Tiên Pháp Đạo Kinh

Chương 20: 20: Đạo Là Gì





Cùng lúc này ở đỉnh núi Thủy Sơn, phía trước Thiên Cơ Điện, hai mươi đệ tử có tư chất tốt nhất, cũng là con nhà danh gia vọng tộc đang đứng ngổn ngang trước một sảnh lớn.

Sau lưng bọn họ là một toà lâu đài cao chọc trời, đề tên "Chiêm Tinh Lầu".

Một lão nhân da dẻ nhăn nheo, tóc trắng buộc gọn sau đầu, tay cầm phất trần tay vuốt chòm râu đi ra, phất tay ra hiệu cho cả đám theo lão vào trong.

Lão nhân vừa đi vừa lẩm bẩm nói thầm:
- Đám nhóc này, đúng là nhìn rất vừa mắt, không tệ, không tệ.
Lão nhân dù không lên tiếng nhưng lại bày tỏ thái độ hết sức hài lòng với số đệ tử ngoại môn nhận vào lần này, nhất là với hai mươi đệ tử có thân phận đặc biệt kia.
- Xem ra tứ sư muội nói không sai.

Những thứ cơ bản như ba môn công pháp kia, với bọn chúng hiện nay quả thực không có bao nhiêu giá trị.

E rằng mới nhìn qua liền có thể làm theo không chút trở ngại.

Ngược lại nếu ta cố chấp, không chỉ lãng phí thời gian đôi bên, ngược lại còn khiến ý chí cầu tiến của bọn chúng sụt giảm.
- Dạy cho chúng những loại công pháp cao cấp hơn cũng không được, như vậy sẽ vi phạm môn quy.

Nhỡ may đám đệ tử nội môn kia biết được lại nói ta thiên vị này nọ.

Thôi thì cứ quyết định như vậy, ta chỉ điểm cho chúng chỗ quan trọng trong tu luyện công pháp, dạy thêm cho chúng một chút kiến thức về Chiêm Tinh Thuật.

Tương lai nếu có trở thành nội môn đệ tử thì căn cơ đã vững vàng, kiến thức rộng rãi, ta cũng dễ dạy dỗ hơn.
Lão nhân vừa đi vừa nghĩ, không lâu sau đã dẫn mọi người tiến vào bên trong một sảnh điện lớn.

Trong phòng lớn không hề có bàn ghế gì, chỉ duy nhất phía trên đài cao có một đồ hình mô phỏng không gian tinh hệ đang ngự ở đó.

Thoạt nhìn đồ hình vô cùng thần bí và huyền ảo, hàm uẩn tinh thần đại đạo.
Hai mươi đệ tử vừa bước vào ai nấy đều tự động hiểu ý, vô thanh vô tức phân thành hai hàng đứng sát hai bên chờ đợi, ánh mắt không chút rời khỏi tinh đồ mẫu trận phía trên.

Bầu không khí trở nên nghiêm túc hơn bao giờ hết, đại trưởng lão đưa mắt nhìn xuống hai mươi đệ tử bên dưới, nhỏ giọng hỏi:
- Các trò bỏ dở việc đến lớp để đến Ứng Thiên Tông ta học đạo, có cảm thấy thiệt thòi hay không?
Nghe đại trưởng lão đặt câu hỏi, ai nấy có mấy phần ngạc nhiên, không biết trong đây có ý tứ gì.

Đám người bên dưới suy nghĩ một chút, nhất thời không ai dám mở miệng đáp lời.

Đại trưởng lão lại nói:
- Cứ nói thẳng suy nghĩ của các ngươi, không cần phải sợ.
Một người nghe vậy mạnh dạn cao giọng đáp:
- Đệ tử không cảm thấy thiệt thòi.
Sau đó những người khác cũng đồng thanh nói:
- Chúng đệ tử không cảm thấy thiệt thòi.
Lão nhân vuốt chòm râu hài lòng nói:

- Rất tốt, rất tốt.

Vậy ai có thể nói cho ta biết, lý do vì sao không thiệt thòi hay không?
Lúc này thì tất cả đều im lặng, một sự trầm mặc khó diễn tả bằng lời.

