Thẻ Đọc Tâm

Chương 4: Ánh sáng soi chiếu quá khứ của mỗi người




Thực ra, cha của Phí Nhan đã qua đời năm cô ấy mười hai tuổi.

Mẹ Phí Nhan là một diễn viên kịch nói, tên là Lý Phi Ảnh.

Phí Nhan cảm thấy mẹ của mình là một diễn viên quê mùa nhất trên thế giới. Hát thì ê a ê a chẳng theo giai điệu, khuôn mặt sau khi trang điểm và cả quần áo đều lỗi thời.

Nhưng cha cô lại cảm thấy Lý Phi Ảnh có vẻ đẹp mê hồn, ông hết mực yêu thương vợ con, gia đình.

Đáng tiếc, người đàn ông hoàn hảo đó lại yếu mệnh. Cha Phí Nhan lâm bệnh qua đời năm ba mươi bảy tuổi. Khi đó Phí Nhan mới mười ba.

Trước khi qua đời, ông nói với Lý Phi Ảnh: “Mấy năm nữa, em hãy chọn cho mình một người thích hợp, nhất định không được đày đoạ làm khổ bản thân”.

Lý Phi Ảnh nước mắt lưng tròng, nắm tay chồng thật chặt, nức nở thề thốt: “Em nhất định sẽ không tái giá. Cho dù có khổ sở thế nào, em cũng sẽ nuôi nấng Phí Nhan nên người”.

Nghe lời thề thốt chân tình của người vợ xinh đẹp, cha Phí Nhan đã nhắm mắt trong niềm vui mừng thanh thản.

Lúc anh sống, ngày nào cũng cùng em nói những lời ngọt ngào.

Khi anh ra đi, những lời nói ngọt ngào ấy cũng theo người đi mất.

Ba tháng sau, Lý Phi Ảnh có quan hệ tốt với Chu Đại Nhĩ – nhân viên phụ trách trang phục diễn xuất.

Nhưng Phí Nhan không hề có cảm tình với Chu Đại Nhĩ.

Chẳng ai có tên giống như tên của Chu Đại Nhĩ. Đúng như quan niệm: nhìn người đoán tên, chú ấy giống như một con lợn béo trắng, mỡ màng, mặt phính, tai to.

Lúc hút thuốc, chú ấy cũng nói rất nhiều. Tay thì kẹp điếu thuốc, còn miệng cứ oang oang không ngừng, thậm chí tàn thuốc rơi lả tả khắp nơi, hệt như bã mía để lâu ngày.

Điều đáng ghét nhất là, Chu Đại Nhĩ còn có tật xấu – thích vỗ vỗ vào mặt của Phí Nhan.

Vả lại, Phí Nhan xinh đẹp ghét nhất cách biểu đạt được coi là thân thiết ấy. Cô cảm thấy sự thể hiện này có xu hướng thô bạo. Đôi má trắng trẻo của Phí Nhan vừa bị Chu Đại Nhĩ vỗ vỗ vào một cái đã ửng đỏ lên, giống như đổ mực đỏ đang còn nóng lên tờ giấy trắng vậy.

“Khuôn mặt con thật đẹp, khiến chú cứ muốn vỗ lên đó!”.

“Phiền chết đi! Tránh ra!”, Phí Nhan luôn bực bội đánh vào tay của Chu Đại Nhĩ.

“Nhan Nhan, sao con lại ăn nói với chú Chu Đại Nhĩ như thế?”, Lý Phi Ảnh rất chú trọng trong việc rèn luyện tính cách thục nữ cho Phí Nhan.

Phí Nhan bực bội quát lớn: “Vỗ vào cái mặt lợn của chú ấy”.

Điều đáng buồn là, cho dù Phí Nhan có không thích Chu Đại Nhĩ thế nào đi chăng nữa, cô vẫn không thể ngăn cản quan hệ của hai người kia. Vì Lý Phi Ảnh thích tính cách xa hoa của Chu Đại Nhĩ.

Trở thành goá phụ, Lý Phi Ảnh yên bản thân nhất, sau đó là đàn ông và cuối cùng mới là con gái.

Khi đi siêu thị, Chu Đại Nhĩ luôn đi theo sau Lý Phi Ảnh và Phí Nhan, cứ khi nào hai mẹ con cô nhi quả mẫu băng khoăn lưỡng lự trước bộ quần áo hay chiếc túi xách có giá tiền quá cao thì Chu Đại Nhĩ lại quyết định dứt khoát: Mua!

