân chủ của mình vô tội bằng cách lập luận hắn bị bênh tâm thần, nhưng bốn giám định khoa tâm thần, được chỉ định tuyên bố một cách dứt khoát, chiếu theo luật M'' Naghten, Cleary không thể coi như không có trách nhiệm đối với hành vi của mình. Khi ngỏ lời với các vị bồi thẩm, quan tòa Fitz Cunneally tuyên bố vấn đề không phải là xác định bị can có tội hay vô tội vì rằng sự phán xét không thể khác hơn là có tội, nhưng ông yêu cầu các bồi thẩm suy nghĩ trước khi kết luận nên khoan hồng hay nên nghiêm khắc vì rằng tất cả tùy thuộc ở ý kiến của các vị. Khi kết án Cleary, quan tòa Fitz Cunneally gọi hành động của bị can là dã man mất tính người nhưng lại cho rằng hành động ấy không có dự tính trước và đã phạm trong tình trạng say rượu nên tránh được án tử hình. ông cho rằng hai quả đấm của Cleary cũng là những vũ khí nguy hiểm không khác súng hay dao. Cleary bị kết án chung thân khổ sai, chịu hành phạt tại nhà tù Goulburn - nơi đây được xây để giam giữ những loại tù bản chất đặc biệt hung dữ. Khi tòa hỏi bị can có điều gì muốn nói không, Cleary đáp: “ Tôi chỉ yêu cầu đừng cho mẹ tôi hay biết gì sự việc này.”

Paddy nhìn lên đầu trang để xem ngày tháng tờ báo: ngày 6 tháng 12 năm 1925.

- Tờ báo này đã ba năm mới đến đây, ông thì thầm, người rụng rời.

Không ai đáp lại một lời hay có bất cứ cử chỉ nào bởi vì không biết phải làm gì; phía trước nhà vọng vào tiếng cười hồn nhiên của cặp song sinh, càng lúc ồn ào vì cả hai nói chuyện với nhau rộn rã.

- Tôi... chỉ yêu cầu... đừng cho mẹ tôi hay biết gì Fiona thều thào giọng uể oải. Và người ta đã tôn trọng một cách triệt để ý nguyện của nó! Trời ơi! Frank rất đáng thương của tôi!

Paddy lau nước mắt bằng tay áo, rồi ngồi xổm bên cạnh vợ, vuốt nhẹ đầu gối của bà - Fiona thương yêu của anh, hãy sửa soạn quần áo. Chúng ta sẽ đi thăm Frank.

Bà định đứng lên nhưng nửa chừng bật ngửa ra sau lưng ghế. Trên gương mặt nhợt nhạt đầy mỏi mệt, hai mắt lấp lánh và nhìn thẳng như người đã chết, hai mí mắt sưng húp, con ngươi vàng bệch.

- Em không thể đến đó! Bà nói.

Trong giọng nói của bà không có vẻ gì thất vọng nhưng ai cũng đều cảm thấy nỗi lo âu đang giày xéo bà.

- Nếu nó gặp lại em, nó sẽ chết ngay - sau một lúc im lặng, bà lại nói. Pađy ơi! Nó sẽ chết ngay nếu gặp em. Em quá biết lòng kiêu hãnh, tham vọng và sự quyết tâm của nó muốn trở thành một người có tên tuổi trong xã hội. Cứ để cho nó chịu đựng một mình nỗi đau khổ vì đó là ý muốn của nó. Anh có đọc thấy những lời của nó chưa: Tôi chỉ yêu cầu đừng cho mẹ tôi hay biết gì hết. Chúng ta cần gíup nó để giữ trọn vẹn bí mật của nó. Có gì tốt lành đâu cho cuộc gặp mặt như thế về phía nó và cả phía chúng ta.

Pađy tiếp tục khóc, không phải vì Frank; mà vì rằng cái chất sống đã biến đi trên gương mặt của Fiona, và trong đôi mắt không còn sinh khí của bà. Thằng con trai ấy như một con chim đáng thương; suốt đời gặp tai họa, những tai họa đã làm Fiona không thể cởi mở được với chồng. Mỗi khi bóng dáng hạnh phúc ló dạng thì Frank xuất hiện, gieo sự đau khổ cho Pađy. Nhưng tình yêu mà Paddy dành cho Fiona sâu đậm và không gì lay chuyển được, không khác tình yêu mà Fiona dành cho Frank. Ông không thể phiền trách gì ở chàng thanh niên, từ chuyện xảy ra vào cái đêm tại nhà xứ. Ông nói:

- Thôi vậy. Nếu em thấy rằng tốt hơn là đừng gặp Frank thì chúng ta không đi. Tuy nhiên anh rất muốn biết con ra sao và nhất là chúng ta có giúp ích được gì cho nó không. Theo em, anh có nên viết thư cho cha Ralph để nhờ cha chăm sóc Frank?

Đôi mắt còn đờ đẫn nhưng trên gương mặt Fiona thoáng có một chút màu hồng.

- Đúng thế Paddy ạ, anh viết thư đi. Nhưng anh nhớ nói với cha thế nào để cha không cho Frank hay là chúng ta đã biết sự việc. Frank sẽ dễ chịu hơn nếu nó tin chắc rằng cả nhà không ai hay biết gì.

Vài ngày sau, Fiona tìm lại được gần trọn vẹn phong độ và chú ý lại trong việc trang hoàng ngôi nhà. Nhưng sự im lặng lại xâm chiếm, bà tiếp tục lạnh lùng tuy có bớt đi nét khắc khổ.



Cuộc sống trong ngôi nhà lớn thay đổi rất nhiều. Đầu tiên ai cũng thấy hơi khác thường khi mỗi người ở một phòng riêng, còn phụ nữ - Fiona và Meggie - thì từ nay không còn lo công việc nội trợ. Trong cũng như ngoài, đã có Minnie, Cat và bà Smith lo tất cả, từ việc giặt ủi quần áo cho đến bếp núc, lau dọn; những người này kinh hoảng lên khi thấy có người tỏ ý định tiếp tay họ.

Pađy đã có tin tức của cha Ralph.

Thu nhập của bà Mary hằng năm lên đến khoảng bốn triệu bảng Anh, nhờ vào Michar Limited là một công ty tư nhân mà đa số các dự án đầu tư đều nhắm vào thép, trang bị tàu bè và các mỏ. Cha Ralph viết:

Số tiền mà tôi gởi đến ông chỉ là một giọt nước biển và không đến mười phần trăm thu thập hằng năm của riêng Drogheda. Ông đừng lo về những năm khó khăn. Các tài khoản của Drogheda rất là lạc quan, tôi có thể trả lương cho ông suốt đời chỉ cần dựa vào thu nhập của điền trang. Do đó tiền mà ông nhận là của ông và không thâm và một đồng nào của Michar Limited. Tiền ấy từ nguồn của điền trang chớ không phải của công ty. Tôi chỉ yêu cầu giữ sao cho sổ sách luôn kịp thời và chặt chẽ dự phòng có một cuộc kiểm tra tới đây.

Chỉ sau khi nhận lá thư trên, Pađy tập hợp cả gia đình vào một buổi tối tại phòng khách lộng lẫy. Ông chủ trì, trên mũi ông có cặp kiếng gọng thép, ông ngồi trong chiếc ghế bành lớn màu kem, hai chân êm ái đặt trên một ghế dài cùng màu, còn cái ống vố đặt trên gạt tàn thủy tinh Waterford.

- Thật là dễ chịu làm sao, ông nói với nụ cười cùng lúc đảo mắt nhìn chung quanh. Ba nghĩ chúng ta nên biểu quyết hoan hô sự thành công của mẹ. Các con nghĩ sao?

Đề nghị của Paddy được hưởng ứng bằng những tiếng thì thầm đồng tình của các con trai; Fiona nghiêng đầu sang bên, trở mình trên chiếc ghế bành trước kia của Mary Carson, bây giờ được bọc lại vải lụa lóng lánh màu kem. Còn Meggie thì thích nằm thu mình như con mèo trên cái ghế dài.

- Cha Ralph đã làm rõ tất cả, và tỏ ra rất rộng rãi, Pađy tiếp tục nói. Ông ta đã gởi vào ngân hàng bảy ngàn bảng đứng tên ba và mở các sổ tiết kiệm hai ngàn bảng cho mỗi đứa trong các con. Với tư cách giám đốc điền trang, ba lãnh bốn ngàn bảng mỗi năm, Bob lãnh ba ngàn bảng với chức vụ phó giám đốc. Tất cả các con trai của ba đến tuổi lao động, Jack, Hughie, Stuart đều lãnh hai ngàn mỗi năm, riêng Jims và Patsy được một ngàn cho đến khi nào hai đứa đủ tuổi đi làm. Sau này, điền trang sẽ bảo đảm cho Jims và Patsy mỗi đứa một thu nhập ngang bằng với các thành viên Cleary khác làm việc tại Drogheda, dù cho hai đứa có chọn một nghề nào khác đi nữa. Khi Jims và Patsy được 12 tuổi, cả hai sẽ được gởi học nội trú tại trung học Riverview ở Sydney, mọi chi phí do điền trang chịu.

“Mẹ nhận hai ngàn bảng hàng năm để chi dụng riêng, Meggie cũng thế. Tiền dùng để bảo quản tòa nhà là năm ngàn bảng, mặc dầu chính ba phải tự hỏi tại sao cha Ralph tưởng tượng ra một khoản tiền nhiều thế cho công việc này”.