Không phải bọn họ không dám trả lời, mà không ai biết phải trả lời như thế nào.

Bất giác có một nam tử mặc hoàng bào cách điệu, xem chừng là người trong hoàng tộc vương thất chắp tay cúi đầu nói:
- Bẩm đại trưởng lão, theo học trò thấy, học chữ là học, học đạo cũng là học.

Kinh thư là kiến thức, đạo cũng là kiến thức, công pháp cũng là kiến thức.

Đến Ứng Thiên Tông học đạo không những không thiệt thòi, ngược lại còn nhận được lợi ích lớn lao.

Học trước để thành người, đạo lại nói về tu dưỡng bản tâm, như vậy học đạo càng nên được chú trọng, càng nên được đặt lên trước hết.
Đại trưởng lão nghe xong vạn phần kinh ngạc, chốc chốc hướng đôi mắt sáng như sao về thiếu niên trước mặt, hai tay vỗ vỗ khen:
- Trả lời rất hay.

Ngươi tên là gì?
- Đệ tử Chu Cảnh Nghi, ra mắt đại trưởng lão.
- Tốt, rất có ngộ tính.
- Nhân tiện đây ta cũng giải thích cho các ngươi được rõ, vì sao đến Ứng Thiên Tông không những không thiệt thòi, ngược lại còn là một món quà lớn.
- Học đạo, tu đạo, hành đạo, ba chữ này đều gói gọn trong hai chữ tu hành.

Tu trước hành sau, hai không thể thiếu một.

Học đạo, tu đạo, đắc đạo, hành đạo hay chứng đạo, dù cho ở bất kỳ giai đoạn nào cũng không thể chỉ nói suông mà được, đó là lý do chữ tu luôn đi với chữ hành.

Tu ở đây là tu tâm dưỡng tính, tu nhân tích đức, là chính tâm tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ.

Chữ hành chính là thực hiện cái đạo mà mình tu đó, phát huy nó, khiến cho nó có giá trị với mọi người, với vạn vật, với thiên địa.

Chứng minh nó đúng đắn, hợp tình hợp lý, thuận theo thiên địa, thuận theo vạn vật sinh tồn, vạn vật phát triển.
- Đến đây cần phải nói về chữ đạo.

Theo các trò, đạo là gì? Các bậc tiền nhân có ghi chép rằng: "Đạo chính vi tâm.

Tâm chính vi đạo.

Đạo tâm vi nhất.

Nhất hóa nhị, đạo tâm."
- Mọi đạo trên thế gian đều tại tâm sinh, tâm có ma tức là ma, tâm có phật tức là phật.


Tu đạo chính là dưỡng tâm, tâm thiện tất vi thiện, tâm tà tất vi bất chính.

Sở dĩ nói tu hành không cần đến lớp học là bởi trong hai chữ tu hành đã hàm chứa ý nghĩa của việc học.

Chữ đạo từ thuở khai thiên lập địa vốn đã gắn liền với thiên đạo, rèn luyện phẩm chất và trí tuệ của thánh nhân.

Cho nên trong việc tu hành đã bao gồm cả việc học tập ở trong đó.
- Việc các trò không đến lớp học không có nghĩa là ngừng học hỏi, mà là đang học bằng một phương thức khác, ở một địa phương khác mà thôi.

Học ở đây không còn là việc học thuộc lòng, học theo khuôn mẫu đơn thuần mà là học để giác ngộ, học để thấu suốt, học để vận dụng, học để sáng tạo.

Học ở đây là học thứ thuộc về bản thân, tìm về bản nguyên, tìm về ý nghĩa tồn tại của từng người, từng sự vật sự việc để làm sao sống đúng, sống tốt, sống có ích, sống có mục đích và có lý tưởng.
- Cho nên dù không đến lớp học, nhưng tu hành sẽ giúp các ngươi trưởng thành, trưởng thành một cách đúng nghĩa, trưởng thành từ bên trong, chứ không phải già đi ở diện mạo bên ngoài.

Tu hành không những là đang học, mà còn là không ngừng thúc đẩy bản thân tiến bộ và cường đại qua từng ngày.

