Tiệc Báo Thù

Chương 9




Nhà bếp và bàn ăn không chỉ là nơi sản xuất giao lưu với thực phẩm, nó còn là nơi ươm trồng và truyền bá vô số lời đồn đại. Lý Vạn Tường đã nghe nói Đới Hướng Dương là một trưởng giả học làm sang, Lương Tiểu Đồng - một anh nhà giàu thế hệ thứ hai càng trưởng giả học làm sang hơn nữa, nhưng điểm nổi bật của Tiêu Tương ở chỗ nó không có mục đích kinh doanh kiếm lời, nhất là lầu chính, kiến trúc của nó là một trong những lầu Ba Khắc được bảo trì tốt nhất, đây chính là nền tảng nhân văn vốn có! Huống chi, lầu chính về cơ bản là mang màu sắc tư nhân, số phòng ăn, số chỗ ngồi đều có hạn và phải đặt trước, nên Lý Vạn Tường sẽ không bị động ứng phó và có thể dồn tâm trí cân nhắc điều chỉnh từng tác phẩm ẩm thực do ông làm ra, coi chúng như một cách thể hiện văn hóa.

Cho nên, khi cô gái tên Chân ở quầy tiếp tân chạy vào nói với ông rằng gian Túy Hoa Âm có thêm một bàn ăn ba người, cũng đã chọn các món, thì Lý Vạn Tường có phần không vui. Vì hôm nay là ngày khai trương, bữa trưa bữa tối đều đã đặt chỗ, nhất là bữa tối, không còn bàn nào, ông có hai phụ bếp cố định và còn gọi thêm hai phụ bếp thời vụ - một trong số đó là đầu bếp trẻ có kinh nghiệm nấu ăn, 3 giờ chiều hai người ấy sẽ đến. Bữa trưa bỗng nhiên thêm thực khách, mà đầu bếp thực sự chỉ có mình ông thì sẽ rất khó ứng phó, và điều đáng nói là sẽ làm hỏng cả quá trình làm việc yêu cầu rất cao của ông.

“Ông chủ nào bổ sung thêm thực khách?” Lý Vạn Tường cho rằng, bất ngờ bổ sung khách là việc chỉ một trong hai chủ nhân làm nổi chứ không thể là ai khác.

Chân nói, “Không rõ ạ. Cháu chưa kịp hỏi. Thật ra mọi người ở hội quán đều có thể đặt chỗ, cháu vừa hỏi Cù Đào, anh ấy cũng không biết. Bây giờ tìm hiểu cho rõ là không cần thiết, khách thì đã đến rồi, bác chịu khó vất vả một chút vậy!”

“Vấn đề không phải là vất vả…” Lý Vạn Tường cũng biết cô ta không thể nói rõ được, mình khỏi cần lãng phí thời gian, “Được! Địch đến có tướng ngăn, chúng tôi sẽ xoay sở được, cô cứ để thực đơn lại đây!”

Chân định nhắc rằng thực đơn hiển thị ở màn hình LED treo ngay trên đầu bác, nhưng nhìn khuôn mặt ông ta đầy nếp nhăn, cô lại mỉm cười, “Vâng. Cháu sẽ in một bản gửi bác.” Rồi cô quay ra.

Lý Vạn Tường đăm đăm nhìn theo bóng cô gái đi xa dần, ông rất mến cô ta, không phải mến theo kiểu các bác già “mất nết” mà là mối thiện cảm như đối với con gái, đối với thế hệ sau. Có lẽ, trong lòng người đàn ông độc thân này vẫn còn một thứ tình cảm của người cha, chưa được khai thác, chưa héo khô, và không có nơi để gửi gắm.

Ông không biết nhiều về Chân, nhưng nhìn từ một góc độ nào đó thì cô hơi bí hiểm. Trông cô như bình hoa, nhưng không phải loại bình hoa di động mà người vẫn chế giễu, nói cách khác, Chân như một lọ hoa sứ hoặc ly rượu mong manh, lung linh sắc màu, rất cần được nhẹ nhàng nâng niu. Những ai quen biết Chân đều biết rằng, tuy có giọng nói êm ái nhẹ nhàng nhưng cô làm việc rất quyết đoàn, nhanh nhẹn và chu đáo, hoàn toàn có thể độc lập tác chiến. Cô là do Đới Hướng Dương đích thân sắp đặt đến hội quán kiêm nhiệm vài việc: vừa trực quầy vừa phụ trách tiếp tân. Liệu cô có phải hạng “con nuôi” hoặc vợ hờ của Đới Hương Dưng như một số người đồn đại?

