Thường Nga

Chương 3




3. Vợ chồng

Về đến nhà thì đã là giờ lên đèn, trấn Bạch Thủy đèn đuốc sáng choang, khói bếp lượn lờ, đưa mắt nhìn chỉ thấy duy nhất một nhà không vương khói lửa, rất chói mắt. Người mới đến cũng có thể nhận ra đó là nhà họ Tạ, bởi nhà họ Tạ thường không nổi lửa.

Tối nay, nhà họ Tạ đặc biệt quạnh quẽ, đến đèn cũng chẳng thắp.

Từ xa, Tạ Bất Hối đã trông thấy Tống Nhị đứng trước cửa nhà họ Tạ vẫy tay với mình: “Hôm nay sang nhà tao ăn!”

Cha mẹ rất ít qua lại với người dân trấn Bạch Thủy, duy chỉ với nhà Tống Nhị là xem như thân thiết, thứ nhất là vì bảy người nha họ Tống đều tự sang làm thân, tính tình là chân thành xởi lời, thứ hai là vì hai nhà là hàng xóm cách vách, chạm mặt nhiều khó tránh quen thân hơn chút.

Tạ Bất Hối rất vui lòng sang nhà họ Tống ăn cơm, đồ ăn mẹ Tống Nhị nấu tuy không khéo léo bằng của quán trọ đưa tới, bàn về sắc, hương, vị đều thua kém hơn hẳn, nhưng nó lại cảm thấy đồ ăn nhà họ Tống có một mùi vị mà nó chưa từng được thưởng thức chân chính, khiến nó say mê.

Nhảy vào ngưỡng cửa nhà họ Tống, mẹ nó đang thắt nút kết cùng mẹ Tống Nhị trong sân, nghe tiếng ngẩng đầu lên, nở một nụ cười trong cạn như nước suối.                                                                                                                                                          

Đặt nút kết xuống, người bước lại chạm nhẹ lên chỗ trán bị thương của Tạ Bất Hối: “Đỡ hơn chút nào chưa?”

Cái chạm của mẹ như một chiếc lông ngỗng bay từ trên cao xuống.

Tạ Bất Hối gật đầu: “Không đau lắm nữa ạ.”

Mẹ nhìn về phía cha, không vươn tay đụng chạm như với Tạ Bất Hối, thậm chí còn chẳng nở nụ cười, chỉ nói một câu với giọng nhạt thếch: “Về rồi đấy à.”

Cha đáp một tiếng thật thấp.

Có lúc, Tạ Bất Hối cảm thấy họ chẳng hề giống một cặp vợ chồng, so với cha mẹ Tống Nhị, ngoài mấy bận cãi vã vô cùng thi thoảng ra thì đa số thời gian còn lại đều kính nhau như khách, đến bạn bè cũng không bằng. Tuy ở cùng một căn nhà nhưng Tạ Bất Hối thường xuyên phải cách mấy ngày mới có thể nghe thấy họ nói chuyện với nhau. Họ rất ít khi chạm mặt, cha dậy sớm về khuya, ban đêm mẹ nghỉ ngơi từ rất sớm, chỉ để lại bữa tối và một ngọn đèn trên bàn dài. Đôi khi, thậm chí Tạ Bất Hối còn cảm thấy cha mẹ tựa hồ cố ý né tránh nhau, có thứ gì đó mà nó không biết, sâu như hào rộng vắt ngang giữa hai người.

Nhưng cũng có lúc, hai người họ giống một cặp vợ chồng hơn bất kì ai, thần giao cách cảm, ăn ý như một, chẳng hạn như lúc này.

Cha Tống Nhị là tá điền, làm việc sinh hoạt khó tránh khỏi hơi thô tục, hôm nay ăn mì suông, cha Tống Nhị vùi đầu vào húp nghe “xùm xụp”, sợi mì văng nước dùng ra tứ tung.

Tạ Bất Hối bưng bát mì lên, lẳng lặng ngó mẹ, thấy người đang nhíu mày đúng như dự đoán.