Học ở đây ngoài kiến thức ra còn là rèn dũa bản lĩnh, năng lực cá nhân, nâng cao tư chất thiên phú, ngộ tính lẫn khai thác triệt để tiềm năng của từng người.
- Cho nên ta khẳng định việc các trò đến đây tu tập đạo pháp không những không thiệt thòi, mà chính là một quyết định vô cùng sáng suốt và đúng đắn.
Thiên địa vắng vẻ, chính điện trang nghiêm, nhân tâm lắng đọng.

Một đoạn giải thích đạo lý tu hành của đại trưởng lão khiến cho hai mươi đệ tử bên dưới như chìm trong thiên đường giác ngộ.
- Thôi, ta không nói dài dòng nữa, trước tiên ta sẽ giới thiệu qua một số kiến thức cơ bản, hệ thống lại chỗ kiến thức hỗn tạp trong đầu các ngươi trước.

Các ngươi cố lắng tai nghe thật kỹ, không cần phải nhớ hết nhưng bắt buộc phải hiểu hết.

Phàm cái gì bản thân đã đạt được có thể bỏ qua, cái gì bản thân chưa làm được cần phải nhớ rõ, tương lai tất sẽ cần dùng đến.
- Trong nhân gian, các loại công pháp được chia thành nhiều thứ bậc khác nhau.

Từ các loại công pháp căn bản làm cơ sở cho việc tu hành cho đến các loại bí pháp, thần pháp, tiên pháp, huyền pháp, mà loại mạnh mẽ thâm huyền nhất, có lẽ là chân đạo pháp.

Ba cuốn sách Mặc Nghiên đưa cho các ngươi có thể coi là đạo pháp cơ sở, trong các ngươi hẳn là ai cũng đã xem qua rồi phải không?
- Đoán chắc với năng lực của các ngươi hiện nay, một chút trở ngại kia cũng không làm khó được các ngươi.

Có thể ban đầu gặp ít trục trặc ngoài ý muốn, bất quá chỉ cần kiên trì một thời gian ngắn là có thể thực hiện suôn sẻ mà thôi, có đúng vậy không?
Đại trưởng lão nhìn xuống hai mươi đệ tử, ánh mắt như chờ đợi câu trả lời.
- Đúng vậy, thưa sư tôn.
Xác định suy đoán của mình không sai, đại trưởng lão mới gật đầu một cái, nói tiếp:
- Trọng yếu nhất của Phá Thể cảnh giới, dĩ nhiên là thân thể.

Cái này là do rèn luyện gân cốt mà ra, không có gì phải nhắc tới.


Điều đáng nói tới ở đây là, phàm là con người từ khi sinh ra thể chất của mỗi người hoàn toàn không giống nhau.

Không chỉ da thịt gân cốt lớn bé khác nhau mà tư chất thiên phú cũng hoàn toàn khác nhau, cho nên tiềm lực của mỗi người tự nhiên cũng khác nhau.

Có người từ khi sinh ra đã mạnh khoẻ hơn người, dù không rèn luyện nhiều vẫn có sức lực phi phàm.

Có kẻ sinh ra thể chất yếu ớt, lắm bệnh nhiều tật, xương cốt nhỏ thó, dù có cố gắng rèn luyện cũng khó bằng người.

Khi bước vào cảnh giới Phá Thể, tự nhiên thành tựu của mỗi người không cần nói cũng rõ.

Bất quá đó là thiên địa tạo hóa, không ai lựa chọn được.
- Nhưng nói như thế không có nghĩa là người thể chất yếu ớt hay nhiều bệnh tật thì không nên tu hành hoặc không thể tu luyện thành tài.

Nói như thế là để các ngươi biết rằng mỗi người khác nhau cần phải có phương hướng tu luyện khác nhau, không thể đánh đồng tất cả mọi người với nhau, càng không thể đem một chuẩn mực cố định áp đặt lên đầu tất cả mọi người được.

Nói như vậy càng không phải để phủ định tầm quan trọng của việc tu luyện, đề cao tầm quan trọng của thể chất bẩm sinh mà là để cho bản thân mỗi người nhận thức được con đường mình nên đi.