“Quyết định đầu tiên của ba trong nhiệm vụ mới giám đốc là thuê thêm ít nhất sáu người chăn nuôi để việc quản lý Drogheda có nề nếp hơn; cơ ngơi của Drogheda quá rộng, không thể cáng đáng với một nhúm người?”.

Đây là chi tính gián tiếp duy nhất của Paddy liên quan đến vấn đề quản lý của chị ông.

Fiona và Meggie tập lái chiếc xe hơi mới hiệu Rolls Royce đã được giao trước một tuần lễ Mary Carson qua đời. Meggie tập điều khiển các con chó trong khi Fiona lo sổ sách.

Đúng ra Meggie rất hạnh phúc nếu không phải chịu đựng sự vắng mặt dai dẳng của cha Ralph. Cuộc sống này phù hợp với mong ước từ lâu của cô: có mặt ở những khu đất rào nuôi cừu, cỡi ngựa, làm công việc của người chăn nuôi. Tuy nhiên sự thiếu vắng cha Ralph vẫn gây go cho Meggie một nỗi đau buồn âm ỉ, kỷ niệm của cái hôn được lồng vào những giấc mơ âu yếm mà đã sống trở lại trong tưởng tượng của Meggie cả nghìn lần. Nhưng ký ức không thể thay thế thực tế, Meggie có cố gắng thế nào, cảm giác thật sự cũng không tìm lại được mà chỉ còn là cái bóng mờ, như một áng mây nhẹ và buồn.

Khi cha Ralph viết thư báo cho gia đình biết tin về Frank, cũng là lúc ông đã cắt đứt hy vọng cuối cùng mà Meggie nuôi dưỡng lâu nay là cha Ralph sẽ mượn cớ chuyện này để đích thân đến Drogheda. Sự tường thuật của ông về cuộc hành trình đến nhà tù Goulburn để thăm Frank được ghi lại tỉ mỉ nhưng không để lộ sự đau xót đã gợi ra, không gây nghi ngờ về tình trạng tâm thần ngày càng sa sút của Frank. Ông tìm cách, nhưng không thành công, chuyển Frank qua bệnh viện thần kinh Morisset nơi người ta giam những tội nhân giết người mắc bệnh tâm thần. Ông chỉ phác họa chân dung lý tưởng của một Frank chịu đựng, ngoan ngoãn chấp nhận trả giá các lỗi lầm của mình với xã hội và ở một đoạn được gạch đậm dưới hàng chữ, ông cam đoan là Frank không chút nghi ngờ khi được ông cho biết là gia đình hoàn toàn không hay chuyện của Frank. Ông bảo rằng tình cờ mà ông biết được tên Frank nhờ đọc một bài báo ở Sydney. Sau đó thì Frank dịu lại - cha Ralph viết - và các sự kiện tạm dừng ở đó.

Pađy có ý định bán con ngựa hồng của cha Ralph trước kia. Nhưng Meggie không đồng ý.

- Ba ơi, con van xin ba - đừng bán. Con có thể cỡi con ngựa hồng mà! Ba hãy tưởng tượng xem mình sẽ ăn nói ra sao, nếu sau bao nhiêu việc cư xử tốt của cha Ralph, một hôm cha trở về thăm nơi đây và biết được chúng ta đã bán con ngựa của cha rồi.

Paddy nhìn con gái chăm chăm, có vẻ suy nghĩ:

- Meggie, ba không tin là cha Ralph sẽ trở về đây.

- Cha Ralph có thể về đây chứ! Làm sao biết trước được.

Đôi mắt của Meggie sao mà giống mẹ thế, Paddy không nỡ nói gì thêm; ông không muốn gây thêm đau khổ cho đứa con gái đáng thương của mình.

- Thôi thì ba đồng ý vậy, Meggie, chúng ta sẽ giữ lại con ngựa hồng. Nhưng con nhớ cỡi nó thường như con kia, ba không thích ở Drogheda có ngựa phát phì, con nghe ba chứ?

Cho tới nay, Meggie chẳng muốn cỡi con ngựa cái của cha Ralph nhưng từ nay Meggie sẽ cỡi luân phiên hai con để cả hai đều lãnh phần thức ăn của nó xứng đáng.

Mùa đông khô và các trận mưa mùa hè không đến. Cỏ mọc cao lên tới đầu gối, um tùm, chịu những trận nắng dữ dội, khiến cho từng cọng cỏ trở nên khô dòn. Từ trong các khu đất rào nuôi cừu nhìn ra xa phải nheo mắt lại và kéo sụp vành nón rộng xuống trán. Đồng cỏ - như mặt gương màu vàng óng ánh - cuốn thành hình trôn ốc trước từng cơn lốc tạo ra những ảo giác xanh, sáng nhoáng; lá vàng và những cành khô nhỏ bay lên, từ đống này sang đống khác.

Khô hạn dữ dội! Ngay cả những cây lớn cũng khô héo, vỏ tróc ra từng vạt cứng dòn. Những con cừu không bị ảnh hưởng gì vì cỏ còn đó ít nhất một năm hay lâu hơn, nhưng con người thì không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng bởi thời tiết khô cằn này. Người ta vẫn hy vọng năm sau hay năm sau nữa mưa sẽ đến. Trong những năm may mắn, người ta được hưởng từ ba mươi đến bốn mươi centimet lượng mưa; còn những năm thời tiết xấu chỉ còn năm centimet hay không có gì cả.

Mặc cho cái nóng thiêu đối và ruồi, Meggie vẫn yêu sống ở những bãi chăn cừu. Vào những lúc rỗi rảnh, Meggie nghiên cứu thiên nhiên, và nhớ đến Ralph như thường lệ. Trong đáy lòng mình, Meggie không bao giờ coi tình cảm dành cho Ralph như một thứ tình cảm hết sức vẩn vơ của trẻ con; Meggie vẫn coi đó hết sức đơn giản là tình yêu, tình yêu như trong các cuốn sách. Thật là bất công, cái hàng rào giả tạo dựng lên bởi chiếc áo dòng đã chắn giữa Meggie và điều mà cô chờ đợi ở Ralph: trở thành người vợ ông: Meggie ao ước được sống với Ralph như cha mẹ cô sống với nhau và đạt tới một sự hòa hợp mà ông sẽ yêu Meggie như ba đã yêu mẹ. Lúc đó Ralph sẽ nhanh chóng nhận ra rằng cuộc sống chung với Meggie sẽ đáng sống hơn biết bao so với cuộc sống đơn độc. Meggie không biết rằng Ralph không thể từ bỏ chiếc áo dòng bất cứ lý do nào.

Vâng, Meggie biết một linh mục không thể là chồng hay là người tình được nhưng cô đã có thói quen vượt qua điều cấm kỵ ấy bằng cách phớt lờ chức năng tôn giáo của Ralph. Những hiểu biết ít ỏi về đức tin công giáo chưa bao giờ giúp Meggie có thể bàn đến những lời nguyện của một linh mục; vả lại bản thân cũng không có nhu cầu bức thiết về tôn giáo và Meggie đã gạt ra ngoài những suy nghĩ sâu xa. Chưa bao giờ thấy được an ủi với các lần cầu kinh, Meggie tuân theo các lề luật của Nhà thờ chẳng qua vì sợ rằng nếu vi phạm sẽ bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn.

Lúc này đây, Meggie tưởng tượng đến hạnh phúc được sống chung, ngủ bên cạnh cha Ralph. Nhưng chính ý nghĩ được gần gũi ấy bỗng làm Meggie bực bội rồi trở nên khó chịu, bồn chồn. Ngồi trên lưng ngựa Meggie nghĩ đến vô số những nụ hôn mà không hề biết rằng sự khó chịu bồn chồn kia xuất phát từ một đòi hỏi khác.

Những lần phi ngựa qua các bãi chăn cừu đã không giúp Meggie hiểu biết thêm chút nào về vấn đề sinh lý vì rằng mùi chó săn từ xa đã cắt đứt ngay mọi thèm muốn cặp đôi giữa những con cừu. Ngoài ra cũng như tất cả các trại chăn nuôi khác, người ta không bao giờ để việc nhảy giống không tính toán trước xảy ra... Khi các con cừu đực được thả chung với các con cừu cái trong một khu đất rào thì Meggie được lệnh của cha phải đi nơi khác. Còn khi gặp một con chó nhảy lên một con khác, phản ứng tự nhiên của Meggie là vung roi lên ngăn cản chúng... đùa giỡn.

Chưa chắc ai đã giải thích được trong hai điều sau đây điều nào tai hại hơn: một là đòi hỏi lờ mờ, bồn chồn trong dạ rồi bực bội nổi lên, và một thèm muốn cụ thể kèm theo nhu cầu rõ ràng được thỏa mãn. Meggie thì khắc khoải mà không hiểu rõ đòi hỏi sau đó là gì, nhưng sự nổi dậy trong lòng thì rõ ràng là có và những lúc như thế Meggie nghĩ đến Ralph một cách cuồng nhiệt, mơ tưởng, buồn khổ và thèm muốn. Cuối cùng thì Meggie buồn phiền vì dù cho Ralph đã thú nhận yêu mình, trên thực tế chẳng là gì cả trong lòng Ralph, cho nên chẳng bao giờ cha trở về thăm Meggie.

Giữa lúc Meggie miên man suy nghĩ, thì Paddy phi ngựa tới, ông cũng đang trên con đường về nhà. Thấy con mỉm cười, Paddy ghìm ngựa lại và chờ.

- Một bất ngờ thú vị! Ông nói to và cho con ngựa già màu xám đi sát bên con ngựa hồng của con gái.

- Vâng, thú vị lắm, ba ạ. Ở các bãi xa có khô hạn không ba?

