Thiên Thần - Barbara Taylor Bradford

Chương 11




Rosie quá sức buồn bực.

Nàng ngồi im lặng, nhìn ra phía trước. Không hề nhấp nháy mắt và có vẻ thở không ra hơi nữa. Nàng tự hỏi không biết mình phải làm gì bây giờ.

Từ lúc Nell chợt bỏ đi gọi điện thoại, gian phòng trở nên yên lặng nặng nề, Rosie cảm thấy rất chán nản. Johnny cư xử rất kỳ quặc, nàng thấy không có cách nào khác hơn là phải tìm cách nói chuyện cùng anh ta, nhưng nàng không nói nên lời.

Nàng chỉ thấy có một cách duy nhất phải làm thôi: là xin lỗi, rời bàn ăn, tìm Nell để báo cho cô ấy biết nàng về lại khách sạn Regent Beverly Wilshire. Chắc Nell sẽ hiểu. Hồi nãy hai người đã trao đổi nhau bằng mắt rồi, và thái độ bối rối của Nell đã cho nàng biết rằng chính cô ta cũng hết sức bực bội về thái độ có phần kỳ quặc của Johnny.

Rosie lại quay mắt nhìn vào cặp giá để đồ ăn tráng miệng nằm hai bên chân cắm đèn cầy. Nàng nhìn vào các thứ này suốt cả buổi tối, nhìn đi nhìn lại mãi. Đây là những thứ đẹp tuyệt, nàng chưa hề thấy có ở đâu hết. Mỗi cái giá như thế gồm có hai trụ gắn vào một cái đế cao, mỗi bên đế có hình một con báo, hai chân trước khỏe mạnh bụ bẫm vươn lên nâng một cái tô bạc có lót một lớp thủy tinh. Chất bạc bóng lên thật đẹp, các phần trang hoàng tỉ mỉ trên giá trông thật tuyệt vời. Nàng biết đồ này do một người thợ bạc bậc thầy làm nên, và chúng thuộc loại đắt giá kinh khủng.

Rosie rời mắt khỏi những thứ đồ bạc cổ, quay qua nhìn Johnny, nàng định cám ơn anh ta để ra về. Nhưng thay vì xin lỗi nàng lại nói:

- Mấy cái giá đựng đồ tráng miệng thật đẹp. Chúng có từ thời nhiếp chính Anh, phải không? Và nếu tôi không lầm thì do Paul Starr làm ra.

Johnny kinh ngạc, há hốc mồm nhìn nàng một hồi thật lâu. Cuối cùng, anh gật đầu, đáp: - Tôi vừa mua ở Luân Đôn. - Mặc dù anh quá đỗi ngạc nhiên khi thấy nàng biết tên người thợ bạc làm ra những thứ này, nhưng điều làm anh sung sướng là nàng ngưỡng mộ chúng. Điều này rất có ý nghĩa đối với anh. Những thứ này là niềm tự hào, là niềm vui của anh. Trong tất cả số đồ đạc trong nhà, mà phần lớn là của nước Anh, đều do anh chọn lấy. Khi anh đi mua các thứ này, không có Nell đi cùng. Anh mua ở nhà hàng anh ưa nhất nằm trên phố Bond vào đầu năm lúc anh đến đây để xem các đồ quí giá. Chủ nhân là Francis và Toni Racymaekers đã giữ các cái giá này cho anh, có lẽ họ biết chắc anh muốn chúng.

- Làm sao cô biết được các thứ này do Paul Starr làm. - Johnny hỏi, hơi nhếch người trên ghế để nhìn thẳng vào nàng.

- Tôi có một người bạn rất rành về đồ bạc, Rosie đáp - Nhất là về thời Vua George và thời nhiếp chính Anh. Cô ấy đã từng buôn bán loại đồ này.

- Thế cô ấy không buôn bán nữa à?

- Không, cô ấy không buôn bán nữa.

- Thật tiếc, tôi thường đi xem những thứ hấp dẫn, mà có được nhiều người hiểu biết, sành sỏi về đồ này thì tuyệt biết mấy, Johnny đằng hắng giọng. - Mà này, có nhiều người không còn buôn bán nữa nhưng họ vẫn góp ý được... Nếu bạn cô có dịp xem một món đồ đặc biệt, thì tôi...

- Cô ấy không làm đâu. - Rosie cắt ngang lời anh ta một cách đột ngột. - Cô ta không làm nữa.

- Nghỉ hưu à, có phải thế không?

