Thổ Sen

Chương 13




Huỳnh Nam Phong tuỳ tiện kiếm đại một chỗ sạch sẽ, ngồi bệt xuống mặt sàn.


Khó khăn lắm mới tìm được một chỗ không dính bụi bặm, cũng không có quần áo ẩm vứt bừa bãi, một nơi tương đối sạch sẽ, hay ít nhất theo cảm nhận của ông thì là vậy.


Đàm Ngọc Thạch đã ngoài 70, râu tóc bạc phơ, động tác chậm chạp, tầm nhìn đã mờ dần, không còn rõ ràng như trước kia.


- "Bà nhà, chưa về ạ?"


Đàm Ngọc Thạch "Hả" một tiếng, lắc đầu cười khổ:


- "Ta làm gì có vợ mà bà với chả cháu, độc thân cả đời nay."


Ông ngẩng đầu nhìn cậu thanh niên tuấn tú nọ, khàn khàn hỏi:


- "Cháu tới đây làm gì?"


Huỳnh Nam Phong biết người đàn ông trước mặt không phải loại kiên nhẫn, đầu óc sớm chiều lẩm cẩm, không tranh thủ hỏi có khi sau này không còn cơ hội.


Hắn quơ quơ điện thoại, mở ra một trang web cài mật khẩu.


- "Ông là tác giả bài viết nọ, có thể cho cháu mật khẩu không ? Cũng không hẳn, ý cháu là kể miệng thôi cũng được."


- "Bài nào?"


- "Bài về thiên tài trong phủ phó tướng năm 1019 tới năm 1022, triều Lý."


Đàm Ngọc Thạch cau mày, nếp nhăn trên mặt xô thành từng đợt, dựng lên vẻ khắc khổ vốn có. Ông trầm ngâm một hồi, sắc mặt nháy mắt tái nhợt, giật nảy mình.


Huỳnh Nam Phong cũng nhận ra động thái ban nãy, kiên nhẫn chờ ông.


- "Cháu hỏi cái này làm gì?"


- "Là do dự án lịch sử tổ chức hằng năm tại các trường Trung học Phổ Thông, giúp các bạn trẻ hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, đề tài bọn cháu chọn là người tài thời Lý, một trong số đó chính là hai vị công tử nhà họ Nguyễn, con trai Tường Vi công chúa."


Đàm Ngọc Thạch không phải người có học, cũng không có cháu chắt, ít khi nghe thời sự, hiển nhiên không biết làm gì có loại sự kiện này. Ông gật gù, thần sắc có phần nặng nề.


- "Thú thực, ta cũng không nhớ rõ."


- "Dạ?"


- "Ta thực sự không nhớ mật khẩu, mong cháu bỏ qua."


Huỳnh Nam Phong đã phần nào đoán được từ đầu, song tận tai nghe ông thừa nhận vẫn có chút hụt hẫng, trầm trầm đáp:


- "Ông còn nhớ nội dung bài đăng đó không ạ?"


- "Ta không chắc lắm, nó vốn là của bà ngoại ta, sau này truyền cho mẹ, ta không được phép đụng tới." Đàm Ngọc Thạch móm mém cười: "chỉ vì hồi đó ta lén đọc bản ghi chép mà bị đánh đến rách đầu gối, tím tái tay chân."


Huỳnh Nam Phong bắt được trọng điểm, hỏi lại:


- "Truyền lại?"


- "Đúng vậy, sau này mẹ truyền cho chị gái, bây giờ cũng không biết thất lạc đi đâu. Năm đó ta lén chép tay nội dung trong quyển, chưa kịp xong thì bị phát hiện, chửi mắng thậm tệ. Sau này trong lúc dọn nhà kho mới thấy, lưu trữ trên máy tính."


Bản ghi chép kia trăm phần trăm có liên quan đến sự kiện xảy ra tại phủ phó tướng 1000 năm trước.


Nhưng tại sao lại phải giấu kín như thế, bí mật truyền tai nhau một cuốn sổ cũ rích?


Huỳnh Nam Phong kiên định ngẩng đầu:


- "Chị gái ông, bà ấy hiện đang ở đâu ạ?"


- "Ta không biết."


Hắn khó hiểu nhìn người đàn ông trước mắt, chưa đợi hắn lên tiếng, Đàm Ngọc Thạch chầm chậm đáp:


- "Ta bỏ nhà đi từ năm 10 tuổi."


- "Cháu xin lỗi vì đã chen vào đời tư của ông nhưng cháu có thể hỏi vì sao không ạ, nếu ông không trả lời cũng không sao." Huỳnh Nam Phong xua tay, lễ phép hỏi.