- Còn hơn ở đây. Chưa bao giờ ba thấy nhiều con căngguru như thế! Có lẽ chúng không còn tìm thấy cái gì để ăn phía Milpariaka. Martin King dự định sẽ giết chúng hàng loạt nhưng ba cho rằng như vậy cũng không có cách nào làm bớt đi những con thú ấy, dù cho chúng ta có dùng đến súng máy đi nữa.

Ông rất tốt, rất ân cần, thông cảm và đáng yêu. Meggie rất ít khi gặp cha một mình. Không để mất thì giờ suy nghĩ, Meggie hỏi cha ngay một băn khoăn đang cháy bỏng trên môi, mặc dù cô đã cố gắng tự trấn an:

- Ba ơi, tại sao cha Bricassart không trở lại thăm chúng ta nữa?

- Cha bận đấy con à, Pađy trả lời bằng một giọng thận trọng.

- Nhưng các linh mục cũng nghỉ hè chứ ba? Cha rất yêu Drogheda. Con tin rằng cha cũng thích đến nghỉ hè ở đây chứ.

- Về mặt nào đó, đúng là các linh mục cũng nghỉ hè, Meggie. Tuy nhiên họ luôn luôn ràng buộc với nhiệm vụ. Thí dụ ngày nào trong cuộc đời của các cha cũng phải làm lễ, cho dù chỉ có một mình. Ba tin rằng cha Bricassart rất chín chắn, cha biết rằng không thể nào trở lui lại lối sống trước đây. Đối với cha Ralph, Drogheda gần như đã thuộc về quá khứ, Meggie, ba nghĩ, nếu có trở về đây cha cũng không tìm lại được niềm vui xưa kia.

- Có phải ý ba muốn nói là cha đã quên chúng ta? Meggie hỏi, giọng buồn buồn.

- Không hoàn toàn như thế. Nếu đúng là cha Ralph đã thật sự quên chúng ta, thì cha đã không viết thư thường xuyên và hỏi thăm từng người. Ba nghĩ rằng tốt hơn là cha Ralph không nên trở lại đây nữa!

- Ba nói sao?

Paddy đã nhất quyết giải thích một điều mà ông thấy trước sẽ không đơn giản.

- Con nghe đây Meggie, thật không hay chút nào nếu con cứ mơ tưởng đến một linh mục, con phải hiểu điều đó. Cho đến nay con đã giữ được những bí mật của con. Ba không nghĩ rằng đã có ai đó biết được chuyện của con; nhưng nay con đặt một số câu hỏi thẳng với ba phải không? Câu hỏi đặt ra không nhiều, nhưng ba cho rằng như thế tạm đủ. Bây giờ con nghe và phải tin ba nhé. Con phải chấm dứt ngay. Cha Ralph đã có những lời nguyền thiêng liêng mà cha không bao giờ muốn làm ngược lại. Nếu còn tiếp tục như trước, con không xứng đáng với tình cảm trong sáng mà cha Ralph đã dành cho con. Cha Ralph biết con lúc con còn bé tí, nay cũng với hình ảnh và tình cảm đó, cha đã xử sự với con như thế thôi Meggie à.

Meggie không trả lời và trên gương mặt vẫn không để lộ một xúc động nào. Pađy nghĩ: đúng là con gái của Fiona.

Một lúc sau, bằng giọng bực dọc, Meggie nói:

- Nhưng ông ấy có thể thôi làm linh mục; ông ấy sẽ hiểu ngay nếu con có dịp nói chuyện đó.

Nét mặt Pađy trở nên hốt hoảng khiến Meggie hiểu ngay những gì chứa đựng bên trong suy nghĩ của ba mình. Lời lẽ chắc không còn cần thiết nữa, Meggie không dám nói thêm.

- Meggie ơi! Lạy Chúa! Đây là cái giá đắt nhất và tai hại nhất mà cuộc sống biệt lập của chúng ta phải trả! Đáng lý con phải đến trường học, con gái của ba; nếu cô Mary chết sớm hơn thì ba đã gởi con đi học ở Sydney, ở trường ít nhất hai năm nữa. Bây giờ con đã quá tuổi rồi. Ba không muốn người ta chế nhạo con. Cha Ralph là một linh mục, Meggie. Ông không bao giờ, mãi mãi không bao giờ dứt bỏ được chiếc áo dòng, con có hiểu không? Những lời khấn nguyện của cha là thiêng liêng, quá long trọng và không thể bội phản. Khi một người đã khoác áo linh mục, người đó không thể trở lại được; trước đó các đấng bề trên ở tu viện cũng phải biết chắc người mới vào tu có hiểu được vì sao họ chọn con đường phụng sự Chúa hay không. Người đã khấn nguyện không mơ hồ một chút nào rằng ngay cả cái chết cũng không thể lay chuyển được sự chọn lựa của mình. Cha De Bricassart đã khấn nguyện và cha sẽ không bao giờ dứt khoát được với lời nguyền ấy. Bây giờ con đã biết, Meggie. Từ nay, nếu tiếp tục mơ tưởng cha De Bricassart thì đó là điều không thể tha thứ được.



Cha Ralph De Bricassart nói bằng một giọng lạnh lùng nhưng không gay gắt lắm trong khi mắt vẫn chăm chăm nhìn vào gương mặt xanh xao của vị linh mục trẻ tuổi. Từng lời rõ ràng và cứng rắn, Ralph nói:

- Cha hành động không xứng đáng với những gì mà Chúa đòi hỏi ở các linh mục. Tôi tin rằng cha ý thức được điều đó hơn cả chúng tôi, những người khiển trách cha. Dù thế, nhân danh Đức Tổng Giám Mục bề trên của chúng ta, tôi vẫn phải lên án cha. Cha phải vâng lời Ngài tuyệt đối, cha không được cãi lại những lời khuyên bảo và các quyết định của Ngài.

Chắc cha đã ý thức việc cha tự chôn vùi uy tín của mình, uy tín của xứ đạo và của giáo hội mà đáng lý cha phải yêu thương và bảo vệ trên hết. Lời nguyện của cha giữ mình trong sạch là thiêng liêng và không thể vi phạm; vi phạm lời nguyện đó là một tội lỗi hết sức nặng. Tất nhiên cha sẽ không bao giờ gặp lại người phụ nữ đó; chúng tôi sẽ giúp cha phấn đấu vượt qua sự cám dỗ. Chúng tôi đã lo liệu tất cả để cha có thể lên đường đi nhận nhiệm vụ mới tại xứ đạo Darwin, ở miền Bắc. Ngay tối nay cha đến Brisbane bằng chuyến tàu tốc hành và từ đây cha tiếp tục đi cũng bằng tàu hỏa đến Longreach. Ở đó, cha lên máy bay hãng Quatas đi Darwin. Hành lý của cha đang được đóng gói và sẽ giao lại cho cha trên chuyến tàu tốc hành. Do đó cha khỏi cần phải quay trở lại xứ đạo của cha.

Bây giờ cha hãy đến nhà thờ cùng với cha John và cầu nguyện. Cha ở đó cho đến giờ ra ga để tìm lại sự ổn định và an ủi tinh thần. Cha John sẽ đi theo cha đến Darwin. Bây giờ thì cha có thể rời khỏi đây rồi.

Sau khi vị linh mục trẻ tuổi cùng với người được chỉ định đi theo canh giữ đã đi, cha Ralph rời phòng làm việc và sang một phòng khác. Tổng giám mục Chiny Dark đang ngồi trong chiếc ghế bành của Ngài như mọi khi, kế bên là một giáo sĩ mang thắt lưng và mũ nhỏ bằng vải đều màu tím. Tổng giám mục là một người tầm vóc cao lớn, mái tóc bạc trắng, mắt màu xanh thật sáng, rất yêu đời, có óc khôi hài ý nhị và thích ăn ngon. Người khách của Tổng giám mục lại là một mẫu người hoàn toàn trái ngược lại: nhỏ bé, mảnh khảnh, vài chúm tóc lưa thưa xuất hiện dưới cái mũ nhỏ bằng vải; gương mặt gầy, khắc khổ, đôi mắt to không được vui, da sậm. Người ta có thể đoán tuổi của người này từ ba mươi tới năm mươi, nhưng tuổi thật là ba mươi chín, hơn cha Ralph ba tuổi.

- Con hãy ngồi xuống đây và nhấp một tách trà với chúng tôi, Tổng giám mục nói bằng giọng hiền lành. Tôi đã chuẩn bị một bình trà khác. Con đã giải quyết xong vụ linh mục trẻ với những lời răn dạy đúng mức để cho anh ta hối cải chứ?

- Thưa Đức cha, vâng. Ralph trả lời ngắn gọn.

Linh mục Ralph ngồi xuống chiếc ghế thứ ba gần bàn để đầy những bánh xăng uých với dưa chuột, bánh có kem lạnh màu hồng và trắng, bánh bột chiên nóng phết bơ và những lọ thủy tinh đựng mứt, kem hột gà đánh nổi lên. Một bộ đồ uống trà bằng bạc và những chiếc tách bằng sứ Aynsley bịt vàng bên trên làm khung cảnh trở nên ấm cúng.

- Những chuyện không hay ấy rất đáng tiếc, ông bạn thân ạ, và mặc dù trong cương vị những kẻ phụng thờ Chúa như chúng ta, vẫn phải nhìn nhận rằng chúng ta chỉ là những sinh vật yếu đuối - người khách nói. Tối nay tôi sẽ cầu nguyện để Chúa giúp cho anh ta đủ nghị lực tránh khỏi rơi vào những lầm lỗi cũ.