- Cũng xem như... - Rosie ngưng lại, quay mặt nhìn đi chỗ khác, nghĩ đến Collie thân yêu, và nàng ước gì cô ấy làm việc được. Giá mà cô ấy có thể làm được, nàng chắc sẽ nhờ cô được, Rosie tin như thế. Bỗng Rosie cảm thấy buồn, nhưng nàng cố xua đuổi đi quay lại nhìn Johnny rồi bỗng nàng kinh ngạc thấy mình thốt lời tâm sự - Người bạn thân của tôi là Collie, cô ấy gặp nhiều chuyện đau buồn trong mấy năm qua. Chồng cô bị chết trong một tai nạn xe hơi, sau đó cô ngã bệnh. Cô không thể làm việc được trong một thời gian dài rồi. Khi trở lại làm việc, cô không thích ứng với công việc được nữa. Quá mệt mỏi, cô đành bỏ nghề. Ít ra thì cũng phải mất một thời gian, Rosie cố cười. - Mà ai biết, khi khỏe hơn, cô có thể làm việc lại được cũng nên. Cô ấy rất say mê đồ bạc cổ, cô thường rất sung sướng khi tìm ra được những thứ quí giá, và rất thích buôn bán loại đồ này. Collie cho rằng buôn bán đồ xưa rất hấp dẫn.

- Bạn cô bị bệnh, thật đáng tiếc - Johnny nói nho nhỏ, anh thấy mắt nàng lộ vẻ đau buồn. - Cô ấy hiện sống ở New York à?

Rosie lắc đầu.

- Không, cô ấy sống ở Pháp. Cô ta là người Pháp.

- Có phải cô học hỏi về đồ bạc nơi cô ấy không?

- Đúng. Cô ấy thường dẫn tôi đến dự các buổi bán đấu giá ở Luân Đôn... - Rosie bỏ ngang câu nói vì nàng chợt nhớ đến chuyện xưa. Thật là những năm tháng hạnh phúc hai người sống bên nhau, Rosie nghĩ, trước khi tai họa xảy đến cho cô ấy. Và cả cho mình nữa. Nàng thở dài, nhớ đến thời gian sống hạnh phúc ở Montfleurie, rồi bỗng nàng nhấp nháy như nỗi buồn bất ngờ dâng lên cổ họng nàng.

Rosie bèn vội trấn tĩnh lại, nàng cố lấy giọng thản nhiên, nói:

- Paul Starr là một thợ bạc có tài kỳ lạ, phải không? Collie thích ông ta lắm, và cả tôi nữa. Nếu cô ấy thấy những cái giá này, chắc cô ta mê tít thò lò. Nhìn chúng, tôi muốn ngộp thở, thật không thể tin được, quá đẹp!

Johnny gật đầu.

- Chính Nell đã làm cho tôi quan tâm đến đồ đạc của nước Anh. Cô ấy giúp tôi mua mấy cái chân cắm đèn cầy đầu tiên và bộ đồ uống cà phê. Nhưng còn những thứ khác, tôi tự mua lấy trong hai năm qua. - Anh ta mỉm cười. - Tôi phải nói, mua được các thứ này là nhờ mấy người bạn làm chủ một cửa hàng buôn bán ở Luân Đôn, Toni và Francis Raeymaekers. Họ có óc thẩm mỹ rất cao, tôi học hỏi về đồ bạc xưa là nhờ họ đấy.

Anh đừng lại, cảm thấy một ít khoan khoái hơn với Rosie, lòng tràn ngập biết ơn nàng vì nàng đã hâm mộ khiếu thẩm mỹ của anh. Anh còn nhận thấy anh đã bắt đầu bớt không ưa nàng, và bỗng nhiên, thật bất ngờ, anh thấy xấu hổ vì anh đã tỏ ra lạnh nhạt và thô lỗ với nàng. Sau khi hớp một ngụm rượu vang, anh nói nhỏ.

- Nell đã nói tôi có con mắt sành sỏi.

- Sành về cái gì? - Nell từ ngưỡng cửa bước ra, hỏi.

- Về đồ đạc Johnny đáp, rồi cười. - Rosie đang ngắm nhũng cái giá để đồ tráng miệng của Paul Starr, cô ấy rất thích.

- Đúng, những thứ này quá đẹp - Nell nói, nàng ngồi xuống.

- Mọi việc ổn cả chứ? - Rosie hỏi, nhìn bạn. - Cậu đi quá lâu

- Mình biết, mình xin lỗi vậy. Xin lỗi cậu, Rosie, và xin lỗi anh, Johnny.

- Không sao, cưng - Johnny đáp.

