Thanh Xuyên - Miêu Đại Phu

Chương 85




Kẻ đi trăm dặm, thì chín mươi dặm cũng chỉ là nửa đường, sau khi kì thi giai đoạn hai kết thúc, Hứa Tĩnh Xu ngộ ra đạo lý này lần nữa.

Cho dù khởi đầu có hăng hái đến mức nào, đến giữa chừng ngập tràn tự tin ra sao thì chỉ cần buông thả một chút vào giây phút cuối cùng trước khi kết thúc, tất cả mọi sự cố gắng sẽ có thể thành công dã tràng, mà con người ta lại thường không nhớ nổi đạo lý này, vẫn thích tìm một lí do để lười biếng sau khi đi được nửa hành trình. Họ cố gắng được một thời gian ngắn, gặt hái được chút thành tích cỏn con là phải an ủi cho bản thân mình cũng vậy, hay căng người nỗ lực quá lâu nên phải thả lỏng cũng thế, có một chút thời gian để giải lao thì chẳng thà cố gắng.

Những khoảng thời gian đó thường nhỏ đến là nhẹ bẫng như cách dừng lại của kim phút khi chuyển từ khấc này đến khấc kia, bởi rằng giải khuây là chuyện rất đỗi đương nhiên nên sẽ không bị chú ý. Song, chúng sẽ đột ngột phóng đại vô số lần vào một thời điểm nào đó, trở nên cực kì lóa mắt – Đó là lúc sự thất bại kéo đến.

Chỉ sau khi thất bại, những chớp mắt nhỏ bé và buông thả này mới có thể bành trướng. Có thể là tối đến ngủ sớm hơn một tiếng, có thể là ăn xong chơi một ván game, thậm chí có thể là đứng tắm thêm mấy phút, chúng đều khuếch đại, khuếch đại dần… Hệt như từng nhãn dán dán lên tấm ván “Thất bại”, giải thích nguyên do “Thất bại”.

Mười năm ngày trước kì thi đại học, đám sĩ tử bước vào giai đoạn ôn thi thứ ba, đồng thời cũng là lần chạy nước rút cuối cùng.

Những tấm nhãn dán bé nhỏ đó chiếm cứ đầu óc cậu trong lúc cậu bất cẩn có thời gian rỗi rãi, nhắc nhở cậu không được cho mình cơ hội nghỉ xả hơi. Cậu không muốn nếm trải nỗi ân hận muộn màng như lần trước, không muốn sau khi thất bại lần thứ hai lại không ngừng nghĩ rằng “Nếu lúc đó mình cố gắng hơn chút nữa thì tốt quá”, “Nếu một giây đồng hồ kia mình không buông lơi thì tốt quá”,… Cậu không ngừng bị những cái “Nếu” đó chi phối, trái tim như bị vò nắn thành một cục. Cảm xúc đó cực kì khó chịu, Hứa Tĩnh Xu không muốn nếm trải thêm lần nữa.

Trong nửa tháng cuối cùng, thời gian ngủ nghỉ và học hành của Hứa Tĩnh Xu hoàn toàn đồng bộ với Hứa Uẩn Triết. Nếu cậu vẫn thi thoảng nghĩ tới những chuyện khác, thì có lẽ đang cảm thán mình có một anh bạn trai chăm chỉ và cần cù cũng nên.

Xưa nay Hứa Tĩnh Xu chưa bao giờ thật sự để ý đến chuyện thi đại học cho lắm. Trên thế giới này luôn có một nhóm người cho rằng thành công trong cuộc sống không liên quan đến bằng cấp, và Hứa Tĩnh Xu là một trong số đó.

Thi có tốt hay không thì liên quan gì? Kể cả có vào một trường đại học dân lập, sau khi tốt nghiệp cũng tìm công việc được. Chẳng qua công việc có tốt có xấu, thu nhập có cao có thấp, những chuyện này không thuộc phạm trù bận tâm của Hứa Tĩnh Xu.