Người khách có giọng nói nhẹ nhàng của người nước ngoài quốc tịch Ý, hiện ông đang giữ cương vị Tổng giám mục, Khâm Mạng Giáo Hoàng ở Úc, tên là Vitorio Scarbanza Di Contini Verchese. Vai trò tế nhị của ông là làm gạch nối giữa giới chức Nhà thờ ở Úc và Tòa thánh Vatican, do đó ông là giáo sĩ quan trọng nhất ở phần đất này của thế giới.

Vị đại diện Giáo Hoàng cũng là một người hết sức tinh tế; cầm chiếc tách trên tay, ông nhìn chăm chú về hướng, không phải Tổng giám mục Chiny Dark, mà là cha Bricassart, theo dự tính sẽ trở thành thư ký riêng của ông. Với Tổng giám mục Dark thì cha Ralph rõ ràng là một người rất đáng mến nhưng vị đại diện giáo hoàng vẫn tự hỏi, về phần ông thì ông sẽ đánh giá ra sao con người này? Cách cư xử của cha Ralph đối với bề trên trực tiếp hiện giờ không có gì để bàn cãi. Đó là một người tế nhị, nhẹ nhàng, thoải mái biết tôn kính nhưng không đi đến mức ngoan ngoãn vâng lời. Linh mục lại có óc hài hước. Làm thế nào linh mục có thể thích ứng với một người bề trên mới rất khác về tính tình so với người hiện nay? Theo thông lệ, thư ký riêng của Khâm mạng Tòa thánh đều được chọn trong hàng ngữ giáo sĩ của Nhà thờ ànhưng Vatican hiện rất quan tâm đến linh mục Ralph. Cha Ralph được chú ý không chỉ do tài sản riêng của ông (trái với dư luận chung, Tòa thánh không có quyền chiếm đoạt tài sản của ông, ngược lại về phần mình, ông cũng không có ý định giao lại tài sản cho Tòa thánh), nhưng do lòng tự nguyện, ông đã mang lại rất nhiều của cải cho Nhà thờ. Chính vì thế Vatican đã ra lệnh cho Khâm mạng của giáo hoàng nhận linh mục De Bricassart làm thư ký riêng để thử thách và đánh giá giá trị vị giáo sĩ trẻ tuổi này. Lòng đầy biết ơn, cha Ralph nhấp từng ngụm trà trong im lặng - một sự im lặng không bình thường. Vì đại diện giáo hoàng nhận thấy ông chỉ ăn một miếng bánh mì xăng-uých nhỏ, không kèm theo thứ gì hết, uống luôn bốn tách trà mà không cần thêm sữa hay đường. Thế là mọi chi tiết đều rất khớp với báo cáo mà vị đại diện Vatican đã nhận được.

Trong các thói quen, cha Ralph đã tỏ ra hết sức giản dị, thanh bạch; khuyết điểm duy nhất là ông đang sử dụng chiếc ô tô đẹp, chạy rất nhanh.

- Con đi rồi, cha sẽ thấy rất trống trải - Tổng giám mục Chiny Dark vừa nói vừa phủ một lớp dày mứt và kem trên miếng bánh nướng rồi bỏ hết vào miệng.

Linh mục Ralph cười.

- Trình Đức cha, Đức cha đã đặt cho con vào một thế lưỡng nan! Một bên là đấng bề trên hiện tại và một bên là đấng bề trên tương lai của con. Nếu con trả lời làm vui lòng một bên thì con sẽ làm mất lòng bên khác. Vậy liệu con có nên trả lời rằng xa Đức cha con sẽ cảm thấy trống vắng vô cùng, nhưng đồng thời con rất vui mừng trước nhiệm vụ sắp tới: phục vụ Đức cha Di Contini.

Một cách nói rất khéo. Đúng là một câu trả lời của nhà ngoại giao. Tổng giám mục Di Contini Verchese bắt đầu nghĩ rằng một thư ký riêng như thế rất hợp đối với ông mặc dù Ralph quá đẹp trai với nét mặt thanh tú, nước da sáng và thân hình cân đối.

Bỗng nhiên cha Ralph im lặng, mắt nhìn xa xôi. Ông hồi tưởng đến hình ảnh linh lục trẻ vừa bị quở trách, đôi mắt đầy âu lo khi nghĩ đến con người trẻ tuổi này biết rằng anh ta sẽ không được trở lại giã từ người mình yêu. Lạy Chúa toàn năng, nếu trường hợp này là chính ông và Meggie thì ra sao? Người ta có thể bảo vệ được uy tín trong sáng ở một thời gian nhất định nào đó, nếu giữ được sự kín đáo; rất có thể uy tín đó sẽ lâu hơn nếu chỉ quan hệ với phụ nữ trong dịp nghỉ hè và dịp xa xứ đạo của mình. Nhưng một quan hệ tình cảm đúng nghĩa và kéo dài thì không thể nào không bị người khác khám phá.

Có những lúc cha chỉ còn cách duy nhất là quỳ gối trên nền đá cẩm thạch trong nhà nguyện cho đến tê dại vì sự đau đớn của thể xác. Chỉ có cách đó cha Ralph mới tự ngăn mình nhảy lên chuyến tàu hỏa đi Gillanbone và từ đó lao thẳng về Drogheda. Cha Ralph phải tự thuyết phục lòng mình rằng cha chỉ là nạn nhân của sự cô độc, cha thiếu tình cảm con người dù cha đã được mời mọc săn đón ở Drogheda. Cha đã nói đi nói lại với chính mình rằng không có gì thay đổi sau lần cha đầu hàng trước sự yếu đuối trong chốc lát vì đã hôn trả lại Meggie, rằng tình yêu mà mình đã dành cho Meggie còn là trong tưởng tượng, chưa đi vào một thế giới khác đầy đủ những hiểm nguy cụ thể. Vì rằng linh mục Ralph không chịu nhận có điều gì thay đổi trong quan hệ giữa ông và Meggie và coi như ông vẫn giữ trong đầu mình hình ảnh Meggie lúccòn là cô bé; tự cấm mình không được quyền phá vỡ hình ảnh đó.

Nhưng ông đã lầm. Sự đau khổ không vơi bớt đi. Ngược lại ngày càng sâu nặng hơn và ghê gớm hơn. Trước kia sự cô đơn của ông còn trừu tượng và ông hoàn toàn không nghĩ rằng có thể vơi đi bởi một con người bằng xương bằng thịt khác. Nhưng giờ đây, nỗi cô đơn đang đã mang một cái tên: Meggie, Meggie, Meggie... được lặp lại nhiều lần.

Khi vừa tỉnh khỏi cơn mơ, ông nhận ra Tổng giám mục Di Contini Verchese đang nhìn ông chăm chăm, đôi mắt sâu thẳm tỏ ra minh mẫn hơn đôi mắt nhanh nhẹn của Tổng giám mục Chiny Dark. Cha Ralph đủ thông minh để hiểu rằng mình không thể che giấu tâm trạng u buồn, nên ông đã đáp lại đấng bề trên đầy quyền lực của mình bằng cái nhìn sắc không kém. Ông nở một nụ cười đồng thời khẽ nhún vai như thể muốn nói: mỗi con người đều ẩn chứa một nỗi buồn và không phải là tội lỗi khi nhớ đến nỗi buồn riêng ấy.

- Này con, tình hình kinh tế suy sụp bất ngờ có ảnh hưởng gì đến những công việc mà con đang đảm trách không? - vị đại diện Tòa thánh hỏi bằng một giọng dịu dàng.

- Cho đến nay chúng ta không có gì đáng phải lo âu thưa Đức cha. Công ty Michar Limited không bị ảnh hưởng nhiều vào các biến động thị trường. Theo con nghĩ chỉ có những phương án đầu tư không được chín chắn như bà Mary Carson mới bị thiệt hại. Dĩ nhiên lợi tức của trang trại Drogheda có thể không như trước đây vì giá len có giảm. Bà Mary Carson là người thấy xa nên không chỉ đầu tư trong chăn nuôi. Bà thích sự chắc chắn của kim loại hơn. Theo con, thời buổi này rất thuận lợi để mua bất động sản, không chỉ đất đai ở nông thôn, mà cả nhà và các bất động sản trong những thành phố lớn. Giá cả hiện nay xuống thấp một cách kỳ lạ, vì thế chắc chắn rồi đây các loại bất động sản sẽ lên. Do đó con không thể nào tưởng tượng được mình lại bị thua lỗ nếu đầu tư vào bất động sản. Cuộc khủng hoảng phải chấm dứt một ngày nào đó.

- Đúng thế, vị Khâm mạng tòa thánh tán đồng.

Vậy thì cha Ralph không chỉ sinh ra là một nhà ngoại giao mà còn cho thấy ông là một nhà kinh doanh sắc bén! Đúng vậy, Tòa thánh La Mã không thể không sử dụng một người như thế.

Năm 1930, Drogheda cũng trải qua cơn khủng hoảng. Nạn thất nghiệp đang hoành hành khắc nước Úc. Giá thực phẩm rất thấp nên Pađy mua trữ đầy nhà kho. Bất cư ai bị khó khăn Pađy đều chia sẽ từng miếng cơm manh áo. Những kẻ lang thang không nhà, thất nghiệp lũ lượt kéo nhau đến Drogheda. Rồi họ lại tiếp tục lang thang. Có một số sống sót, một số khác chết bờ chết bụi vì đói.

Trong tình hình như thế, Stuart phải trở lại lo việc nhà, luôn thủ cây súng kế bên. Các tay chăn nuôi giỏi rất dễ mướn. Pađy có tất cả chín người độc thân phụ việc, họ ở một căn nhà cũ trước đây vẫn dành riêng cho đàn ông.