Chân thuê một gian nhỏ trong một ngôi lầu Ba Khắc cũ kỹ ít được tu sửa, Lý Vạn Tường đoán rằng tiền thuê ít ra cũng ngốn mất nửa tháng lương của cô. Ông từng tốt bụng gợi ý sẽ tìm cho cô một chỗ ở khác, giá rẻ, nhưng cô đã từ chối. Nói rằng mình không có xe riêng, lại sợ đi xe buýt dễ bị muộn giờ làm… cho nên chỉ muốn ở chỗ càng gần càng tốt. Hiện nay cô đang học lớp tại chức về tài chính kế toán, nên cần nhiều thời gian để học tập.

Chân nhất quyết thuê nhà ở Dư Trinh Lý… biết đâu, tin đồn cô ta có quan hệ với Đới Hướng Dương là thật cũng nên?

Nhưng ít ra cũng không có dấu hiệu cô ta dập dìu với Lương Tiểu Đồng. Anh chàng công tử ấy đã nhiều lần chớt nhả nhưng đều bị Chân khéo léo hóa giải.

Lý Vạn Tường thầm than thở mình đã già mà vẫn nghĩ lan man chẳng ra sao, nhìn sự đời chỉ thấy “đục ngầu”. Người già thì mắt dần mờ đục, có liên quan không? Đó là nguyên nhân hay kết quả? Rốt cuộc ông tự thấy rằng mình nghĩ nhiều chẳng qua chỉ vì quan tâm nhiều đến Chân, giống như sợ đứa con gái mình đi nhầm đường, bị tổn thương, nếu chiếc bình hoa nuột nà mong manh rơi xuống đất thì sẽ vỡ tan tành!

Không khí làm việc trong bếp bắt đầu khẩn trương. Lý Vạn Tường nhắc nhở hai phụ bếp: vì phải phục vụ thêm một bàn ăn nữa nên không thể nhẩn nha, phải nhanh tay và vẫn bảo đảm chất lượng. Lý Vạn Tường tuy rất được ngợi ca về tay nghề nhưng bầu không khí ở bếp và năng lực lãnh đạo của ông thì… thường bị chê bai. Vì ông quá đam mê kỹ thuật chế biến, yêu cầu gắt gao với bản thân, cho nên cũng yêu cầu quá cao với các phụ tá và người giúp việc nhà bếp, muốn họ phải làm thật tốt, phải duy trì quy tắc nhà bếp hết sức ngăn nắp. Đương nhiên là rất khó, bởi lẽ, nhà bếp khi bận rộn thì phải rối tinh rối mù, ô nhiễm hơn bên ngoài là chuyện bình thường, nhưng Lý Vạn Tường muốn nhà bếp sáng sủa như quầy trưng bày hàng mẫu, coi như hành tội các phụ tá rồi. Hai phụ bếp đến đây hôm nay đều có mục đích học nghề Lý Vạn Tường, cho nên dù bất mãn thì cũng không dám nói ra, chỉ thỉnh thoảng đứng hơi xa làu bàu một câu, không để đến tai Lý Vạn Tường.

Quạt hút mùi chạy hết công suất kêu ù cả tai, cũng là một trong các nguyên nhân khiến hai phụ tá ngầm oán trách. Lý Vạn Tường đã chỉ định mua quạt hút mùi nhãn hiệu Locke sản xuất ở Giang Kinh, vì nó có công suất mạnh nhất trên thị trường. Ông đã làm công tác tư tưởng cho hai phụ tá rằng các đầu bếp già đều mắc bệnh nghề nghiệp “hội chứng tổng hợp dầu mỡ và khói”, có hại với phổi, phế quản, tim mạch, dẫn đến tai họa béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư… Ngày trước điều kiện nhà bếp không tốt, nên các đầu bếp trở thành nạn nhân của dầu mỡ, các em thời nay may mắn, còn trẻ đã có máy hút mùi mà dùng, sao lại không vui vẻ dùng cho thoải mái? Tạp âm cũng có hại cho sức khỏe, nhưng các em nên xác định hậu quả nào mới nặng nề hơn.