Sau khi đã quyết định rời khỏi nhà, Hứa Tĩnh Xu không thể không lo nghĩ lần nữa, nguyên cớ mình nghĩ vậy có liên quan tới việc đó giờ mình vẫn áo cơm không lo không nhỉ? Cậu hoàn toàn chẳng có khái niệm nghèo rớt mồng tơi, dù trước đây có làm việc bán thời gian nhưng không phải vì kế sinh nhai mà thuộc phạm vi ngoài cuộc sống. Song, một khi đã quyết định sẽ không dựa dẫm vào bố mẹ nữa, sống một cách độc lập thì khái niệm trước kia đã khác hoàn toàn.

Tiền thật sự là một nhân tố cực kì vững mạnh, cậu cho rằng khái niệm về nó thay đổi thì rất nhiều chuyện khác cũng phải đổi thay theo. Vì để đảm bảo cho mình có thể tìm được một công việc tốt thì phải tăng giá trị của bản thân trong mắt kẻ khác, mà đối với người xa lạ thì giá trị cá nhân thường được thể hiện bằng hình thức vẻ ngoài, ví dụ như một tấm văn bằng. Dù nó có thể không thể hiện được tố chất tổng quan của một người, nhưng có thể nói rõ đó là một người có thể ứng đối với những cuộc thi.

Chẳng phải cuộc đời cũng là một chuỗi từ kì thi này đến kì thi khác hay sao?

Nông cạn biết bao! Song, lúc Hứa Tĩnh Xu cầm lòng không đặng xỉa xói đó là nông cạn, cậu vẫn lựa chọn thuần phục nó.

May là trong quá trình Hứa Tĩnh Xu dần dần hiểu ra sự nông cạn này, cậu cũng dần dần hiểu Hứa Uẩn Triết.

Hóa ra câu nói lúc đó của Hứa Uẩn Triết khác với cậu, ý cậu ấy là cái này. Hóa ra, lí do sau khi Hứa Uẩn Triết nghe nói Cát Táp thôi học đã trưng biểu cảm cay đắng và ngưỡng mộ là vì vậy.

Gần đây cậu mới cắn răng hạ quyết tâm phải rời khỏi nhà, nhưng Hứa Uẩn Triết đã quyết định như vậy từ lâu lắm rồi nhỉ? Hứa Uẩn Triết đã lên kế hoạch cho tương lai xong xuôi rồi nhỉ? Hay cũng như cậu, vẫn chưa nghĩ nhiều, song vẫn nghĩ đằng nào cứ phải rời khỏi đây cái đã?

Hứa Tĩnh Xu chưa từng nghiêm túc học hành như dạo này, cho nên cơ thể tạm thời khó thích nghi nổi. Ngày nào cậu cũng học đến tối muộn, cho dù thi thoảng vẫn hơi hoang mang, chưa kịp thốt ra khỏi miệng thì đã bị đống từ vựng chưa thuộc và bài Lý chưa tính ra kết quả bủa vây lấy đầu óc.

Hứa Uẩn Triết cũng thế.

Sự cầm cự lúc ôn thi chợt đẩy lên thành trạng thái căng thẳng tột độ, trừ việc nhai đi nhai lại những nội dung ôn tập đã quá đỗi quen mắt ra thì không còn chuyện gì nữa. Đã không còn bụng dạ nào mà nghĩ, mà cũng chẳng dám nghĩ, dường như vào giờ phút này đây, chỉ cần hơi suy nghĩ đến chuyện khác là sẽ chôn mầm mống thất bại có khả năng xảy ra xuống đất.

Mô-tơ vận động vù vù không ngơi nghỉ, luôn đem tới cảm giác như sắp cháy hỏng, nếu dội nước lên, dội nước lạnh lên thì nó vẫn phải tiếp tục vận động, không thể dừng lại, trước khi chạy đến đích thì không được dừng lại.