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, chính là đạo lý này.
- Một người tu vi càng lớn bao nhiêu sẽ càng hiểu được tầm quan trọng của Phá Thể cảnh giới bấy nhiêu.

Khí lực lớn mà thân thể suy nhược, vậy thì không thể phát huy ra hết thực lực vốn có.

Khí lực lớn mà thân thể không đủ nhanh nhẹn linh hoạt, vậy cũng rất khó có thể phát huy tất cả ảo diệu của công pháp.

Nếu tài phú sung túc đầy đủ nhưng thân thể lại không đủ cường đại để tích trữ linh khí, vậy cũng khó mà trở thành kẻ mạnh được.

Cho nên việc tu luyện Phá Thể cảnh giới là điều căn bản nhất, nhưng không phải vì nó căn bản nên không quan trọng, mà nó thực sự vô cùng quan trọng, là nền tảng của tất cả các loại công pháp tu luyện về sau.

Dù cho các ngươi xuất thân từ danh gia vọng tộc, từ nhỏ quen sống trong nhung lụa, ít động chân tay cũng không thể lơ là việc tu luyện thân thể, đó là điều thứ nhất ta muốn nhắc nhở các ngươi.
- Điều thứ hai ta muốn nói chính là, kẻ có sức vóc hơn người, thân hình vạm vỡ, vậy phải chăm chỉ tập luyện nâng cao thể lực, tăng cường khả năng chịu đựng của da thịt, tu luyện các pháp môn cương mãnh, một chiêu hạ địch là phù hợp nhất.

Chí ít nếu không thắng được cũng có khả năng trụ vững một thời gian, đợi cho kẻ địch sức cùng lực kiệt mới động thủ phản kích, giành được thắng lợi cuối cùng.
- Nếu các ngươi trời sinh đã nhỏ nhắn dễ thương, xương cốt không lớn hoặc là một thân nữ nhi chân yếu tay mềm.

Như vậy tất phải chú trọng tôi luyện độ nhanh nhẹn, bền bỉ, hoạt bát.

Tương lai khi chọn lọc công pháp tu luyện trước phải luyện khí cho thật tốt, mượn khí trợ lực, thúc đẩy toàn bộ các loại lực lượng tiềm ẩn bên trong thân thể đồng thời bùng phát ra.

Nếu không thể dùng cứng đối cứng, vậy có thể dùng sự linh hoạt, uyển chuyển né tránh rồi tấn công bất ngờ, ra chiêu nhanh như lôi điện, mạnh như gió bão, đánh vào yếu huyệt khiến cho đối phương không kịp trở tay, đó mới là lựa chọn khôn ngoan nhất.

Các ngươi có hiểu ý của vi sư không?
Nghe đến đây, bốn mươi lỗ tai như được làm sạch điếng, từng chữ từng chữ một đều bị gặm nhấm sạch sẽ.

Lời nói của đại trưởng lão như thấm sâu vào lòng người, khiến cho ai nấy có cảm giác bản thân sáng suốt hơn hẳn.

Nghe đại trưởng lão hỏi, lúc này cả đám mới tỉnh hồn, từ trong một mớ suy tư hỗn tạp tỉnh lại, tất cả chắp tay cúi đầu đồng thanh đáp:
- Tạ sư tôn chỉ điểm.
Trong lòng ai nấy cảm khái không thôi, thực sự lời chỉ dạy của đại trưởng lão hết sức chí lý, hết sức bất phàm.

Chỉ một vài câu nói đã chỉ ra được ưu điểm khuyết điểm của từng người, đồng thời đưa ra phương hướng tu luyện trong tương lai để phát huy hết tiềm năng từng người một, không hổ danh là đại trưởng lão Ứng Thiên Tông.

Ai cũng biết ở Ứng Thiên Tông công pháp điển tịch không thiếu, cái thiếu đó chính là con đường.

Nếu cái gì cũng biết mà không tinh thông cái nào, vậy cũng giống như một bộ y phục chắp vá từ nhiều loại vải, nhìn thế nào cũng không thuận mắt, đừng nói chi bán được giá cao.