Lý Phi Ảnh đã không còn là người phụ nữ chung tình nữa. Khi quyết định lấy Chu Đại Nhĩ, bà nói với Phí Nhan: “Con còn nhỏ, không biết rằng những người đẹp trai thì không thể là người mà ta có thể nương nhờ vào họ. Đẹp trai thì có ăn được không? Nhiều anh chàng rất đẹp trai, nhưng đến năm ba mươi tuổi là trở nên béo phì và xấu xí!”.

Lần đầu tiên Phí Nhan cảm thấy khoảng cách của hai mẹ con đã dần xa. Cô đang ở độ tuổi trăng tròn, cũng là thời kỳ cảm nhận rằng đẹp trai mới là một điều kiện tốt của nhân vật anh hùng.

Đáng tiếc, cho dù có phản đối như thế nào thì Chu Đại Nhĩ vẫn trở thành cha dượng của Phí Nhan.

Thực ra, Chu Đại Nhĩ luôn đối tốt với Phí Nhan, thậm chí nhiều lần còn khiến cô cảm động, điều này suýt chút nữa thì trở thành một truyền thuyết đẹp của quan hệ cha con không cùng huyết thống: Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai [1] .

[1]: Ý là tình cảm chân thành có thể làm cảm động tới trời đất, khiến cho sắt đá cũng phải rạn nứt.

Sự sụp đổ của truyền thuyết, bắt đầu trong một đêm mùa hạ.

Đêm tối ẩm thấp và nóng rực, cả thành phố như biến thành một hồ cá, khiến cho những người không biết bơi có ảo giác bị rơi vào dòng nước sâu và sắp ngạt thở trong đó.

Hôm dó, Phí Nhan phải đến trường thi, lòng dạ rối bời, cứ trằn trọc mãi. Cô lén lút mở ngăn kéo, lấy ra một điếu thuốc, rón ra rón rén đi đến ban công của phòng khách, rồi “phụt” một tiếng châm thuốc.

Phí Nhan không phải là cô gái hư, nhưng cô không nhớ từ lúc nào mình bắt đầu lén lút hút thuốc.

Ban công của phòng khách rất thoáng gió, có thể mau bay hết mùi khói, vì thế nếu ở nhà, sau khi hút cha mẹ đã ngủ, Phí Nhan lại lén lút ra đó hút thuốc. Như thế, cho dù bị phát hiện, thì cũng có thể tiện tay vứt điếu thuốc xuống lầu, tiêu huỷ chứng cớ.

Hôm đó, đang thong thả hút thuốc, Phí Nhan nghe thấy mẹ và dượng Chu Đại Nhĩ đang lời qua tiếng lại trong phòng ngủ.

Phòng ngủ của họ vẫn sáng đèn, chỉ cách ban công của phòng khách một bức tường. Thành phố về đêm rất tĩnh lặng, vì thế Phí Nhan nghe thấy tiếng cãi nhau của họ.

“Theo em, nếu anh Phí còn sống, liệu anh ấy có phát hiện ra quan hệ của chúng ta, rồi chủ động đề xuất ly hôn để tác thành cho quan hệ của hai ta không?”

“Em nghĩ không đâu, chẳng phải chúng ta đã rất cẩn thận sao? Hơn nữa anh Phí là người cố chấp, không đời nào chủ động ly hôn đâu.”

Hoá ra, mẹ và dượng Chu Đại Nhĩ đã yêu nhau lâu rồi.

Hoá ra, khi cha còn sống, hai người họ đã là tình nhân.

Hoá ra, mẹ và dượng Chu Đại Nhĩ luôn gạt bố, phụ lòng bố.



Tàn của điếu thuốc cháy hết rơi xuống làm ngón tay Phí Nhan bỏng rát nhưng cô không hề hay biết vì quá đau lòng. Vào chính giây phút này, thế giới của cô đã hoàn toàn sụp đổ.

Hồi ức về tất cả những câu chuyện, những tình tiết nhỏ về tình yêu, về sự ấm áp ấy bỗng chốc bị rơi vào vũng đầm lầy, trở nên vô cùng ô uế.

Mùi thuốc trở nên khó chịu như thế cũng giống như tuổi thơ năm cô mười ba tuổi. Hoá ra sự thất vọng lớn nhất chính là một loại đau khổ cùng cực.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.