Họ trải qua hai buổi cuối tuần trong tình trạng đầu tắt mặt tối đến là im ắng, cuối cùng cũng nhắc đến chuyện thi xong đi đâu vào đêm trước khi xông pha phòng thi.

Về nhà không?

Từ lần trước khi Hứa Uẩn Triết trở lại từ Tĩnh An, hai người tan rã trong không vui với người nhà xong thì không còn liên lạc với bố mẹ nữa. Sau đó, cả hai một lòng ôn thi, cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện gia đình, mà Hứa Nghiễn Thâm và Hứa Vân Uyển cũng không liên lạc gì với họ.

Cứ thế mà kết thúc ư?

Cõi lòng Hứa Tĩnh Xu bỗng cảm nhận vài phần trống vắng, bèn sinh nghi cuộc cãi vã giữa mình với bố là vì cái gì nếu vốn dĩ Hứa Nghiễn Thâm đã chẳng thèm đếm xỉa gì đến lời cậu. Đúng là ngạo kiều, dù đã nói rất muốn đi rồi, song nếu Hứa Nghiễn Thâm không giữ lại thì cậu lại rất không cam lòng.

“Thi xong hai đứa mình về nhà lấy đồ đạc nhé?” Hứa Tĩnh Xu đắn đo một lúc, đoạn dè dặt hỏi, “Anh nói xem, họ có để chúng mình đi không?”

Hứa Uẩn Triết “Ừ” một tiếng, hỏi ngược lại: “Nếu họ không cho thì sao?”

Hứa Tĩnh Xu hạ quyết tâm: “Vẫn đi chứ.” Vừa dứt lời, đầu cậu đã được Hứa Uẩn Triết xoa nhẹ.

“Nếu thi xong đi luôn thì chúng mình phải kiếm được số tiền học phí và phí sinh hoạt cơ bản, còn cả chi phí đi đường nữa. Chúng mình sẽ sống ở đâu? Em đã nghĩ tới chưa?” Hứa Uẩn Triết hỏi.

Hứa Tĩnh Xu chưa nghĩ đến thật, hoặc, cậu gửi gắm niềm tin vào “thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng”, cho nên chuyện chưa tới ngay trước mặt thì cậu sẽ không lo lắng gì. Song chỉ còn hai ngày nữa là tạm biệt, nếu muốn đi thì ít nhất cũng phải sắp xếp sẽ ở đâu lúc nghỉ hè này. Cậu nghĩ đoạn, trả lời: “Chúng mình đi Mai Dẫn nhé? Hai năm trước em đi học ở đó, đi làm cũng ở đó, quen đường quen nẻo hơn Hoài Tả. Hơn nữa mức chi tiêu ở Mai Dẫn không cao như Tĩnh An, chúng mình tìm một căn phòng cho thuê ngắn hạn nho nhỏ, tạm thời ở đó ba tháng là có thể đi học được rồi.”

Tuy sau khi ra quyết định đó khó tránh khỏi thấy cực kì khó khăn, nhưng khi thật sự thực hiện từng bước kế hoạch một, theo lí tưởng thì kế tiếp sẽ không gặp chuyện khó nhằn gì.

Song, trừ đi tiền thuê nhà và phí sinh hoạt ba tháng thì hai người phải kiếm đủ số tiền đi học ra sao? Tiền học phí năm đầu của cả hai và tiền ở kí túc xá, cộng lên cũng phải hơn một vạn tệ – Đó thực sự là một con số rất không tưởng đối với một Hứa Tĩnh Xu bây giờ chi tiêu hàng tháng chỉ có mấy trăm tệ.

Hứa Uẩn Triết thở dài, chợt nói: “Hồi anh học cấp hai từng chơi CFT, sau đó lui giới, bán tài khoản được gần ba nghìn tệ. Mấy năm nay ở trường suốt, không chi tiêu mấy, vả lại bình thường cũng hay tích tiền tiêu vặt, bây giờ đã có bốn nghìn… Cũng đủ non nửa rồi. Máy tính không bán được, đi học phải dùng. Những cái khác không quan trọng lắm thì anh muốn bán lấy tiền.”