- Công việc chưa xong gì hết - Nell nói tiếp. - Chắc là tôi phải gọi thêm vài cuốc điện thoại nữa mới được. Chúng ta ăn rồi hẵng hay. Thật bậy, nhưng biết làm sao. - Nell nhún vai có vẻ ngán ngẩm, rồi nàng lắc đầu. Vẻ mặt tỏ ra ân hận. - Khi đã làm đại diện cho báo chí, thì phải vậy thôi. Khi nào cũng nhiệm vụ trên hết. Khi nào cũng gọi điện thoại. Cho nên nếu anh không phiền, Johnny à, chắc tôi phải giải quyết cho xong trường hợp đặc biệt này.

- Không sao. Cô cứ vào phòng tôi mà gọi thả dàn, Johnny đáp. - Cô xem đây như nhà cô, đừng kiểu cách. Nhưng bây giờ ta phải ăn tráng miệng đã chứ? Giovanni đã dọn "món kem đặc biệt" rồi đấy.

- Lạy Chúa! - Nell thốt lên, nhướng cao chân mày - Nghe mà phát ngán. Tôi chắc món này béo ngậy.

Johnny đáp:

- Lạy Chúa, cứ ăn đi, đừng lo việc lên cân. Mà thỉnh thoảng ăn một miếng có sao?

- Hai cái đùi thôi cũng đã trên 10 kilô rồi - Nell thở dài, dán cặp mắt tròn xoe lên trần nhà, rồi cười:

- Nhưng chắc gì đã đúng? - Rosie hỏi.

- Cô dùng bánh nướng sữa trộn táo đi. Cô sẽ thấy ngon cho mà coi. - Anh nhìn quanh qua nàng rồi nói thêm - Còn cô thì chắc cô không lo chuyện lên cân.

° ° °

Ăn xong, Nell vội vã vào phòng của Johnny để gọi điện thoại, còn Johnny dẫn Rosie vào thư viện ở phía sau nhà.

Vừa đẩy cửa mở, anh vừa nói:

- Chúng ta uống cà phê ở đây luôn. Tôi muốn cho cô thấy những thứ khác nữa, những đồ đạc tôi đã mua ở Luân Đôn.

- Tôi rất thích xem - Rosie đáp, nàng cố tình nói cho anh ta rõ điều này. Nàng rất ngạc nhiên khi thấy thái độ của anh thay đổi, và nàng vui khi thấy anh thân thiện với nàng hơn. Anh vui vẻ nói năng với nàng - Thực ra thì sự thay đổi thái độ này có lý do - nàng không khỏi thắc mắc tự hỏi cái gì làm thay đổi thái độ của anh như thế này. Phải chăng vì nàng quan tâm đến đồ đạc của anh. Có thể như thế không? Một chuyện nhỏ nhặt như thế lại có thể tạo ra một sự thay đổi lớn lao như thế này sao?

- Đây là chân đèn cầy thời Vua George Đệ Tam, cũng do Paul Starr làm, vào khoảng năm 1815 - Johnny giải thích, anh dẫn nàng đến chiếc bàn dài trong thư viện, kê sau chiếc ghế nệm dài đối diện với lò sưởi - Tôi mua cũng ở tại nhà hàng trên phố Bond. Tôi gặp may, là nhờ Toni và Francis đấy.

Rosie đứng nhìn mấy cái chân đèn cầy, gật đầu ra vẻ thán phục. Đoạn nàng quay qua chú ý đến cái tô bạc lớn ở giữa bàn.

- Cái này cũng đẹp. Nhung không phải do Starr làm, phải không?

Anh lắc đầu:

- Vật này có trước Starr nhiều - khoảng gần một thế kỷ. Vào thời Nữ Hoàng Anne, vào năm 1702, và do một người thợ bạc tài ba khác của Anh là William Denny làm ra.

- Anh có nhiều thứ đẹp quá. Thật đấy, cả ngôi nhà đều đẹp - Rosie nói, rồi nàng bước nhanh đến ngồi vào chiếc ghế nệm dài.

- Cám ơn. - Johnny đáp, anh bước theo nàng. Anh ngồi vào chiếc ghế dựa gần bên lò sưởi bằng đá khổng lồ. - Cô uống cái gì nhé? Rượu nhé? Cô- nhắc nhé? Anh hỏi, đưa mắt nhìn nàng.

- Cà phê là được rồi.

Arthur mang khay cà phê đi vào; Sophia bước theo sau, mang tách đĩa. Sau khi đã pha cà phê xong, họ lặng lẽ rút lui.

Rosie và Johnny thưởng thức cà phê.

