Thích Khách Vô Danh

Chương 44




Ba ngày sau.

Mạc Hi thay xiêm y lúc mới đến của mình, đem hộp thủy tinh khắc thược dược để trên án trong thư phòng Đường Hoan. Vào ngày Đường Môn đông người nhất quay người bỏ đi.

Sùng Diêu Đài lúc này chiêng trống vang trời, chén khay chứa đầy rượu ngon. Quả thật Sùng Diêu Đài trong tay Đường Hoan mới có thể phát huy hết công dụng. Mà nàng lại không thể lên đài cầm chén nâng ly.

Sau khi đả thông hai mạch nhâm đốc, chân khí trong cơ thể vận hành so với lúc trước thông thuận không chỉ gấp mười lần, cả người cũng quét sạch mệt mỏi trong quá trình châm cứu. Quả thực thân nhẹ như yến, tinh thần gấp trăm.

Tâm tình của Mạc Hi cũng dần dần mở rộng theo thân pháp, phát huy khinh công đến mức tận cùng bay lên. Công phu đã mất nay được phục hồi càng trân quý hơn.

Trong chốc lát đã đến bờ diêu hà.

Người chèo bè kia quả nhiên đang ngồi giữa mảnh cỏ lau rậm rạp hoang vu.

"Kính xin tiền bối ra tay, giúp tôi qua sông." Mạc Hi vái chào, cung kính mười phần nói.

Người có trang phục như ngư ông hoàn toàn không để ý tới nàng, chỉ ngồi yên xếp bằng, ngưng mắt nhìn nước sông cuồn cuộn trước mặt.

Giây lát, ông ta bỗng nhiên đột ngột đứng lên, nhìn cũng không nhìn Mạc Hi một cái, trong nháy mắt đã cách xa mấy trượng.

"Hà chưởng môn xin dừng bước." Mạc Hi dùng ba phần nội lực đem giọng nói thanh thúy truyền ra ngoài.

Hà Quần Thanh cũng không xoay người, vút một cái đến bên cạnh Mạc Hi, đang muốn thi triển đại cầm nã thủ chế trụ cổ họng nàng, Mạc Hi đã khéo léo lướt tránh, nhanh chóng cách xa một trượng.

Hà Quần Thanh a một tiếng, lúc này mới xuất ra ba phần công lực phi thân lên. Lộ số võ công của ông ta phi thường bá đạo, hoàn toàn chỉ công không thủ. Hai người đại khái giao đấu ba mươi chiêu, Hà Quần Thanh dần dần dùng tới năm phần lực.

Mạc Hi nhờ khinh công xảo diệu chuyển bước tách người, thuận thế rút nhuyễn kiếm bên hông ra, trút nội lực vào, hết sức chăm chú cùng Hà Quần Thanh so chiêu.

"Con nhóc ngươi cũng có chút công phu đấy." Hà Quần Thanh cười một tiếng, chưởng pháp dần dần dày đặc, bất tri bất giác lại dùng thêm một phần nội lực. Mạc Hi lúc đầu kiếm thế còn nhẹ nhàng, dần dần liền cảm thấy kiếm mình bị chưởng lực đối phương đè xuống, có một lực hút kéo dài không dứt khiến kiếm của nàng không điều khiển được lệch qua, dần cảm thấy khó chống đỡ. Vốn ý nàng là chiêu chiêu đâm vào cổ tay Hà Quần Thanh, nay lại thành kiếm dán vào chưởng của Hà Quần Thanh.

Trong nháy mắt hai người đã qua hai trăm chiêu. Hà Quần Thanh lại a một tiếng, nói: "Không thể tưởng được ngươi tuổi còn trẻ lại được kỳ duyên như vậy." Rõ ràng phát hiện ra Mạc Hi đã đả thông hai mạch nhâm đốc, nói tới nói lui, ra tay lại càng tàn nhẫn.

Mạc Hi thấy tình thế không ổn, trường kiếm ngăn trước ngực, múa kiếm tạo thành một màn sáng, vừa vội vàng thối lui, miệng nói: "Cuộc đời này của Hà chưởng môn đã không thể giúp người mình tưởng nhớ qua sông, cần gì mỗi ngày ở đây lừa mình dối người!" Vốn chỉ định thử thân thủ, nhưng đừng lộng xảo thành chuyên (biến khéo thành vụng) liên lụy luôn mạng nhỏ chứ. Cùng Hà Quần Thanh tuyệt thế cao thủ như vậy so chiêu thật sự là cơ hội ngàn năm một thuở, dù biết rõ không địch lại cũng muốn mạo hiểm thử một lần.

