Thanh Triều Ngoại Sử 2

Chương 116: Mang ơn (thượng)




Cửu Dương ngồi trong thư phòng một lát bỗng có tiếng gõ cửa, chàng cất tiếng uể oải hỏi:

- Ai đấy?

- Nô tì đây ạ!

Cửu Dương rời ghế đi mở cửa.  Tuệ Dung đứng ở ngoài hành lang nhìn chàng, gương mặt nàng tái nhợt với cặp mắt đỏ hoe, nàng nhìn chàng nói như cầu cứu:

- Nô tì vừa nhận được tin cha qua đời, nô tì là con duy nhất trong nhà, ngoài nô tì dưới quê không còn bà con, thỉnh đại nhân cho nô tì về quê vài ngày được không ạ?

Cửu Dương khẽ liếc mắt nhìn trời:

- Nàng mau đi thu dọn hành lí, chúng ta lên đường ngay.

- Không dám làm phiền đại nhân, nô tì tự về Thừa Đức được, chỉ cần đại nhân cho nô tì mượn một con ngựa, nô tì sẽ khởi hành ngay.

- Lần trước ta đi Thừa Đức dọc đường đã thấy rất nhiều người bị bọn cướp giết hại, nàng không thể đi một mình được, hơn nữa đi trong đêm tối sẽ gặp nhiều rắc rối, ta cũng có chuyện phải đến Thừa Đức chi bằng để ta đi theo bảo vệ nàng.

Trong lòng Tuệ Dung đang nôn nóng muốn đi nhanh, bèn nói:

- Đa tạ đại nhân.

Nói xong, Tuệ Dung trở về phòng ngủ của nàng sửa soạn hành lí.

Nàng đang lúi húi xếp áo quần bỏ vào chiếc túi vải bỗng nghe Uyển Thanh gọi thúc vào bên tai, ngẩng lên nhìn.  Uyển Thanh ôm lấy Tuệ Dung, vừa khóc vừa dúi vào tay Tuệ Dung một số tiền.  Tuệ Dung cũng ôm Uyển Thanh khóc ròng, từ khi hai người gặp nhau đến bây giờ, hơn mười ba năm, chưa bao giờ giấu nhau một chuyện nhỏ nào, tình nghĩa như chị em ruột, lần này nhà Tuệ Dung có chuyện, Uyển Thanh lại không thể đi theo giúp đỡ gì cho bạn được, nàng còn phải ở lại kinh thành trông coi căn phủ, và làm việc cho tam mệnh đại thần.  Tuệ Dung từ giã Uyển Thanh rồi đeo bọc hành lí lên vai, với vội lấy chiếc áo khoác ngoài và rời khỏi phòng.  

Tuệ Dung ra trước cổng dinh thự thấy Cửu Dương đã ngồi trước cỗ xe, nàng định giành lấy dây cương để đánh xe thì chàng nói: 

- Tuệ Dung à, ta với nàng trên thực tế là chủ tớ, nhưng lúc nào ta cũng xem tất cả những người trong căn phủ này như người nhà.

Tuệ Dung cảm động trìu mến nhìn chàng, rồi vào ngồi trong xe.  Cửu Dương cho ngựa chạy ra khỏi cổng thành.  Bấy giờ nơi chân trời ráng chiều đỏ rực sáng ngời.  Gió thu lành lạnh, lá của hàng cây bên đường bay lả tả. 

Từ kinh thành đến Khách La thôn Thừa Đức quả thật con đường vắng vẻ, đèo suối cheo leo… Khoảng cuối canh hai Cửu Dương đánh xe xuyên qua một khu rừng thông âm u.  Tuệ Dung nhìn qua liếp mành, nghe đâu đấy có tiếng sói lang tru lên lanh lảnh, xen vào đó là những tiếng rì rào của gió rít phảng phất như tiếng rồng gào.  Tiếng sói tru và tiếng gió thổi giữa đêm dài canh vắng trong miền hoang dã nghe thật rùng rợn làm sao.  Tuệ Dung nhủ bụng chỉ cần hai người xuyên qua cánh rừng này là đến thôn làng của nàng.  Nhưng Tuệ Dung biết khu rừng này đầy gian nan vì thường xuyên xuất hiện bọn thảo khấu giết người cướp của.  Tuy võ công của nàng cũng khá ổn nhưng một thân một mình nàng biết mình khó mà vượt qua những hiểm nguy kinh khiếp đó, may là nàng có chàng...  