Đợi một lát cho đám đệ tử kia lĩnh hội đại ý tổng quan, đại trưởng lão mới chậm rãi tiếp lời:
- Ngự Khí cảnh giới, sở dĩ gọi là Ngự Khí mà không phải là luyện khí, bởi vì cho dù một người khí lực có dồi dào, cường đại bao nhiêu mà không thể sử dụng được thì cũng vô dụng.

Cũng giống người tài mà không có đất dụng võ, dù tài giỏi bao nhiêu chăng nữa cũng bằng thừa.

Cho nên cái quan trọng nhất của Ngự Khí cảnh giới không phải là khí lực nhiều bao nhiêu, mà là các ngươi có thể phát huy ra được bao nhiêu.
- Ta đoán hẳn là trong đám các ngươi trước đây đều chạy theo số lượng, dùng vô số linh đan diệu dược, các loại linh thảo quý hiếm để tăng cường khí lực, thúc ép bản thân phá giai.

Nhưng ta cũng nói để các ngươi biết, đến tầng sáu Ngự Khí viên mãn, nếu không thể tự thân ngộ đạo tu hành, mở ra Diệt Thần cảnh giới, dù có ăn hết linh đan diệu dược trên thiên hạ này chăng nữa cũng không thể đột phá tầng bảy Ngự Khí được đâu.

Nói cách khác, dù thân thể các ngươi có tốt bao nhiêu, khí lực tinh khiết cỡ nào, cũng không thể phát huy ra uy lực chân chính của cảnh giới Ngự Khí tầng bảy.

Khi nào đến đó, các ngươi sẽ tự khắc rõ.
- Cho nên ta muốn nhắc nhở các ngươi, đừng nên cố gắng thúc đẩy khí lực tăng tiến quá nhanh mà phải chú ý tôi luyện khí lực cho thật tinh thuần, công pháp nhuần nhuyển, thân thể dẻo dai, thần trí vững vàng, đạo tâm kiên định.

Đến khi nào bản thân có thể tùy thời khống chế được toàn bộ lực lượng bên trong cơ thể, lúc đó mới nên nghĩ đến chuyện bước một bước tiếp theo.
- Cuối cùng là Diệt Thần.

Cảnh giới này chính là đúc kết nguyên thần, xây dựng nguyên thần, củng cố nguyên thần.

Nguyên thần có hai loại, một là Vạn Chấp Nguyên Thần, hai là Vô Tướng Nguyên Thần.

Tuy đều là nguyên thần nhưng tính chất hai loại này lại không hề giống nhau.

Kết ra nguyên thần nói khó không khó, nói dễ không dễ, nhưng kết quả của việc đúc kết nguyên thần hôm nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình kết đạo về sau.

Việc này hôm nay ta chỉ nói đến đây, tương lai sau khi các ngươi tiến nhập nội môn tất sẽ có người chỉ điểm cặn kẽ hơn.

Còn bây giờ các ngươi chỉ nên tập trung vào hai cảnh giới đầu tiên, đó là Phá Thể và Ngự Khí mà thôi.

Chỉ cần hai nền tảng này đặt xuống vững vàng, tương lai cảnh giới Diệt Thần còn lo đi không thông hay sao?
Đại trưởng lão nói xong chậm rãi đảo mắt nhìn hai mươi đệ tử hồi lâu, thấy cả đám người bên dưới dường như đang thắc mắc rất nhiều thứ, nhưng lại không biết nên hỏi cái gì, bắt đầu từ đâu, lão tiếp:
- Cái gì có thể nói ta đã nói hết.

Các ngươi có thể trở về từ từ lĩnh hội.

Từ ngày mai trở đi ta sẽ chỉ điểm các ngươi về Chiêm Tinh Thuật.

Các ngươi vốn là anh tài một phương, không xa sẽ trở thành nội môn đệ tử, hôm nay ta dạy các ngươi sớm một chút, tương lai tiện cho các ngươi xác định phương hướng tu hành.

Còn tương lai thế nào, liền phải xem sự nỗ lực của các ngươi rồi.

Hôm nay đến đây thôi, các ngươi đều về cả đi.
Chúng đệ tử bên dưới chắp tay cúi đầu đồng thanh nói:
- Cung tiễn sư tôn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.