Thế chưởng của Hà Quần Thanh quả nhiên chậm lại, nói: "Ngươi là gì của nàng?"

Mạc Hi từ trong lòng lấy ra một vật tùy ý ném ra, vừa nói: "Đây là di vật của cố nhân Hà chưởng môn. Hà chưởng môn xem thì biết." Vừa lấy kiếm hộ thân, lùi lại mấy bước.

Hà Quần Thanh phi thân bắt lấy tờ giấy hoa lan kia. Ông ta lướt qua bài thơ một lần, bỗng nhiên ngây ngốc tại chỗ, gió thổi qua đấu lạp trên đầu ông ta, lộ ra khuôn mặt tang thương trầm nghiêm, trong mắt hiện rõ sự vô cùng hối hận. Bỗng nhiên ông ta quỳ gối xuống đất, khàn giọng khóc không ra tiếng: "Tiểu Lan, nàng tội gì đi theo hắn, dẫn đến chết ở Đường Môn." Trong giây lát, ông ta lại lớn tiếng quát hỏi: "Cái này ngươi lấy được ở đâu?"

"Chính là khi làm khách ở Đường Môn ngẫu nhiên có được." Mạc Hi than nhẹ một tiếng lại nói: "Hà chưởng môn lời ấy sai rồi. Chắc hẳn Hà chưởng môn nhận ra được bút tích của Lâm tiền bối. Bài thơ này ý tứ rõ ràng là vì hết sức tương tư đối phương lại không được đáp lại, mới hạ quyết tâm chặt đứt tơ tình bỏ đi xa. Mà bài phía dưới Đường Tuyệt tiền bối viết rõ ràng là nói cô gái nhớ thương người trong lòng, lại cũng âm thầm nói hết tình cảm luyến mộ của bản thân đối với cô gái này." Đường Tuyệt viết bài tiểu lệnh này, câu trên miêu tả tâm tư, bộ dạng cùng thần thái của người trong khuê phòng. Câu dưới viết tình cảm tương tư tương ức, mong nhớ ngày đêm, hồn mộng quẩn quanh; giai nhân tình cảm nồng nàn, phòng không một mình, đối mặt với giường êm hương ấm, sao lại nói đến uống say rồi tỉnh. Mà uống say rồi tỉnh ở đây là ám chỉ nữ tử này từng mượn rượu giải sầu, dùng say rượu để thoát khỏi nỗi khổ tương tư (hai bài này xem lại chương 41). Tình cảm luyến mộ của Đường Tuyệt đối với Lâm Tích đã biểu lộ ra ngoài, Lâm Tích lại quyết định cắt đứt tình cảm vì không được quan tâm. Vì vậy người mà Lâm Tích luyến mộ trong bài thơ tuyệt đối không phải là Đường Tuyệt.

"Người Lâm tiền bối đau khổ thương nhớ trong bài thơ chính là tiền bối đúng không." Mạc Hi lại nói. Xem thần thái của Hà Quần Thanh, dám chắc tám chín phần mười rồi.

Hà Quần Thanh khàn giọng nói: "Uổng ta cả đời si mê võ học, lại ngại cho danh phận thầy trò, nhiều năm như vậy đã làm tổn thương tình cảm của Tiểu Lan. Đợi khi hoàn toàn tỉnh ngộ, Tiểu Lan đã rời khỏi Thục Sơn, gả làm vợ người. Cuối cùng cùng ta thiên nhân vĩnh cách." Ngừng lại một chút, ông ta lại lấy tay đấm ngực, giọng căm hận nói: "Nhưng nếu không có Đường Tuyệt, Tiểu Lan như thế nào lại chết!"

Mạc Hi than nhẹ một tiếng, nói: "Tiền bối nói thế vẫn sai rồi. Tiền bối cũng nói nhiều năm qua mình cô phụ một mảnh thâm tình của Lâm tiền bối. Lâm tiền bối đổi tên thành 'Tích' (tiếc) vì tỏ rõ ý chí, quý trọng tình cảm của Đường Tuyệt tiền bối đã chờ đợi nàng. Việc khác không nói, năm đó Lâm tiền bối vì thương nhớ tiền bối không được đáp lại mà ảm đạm rời đi, Đường chưởng môn bỏ lại Đường Môn, không tiếc bị trục xuất khỏi môn cũng muốn đi cùng nàng. Vả lại từ tờ giấy hoa lan tiên này mà xem, Đường Tuyệt tiền bối đối với việc Lâm tiền bối thương nhớ người đều biết rõ ràng, hành động này lại càng đáng quý." Lâm Tích đổi tên là chuyện sau khi rời khỏi phái Thục Sơn, nếu nói nàng muốn mai danh ẩn tích cùng Đường Tuyệt song túc song phi, vậy cũng có thể đổi luôn họ; hơn nữa Đường Tuyệt cũng không có đổi tên; thêm nữa sau khi Lâm Đường hai người trở lại Đường Môn, Lâm Tích cũng có thể đổi lại tên cũ là Lâm Lan, nhưng nàng không có. Có thể thấy được quan trọng là ở chữ "Tích". Mà Đường Tuyệt đối với Lâm Tích có thể nói săn sóc đến thập phần, còn vì nàng thu thập rất nhiều lư hương liền có thể thấy rõ.