Tuệ Dung đang miên man suy nghĩ, bỗng dưng con ngựa hí lên thật lớn, một tràng âm thanh như xé toạc màn đêm.  Nàng giật mình vén rèm chui ra phía trước cỗ xe, định hỏi vì sao con ngựa thình lình hí vang trời thì Cửu Dương nhìn nàng nói:

- Đừng lo, ta sẽ bảo vệ nàng.

Sau khi nói xong, chàng tiếp tục nhìn thẳng ra trước, giữ vẻ mặt bình tĩnh và tiếp tục vung chiếc roi da quất từng nhát thật mạnh vào lưng con ngựa.  Chàng biết chàng phải chóng cho ngựa chạy qua khu rừng này, càng nhanh càng tốt, để thoát khỏi vùng đầy nguy hiểm này.

Tuệ Dung trở vào ngồi lại trong xe, nhưng không yên tâm, nàng vén tấm màn vải che nhìn ra ngoài.  Bỗng nhiên nàng nghe có tiếng vó ngựa cuồn cuộn tới như vang động, những tiếng la hét kinh hoàng dần dần vọng đến.

Cửu Dương cũng đã nghe rõ tiếng bọn cướp núi thúc ngựa phóng nước đại đến gần xe.  Chàng lại dùng roi quất vào lưng ngựa để sai khiến con ngựa phóng đi, nhưng bọn cướp hùng hổ phi những con ngựa to khỏe đã như mũi tên xẹt đến.

Cửu Dương thấy tình thế nguy khốn, nói lớn:

- Nàng hãy ngồi cho vững!

Rồi cho ngựa rẽ sang phải, bỏ con đường lớn theo con đường mòn nhỏ chạy nhanh vào rừng thông.  Chàng liên tục dùng roi quất vào lưng ngựa thúc giục phi nhanh.  Có lẽ đau đớn vì làn roi quất mạnh nên con ngựa lồng hét lên vọt nhanh như gió cuốn. 

Bọn cướp đuổi theo hai người vào rừng thông, Tuệ Dung nghe tiếng thét lớn ở phía sau:

- Hãy đuổi nhanh lên, bắt lấy chúng nó ngay!   

Cửu Dương đánh xe vô cùng thiện nghệ lại thêm con ngựa tốt, chạy rất nhanh.  Tuệ Dung ngồi trong xe, nhìn ra cửa sổ, thấy xe ngựa của bọn nàng đã bỏ bọn cướp lại khá xa, nàng vừa mừng vừa nép mình sát bên hông xe, tay bám chặt vào cửa sổ vì sợ bị hất tung ra ngoài với sức phi nhanh của con ngựa.  Nhưng nàng chỉ vui mừng được một thoáng chốc, một rừng mưa tên bắn đến nghe veo véo, một mũi tên xuyên vào trong thùng xe ghim phập vào sàn gỗ, ngay bên cạnh túi hành lí của Tuệ Dung.  Thì ra bọn cướp cũng đã mai phục bên trong khu rừng này rồi.

Tuệ Dung lại chui ra phía trước cỗ xe, dùng túi hành lí giúp Cửu Dương gạt các mũi tên đang bay bắn vào chàng, một loạt những tiếng lục bục, cả chục mũi tên ghim hết lên khung xe.  Tuệ Dung còn chưa thở phào, một loạt mấy chục cây tên nữa bắn tới trước mặt, Cửu Dương đưa tay trái ra chụp lấy, rồi ném mấy mũi tên cắm xuống đất, đuôi tên rung động không ngớt.

- Nàng trở vào trong xe mau! - Cửu Dương nói nhanh - Ở ngoài này nguy hiểm lắm!

