Thực Tâm Giả

Chương 10




Phương Đăng rất lâu rồi không leo tường để vào Phó gia Hoa viên, đang mùa đông, tay chân cũng không lanh lẹ như bình thường, ngày hôm trước trời vừa mưa xuống, rêu xanh bám đầy tường lại trơn ướt, cô suýt chút nữa thì té chổng vó lên trời.

Lúc nãy khi cô đi gọi cửa, lão Thôi miệng nói Tiểu Thất không có ở đây, ánh mắt lại hướng về phía sau vườn. Cô cũng không phải là con ngốc, lẽ nào không hiểu ý của lão Thôi.

Phó Kính Thù quả nhiên ở đó, trên giá vẽ đặt gần miệng giếng khô treo một mảnh vải trắng, người dựa nhẹ vào bụi cỏ bên trên con hồ ly đá, một tay đang nhẹ nhàng ngắt cọng cỏ đuôi chồn.

“Nếu như cha anh là người chẳng ra gì như cha tôi, nói không chừng anh cũng không khổ sở như vậy”. Phương Đăng ngồi trên tường rào, phủi tay vào đùi nói.

Anh nghiêng đầu nhìn qua hướng phát ra giọng nói, vẻ mặt không thay đổi: “Lời an ủi chẳng ra sao cả!”

“Tôi không biết làm chuyện này đâu.” Phương Đăng thừa nhận câu trách móc của anh.

“Lão Thôi nói với cô sao?”

Phương Đăng ừ đại một tiếng, cố tình đánh trống lãng. Cô không muốn nói thật ra mình nhận tin dữ từ cái miệng xấu xa của Phó Chí Thời.

“Tôi sợ anh trốn ở đây khóc, nhưng tốt rồi, anh không có”.

Phó Kính Thù ngắt cọng cỏ đuôi chồn ném về hướng Phương Đăng, nhưng cọng cỏ lại bị gió thổi trở về dưới chân anh: “Xuống đây đi, con gái gì leo lên leo xuống như khỉ chẳng ra làm sao cả.”

Phương Đăng nhảy ùm xuống đất, đến gần Phó Kính Thù ngồi xuống, dựa vào con hồ ly đá đâu lưng với anh.

“Thật ra nếu anh khóc cũng không sao, tôi sẽ coi như không nhìn thấy”. – Cô nhắm mắt lại, cảm giác được gió đang thổi qua hai má.

Phó Kính Thù im lặng một lúc rồi nói: “Cô có tin không, tôi không khóc nổi, từ khi nhận được tin tức đó, trong đầu tôi trống rỗng, quả thật là vẫn chưa tỉnh hồn, nhưng tôi không biết cảm giác này có phải là đau khổ hay không, cô nói đi, tôi có phải là kẻ bất hiếu?”

Phương Đăng nói: “Lúc cô cô Chu Nhan chết, tôi cũng không rơi nước mắt, tôi nghĩ vừa khóc vừa hét ầm chạy đến níu kéo cô cô như cha tôi, cô cô sẽ khó lòng an nghỉ. Chỉ là tôi cảm thấy chỗ này như có ai đó đâm vào”. Cô lấy tay chỉ vào chỗ tim mình. “Có thể đó chính là cảm giác đau khổ”.

“Không phải vì tôi đã sớm quen với chuyện làm một đứa trẻ mồ côi sao?” Phó Kính Thù lại tự nói đùa. “Mỗi năm tôi đều ở đây chờ thư của ông ấy, luôn nghĩ lúc nào ông ấy có thể gọi điện thoại về. Thật ra dù có gửi thư quanh đi quẩn lại cũng chỉ là mấy câu, để cho tôi nhớ mình là người họ Phó. Đồ trong bưu phẩm có hơn một nửa tôi cũng chẳng dùng đến. Tôi tự nói với mình, tôi còn có cha, một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại ông, được ông thừa nhận, thật sự trở thành người của Phó gia. Nhưng trên thực tế tôi hiểu rất rõ cái gọi là Phó gia chẳng qua cũng chỉ là mấy bức họa trên bàn thờ, về phần cha tôi, ngay cả hình dáng ông thế nào tôi cũng đã từ lâu không nhớ”.

