Thiên Kiều - Đổng Vô Uyên

Chương 30: 30: Sinh Tồn Trung





Nước ấm xuống bụng an ủi ngũ tạng lục phủ.
Tiểu Trường Ninh mê mê ngốc ngốc mở hé mắt, lại gian nan vươn tay kéo áo chị gái.

Trường Đình mở mắt ra thấy khuôn mặt nhỏ sưng vù của em mình, đôi mắt con bé sưng như hai quả hạch đào, miệng thì nhếch lên cười để lộ răng cửa bị sún…
Trường Đình cũng gian nan nở nụ cười đáp lại rồi hỏi: “Còn muốn uống sao?”
“Muốn…”
Tiểu Trường Ninh kéo dài giọng, tiếng cuối vẫn lọt gió như cũ, “Phải uống nhiều để nhanh khỏi bệnh, A Ninh cùng tỷ tỷ… lúc ấy có thể nhanh về nhà…”
Về nhà…
Trường Đình lập tức không nhịn nổi nữa.

Nhưng có lẽ hôm qua đã khóc quá nhiều nên hai mắt nàng chỉ có chua xót, hoàn toàn không có nước mắt chảy ra.
Về nhà ư? Bọn họ làm gì còn nhà nữa…
Không đúng, bọn họ vẫn còn nhà ở Bình thành!
Về nhà, về Bình thành!
Nơi đó còn có Chân Định đại trưởng công chúa, có nhị thúc Lục phân và nhị thẩm Trần thị cùng rất nhiều họ hàng Lục gia.

Nàng muốn đem di vật của cha và Phù thị về Bình Thành để ở từ đường của Lục gia.

Người sống tranh một hơi, người chết tranh một nén nhang.

Lục Trường Đình nàng kiêu căng lại lười nhưng vẫn biết người làm con, dù kết cỏ ngậm vành cũng phải báo đáp ơn cha mẹ.
Nếu việc đi về phía bắc tới nhà cũ ở Bình thành là tâm nguyện của Lục Xước thì nàng phải tiếp tục tâm nguyện này, để ông ấy ở dưới mồ có thể an ổn.

Thế gian này từ trước đến nay đều có một đạo lý: ngươi lấy của ông trời một thì ông trời sẽ trả lại cho ngươi 10.

Kẻ hạ sát đại phòng của Lục gia ngày hôm nay nhất định một ngày nào đó nàng sẽ bắt chúng nợ máu phải trả bằng máu.
Trường Đình ngẩng đầu, nhẹ hếch cằm mới có thể khiến hận trong lòng trôi xuống, cổ họng mới đỡ đau đến hoảng hốt.

Nàng sống hơn mười năm, được Lục Xước nuôi trong khuê phòng không biết thế sự.

Đây là lần đầu tiên nàng thề độc, đối với kẻ chủ mưu tới giờ còn ẩn mình nàng thực sự hận.

Nàng rất muốn cầm đao cắt thịt kẻ kia xuống sau đó rút gân lột da, đào tim kẻ đó mang tới trước mộ cha mình.
Cha, ngài chờ mà xem, chờ A Kiều dùng máu của kẻ địch tới tế bái vong hồn ngài.
Kỳ thật hận so với tuyệt vọng còn dễ chịu hơn.
Trường Đình bỗng nhiên phát hiện ra ít nhất hận thấu xương này còn khiến người ta thanh tỉnh.
Đầu óc và lòng nàng đều tỉnh táo.
“A tỷ…” Tiểu Trường Ninh yếu ớt, bàn tay không nâng lên nổi, phải cố hai lần mới kéo được sự chú ý của Trường Đình.
Trường Đình hít sâu một hơi, thay đổi biểu tình trên mặt sau đó nhẹ cúi đầu nói, “Ừ?”
Trường Ninh run rẩy tay vói vào trong tay áo, lúc sau tiểu nha đầu xòe bàn tay nhỏ, trong đó có một thứ được cuộn từng vòng tơ hồng.

Trường Đình ngạc nhiên, duỗi tay cầm lấy, nàng nghĩ biểu tình của mình hiện tại nhất định rất khó coi —— rõ ràng nàng không hề khóc nhưng khuôn mặt lại dữ tợn mang theo bi thương.
Đây là cái nhẫn ban chỉ mà Lục Xước đưa cho để dỗ dành nàng trước khi xuất phát.

