Thê Tử Của Chàng Câm

Chương 8: Trà lâu gặp quý nhân, mời nàng làm hầu trà?




Nghe nói ngày mai đi huyện, trên mặt hai tỷ đệ mới hiện ra vẻ vui sướng.

Tang Vi Sương nhìn họ mà cười.

- Nhị Nha.

Vi Sương nhìn Nhị Nha, vẻ mặt hơi nghiêm túc:

- Tỷ nghĩ kỹ tên cho muội và Tam Oa rồi. Từ nay về sau muội là Tang Tĩnh Sơ, Tam Oa là Tang Cẩm Văn, sau này tỷ sẽ đưa hai đứa đi học đường.

Tang Tĩnh Sơ, cũng chính là Nhị Nha nghe vậy thì sửng sốt, vội nói:

- Đại tỷ, tỷ cứ để Tam Oa, không, Cẩm Văn đi học đường đi, muội, muội là một cô nương đâu thích đọc mấy thứ đó.

Nàng không phải không tin đại tỷ có thể để các nàng đi học đường, năng lực của đại tỷ hôm nay nàng đã thấy, chẳng qua là nàng không muốn đi học, nghe Tống đại tẩu nói bà nghe cháu bà đọc mấy thứ đó là thấy đau cả đầu.

- Nữ tử, vẫn nên biết đọc ít sách mới tốt.

Tang Vi Sương chỉ nói một câu như vậy rồi không nói thêm gì nữa.

Tam Oa thì ở bên cạnh vui vẻ:

- Đệ có tên rồi! Đệ tên là Tang Cẩm Văn, không gọi là Tang Tam Oa nữa!

Hôm sau lại đến huyện thành, Tang Vi Sương dẫn Tang Tĩnh Sơ và Tang Cẩm Văn đi đến con phố náo nhiệt nhất ở huyện An, họ đi một mạch đến trước một căn tửu lâu mới dừng lại.

Tang Tĩnh Sơ và Tang Cẩm Văn đứng đợi bên ngoài tửu lâu, thời gian từng giây từng phút trôi qua, Tang Tĩnh Sơ thấy đại tỷ vào đã nửa canh giờ vẫn chưa ra ngoài thì trong lòng lo lắng nhưng nàng nghĩ cứ đợi thêm lát nữa, nàng tin tưởng đại tỷ.

Nàng sốt ruột đợi thêm một khắc đồng hồ, rốt cục cũng nhìn thấy đại tỷ từ trong tửu lâu ra ngoài.

- Đại tỷ, thế nào?

Tang Tĩnh Sơ vội hỏi.

- Ông chủ tửu lâu là một tên giảo hoạt, ông ấy không nếm gói đậu đỏ của ta thì không thương lượng, nhưng ông ấy nếm rồi, xác định là ta dùng đậu đỏ để làm chứ không có lừa gạt mà vẫn không hài lòng, còn muốn ta ở trước mặt ông ấy tìm một vị khách để chào hàng!

Tang Vi Sương mỉm cười nói, hai tỷ đệ kia nghe mà sợ hãi trong lòng.

Vi Sương nhìn bọn họ, tiếp tục nói:

- Đại tỷ mấy đứa tất nhiên là phải phát huy công phu ba tấc lưỡi, đem một hộp gói đậu đỏ kia bán được năm trăm văn tiền, ông chủ hài lòng mới nhận lấy tất cả. Còn nói sau này ta có thể đem tới chỗ của ông ấy bán.

- Là thật! Đại tỷ quá bản lĩnh!

Tang Tĩnh Sơ vui vẻ cười nói.

- Đại tỷ, vậy tỷ kiếm được bao nhiêu tiền?

Tang Cẩm Văn ngây thơ hỏi.

- Một lượng và năm trăm văn, hê hê.

Tang Vi Sương vỗ vỗ túi tiền, cười nói.

- A!

Tang Cẩm Văn hét to.

Tĩnh Sơ che miệng tam đệ, nhìn đại tỷ nói:

- Đại tỷ, vậy tiếp theo tỷ định làm gì?

Tang Vi Sương tán thưởng nhìn Tang Tĩnh Sơ, đứa nhỏ này xem như trưởng thành sớm, vì nghèo khổ mà trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ khác được nuông chiều từ bé, có Tĩnh Sơ thì không nghi ngờ gì là có một trợ thủ đắc lực sau này.

Kỳ thực lúc Tang Vi Sương còn là công chúa Dẫn Tố, khi chết vẫn chưa đến mười sáu tuổi, cập kê năm ấy nàng vì tìm phò mã, không, vì tìm Phó Họa Khánh mà rời cung, sau đó thì ở trấn Cốc Phong một năm.

Nàng bởi vì ở lâu trong cung nên quen dùng thái độ hờ hững đối xử với người khác, những thứ tranh đấu với nhau là môn bắt buộc của người trong cung nàng không phải không biết, chỉ là trước kia chưa từng nghĩ muốn sống phải mệt mỏi như vậy. Cho dù hiện tại nàng mang theo mục đích riêng nhưng nàng cũng không muốn lãng phí sinh mệnh quý giá mà trời cao ban cho nàng.

- Nhị Nha, muội dẫn tam đệ đi dạo, tỷ đi tìm xem có chuyện gì có thể làm hay không.

Tang Vi Sương nói, lấy trong túi ra vài đồng tiền:

- Thích cái gì thì cứ mua. Hai canh giờ sau lại đến đây đợi tỷ.