- "Vì họ ức hiếp người quá đáng." Đàm Ngọc Thạch cắn răng, khuôn mặt già nua thống khổ nhìn hắn: "Trong kí ức, cha là một người vô cùng ác độc. Ông đánh mẹ, đánh chị, đánh ta, chửi tục bừa bãi, hở tí là đánh người, cáu cũng đánh mà vui cũng đánh. Còn mẹ, mẹ đã sớm phát điên rồi."


- "Phát điên?"


- "Mẹ ta thời đó là một người nông dân nghèo, cơm gạo thiếu thốn còn phải nuôi hai đứa con, ngày đêm làm lụng, ấy vậy mà cha vẫn không tha cho mẹ. Thỉnh thoảng bà thường xuyên gặp mộng, mơ thấy tổ tiên hiện về, sáng dậy bắt đầu phát điên, dở dở hâm hâm chăm sóc cây hoa trong vườn nhà, cứ rảnh rỗi lại bắt đầu ra vườn, có hôm ngắm nghía từ sáng tới chiều, quên ăn quên ngủ."


- "Mới đầu, bà còn còng lưng kiếm ăn, thấy hạnh phúc gia đình đâu còn nữa, có cố gắng thì cha cũng vẫn đánh bà, buông xuôi tất cả, dồn nén bấy lâu, hoá thành người điên, cứ chốc chốc lại cười không lí do."


- "Ta sợ cha nhưng lại càng sợ mẹ. Bà hằng ngày sẽ kéo tay ta đi quanh làng, đi chợ, đi dọc bờ đê, hôm là ta, hôm là chị gái, hôm thì cả hai, kéo đến phát đau, bầm tím cổ tay. Có lúc ta cảm thấy, bà không nhận ra đứa trẻ mình đã sinh ra nữa rồi, cứ điên điên dở dở như vậy, đi đến đâu cũng bị người ta ghét, săm soi đến phát mệt."


- "Thực ra ta có ý định bỏ nhà ra đi từ rất rất lâu trước đó rồi, chỉ là không đủ can đảm để thực hiện. Ta muốn dẫn chị gái đi khỏi nơi đây, tránh xa cái chốn âm u ngày đêm sống trong tiếng mắng chửi và đánh đập, ấy vậy mà, trong lòng mẹ, chị ta quan trọng hơn hẳn."


Huỳnh Nam Phong hiếm khi cắt ngang, nhỏ giọng: "Tại sao ông lại nghĩ thế?"


- "Bà sẵn sàng để mặc ta muốn đi đâu thì đi, nhưng để chị gái rời khỏi nhà một bước cũng đừng hòng! Bà kiên quyết không cho chị ra ngoài, cho chị xem cuốn sổ cũ rích oái oăm mà khi ta động vào phải chịu những trận đòn đau, thỉnh thoảng lại lảm nhảm lời bà nghe thấy trong mộng, nói chị là trân quý, là bảo bối."


- "Năm đó ta rời khỏi làng, mẹ đã kéo chân chị lại, ẩy chị ấy ngã sóng soài một góc dưới sàn nhà, vươn tay đóng sầm cửa lại. Trong mắt bà, cứ như ta không tồn tại, kể cả có mất tích cũng chẳng buồn quan tâm. Sau đó, ta không hề gặp lại chị mình thêm một lần nào nữa."


Cái quan trọng nhất, không phải nằm ờ cuốn sổ tay hay sao?


Huỳnh Nam Phong mất một lúc mới nhẹ giọng hỏi ông:


- "Rốt cuộc trong đó chưa cái gì khiến mẹ ông phát điên lên? Ông có thể kể lại đại khái nội dung không ạ?"


Đàm Ngọc Thạch gãi gãi cằm, nghĩ nghĩ, án chừng nửa tiếng sau mới tỉnh ngộ, nhanh nhảu nói như sợ sẽ quên:


- "Ta nhớ không lầm có một vị thầy giáo nào đó tới phủ phó tướng, mang theo một người học trò."


Huỳnh Nam Phong cau mày, thông tin về Hạ Lộc phu tử vốn ít, từ đâu chui ra một vị học trò lạ hoắc nào nữa?


- "Sau năm thầy ông ta vào phủ, ông đã yêu một người con gái họ Hoàng, tư dung tốt đẹp, phẩm hạnh cao quý. Họ sinh được hai người con gái và một người con trai, trai tài gái sắc, một nhà năm người hạnh phúc."


Họ Hoàng? Vậy chắc chắn không phải một trong ba vị tiểu thư họ Nguyễn rồi.


- "Kết hôn rồi, ông ta vẫn đi theo thầy mình, tới khi có con, bệnh tật, tới già nua vẫn một lòng, mang theo cả vợ lẫn con theo chân thầy mình ngao du thiên hạ, tới lúc lâm chung."


................


Huỳnh Nam Phong dắt xe ra khỏi bãi đậu, mất một hồi mới khởi động xe, trở về nhà.