Lời nói chưa dứt, lại có một loạt âm thanh xé gió rít đến hai bên tả hữu, bọn cướp phục kích hai bên đường cách cỗ xe khá gần, mũi tên nào cũng có thể lấy mạng.  Nhưng lần này bọn chúng không chỉ bắn tên mà còn bắn ra một loạt kim châm.  Cửu Dương vừa đánh xe vừa phải gạt đỡ loạn tiễn và kim châm, Tuệ Dung vẫn còn ở bên cạnh giúp chàng.  Chợt Cửu Dương thoáng thấy phía vai phải Tuệ Dung lóe sáng, biết nàng sắp sửa trúng ám khí trong bóng đêm mù mịt bèn chụp lấy cánh tay nàng kéo nàng nằm rạp xuống sàn xe.  Chỗ vai phải Cửu Dương vì thế trúng ba cây kim châm, nhưng chàng mặc kệ vết thương trên vai, vẫn quất liên tục những làn roi mạnh mẽ trên lưng con ngựa.

Cửu Dương thành công đánh xe ra khỏi khu rừng, con ngựa chạy trên con đường đất đỏ dẫn đến một thôn làng bỏ hoang, nơi này đã không còn nằm trong địa phận của bọn cướp nữa.  

Cửu Dương cho xe dừng trước một ngôi đình tĩnh mịch chìm đắm trong làn sương mờ mờ.  Trời còn chưa sáng, tiếng dế cùng với đám côn trùng nỉ non dưới lớp cỏ tranh.  Cửu Dương và Tuệ Dung xuống xe, cùng đi vào đình ngồi xuống nghỉ ngơi.  Tuệ Dung quay sang chàng nói: 

- Để nô tì xem vết thương giùm ngài.

- Không cần, để ta tự giải quyết.

- Không được, để nô tì giúp ngài!

Tuệ Dung nói rồi không đợi chàng kịp phản ứng, cởi áo chàng ra cúi người xem xét.

Cửu Dương mỉm cười nói: 

- Nàng đừng lo, ta không sao đâu.  Hoàn toàn không chảy máu, da thịt vẫn nguyên mà.

Nhưng Tuệ Dung nghiêng mắt nhìn vai chàng rồi nói: 

- Sao lại không sao?  Kim châm ghim sâu vào vai ngài thế này, tới sát tận xương, đau đớn chẳng khác gì bị chém ba đao.

Rồi nàng cau mày:

- Phải làm sao bây giờ, ba mũi kim này đáng lẽ phải dùng nam châm để hút ra nhưng chúng ta hiện thời không có nam châm? 

Sắc mặt Cửu Dương vẫn không thay đổi, chàng lấy trong áo ra một con dao nhỏ, Tuệ Dung thấy chàng giơ con dao lên, biết chàng định lấy dao xẻ thịt để rút chúng ra.

- Khoan đã, chờ một lát!

Tuệ Dung gọi giật, nàng nghĩ tới chuyện chàng cầm dao xẻ vào da thịt chàng thì không khỏi kinh hoàng.

Cửu Dương hạ dao xuống nói: 

- Ta bị thương thế này đã quen rồi, nàng không cần phải lo, ta chịu được mà. 

Đoạn chàng lấy trong áo ra một mồi lửa nói:

- Phiền nàng đi lượm một ít cành cây và cỏ khô đốt lên thành tro.  Sau khi ta rút kim châm ra sẽ cần tro phủ lên vết thương.

Tuệ Dung theo lời, đi tìm các cành cây khô.  Một lát sau nàng trở vào trong đình đốt một đống tro lớn rồi đến ngồi đối diện chàng hỏi đủ chưa.  Cửu Dương mỉm cười đáp:

- Chừng đó đủ để bó một trăm vết thương.

Chàng vừa trả lời vừa đưa đơn đao lên, bắt đầu đưa đao chích vào thịt rồi nhẹ xoay mũi đao một chút, máu tươi lập tức trào ra.  Tuệ Dung thấy chàng cắn chặt răng không để bật lên tiếng kêu nào, nhưng những giọt mồ hôi lớn như hạt đậu đã tuôn ướt đẫm đầu.  Chàng đặt con dao bên cạnh chiếc áo đang nằm dưới đất, dùng mấy ngón tay phanh vết thương ra để lộ đuôi kim châm, rồi đưa hai ngón tay kẹp chặt, dùng sức rút ra.  Tuệ Dung nắm lấy vạt áo nàng, xé một miếng vải lớn dùng làm khăn lau bớt máu tươi cho chàng.