Mùa đông năm đó khi thì giông bão dữ dội, khi thì khô ráo, khi thì ẩm ướt; tiếp đó sang mùa xuân và mùa hè mưa nhiều đến đỗi cỏ ở Drogheda mọc cao chưa từng thấy, rậm rạp và xanh tươi.

Jims và Patsy học hàm thụ, ngồi trước bàn ở nhà bếp nói chuyện với nhau không dứt về cuộc sống nội trú ở trường Riverview tại Sydney.

Rồi thời tiết khô ráo lại trở về, cỏ cao quá đầu gối trở nên khô khốc, dễ gẫy, từ xa nhìn trắng bạc. Không ai đoán được khi nào lại có mưa, nhưng ít ai quan tâm đến chuyện đó, dân Drogheda quen sống chịu đựng với những bất thường và khắc nghiệt của trời đất.

Mùa đông năm 1932, những cơn giông bão kèm theo những đợt lạnh buốt xương, nhưng cỏ vẫn còn um tùm và xanh do đó tránh được những cơn bụi tốc lên. Ruồi cũng ít hơn mọi năm... Và một ngày tháng tám Pađy đi thăm một bãi chăn xa. Một cơn giông ập tới. Ông bước xuống đất, cột ngựa thật kỹ vào một thân cây rồi ngồi dưới tán của cây wilga chờ cho trời sáng tỏ. Năm con chó theo Pađy run sợ, nằm sát vào nhau bên chủ, còn các con cừu mà Pađy định dời qua một bãi chăn khác thì tản ra từng nhóm nhỏ hoảng sợ nhảy lung tung. Trận giông thật khủng khiếp chứa đựng sự cuồng nộ tột độ của trời đất. Đột ngột trung tâm của cơn gió lốc chuyển đến ngay trên đầu Pađỵ ông bịt cả hai tai, nhắm mắt và cầu nguyện.

Không xa lắm nơi ông ngồi núp dưới những cành lá thấp của cây wilga có một đống củi khô, xung quanh cỏ mọc rất cao. Giữa đống củi khô ấy có một cây khuynh diệp khẳng khiu, chỉ còn lại thân trơ trụi cao hơn 12 mét chĩa thẳng lên những đám mây đen như mực đang vần vũ.

Một ánh lửa xanh chớp lên như xé toạc hai mí mắt đã nhắm của Pađy khiến cho ông tự nhiên phải bật dậy. Liền đó một tiếng nổ long trời hất ông ngã lăn xuống đất như một con rối. Mặt phủ đầy bụi nhưng ông vẫn kịp thấy chùm ánh chớp tạo ra một cảnh sắc chưa từng thấy. Dọc theo thân cây chết đứng sừng sững như một ngọn giáo, tỏa ra những vầng sáng xanh và đỏ rực làm chóa mắt. Rồi tiếp đó trước khi Pađy ý thức được chuyện gì đã xảy ra thì lửa đã cháy bùng lên. Giọt nước cuối cùng đã bốc hơi từ lâu trên đống củi chết, cỏ mọc cao và khô ran như giấy. Như một thách thức của đất đối với trời, thân cây khổng lồ biến thành một cột lửa cháy thật cao, vượt cả chiều cao của cây rất xa. Không mấy chốc các cành chết và các gốc cây gần đó cũng bốc cháy. Dưới cơn gió xoáy, vòng lửa lan ra thật nhanh, càng lúc càng rộng. Paddy không kịp tháo dây thả ngựa ra.

Cây wilga khô cằn cũng cháy, chất nhựa bên trong làm nổ thân cây. Đâu đâu Paddy cũng thấy lửa, khắp nơi trước mắt ông dựng lên những bức tường đỏ rực. Cây cối biến thành những bó đuốc không lồ, còn cỏ dưới chân ông như những con thú dữ vừa bắt vừa gầm lên. Ông nghe tiếng hí thảm thiết của con ngựa, tim ông nhói đau. ông không thể nào cứ để cho con vật đáng thương bị cột bất lực chờ chết. Một con chó rống lên, tiếng rống ấy biến thành tiếng kêu hấp hối gần hệt như tiếng người. Bỗng chốc, con vật từ đâu vọt ra, tưởng như nhảy múa, đúng là một cây đuốc sống. Không bao lâu nó ngã lăn xuống cỏ đang cháy, yên lặng. Những tiếng rống của mấy con chó khác vang dội lên, chúng tìm cách thoát thân trong tuyệt vọng; lửa bắt nhanh giữa cơn gió giận dữ, nhanh hơn bất cứ sinh vật nào có chân và có cánh. Đang tự hỏi trong khoảnh khắc mình nên chọn phương án nào tốt nhất để cứu con ngựa thì một ánh lửa vụt đến nhu sao xẹt ngang đầu Paddy, cháy xém tóc ông. Nhìn xuống ông thấy một con vẹt to tướng bị thui sống dưới chân.

Bỗng chốc, Paddy hiểu ra rằng thế là hết. Không còn cách nào thoát ra khỏi cái địa ngục này, cả ông và con ngựa. Giữa lúc ý nghĩ ấy đến trong đầu ông thì một cây khô gần đấy, cháy rực lên, ngọn lửa phát ra đủ hướng, chất nhựa bên trong nổ bùng. Da tay của Paddy nhúm lại, đen sì, màu tóc sáng chói của ông như phai nhợt đi dưới ánh lửa rực sáng hơn gấp bội. Một cái chết như thế không thể nào tả xiết. Quần áo cháy bừng bừng, Paddy giẫy giụa giữa lò thiêu sống. Và mỗi tiếng hét lên thảm thiết đều chỉ gọi một cái tên: tên vợ của ông, Fiona.



Tất cả những người khác đều kịp về Drogheda trước khi cơn bão đến, họ bỏ ngựa ở ngoài sân và hối hả hoặc chạy vào ngôi nhà lớn hoặc vào căn nhà dành cho những người đàn ông độc thân.

Trong phòng khách được Fiona trang hoàng, đèn sáng rực. Anh em gia đình Cleary ngồi quanh lò sưởi lắng nghe tiếng gió gào thét. Không ai có ý định ra ngoài để chứng kiến cơn phẫn nộ của trời đất. Mùi củi khuynh diệp cháy thật dễ chịu. Bánh xăng-uých và bánh ngọt bày đầy trên chiếc bàn nhỏ ở đó có sẵn ấm trà. Tất cả đã giữ họ lại trong thứ không khí êm đềm. Cả gia đình không hề chờ đợi Pađy trở về vào lúc này.

Khoảng bốn giờ, các đám mây kéo về hướng tây, bất giác mọi người đều thấy dễ thở hơn. Thật ra chẳng ai có thể yên tâm được giữa lúc cơn bão khô đang hoành hành, dù mỗi nhà ở Drogheda đều có cột thu lôi. Jack và Bob đứng lên, lấy cớ ra ngoài để hít thở không khí, nhưng thật ra là để trút bỏ những lo âu vây hãm.

- Xem kìa! Bob đưa tay chỉ về hướng tây.

Sau những ngọn cây bao quanh bãi chăn chính, một màn khói vàng sậm thật dày phủ cả một góc chân trời và càng lúc càng lan rộng mà nhìn từ xa như những tấm biểu ngữ khổng lồ rách tơi tả vì gió.

- Trời ơi! Jack chỉ kịp kêu lên rồi chạy đến máy điện thoại.

- Cháy! Cháy! Jack hét lớn, trong khi những người khác sau phút bàng hoàng cũng ùa chạy ra ngoài. Jack tiếp tục hét: cháy dữ dội ở Drogheda!

Rồi Jack bỏ máy xuống. Anh không cần nói gì thêm với người trực tổng đài ở Gilly. Mặc dù gia đình Cleary từ khi đến đây chưa hề chứng kiến một vụ cháy nào nhưng ai cũng đều biết mình phải làm gì. Đám con trai chạy tìm ngựa, những người làm thuê nhanh chóng rời lán trại, trong khi ấy bà Smith mở cửa một trong những kho, phân phát ngay mấy chục chiếc bao tải bằng vải.

Cột khói càng ngày càng cao ở phía tây và gió lại thổi từ hướng này, đám cháy đe dọa tiến vào trung tâm vùng Drogheda. Fiona thay chiếc váy, lấy quần của Pađy mặc vào rồi theo Meggie chạy ra chuồng ngựa. Tất cả người trong gia đình này ai cũng biết sử dụng chiếc bao tải để dập lửa.

Giữa cơn giông bão lại đánh hơi mùi khói mấy con ngựa lồng lên không chịu để thắng yên dễ dàng.

Bob và mấy người làm thuê đi được năm phút. Fiona và Meggie phi nước đại dọc theo con suối rồi tiến thẳng về phía màn khói dày đặc đang cuồn cuộn bốc cao. Phía sau Tom và người làm vườn, vừa bơm đầy nước vào chiếc xe xitéc và nổ máy ngay. Trước một đám cháy rừng như thế này, việc tiếp nước như vậy chẳng thấm vào đâu; thật ra số nước này chỉ để giữ cho các bao vải luôn luôn ướt và cũng như để tưới lên người cho những ai có nhiệm vụ xông vào đàn áp lửa. Trên con đường về hướng tây, đi ngang qua dãy nhà ở mép ngoài nơi có khả năng bị cháy trước tiên, Tom bỗng nảy ra ý kiến xịt vòi rồng tưới ướt trước ba căn nhà này, trong đó có căn nhà của người quản lý.