Quạt hút mùi rú rít, tiếng soong chảo thìa bát đĩa va đập… át đi bất cứ âm thanh nào ở bên ngoài, ngoại trừ tiếng pháo nổ vang rền. Khi Lý Vạn Tường cảm thấy có gì đó không ổn là lúc món “Ốc sên - cua bể - dừa cau” vừa hoàn thành, cần đưa lên đại sảnh tầng hai nhưng không thấy ai xuống bưng lên, gần như đồng thời, hai món “Tùng châm kỷ tử” và “Dao trụ động thiên” dành cho gian Túy Hoa Âm cũng vừa nấu xong, đã bấm chuông báo hiệu một phút rồi cũng không thấy người vào bưng.

Lý Vạn Tường chưa nghiên cứu về quản lý khách sạn, nhưng nhà bếp và phòng ăn không phối hợp nhịp nhàng thì rõ ràng không phải một dấu hiệu tốt lành.

Anh chàng Kiến Vĩ lại lơ đễnh?

Hay Hoa Thanh tự ý rời khỏi vị trí?

Kiến Vĩ và Hoa Thanh, một nam một nữ sáng sủa và xinh xắn, là hai phục vụ bàn ở lầu chính của hội quán. Hội quán Tiêu Tương quy mô không lớn, nhưng cho dù kín đáo khiêm nhường đến đâu trước áp lực bên ngoài thì rốt cuộc vẫn hoạt động với tiêu chuẩn cao, nên tuyển người tương đối khắt khe. Kiến Vĩ và Hoa Thanh từng nói rằng, họ phải “qua năm ải chém sáu tướng” mới được tuyển dụng vào đây. Cả hai tuy còn trẻ nhưng đã có khá nhiều năm kinh nghiệm phục vụ, rất thạo việc, thông hiểu quy tắc giao tiếp, nhanh nhẹn, năng lực cơ bản miễn chê. Tuy nhiên gần đây Lý Vạn Tường trong lúc thử việc phát hiện ra rằng Kiến Vĩ hơi vô tâm, chính cậu ta cũng từng nói hồi nhỏ mình bị mắc chứng lơ đễnh, sức chú ý rất dễ bị phân tán.

Nhưng Hoa Thanh thì không vấn đề gì, Lý Vạn Tường hiểu rõ điều này vì Hoa Thanh nhảy việc từ khách sạn Đại Kim Sa sang đây, tính tình kín đáo, điềm đạm, kiệm lời nhưng làm việc hết sức tỉ mỉ, cô cũng tinh ý, biết cách quan sát và đoán ra nhu cầu của khách. Cô là một phục vụ có năng lực.

Nói là một nhẽ. Không có ai bẩm sinh ấn định làm một nghề nào đó, mà đều là do ma xui quỷ khiến, do nhân quả kiếp trước kiếp này, và đều có thể bị thay đổi.

Lý Vạn Tường lại ấn chuông lần nữa. Lập tức có câu trả lời. Ở cửa xuất hiện một người và một khẩu súng ngắn.

“Tất cả đứng im, giơ tay lên!” Khẩu súng chĩa vào Lý Vạn Tường. Kẻ đó mặc đồ đen, khăn đen bịt mặt. Lúc này Lý Vạn Tường không đứng cạnh bếp, nên dù muốn cầm chảo cầm nồi quăng vào hắn cũng không thể, ông đành giơ tay lên. Hai phụ tá cũng ngoan ngoãn làm theo.

Là trò hề gì mà bát nháo thế này? Có kẻ đang đùa chắc? Hay gã này là một tay bạn cùng vui chơi giải trí với Lương Tiểu Đồng, no cơm rửng mỡ đến mượn bộ trang phục đóng phim để làm trò đùa?

“Này người anh em, hôm nay nhà bếp chúng tôi quả là rất bận…” Lý Vạn Tường thăm dò.

“Bọn tôi cũng rất bận, cho nên không đùa đâu! Câm mồm! Cấm động đậy!” Hắn nói giọng vùng Xuyên - Tương, âm thanh hơi sắc nhọn.

Họng súng vẫn chĩa vào Lý Vạn Tường, gã mặc đồ đen ấy bước lại gần hai bếp, tắt ga đi. Chân hắn có tật, bước đi tập tễnh, hắn nhìn vào cái quạt hút mùi đang kêu vù vù, Lý Vạn Tường bỗng cảm thấy có cơ hội. Nhưng hắn không thao tác cái thiết bị hắn mà hắn không quen, vì không muốn con tin có cơ hội ra đòn quật lại, hắn chỉ hô lớn, “Đi lên gác!”