Nhị Nha nhận tiền, dẫn theo Tam Oa vui vẻ rời đi.

Tang Vi Sương bước chân vào một trà lâu, đây là con phố sầm uất nhất huyện An, người có thể tới đây đều là nhà giàu trong huyện.

Tang Vi Sương tránh được ánh mắt nghiêm khắc của tiểu nhị trong điếm, lẫn trong đám đông đi vào.

Bên trong rất náo nhiệt, trước kia tuy nàng đuổi theo Phó Họa Khánh đến trấn Cốc Phong nhưng vẫn bị Phó Họa Khánh quản thúc không cho ra khỏi cửa.

Nhìn cảnh tượng náo nhiệt này, mây đen trên mặt Tang Vi Sương mấy ngày qua cũng tản đi không ít.

Trà lâu thường là nơi mà người có chút tài nghệ thường đến, ở đây có biểu diễn trà nghệ, dĩ nhiên có hương trà thì không thiếu hương mực, có cả vẽ tranh hoặc thư pháp.

Tang Vi Sương bị một nơi thu hút sự chú ý.

Vị công tử hầu trà trẻ tuổi mặc bạch y kia, trước mặt để rất nhiều trà cụ. Nhìn hắn cũng chỉ mười lăm mười sáu tuổi nhưng nói năng thanh nhã, cử chỉ rộng lượng, thật không ngờ huyện An nhỏ bé này vậy mà cũng có thể dưỡng ra một thiếu niên thanh tú như vậy.

- Ấm tử sa khác nhau sẽ pha ra trà có vị không giống nhau.

Hắn cười nhạt nói.

Tang Vi Sương ma xui quỷ khiến bước lên phía trước, nhìn chiếc ấm trong tay người nọ.

Tang Vi Sương híp mắt, trước đây nàng là công chúa, ấm tử sa trân phẩm nàng đã thấy hàng ngàn cái, ấm tử sa này trong mắt nàng chỉ là hàng trung phẩm nhưng giá cả đã trên năm trăm lượng. Trong mắt những người nơi này nó đã xem như là vật quý đắt tiền.

- Ấm này tên “Trầm Chu”, là một trong loạt ấm tử sa phủ Khai Phong đưa ra năm Hoàng Kiến thứ tám triều Vũ.

Tang Vi Sương không hiểu sao lại thốt ra tiếng, không phải nàng cố ý khoe khoang mà là có chút cảm khái nhìn vật nhớ người, nhớ năm đó nàng mới bảy tuổi đi phủ Ninh Dương công chúa, cô cô đã dùng ấm này, cô cô không thích trà nên không quá để ý trà cụ, không ngờ ấm tử sa nổi tiếng mà chỉ hoàng thất tiền triều và quý tộc mới có thể dùng đã dần dần rơi vào chốn phố phường.

Giọng Tang Vi Sương không lớn, nhưng người mặc bạch y kia lại nghe rất rõ ràng, hắn ngẩng đầu nhìn về phía nàng, khi thấy rõ chỉ là một đứa trẻ thì nụ cười trên mặt giảm đi.

Năm Hoàng Kiến thứ tám, nàng một hay hai tuổi?

Tang Vi Sương kịp phản ứng mình vừa nói cái gì, nhìn về phía ánh mắt của hắn thì lúng túng đỏ mặt, vội mở miệng giải thích:

- Tôi từ trên sách mà biết.

Vẻ nghi ngờ trên mặt nam tử trẻ tuổi nhạt đi, nếu biết từ trên sách thì cũng không có gì lạ. Nhưng một cô bé mà lại biết mấy thứ này cũng khiến hắn cảm thấy kỳ quái.

- Xem ra cô có nghiên cứu về tử sa.

Hắn nhẹ nhàng nói:

- Cô thích trà?

- Thích.

Tang Vi Sương sau khi sửng sốt thì không chút e dè nói.

- “Trầm Chu” thích hợp nhất là pha Tây Hồ Long Tĩnh thượng hạng, mùi vị thanh nhã thơm dịu, càng tôn lên cái nhã và hương của Tây Hồ Long Tĩnh một cách độc đáo. Mà “Yên Vân” dáng hơi ốm hơn, màu sắc hơi nhạt hơn Trầm Chu thì thích hợp pha Liễu Dương Ngọc Lung, như vậy thì cái đạm và lạnh của trà Liễu Dương Ngọc Lung có thể thể hiện được thông qua Yên Vân. Tốt hơn cả “Yên Vân” và “Trầm Chu” chính là loạt ấm tử sa “Lưu Cẩm” phủ Lạc Dương đưa ra năm Hoàng Kiến thứ mười hai, pha………..

Nàng dừng lại chốc lát:

- Nếu pha “Hạm Đạm Hoa Thanh” cống phẩm thượng hạng của phủ Tô Châu………..

“Lưu Cẩm” và “Hạm Đạm Hoa Thanh” từng là thứ mà Đại Vũ trưởng công chúa Thương Dẫn Tố thích nhất, trước kia việc nàng thích làm nhất là vào tháng sáu ngồi hóng mát thưởng trà trước ao sen ở phía sau Hoa Dương điện.

Nàng luôn cúi đầu nên không thấy khi nghe đến “Lưu Cẩm” và “Hạm Đạm Hoa Thanh” thì thiếu niên mặc bạch y ánh mắt thay đổi.

Thật lâu sau, thiếu niên mặc bạch y mới mở miệng nói:

- Ta mời cô làm hầu trà, cô có đồng ý không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.