Trong lúc Meggie phi ngựa bên cạnh Fiona, màn khói ở phía tây càng bừng lên dữ dội, một mùi cháy khét gay gắt. Bóng tối bắt đầu phủ trùm; các loại thú chạy tán loạn về hướng đông, băng qua khu đất kết thành từng đoàn dày đặc; nào là căngguru, heo rừng, cừu, đà điểu, gấu có túi và hàng ngàn thỏ. Meggie nói với mẹ “Bob đã mở các cổng”. Lúc này hai mẹ con đang từ khu đất rào nuôi cừu mang tên Borehead đi đến khu đất Billa - Billa. Giống cừu thật đần độn. Khi chạm mặt vào hàng rào thì dù cho cách đó không bao xa có một cái cổng đã mở, chúng vẫn không biết làm sao chạy thoát ra được. Cánh đàn ông đến nơi thì đám cháy đã di chuyển đến 15 cây số, trải rộng theo chiều ngang và lan ra từng giây một. Trước cảnh tượng lửa cháy từ lùm cây này sang lùm cây khác, gió thổi mạnh bắt mồi khắp các đám cỏ mọc cao, cánh đàn ông như bị chết cứng trên ngựa, họ nhìn về hướng tây bất lực. Những con ngựa, tỏ ra hoảng sợ và họ không thể điều khiển được nữa. Đừng mong gì khoanh đám cháy lại ở mỗi chỗ này; cả một đội quân đông đảo cũng không mong làm được. Chỉ còn cách là trở về khu nhà ở và dốc hết sức mà bảo vệ khu này. Chiều rộng của đám cháy đang lan dần, khoảng bảy cây số. Nếu họ không thúc ngay mấy con ngựa mệt mỏi quay trở về thì không còn kịp thoát thân nữa. Tiếc thay những con cừu. Tiếc quá nhưng họ không thể làm gì để cứu chúng.

Nhiều xe hơi đậu gần nhà và trên đường từ Gilly đến, nhiều ánh đèn pha nối nhau chói sáng trong đêm. Khi Bob vừa vào tới sân nhà, thì một đám đông đang chờ sẵn anh ta.

- Tình hình thế nào Bob? Martin King hỏi

Bob trả lời với vẻ thất vọng.

- Theo tôi, đám cháy quá lớn, khó mà dập tắt được. Chiều ngang đến bảy cây số và gió như thế này thì lửa bắt tới nhanh còn hơn cả ngựa phi nước đại. Tôi không biết chúng ta có thể cứu trang trại không, nhưng về phần Horry chắc chắn ông ấy phải chuẩn bị bảo vệ sản nghiệp vì lửa đã sắp đến đó. Tôi không nghĩ ra cách nào để có thể ngăn chặn.

Martin King được giao quyền chỉ huy ba trăm người chủ yếu để bảo vệ Drogheda. Ông là người chăn nuôi lâu năm nhất trong vùng và từng chiến đấu với các vụ cháy rừng năm mươi năm qua.

- Tôi có sáu chục ngàn mẫu ở Bugela - ông ta nói. Vào năm 1905, tôi bị trắng tay, hết sạch cừu và cả cây cối trong trang trại. Mười lăm năm sau tôi mới gầy dựng lại được; có lúc tôi tưởng phải bó tay vì giá len chẳng là bao và cả thịt bò cũng thế.

Bên ngoài những trận cuồng phong vẫn ào ào thét, mùi cháy khét khắp nơi. Vào nửa đêm, phía tây vẫn đỏ rực một thứ ánh sáng của địa ngục, khói và tro từ trên cao phủ xuống khiến mọi người phải ho sặc sụa. Một lúc sau, mọi người nhìn thấy những ngọn lửa đầu tiên như những cái lưỡi khổng lồ nhảy múa uốn khúc. Sau màn khói khoảng 30 mét; rồi một tiếng gào thét ầm ĩ nổi lên không khác tiếng gào thét của một cầu trường đông nghẹt khán giả điên cuồng hò hét. Hàng cây bọc quanh khu đất rào nuôi cừu ở hướng tây bốc cháy và biến thành một bức tường lửa dày đặc, rực sáng.

Đứng trên hành lang của ngôi nhà lớn, hai mắt mở to kinh hãi; Meggie sửng sốt nhìn thấy rõ từng bóng người li ti in trên lửa, nhảy tới nhảy lui, tay chân cử động hỗn loạn.

Hai tiếng đồng hồ sau, cánh đàn ông đầu tiên quay về. Mệt nhừ, họ ngả nghiêng lục tìm bất cứ thứ gì có thể ăn được để lấy lại sức rồi trở về biển lửa tiếp tục chiến đấu. Phụ nữ ở nhà được huy động để lo việc tiếp tế, ăn uống, làm sao luôn có đầy đủ món ragu cừu, bánh mì, trà nóng, rượu Rhum và bia cho ba trăm người. Khi một vụ cháy lớn xảy ra, ai ai cũng có nhiệm vụ của mình.

Giữa hai đợt vào bếp lấy thức ăn tiếp tế cho cánh đàn ông Meggie quan sát đám cháy, lòng ngập tràn một thứ kính cẩn lạ lùng đối với sức mạnh vô hình trong đó lẫn lộn sự âu lo và kinh hãi. Điều ghê gớm đang diễn ra lại ẩn chứa cái đẹp hơn hẳn bất cứ kỳ quan nào đang có trên trái đất này, vì rằng cái đẹp đó thuộc về trời đất, thuộc về những thái dương thật xa xăm đến nỗi ánh sáng của nó đến đây đã giá lạnh. Đó là cái đẹp từ thượng đế và từ quỷ mà ra. Bây giờ trận biển lửa ấy nổi lên màu đen, màu cam, màu đỏ, màu vàng và màu trắng. Một thân cây thật to đen sì hiện rõ lớp vỏ ánh lên màu cam rực lửa, than hồng vừa tách ra khỏi thân bay chập chờn như những bóng ma tinh quái. Thật thế, một cảnh tượng vĩ đại giữa đêm đen. Meggie sẽ nhớ mãi suốt đời.

Trung tâm sống còn của Drogheda chỉ cách ranh giới phía đông của trang trại năm cây số, nơi gần Gilly nhất. Beel Beel tiếp nối liền với trang trại và xa hơn nữa về phía đông là Narrengang. Khi trận cuồng phong ào ào với tốc độ tám mươi cây số giờ, thì cả vùng đều hiểu rằng, ngoại trừ một cơn mưa to ập xuống đúng lúc, không có cách nào tránh được lửa tiếp tục cháy trong nhiều tuần, biến hàng trăm cây số đất đai màu mở trở thành sa mạc. Giữa lúc nguy ngập như thế thì nhờ Tom mà nhà cửa gần con suối vẫn còn nguyên. Ông ta như người bị quỷ ám, cứ mang xe bồn đi đổ đầy nước, rồi tưới ào ào vào tường nhà, rồi lại đi lấy nước và lại phun liên tục. Nhưng khi cơn gió nổi lên dữ dội, Tom đành phải tháo lui đầu hàng, nước mắt ràn rụa. Nhà cửa ở đó không thể cứu được nữa rồi.

- Đáng lý ra ông bạn nên quỳ gối xuống và tạ ơn Chúa, tốc độ gió phía trước đám cháy đã không gia tăng - Martin King phân tích - Nếu không, tất cả nhà cửa ở trang trại này đều cháy sạch và cả chúng ta cũng thành tro bụi. Cầu Chúa cho những người ở Beel Beel được thoát chết.

Fiona trao cho Martin King một ly rượu rhum thật lớn. Không còn là một thanh niên nữa nhưng ông ta vẫn đủ sức chiến đấu đến phút cuối cùng khi cần thiết, ông ta đã chỉ huy nhiều cuộc chữa cháy một cách thành thạo.

- Thật là vớ vẩn - Fiona nói - vào cái lúc mà tôi tưởng rằng tất cả sẽ mất hết thì những suy nghĩ kỳ cục nhất lại xuất hiện trong đầu. Tôi không hề nghĩ đến cái chết, cũng không nghĩ đến con cái hay ngôi nhà nguy nga đẹp đẽ này sẽ bị thiêu hủy. Tôi hoàn toàn không thể nghĩ đến cái gì khác hơn là cái giỏ may vá của tôi, cái áo len mà tôi đang đan, cái hộp đựng nút mà tôi để dành nhiều năm, nhớ đến cái khuôn bánh hình trái tim mà Frank đã tự tay làm lâu rồi. Làm sao tôi có thể tiếp tục sống nếu thiếu tất cả những món ấy? Tất cả những thứ nhỏ nhặt đều không thể tìm mua ở tiệm.

- Đó là những suy nghĩ đã đến trong đầu của hầu hết phụ nữ - Martin King tán đồng - Tôi còn nhớ vụ cháy năm 1905, trong khi tôi vỡ phổi để lo ngăn chặn lửa thì vợ tôi hoảng hốt chạy vào nhà để lo cứu... cái công trình dở dang của bà, đó là một mẫu thêu còn nằm trên bàn căng. Khi cất xong căn nhà mới, vợ tôi hoàn thành liền mẫu thiêu đó, một trong những mẫu thêu để ngợi ca kỷ niệm của ngôi nhà. Ngôi nhà - ngôi nhà thân yêu bà hiểu ý của tôi muốn nói chứ. Thôi, tôi phải đi đây. Gareth Davie ở Narrengang có lẽ cần chúng tôi tiếp tay và nếu tôi không lầm thì chẳng bao lâu nữa Angus ở Hunish cũng sẽ rơi vào một tình thế tương tự

Fiona tái mặt:

- Ồ, Martin! Chẳng lẽ lửa lại lan xa đến thế?