“Nhưng ông ấy chết rồi, thân nhân của anh ở nước ngoài có còn quan tâm anh nữa không?” Phương Đăng thay anh lo lắng.

Phó Kính Thù lắc đầu nói: “Tôi không biết. Phương Đăng, cô cũng cảm thấy tôi lúc nào cũng mong chờ những kẻ không quen thừa nhận, giống như đứa ngốc nằm mơ giữa ban ngày phải không?

“Có mơ cũng không phải là không tốt, đến giờ tôi cũng chưa bao giờ dám mơ đến tương lai sau này của mình nữa”.

“Khái niệm “người của Phó gia” thật ra là do tôi chịu ảnh hưởng từ cha, ông là một người vừa nhạy cảm vừa kiêu hãnh, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã biết, ông chưa bao giờ thôi khát khao sẽ thoát khỏi thân phận con riêng, nhận tổ quy tông. Sau khi ông làm được điều đó thì ông nội tôi không còn nữa, bà chủ Trịnh dù sao cũng là phụ nữ, một người khôn khéo mạnh mẽ như vậy làm sao chấp nhận chuyện ông nội tôi cùng với người hầu sinh ra đứa con trai? Cha tôi ở Mã Đại cũng không phải vui vẻ gì, trong thư ông gửi về tôi cảm nhận được, dù không cần lo cơm ăn áo mặc, bà chủ Trịnh đối đãi với ông khách khí, nhưng dù sao với họ ông cũng chỉ là người ngoài”.

“Nói tới thì đều trách ông nội anh, ở phương diện kinh doanh không ai qua mặt ông ấy được, nhưng nếu đã sợ vợ như vậy, ông ấy cũng không nên cùng với người hầu làm chuyện lén lút, liên lụy con cháu hai đời sau phải chịu tội”.

“Mỗi con người đều có nỗi khổ khác nhau. Lão Thôi nói, mẹ của ông và Tiểu Xuân cô nương là bà vú của ông nội tôi, Tiểu Xuân lớn hơn ông nội tôi năm tuổi, nói bà một tay ẵm bồng ông lớn lên cũng không phải là quá đáng. Không biết lão Thôi nói thật hay không, mười hai tuổi ông nội tôi đi học ở ngoài về, nếu không phải Tiểu Xuân cô nương đút cơm thì nhất quyết không ăn”.

Phương Đăng có chút bất bình, không dằn được nên móc khóe: “Đúng là công tử nhà giàu đầy tật xấu”.

“Lúc đó đối với gia đình giàu sang, cha mẹ và con cái đều có khoảng cách nhất định, không giống như những gia đình thường dân, ở chung nhà, quan hệ mật thiết. Tôi nghĩ trong lòng ông nội tôi, Tiểu Xuân cô nương vừa là mẹ, vừa là chị, vừa là bạn.. Và còn là người yêu thanh mai trúc mã”.

“Tôi xem qua bức tranh, Tiểu Xuân cô nương cũng có thể gọi là người đẹp. Dáng dấp của anh có phần giống như bà”

Phó Kính Thù ho nhẹ vài tiếng, anh đối với những lời khen tặng nghiêm túc của Phương Đăng vẫn không thể nào thích ứng nổi.

“Đáng tiếc mỹ nhân thì thường bạc phận”. Phương Đăng kết luận, sau đó cô liền quay lại hỏi người ngồi sau lưng mình: “Phải rồi, Tiểu Xuân cô nương vì sao mà chết? Anh đã gặp bà chưa?

“Tôi làm sao gặp bà, lúc cha tôi còn rất nhỏ bà đã qua đời. Bà nhảy xuống giếng tự vẫn”. Phó Kính Thù vừa nói vừa hướng Phương Đăng theo chỉ tay anh về bên trái.

Cách Phương Đăng chừng năm sáu thước trước mặt cô là miệng giếng khô.