Ở trên xe ngựa buồn chán, nàng cũng không thích nói chuyện với Phù thị nên cứ vậy cầm sợi tơ hồng quấn từng vòng mà nghịch.

Đêm qua lúc thay quần áo nàng đã tìm thật lâu nhưng không thấy.

Nàng còn cho rằng trong lúc hoảng loạn chạy trốn mình đã đánh rơi trong động hoặc trong nước…
“Ở cửa động… lúc chạy trốn… rơi ra từ trong vạt áo a tỷ, A Ninh thuận tay nhặt lên… Là nhẫn ban chỉ của phụ thân…”
Tiểu Trường Ninh nói một chút là ho, cả khuôn mặt nhỏ đỏ bừng sưng vù nhưng đôi mắt lại lấp lánh ánh nước.

Thoạt nhìn tiểu cô nương thực đáng thương.
Trường Đình đón lấy cái nhẫn kia mà nắm chặt trong tay sau đó nàng cúi người dán mặt lên gò má Trường Ninh, vừa há mồm định nói chuyện lại bị tiếng nói của thiếu nữ bên ngoài đánh gãy.
“Các ngươi có ăn thỏ không? Hôm qua ta đào bẫy thế là có một con thỏ béo mắc mưu!”
Một tay Hồ Ngọc Nương cầm tai dài của một con thỏ, một tay ôm một cái chén sứ to hưng phấn đi vào.

Giọng nàng sang sảng nói, “Vừa vặn năm trước gia gia cùng người Hồ đổi được hương liệu và bát giác vẫn còn thừa, vừa lúc để các ngươi tẩm bổ…”
Câu chuyện trong này hoàn toàn bị đánh gãy, Hồ Ngọc Nương tùy tiện đẩy cửa đi vào thấy hai tiểu cô nương ở nhờ nhà mình lúc này giống như đều mếu máo thì lập tức cứng người.

Con thỏ đá đá chân hai cái khiến cả người Hồ Ngọc Nương cũng run theo.
Trường Đình nắm chặt cái nhẫn ban chỉ kia trong tay sau đó cất vào tay áo rồi vội vã quay người đứng lên duỗi tay đón lấy chén sứ kia.

Chén sứ này còn nóng, bên trong là cháo nóng lượn lờ khói, còn có hai cái thìa gỗ.

Trường Ninh quả là đói bụng đã lâu…
Trường Đình vừa đút cháo cho em vừa nhỏ giọng dỗ, “Nóng đó, uống chậm một chút”, sau đó nàng quay đầu áy náy nói, “Cảm tạ Hồ nương tử! Chẳng qua lúc này chúng ta không thể ăn thức ăn mặn, uổng phí một phen khổ tâm của nương tử… Kỳ thật có cháo trắng và nước đã là tốt rồi…”

“Các ngươi đang để tang?”
Trường Đình nhẹ gật đầu.
Hồ Ngọc Nương đột nhiên cảm thấy thương hại, nàng vốn tưởng hai tiểu cô nương thoạt nhìn được dạy dỗ đàng hoàng này bị kẻ cắp tách khỏi gia đình.

Ai ngờ chuyện xưa của bọn họ còn là huyết hải thâm thù.

Nhưng bọn kẻ cướp chỉ muốn tiền, khi không lấy mạng người làm gì… Sau khi nghĩ một lát nàng ta lại nghiêng người buông tay, con thỏ kia rơi xuống đất thì sửng sốt, chờ nó hoàn hồn mới cuống quít chạy vài cái sau đó lẫn trong tuyết trắng biến mất.

Ngọc Nương vừa cười vừa vỗ tuyết trên tay sau đó sảng khoái nói, “Ta cũng thế, gia gia của ta mới qua đời tháng trước, ta đào hố là phòng kẻ cướp thôi, ai ngờ có con thỏ rơi xuống.”
Trường Đình chậm rãi ngẩng đầu lên.
Hồ Ngọc Nương vẫn đang cười, vừa cười vừa dùng tay miết góc áo, “Gia gia nói tang sự của mình là hỉ tang, bảo ta đừng khóc.