- Chúng tôi vừa hay tin Booroo và Bourke đã bị đe dọa bà Fiona ạ.

Ba ngày liền sau đó, lửa tiếp tục lan về hướng đông trên chiều ngang cứ mở rộng ra. Nhưng rồi đột ngột một cơn mưa thật lớn trút xuống như thác, liên tiếp gần bốn ngày và dập tắt đi những ngọn lửa cuối cùng. Nhưng bấy giờ đám cháy đã lan ra một trăm sáu chục cây số, để lại đằng sau một vùng đất rất rộng đen sì chiều ngang 30 cây số, từ trung tâm Drogheda cho đến ranh giới cuối cùng của thị trấn Gillanbone là Rudna Hunish.

Cho đến khi mưa trút xuống, không ai chờ đợi sẽ được tin tức của Paddy vì rằng mọi người nghĩ Pađy đang an toàn ở đâu đó bên kia biển lửa. Ai cũng nghĩ ông mất liên lạc với gia đình vì cái nóng vẫn còn thiêu đốt và cây cối vẫn tiếp tục cháy âm ỉ. Nếu đám cháy không làm hư hỏng đường dây điện thoại, thì có lẽ sẽ gọi được về nhà. Chắc là Pađy đã phi ngựa về hướng tây và tìm chỗ ẩn trú ở Bugela.

Nhưng trong sáu giờ liền mưa đổ xuống, vẫn không có tin tức, bấy giờ cả gia đình có phần âu lo. Rồi luôn trong bốn ngày sau đó, họ vẫn nói với nhau là không có gì phải băn khoăn. Paddy không thể về nhà trong thời tiết này và có lẽ ông ta quyết định ở lại đó chờ cho đến khi nào có thể về thẳng Drogheda chứ không phải đến chỗ của Martin King.

- Đáng lý giờ này ba phải về rồi, Bob bồn chồn nói. Anh đi tới đi lui trong phòng khách dưới những cặp mắt đầy âu lo.

Cái oái ăm là mưa đã mang lại một không gian mát mẻ đột ngột và trong lò sưởi ánh lửa lại bập bùng.

- Bây giờ anh tính thế nào hở Bob? - Jack hỏi.

- Theo anh, đã đến lúc chúng ta chia nhau đi tìm ba. Biết đâu ba bị thương hoặc đi bộ và phải băng qua một đoạn đường dài để trở về nhà. Cũng có thể, con ngựa của ba quá sợ hãi và hất ba ngã nhào, thế là ba phải nằm đâu đó, không đi được. Ba chỉ mang đủ lương thực ăn trong một hoặc hai ngày mà thôi, tuy nhiên anh không nghĩ rằng ba bị chết đói. Nhưng bây giờ chúng ta không có cách nào để báo động cho mọi người biết, anh sẽ không kêu gọi những người ở Narrengang tiếp tay, nhưng nếu từ đây đến tối không tìm ra ba, anh sẽ đến trang trại Dominic và ngay sáng mai thì tất cả những người dân trong vùng sẽ cùng chúng ta đi tìm ba. Trời ơi, phải chi đường dây điện thoại được phục hồi ngay.

Fiona run lên, mắt đỏ ngầu như đang trong cơn sốt không khác một con vật đang bị săn đuổi.

- Tôi đi mặc quần dài vào ngay, bà nói. Tôi không thể nào ở nhà chờ được.

- Mẹ ơi, mẹ nên ở nha! Bob van xin.

- Nếu ba con bị thương, ba có thể nằm tại đâu đó, Bob ạ. Có gì bảo đảm ba con không bị thương nặng. Con đã cho tất cả anh em công nhân đi Narrengang để tiếp tay ở đó rồi, chúng ta đâu còn bao nhiêu người để đi tìm ba con. Mẹ sẽ đi với Meggie, như thế Meggie và mẹ sẽ đủ sức đối phó với mọi bất trắc. Còn nếu Meggie đi một mình thì nó lại cần thêm một người khác đi với nó, như thế lại mất bớt người.

Bob đành chìu theo ý mẹ.

- Thôi được, thưa mẹ. Mẹ có thể cỡi con ngựa thiến của Meggie. Mọi người nên mang súng đạn đầy đủ.

Trên lưng ngựa, họ băng qua con suối và đi sâu vào vùng đất điêu tàn. Không còn lại một dấu vết nào của màu xanh hay cả màu xám của đất, không còn một thứ gì cả trên khoảng bao la của đất đai cháy thành tro, đen sì và ẩm ướt. Lạ lùng thay, đến giờ này sau bốn ngày mưa liên tục mà khói vẫn còn bốc. Mỗi một chiếc lá trên cây đều biến thành một mảnh khô cháy co rúm lại và cứ nơi nào trước kia có cỏ thi người ta thấy rải rác những đống nhỏ đen thui, đó là những con cừu bị chết cháy. Thỉnh thoảng chợt thấy những đống to hơn, đó là bò hay heo rừng. Trên gò má từng người, nước mắt trộn lẫn với nước mưa.

Bob và Meggie đi đầu, tiếp đó là Jack và Hughie, Fiona và Stuart đi phía sau. Thỉnh thoảng mấy con ngựa hí vang, khịt mũi vì đối đầu thêm một cảnh tượng hãi hùng, nhưng Fiona và Meggie thì thản nhiên vì đầu óc chỉ nghĩ đến Paddy. Mặt đấy lầy lội khiến họ tiến rất chậm và khó khăn nhưng rất may có cháy lớp lớp dưới chân làm thành một tấm thảm bằng sợi có chỗ cho chân ngựa bám vào. Đi được một đoạn, họ lại cứ nghĩ Paddy đã xuất hiện ở đàng xa nhưng thời gian cứ trôi qua mà chẳng thấy Paddy đâu cả.

Tim họ nhói lên khi nhận ra đám cháy đã lan rộng nhiều hơn là họ nghĩ, đến tận đất nuôi cừu ở Wilga. Có lẽ những đám mây trong cơn giông vừa qua đã che khuất khói cho đến khi ngọn lửa đến gần một khoảng cách nào đó thì từ Drogheda mới thấy được. Những ranh giới của đám cháy làm cho tất cả bàng hoàng. Một phía là đường chân trời nổi rõ lên màu đen sì như một thứ hắc in bóng loáng, còn bên kia là một màu xanh và màu hung quen thuộc, buồn tẻ dưới cơn mưa. Bob dừng ngựa lại nói với Fiona:

- Bắt đầu từ đây, chúng ta sẽ chia nhau đi tìm ba. Con sẽ đi về hướng tây, đó là hướng có khả năng nhất để tìm ra ba, con được trang bị đầy đủ để đối phó mọi bất trắc. Tất cả chúng ta đều đem đủ đạn chứ. Rất tốt. Bất cứ ai phát hiện được một vết tích gì, cứ bắn lên trời ba phát súng, còn ai nghe được thì chỉ trả lời bằng một phát rồi chờ. Ai đã bắn ba phát thì cứ tiếp tục bắn như thế sau năm phút, còn những ai nghe thì đáp lại một phát.

Bob nói tiếp:

- Jack, em hãy đi xuống hướng nam, dọc theo đường cháy. Hughie, em đi hướng tây nam, còn anh hướng tây. Mẹ và Meggie cứ đi về hướng tây bắc. Stuart, em lần theo phía rìa đám cháy thẳng phía bắc. Và hãy nghe lời dặn này, phải tiến thật chậm. Mưa làm mắt chúng ta không nhìn rõ ở xa, cây bị cháy nằm ngả nghiêng rất nhiều. Hãy gọi nhau thường xuyên, có thể ba không thấy chúng ta nhưng nghe được tiếng gọi. Đừng có bắn súng nếu không phát hiện chuyện gì đặc biệt. Ba không có mang theo súng, do đó nếu ba nghe súng nổ mà không thể lên tiếng được thì sẽ rơi vào một tâm trạng rất hoang mang.

“Chúc tất cả may mắn. Chúa phù hộ chúng ta.”



Không khác những người hành hương chia tay nhau ở ngã tư cuối cùng, từng người mất hút dưới màn mưa, tiến sâu về hướng đã được phân công. Đi chưa đầy một cây số, Stuart chú ý một lùm cây cháy đen ở gần đường ranh của đám cháy. Cậu ta chú đến một cây wilga thấp, đen sì và nhăn nheo như chùm tóc xoắn của một chú bé da đen, bên cạnh đó một thân cây cao to bị thiêu rụi còn đứng ở ngoài rìa tuyến lửa. Rồi Stuart lại phát hiện thêm dấu vết còn lại xác con ngựa của Paddy cháy nám và một gốc lớn của cây gôm. Hai con chó của Pađy chỉ còn là những đống đen thui, bốn cẳng chĩa thẳng lên trời, cứng đơ như bốn cây gậy. Cậu ta xuống ngựa, đôi giày bốt ngập bùn đến cổ chân, thế rồi cậu ta rút cây súng ra khỏi yên ngựa, hai môi mấp máy cầu nguyện, lần tìm đường đi giữa những vũng bùn trơn trợt. Nếu không tìm thấy những gì còn lại của con ngựa và hai con chó, Stuart vẫn có thể thầm hy vọng nạn nhân có thể là một kẻ lang thang nào đó. Nơi này nằm quá sâu giữa trung tam Drogheda, do đó cũng khó nghĩ đến nạn nhân là một người chăn bò hay chăn cừu đến từ Bugelạ Xa một chút, Stuart phát hiện xác của ba con chó còn lại; Paddy đem theo năm con chó tất cả. Cậu ta biết sẽ không có xác con chó thứ sáu, và cậu ta đã đoán không sai.