Không ai nói gì, nhưng lần này sự im lặng giữa họ không nặng nề vì ác cảm. Nỗi ác cảm của Johnny bây giờ hoàn toàn tan biến; thay vào đó là anh ngạc nhiên về nàng. Anh cảm thấy ân hận vì đã đối xử không đẹp với nàng hồi nãy, và anh đâm ra giận mình. Mọi người đều biết tính anh dễ thương, mà nhất là phụ nữ, thế thì tại sao hồi nãy, khi Rosie một bước chân vào nhà anh, anh lại cau có khó chịu.

- Ai vẽ bức tranh ấy thế? - Rosie hỏi, mắt ngước nhìn bức tranh phong cảnh treo trên lò sưởi. Bức tranh vẽ cảnh hai người nông dân đang làm việc trên cánh đồng lúa mạch gợn sóng; Rosie cho là bức tranh này rất đẹp, và bỗng nàng cảm thấy nhớ nhà ở Montfleurie.

Johnny ngồi thẳng ngươi lên, nhìn theo nàng:

- Của Pascal. Bà ấy người ở đây, họa sĩ này tôi rất thích. Tôi có nhiều tranh của bà ta ở trên lầu.

- Tôi thích trường phái ấn tượng hiện đại... cánh đồng ấy trông như ở đâu bên Pháp - Rosie nói nhỏ, mắt vẫn nhìn vào bức tranh, óc nghĩ đến vùng đất quanh lâu đài nàng ở.

- Đúng thế. Pascal vẽ nhiều tranh ở bên ấy - Johnny giải thích, vẻ chú ý đến Rosie nhiều hơn. Anh nhìn nàng.

Rosie nhìn lại, hơi cau mày, vẻ phân vân.

Chính Johnny quay mắt đi trước. Anh để tách cà phê xuống, bước đến ngồi bên cạnh Rosie trên ghế nệm dài.

Thông thường, Johnny Fortune không bao giờ mở miệng xin lỗi ai về điều gì hết. Nhưng bây giờ anh lại xin lỗi Rosalind Madigan. Anh hơi bối rối nói nhanh.

- Tôi xin lỗi, hồi nãy tôi cục cằn thô lỗ với cô, tôi không muốn làm thế. - Anh ta dừng lại, lắc đầu. - Vâng tôi xin lỗi. Đáng ra tôi không làm thế với cô. - Anh lại dừng một chút nữa. - Hôm nay tôi có nhiều chuyện bực mình, cho nên tôi đã không tốt, - anh nói thao thao để xin lỗi về thái độ không đẹp của mình, để cho lòng được thanh thản.

- Tôi thông cảm hoàn cảnh của anh, Rosie đáp. - Thỉnh thoảng tôi cũng có những hôm như thế.

- Cô thứ lỗi cho tôi chứ?

- Dĩ nhiên rồi. - Rosie nhìn anh, cười. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt nàng, đôi môi nàng bỗng trở nên ngọt ngào và mắt long lanh sáng ngời. Nàng lại cười, và anh cảm thấy có cái gì ngấm vào, thâm nhập vào lòng anh. Anh ngạc nhiên bàng hoàng, ngồi yên, nhìn nàng đăm đăm.

Rosie nhìn lại anh, nàng nhìn vào đôi mắt xanh biếc sáng ngời chưa từng thấy. Nàng nhích người trên ghế, nghiêng đầu sang một bên, nhìn anh với ánh mắt ngạc nhiên, vô cùng kinh ngạc, vì nàng chợt nhận ra anh là người thật lạ lùng, chưa bao giờ nàng gặp một người như thế.

Khi Rosie chuyển dịch, ánh sáng chiếu vào mặt nàng.

Bỗng Johnny nhận thấy màu lục nơi mắt nàng rất hấp dẫn, mái tóc có màu hồng rục rỡ, và sắc đẹp của nàng làm cho anh ngẩn ngơ. Anh tự hỏi tại sao anh lại cho nàng là con người tầm thường và đáng chán nhỉ. Nếu nàng biết được ý nghĩ của anh khi nãy, chắc Rosalind Madigan phải sửng sốt lên mất.

Rosie vẫn bồi hồi trước mặt anh, nàng xao xuyến khi nhìn vào nét mặt đặc biệt của anh, nàng đưa tay chạm vào tay anh.

- Ổn cả rồi, anh đừng ngại. Em thông cảm anh, bỏ qua chuyện vừa rồi. - Nàng lại mỉm cười. Nàng thấy thích anh, bỏ qua thái độ cục cằn của anh hồi nãy, nàng thấy anh là người tốt, tính nàng thường như thế đối với tất cả mọi người.

Johnny gật đầu, và vì chưa hiểu hết thái độ của nàng, anh cảm thấy thanh danh bị tổn thương.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.