Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 54: Cá tử đằng tiễn xuân




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Thẩm Thiều Quang giao lại trọng trách chọn gà con cho A Viên, nàng đi rửa tay, bưng nước lên cho Lâm Yến: “Hôm nay lang quân ăn món gì?” Bây giờ còn chưa tới giờ cơm trưa đâu, sao đã tới rồi?

“Mấy ngày nay bà nội ta ăn không được ngon, luôn cảm thấy nhạt miệng, vì vậy mỗ tới xem một chút xem có món nào tươi mới thích hợp hay không.”

Nhạt miệng à… Tiếc là hiện giờ chân giò muối còn chưa đủ độ, nếu không thì có thể thử món chân giò muối trộn rau dền.

Cắt chân giò muối ra thành sợi, dùng hỗn hợp ba loại tương trộn với rau dền, đây là “toa thuốc” mà Đường Lỗ Tôn tiên sinh kê cho Trương Hận Thủy.

Ban đầu Trương Hận Thủy viết “Gia tộc Kim Phấn” lúc Kim thất thiếu Kim Yến Tây sinh bệnh, muốn ăn vài món thanh đạm thì trong đó có một món là “gỏi chân vịt”.

Đường tiên sinh cho rằng con cháu nhà phú quý không thể nào sinh bệnh còn ăn cái món khó tiêu này, cho nên kiến nghị Trương Hận Thủy đổi thành chân giò muối trộn rau dền.

Sau đó Trương tới Trùng Khánh bị mắc bệnh sốt rét, khẩu vị không tốt, nhớ tới món ăn thanh đạm này mới bảo người ta làm thử xem sao, sau đó viết thư cho Đường tiên sinh: “Cái món thanh nhàn này nay đã được nếm.”

Chắc hẳn món này sẽ hợp khẩu vị của thái phu nhân Lâm phủ thôi, tiếc là… Nghĩ tới rau dền, Thẩm Thiều Quang lại nhớ tới chuyện Lâm thiếu doãn vì kiêng kỵ tên của nàng mà chỉ nói “cái trước” và còn cả sắc mặt hắn lúc đó, lại nhớ tới chuyện “giết ăn thịt” vừa rồi, Thẩm Thiều Quang không khỏi nghĩ, sao mà mình cứ trêu chọc cái người đứng đắn này vậy?

Để tỏ vẻ mình đã thay đổi triệt để, dù cho trong đầu đầy ý nghĩ không đứng đắn nhưng ngoài miệng Thẩm Thiều Quang vẫn rất đứng đắn: “Thái phu nhân cảm thấy nhạt miệng không có khẩu vị có lẽ là vì gặp thời tiết thế này nên bị thiếu nước thôi. Vào chừng thời gian này thì tốt nhất là uống một chút canh hạt sen táo đỏ nấm tuyết, canh nấu hơi sền sệt, bao giờ ăn thì thêm một chút mật ong để tạo vị, có tác dụng nhuận phổi trừ hanh, điều trị dạ dày.”

Lâm Yến gật đầu, cười ôn hòa: “Đa tạ cô nương.”

“Nếu như dạ dày vẫn tốt, chỉ là do chán đồ ăn bình thường rồi thì ở chỗ ta có mấy món tươi mới hợp mùa.” Làm gì có chuyện để khách tới rồi về không? Dù sao cũng phải có chút đồ “bịt miệng” mới được.

“Lang quân có thể nếm thử trước.” Thẩm Thiều Quang cười nói.

Lâm Yến gật đầu: “Vậy làm phiền.”

Thẩm Thiều Quang bảo hắn chờ một chút, sau đó đi ra hậu viện. Ở góc nhà có rất nhiều cây do chủ cũ trồng, cả đám chen chúc, trông cũng không đẹp lắm, Thẩm Thiều Quang chặt hết đám cây nàng không cần, chỉ giữ lại một cây tử đằng, lại thường xuyên tưới nước bón phân, tới giờ là cuối xuân, gốc cây vốn khô cằn dở sống dở chết đã sinh sôi bám kín nửa bức tường.

Nhiều hoa như vậy đương nhiên là không thể chỉ để ngắm, mấy hôm nay Thẩm Thiều Quang một ít làm mật một ít làm kẹo, rồi làm mấy lồng bánh bột tử đằng, ép lấy nước trộn bột nếp làm bánh ngọt tử đằng, hay là pha trà tử đằng, nấu cháo tử đằng, thậm chí còn trộn với thịt làm nhân hoành thánh sủi cảo, nhưng ăn tới ăn đi, Thẩm Thiều Quang cảm thấy chiên lên đơn giản gọn gàng mà lại ngon nhất!