“Mẹ ơi, sao anh không nói sớm”. Phương Đăng rút chân co rụt vào, nhất thời cảm thấy gió tứ phía thổi về đều mang theo hơi lạnh đầy ma quái, một con quạ đen từ miệng giếng bay lên. Miệng giếng khô đó cô không chỉ một lần thò đầu xuống xem qua, đường kính chưa đầy nửa thước mà sâu không thấy đáy, một người hẳn muốn chết đến mức nào mới có thể nhảy vào trong miệng giếng nhỏ hẹp không có đường lui này để tự vẫn.

Phó Kính Thù chậm rãi “Cô cũng biết sợ sao?”

“Tôi sợ gì chứ. Cũng đâu phải là tôi hại chết bà”. – Phương Đăng cố trấn tĩnh, cơ thể lại rụt vào trong một tí, con hồ ly đá đặt ở phía sau lưng cô vững chắc, dường như tạo niềm tin có thể chống đỡ cho cô.

“Con hồ ly đá cô đang dựa vào là do bà ấy để lại, vốn là một đôi, còn một con lúc đó bà đã cột vào người để cùng mình nhảy xuống…”

“Phó Thất anh đủ rồi nha, muốn hù chết tôi sao?” – Phương Đăng quay đầu lại đánh Phó Kính Thù một cái, cô vẫn chưa quên bức họa đó, Tiểu Xuân cô nương cũng dựa vào con hồ ly đá giống hệt thế này. Bản thân bị lạc vào nơi kỳ lạ, ghê rợn còn hơn chuyện ma quỷ ngày xưa làm cho cả người cô phát rét.

Thật ra Phương Đăng có hơi giận, nhưng cô thấy Phó Kính Thù nhoẻn miệng cười trêu chọc sự tức giận của cô dù chỉ thoáng qua. Ít nhất anh còn tâm trạng mà trêu cợt cô, lần này coi như cũng không uổng phí.

“Không biết có phải anh đang gạt tôi không nữa?” Cô nghi ngờ hỏi.

“Tôi cần lấy chuyện này ra gạt cô sao? Lão Thôi nói, sau đó ông cho người tìm rất lâu, rất lâu mới có thể mò chị mình lên. Tôi không hề nói sai một chữ. Mỗi tiết thanh minh, lão Thôi cũng sẽ ở bên giếng vì Tiểu Xuân cô nương mà đốt giấy tiền. Năm ngoái do ông không khỏe, chính tôi là người đốt tiền vàng bạc, tro bụi đều bay xuống miệng giếng”.

Nếu Phó Kính Thù muốn người ta tin tưởng, người khác thường rất khó hoài nghi sức thuyết phục từ anh, chẳng qua có một vấn đề Phương Đăng nghĩ mãi cũng không ra. “Theo anh nói, Tiểu Xuân cô nương lúc nhảy giếng tự vẫn là khi cha anh đã vài tuổi, lúc đó hình như ông nội anh Phó Truyền Thanh đã đi nước ngoài khá lâu rồi, là điều gì khiến bà lại chọn con đường tự sát?”

“Nghe nói là không có bất kỳ dấu hiệu nào, bên Mã Đại cũng có người đem thư về, như ngày thường cũng chẳng có gì khác biệt”.

“Anh gạt tôi sao, một người đang sống sờ sờ làm gì đương không lại nhảy giếng tự sát. Người bà yêu cũng đã đi hết mấy năm, nỗi khổ biệt ly cũng đã nếm trải rồi, còn điều gì khiến bà phải bỏ lại con thơ, không ình đường sống mà đi tìm cái chết?”