Thì ra là chuyện thật chứ không phải trò đùa. Lý Vạn Tường đành hậm hực đi trước nhất, bụng thầm nguyền rủa. Giá mà có thể đi sau, tương đối gần tên khốn này thì ông sẽ dễ ra tay. Khi làm phụ bếp ở vùng Đông Nam Á, ông đã vài lần gặp bọn cướp, chúng cướp tiền mặt, sự việc chủ yếu xảy ra ở đại sảnh và quầy tiếp tân, không mấy ảnh hưởng đến nhà bếp. Trước khi đi Kuwait ông cũng biết Trung Đông là nơi rất không an toàn, Lý Vạn Tường từng đến câu lạc bộ luyên tập võ thuật phòng thân, ông nghĩ mình đủ sức hạ được một hai tên. Nhưng chút khả năng võ thuật ấy không có dịp dùng ở Trung Đông, và cũng đã quá lâu ông không ôn tập, liệu hôm nay có nên tặc lưỡi ra tay?

Lúc đi lên gác, Lý Vạn Tường đã gặp được cơ hội tốt.

Điều này nên cảm ơn anh chàng phụ bếp Tạ Nhất Bân, một tay sáng dạ nhưng cần cố gắng hơn. Đang đi lên cầu thang, Tạ Nhất Bân bỗng loạng choạng, chắc là do bị tuột dây giày hoặc cũng có thể là do sợ quá bước đi không vững. Khi tên cướp đang chú ý nhìn cậu ta, thì Lý Vạn Tường bắt lấy cơ hội, quay ngoắt lại tiếp cận hắn ta.

Từ chỗ cao, ông nhào xuống xô tên cướp vào tường ngay sát cầu thang, đồng thời ghì chặt bàn tay đang cầm súng của hắn, ông thúc đầu gối lên, tên cướp “hự” một tiếng rồi ngã phệt xuống. Nào ngờ hắn lại ôm siết luôn hai bắp chân của Lý Vạn Tường rồi húc đầu lên, hất ngã ông.

“Cấm nhúc nhích!” Một giọng nói từ đầu cầu thang vọng xuống, Lý Vạn Tường nhìn lên, lại một họng súng đen ngòm, hình như là súng trường tự động. “Thầy chưa dạy rằng kháng cự sẽ chẳng hay ho gì à?” Tên đó nói giọng miền Nam, Lý Vạn Tường không thể xác định cụ thể là vùng nào. Tên cầm súng ngắn bấy giờ đã đứng lên, thúc cùi trỏ vào ngực Lý Vạn Tường khiến ông suýt ngạt thở, tiếp đó lại bị hắn đấm tới tấp vào đầu vào thái dương. Chỉ thấy trước mặt tối sầm, Lý Vạn Tường lăn ra ngất xỉu.

Một tiếng hai mươi phút sau khi xảy ra vụ án, tại phòng làm việc tạm thời của ban chuyên án vụ cướp hội quán Tiêu Tương.

“Khi tỉnh lại, tôi nghe thấy tiếng kêu thét ầm ĩ, mở mắt ra thì thấy vài người đang đánh nhau. Nhìn kỹ, thì đó là ông Đới Hướng Dương và con rể đang đè lên một người. Tôi chưa kịp hiểu ra sao thì vang lên một tiếng nổ. Mặt bàn, khăn trải bàn và các thứ trên đó bay tứ tung, chỉ lát sau tôi đã thấy đau ở mặt, chắc là cốc chén bát đĩa vỡ văng làm rách mặt tôi.” Lý Vạn Tường lại ôm đầu.

Ba Du Sinh nói, “Bác nghỉ một lát đi.”

“Lửa lập tức bùng lên, cả căn phòng khói lửa mù mịt. Tôi định đứng lên bỏ chạy nhưng hai chân tê dại không sao đứng nổi.” Ông ta như vẫn đang chìm trong khói lửa. “Cúi xuống nhìn, mới biết hai tay tôi đã bị còng. Căn phòng nóng kinh khủng, lửa tràn ngập khắp cả. Sau đó mông tôi nóng bỏng, thì ra là quần bị cháy, tôi chẳng khác nào đồ ăn trong chảo nóng, tôi nhảy chồm lên, may được hai anh phụ bếp chạy lại dập lửa giúp.”

