[Thập Niên 80] Đại Viện Tiểu Tức Phụ

Chương 2




Lâm Kiến Minh đưa mắt nhìn xuyên qua đồng ruộng, như nhìn thấy ruộng lúa mỳ xanh mướt ngoài nông trường từ rất nhiều năm về trước.

Còn có cô bé mặc áo hoa nhỏ, yên tĩnh đến gần như ngơ ngác, và một người phụ nữ trẻ đứng cạnh đó dịu dàng nhìn cô bé.

Người phụ nữ đó tên là Chu Xảo Nương.

Là người vợ ông ta cưới lúc bị hạ phóng cải tạo lao động dưới nông thôn.

Cô bé kia chính là con gái của bọn họ, tên là Lâm Yểu.

Nhưng Chu Xảo Nương cũng không phải là người vợ hiện tại của ông ta.

Kỳ thực trước khi bị hạ phóng, ông ta đã kết hôn.

Vợ Triệu Tân Lan là bạn học thời trung học của ông ta, hai người có nền tảng tình cảm nhiều năm, tình cảm thâm hậu.

Chỉ là trời mưa gió thất thường, không bao lâu sau vụ hỗn loạn đó, ông ta bị xếp vào hàng ngũ hắc ngũ loại (*) do cha ông ta xuất thân từ gia đình địa chủ, còn là phần tử trí thức. Ông ta và em trai ông ta đều bị hạ phóng, bị đưa đến nông trường ở tỉnh bên cạnh sông Thanh Dặc cải tạo lao động.

(*)Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa: “hắc ngũ loại” thường dùng để chỉ những đứa trẻ là con cái của gia đình địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu, phần tử cực hữu. Trong những ngày đầu của Cách mạng Văn hóa, dưới ảnh hưởng của quan niệm phả hệ, những người xếp vào hàng ngũ hắc ngũ loại bị phân biệt đối xử về các mặt như gia nhập Liên đoàn, gia nhập Đảng, tốt nghiệp, tuyển dụng, gia nhập quân đội, các vấn đề yêu đương và hôn nhân. Sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, Cách mạng Văn hóa bị bãi bỏ hoàn toàn, khái niệm gia cảnh dần bị phớt lờ, và thuật ngữ chính trị “ Hắc ngũ loại” không còn được sử dụng nữa.

Lúc đó con trai trưởng Lâm Gia Hoa của ông ta và Triệu Tân Lan mới bốn tuổi, con gái nhỏ Lâm Gia Khả còn chưa ra đời.

Vợ mang thai, con trai còn quá nhỏ, cũng không thể để bọn họ đi theo ông ta xuống nông trường cải tạo lao động được. Bất đắc dĩ, hai người bàn bạc với nhau rồi quyết định ly hôn, vợ ông ta vạch rõ giới hạn với ông ta, mang theo bụng bầu và con trai trở về nhà mẹ đẻ căn chính miêu hồng có xuất thân từ giai cấp công nhân sinh hoạt, còn một mình ông ta đi xuống nông trường cải tạo lao động.

Những ngày tháng đó như một cơn ác mộng với ông ta.

Sống ở chuồng bò, ngày nào cũng bán mặt cho đất bán lưng cho trời... ông ta làm công tác nghiên cứu giống cây trồng, trước kia cũng từng trồng trọt, nhưng không phải là kiểu lao động từ sáng sớm đến khi tối mịt như máy móc, đã vậy chỉ có màn thầu đen cháo loãng để ăn, ngày ngày nhiều nhất cũng chỉ được ăn lửng bụng.

Ông ta đã từng chịu khổ như thế này bao giờ? Không bao lâu sau sức khỏe của ông ta dần đi xuống.

Ông ta cứ nghĩ chắc mình sẽ không thể chịu đựng được nữa.

Lúc đó cũng có rất nhiều người bị bệnh chết ở trong nông trường.

Cách đó không lâu, ông ta đã chứng kiến ​​em trai mình bị bệnh chết.

Nhưng cuối cùng ông ta không chết, bởi vì vào lúc ông ta bệnh nặng, có một cô gái nông thôn đến bên cạnh ông ta.

Là con gái của đội trưởng đội sản xuất thôn Chu gia gần nông trường, chính là Chu Xảo Nương.

Chu Xảo Nương bỏ ngoài tai lời phản đối của người nhà, cũng phớt lờ ánh mắt của những người khác, bỏ tiền ra mời bác sỹ khám cho ông ta, đưa ăn, đưa thuốc, cẩn thận chăm sóc cho ông.

Ông ta biết ơn bà ấy, cũng cảm động trước sự chân thành, nhiệt tình của bà ấy... Trên thực tế, với tình cảnh lúc đó của mình, ông ta cũng không thể rời bỏ bà ấy, sau đó hai người kết hôn.

Một năm sau, hai người sinh ra một đứa con gái, đặt tên là Lâm Yểu.

Ông ta cứ nghĩ cuộc sống của mình sẽ mãi trôi qua như vậy.

Không ngờ sau mười năm trắc trở, cuối cùng những "Hắc ngũ loại" như bọn họ cũng được nghênh đón ánh sáng rạng đông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.