Thẩm Thiều Quang hái mấy chuỗi hoa tử đằng mới nở, lại chẳng biết ngại vặt một nắm lá dâu non của cây dâu nhà bên mọc vượt qua tường, mang về rửa sạch với nước, hoa tử đằng thì lăn sữa bò trứng gà bột súng rồi chiên, lá dâu non thì thêm muối, trứng gà, bột súng rồi chiên. Chiên đến khi đều đã giòn cả thì vớt ra đĩa để ráo dầu, trên hoa tử đằng thì rắc đường, cạnh lá dâu chiên thì đặt một đĩa nhỏ muối tiêu.

541

Lại thêm mấy loại bánh ngọt Vu Tam mới làm như đậu phụ chiên vàng, thanh đoàn, bánh sơn tra, bánh hoa tuyết cho đầy khay, vì cũng không phải món cầu kỳ sang trọng gì nên đồ uống cũng chỉ là một bát nước sắn dây, đặt hết lên khay lớn rồi bưng ra.

“Mời lang quân nếm chút cá tử đằng tiễn xuân.” Thẩm Thiều Quang cười nói. Hoa tử đằng nở xong thì cũng bước sang mùa hạ rồi.

Hoa tử đằng chiên lên có lớp vỏ ngoài vàng ươm, bên trong lại lộ ra chút màu tím, vì để nguyên cả chuỗi chiên lên nên đúng là có hơi giống cá thật.

Lâm Yến gắp một miếng cá tử đằng lên ăn, ăn xong thì mỉm cười khen: “Hương vị rất ngọt ngào.”

Thẩm Thiều Quang lại nói: “Thiếu doãn nếm thử bánh lá dâu này xem. Thiếu doãn ngày ngày trông nom ruộng lúa vườn dâu, nhưng sợ là chưa từng tự mình thưởng thức món này bao giờ nhỉ?” Vị huynh đệ này sẽ không chê đây là đồ ăn của tằm rồi không chịu ăn chứ?

Đũa trên tay Lâm Yến hơi khựng lại, mắt ngước lên bắt gặp ánh mắt tinh quái của Thẩm Thiều Quang thì dời sang chỗ khác, điềm nhiên như chưa từng xảy ra chuyện gì gắp một miếng lá dâu rán, lại chấm một chút muối tiêu bên cạnh, bỏ vào trong miệng chậm rãi nhai.

“Cũng rất được.” Ăn xong thì gật đầu nói.

Thẩm Thiều Quang gật đầu, được, cũng rất phàm trần, hơn nữa bây giờ dường như Lâm thiếu doãn đã hình thành một thói quen tốt đẹp là khen.

Đúng là một thói quen tốt!

Mặc dù trình độ mới chỉ dừng lại ở giai đoạn “rất được”, mấy câu khen bên Khúc Giang hôm Tết Thượng Tị có lẽ có thể tính là hàng độc trước không có sau cũng không có, nhưng Thẩm Thiều Quang cũng đã rất thỏa mãn – nàng cảm thấy, ở phủ Kinh Triệu mà có thể nhận được một câu “rất được” của vị thiếu doãn này e là không phải chuyện dễ dàng gì, mà mấu chốt là phía sau cái “rất được” này luôn có một khoản tiền boa hậu hĩnh…

Thẩm Thiều Quang cười híp mắt nói: “Lâm lang quân chậm rãi thưởng thức.” Sau đó thì quay lại chỗ A Viên xem nàng ta chọn gà con.

Thấy A Viên muốn đi lấy hạt kê cho gà ăn luôn, Thẩm Thiều Quang ngăn nàng ta lại: “Cho uống nước trước, sau đó cho ăn thử một ít bột kê ướt xem sao đã.”

A Viên hơi ngờ vực, bởi vì trước kia ở cửa hàng gạo thì Từ nương tử đều lấy kê cho gà ăn luôn, nhưng vì xuất phát từ sự tin tưởng tuyệt đối vào cô nương nhà mình, nàng ta thật sự tới phòng bếp dùng đĩa trộn một ít bột kê ướt rồi đặt vào trong thùng gỗ.

“Úp cái bát lên đĩa đựng nước, kẻo gà con rơi vào ngấm nước lại bị lạnh.” Thẩm Thiều Quang lại chỉ huy.

A Viên gật đầu, cô nương chu đáo thật đấy! Thế là úp bát vào theo lời Thẩm Thiều Quang.

“Ước chừng sức ăn của gà con, đừng có cho nhiều đồ ăn cùng một lúc, bây giờ trời nóng lên rồi, đồ ăn dễ bị lên men, ăn rồi sẽ bị tiêu chảy.”

“Vài hôm nữa thì cắt chút cỏ dại rau quả linh tinh bỏ vào.”