Cách xác con ngựa không xa, khuất sau một thân cây nằm ngang là những phần còn lại của một xác người. Không thể nào lầm được. Ướt đẫm dưới cơn mưa, cái hình thù màu đen nằm ngửa, cong theo vòng cung, hai mông và hai tay chấm đất. Hay tay dang rộng ra, mấy ngón tay lộ xương vì thịt đã rã, co rút lại như đang bấu víu vào khoảng không. Hai chân cũng hơi dang ra, hơi co lại ở đầu gối, còn ở nơi mà trước kia là cái đầu thì chỉ còn hai hố mắt trống trơn!

Trong một lúc, ánh mắt trong và sáng quắc của Stuart hướng thẳng vào cha cậu. Stuart không thấy đó là thân xác đã bị thiêu rụi mà thấy cha mình vẫn nguyên vẹn như khi còn sống. Cậu ta chĩa súng lên trời và bắn, rồi lại nạp đạn và bắn phát thứ hai, rồi phát thứ ba. Có tiếng súng nổ vọng lại từ xa; thêm một tiếng súng khác xa hơn nghe văng vẳng. Lúc đó Stuart đoán ra rằng tiếng súng gần hơn hết có lẽ là của mẹ hay của Meggie. Cả hai đi về hướng tây bắc, còn cậu ta ở hướng bắc. Không chờ đúng năm phút đúng như Bob đã dặn, Stuart lại nạp đạn và chĩa súng hướng nam bóp cò. Lại nạp đạn, bắn phát thứ hai rồi thứ ba. Stuart đặt súng xuống đất nhón người lên nhìn về phía nam, đầu hơi nghiêng, ngóng nghe chờ đợi. Lần này có tiếng súng đáp lại của Bob từ phía tây, tiếng súng kế tiếp của Jack hoặc Hughie và tiếng thứ ba của mẹ. Cậu ta thở ra nhẹ nhõm; Stuart không muốn những người đến trước tiên là mẹ và Meggie.

Mãi suy nghĩ Stuart không thấy con heo rừng thật lớn xuất hiện từ hướng bắc sau những thân cây cháy, dù cậu ta đã nhận ra cái mùi của nó trước vài giây. To gần bằng một con bò cái, cái khối thịt ấy rung rinh di chuyển trên bốn chân ngắn ngủn và thật khỏe; nó vừa đi đầu lủi xuống đất, mõm bới tìm cái gì đó trong đất đen và ẩm. Tiếng súng làm cho nó phải động đậy, thật sự con heo rừng cũng đang chịu đựng một số đau đớn kinh khủng, lớp lông đen thưa thớt một bên bị cháy làm lòi da thịt đỏ tươi. Cái mùi Stuart nghe được khi cậu ta đang còn nhìn về hướng nam đúng là mùi dễ chịu của da con heo đang quay trong lò. Đột ngột bị kéo ra khỏi trạng thái u buồn đeo bám, Stuart quay đầu lại và có cảm giác hình như đã đến đây một lần nào rồi; cái nơi đen sẫm và nhớp nhúa này như đã in sâu trong đầu Stuart từ ngày mở mắt chào đời.

Stuart nhìn xuống kiếm khẩu súng và nhớ ra súng chưa nạp đạn. Con heo rừng dừng lại, hai mắt đỏ ngầu như đang chịu đựng nỗi đau đớn dữ dội. Hai chiếc nanh dài màu vàng, nhọn hoắc hất lên cao một nửa vòng tròn. Con ngựa của Stuart hí vang vì ngửi thấy mùi thú dữ. Con heo rừng quay chiếc đầu to tướng về phía con ngựa rồi cúi xuống với ý định tấn công. Stuart hiểu rằng hy vọng duy nhất để cậu ta thoát thân là con heo rừng chú ý đến con ngựa. Stuart khom xuống lấy súng, một tay kéo nòng súng, còn tay kia cho vào túi áo vét để tìm viên đạn. Chung quanh mưa vẫn rơi làm át đi mọi tiếng động đó, nó đột ngột đổi hướng, lao thẳng vào Stuart. Con vật đã gầm chạm vào cậu ta thì tiếng súng nổ tuy trúng ngay ngực nó nhưng không làm giảm tốc độ lao vào người Stuart. Hai cái nhanh hất ngược lên, cày nát phần ở giữa hai chân của Stuart. Cậu ta ngã xuống, máu phun ra đầy quần áo và ướt cả đất.

Con heo rừng quay mòng mòng đau đớn vì trúng đạn, muốn tấn công đối thủ một lần nữa nhưng nó chệnh choạng sụm xuống. Cả cái khối thịt 600 kilô nằm lên người Stuart ép chặt đầu cậu ta xuống bùn đen. Trong khoảnh khắc, hai bàn tay của Stuart bấu xuống đất, thân người run rẩy, cố vùng lên trong tuyệt vọng.

Thế là Stuart nhận ra điều mình vẫn biết trước từ lâu, tại sao mình không bao giờ hy vọng, không bao giờ vạch ra một kế hoạch nào cho cuộc đời mà chỉ chờ đợi bằng cách đắm chìm vào cái thế giới sống động, cậu ta không còn thì giờ để thương hại cho số phận chờ đợi mình. Mẹ ơi, mẹ! Mẹ ơi! Con không thể ở lại với mẹ! Đó là ý nghĩ cuối cùng vào giây phút tim của cậu ta vỡ trong lòng ngực.

- Tại sao Stuart lại không nổ súng nữa? - Meggie hỏi mẹ.

Hai mẹ con đi ngựa về hướng đã nổ hai loạt súng nhưng không thể hối thúc con ngựa đi nhanh hơn trên bùn lầy; tim thắt lại vì âu lo.

- Có lẽ Stuart nghĩ tất cả chúng ta đều nghe rồi, Fiona trả lời Meggie.

Nói thế nhưng trong tậy đáy lòng bà vẫn nhớ gương mặt của Stuart lúc chia tay nhau mỗi người đi một hướng, nhớ cái cách mà Stuart đã siết tay bà và nụ cười của Stuart khi nhìn bà.

- Chúng ta không còn cách bao xa nữa - bà ta nói vừa thúc con ngựa chạy nhanh hơn.

Nhung Jack đã đến nơi trước, có cả Bob. Họ chặn không cho hai phụ nữ đến gần khi vượt qua phần đất còn nguyên vẹn đi đến vùng đám cháy.

- Mẹ đừng đi xa hơn nữa! Bob nói khi Fiona vừa đặt chân xuống đất.

Jack vội vàng chạy đến bên Meggie nắm lấy tay em gái mình.

Hai cặp mắt màu nâu đều nhìn đi chỗ khác, không phải không chịu đựng nổi sự kinh hãi và lo âu mà chính vì đã biết chắc chuyện gì đã xảy ra. Fiona và Meggie đã hiểu.

- Có phải ba không! - Fiona hỏi trong hơi thở.

- Thưa phải. Và cả Stuart nữa.

Không một người con nào có đủ can đảm để nhìn mặt mẹ lúc ấy.

- Stuart? Stuart? Chuyện gì xảy ra với Stuart? Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao lại cả hai. Không thể nào như thế được. Không! Không!

- Ba bị kẹt giữa đám cháy. Ba đã chết. Còn Stuart có lẽ đã làm gì đó khiến cho con heo rừng tấn công nó. Nó đã bắn chết con vật nhưng con vật đã ngã đè lên Stuart khiến cho nó bị nghẹt thở, Stuart cũng đã chết rồi, thưa mẹ.

Meggie hét lên, vùng vẫy, cố vuột ra khỏi sự kìm giữa của Jack, nhưng Fiona thì đứng bất động trong vòng tay dơ bẩn, vấy máu của Bob. Bà như bức tượng đá với đôi mắt trống vắng.

- Quá sức chịu đựng - bà nói rồi quay qua nhìn Bob (nước mắt chảy trên mặt bà, nhỏ giọt xuống tóc bết dính vào cổ). Hãy để mẹ yên. Mẹ cần phải nhìn mặt ba con, Bob. Một người là chồng của mẹ, một người là con của mẹ. Con không thể cản ngăn mẹ. Con không có quyền.

Meggie đã dịu cơn xúc động và đứng yên trong vòng tay của Jack, đầu áp vào ngực anh. Fiona bắt đầu đi chậm lại, Bob đi bên cạnh đỡ mẹ, Meggie im lặng nhìn, không có một động tác nào tỏ ý đi theo. Hughie xuất hiện sau màn mưa vốn làm mờ nhạt cả người lẫn cảnh vật. Ra dấu bằng đầu Jack có ý bảo Hughie nhìn về hướng mẹ và Bob.

- Em hãy đi theo mẹ và anh Bob, và hãy ở lại bên cạnh hai người. Meggie và anh quay lại Drogheda để tìm phương tiện đưa ba và Stuart về (cậu ta buông Meggie và giúp em gái leo lên lưng ngựa). Đi Meggie. Trời bắt đầu tối. Chúng mình không thể để mọi người ở lại đây suốt đêm. Mẹ và các anh sẽ không rời khỏi nơi đây nếu chúng mình chưa trở lại.

Ở vùng bùn lầy này, không có một loại xe có bánh nào có thể vào được; cuối cùng Jack và ông già Tom đã nghĩ ra cách dùng một tấm tôn dợn sóng cột bằng dây xích vào hai con ngựa kéo xe. ông già làm vườn dắt hai con ngựa, còn Jack đi trước soi đường bằng cây đèn bão thật lớn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.