Nó hiểu mẹ không cố ý, chỉ là không kìm được.

Mẹ Tống Nhị đang gắp thức ăn cho Tống Nhị, chỉ cần thu đũa ngẩng đầu lên là có thể thấy ngay vẻ mặt chán ghét khó nhịn vụt lóe chưa kịp biến mất trên mặt mẹ.

“Tiên Nhi,” Cha bỗng cất tiếng, gọi nhũ danh của mẹ, “Sao không ăn thế, hôm nay chán ăn à?”

Mẹ cụp rèm mi rung rung xuống, cầm đũa gảy mì sợi thô trong bát, nở nụ cười như tượng đất mà Tạ Bất Hối hằng quen: “Chắc là buổi trưa ăn nhiều quá nên hơi đầy bụng, thành ra làm phụ lòng cả bàn món ngon của chị rồi.”

Mẹ Tống Nhị khoát tay lia lịa: “Em gái như tiên nữ vậy, tay nghề của tôi sao kham nổi chứ.”

Ăn xong, cha Tống Nhị đề cập đến một vụ làm ăn người ngoài giao phó cho mình tìm người làm, sau cùng nói: “Khách hàng hỏi tên của chú.”

Cha thoáng sững người: “Cứ bảo ‘Tạ Thất’ là được.”

“Nói rồi,” Cha Tống Nhị đáp, “Nhưng khách hàng đòi tên thật của chú cơ.”

Giọng nói không giấu nổi vẻ tò mò, từ ngày đầu tiên đến trấn Bạch Thủy tới giờ, Tạ Thất đã tự xưng là “Tạ Thất”, con trai thứ bảy nhà họ Tạ, người dân trấn Bạch Thủy lại chưa từng gặp sáu người anh em trước của người.

Cha cau mày, mẹ cũng thôi tán gẫu với mẹ Tống Nhị, ngẩng lên.

Tạ Bất Hối cũng nhìn cha, thật ra nó có biết tên cha, từng có lần cha mẹ cãi cọ vì chuyện vặt, trong cơn sôi gan mẹ đã gọi tên cha nó: Tạ Thiêm.

Chỉ có đúng lần đó, rồi mẹ nhanh chóng im bặt như bỗng chốc bị ai bóp cổ.

Cha thả lỏng chân mày: “Tống đại ca tìm người khác đi ạ.”

Cha Tống Nhị lấy làm ngạc nhiên: “Làm xong được trả những năm mươi lượng bạc đấy, chú nỡ bỏ qua thật à?”

Cha gật đầu, vẫn nói câu kia: “Tìm người khác đi ạ.”

Mẹ nhìn cha, vẻ mặt ẩn nhẫn, tựa như định há miệng cất lời rồi lại nuốt về.

Về đến nhà, Tạ Bất Hối lật xem cuốn truyện chích quái hôm qua chưa đọc xong, dạo này nó đang có hứng với thứ này. Khi còn nhỏ cha bận rộn làm việc, là mẹ dạy vỡ lòng cho nó, sách trên kệ cũng là mẹ mang từ nhà ngoại tới, trong sách rất hay xuất hiện dấu bút khoanh tròn và lời phê mẹ đề thời còn trong khuê phòng.

Tạ Bất Hối giở vài trang, chợt phát hiện có một câu dùng mực đỏ khoanh trùng điệp, màu còn rất mới, hẳn là mới khoanh trong mấy ngày gần đây.

Nó nhìn kĩ, câu bị khoanh là: “Rồng bơi nước cạn bị tôm cợt, hổ xuống đồng bằng bị chó khinh.”

Bên cạnh còn có lời bình, màu mực cũng tươi rói. Tạ Bất Hối nhận ra là chữ mẹ viết, không giống chữ tiểu triện mai hoa nắn nót ngay ngắn ngày thiếu nữ mà viết láu nóng nảy, rồng rắn thoăn thoắt, có thể thấy lúc đặt bút tâm loạn như đay rối.

Lời bình rất ngắn, chỉ có ba chữ, hằn sâu vào giấy.

“Lòng sao cam!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.