Lúc Thẩm Thiều Quang còn bé đúng là từng nuôi gà trên sân thượng nhưng mà cũng chỉ là tay mơ, còn chưa nuôi được thành vũ khí sinh hóa gây tai họa cho không khí trong nhà, lại càng còn lâu mới có thể giết ăn thịt được thì đã chết yểu rồi. Nhưng mà chuyện này cũng không gây trở ngại cho Thẩm Thiều Quang chỉ đạo.

Về những việc Thẩm Thiều Quang dặn bảo, A Viên hoàn toàn chẳng hề có ý kiến gì, đều gật đầu vâng lời hết, Vu Tam ở bên trong nghe được thì xì môi cười.

Gió mát lọt qua bên dưới khe cửa sổ dán giấy, trên chiếc bàn đối diện bày những món điểm tâm xinh đẹp đậm hơi thở mùa xuân, bên tai là tiếng “chích chích” và “kỹ thuật nuôi gà” của Thẩm cô nương, Lâm Yến không khỏi mỉm cười, có thể thương cảm khi xuân đi, lại cũng rành đồ ăn thức uống của gà, Thẩm cô nương này…

“Chờ lớn hơn chút nữa là có thể thả trong vòng rào rồi, hàng rào phải đan dày một chút, không thì chúng chui ra ngoài là thành tai họa cho cả vườn rau.”

“Trong vườn rau có sâu, không phải vừa khéo để chúng bắt ăn luôn sao?”

“E là gà còn tai họa hơn sâu nhiều đấy. Được rồi, ngươi nhớ nhắc ta phải tỉa bớt rau mầm đấy, dưa chuột cũng phải bắc dàn trước.”

“Cây nho cô nương giâm hôm trước đã ra lá mới rồi, có phải năm nay chúng ta sẽ có nho để ăn không?”

“Cái đó thì không đâu, phải còn chờ nữa, ít nhất cũng phải hai ba năm mới ăn được chứ?”

“Hai ba năm cũng chờ.”

“Thêm đường với nho là có thể ủ rượu nho, mặc dù ta chưa từng ủ, nhưng nếu tới khi đó mà nhiều trái thì có thể thử xem. Thịt nấu với rượu nho thì ngon lắm đấy.”



Nghe chủ tớ hai người kia nói chuyện lặt vặt, liếc mắt nhìn bức tranh quán nhỏ nơi thôn dã treo trên tường, Lâm Yến uống một hớp nước sắn dây, nghe ra được một chút ý tứ “Rượu khà đàm luận dâu xanh tơ tằm” của Mạnh Tương Dương*.

* Trích “Quá cố nhân trang” (Tới thăm nhà bạn cũ) của Mạnh Hạo Nhiên, nghĩa là: Nâng chén rượu nói toàn những chuyện trồng dâu trồng gai. Mạnh Hạo Nhiên tên Hạo, tự Hạo Nhiên, hiệu Mạnh sơn nhân, người Tương Dương (nay là huyện Tương Dương tỉnh Hồ Bắc). Ông từng làm quan nhưng không thích chốn quan trường nên lui về ở ẩn, viết văn làm thơ về quê hương. Lý Bạch rất ngưỡng mộ tài năng và học vấn của ông (chương trình Ngữ văn THPT có bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lý Bạch viết nhân ngày tiễn Mạnh Hạo Nhiên).

“Thẩm cô nương…” Hai phường đinh Lưu Kim, Vương Thanh tới.

Thẩm Thiều Quang nghênh đón.

“Sổ đất của cô nương…” Lưu Kim liếc mắt thấy Lâm Yến đang ngồi cạnh cửa sổ thì vội vàng kéo Vương Thanh tới hành lễ.

“Hai vị thế này là?”

“Bẩm thiếu doãn, mỗ đưa sổ đất tới cho Thẩm cô nương.” Lưu Kim cung kính bẩm báo.

“Cô nương mới mua hai tòa nhà chỗ này, vừa mới làm xong sổ đất.” Vương Thanh cười ngây ngô, giải thích.

Lưu Kim liếc mắt nhìn đồng bạn, lấy lòng cũng không biết cách lấy, Thẩm cô nương mua nhà, chẳng lẽ vị Lâm thiếu doãn này lại không biết sao? Xem ra suy đoán lúc trước của ta không hề sai, người tôi tớ họ Lưu kia rõ ràng chỉ là làm việc thay chủ nhân hắn, người có dính líu với Thẩm cô nương là vị thiếu doãn này.