Thông tin hắn thu được chính là, Hạ Lộc phu tử không chết, nghĩa là Nguyễn Bảo Uyên vẫn còn hi vọng, sau này ông ta còn đi khắp thiên hạ, tận tới lúc qua đời vẫn sống phiêu bạt lang thang.


Nhưng Hạ Lộc phu tử vốn là một thầy giáo, vì sao cuối cùng lại chọn con đường ngao du tứ phương?


Còn nữa, người học trò kia là ai? Vì sao lại trung thành với ông tới vậy?


Đàm Ngọc Thạch còn nói thêm về cảnh sắc nơi người kia đã đi qua, song vấn đề then chốt vẫn chưa được giải đáp, năm 1020 đã xảy ra truyện gì?


Có thể đặt ra giả thiết, năm đó, Nguyễn Bảo Uyên đã theo thầy mình rời khỏi phủ, kết hôn với một người phụ nữ họ Hoàng. Tính xác thực trong lời nói của Đàm Ngọc Thạch chưa được xác minh, rất có thể người học trò đó chính là Nguyễn Bảo Uyên hoặc cô gái họ Hoàng kia. Điều đó có thể lí giải cho Hạ Lộc phu tử đem theo một cô gái họ Hoàng vào phủ, cậu ta yêu cô gái ấy, ba người họ bỏ trốn, sống ẩn dật.


Còn một thứ nữa hắn thu được, Đàm Ngọc Thạch kể lại, một trong những thứ ông thấy là ba chữ "Triêu đại nhân" và "Nguyễn công tử" sẽ xuất hiện ở cuối mỗi trang ghi chép, cứ vài tờ lại xuất hiện một lần.


Hai người đó là ai mới được?


Trái tim hắn như ngừng đập, từ khi nghe đến "Nguyễn công tử", Huỳnh Nam Phong bỗng rùng mình, linh cảm xấu không biết từ đâu phát tác, ôm trọn lấy cơ thể hắn.


Nguyễn công tử, kể cả người đó là cô gái họ Hoàng hay Hạ Lộc phu tử, không ai xưng hô như thế cả. Vậy thì rất có thể, còn một người thứ tư.


Người học trò kia có thể không biết nhưng Nguyễn Bảo Uyên hẳn sẽ biết cô gái họ Hoàng kia, trong ghi chép có nói cô xuất phát từ phủ phó tướng, từ đó mới gặp được anh học trò.


Còn về người mẹ đã phát bệnh từ lâu kia...


Huỳnh Nam Phong không dám nghĩ, người chị kia đến cùng ra sao, mọi chi tiết lặt vặt xâu chuỗi lại, đến cùng ta được cái gì? Nguyễn Bảo Uyên tới cuối đã biến mất ra sao? Phải chăng là do cậu xuyên tới 1000 năm sau nên mọi thông tin đều biết mất, vậy còn người học trò và Hạ Lộc phu tử, hai người đó đóng vai trò gì?


"Triêu đại nhân" và "Nguyễn công tử" có liên quan gì tới người phụ nữ họ Hoàng bí ẩn kia?


Bản ghi chép đó, tựa hồ chẳng liên quan gì tới hoàn cảnh hiện tại, ấy vậy mà lại được bà mẹ nâng niu như châu báu, bà ta cầm nó làm gì, học sử chăng? Một người phụ nữ kham khổ mất niềm tin vào hôn nhân, đọc đi đọc lại một bản chép tay của mẹ có nội dung về một triều đại đã qua, chẳng trùng khớp với tình huống hiện tại một tí tẹo nào.


Và, bà của ông Thạch, lấy thông tin từ đâu?


Hắn bất giác rùng mình, sợi dây liên kết giữa một chuỗi sự kiện dần hiện ra, như đợi hắn tới phát giác. Ấy vậy mà, dù nó ở ngay trước mắt, hắn vẫn chẳng tài nào nhìn thấy nổi.


Rốt cuộc hắn đã quên mất thứ gì.


Những cái tên xa lạ bỗng đem lại cảm giác quen thuộc, linh tính mách bảo chúng có liên quan tới những người xung quanh hắn, không, có thể liên quan tới chính bản thân.


Hắn đã quên cái gì?


———————


Có một bài ca, chẳng biết tự bao giờ, bất cứ đứa trẻ nào trong cái nhà tồi tàn ấy cũng biết.


"Năm ấy có cô gái tay ôm bông hoa sen, đứng đợi nghìn năm. Năm ấy có chàng trai lừng lẫy chốn Thăng Long, đầu đội trời chân đạp đất. Năm ấy có vị công tử dung mạo như hoa, biệt tăm biệt tích. Năm ấy có ánh mặt trời chói loà đã mang họ đi."


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.