Sắc mặt Cửu Dương trắng bệch, nhưng vẫn mỉm cười: 

- Tiếc là loại kim này không có lỗ xâu chỉ, không thì có thể tặng cho nàng thêu thùa.

Tuệ Dung đáp: 

- Nô tì không biết thêu thùa gì cả.  Hồi còn nhỏ mẹ nô tì mất sớm, cha có bắt nô tì thử thêu, nhưng mới được mấy đường nô tì đã làm gãy kim, hỏng luôn cả khung thêu.  Nô tì nói: “Cha ơi! Con thêu không được.  Cha dạy cho con đi.” Nhưng cha nô tì làm sao mà biết thêu thùa. 

Trong lúc Tuệ Dung nói chuyện, Cửu Dương lại rút một cây kim châm nữa ra.  Tuệ Dung vừa lau vết máu cho chàng vừa nói tiếp: 

- Nô tì vốn cũng không thích học thêu, sau này theo Ngao đại nhân, chỉ quen luyện tập đao thương, làm gì có thời gian học thêu thùa, nhưng Uyển Thanh lại rất rành mấy chuyện kim chỉ này, cô ấy một mực đòi dạy nô tì.  Nô tì không chịu, cô ấy bèn nói: “Nếu cô không chịu học thêu thùa thì sau này xem có lấy được chồng hay không?”

Cửu Dương nghe Tuệ Dung nói chuyện nhưng tay chàng vẫn không dừng, mũi kim châm thứ ba đã được rút ra.  Sau đó Tuệ Dung giúp chàng lấy tro đắp lên vết thương, rồi nàng lại xé vạt áo của mình dùng buộc chặt lại vết thương trên vai chàng.  Tuệ Dung thấy chàng máu me đầy mình mà vẫn như không, không khỏi phục thầm, nàng nghĩ nếu nàng mà dùng dao tự xẻo vào thịt mình, chắc nàng phải la hét ầm ĩ rồi. Nàng lại nghĩ đến khi nãy chàng vì lo cứu nàng mà bị thương, không khỏi chạnh lòng.  Nàng băng bó vết thương cho chàng xong bèn nói: 

- Ngài ngồi đây, để nô tì đi lấy nước cho ngài uống.

Cửu Dương gật đầu, tựa lưng vào vách đình nhắm mắt lại.  

Tuệ Dung ra trước ngôi đình, đến chỗ cỗ xe đang đậu tìm bầu đựng nước nhưng cái bình hồ lô bị mấy chục cây tên bắn vào nên đã cạn ráo nước.  Tuệ Dung khá thông thuộc địa thế nơi này, bèn chạy theo con đường mòn vài trăm bước thì thấy một con suối nhỏ.  Mưa to mới dứt, nước suối còn chảy rất mạnh.  Nàng rửa sạch máu trên tay rồi cúi người xuống suối, đột nhiên thấy bóng mình dưới nước, đầu tóc bù xù, y phục nhăn nheo, mặt đầy tro bụi, nhìn không ra con người nữa. Nàng bất giác nghĩ: “Hỏng bét! Chàng đã thấy bộ dạng tiều tụy của mình rồi!”

Tuệ Dung lập tức soi mình dưới suối để rửa mặt sạch sẽ, dùng mười ngón tay làm lược cào sơ lại mái tóc, thắt bím đàng hoàng.  Sau đó nàng mới nhớ là không có gì để đựng nước mang về, nàng chần chừ một chút rồi nghĩ ra, cởi chiếc áo khoác đang mặc giặt giũ sạch sẽ rồi thấm ướt sũng, xách chạy về.