Các sĩ quan cảnh sát đều nhìn vào cái quần bệnh nhân mà bệnh viện đưa cho ông mặc. Khương Minh hỏi, “Lúc đó hai anh phụ bếp không bị còng à?”

Lý Vạn Tường ngẩn ra, nghĩ ngợi nói, “Có bị còng, bị còng chung một còng. Họ chạy lại dập lửa cho tôi nhưng rất không ăn ý. Lửa ở người tôi tạm bị dập rồi thì Tiểu Tôn lại bị bén cháy, lúc đó quanh tôi vẫn mù mịt khói lửa… và hình như có người nhảy qua cửa sổ. Còn tôi vẫn như đang trong cơn mê không biết chạy đi đâu để thoát chết. Tôi là đầu bếp, suốt đời ở bên ngọn lửa, đầu bếp giỏi thì phải biết kiểm soát lửa cho vừa đủ độ nhưng lúc đó tôi như đồ bỏ đi, không thể làm gì nổi. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy rất sợ.”

Ba viên cảnh sát không biết nói sao, thậm chí không nhìn nhau, nhưng họ đều đoán rằng Lý Vạn Tường vẫn chưa hết sợ nên nói năng lộn xộn. Ba Du Sinh rất hiểu cảm giác “không thể kiểm soát ngọn lửa” của ông ta. Khi mất kiểm soát, người ta sẽ rối loạn và nỗi khiếp sợ vẫn còn dư âm dài lâu.

Nếu Lương Tiểu Đồng thuật lại các diễn biến cuối cùng là đúng, thì Đới Hướng Dương cũng bị cảm giác “mất kiểm soát” làm cho rối loạn, cho nên ông ta mới có hành động mạo hiểm như vậy.

Không cần đọc lý lịch của Đới Hướng Dương cũng có thể đoán ra ông ta là người đã va chạm thương trường đầy sóng gió, chính ông ta cũng từng nói mình là người có tầm nhìn và rất từng trải, tại sao một con người đầy kinh nghiệm sống lại dễ dàng suy sụp trong vụ việc này?

“Bác cố nhớ lại xem có cả thảy mấy tên cướp?” Ba Du Sinh hỏi.

Lý Vạn Tường do dự, ngẫm nghĩ đến một phút rồi nói, “Chịu, không biết.”

Khương Minh hơi vội vã, “Sao lại thế?”

“Tôi chẳng rõ mình ngất bao lâu, sau đó tôi cứ nửa tỉnh nửa mê, có nghe thấy một số tiếng động nhưng tôi không sao tỉnh táo được, cho nên không thể nhận ra ở đó có mấy tên cướp.” Lý Vạn Tường hơi băn khoăn.

“Thế thì bác cho rằng mình nhìn thấy cả thảy mấy tên?”

“Hai tên. Một tên cầm súng ngắn thúc tôi lên gác, một tên cầm súng trường đứng ở đầu cầu thang. Về sau tỉnh lại, tôi thấy Đới Hướng Dương và anh con rể đè lên một người… tiếp đó là tiếng nổ. Tôi không nhìn rõ người đó là ai.” Chắc là vì nhắc đến “tiếng nổ” nên Lý Vạn Tường lại run rẩy.

Khương Minh tò mò hỏi, “Bác gọi Yên Vệ Bình là con rể Đới Hướng Dương…”

“Ừ, đúng, à không phải.” Lý Vạn Tường gượng cười. “Là con rể hờ, đúng ra là cháu rể. Đới Hướng Dương nuôi nấng cô cháu gái là con của người anh trai, coi cháu ấy như con đẻ, thì Yên Vệ Bình cũng tựa như con rể ông ta.”

Ba Du Sinh tò mò hỏi, “Hình như bác cũng biết rõ về Đới Hướng Dương?”

“Phải! Ngày trước tôi làm đầu bếp ở Đại Kim Sa, cả nhà ông Đới Hướng Dương rất hay đến đó.”

“Bác có thể nhớ ở đại sảnh có mấy lần nổ không?” Ba Du Sinh hỏi.

Lý Vạn Tường do dự rồi nói, “Hai lần.”

