Tiên Lộ Yên Trần

Quyển 2 - Chương 18






TIÊN LỘ YÊN TRẦN
Nguyên tác: Quản Bình Triều.
Dịch thuật: Văn Đàn Việt Nam
Quyển 2: Nhất kiếm thập niên ma tại thủ.
-----o0o-----

Chương 18: Mị nguyệt kiều hoa yêu địch bộ.

Lâm phong địch bộ, hoa nguyệt tùy thân.




Lúc Tỉnh Ngôn đang do dự vì sinh kế, lại nhìn thấy cây sáo "Thần Tuyết" trong tay, lòng lập tức có chủ ý.

Thì ra, thiếu niên bỗng nhớ đến mấy ngày trước, khi đi qua kĩ phường "Hoa Nguyệt Lâu" lớn nhất Nhiêu Châu thành, vô tình nhìn thấy trên bức tường ngay cổng Hoa Nguyệt Lâu dán một bảng thông báo lớn màu đỏ, trên đó ghi "Cần người thổi sáo"...Lúc đó Tỉnh Ngôn cũng chỉ tạt qua vô tình thấy, đương thời không hề nghĩ có quan hệ gì với mình. Lúc này bản thân đã mất chén ăn cơm ở Đạo Hương Lâu, lại được cao nhân xem trọng tặng cho sáo, nói một cách khác, Tỉnh Ngôn nhớ lại bảng thông báo đó. tức thì chuyện không có liên quan đến mình, chợt biến thành cần câu cơm cho mình.

Chỉ là thời gian đã qua bốn năm ngày, không biết đã có người nhanh chân đến trước hay chưa. Hiện tại đi Hoa Nguyệt Lâu ứng sính, gần như đã thành hy vọng duy nhất của Tỉnh Ngôn, thiếu niên không khỏi suy được tính mất, lật đật gia tăng nhịp chân, nhắm hướng kĩ phường "Hoa Nguyệt Lâu" bôn bả đi đến.

Kì thật, chính vì "Quan tâm thì loạn", lần này Tỉnh Ngôn đã lo lắng vô ích. Nghĩ xã hội bây giờ, nam tử có thể thổi được hai bài sáo, không ngoài đám con cháu nhà có tiền, văn nhân nhã sĩ; nhưng bọn họ hiển nhiên không thể chịu nương thân vào kĩ phường thấp hèn, tranh giành chén cơm của Tỉnh Ngôn; Còn những con cháu nhà nghèo có đủ lý do để tranh giành chén cơm với Tỉnh Ngôn, thì căn bản không có tâm tư, cũng không có thời gian rảnh để đi học, mà cho dù trong bọn họ có người muốn học, cũng không nhất định có cơ hội này. Tỉnh Ngôn nhờ ơn cha y, có thể nghe Quý lão học cứu chỉ dạy, có thể nói là rất hiếm trong đám con cháu nhà nghèo.

Còn trong giới nữ, thì không thiếu người chơi nhạc. Chỉ là ở Nhiêu Châu tiểu thành này, trong hạng trăng hoa thì thật sự không tìm được mấy nhân tài; Hà huống trong nghề sáo này có mấy câu đặc thù thế này: "Trúc âm thích hợp với nữ nhân, duy chỉ có ống sáo là có thể chơi tạm chứ không chơi thường được. Nam tử nghiêng về thanh, nữ tử nghiêng về dung mạo, lúc thổi sáo, thanh thì có thể nghe, nhưng dung thì khó mà nhìn". Lời này nói cũng không sai, nghĩ lúc nữ nhân thổi sáo, phùng mang rướn cổ, dù cho hoa dung đẹp đẽ thế nào cũng biến thành khó nhìn!

Nhưng tuy nói như thế, trong ban nhạc của kĩ phường, sáo lại là nhạc cụ không thể thiếu. Ban nhạc đàn sáo nếu muốn âm luật hài hòa, thì chủ yếu phải dựa vào sáo.


Vì vậy, thiếu niên Tỉnh Ngôn không biết bản thân chính là nhân tài hiếm hoi, lại hết sức lo lắng gấp gáp. Đợi khi y đến trước Hoa Nguyệt Lâu, vui mừng vì thấy tấm bảng thông báo đỏ đó vẫn còn nguyên, liền vội vàng cản Quy công đứng đó đang thao thao bất tuyệt vì tưởng bản thân là khách hàng, trực tiếp biểu hiện rõ ý. Nghe lời này, lại đánh giá xem xét dáng vẻ của Tỉnh Ngôn, Quy công canh cửa này có chút do dự; Bất quá đã nhiều ngày rồi mà chưa có ai ứng sính, dù sao cũng có người đến rồi, cứ đi báo cho Hạ di biết, Hạ di này chính là chủ chứa của "Hoa Nguyệt Lâu", cách làm người có chút quái dị, chủ chứa của các lầu hoa bên cạnh đều thích người khác gọi là "Mụ mụ", chủ chứa của Hoa Nguyệt Lâu lại thích người khác kêu mụ là Di.

Sau khi thông báo được cho phép, Tỉnh Ngôn liền theo Quy công đó tiến vào trong, thấy được Hạ di hơn ba mươi tuổi, vẫn còn phong vận. Có lẽ đúng là khó kiếm người thổi sáo, chưa qua thẩm nghiệm bao nhiêu, Tỉnh Ngôn chỉ là lấy sáo ngọc thổi qua mấy tiểu khúc đơn giản, liền qua được thẩm tra của Hạ di. Chủ chứa Hạ di đó đối với trình độ nghiệp vụ của Tỉnh Ngôn thì không mấy quan tâm, ngược lại cảm thấy hứng thú với cây Thần Tuyết trong tay y, truy hỏi thiếu niên áo vá này từ đâu có được sáo tốt như thế.