Lâm Yến liếc mắt nhìn Thẩm Thiều Quang, thực sự hắn không ngờ rằng nàng lại có thể nhanh chóng mua được nhà ở kinh thành như vậy, mặc dù làm sổ đất phải qua phủ Kinh Triệu nhưng nào cần tới thiếu doãn đích thân đóng dấu từng sổ một? Đương nhiên là có lục sự chuyên phụ trách việc này. Lâm Yến không khỏi nhớ lại cảnh gặp nàng trước cửa cung ngày đó…

Lưu Kim vừa nhấc mắt lên lại vội vàng tránh đi, chậc chậc, ánh mắt thế này, thiếu doãn đã hãm mình không cạn đâu…

Thấy bọn họ quan lớn với cấp dưới dưới dưới dưới dưới không biết bao nhiêu bậc nói chuyện xong xuôi, Thẩm Thiều Quang cảm tạ hai phường đinh, lấy được sổ đất của mình, vốn là muốn mời bọn họ buổi trưa ở lại quán rượu nhỏ uống chén rượu nhưng ngại Lâm thiếu doãn ở đây, sợ là bọn họ sẽ không dám, cho nên cũng chỉ đành khách khí vài ba câu, mời bọn họ hôm khác trở lại.

Lưu Kim liền nói “Không dám”, bảo Thẩm Thiều Quang chớ khách khí.

Hai người Lưu, Vương hành lễ với Lâm Yến rồi cáo lui, lại lễ phép cáo biệt Thẩm Thiều Quang, cũng lên tiếng chào A Viên đang hí hoáy với mấy con gà con ở cửa, sau đó mới rời khỏi quán rượu Thẩm Ký.

Thẩm Thiều Quang cảm khái, tố chất của nhân viên công cụ cấp cơ sở ở kinh thành tốt thật đấy, là nhờ quản lý tốt sao? Nếu như muốn nịnh hót thì đương nhiên là sẽ tính công lên vị thiếu doãn đang tại vị này, nhưng thực ra thời gian tại chức của hai tên phường đinh này có lẽ còn dài hơn nhiều vị thiếu doãn này, phủ Kinh Triệu chăm đổi quan mà…

Thẩm Thiều Quang thì thật lòng hy vọng Lâm thiếu doãn có thể ngồi ở vị trí này lâu một chút, mặc dù vị huynh đệ này hơi mặt lạnh một chút nhưng nhân phẩm rất được, có thể làm được hết nhiệm kỳ này thì chứng tỏ là được hoàng đế công nhận, mà vị này còn rất trẻ, nếu lại thăng chức nữa, có khi về sau có thể lên tới hàng tướng.

Trong lúc Thẩm Thiều Quang đang lo nghĩ tới con đường làm quan của Lâm Yến thì Lâm Yến vẫn đang nghĩ ngợi xem có nên tặng lễ mừng nhà mới cho Thẩm cô nương không, lại ngạc nhiên không hiểu tại sao mình lại có ý nghĩ như vậy, chẳng qua chỉ là chủ quán và thực khách khá quen mà thôi.

Thẩm Thiều Quang nghiêng đầu, thấy Lâm Yến khẽ nhíu mày như đang nghĩ ngợi gì đó, ây chà, quan lớn cũng không tốt, thử nhìn một chút mà xem, ngay cả lúc ăn cũng không được yên, không biết là đang suy nghĩ tới quốc kế dân sinh hay là chuyện bè cánh đấu đá… Dân thường như bọn ta đây thì chẳng phải lo nghĩ nhiều như vậy!

Thẩm Thiều Quang lại nghĩ lại, không, ta muốn làm một dân thường mặc lăng la*, ăn thịt quay, có nhà to ở Chung Nam, tốt nhất là còn có đại trạch ở trong thành!

* Thời cổ đại, những người giàu có và những người có địa vị đều mặc áo từ lăng la, chỉ có người nghèo mới mặc áo vải.

Trước khi Lâm thiếu doãn ra về, Thẩm Thiều Quang tặng hắn một hộp nhỏ mật hoa tử đằng: “Thái phu nhân đã có tuổi, dù sao cũng không nên ăn quá nhiều chất béo, cái này pha với nước nóng rồi uống hoặc là để nhà bếp làm chút điểm tâm, cũng coi như là một món mới mẻ dịp cuối mùa.”

Cùng ngày, Thẩm Thiều Quang nhận được quà đáp lễ của Giang thái phu nhân – một bức thảm thêu Tuyên Châu dài chừng bảy tám thước, rộng chừng hơn ba thước, giữa thảm là cảnh xuân Giang Nam, mưa bụi nhạt nhòa, chú bé mục đồng, xung quanh được viền gấm màu nâu thanh nhã, nhìn qua có vẻ giống một món đồ lâu năm.

Lúc còn ở trong cung, Thẩm Thiều Quang từng nhìn thấy thảm Tuyên Châu thêu hình cây mẫu đơn còn lớn hơn vậy, tráng lệ hơn vậy, nhưng lại không thanh nhã như vậy.

Nhìn chú bé mục đồng trên thảm, nhìn lại chú bé ngồi trước quán nhỏ trong tranh của mình, ôi chao, vậy chứ cũng giống thật đấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.