“Bác cố nhớ xem, tình hình lúc nổ lần thứ hai ra sao?”

Lần này thì Lý Vạn Tường lắc đầu nói luôn, “Lúc đó giữ mạng còn không kịp nữa là! Khi nổ lần thứ hai thì tôi đã chạy đến cửa, nên không thể nhìn nó nổ ra sao… có lẽ là nổ khí gas. Có ống dẫn khí gas lên tầng hai.”

Ba Du Sinh không hỏi thêm nữa. Sau khi hỏi ý kiến các chuyên gia kỹ thuật, anh vẫn giữ nguyên phán đoán. Nếu vì rò rỉ khí gas mà dẫn đến vụ nổ, thì trước đó phải mở vòi khí gas hoặc bị bung ra trước, sau đó cần một thời gian nhất định để khí gas khuếch tán trong không khí đạt tới một nồng độ cần thiết, khoảng cách thời gian giữa hai vụ nổ rất ngắn cho nên ít có khả năng là nổ do khí gas. Anh nói, “Cảm ơn bác. Mong bác cứ ở phòng theo dõi chịu khó nghỉ ngơi, để tiện cho chúng tôi liên lạc. Nếu bác cần về nhà…” Anh nhìn tờ ghi bút lục, đã có địa chỉ và số điện thoại của Lý Vạn Tường, “Chúng tôi có thể sẽ còn liên lạc thêm với bác. Mong bác tiếp tục hỗ trợ chúng tôi điều tra.”

Lý Vạn Tường nói, “Không vấn đề gì…” Rồi đứng dậy chuẩn bị bước ra ngoài.

Có tiếng gõ cửa phòng họp, một cảnh sát bước vào cầm theo một tập ảnh.

Ba Du Sinh vội nói với Lý Vạn Tường, “Vừa đúng lúc! Bác thử nhìn những người trong ảnh này, bác có nhận ra hết không?”

Ảnh được bày ra bàn. Có tấm mới được chụp chính diện bằng máy SRL, trên mặt còn những vết thương vết bỏng, có một số ảnh được phóng từ ảnh chứng minh thư, chắc là vì những người này bị thương quá nặng nên không thể chụp. Đều là những người may mắn sống sót.

Lý Vạn Tường lục túi áo lấy cặp kính viễn đeo lên, xem từng tấm ảnh rồi gỡ kính ra, nói, “Tôi nhận ra cả, chỉ trừ hai người này…” Ông ta chỉ vào ảnh một nam và ảnh chứng minh thư của một nữ.

Ba Du Sinh gật đầu, đó là ảnh Quách Tử Phóng và Na Lan. Theo Lý Vạn Tường thuật lại, thì ông ta bị đánh ngất và tỉnh lại lúc có vụ lộn xộn cuối cùng. Còn theo Lương Tiểu Đồng nhớ lại, thì Lý Vạn Tường và hai phụ bếp bị tên cướp chuyên nghiệp cầm súng ngắn đưa lên gác, sau đó Quách Tử Phóng và Na Lan mới bị bắt, vì Lý Vạn Tường bị ngất nên không nhìn thấy hai người này. Trong vụ hỗn loạn cuối cùng, Lý Vạn Tường lo thân còn chẳng kịp nên không nhớ được Quách Tử Phóng và Na Lan là phải.

Sự khác biệt lớn nhất trong bút lục của Lương Tiểu Đồng và Lý Vạn Tường là trạng thái của Lý Vạn Tường. Lương Tiểu Đồng chỉ nói rằng bếp trưởng và hai phụ bếp bị giải lên, chứ không nói bếp trưởng được kéo lên vì đã bị đánh ngất. Lúc đó anh ta bị còng ở đại sảnh thì vẫn có thể nghe thấy các động tĩnh đánh nhau ở bên ngoài, tại sao anh ta chỉ miêu tả qua loa tình hình? Có phải anh ta đã quên các chi tiết vụn vặt? Nếu có người vì kháng cự nên bị đánh ngất, thì không thể gọi là chi tiết vụn vặt! Anh ta thậm chí còn nói rằng bếp trưởng và hai phụ bếp bị còng liên hoàn và giải lên gác, còn Lý Vạn Tường thì nói rằng hai tay ông ta bị còng một bộ còng.

Rõ ràng là ký ức của Lương Tiểu Đồng không đáng tin.

Rất dễ kiểm chứng điểm này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.