Phó Kính Thù thả lỏng người, đặt hai tay lên đầu, dựa vào lưng con hồ ly đá. “Chuyện này cũng không ai biết. Có thể thời gian qua lâu như vậy, bà mới hiểu người mình chờ đợi sẽ không trở lại nữa, có khi vì cuộc sống quá dài…”

“Cuộc sống quá dài..” Phương Đăng nhìn về phía miệng giếng, không khỏi cảm thấy điều này giải thích chính xác nguyên nhân làm cho bà tuyệt vọng mà tung người nhảy xuống. Vết thương đau nhất không phải là lúc bị cắt, vì nó tới quá nhanh, chưa kịp phản ứng thì máu đã chảy đầy trên đất; phản ứng đầu tiên của người ta là băng bó lại. Thật ra điểm chết người ngược lại là thời gian sau lúc tháo băng ra, phát hiện vết thương đó căn bản không thể liền miệng, nó ở đó, bốc mùi, thối rửa, chỉ có mình tự biết.

“Hồ ly đá là do Tiểu Xuân cô nương khắc thành sao?”

“Không ngờ một người hầu lại có tài đến vậy phải không?” Phó Kính Thù nói, “Cha của Tiểu Xuân cô nương và lão Thôi là thợ điêu khắc. Về lĩnh vực này bà rất có năng khiếu, lúc đó ông nội tôi còn mời cả người Tây Dương đến dạy bà. Có một năm đại thọ của bà cố tôi, Tiểu Xuân cô nương tự mình khắc một tượng Quan Âm dâng lên, ai nhìn thấy đều nói y như Quan Âm sống lại”.

“Tay của bà nhất định rất khéo léo, giờ chỉ còn lại cái này thôi sao?” – Phương Đăng xếp chân xoay người lại, tay nhẹ nhàng vuốt ve con hồ ly đá đã trải gió phơi sương bóng loáng, đầu ngón tay lại vô tình quẹt vào mái tóc của Phó Kính Thù. Mái tóc anh mềm mại và ngoan ngoãn, không giống như mái tóc rối tung đen dầy của cô, nếu không cột lên là lúc nào cũng bù xù chẳng khác nào một bà điên. Ngón tay Phương Đăng dừng lại một chút, sau đó lại vuốt nhẹ nhàng hơn, hơi thở trở nên nhẹ nhàng mà gấp gáp.

Phó Kính Thù dường như không hay biết: “Vừa rồi tôi nói bà cột con hồ ly đá vào người rồi nhảy xuống là muốn dọa cô. Bà chỉ nhảy xuống một mình, con hồ ly này cũng chỉ có một, sau khi Tiểu Xuân cô nương khắc xong thì Tam phòng dời đến vườn của Phó gia”.

“Sao lại cũng để con hồ ly ở đây, nhìn qua đúng là y như dọa người”.

“Bà có cách giải thích của mình, cô muốn nghe không?”

Phương Đăng nói lầm bầm: “Ai biết anh có sửa lại chuyện cũ để gạt tôi nữa không chứ?”

“Cô cứ coi như nghe chuyện xưa đi”, giọng nói của Phó Kính Thù nhẹ nhàng rót bên tai cô: “Ngày xưa có một con chồn hoang lạc vào khu vườn không ai ở, nhìn thấy trong vườn có con hồ ly đá, điêu khắc vô cùng sống động. Con chồn hoang cảm thấy cuộc sống quá cô đơn, liền nghĩ con hồ ly giống như đồng loại duy nhất trên đời của mình, cả ngày cùng hồ ly đá làm bạn, qua rất nhiều năm. Hồ ly đá không cử động cũng không nói chuyện, cả người lạnh như băng, mùa đông xuống chồn hoang quỳ bên người nó tự nhiên nảy sinh ra ý muốn nếu con hồ ly đá có thể biến thành thật thì tốt biết bao. Vì vậy nó mới cầu xin Phật”.

“Phật có thể cảm nhận lời cầu nguyện sao?” Phương Đăng rất hoài nghi - “Huống gì nó chỉ là một con chồn”.

Phó Kính Thù không để ý đến cô, tiếp tục kể: “Phật hỏi chồn hoang, thế gian này cái gì là quý nhất. Chồn hoang nói, thứ không có được và thứ đã mất đi. Phật cho là chồn hoang có linh tính, cảm nhận thành tâm của nó, cho nó một cơ hội. Nếu muốn để hồ ly đá biến thành hồ ly thật, trừ phi nó đem tim của mình móc ra cho con hồ ly đá”.