“Ừ ừ.” Hứa Tĩnh Xu gật đầu tán thành, bất chợt hào hứng thốt lên, “Em cũng sẽ bán tài khoản của em! Có khi cũng được mấy nghìn đó! Ơ này? Uẩn Triết ơi, anh bán tài liệu ôn thi của anh thì sao? Em thấy trên mạng có người đầu cơ trục lợi cái này đó. Nếu anh đạt Trạng Nguyên kì thi đại học trên toàn Hoài Tả thì sẽ có thể bán được nhiều tiền lắm!”

Vốn là một chuyện hết đường xoay xở, nhưng thật ra ngẫm lại cũng ổn thỏa, lại nghe thấy cái giọng phấn chấn của Hứa Tĩnh Xu, hắn không khỏi bật cười thành tiếng.

“Nghĩ lại thì… Kích động ghê, có thể sống chung thật rồi.” Hứa Tĩnh Xu im bặt, chợt hỏi, “Uẩn Triết này, anh có lưu luyến không?” Theo như cậu biết, Hứa Uẩn Triết vẫn luôn muốn đi.

Nhớ tới Hứa Vân Uyển, hắn chau mày đáp: “Có chứ, nhưng nếu con người ta cứ lưu luyến mãi thì sẽ không thể bước về phía trước được. Mà để sau đi, anh nghĩ mai sau họ sẽ sống rất hạnh phúc.”

Hứa Tĩnh Xu nghe mà thấy nghèn nghẹn, mãi sau mới khẽ đáp: “Ừ.”

“Ngủ đi.” Hắn hôn lên khóe mày cậu, “Mai thi rồi. Hãy ngủ cho đã, thi đạt thành tích tốt.”

“Ừm.” Hứa Tĩnh Xu ôm chặt hắn, nhắm mắt lại.

Không biết đó là may mắn hay bất hạnh mà ngày đầu tiên thi đại học, Hứa Uẩn Triết ngồi trong phòng thi gặp đề viết luận của bài thi môn Văn là “Buông xuôi”.

Đối mặt với cái đề này, Hứa Uẩn Triết ngớ người mất mấy giây, đoạn nở nụ cười đắng chát.

Hắn sửa sang lại suy nghĩ của mình ngay, lục lọi những luận điểm có thể chứng minh cái đề này trong những bài đọc kinh điển và lịch sử hắn đã từng đọc, phần tán đồng lôi luận cứ chứng minh ưu điểm của việc mạnh dạn rũ bỏ, phần phản đối chứng minh hậu quả mà việc không từ bỏ đem đến, cuối cùng viết thành một bài văn nghị luận giàu cảm xúc.

Lúc dừng bút, hắn kiểm tra lỗi chính tả trong bài văn, chẳng hề tìm thấy bóng dáng của mình trong đó. Vẫn như những lần làm văn xưa nay, hắn không đưa quá nhiều cảm xúc cá nhân vào trong bài để tiện cho người khác đọc và cho điểm.

Khá nhiều đề môn Văn là đề mang tính chủ quan, không có một đáp án rõ ràng và chính xác nào. Hứa Uẩn Triết kiểm tra lại nội dung trên đề bài, đảm bảo rằng hắn đã không sai sót gì trong cái đề văn chỉ một nhưng có nhiều đáp án này. Hắn không nghĩ nhiều, mà cũng chẳng dám, chỉ sợ hơi đễnh đãng một chút thôi là bao cố gắng suốt ba năm nay sẽ thành công dã tràng.

Cuối cùng, lúc tiếng chuông kết thúc buổi thi reo lên, hắn chợt nhớ tới Hứa Trọng Ngôn.

Plato đã đưa ra một mệnh đề triết học: Ta là ai? Ta tới từ đâu? Ta muốn đi đâu?