Lúc nàng quay lại, Cửu Dương vẫn còn nhắm mắt dưỡng thần.  Tuệ Dung thấy chàng mệt mỏi như vậy mà vẫn cố giả vờ không sao, không khỏi thương xót trong lòng.  Nàng kêu chàng mở miệng ra, Cửu Dương làm theo.  Tuệ Dung vắt nước trong áo vào cho chàng.  Sau đó Tuệ Dung định giúp chàng mặc lại áo, nhưng khi nàng định cầm lên chiếc áo của chàng thì chợt thấy một con nhện đen to gần bằng một nắm tay đang từ từ bò về phía hai người.  Nó dừng lại bên cạnh con dao.  Ở khoảng cách này, Tuệ Dung có thể nhìn rõ chân của nó, đầy những lông trông vô cùng đáng sợ.

Nhện đen từ bỏ con dao, bò lên chiếc áo Cửu Dương rồi hướng về phía chàng và nàng.  Nó bò nhanh tới, Tuệ Dung thét lên một tiếng khiếp đảm.

Cửu Dương nghe tiếng la tức thì mở mắt ra, chàng thấy Tuệ Dung nhăn mặt như đang đau, tưởng nàng bị thương ở đâu liền hỏi: 

- Sao rồi?  Nàng thấy sao rồi?

Tuệ Dung không trả lời, chỉ tay về phía con nhện rồi nhảy phóc vào trong lòng Cửu Dương ôm lấy eo chàng.  Cửu Dương nhìn theo hướng tay chỉ của Tuệ Dung, thấy con nhện to tướng đang bò về phía hai người.  Chàng bèn nhặt lên một cành cây khô, huơ huơ cành cây đuổi được con nhện chạy đi.

- Không sao, ta đuổi nó đi rồi. 

Tuệ Dung vẫn còn ôm cứng lấy Cửu Dương, vùi mặt vào lồng ngực săn chắc của chàng run run nói:

- Lúc trước nô tì tuân lệnh Ngao đại nhân làm việc trong đại lao, chuyên nhìn thấy cảnh binh lính của ngài ấy dùng nhện đen ăn từng miếng thịt của các tù nhân để tra khảo họ, cho nên sau này nô tì trông thấy nhện là không thể chịu đựng nổi.

- Đừng sợ, ta sẽ bảo vệ nàng.

Cửu Dương lại nói.  Chàng vừa lên tiếng trấn an vừa vỗ về trên vai Tuệ Dung.  

Vòng tay êm ấm của chàng và bảy từ ấy đã hoàn toàn dập tắt sự hoảng loạn trong lòng nàng.  Tuệ Dung ngước mắt lên nhìn Cửu Dương, chàng nhìn xuống nàng khẽ cười.  

Tuệ Dung ngồi trong lòng Cửu Dương, cảm thấy trái tim vô cùng ấm áp, toàn thân cũng ấm áp.  Hơn nữa ánh lửa bập bùng phản chiếu trên gương mặt trông chàng tuấn tú đến mê người.  Khi chàng cười bờ môi hơi rướn lên một độ cong khiến nàng say đắm.  Có vài sợi tóc xõa xuống bả vai rộng dài của chàng.  Nụ cười của chàng trong đêm đó đẹp đến nỗi mai này nàng không thể nào quên.  Còn giờ phút này đây, trong đầu óc nàng cũng chỉ toàn là hình ảnh của chàng.  Xưa nay nàng vẫn coi chàng là chủ nhân, hoàn toàn không có tình cảm nam nữ gì.  Không ngờ khi chàng bị thương, lại lo lắng chăm sóc cho nàng, nên những xa cách trước đây, bức tường vô hình nàng xây cho chàng hoàn toàn bị nàng xóa hết.  Lúc này Cửu Dương lộ vẻ quan tâm nàng vô cùng.  Cả đời nàng lăn lộn giang hồ, không màng sống chết, đối mặt với biết bao âm mưu quỉ kế, chưa bao giờ được nghe những lời dịu dàng như vậy.  Tuệ Dung không nén nổi cảm động, ngồi ngẩng đầu nhìn chàng không biết nói gì.  Một lát sau Tuệ Dung sực tỉnh, buông đôi tay đang ôm ghì lấy eo chàng ra, nàng cũng trèo ra khỏi lòng chàng.  Hai người ngồi nghỉ thêm một lát nữa rời khỏi ngôi đình, bấy giờ tiếng gà eo óc gáy sáng.

(còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.