“Phật Tổ đúng là có chủ ý!”

“Chồn hoang vì quá muốn để cho con hồ ly đá sống lại, có máu có thịt làm bạn với mình. Nên nó nén đau mà móc tim mình ra, theo lời Phật tổ nhét vào lồng ngực con hồ ly đá. Hồ ly đá sống lại thật, có sinh mạng và suy nghĩ, chồn hoang hết sức vui mừng, công sức của nó bỏ ra cũng đáng. Bọn chúng cùng nhau trải qua khoảng thời gian vô cùng vui vẻ”.

“Cũng như Tiểu Xuân cô nương và ông nội anh, họ cũng đã từng rất vui vẻ”.

“Không biết từ lúc nào, khi sống lại thì hồ ly đá dần dần không cam lòng với cảnh sống lặng lẽ, nó chán ghét cảnh kẹt ở góc vườn hoang, trời cao đất rộng bên ngoài quyến rũ nó, nó thậm chí còn muốn được làm người, đi nếm thử phong quang cuộc sống”.

“Tôi nghe nói hồ ly thành tinh sẽ có thể biến hình người”.

“Con hồ ly đá này thông minh đĩnh ngộ, lại có thiên tính, đương nhiên tu thành chánh quả, chẳng những có dáng vẻ con người, sau này còn có thể trở thành tiên. Cứ như vậy, nó rời bỏ khu vườn hoang cũ”.

“Không đem theo chồn hoang sao? – Phương Đăng có hơi thất vọng.

“Hồ ly đá không bỏ được bạn mình, nhưng chồn hoang chỉ là chồn hoang, nó vĩnh viễn không thoát được hình dạng cũ, làm sao để đem nó theo đây? Huống hồ chi, hồ ly đá bây giờ đã là người, nó không muốn nhớ về quá khứ phải chịu mưa hứng gió, nếu đem chồn hoang theo không khác nào sẽ khiến nó nhớ lại dáng vẻ trước kia”.

“Chồn hoang quá tội nghiệp, móc trái tim mình ra, cuối cùng không giữ lại được cái gì”. – Phương Đăng bắt đầu cảm thấy, câu chuyện xưa này là nói về Tiểu Xuân cô nương cùng Phó Truyền Thanh và cũng có khi là Phó Duy Nhẫn cùng Chu Nhan cô cô sau đó, nói không chừng trên đời này trong mỗi đôi nam nữ si tình, đều có một người là con hồ ly đá thay đổi, còn người kia chính là chồn hoang ngu dại đáng thương.

“Biết làm sao chứ, đều là do sự lựa chọn của nó từ đầu. Sau khi hồ ly đá đi, chồn hoang cả ngày lang thang trong vườn, vì nó không có tim nên không già đi, cũng chẳng chết, trọn đời không thoát khỏi lớp da chồn, tuổi thọ với nó mà nói là khoảng thời gian đợi chờ vô cùng cô độc”

“Sao nó lại không đi?”

“Nó sợ một ngày nào đó hồ ly đá sẽ quay về. Hơn nữa cũng vì khi đổi tim với hồ ly đá, nó đã hứa trước mặt Phật tổ sẽ thay hồ ly đá tu luyện thành người kia trải qua ngàn năm chịu phạt”.

“Được rồi, tôi cũng có thể hiểu tại sao Tiểu Xuân cô nương lại không thể sống tiếp. Họ đều quá ngốc, Phật Tổ cũng rất kỳ lạ, sao nhất định phải tàn nhẫn như vậy, sao không thể cho chồn hoang sự lựa chọn khác?”

“Chuyện xưa chỉ là chuyện xưa, chồn hoang trường sinh bất tử, con người bây giờ có khả năng này hay sao? Cho dù có, có bao nhiêu người có thể chờ đến ngày đó?” Phó Kính Thù lấy tay chỉ vào miệng giếng.

Phương Đăng vẫn còn buồn bã với câu chuyện xưa, không có cách nào tiếp nhận giải thích này, lòng cảm thấy rất buồn phiền.