Mạc Hi âm thầm cảm thán, vị Lâm chưởng môn này có thể được Đường Tuyệt, Hà Quần Thanh những nhân vật phi phàm như thế luyến mộ, nhất định là phong thái tuyệt thế. Thử hỏi thế gian có bao nhiêu nữ tử rơi vào lưới tình không thể tự kềm chế, khiến hồng nhan trở thành đầu bạc đau khổ chờ đợi cả đời, nàng lại có thể dứt khoát chặt đứt duyên xưa, hiểu được đạo lý quý trọng người trước mắt.

"Ta cũng biết Đường Tuyệt đối với nàng rất tốt. Cho nên mới tìm thợ giỏi tiêu phí suốt ba năm, đem hoa văn trang sức giường ngọc đổi mới hoàn toàn, chờ hai người họ trở về Đường môn liền đưa lên, chỉ vì chúc hai người họ trăm năm hảo hợp." Quả thế, Mạc Hi đã sớm hoài nghi thất bảo cùng giường điền ngọc của Đường Hoan kia chính là do tảng ngọc Hà Quần Thanh tìm được tạo thành. Thứ nhất, giường ngọc này cần khối đá vật liệu hoàn chỉnh nặng chừng một tấn mới có thể khắc thành, thế gian khó kiếm. Cho nên ngày đó nàng mới hỏi thăm Tiết Đồng việc này, dù sao Hà Quần Thanh cũng từng đả thông hai mạch nhâm đốc, cũng cần có vật phụ trợ. Thứ hai, nếu giường ngọc này là lễ vật Hà Quần Thanh sư phụ tặng đồ nhi tân hôn liền thuận lý thành chương (hợp lí). Hà Quần Thanh cho cái giường ngọc này cũng coi như là nhọc lòng, hai bên giường ngọc điêu khắc phong lan lư hương có thể nói tập hợp cả hai thứ mà cuộc đời Lâm Tích thích nhất vào một thể.

"Khối bạch ngọc bài khắc hoa lan kia là vật của Lâm tiền bối." Hà bao có thêu phong lan mà Đường Hoan dùng đựng Bích Lưu châu, chỉ sợ cũng là di vật của Lâm Tích. Ngọc bài khắc hoa lan, ngầm khảm tên thật của Lâm Tích là Lâm Lan, huống chi lại là tín vật duy nhất có thể sai sử Hà Quần Thanh, cho nên Mạc Hi suy đoán như thế.

"Đúng vậy. Ngày xưa Tiểu Lan dùng bí pháp độc môn của Thục Sơn truyền tin tức, hẹn ta tới đây giúp nàng qua sông." Mạc Hi âm thầm gật đầu, một nhà Lâm Tích muốn lặng lẽ thoát khỏi Đường Môn tất nhiên cần tìm kiếm trợ giúp từ bên ngoài, vả lại không thể mở xích sắt nối cầu để tránh kinh động người trong Đường Môn. Mà trên đời này người võ công cao có thể gánh trọng trách này, trừ Hà Quần Thanh kẻ võ điên này không còn ai khác.

"Không ngờ người đến là Đường Tuyệt tiền bối, đúng hay không?" Đường Hoan cùng Đường Tuyệt cuối cùng cũng không đi được, có thể là vì Lâm Tích không thể cố đến ngày ước định liền chết đi, mà người này chỉ nhìn thấy chồng người ta lại không thấy người muốn gặp, bị kích thích nên bỏ mặc. Đường Hoan ngược lại có thể sai được vị cuồng võ học này, chỉ sợ là bởi vì hắn dù sao cũng là hậu nhân Lâm Tích, cho nên lúc mới gặp từ "thật giống" kia của Hà Quần Thanh, giống hiển nhiên là nói Lâm Tích mà không phải Đường Tuyệt.