Nghe Hạ di hỏi, Tỉnh Ngôn cũng không thêm thắt che giấu, đem sự tình sáng nay nói qua. Hạ di nghe xong không khỏi cảm thán, khen số mệnh y rất tốt, gặp được dị nhân!

Sau khi được bố trí ổn thỏa, thiếu niên Tỉnh Ngôn phát hiện bản thân đối với công việc mới này hết sức mãn ý.

Làm nhạc công ở Hoa Nguyệt Lâu, tuy tiền công cũng không coi là nhiều, nhưng cao hơn nhiều so với việc vặt trước đây của y. Hơn nữa, chỗ tốt nhất chính là Hoa Nguyệt Lâu bao ăn ở, giải quyết khó khăn trong sinh hoạt mấy năm qua của thiếu niên. Điều khiến thiếu niên vui vẻ ngoài ý chính là, nghe Hạ di nói, nếu bản thân gặp vận may, gặp phú gia tử đệ khoe mẽ chơi sang, nói không chừng còn có thể có tiền thưởng ngoài mức, tuy tiền thưởng này kĩ lâu đã trừ đi một phần ba, nhưng đối với Tỉnh Ngôn trước giờ chưa từng có tiền dư, đây đã xem là thu nhập quá tốt rồi.

Đối với thiếu niên mà nói, vẫn còn có một chỗ tốt. Tuy Hoa Nguyệt Lâu này là kĩ phường lớn nhất Nhiêu Châu thành, nhưng rốt cuộc Nhiêu Châu thành không lớn, cũng không phải nơi quan yếu gì, khách thương vãng lai không quá nhiều. Vì vậy ở trong Hoa Nguyệt Lâu này, ban nhạc bọn họ vào ban ngày căn bản không có việc gì làm, chỉ có tối đến mới có khách nhân kêu cô nương bồi rượu, nghe ban nhạc tấu khúc. Thế là thiếu niên nhân lúc ban ngày rảnh rỗi, đi nghe Quý lão tiên sinh giảng bài, hoặc làm mấy việc vặt vãnh khác.

Đương nhiên, nói đến quay lại lớp học của Quý gia tư thục, Tỉnh Ngôn căn bản cũng không nghĩ đến khả năng có thể bị bạn học của y cười nhạo. Suy cho cùng đối với y mà nói, tìm được chén cơm mới là quan trọng hàng đầu, chỉ cần kiếm được tiền, chuyện thấp kém hơn y cũng phải làm. Sự thật mấy năm nay, tên cùng khổ tử đệ Tỉnh Ngôn, ở trong Quý gia tư thục, bất tri bất giác đã tích lũy được thành tích uy vọng nhất định trong lớp, một thiếu niên sơn dã như y, không chỉ đọc sách mau lẹ thông duệ, còn có thân thể cường tráng, trèo cây bắt chim, xuống sông bắt cá, trong mắt đám thiếu niên cùng tuổi, y giống như thần thông quảng đại. Bình thường lúc giải lao chơi đùa, Tỉnh Ngôn nghiễm nhiên chính là một vị vua con!

Lúc này đám thiếu niên đó còn chưa hoàn toàn trưởng thành, quan niệm môn đệ đẳng cấp còn không phải quá gay gắt. Hơn nữa, cho dù bọn chúng biết Tỉnh Ngôn nương thân vào kĩ phường làm nhạc công, nhưng cũng không dám dễ dàng cười nhạo, nếu trở mặt với tai mắt của Hoa Nguyệt Lâu, nếu ngày nào đó bản thân đến đây để làm lễ trưởng thành, vạn nhất bị y nhìn thấy đi bêu rếu khắp nơi thì đúng là hết sức không hay!


Nói đến "Hoa Nguyệt Lâu" mà thiếu niên vừa xin được chén cơm, là một tòa kĩ phường quy mô lớn nhất trong Nhiêu Châu thành, nằm ở mặt tiền đường, lưng hướng Bắc mặt hướng Nam. Hoa Nguyệt Lâu này tuy rộng lớn, phòng ốc không ít, nhưng bộ mặt lầu thì không hề hoành tráng. Cổng chào sát đường làm thành hai tầng, trên dưới đều sơn màu đỏ, ở giữa vẽ hình chim hoa hợp hoan, rất hợp với khí phái kĩ lâu. Chỉ là qua nhiều năm không tu sửa, màu sắc cũng đã xỉn, có mấy chỗ bong tróc ra.

Hai bên cổng chào của Hoa Nguyệt Lâu, có hai câu đối chia hai bên, viết:

Thái y nhân tức thị bạch y.
Nhất dạng từ hàng năng giải thoát.

Hai câu đối này không biết người nào làm, hết sức khôi hài thú vị. Trong câu đối cố tình xuyên tạc thuyết "Giải thoát" của Phật gia, cả câu đối cũng có ý trêu chọc Bạch y quan âm. Tuy câu đối này có ý bất kính đối với Phật môn, nhưng lúc đó chính là đang bài Phật sùng Đạo, đối với câu đối này, mọi người đều coi là bình thường.

Bất kể thế nào, thiếu niên mười sáu tuổi Trương Tỉnh Ngôn, sau khi làm bể chén cơm từ công việc hầu bàn yêu quý của y, thì chính thức trở thành một thành viên của ban nhạc trong kĩ phường Hoa Nguyệt Lâu, lớn nhất ở Nhiêu Châu thành Cống Châu phủ.

Chẳng qua, làm cho thiếu niên lúc này cảm giác có chút lỗi lầm chính là, sau khi giải quyết tốt vấn đề ăn ở, tấm lòng hướng đạo của y, bất giác lại dần dần mất đi...



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.