“Tiểu Xuân cô nương nhất định không nên chết, câu chuyện xưa này không nên cứ như vậy mà kết thúc!”

“Ngốc quá!” Phó Kính Thù nhìn vẻ nghiêm túc của cô, mỉm cười, nhắm mắt lại không nói gì nữa.

“Tôi không thích câu chuyện xưa về hồ ly đá này.” Phương Đăng buồn buồn cầm bàn chân đằng sau đuôi của con hồ ly đá kéo xuống, mấy lần muốn mở miệng nói gì đó rồi lại thôi. Qua một lúc lâu, hơi thở của Phó Kính Thù đều đều, cô nghĩ anh đã ngủ thiếp đi, chợt cô hạ giọng: “Tiểu Thất, anh có thể đừng đi không?”

Không có ai trả lời cô, chỉ có tiếng gió. Phương Đăng ngửi được trong hơi gió mùi của cỏ đuôi chồn, chầm chậm nhắm hai mắt lại. Đối với một nơi nhiều mưa như Qua Âm Châu mà nói, khó lòng có được lúc thời tiết đẹp thế này.

“Tôi đi rồi… cô sẽ buồn sao?” giọng nói của anh tựa hồ phảng phất theo hơi gió.

“Anh nói thử xem… Có ai mất đi đồng loại duy nhất lại không thấy đau buồn, dù cho đó là người hay hồ ly đi nữa”.

“Tôi còn có thể đi đâu?” – Lời nói của Phó Kính Thù không vui cũng chẳng buồn – “Cha tôi không có ở đây, cả đời tôi có thể sẽ ở lại chỗ này. Ở lại đây thì có gì không tốt? Trước kia tôi mỗi ngày đều cố gắng để bản thân tốt hơn, để người khác thừa nhận tôi không phải là nghiệt chủng, tốt để có thể cùng cha tôi nhận tổ quy tông, cho đến giờ không nghĩ đến cuộc sống còn con đường nào khác. Lần trước khi tôi bệnh trong lúc mơ màng còn tính đến cả cái chết, sau đó tỉnh lại mới phát hiện nên chịu đựng cho qua, không phải tôi muốn sống để danh chánh ngôn thuận làm người của Phó gia, mà bởi vì còn có người quan tâm tôi, muốn tôi sống”.

“Người nào?” Phương Đăng giả ngốc. Ngoài miệng hỏi vậy, mặt lại hơi ửng đỏ.

Phó Kính Thù không trả lời, chỉ nói: “Lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy, họ có nhận tôi hay không thì sao chứ? Nhiều năm như vậy không phải đã đủ rồi sao? Không có Phó gia danh giá giàu sang, tôi vẫn là Phó Kính Thù, điều này không ai thay đổi được”.

“Nhưng những người ở nước ngoài kia dù sao cũng là người thân của anh, anh không nhớ họ sao?”

“Người thân?” Phó Kính Thù giống như đang nghe một câu chuyện cười: “Tôi không có người thân, Phương Đăng, trừ cô ra.”

Gió thổi qua cây bạch ngọc lan, thổi qua tán lá cây si, tiếng kêu sột oạt, chỗ hai người ngồi không nhìn được thấy mắt nhau, bầu trời thẳng tắp, như đang nhìn thẳng vào hai người trần gian nhỏ bé. Phật Tổ ơi, Phương Đăng gọi thầm trong lòng, rốt cuộc tâm nguyện của con cũng đã được thành toàn, Người đã nghe được lời cầu khẩn của con. Phó Thất sẽ cả đời ở bên cô, họ là người thân, sống nương tựa lẫn nhau, máu huyết tương thông… Đây không phải là điều cô mong ước sao? Ít nhất, đó là điều cô không thể nào thay đổi. Phương Đăng dù có chút vui mừng nhưng vẫn buồn rầu, cô muốn cười một cái, quay lưng về phía anh, nhưng hết lần này đến lần khác trong khóe môi đều nếm được một mùi vị đầy chua xót.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.