"Quả thật như thế, lúc ấy ta nghe thấy Tiểu Lan đã chết, bi thương không thôi. Vì thâm hận Đường Tuyệt không thể bảo vệ nàng, liền vô tri vô giác tự bỏ đi." Lúc này Hà Quần Thanh đã buồn bã tuyệt vọng như điên khóc không thành tiếng.

Mạc Hi âm thầm than thở, bi kịch của Hà Quần Thanh đúng là ứng với lời thoại mà mỗi người đều từng nói trong . Thời gian không đợi ta.

Mạc Hi thấy ông ta xúc động như cuồng không thể tự chủ, cũng không đi quấy nhiễu, sau một lúc lâu, thấy Hà Quần Thanh dần dần bình tĩnh bèn thử nói: "Hà tiền bối có thể xem phân thượng của bài thơ Lâm tiền bối viết mà giúp tôi qua sông không?" Nói xong lại vái chào.

"Cũng được. Ngươi ta hai người đều được Tiết Đồng đả thông nhâm đốc, cũng coi như có duyên. Mấy năm nay ta chưa từng mở miệng, hôm nay ngươi có thể dụ ta trò chuyện cũng coi như ngươi có bản lĩnh."

Mạc Hi âm thầm thở phào nhẹ nhõm, nhẹ nhàng nhảy lên bè trúc, thầm nghĩ: cuối cùng cũng có thể thuận lợi rời khỏi nơi này.

Hà Quần Thanh vừa chống sào trúc vừa khàn khàn nói nhỏ: "Ta vẫn nghĩ Tiểu Lan là vì Đường Tuyệt mới không tiếc phản bội bổn môn, rời khỏi Thục Sơn, vì thế nhiều năm qua canh cánh trong lòng. Nay mới biết nàng là vì ta nên mới thất vọng rời đi, vì thế càng phiền muộn chán nản." Giờ phút này Hà Quần Thanh như già đi mấy tuổi, trên mặt hiện rõ sự thương nhớ, hối hận, buồn bã. Lặng im một lát, ông ta lại nói: "Ta xem ngươi tuổi còn nhỏ, kiếm pháp đã không tầm thường, thêm một thời gian nhất định thành châu báu. Hôm nay ngươi bại sớm bất quá là thua ở nội lực không đủ. Luyện nội công tuyệt đối không thể nóng vội. Mà khi lâm trận đối địch, nếu tay cầm tuyệt thế thần binh có thể bù lại một phần nội lực không đủ. Ta liền tặng ngươi một vật, ngươi đi Thục Sơn lấy bội kiếm Thừa Ảnh của ta đi." Ngừng lại một chút, Ông ta lại buồn bã thở dài nói: "Năm đó ta đi khắp thiên hạ tìm thanh kiếm này, không tiếc lỡ hẹn với Tiểu Lan, bỏ qua lễ trưởng thành (tùy mỗi triều đại mà lễ này sớm hay muộn, thường là diễn ra năm 15 – 16 tuổi) của nàng. Xứng đáng rơi vào kết cục hôm nay."

Mạc Hi làm như không nghe thấy ông ta hối hận, hỏi: "Là Thừa Ảnh – một trong ba thanh kiếm được nhắc đến trong sao?" Vừa thầm oán, nào có người tặng đồ cho người ta còn bảo người ta tự đến nhà mình lấy, nhưng ngoài miệng cũng không dám đắc tội ông ta nửa phần, nếu lúc này mà chọc Hà Quần Thanh nổi giận, bỏ nàng lại trên bè trúc, cho dù nàng không bỏ xác trong bụng cá, cũng vạn vạn không thể qua được cơ quan dưới đáy sông.

"Đúng vậy. Còn đây là ấn tín chưởng môn của ta, ngươi giao cho đương nhiệm chưởng môn Cù Diệu là được." Nói xong, Hà Quần Thanh vứt cho Mạc Hi một khối mặc ngọc có khắc một chữ "Hà".

Mạc Hi gắt gao nắm chặt khối ngọc đen nhánh như mực trong lòng bàn tay, không khỏi lại oán thầm một trận: ngài tốt xấu gì cũng cẩn thận chút, nếu rơi xuống dòng nước chảy xiết, cô nương ta không thể tìm nó trở về đâu.

Chú thích:

Đại thoại Tây du là một cặp hai phim điện ảnh hài Hồng Kông của đạo diễn Lưu Trấn Vĩ phỏng theo bộ tiểu thuyết kinh điển Tây du kí của nhà văn Ngô Thừa Ân, cả hai bộ phim đều được công chiếu năm 1995 và nhận được phản ứng tích cực từ cả công chúng và giới phê bình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.