Ta vừa khóc thì linh hồn nhỏ bé của gia gia sẽ không đi nổi, cứ vậy không thể siêu sinh.

Lão nhân nói nếu ông ấy không thể đầu thai thì đó đều là do ta!”
Người già qua đời nông dân đều gọi là hỉ tang.

Ngẫm lại cũng đúng, có thể bình yên sống đến tuổi rồi đi gặp Diêm La Vương chứ không chết yểu nơi tha hương, vậy chẳng phải chuyện vui thì là gì?
Nhưng Lục Xước và Phù thị đang tuổi phong hoa lại chết oan uổng như thế thì không gọi là hỉ tang.
Trường Đình nghĩ như vậy nhưng vẫn kinh ngạc với sự thoải mái của Hồ Ngọc Nương.

Nàng ấy nói như vậy hẳn để an ủi nàng đúng không?
“Hồ nương tử nén bi thương, đều là thân thích gần gũi nhất, chúng ta không thể nói ai đáng thương hơn ai.”
Đều là người lưu lạc thiên nhai, hà tất phải khuyên giải an ủi lẫn nhau, vừa bóc vết sẹo của bản thân lại đụng tới đau trong lòng mình.

Trường Đình tự nhận bản thân không thể làm thế được.

Nàng duỗi tay hành lễ, lúc ngẩng đầu lên biểu tình đã rất bình tĩnh, lại ngắn gọn thuật lại chuyện hôm qua, “… Vốn một nhà chúng ta đang đi về phía bắc nhưng lại gặp cướp ở núi Giác, gia phụ và gia mẫu vì bảo vệ ta và muội muội mà bất hạnh qua đời.

Nhà cũ chúng ta ở tận Dự Châu, đường này vừa dài lại gian nan, ta và muội muội phải về nhà cũ ở Dự Châu để trưởng bối trong nhà biết về bất hạnh này.”
Bình thành là trung tâm của Dự Châu, nàng chưa nói ra Bình thành bởi vì Lục thị của Bình thành quá là gây chú ý.
“Về Dự Châu à…” Hồ Ngọc Nương lẩm bẩm.
Trường Đình nghiêng đầu nhìn ra ngoài song cửa, gió bắc gào thét, quần áo của nàng treo trên khung cửa sổ che gió nên hiện giờ hẳn đã khô cong.

Tuyết càng lúc càng dày, từ song cửa nhìn ra chỉ thấy con suối hôm qua đã đóng băng.

Ban đêm bắc địa nhiệt độ cực kỳ thấp, một đêm nước đã đóng băng là đủ thấy.
Lòng Trường Đình cực kỳ vui mừng nghĩ chỗ này đóng băng vậy trong động kia thì sao?
Bên trong động ngoằn ngoèo, có nhiều cửa động có sông ngầm kéo ra ngoài.

Kẻ địch sẽ phải tốn thời gian tìm hết mọi lối ra mới mong tìm được dấu vết.

Hơn nữa lúc này suối đã đóng băng, bọn chúng có khi nào sẽ chủ quan sơ sẩy buông tha chỗ này không!?
“Ta và muội muội hôm nay sẽ đi.”
Trường Đình vẫn không dám đánh cuộc, nàng nghĩ nghĩ rồi cũng có qua có lại nói, “Ta và muội muội chạy trốn được nên đám kẻ cướp kia sợ là sẽ không chịu bỏ qua.

Mấy ngày này Hồ nương tử tốt nhất đừng tới đây để tránh gặp tai họa.”
Nàng nói cũng coi như rõ ràng bởi vì nàng sợ nếu nói mờ mịt quá quá thì vị cô nương này không hiểu.
Hồ Ngọc Nương nghe xong thì nhíu mày nghĩ một hồi, không biết có hiểu không.

Trường Đình ngửa đầu, đang muốn nói nữa lại nghe Hồ nương tử gõ nhịp hô to: “Các ngươi đi Dự Châu sao!? Ta đi cùng các ngươi nhé? Gia gia sớm đã để lại di ngôn để ta tới Dự Châu cậy nhờ chú thím nhưng ta vẫn luôn trì hoãn không đi…”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.