Đây là ba câu hỏi sâu xa và lững lờ, có rất nhiều người cả đời còn chẳng nghĩ đến ba câu hỏi cuộc sống này. Vào lúc sắp trưởng thành, Hứa Uẩn Triết bỗng dưng nhận ra câu trả lời cho những câu hỏi này quan trọng với bản thân hơn bao giờ hết, và hắn cần biết đáp án hơn bao kẻ khác.

Nếu hắn quá đỗi quyến luyến Hứa Vân Uyển, vậy đa phần cái “quá đỗi” đó là sự nghi ngờ và cảm thông mà hắn chẳng thốt ra.

Sau khi ông ngoại và bà ngoại kết hôn chưa được bao lâu thì đã sinh mẹ ra, và ngay sau đó, bà ngoại đã bỏ trốn với người khác.

Đối với ông ngoại và mẹ, đây chắc chắn là sự phản bội đáng căm hận nhất. Sau khi bị chính mẹ đẻ ruồng bỏ, mẹ tự cho rằng mình cũng ôm nỗi oán hận như bố ruột, hai người sống nương tựa vào nhau, cho nên bà tin cậy và kính yêu bố mình như một lẽ đương nhiên, đồng thời cũng nhận được niềm yêu thương của bố.

Mãi cho đến một ngày.

Rốt cuộc quan hệ giữa hắn và ông ngoại là gì, và giữa mẹ với ông ngoại là gì?

Vào một ngày nào đó của mười chín năm về trước, phải chăng Hứa Vân Uyển cũng từng ôm hoài nghi tự hỏi chính bản thân bà, thậm chí hỏi cả Hứa Trọng Ngôn? Song có lẽ bà không có đáp án, mãi đến tận khi hắn được sinh ra mới vạch trần hết tất cả.

Hứa Uẩn Triết phát hiện, hóa ra đối với Hứa Vân Uyển, hắn là một câu trả lời đủ để nghiền nát toàn bộ thế giới của bà. Nhưng bà lại nói, mẹ yêu con.

Trước khi ra khỏi phòng thi, Hứa Uẩn Triết nhận điện thoại của mình từ chỗ giáo viên coi thi.

Lúc này, dù điện thoại đã khởi động lại nhưng vẫn chẳng có tín hiệu nào. Hứa Uẩn Triết bèn tìm một dãy số trong danh bạ, đợi kết nối.

Phòng thi của Hứa Tĩnh Xu nằm ở một tòa nhà dạy học khác, Hứa Uẩn Triết vừa chạy đến đó vừa đợi cuộc gọi với tín hiệu mỏng manh sẽ chuyển được.

“A lô? Chào ngài.” Trong tiếng sóng điện xào xạc là một giọng nói vô cảm.

Hứa Uẩn Triết nắm chặt điện thoại, cố giữ vẻ bình tĩnh: “A lô? Chào anh, bác sĩ Tề. Em là Hứa Uẩn Triết, là người đã đến bệnh viện số 5 để thăm Hứa Trọng Ngôn, là cháu ngoại của ông ấy. Lần trước… Anh đã cho em cách liên lạc.”

Nghe hắn giới thiệu xong, giọng của Tề Tương mới hơi có độ ấm: “À, chào cậu.”

“Là thế này…” Hứa Uẩn Triết gãi trán, cuối cùng vẫn không hỏi bệnh tình của Hứa Trọng Ngôn mà hỏi, “Em muốn anh tư vấn về một việc này, đó là phí trị liệu nằm viện của ông ngoại em đã được chi trong vòng bao lâu?”

Có lẽ đây là một đáp án khó có thể mở lời đối với một bác sĩ. Anh ta trầm ngâm một lát, giọng thấp xuống: “Ba năm.”

Nghĩa là phải nằm viện trong thời gian dài, hệt như điều Hứa Uẩn Triết đã nghĩ. Hắn mím chặt môi, thốt ra một câu đầy cảm kích: “Vâng, cảm ơn anh. Chào anh.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.